Ráng chiều nắng nhạt phủ lên mái nhà, ông hội đồng ngồi nhâm nhi tách trà, đọc sách. Thi thoảng gió hiu hiu thổi vào, không gian vừa tĩnh lặng vừa thoáng đãng. Bình yên trong căn nhà này như một vật phẩm đắt tiền, hiếm hoi đến mức chỉ tính bằng giây, phút. Bỗng bên ngoài cổng rào có tiếng nói cười rôm rả truyền vào.
- Cha tôi chắc ở nhà trên, còn Ngọc Bích thì có lẽ đi chơi rồi.
Cậu Cả lâu lâu mới về nhà, sau khoảng thời gian dài vùi đầu vào sách vở trên thành phố. Anh thuộc kiểu người thâm trầm, điềm tĩnh, giống với bà Cả - mẹ ruột của anh. Chẳng giống như má con bà Hai thể hiện yêu, ghét ra mặt, hồ đồ, ồn ào như cái chợ, cậu Cả chẳng đoái hoài đến việc của ai, chỉ lo chí thú làm ăn, kế thừa sản nghiệp của ông hội đồng. Anh cảm thấy những việc bày mưu tính kế để tranh quyền đoạt lợi chỉ như "lông gà, vỏ tỏi", thêm phí thời gian mà chẳng được tích sự gì.
Đi chung với cậu Cả về nhà là Văn, người bạn học cùng trường trên thành phố. Từ khi còn nhỏ, ông hội đồng và cha của Văn đã tính chuyện mai mối cho con trai và con gái Út của hai người. Dù Ngọc Bích năm lần, bảy lượt không đồng ý hôn sự sắp đặt này nhưng cũng không lung lay được ý định đã quyết của ông hội đồng. Văn là công tử nhà khá giả nhưng không sống xa hoa hưởng lạc, bề ngoài thư sinh, nói năng nho nhã. Ông hội đồng rất ưng ý muốn Văn làm con rể nhà mình.
Lúc đó, Ngọc Bích ăn chơi khiến người ta bàn tán nhưng Văn chẳng tỏ thái độ khinh thường người con gái được mai mối cho mình. Hai đứa chỉ thông qua sự tác hợp trên danh nghĩa của người lớn hai bên chứ cũng chưa có lần nào tiếp xúc gần gũi. Văn là người trọng tình nghĩa, trọng chữ hiếu nên cha mẹ đặt đâu cậu ngồi đó chứ nào dám cãi.
Trong thâm tâm Văn biết rõ mình không có tình cảm trên mức bạn bè với Ngọc Bích nhưng vì lời hứa hẹn của người lớn hai bên mà không phản đối chuyện này. Bà Hai cũng nhiều lần tức anh ách bởi vì đứa con Út chẳng ra gì mà có được "mối ngon". Trong khi con gái bà ta xinh đẹp lại nết na thế kia nhưng vẫn chưa có được một người để ý. Hôm nay, sẵn dịp cậu cả Ngọc Bảo về thăm cha, Văn ngỏ lời muốn đi cùng để mang ít quà bánh trên thành phố biếu ông hội đồng. Dù sao hai bên nhà trước giờ rất thân thiết, đến thăm người bạn chí cốt của cha mình cũng là chuyện nên làm.
Thấy cậu Cả về, mấy người ở vui mừng khôn xiết. Trong ba anh, chị, em, họ chỉ nể trọng mỗi Ngọc Bảo, bởi vì tính tình anh ngay thẳng, không ăn chơi cũng chẳng bận lòng đến mấy chuyện tranh giành hay nói xấu người khác. Ông hội đồng có ba người con là Ngọc Bảo, Ngọc Ngà và Ngọc Bích. Cậu Cả hiển nhiên đã được định sẵn là người kế thừa và nối nghiệp cha mình. Ông hội đồng chưa từng có tâm phân biệt trai hay gái, hai cô còn lại nếu giỏi giang việc làm ăn, sổ sách vẫn có thể phụ giúp một tay. Nhưng Ngọc Ngà chỉ lo lụa là, gấm vóc, tay chân lại mềm yếu, vụng về nên chẳng làm được trò trống gì. Ngọc Bích thì từ trước đến giờ đều không quan tâm đến chuyện trong nhà, suốt ngày chỉ lo chơi bời ngoài phố khiến ông hội đồng chịu biết bao nhiêu tai tiếng từ láng giềng, làng xóm.
Con Mận chạy vào trong nhà thấy ông hội đồng vẫn còn ngồi đọc sách, không ngủ trưa nên mới dám thưa chuyện.
- Thưa ông hội đồng, cậu Cả mới về, còn có dẫn theo cậu Văn đang đứng ở ngoài sân nhà.
Nghe con trai về, ông hội đồng liền gấp sách lại, trong lòng hồ hởi tựa hồ như xuân đến. Bởi vì hai cha con rất tâm đầu ý hợp, ban ngày nói chuyện làm ăn, chiều chiều ngồi chơi cờ tướng, cứ như hai ông bạn già hàn huyên chuyện phiếm, thủ thỉ chuyện đời. Trông thấy Ngọc Bảo đứng đó, ông hội đồng như vừa đi vừa chạy tới ôm chầm con trai.
- Cái thằng này, đi lâu như vậy mà không gửi về cho cha một lá thư. Có còn nhớ đến ông già này không?
Ngọc Bảo vội vàng đỡ cha, rưng rưng dòng lệ. Đi học xa nhà chưa được một năm mà tóc cha đã bạc hơn nhiều quá, đôi mắt sâu như thiếu ngủ nhiều đêm. Sắc mặt nhợt nhạt, lấm tấm đồi mồi, chắc hẳn ở nhà cha đã không nghỉ ngơi đầy đủ và còn lo toan nhiều thứ. Cha càng ngày càng tuổi già sức yếu, như chuối chín cây, như lá vàng sắp rụng. Cậu Cả ôm cha vào lòng, nghẹn ngào đáp lại:
- Thưa cha con mới về. Con xin lỗi cha, kỳ này con về đây ở luôn, phụ cha công chuyện. Một năm qua, cha vất vả lắm đúng không cha? Từ nay, có con ở đây rồi, cha chỉ việc an hưởng tuổi già.
- An hưởng cái gì? Cả đời cha đã dồn hết sức lực cho sản nghiệp của nhà ta, còn khỏe lúc nào vẫn tận tâm lúc đó. Con về là cha mừng rồi, thôi vào trong nhà, thắp nén nhang. Hôm nay cha sai người mần tiệc. Ủa, Văn đấy à, con cũng ở lại dùng cơm đi. Lâu rồi không gặp, nhìn con ngày càng đĩnh đạc.
Từ nãy đến giờ, Văn đứng ở phía sau chứng kiến cuộc hội ngộ xúc động, đong đầy tình cha con của Ngọc Bảo, cậu cũng ấm lòng. Văn đã ghé qua nhà của mình trước khi đến đây. Văn và Bảo đã đồng lòng với nhau, cha mẹ của họ cũng đã ở độ tuổi xế chiều, nếu cứ chạy theo công danh sự nghiệp mãi thì sẽ chẳng dành thời gian bên cạnh cha mẹ được nhiều. Người lớn tuổi thường cảm thấy cô đơn, mong muốn con cháu quây quần, sum họp. Tinh thần họ phấn chấn thì tuổi thọ cũng cao hơn, chính vì thế mà hai đứa quyết định về quê nhà lập nghiệp, để được gần cha, gần mẹ, ở nơi thân thương, máu mủ ruột rà.
- Con thưa ông hội đồng, hôm nay con ghé qua hỏi thăm tình hình sức khỏe và có chút trái cây mua trên thành phố biếu ông hội đồng ăn lấy thảo.
Ông vỗ vai Văn, đều là chỗ quen biết thì có gì mà câu nệ, khách sáo thế kia. Ông hội đồng hào sảng đáp lại:
- Được rồi, cảm ơn con, quà cáp làm chi cho tốn kém. Cha má con bên nhà khỏe không? À, Nụ này, mày gọi cô Út lên nhà trên có cậu Văn tới gặp, đừng suốt ngày cứ ru rú trong buồng.
Ngọc Bảo nghe thì thấy lạ, có bao giờ anh về thấy em gái út ở nhà đâu, hôm nay đột nhiên nghe cha nói Ngọc Bích cứ ru rú trong buồng. Có lẽ trong thời gian anh không ở đây, có rất nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra.
Nụ nghe lời ông hội đồng, chạy tới buồng cô Út gõ cửa. Nghe tiếng cô Út biểu mình vào, Nụ khẽ mở cửa đi vào trong. Nó bất ngờ khi chứng kiến cảnh cô Út buồn bã ngồi bên chiếc bàn trang điểm, ngắm cây hoa hôm nọ đã sớm héo tàn vì thiếu nước và ánh nắng.
- Thưa cô Út, ông hội đồng biểu con nói cô Út lên nhà trên, có cậu Văn đến gặp.
Lam chán nản, ngày qua ngày đều như con chim hoàng yến bị giam cầm trong lồng, mắc kẹt ở đây chẳng thể nào trở về nhà cũ được. Cảm giác ngột ngạt, đôi khi sợ hãi sẽ ở mãi nơi này khiến cô hằng đêm mất ngủ, dưới đôi mắt đã sớm thâm quầng, tiều tụy như người có bệnh.
Thấy cô Út không đáp lại lời nào ngoài tiếng thở dài, Nụ làm liều hỏi thăm:
- Cô Út... cô Út thấy không khỏe trong người sao? Hay để con báo với thầy lang...
- Không cần đâu... một lát nữa cô Út lên nhà trên. Nụ cứ đi làm việc đi.
Nụ lo lắng nhưng cũng không dám quá phận, nghe cô Út nói vậy thì lui ra. Nhìn bông hoa héo úa trên bàn, Nụ đoán là cô Út buồn vì chuyện đó. Nụ cố nghĩ lại quanh đây có trồng hoa này hay không, vì nếu trong tầm mắt ông hội đồng đã bị nhổ bỏ. Nụ chợt nhớ ra một chỗ ở gần nhà, đợi làm xong công chuyện thì sẽ hái thêm hoa về cho cô Út.
Lam miễn cưỡng đi lên nhà trên theo lời ông hội đồng, trông thấy hôm nay có hai người con trai lạ mặt ở trong nhà thì lúng túng, không biết xưng hô như thế nào cho phải phép. Nhưng may mắn là một người đứng dậy chỉnh trang quần áo rồi gật đầu chào cô:
- Ngọc Bích... còn nhớ tôi không? Tôi là Văn, là bạn hồi nhỏ của cô Út đó.
Ông hội đồng nghe câu nói của Văn thì không vừa lòng nên cằn nhằn, nhắc nhở:
- Bạn hồi nhỏ cái gì? Là chồng sắp cưới thì có. Hai nhà đã nói chuyện với nhau rồi, còn ngại ngùng gì nữa. Hôm nay có anh cả con về, hay là tính chuyện hôn sự luôn đi. Ngọc Bích, con thấy sao?
Lam gật đầu chào lại cho đúng phép tắc rồi bỗng khựng lại khi nghe câu nói của cha. Chuyện kết hôn là chuyện cả đời người, dù rằng hiện tại cô đang trong hình hài của cô Út Ngọc Bích nhưng chuyện này không thể làm thay được. Cô không biết chàng trai này là ai và trước giờ cũng chỉ yêu duy nhất một mình Cường.
Chuyện cả đời không thể tạm bợ hay gượng ép, thấy sắc mặt em út không tốt, Ngọc Bảo bèn nói đỡ cho Ngọc Bích một phen:
- Thưa cha, hai đứa cũng còn trẻ, từ từ thì mình tính cũng không muộn. Cứ để Văn với Ngọc Bích trò chuyện nhiều hơn. Em út này, hay em vào trong nghỉ ngơi đi, anh thấy em không được khỏe lắm.
Giống như gặp được vị cứu tinh, Lam mừng rỡ lấy cớ mệt mỏi để trở vào. Nhưng ở trong buồng mãi cũng ngột ngạt, cô quyết định ra vườn, biết đâu tìm thêm được một bông hoa cúc bách nhật còn sót lại, lúc đó cũng thấy đỡ nhớ nhà, đỡ nhớ người xưa, cảnh cũ.
Tối hôm qua Lam ngủ chập chờn, nửa đêm thức giấc đến sáng. Bây giờ người uể oải, choáng váng. Lúc bước ra vườn, cô chợt chao đảo suýt ngã, đột nhiên có cánh tay ai đỡ lại. Khuôn mặt của Thóc phóng đại trước mắt, Lam hoảng hốt bật dậy. Dù cảnh này chỉ kéo dài trong vài giây nhưng xui rủi lại thu vào tầm mắt của hai con người đang đứng ở đằng xa. Nụ vừa mới xong công chuyện sau hè nên đi ra ngoài tìm bông hoa màu tím cho cô Út, lúc trở vào thì bắt gặp cảnh tượng sai trái này.
Nụ lấy tay bịt miệng mình lại, sợ bản thân không kiềm được la lên. Nó không muốn tin vào những gì trước mắt, cũng chẳng dám nghi ngờ mối quan hệ giữa hai người họ. Cô Út là người Nụ nể trọng và quý mến, còn anh Thóc là người con trai mà nó đem lòng thầm thương. Cơn hoảng hốt cùng đau lòng làm trái tim non nớt của một thiếu nữ khó bề chịu nổi, Nụ chỉ còn cách trốn chạy đến nơi nào tĩnh lặng để bình tâm.
Có đôi mắt dõi theo bóng dáng Nụ chạy đi hớt hải. Bà Hai vài giây trước còn sững sốt, giây sau đã nở nụ cười xảo quyệt. Mấy hôm nay còn đau đầu tìm cách hạ bệ đứa con rơi đó, hôm nay nó lại "vẽ đường cho hươu chạy". Bây giờ chỉ cần khi tâm trạng không vui, bà liền mang chuyện này ra giải khuây. Một mình đứng trong góc tối, bà Hai thầm nghĩ ngợi: "Đúng là chuyện tốt, chẳng cần phải động một móng tay, con mồi lại tự sa vào bẫy."
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận