Làng Đông Tụ vốn như một bức tranh sơn mài đã cũ, quét lên bao lớp lễ giáo khắc nghiệt, nứt nẻ ra toàn những lằn ranh trọng nam khinh nữ. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ mái đình rêu phong đến chợ quê ồn ã, đâu đâu cũng nghe câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. (1)"
Đàn bà cái làng này, có sướng được bao nhiêu?
Từ lúc mới mở mắt đã cắm mặt vào việc, đến khi nhắm mắt cũng chẳng rảnh được đầu óc.
Gà còn chưa buồn gáy, trời còn mờ đất, trong khi đàn ông vẫn quấn chăn, chân vắt chữ ngũ, hơi thở phì phò như bễ rèn, thì đàn bà đã lọ mọ trở dậy. Lưng còng xuống như nhánh tre gầy, bàn tay sù sì vén vạt áo lau mồ hôi lấm tấm trên trán. Tiếng quạt lửa phành phạch, tiếng rổ rá lanh canh, tiếng gọi con rời rạc trong màn sương sớm. Một tay thổi bếp, một tay vo gạo, lưng còn ngoái lại quát lũ trẻ. Đến khi bát cơm đã dọn ra, canh đã chan, cá đã gỡ xương, hắn mới uể oải ngáp dài, với tay gãi bụng mà chờ vợ bưng nước rửa mặt.
Cơm dọn lên, đàn ông chễm chệ giữa mâm, mặt bóng nhẫy, áo mở phanh, ngực trần lún phún lông. Tay bưng bát, đũa chọc thẳng vào nồi, gắp trước miếng to nhất. Đàn bà đứng bên, lưng khom, mắt cụp, miếng nào vào bụng cũng phải lựa mà ăn kẻo ăn mất miếng ngon là lại ăn đập. Cá có đầu có đuôi, thịt có nạc có mỡ, cái gì ngon nhất ngon nhì hắn gắp hết, ngon ba cho con, mà phải là con trai, phần còn lại trơ xương, vợ và con gái lặng lẽ nhặt nhạnh mà húp nước cốt. Đũa lỡ động vào chén dưa muối trước khi hắn ăn, lát nữa kiểu gì cũng rát mặt, có khi lại bị dúi đầu xuống bát cơm mà mắng:
"Con đàn bà mắt trước mắt sau, cơm cũng chẳng để cho chồng hả?"
Ăn xong, đàn ông xoa bụng, đứng lên, vung tay quệt mép, vứt bát chỏng chơ mà đi ra sân, chân đá hất cái nón của vợ sang bên. Đàn bà cúi người lượm lên, chẳng dám nói gì, lại lật đật chạy ra giếng rửa bát. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông nước lạnh buốt, tay ngâm lâu rộp đỏ, nứt nẻ, chạm vào chén cũng thấy rát. Được hôm nào cơm ngon canh ngọt, chồng vui miệng thì yên, chứ bữa nào cơm sống, cá tanh, hắn quăng luôn cái bát, mắng:
"Rửa cho sạch, hầu kĩ vào!" Câu ấy nghe mãi, đến mức đàn bà trong làng nhắm mắt cũng lẩm bẩm được, như thể sinh ra đã khắc vào đầu.
Mà hầu hạ đàn ông chưa xong, lại đến con cái. Lũ trẻ như bầy gà con, đứa khóc đứa đòi, đứa sụt sịt vì lạnh, đứa giật vạt áo mẹ mà kêu đói. Đàn bà lại tất tả tay bế tay bồng, tay quạt than hong cháo, miệng giục giã câu mềm mỏng với chồng. Chồng có đi đâu thì đàn bà vẫn quẩn quanh với bếp, với nhà, với cả đống vải rách phải vá lại.
Rồi đến lúc đi chợ. Đàn ông thong dong đi uống rượu, đi chơi cờ, đi nghe hát, mặc cho đàn bà gánh quang gánh nặng trĩu ra chợ buôn bán, mặc cả, cúi lưng bốc hàng, đứng từ sáng đến trưa chỉ mong lời được vài xu mà vá áo, mà mua ít cá khô về nấu canh. Trời nắng, lưng áo ướt đẫm, trời lạnh, tay chân run lập cập. Đàn bà ráng cười, ráng nói, ráng nài nỉ khách để bán được thêm chút đỉnh. Đến lúc về, tiền bạc phải đưa hết cho chồng, không thì chỉ có bị quát, bị đánh, bị đay nghiến đến rạc cả người.
Có hôm, một mụ trong làng mới để lại một xu lẻ trong ống tay áo, bị chồng bắt được. Ông chồng trợn mắt, quát lớn:
“Đàn bà con gái mà dám giấu tiền chồng? Mày muốn bỏ trốn à? Hay mày có thằng nào?”
Chưa dứt câu, hắn đã xông tới, túm tóc giật ngược, lôi xềnh xệch vào trong nhà. Tiếng roi vun vút, tiếng chửi rủa, tiếng khóc nấc nghẹn, rồi im bặt. Mãi lúc sau, mụ bước ra, hai mắt đỏ hoe, môi sưng tều, bước chân lảo đảo, mà vẫn phải cắn răng cười với khách.
Rồi tối đến, chồng đi đâu thì đi, vợ vẫn phải nấu sẵn cơm, bày sẵn chậu nước, chờ đến lúc hắn về mà hầu hạ.
Nếu hắn vui, thì được ăn chung một bữa. Nếu hắn tức, thì lại bị mắng bị đánh. Tức chuyện ngoài đường, về nhà trút lên vợ. Tức chuyện bạc thua, về nhà trút lên vợ. Thích, cũng đánh. Không thích, cũng đánh!
Ăn xong, rửa xong cũng chẳng được nghỉ. Còn phải nhóm bếp, sẵn sàng cho bữa mai. Con khóc thì mặc con, chồng gọi thì vâng dạ. Làm thân đàn bà, khổ đã là đạo, nhọc đã là phận. Chẳng ai oán, chẳng ai kêu. Có kêu cũng bị người ta bĩu môi:
"Đàn bà con gái, có mồm mà cãi à? Phận đàn bà, sinh ra là để hầu hạ, ai bảo bày đặt đòi ngang hàng với chồng?"
Đàn bà Đông Tụ, cúi đầu cả đời, không dám kêu, không dám khóc, không dám chạy.
Chỉ có con Thanh Dở, nó dám. Nó chẳng phải quỳ rửa bát. Chẳng phải cúi đầu bưng cơm. Chẳng có chồng để mà đấm mà đá. Chẳng ai dám đánh nó, chẳng ai bắt nó hầu hạ. Nó nghênh ngang bước đi, đầu ngẩng cao, chân đá tung đất, sống cái đời tự do như gió.
Nghĩ đến đấy, mấy bà, mấy cô lại cười cười, mà mắt cứ rầu rầu.
Gió đêm lành lạnh trườn qua mái tranh, lùa vào từng kẽ áo, len lỏi vào làn da thô ráp của những thân người còm cõi vừa rời khỏi chợ. Trời mới sập tối, mặt trăng còn ẩn sau mấy cụm mây xám xịt, chỉ hắt xuống một màu sáng mờ nhạt, chông chênh như phận đời đàn bà Đông Tụ.
Nhài Thanh ngồi xổm bên bậc đá nứt, lưng dựa vào vách đất ẩm. Cô kéo vạt áo chùi hai bàn chân trần lấm lem bùn, miệng lẩm nhẩm câu gì đó nghe líu ríu như chim sẻ. Đôi mắt láo liên, lướt qua mấy dáng người lầm lũi đi về. Mỗi bước chân là một nhịp nặng nề, đôi vai họ như mang cả quãng đời chồng con cơ cực. Tiếng guốc cũ kéo lê trên mặt đất khô khốc, lẫn vào những tiếng thở dài hắt ra theo làn gió.
Mấy mụ đàn bà, đứa nào cũng cúi mặt, hai tay ghì chặt cái rổ, cái thúng, đựng toàn mấy con cá ươn, mớ rau dập. Áo vải sờn bạc, tóc vấn vội bằng dải khăn xám màu khói bếp. Chân ai cũng nứt nẻ như ruộng khô cuối vụ, cái dáng hao gầy như sắp quỵ mà vẫn phải lê đi, như thể cuộc đời bắt họ phải thế.
Nhài Thanh lặng người một lúc lâu. Cái vẻ nghịch dại hàng ngày bỗng chốc tan biến. Cô đứng lên, phủi bụi bám trên ống quần, rồi lận cái bánh tiêu còn nóng vào vạt áo. Đầu ngẩng lên, nhưng đôi mắt vẫn lom lom nhìn về phía mấy bóng lưng xiêu vẹo. Mùi tanh, mùi hăng, mùi hôi của mồ hôi hòa lẫn vào nhau, quện vào mái tóc đã khô cứng vì sương bụi.
"Cả đời lo cho chồng cho con, vậy mà tối về cũng chỉ có mỗi bát cơm nguội húp với nước rau. Sáng bán mặt cho đất, tối về bán lưng cho chồng, đến hơi thở cũng chẳng còn là của mình."
"Cha mạ ơi! Lấy chồng làm gì để sáng bán mặt cho đất, tối về bị đạp xuống như con chó ghẻ? Đẻ con làm gì để đến bữa nó cũng chả có mà nhét mồm? Đời đã hèn còn bắt cúi đầu, kiếp này sống vậy thì khác gì con trâu kéo cày, có mà nhục hơn trâu!"
Gió thổi mấy cọng tóc lòa xòa trên trán, cô đưa tay gãi gãi, mắt quắc lên nhìn vầng trăng méo mó phía xa. Cô cười nhạt, nhưng cái cười chẳng có chút gì là vui.
"Chồng con cái thá gì? Được phước thì còn đỡ, chứ mà vớ phải cái hạng nát rượu, vũ phu… thì thà cạp đất mà ăn còn sướng!"
Nói rồi, cô cười hắt ra một tiếng, cái cười không có vui, mà nghe chua như dưa muối hỏng. Chân cô lại đá vào mấy hòn sỏi ven đường, viên to viên nhỏ lăn lông lốc, va vào nhau lộc cộc. Gió quét qua làm tóc mai lòa xòa trên trán, cô lại đưa tay gãi gãi đầu, ngửa cổ nhìn trời. Đôi mắt vẫn còn cái nét lém lỉnh, nhưng sâu trong đó là sự thấu đời đến kỳ lạ – cái khôn của kẻ đã quen nhìn cảnh đời mà chẳng cần ai giảng giải. Gió vẫn thổi, trăng vẫn lửng lơ, treo chênh vênh như một cái bóng ám lên đời làng. Nhài Thanh chép miệng:
"Kiếp đàn bà hả? Khổ thì khổ cho đến nơi, chứ cứ lửng lơ nửa sống nửa chết vầy, thì thà xuống lỗ cho rảnh nợ!"
Nhài Thanh thở dài.
Cô vung vẩy tay chân, lững thững mà đi. Cái nón đội trễ sau đầu, tóc mai lòa xòa, gió thốc một cái là rối tung như tổ quạ. Cô chớp mắt một cái, cái ánh nhìn sắc như dao chợt vụt tắt, thay vào đó là vẻ ngây ngô, ngồ ngộ quen thuộc. Mí mắt trễ xuống một chút, khóe miệng kéo ra, toe toét cái điệu cười hề hề như thằng trẻ ranh được cho kẹo thường ngày. Xâu tiền bọc kỹ, nhét chặt vào chỗ rách, lồng vào tận lớp áo trong cùng, vừa đi vừa vỗ vỗ lên ngực, hề hề cười như thể đang chọc ghẹo chính mình. Đứa nào mà thò tay vào, đừng mong lấy được gì ngoài một vết cứa bỏng rát – cái gai đời này, cô sắc lắm!
Nhài Thanh chẳng nhà, cũng chẳng cần nhà. Ngủ đâu chả là ngủ. Có hôm rúc bụi chuối, đêm nghe gió rít qua lá mà lạnh tê tái. Có bữa vắt vẻo trên cây, hai chân buông thõng, ngửa mặt nhìn trời mà ru mình vào giấc. Đêm nào rét quá, cô cứ chui tọt vào bồ rơm nhà nào đấy, quấn chặt rạ mà ngủ cho ấm. Chỉ cần đừng có thằng đàn ông nào thấy mà đá cho một phát thì đâu cũng là giường.
Chứ ai hơi đâu mà hầu hạ đàn ông?
Cô bước huênh hoang, chân đạp lên mấy viên sỏi lăn lông lốc. Miệng huýt sáo, cái điệu ngang ngang không có theo nhịp, cứ như thể đang chọc ghẹo cả vầng trăng lơ lửng trên cao. Mắt cô liếc về phía mấy mái nhà đang lập lòe ánh đèn dầu. Giờ này chắc mấy mụ trong làng đang ngồi xổm bên nồi cơm, tay quạt quạt cái quạt mo, khói than bám lên mặt mà vẫn phải cười hì hì với chồng. Chắc cũng có mấy người đang lom khom rửa bát, nước lạnh ngấm vào kẽ tay nứt nẻ, lưng còng xuống như sắp rạp vào đất.
Còn cô? Cô chỉ cần lo cái bụng no, lo tìm chỗ ngủ. Chẳng ai sai bảo, chẳng ai đè đầu cưỡi cổ.
Cô thích thế. Sướng phải là thế! Cô chẳng cần ai biết. Khôn quá thì sống khó. Dở một chút, ngố một chút, thiên hạ dễ tha, đời cũng dễ thở hơn.
Tối nay, Nhài Thanh không rúc bụi chuối, cũng chẳng chui rơm. Cô nhắm đến cái vườn trống cuối làng – rộng thênh thang, cây cối mọc um tùm, cỏ dại cao quá đầu, lối mòn phủ đầy lá khô nghe lạo xạo mỗi bước chân. Ở giữa có một cái giếng hoang, thành giếng rêu bám xỉn màu, nước trong xanh lặng như gương. Cái vườn này chẳng ai nhận là chủ, vậy thì cô nhận. Đất trời rộng thế, ai ôm hết được mà tranh?
Vừa đến nơi, việc đầu tiên cô làm là ném hai cái bánh tiêu qua tường, quẳng luôn quả chuối nướng theo. Đồ ăn vào trước, người vào sau. Bụng cô có thể bầm dập, chân tay có thể trầy trụa, nhưng cái bao tử thì phải no, phải chắc.
Nhài Thanh đứng khom người, xoay xoay cổ, vặn mình một cái răng rắc, rồi dậm chân hai cái xuống đất. Hai bàn chân cọ qua cọ lại, như mèo vờn chuột, cái dáng khom khom sẵn sàng vọt lên bất cứ lúc nào. Đoạn, cô chạy lấy đà, nhún người bật lên. Hai bàn tay móc chặt mép tường, mười ngón bấu chặt như vuốt chim cào vào đất. Chân quẫy quẫy mấy cái, rồi cái đầu cúi xuống, cả thân mình luồn qua một cách gọn ghẽ, nhẹ như con lươn chui vào kẽ hẹp. Cô vắt chân trèo lên, thân người thoăn thoắt, co một cái đã lộn tùng phèo qua bên kia.
Thanh Dở ngồi thụp xuống, phủi phủi tay, hề hề cười. Trèo tường kiểu này vui hơn đi cửa gấp vạn lần. Bởi vì đằng kia có cái cổng rào, đẩy nhẹ là vào, chẳng tốn một giọt mồ hôi...Nhưng mà nó ứ thích! Đi đường vòng vèo, ngay ngắn thì còn gì thú vị? Nhảy tường vừa nhanh, vừa sướng, lại còn khoái chí. Cái kiểu lách qua kẽ hở, vắt vẻo như khỉ, luồn lách như lươn, mới là lối của cô.
Nhài Thanh thả người rơi bịch xuống đống rơm, rơm khô xô thành một vòng bụi vàng li ti, bốc lên lẩn vào bóng tối. Chân này quặp lên chân kia, tay vươn cao quá đầu, kéo một hơi dài như vừa trút được cả mớ nặng nề trong bụng. Miệng cô ngậm một cọng rơm, vừa nhai vừa nhả, cọng rơm mềm oặt theo hơi thở. Trông Nhài Thanh lúc này, khoan khoái chẳng khác nào con mèo nằm ườn giữa sân gạch buổi trưa hè, lim dim mắt tận hưởng cái nắng rọi lên bộ lông vàng hoe.
Cô ngó lên trời. Trăng lửng lơ, bạc bẽo, trông như cái mảnh nồi đất sứt mẻ vứt lăn lóc sau nhà. Sao thưa, mây dày, đêm không trong, nhưng gió thì mát. Gió lùa từ bãi hoang, lướt trên mấy bụi cây thấp tè, xuyên qua dãy rào tre lưa thưa mà thổi vào mặt cô, phảng phất mùi rơm, mùi cỏ, mùi ẩm mục của đất.
Thanh đưa tay xoa bụng. No, no căng rốn! Một cái bánh tiêu, một quả chuối nướng, mấy miếng kẹo vừng bòn từ gánh hàng bỏ quên. Cô thế này thì đêm nay ngủ khoẻ.
Nghĩ tới đây, lòng cô hả hê, khoan khoái lắm. Cô thở phào, đầu nghiêng sang một bên, mắt lim dim. Mí mắt nặng trĩu dần, nặng tới mức cô chẳng còn muốn mở nữa. Thế là, Nhài Thanh tự mình ru vào giấc ngủ. Gió thổi, rơm lùa qua mái tóc bết bụi. Tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái vẳng từ ruộng xa, tiếng lá tre kẽo kẹt như tiếng thở dài của đêm.
Bỗng một tiếng muỗi vo ve ngay bên tai. Nhài Thanh lim dim, cô nhíu mày, một tay giơ lên quờ quạng, phẩy phẩy như muốn xua đi cái thứ nhỏ bé đang lởn vởn bên mặt.
“Dám đốt tao à? Xéo, xéo đi…” Giọng cô lười biếng, ngái ngủ, lẫn cả chút khó chịu. Nhưng cô chẳng buồn mở mắt, cũng chẳng buồn đập mạnh. Chỉ phẩy tay vài cái rồi lại thả xuống, trở mình, vùi mặt sâu vào rơm. Lại một hơi thở hắt ra, dài như vừa trút bỏ cả trời nặng nề.
Đêm vẫn dài. Gió vẫn xào xạc. Nhài Thanh dần giãn cơ mặt, hơi thở của cô gái tuổi đôi mươi cứ đều đều..
Trời đen xì như thể ai lỡ tay đổ úp mực xuống trần gian, đặc quánh, sâu hút, chỉ chừa lại một vệt sáng nhợt nhạt từ vầng trăng lưỡi liềm mỏng tang, treo lơ lửng trên nền trời tĩnh mịch. Tiếng lá cọ vào nhau xào xạc, nghe như tiếng ai thì thầm trong đêm khuya. Đâu đó, một hồi chim lợn rúc lên. Âm thanh khàn đục, heo héo, kéo dài lê thê như tiếng hồn oan gọi đò giữa bến sông hoang vắng. Cả không gian bỗng chốc trầm mặc, chỉ còn tiếng dế gáy rời rạc, tiếng con chó đâu đó tru lên một hồi, đột ngột tắt lịm.
Đã vào canh hai (2).
Nhài Thanh trở mình, vùi sâu hơn vào đống rơm, miệng chẹp chẹp nhai cọng rơm khô, khoan khoái tận hưởng cái ấm áp len lỏi trong từng sợi rạ. Bụng nó no, gió mát trăng thanh, đời không còn gì sung sướng hơn.
Một giấc ngủ ngon.
Nhưng—
Có gì đó, rất khẽ.
Thoạt đầu, như một tiếng xào xạc của lá, một âm thanh mong manh bị cuốn đi. Nhài Thanh miên man chẳng để tâm, nghĩ chắc chuột lục lọi đâu đó. Nhưng rồi, một tiếng nấc nhỏ cất lên. Nó không giống tiếng gió. Cũng không giống tiếng chuột.
Tai Nhài Thanh nói thật là thính hơn chó. Cô chớp mắt vì bị thanh âm nhỏ đó đánh giấc. Thanh nằm im. Lắng nghe.
Là tiếng khóc. Rất nhỏ thôi. Đứt quãng. Lẫn vào đêm tối..
-Hết chương 5-
Chú thích:
(1): "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" có nghĩa là: "Chỉ có một con trai cũng coi là có, còn có mười con gái cũng vẫn là không." Câu nói thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến. Nó phản ánh quan niệm xưa cho rằng con trai mới có giá trị vì nối dõi tông đường, còn con gái dù nhiều cũng không được coi trọng. Đây là một định kiến lỗi thời, thể hiện sự bất công đối với phụ nữ.
(2) Canh hai: Canh hai trong cách tính thời gian của người xưa tương đương với khoảng 21 giờ đến 23 giờ (9 giờ tối đến 11 giờ đêm) theo giờ hiện đại.
Bình luận
Rùa
Thời này cũng trọng nam khinh nữ đâu kém đâu, nhiều nhà vẫn cổ hủ vãi ra, bác t cũng có tư tưởng đó này :))))))))
Rùa
Suy nghĩ đến chiện sự nghiệp, cày cuốc làm kiếm tiền chứ chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng :))) không mấy mình yêu một ông nào đó 80 tuổi rồi ổng chết mình lấy tài sản được không ta
Rùa
Chưa ra chương mới à
Bánh Bao
Lối hành văn hay quá