Ánh đèn mờ ảo trong khu ghế VIP của một nhà hát kịch nhuộm một màu tĩnh lặng. Tiếng dương cầm và giọng nữ cao thanh thoát hòa quyện, như một dòng sông âm thanh cuốn không gian vào trạng thái lơ lửng. Giữa làn khói thuốc mỏng, Lộc - người đàn ông tóc điểm bạc dù mới ba mươi - ngồi thẳng lưng, khuôn mặt hướng về sân khấu. Thời gian và một nỗi đau không tên đã khắc lên anh vẻ già nua sớm muộn. Mái tóc muối tiêu phủ gần hết vầng trán rộng, nhưng dáng ngồi kiêu hãnh, bờ vai vững chãi vẫn phảng phất bóng dáng một thanh niên từng đầy sức sống. Đôi mắt anh nhắm nghiền, đôi tai chăm chú dõi theo từng nốt nhạc, từng lời thoại như thể chúng là sợi dây kết nối anh với thế giới hữu hình đã mất.
Một tiếng xoạt nhẹ. Hơi thở ai đó cúi thấp bên tai: “Thưa ngài, ngài cần...?”
Hai bóng đen lập tức chắn ngang. Chỉ một cái vẫy tay khẽ của Lộc, họ tan vào bóng tối như chưa từng hiện diện.
“Vẫn là cái trò nghe giọng đoán người đấy à, bác Sơn? Cháu mù chứ có bị điếc đâu, bác? Đôi tai này còn nhạy chán!”
Giọng cười người đàn ông trung niên vang lên hóm hỉnh, ánh mắt hiền hậu nhưng giọng đầy trách móc “Lần nào gặp cũng thấy cháu nghe mấy vở tình cảm sướt mướt. Sao không kiếm bạn gái đi trải nghiệm thực tế cho rồi, Lộc?”
Lộc cười trừ, lái sang chuyện khác: “Dạo này bác gái còn cằn nhằn chuyện bác hay đãng trí không?”
“Ôi giời! Vừa nhắc là bác nhớ ngay món cá kho tộ của bả! Lần trước quên khóa nước, nước tràn ra như lũ. Bà ấy rề rà suốt buổi, ta ngồi ăn mà tai ù điếng!”
“Ha ha... Ai bảo bác đi chợ quên nửa phần hàng?” Lộc hí hửng nói.
Người đàn ông trung niên mỉm cười ôn tồn: “Thôi... Tối nay qua nhà bác ăn cơm nhé? Bà ấy cứ hỏi hoài sợ cháu gặp chuyện chẳng lành.”
“Vâng! Tám giờ cháu qua, mang thêm mấy chai rượu ngon, bác cháu ta lai rai!”
“Chẳng cần quà cáp gì đâu... người một nhà cả mà!” Ông chú nở nụ cười hiền hậu, những nếp nhăn quanh mắt hằn sâu hơn. “Cháu đến là đủ vui rồi.”
Tiếng đàn bầu ai oán cất lên. Khán giả nín thở theo từng lớp kịch đẫm máu. Từ cảnh êm đềm thủy mặc, sân khấu bỗng chuyển mình thành bãi chiến trường. Lưỡi kiếm loang loáng dưới ánh đèn đỏ rực. Tiếng xương gãy khô khốc. Máu giả nhuộm đỏ sàn diễn.
“Chỉ ở đây...” Lộc, gương mặt hướng về sân khấu dù không thấy gì “...kịch mới sống động như thật!”
Đột nhiên trong khi đang thưởng thức đoạn kết vở kịch, một người thanh niên trẻ gõ cửa, sau đó hồn nhiên tiến thẳng đến trước mặt ông. Hai vệ sĩ lập tức chắn lại, thế đứng sẵn sàng.
“Cậu định làm gì?” Một người quát.
Người thanh niên nhẹ nhàng cười: “Lâu lắm rồi chưa gặp, cậu vẫn như xưa vẫn thích xem vở kịch sướt mướt như thế này, không chán à?”
Lộc, ân cần vẫy tay: “Lui ra. Người quen.” Khi hai vệ sĩ khuất vào bóng tối, Lộc quay về phía giọng nói mới, giọng ấm áp như gặp lại tri kỷ: “Không ngờ đấy, nay lại có nhã hứng đến đây nghe kịch với tôi ư!”
“Không đâu!” Người thanh niên lắc đầu, “tôi không hứng thú với vở kịch tình yêu sướt mướt kiểu này đâu… Hôm nay tôi đến là để xem bộ sưu tập thời trang của nhà thiết kế mới nổi, nghe nói nửa năm về nước đã thành lập thương hiệu riêng, được giới chuyên môn đánh giá cao về sự sáng tạo và đổi mới. Bộ sưu tập lần này nghe đâu lấy cảm hứng từ cổ phục nhưng được cách tân đầy hiện đại.”
Nghe đến cụm từ “nhà thiết kế”, Lộc như chùng xuống. Một thoáng im lặng.
“Cậu... thích xem biểu diễn thời trang từ bao giờ thế?” Giọng cậu khẽ khàn.
“Không đâu,” người thanh niên giải thích, “dạo này công ty tôi có dự án du lịch cần hợp tác thiết kế phục trang cho quảng cáo. Hôm nay hẹn nhà thiết kế ở đây để đàm phán. Không biết cậu có nhã hứng đi cùng tôi không?”
“Nhà thiết kế thời trang à…” Cậu lẩm bẩm, như nói với chính mình. Gương mặt cậu đờ đẫn hướng về khoảng không trước mặt. Đôi mắt vô hồn, tưởng chừng đã tắt lịm mọi cảm xúc, bỗng dưng như phản chiếu một nỗi buồn sâu thẳm, xa xăm.
“Sao đấy?” Người thanh niên hỏi khẽ.
“À... không có gì,” cậu thở ra nhè nhẹ, nụ cười gượng gạo thoáng qua. “Chỉ là... nhớ lại chuyện cũ thôi.”
Trong tiếng đàn réo rắt nơi sân khấu, một câu chuyện cũ kỹ nhưng nóng hổi chợt ùa về – ký ức về một cô gái với ước mơ cháy bỏng trở thành nhà thiết kế thời trang. Gương mặt cậu như tái đi một chút, ngón tay khẽ siết chặt thành ghế. Một mối tình, một giấc mơ và một bi kịch đã khiến đôi mắt cậu vĩnh viễn chìm vào bóng tối.
Trở lại hiện thực, Lộc khẽ gật đầu với hai vệ sĩ, một cử chỉ im lặng ra hiệu rời đi. Bóng họ lặng lẽ tan vào dòng người đang ùa ra khỏi nhà hát. Lộc bước lên chiếc xe đặc chủng màu đen, khoang lái và khoang hành khách tách biệt hoàn toàn. Cậu ngồi lại phía sau, một mình trong không gian rộng lớn và tĩnh lặng. Chỉ có tiếng động cơ êm ru và làn hương tinh dầu khuynh diệp dịu nhẹ. Người vệ sĩ kiêm tài xế khởi hành, người còn lại ngồi ở ghế phụ phía trước, sẵn sàng nhưng vô hình sau tấm kính ngăn cách mờ đục.
Lộc nhẹ nhàng đặt ngón tay lên thái dương, nơi chiếc kính mắt công nghệ cao ôm sát gương mặt. Một thao tác nhẹ, giai điệu du dương của vở kịch vừa xem – hay đúng hơn là vừa cảm nhận – lại vang lên trong tai nghe tích hợp. Anh nhắm nghiền đôi mắt vô thần, nhưng thế giới không chìm vào bóng tối hoàn toàn. Đây mới là lý do anh đến nhà hát tối nay, anh nghĩ thầm. Không chỉ để nghe, mà để thử nghiệm.
Công ty do cậu sáng lập – LP – không chỉ là gã khổng lồ công nghệ với những giải thưởng danh giá do chính thủ tướng trao tặng và sự săn đón của các đối tác toàn cầu. Nó còn là đứa con tinh thần, là niềm hy vọng tái sinh giác quan của chính người sáng lập. Sản phẩm mới nhất, dự án bí mật mang tên “Echo Sight”, đã được nhóm của cậu miệt mài nghiên cứu hơn năm trời. Nó không phục hồi thị lực, nhưng mở ra một cách “nhìn” thế giới hoàn toàn mới. Những xung điện này được truyền qua một bộ cấy ghép nhỏ xíu gắn ở vùng xử lý thị giác của não, cho phép não bộ của Lộc cảm nhận được hình dạng, khoảng cách, chuyển động, thậm chí cả màu sắc cơ bản dưới dạng những “bản đồ cảm giác” rung động, nhiệt độ hay áp lực ảo trên da. Không phải là hình ảnh, mà là một trải nghiệm đa giác quan được mã hóa, giúp cậu “thấy” thế giới theo cách riêng.
Sau năm phút lặng yên trong xe, Lộc đã đứng trước cổng nhà bác Sơn.…
Bước tự tin về phía phòng khách, cậu nhẹ nhàng vỗ vai bác Sơn, người đang đọc cuốn kịch bản mới được duyệt. Bác Sơn ồ lên một tiếng rồi vui vẻ mời cậu ngồi vào ghế. “Đến rồi đấy à? Sao không gọi để bác đón.”
“Bác coi thường cháu quá đấy, cháu vẫn có thể nhìn thấy hầu hết các đồ vật qua chiếc kính này đấy!” Lộc dõng dạc tuyên bố.
“Rồi rồi, bác biết sự lợi hại của sản phẩm công ty cháu mà.” Bác Sơn gật gù, sau đó bác ngó vào bếp rồi to tiếng. “Mình à? Cơm nước đến đâu rồi?”
Từ trong bếp vọng ra một tiếng vang, đầy nội lực. “Đây… ông với nó cứ nhắm tạm đĩa lạc ở bàn đợi tôi một lúc, thoát cái là xong ấy mà.”
“Cái chất giọng ấy của bác gái vẫn đầy nội lực như ngày nào bác nhỉ? Tiếc mà lại dừng sự nghiệp mất!” Lộc bĩu môi.
“Gì chứ, bà ấy nghỉ để sắp tới… bọn ta định làm một đứa cho vui nhà… bà ấy cũng ngóng lắm rồi!” Bác Sơn giọng trầm ngâm, gương mặt có chút vừa vui vừa buồn.
“Ý chà… còn làm một đứa cơ đấy! Bác cũng được quá ấy chứ!” Lộc thì được phen cười ra nước mắt, cậu vỗ vào vai bác Sơn, sau đấy cắn mấy củ lạc luộc đợi đến lúc ăn.
Tiếng chảo mỡ xèo xèo từ bếp tắt hẳn, thay vào đó là tiếng bước chân rầm rập quen thuộc. Bác gái bưng ra một nồi cá kho tộ nghi ngút khói, mùi mắm đường, tiêu ớt quyện với thịt cá béo ngậy xông thẳng vào mũi. “Cơm nóng đây! Hai ông con ngồi cả buổi chỉ biết nhấm nháp lạc thế thôi à?” Giọng bà vẫn sang sảng như chuông, nhưng nụ cười tươi rói khi thấy Lộc.
“Cháu chào bác gái!” Lộc cười to, hướng về phía hơi nóng tỏa ra từ nồi cá. Echo Sight lập tức phản hồi, vẽ lên trong tâm trí anh hình ảnh mờ ảo của chiếc nồi đất màu nâu sẫm, làn hơi bốc lên cuồn cuộn. “Thơm quá! Chắc bác trút cả tủ gia vị nhà mình vào đây rồi!”
“Biết ngon thì ăn ba bát cơm vào!” Bác gái dọn mâm, tiếng bát đũa chan chát. “Cứ gầy trơ xương như cái bóng ma thế này, ai nhìn cũng tưởng bác hành cháu đói khát!”
Bác Sơn gắp ngay một khoanh cá béo, bỏ vào bát Lộc: “Đây, của cháu! Bác gái nấu cá kho tộ này, cả phố nổi tiếng! Ăn một miếng, quên hết sầu đời!”
Bữa cơm diễn ra trong không khí ấm áp, rôm rả. Tiếng cười nói, tiếng lật trang kịch bản của bác Sơn, tiếng bác gái kể chuyện hàng xóm tếu táo. Lộc dùng Echo Sight và đôi tay khéo léo để ăn uống gần như bình thường. Anh cảm nhận được vị ngọt đậm đà của nước kho, vị béo ngậy của thịt cá chạch, cái cay nồng của ớt, cái bùi bùi của khoai sọ hầm cùng. Mỗi lần bác gái gắp thức ăn cho anh, giọng bà lại vang lên đầy hóm hỉnh: “Cái này, nó ở ngay trước mũi cháu này! Không ‘thấy’ thì ngửi cũng thèm chảy nước miếng rồi còn gì!”
Giữa bữa, khi tiếng cười vừa lắng xuống sau một câu chuyện vui, Lộc chợt đặt đũa xuống. Một thoáng im lặng nhẹ trôi qua. Anh hướng mặt về phía bác Sơn, nụ cười gượng nhẹ nở trên môi.
“Bác Sơn này... Cháu tính báo với bác một chuyện.”
“Ờ? Chuyện gì mà nghiêm trang dữ vậy?” Bác Sơn nhấp một ngụm rượu, hàng lông mày rậm nhíu lại.
“Cháu... định tạm nghỉ một thời gian.” Giọng Lộc bình thản, nhưng những ngón tay đặt trên bàn khẽ siết nhẹ vào nhau. “Giao lại hết cho ông Tuấn lo.”
Một tiếng “hử?” ngạc nhiên vang lên từ phía bác gái. Bác Sơn đặt ly rượu xuống, âm thanh “cộc” nghe rất rõ. “Nghỉ? Cái cậu làm việc như cái máy, ngủ còn chẳng chịu về nhà ấy à? Bác nghe nhầm không?”
“Không đâu, bác.” Lộc cười, cố gắng giữ giọng vui vẻ nhưng hơi chùng xuống. “Cháu... mệt rồi. Mười mấy năm rồi còn gì. Giờ công ty chạy ổn định, Echo Sight cũng đang trên đà. Cháu muốn... thở một chút. Đi đâu đó, hoặc chẳng đi đâu, ở nhà... ngủ cho đã.” Anh cố nói đùa câu cuối, nhưng nó nghe chơi vơi.
Bác Sơn nhìn cháu chằm chằm, dù biết Lộc không thấy. Ông thở dài một hơi dài như tiếng gió kêu qua kẽ lá. “Ừ... già rồi thì phải biết... ‘đầu hàng’ với tuổi tác chứ nhỉ?” Giọng ông trầm xuống, đượm chút tự trào. “Bác đây này, đi chợ quên nửa phần hàng, khóa nước quên tắt... cũng là dấu hiệu ‘đầu hàng’ đó thôi! Ha!” Ông cố cười to, nhưng tiếng cười nghe hơi gượng.
“Thế cháu định nghỉ lâu không?” Bác gái chen vào, giọng đầy lo lắng. “Cháu không ốm đấy chứ? Hay công ty có chuyện gì?”
“Không có gì đâu bác gái ơi!” Lộc vội vàng trấn an, giọng ấm lại. “Chỉ là... cháu muốn dành thời gian cho bản thân thôi. Mười mấy năm rồi cháu chỉ biết có công ty, có phòng thí nghiệm. Giờ cháu muốn... nghe thêm kịch, đi dạo công viên bằng cái kính này,” anh gõ nhẹ vào gọng kính, “hay thậm chí là học nấu món cá kho tộ ngon như của bác! Biết đâu lại thành... nhà thiết kế ẩm thực!” Anh cố gắng nói đùa, nhưng cụm từ “nhà thiết kế” vừa thốt ra, một bóng mây thoáng qua khuôn mặt anh. Nụ cười tắt dần.
Bác Sơn im lặng một lúc, rồi chậm rãi rót đầy hai ly rượu. Ông đẩy một ly về phía Lộc. “Nào! Vậy thì... chúc mừng cháu sắp được... thất nghiệp!” Giọng ông lại vang lên hóm hỉnh, cố xua đi không khí trầm xuống. “Uống đi! Đời người mấy chục năm, có mấy khi được tự do tự tại? Cứ nghỉ đi! Bác ủng hộ! Nhưng nhớ là...” Ông hạ giọng, giả vờ nghiêm túc “...mỗi tuần vẫn phải qua đây ăn cơm ít nhất hai lần, để bác gái còn có cớ nấu cá kho tộ chứ! Không thì bả lại bắt bác ăn chay!”
“Ôi giời ơi! Ông nói gì láo xược thế!” Bác gái đỏ mặt, giơ đũa lên dọa đánh nhưng mắt lại cười. Cả căn phòng bỗng sáng bừng lên bởi tiếng cười của ba người. Lộc cũng bật cười, nâng ly rượu lên. Vị đắng chát nơi đầu lưỡi hòa cùng cái ngọt ngào của tình thân, và một chút mặn mòi của nỗi buồn không tên – nỗi buồn của một người sắp rời bỏ thứ đã gắn bó như lẽ sống suốt bao năm, dù đó là lựa chọn của chính mình.
Ánh đèn vàng ấm áp trong phòng ăn như ôm lấy họ. Tiếng đũa gõ vào mâm lại rộn ràng. Bác gái tiếp tục gắp cá, dồn đồ ăn vào bát Lộc như sợ cháu đói. Bác Sơn kể tiếp câu chuyện hài về vụ quên khóa nước mới nhất. Lộc cười, gật đầu, uống rượu. Nhưng đằng sau làn kính công nghệ kia, đôi mắt vô hồn dường như nhìn xa xăm về một nơi nào đó không thuộc về căn phòng ấm cúng này, về một tương lai trống rỗng không biết sẽ lấp đầy bằng gì, ngoài bóng hình của một giấc mơ thời trang đã tắt và một “ánh sáng” nhân tạo vẫn còn dang dở.
Tối đấy, Lộc được vợ chồng bác Sơn ép ngủ lại qua đêm, có lẽ vì sợ một người mù say rượu chạy linh tinh. Cậu nằm trên chiếc giường được lót bằng tấm đệm cao su, vừa ngả lưng một cái, như thể cậu đang chìm giữa tấm nệm vậy. Cậu quay sang chiếc bàn bên cạnh, trên đó chiếc đồng hồ đã đứng lại, có vẻ nó đã bị hỏng. Nhìn vào chiếc kim đồng hồ vẫn đứng im, cậu nhắm mắt lại, nhớ lại năm đó, những năm tháng học trò vừa buồn vừa vui ấy…
Bình luận
Chưa có bình luận