Áp lực bủa vây


Mọi ngõ ngách ngoài sân đều được bao trùm bởi ánh nắng cuối đông dịu nhẹ. Những ngày tháng lạnh lẽo dần vơi bớt, khung cảnh tuyệt đẹp như một bức tranh thiên nhiên được người họa sĩ dày công vun đắp. Nhưng thật tiếc làm sao, phong cảnh đẹp nhưng không có người ngắm, bởi vì trong lòng chỉ có một màu tối tăm thì làm sao có thể cảm nhận được ánh mặt trời rực rỡ?

Trong căn phòng đóng kín cửa, rèm vẫn được kéo qua cửa sổ, không một khe hở, giống như sợ người ta nhìn thấy. Kể từ ngày ông không còn bên cạnh, cuộc đời Thuận như thiếu đi ánh sáng. Tại nơi này, chỉ có một mình ông đối xử với cậu như người nhà.

Thuận không muốn bước ra khỏi nơi này vì chẳng muốn đối diện với những lời chua ngoa, đay nghiến từ những con người đáng tuổi cô, tuổi chú. Thuận tự nhốt mình trong căn phòng chứa đầy những ký ức lúc ông vừa nhận nuôi cậu từ trại trẻ mồ côi. Nơi đây như thế giới riêng của Thuận, là vùng an toàn mà ông đã ban tặng lúc cậu vừa dè dặt bước chân vào.

Trong di chúc, ông có viết tên cậu thừa hưởng một phần tài sản. Đó là lý do mà những người con trai và con gái ruột của ông không thể chấp nhận. Ngày hôm đó, họ tức đến đỏ mắt, sẵn sàng buông lời khinh bỉ, trách mắng nặng nề vào đứa trẻ không cùng huyết thống là cậu. Nếu ông đứng ở đây, chắc chắn bọn họ chẳng bao giờ dám nói một lời cay nghiệt nào. Bởi vì từ trước đến giờ, họ đều mang mặt nạ giả tạo. Ai cũng xem Thuận như một đứa con, đứa cháu ruột thịt, nói lời ngon ngọt, giờ ăn thì gắp nhiều món trên bàn vào chén cậu.

Nhưng có một lần tình cờ, Thuận ra sau bếp uống nước vào lúc nửa đêm. Vì đã khuya nên không gian tĩnh mịch, lặng im như tờ. Cậu nghe rất rõ từ phòng của một người cô, hai vợ chồng họ tỏ ra bất bình vì sự hiện diện của cậu trong căn nhà này. Họ xem Thuận là cái gai trong mắt, chỉ muốn nhổ đi. Hóa ra, trước giờ mọi sự quan tâm của họ đều là một vở kịch. Đến hôm nay đã chính thức hạ màn.

Đã có lúc, Thuận muốn rời khỏi cái nơi đầy rẫy sự xấu xa và toan tính này. Nhưng ngôi nhà này gắn liền với từng tiếng cười, giọng nói của ông. Cậu chỉ muốn trở lại những ngày lúc nhỏ, ông dắt cậu ra vườn rồi dạy cậu đánh cờ. Khi Thuận chậm chạp không hiểu, ông lại bật cười rồi kiên trì hướng dẫn.

Ông từng nói cậu giống một người bạn thất lạc của mình. Thuận không thấy buồn vì mình được nhận nuôi do giống một ai đó, mà cậu chỉ cảm thấy biết ơn vì ông đã cho cậu hiểu được định nghĩa của gia đình. Rồi ông còn đặt cho cậu một cái tên mới là "Thuận" với hy vọng cuộc đời của cậu sẽ thuận buồm xuôi gió. 

Cứ ngỡ hạnh phúc thật sự đã đến, nhưng nó lại ngắn ngủi đến chẳng ngờ. Mùa đông năm nay lạnh quá, cái lạnh không chỉ ở ngoài da thịt mà dai dẳng trong tim. Thuận cầm khung ảnh ông và mình chụp chung mà rơi một giọt nước mắt lên tấm kính. Nước mắt thì mặn, lòng cậu thì đắng cay.

Không ngày nào Thuận chìm vào giấc ngủ ngon, nỗi nhớ ông như màn đêm vô tận. Cơ thể mệt mỏi và tinh thần thì tồi tệ. Cứ hễ chạm mặt những người trong căn nhà này là lại nghe những lời mỉa mai. Bình yên của cậu là ở trong chiếc phòng này, không tiếp xúc với ai hoặc lúc không ở nhà.

Hôm nay cũng như mọi ngày, Thuận chuẩn bị đến trường, trốn thoát khỏi cái nơi không còn là nhà nữa. Lúc ra ngoài, cậu đã cố gắng không phát ra tiếng động nhưng dường như những người trong nhà này theo dõi từng đường đi nước bước của cậu, không buông tha một phút, một giây nào.

- Sáng sớm đã gặp thứ gì đâu, hôm nay coi như bỏ.

Thuận đã quen với cái kiểu nói bóng nói gió từ những người thích gây chuyện trong nhà này. Nhưng mà hầu như tất cả đều đồng lòng thì phải, xem cậu như kẻ gây ra mọi tội lỗi, dồn cậu vào chân tường đến khi rời khỏi nhà này mới thôi. Thuận cũng chẳng thiết tha gì nơi này nữa, bởi vì khi không còn ông, ở đây cũng chẳng còn là nhà.

Thuận bỏ ngoài tai lời nói đó rồi đi thẳng ra cổng, họ nói đến chán cũng tự động im thôi. Dù sao thì cậu cũng đã có những dự định cho tương lai, sau khi tốt nghiệp cấp ba cũng sẽ ra khỏi căn nhà này. Tìm một việc làm thêm để đóng học phí, rồi ở trong ký túc xá của trường đại học. 

Năm học lớp mười hai vô cùng quan trọng, cậu phải tập trung cao độ cho kỳ thi sắp tới. Trước đây, ông cũng từng dặn dò cậu: "Con phải cố gắng học cho tốt, vừa giúp cho tương lai và còn thực hiện thay ông giấc mơ còn dang dở." 

Ông kể rằng lúc trẻ nhà rất nghèo, không được học đến nơi đến chốn. Bây giờ mắt đã mờ, đầu óc hay quên thì làm sao nhớ bài được đây?

Thuận nhớ lại vẻ mặt phúc hậu pha chút tiếc nuối của ông khi kể về chuyện xưa, cậu lại đau lòng. Cậu trách mình còn chưa báo hiếu được cho ông một cách chu toàn.

Sân trường rộn rã tiếng nói cười của bạn học, Thuận mang một vẻ đối lập với đám đông vì sự u uất và trầm lặng trên gương mặt của mình. Các bạn học dù không biết chuyện gì vì cậu rất kín tiếng, nhưng cũng chẳng dám liều mạng đến hỏi han vì sợ sẽ bị mắng cho mất mặt.

Thuận thấy đầu mình choáng váng, tầm nhìn mờ ảo không rõ ràng. Cậu không thể chống đỡ nữa nên đột nhiên ngã xuống. Một bạn học nữ tung tăng sải bước ngắm nghía xung quanh thì bỗng dưng có thứ gì va vào chân làm cô ngừng lại. Đan hoảng hốt, cô luống cuống tay chân rồi ngồi xuống, lay người bạn đang nằm lặng thinh trước mặt.

- Cậu... cậu bị gì vậy? Trả lời mình đi. 

Đan sợ hãi, cô vội vàng gắng gượng đỡ Thuận ngồi dậy một cách khó khăn. Đến khi bờ vai mỏi nhừ thì đành đặt người đó nằm lại chỗ cũ. Sức cô yếu ớt sao có thể đỡ một người con trai cao ráo thế này được. Nhìn Đan như sắp khóc đến nơi vì không giúp được bạn mình.

May mắn thay, thầy giám thị đi ngang qua hành lang. Đan như tìm được vị cứu tinh, vội vã gọi thầy giúp bằng giọng run run:

- Thầy ơi... giúp em với ạ!

Thầy giám thị nhìn thấy thì lật đật bước xuống bậc thềm, vừa đỡ Thuận dậy vừa hỏi Đan:

- Em ấy bị làm sao thế? 

Đan ấp úng không biết đường trả lời. Trước giờ cô chưa từng trải qua chuyện này lần nào nên không biết cách xử lý. Sáng đi học, mẹ chỉ dặn cô đừng đi theo người lạ.

- Em... em không biết nữa thầy ơi. Bạn ấy tự nhiên ngã vào chân em, em hỏi thì không nghe bạn trả lời.

Thầy vội cõng Thuận vào trong phòng y tế. Nhưng tình cờ là thầy phụ trách vừa mới ra ngoài. Thầy giám thị đành bắt xe taxi chở cậu học trò đến bệnh viện. Bác sĩ kiểm tra toàn bộ thì đưa ra kết luận là Thuận bị suy nhược cơ thể.

Thầy giám thị đành ở trong phòng bệnh để theo dõi tình hình đến khi cậu tỉnh lại. Ở trường học, Đan cứ thấp thỏm, lo lắng, không biết cậu bạn ấy có xảy ra chuyện gì không, cô lơ đễnh đến mức đụng trúng một bạn nữ. Đan cúi đầu vội vàng nói:

- Xin lỗi, xin lỗi cậu, cậu có sao không?

Cô bạn đó trông có vẻ rất bực dọc, cái chạm không quá mạnh nhưng lại tỏ ra rất đau như bị thương nặng. Mục đích vẫn là muốn gây khó dễ cho Đan.

- Đau chứ sao không? Trẹo vai luôn rồi này. Tưởng cậu chỉ kém thông minh thôi chứ? Đi mà không nhìn đường, xin lỗi có ích lợi gì.

Nghe cô bạn đề cập đến khuyến điểm của mình một cách lộ liễu và lớn tiếng như thế, đến mức những người bạn đi ngang còn ngoái đầu lại nhìn. Đan cũng biết xấu hổ chứ, cô rất sợ ai nói đến việc mình thiếu nhanh nhạy, bởi vì mỗi lần như vậy cô sẽ bị khinh thường, xa lánh.

- Cậu... cậu đừng nói như vậy mà.

Thấy Đan dè dặt sợ mọi người xung quanh nghe thấy, cô bạn nọ càng khoái chí, cất lên giọng nói còn lớn hơn lúc nãy vài phần.

- Tôi biết cậu không thông minh, nên có ý tốt muốn nhắc nhở. Sau này đi đứng nhớ nhìn đường, tại tôi hiền nên không làm gì, chứ gặp người khác là sẽ đánh cậu đó.

Nói xong, cô bạn đi ngang qua còn cố tình đụng trúng bả vai Đan một cái thật mạnh. Đan chao đảo suýt ngã, đuôi mắt cụp xuống, trong lòng tủi thân. Cô vào trong lớp ngồi úp mặt xuống bàn, lén lút rơi nước mắt. Đan cũng chẳng muốn mình kém thông minh, nhưng sinh ra đã như vậy rồi, cô đâu còn lựa chọn nào khác. Chỉ vì khuyết điểm này mà chẳng ai muốn làm bạn với cô. Đến trường lủi thủi một mình, tồi tệ hơn là bị khinh thường như ban nãy. 

Hiện tại, Đan chỉ muốn về nhà, òa vào lòng mẹ rồi khóc, nói hết những uất ức mà mình chịu đựng với ba. Chỉ có hai người họ là yêu thương cô, không xem cô như một kẻ bất thường. Mỗi ngày trôi qua Đan đều cố gắng để theo kịp bài vở, hòa nhập với bạn bè. Cô vẫn có thể hiểu được những kiến thức cơ bản, chỉ là những thứ nâng cao thì sẽ chậm tiếp thu hơn. 

Đôi lúc, ba mẹ vì thương Đan mà muốn cô ở nhà, nhưng cô chẳng muốn họ phải xấu hổ vì mình. Cô từng nghe một người hàng xóm nói với mẹ: "Tội nghiệp quá, con gái chị như vậy rồi làm sao kế thừa sản nghiệp của ba nó đây?"

Dù Đan không hiểu rõ "kế thừa sản nghiệp" là gì, nhưng cô biết người phụ nữ kia nói cô bị như vậy thì làm sao phụ giúp ba mẹ được. Vì câu nói đó mà Đan không cho phép mình bỏ cuộc, cô không muốn bản thân trở thành gánh nặng cho hai người mình yêu thương. 

Tiếng trống trường vang lên, thông báo đến giờ vào lớp. Đan vội vàng lau nước mắt rồi ngồi ngay ngắn trở lại. Không một ai quan tâm cô khóc, nhưng nhìn chóp mũi đỏ ửng và đôi mắt sưng húp thì cũng đủ hiểu. Đan cảm thấy chạnh lòng rồi tự an ủi bản thân. Tất cả quá trình đều trải qua một mình. Đan chẳng dám nói với ba mẹ chuyện cô bị bạn học khinh thường, mỉa mai, mà chỉ kể việc mình không có bạn. Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ trôi qua thôi, như cơn gió đông thổi đến rồi đi, chỉ để lại trong lòng mình cảm giác lạnh lẽo.

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}