Chương 4: Dao bén cắt ngọt, lưỡi bén cắt thân


Phiên chợ vãn dần, cái ồn ào cũng lùi xa, chỉ còn lại ít tiếng cười nói lẻ tẻ giữa đám người quen mặt. Đâu đó, vài ba ngọn đèn dầu lập lòe, ánh lửa vàng võ soi xuống những tấm liếp sạp hàng, bóng người in dài trên mặt đất. Mùi cá lóc nướng trui vẫn lẩn khuất trong gió, hòa với hương chợ chiều ngai ngái, vương chút tro tàn, chút rạ mục, chút hăng hăng của bùn đất vừa xới. Xa xa, tiếng chó sủa văng vẳng, tiếng bọn trẻ con la ré, chen giữa những lời rao hàng muộn mằn của mấy gánh rong. Không gian thưa dần, nhưng chợ chưa hẳn đã lặng—vẫn còn đó những con người nấn ná, chuyện trò cho ấm lòng tối xuống.

Giữa cái cảnh ấy, Nhài Thanh vẫn ngồi chễm chệ trên bờ rào, chân đong đưa nhịp nhàng, nhẩn nha gặm cá như kẻ ung dung hưởng lộc trời. Cô có vội gì đâu, cứ thong dong nhai từng miếng, y như phú ông nhấm nháp miếng trầu bên hiên nhà. Mỡ cá chảy xuống đầu ngón tay, nhẫy bóng, nhưng cô chẳng buồn chùi, cứ để mặc cho mấy giọt vàng óng rơi xuống vạt áo. Một con cá mà cô ăn cũng phải cả tuần trà. Thành ra, đến lúc xong đâu mười mấy con, chợ đã vãn, người đã thưa, chỉ còn mấy kẻ buôn bán muộn chưa muốn rời tay gánh.

Nhài Thanh ợ một tiếng rõ to. Cô híp mắt, cái nhìn lơ mơ mà tinh quái quét một vòng quanh chợ. Rồi chầm chậm đứng dậy, phủi tay vào quần, ngoắc ngoắc xâu tiền kêu leng keng trong gió. Cô cười, nụ cười nhếch lên đầy ẩn ý, rồi như thường lệ, bắt đầu bước những bước thong dong, lặng lẽ tháo từng đồng, chia đều khắp các sạp hàng còn sót lại. Bà bán mắm một đồng, bà hàng trầu một đồng, bác bán đậu cũng có phần… Tay cô thoăn thoắt, miệng thì luyến thoắng như con sáo sậu, giọng kéo dài ra, nửa đùa nửa thật:

“Tiền đây, tiền trên trời rơi xuống, lấy mà giữ lấy he! Đừng có ngu mà đưa cho chồng nhen! Đưa cho chồng thì chồng cầm một cái, tiền hóa thành rượu, hóa thành thịt, có mà khóc ròng! Nghe con! Cất trong túi, để dành, phòng thân!

Mấy người kia cũng chẳng chậm chạp, bàn tay đen đen rám nắng vội vã chìa ra, cẩn thận cầm lấy xu mà con Thanh Dở thảy tới. 

Đi một lượt, xu trên tay vơi dần, đến khi chỉ còn dăm chục đồng lẻ, Nhài Thanh mới cất lại vào tấm áo rách của mình, nhét thật sâu vào trong ngực. Cô nhìn quanh quanh, rồi thở dài ra vẻ thấu hiểu. 

Cô nhớ những ngày đầu cô cho tiền, ai nấy đều lắc đầu quầy quậy, trợn mắt, khoát tay như đuổi tà. Bà hàng trầu, tóc bạc lơ thơ, răng đen nhánh, tay còn vương chút vôi trắng của miếng trầu vừa têm, rụt rè nhìn nó, hai tay quệt vào nhau như chùi cho sạch rồi xua xua:
“Thôi thôi, con dở, tiền này mày giữ mà ăn thân. Tao còn buôn bán được, chứ mày có gì đâu.”

Rồi bác bán đậu, thân hình gầy gò, đôi mắt híp lại sau cả chục năm dãi dầu nắng gió, thì gãi đầu, cười khà khà, nhưng giọng vẫn đượm chút e dè: “Này này, tao không lấy tiền xin đâu nhá. Của biếu là của lo, của cho là của nợ. Bày đặt làm phước, mai mốt tao phải trả lại gấp đôi thì khổ!”

Nhưng Nhài Thanh chỉ lim dim mắt, xâu tiền lủng lẳng trong tay nó lại lắc lắc, như không buồn nghe. Rồi cô cười hì hì, giọng kéo dài như hát xẩm giữa chợ nghèo mà đáp lại rằng: “Ớ ờ! Ai nói con xin, ai nói con làm phước? Tiền này, mai mốt con lấy lại bằng cá trui, bánh bò, bánh rế, kẹo mạch nha he! Mấy bà cứ nhận đi, rồi con cứ ăn, thế là hòa nhau!”

Nhài Thanh chống tay hất mặt:
“Thời buổi này mà còn bày đặt sĩ diện! Tiền con cho, không lấy là ngu! Ở đó mà làm cao, mà chờ ai thương? Thương cái nỗi gì, hả? Chết đói có ai thí cho miếng cháo loãng không? Hay tới lúc đó lại khóc ròng, trách đời bạc bẽo?”

Đấy! Nghe đến đấy thôi! Đám người họ mới nguôi nguôi, có kẻ cười, có kẻ thở dài, rồi cũng đành nhận. Họ biết con Thanh Dở nó dở, nhưng nó nói đúng. Có mấy đồng lẻ này hay không thì nó cũng chẳng chết đói, nó thiếu gì cách moi tiền thiên hạ. Còn họ, nếu không bán được gì để có tiền về đưa chồng thì chỉ có ăn đập. Tiền này, để dành cứu cánh. Mà cũng là, thôi thì nhận cho nó vui, mà cũng để mai mốt nó có đến đòi ăn, khỏi phải cự cãi qua lại.

Thành ra, thành lệ. Cứ mỗi khi phiên chợ vãn, Nhài Thanh lại đi từng hàng, tháo từng đồng, nhét vào tay từng người. Tiền của cô từ đâu ra? Chẳng ai buồn hỏi. Chỉ biết mỗi lần cô phát tiền, cái giọng lanh lảnh ấy lại vang lên, khi thì cười ha hả, khi thì ghẹo chọc, khi thì đong đưa như câu hát vẩn vơ giữa trời chiều. Bọn họ dần quen với điều ấy. Hôm nay cũng vậy, ngày mai cũng thế. 

Thanh Dở cho tiền xong liền trở về cái mái cọ cọc cạch của dì Sâm. Cô quăng phịch người xuống sạp, xé khúc cá nướng còn bốc khói, cắn đánh "rộp" một phát. Mùi cá cháy trộn mùi muối rang thơm nức, vậy mà chưa kịp nuốt hết miếng đầu tiên, bọn chợ đã xúm vào, xô vai xô vế, bu túm lại, lời buông như đổ nước:

“Này con ranh! Sáng nay mày vừa chọc phú Tộp đó hả? Mày cứ moi tiền lão rồi nhơn nhơn chọc tức. Chưa lần nào lão sai người vác gậy đập cho à?”

Thanh Dở nhồm nhoàm nhai, tay gỡ thịt cá thong dong, chân duỗi dài như bà lão nhàn rỗi. Cô ngửa mặt, nhếch môi cười khanh khách, giọng lảnh lói như bầy chèo bẻo: “Ối dào! Tóm được con thì đã tóm từ lâu. Có tóm được đâu mà đòi đập."

Bọn họ nhìn nhau, kẻ bấm đốt tay, kẻ xuýt xoa:

“Ừ thì… Máu quậy của mày ai còn lạ gì. Nhưng mà này, làm gì cũng có chừng mực, coi chừng có ngày bị chụp cổ thật, lúc đó đừng có la làng nhá!”

Thanh Dở chẳng đáp, chỉ hất mặt, nhai tiếp miếng cá, mắt lim dim, như chẳng buồn chấp mấy lời gió bay. Lúc ấy, bà Năm hàng Sắn ngồi xếp bằng kế bên, tay phe phẩy quạt, tay kia gãi gãi búi tóc rối. Mắt bà híp lại, như buồn ngủ, nhưng bất thình lình, đuôi mắt lóe lên một tia ranh mãnh. Bà nghiêng người, khóe miệng trề ra, giọng kéo dài, nhừa nhựa như vừa xỉa xói, vừa dòm dỏ:

“Này, tao coi mày phá làng phá xóm, chọc đông chọc tây, mà cái nhà lão Kiệm thì yên ắng thế? Hay lão dữ quá, mày đâm sợ? Hay mày có cái gì đó giấu giếm hử?”

Thanh Dở đang ăn, nghe câu đó liền khựng lại. Tay cầm cá dừng giữa chừng, miệng còn ngậm nửa miếng, tròng mắt láo liên như đang tính toán điều gì trong bụng. Cô nhai thêm hai ba cái, rồi nuốt đánh ực, quẹt mép, mặt sa sầm như bị chọc trúng nọc. Rồi cô bật ra một câu, cái giọng dằn dỗi, ngang ngang, chát chúa như vỗ nước vào đá:

“Gớm gì lão Kiệm!”

Cô phất tay, bĩu môi: “Cái lão đấy, đầu óc tối hơn hũ nút, chân tay mềm như bún thiu! Con mà chọc lão, lỡ đâu lão lăn đùng ra chết, rồi vạ sang con, mang tiếng sát tinh! Nhà đấy có đổ mật con cũng không thèm bén mảng vô!”

Nói xong, cô hừ mạnh, vỗ ngực đánh “bốp”, gân cổ xướng như trống làng: “Nhưng mà biểu con moi tiền, con moi cho sạch trơn! Trời không sợ, đất chẳng màng, chỉ sợ cái bụng con nó rêu thôi."

Cả đám cười rầm rầm. Bà Năm chỉ phe phẩy quạt mo, cười khì khì mà bảo: “Coi chừng có ngày rêu mọc đầy đầu đó, con ơi…”

Bà Tám bán bắp ngồi chồm hỗm bên cạnh, một tay đập đập vào đùi, một tay phẩy phẩy hơi lửa phừng phừng hắt đỏ hai bên má. Lâu lâu, bà lại ngước lên, đôi mắt ti hí đảo qua đảo lại, như tìm chuyện để bắt vào. Bà Tám nhai trầu tóp tép, đầu nghiêng nghiêng, rồi bất thần chồm tới, tặc lưỡi, giọng nhừa nhựa kéo dài, vừa bâng quơ, vừa như thăm dò:

“Bảo này, cái ngữ mày tính ở vậy tới già à con? Kiếm thằng nào mà cột chung một dây, có đứa cắm cho nén nhang, chứ cứ lủi thủi một thân, chết rồi chẳng ai thèm rớ đâu.”

Nhài Thanh vừa nuốt miếng cá, nghe thế suýt sặc, vội vươn cổ, đập ngực mấy cái, rồi lườm bà Tám một phát bén như dao cứa. Cái môi trề ra, cằm hất ngược, giọng the thé như gà mắc đẻ: “Ối dào ôi! Cô lo xa thế! Dở này mà chịu bạ đâu hay đó chắc? Tiêu chí của con cao lắm, cả cái làng Đông Tụ này, nửa già nửa trẻ, ai trèo tới được nào?”

Cả quán bật cười ầm ĩ, tiếng cười vỡ ra như chum bể. Bà bán kẹo vừng ngồi sát bên, hai má phinh phính, tay bưng rổ kẹo, cười hờ hững nhưng khóe mắt tinh ranh lắm. Bà nhóp nhép, nhếch môi, giọng kéo dài như vẽ câu châm chọc lên trời:

“Gớm nữa cái con này! Khéo chẳng phải mày chê người ta, mà người ta chê cái ngữ mày ấy chứ!”

Nhài Thanh chẳng chịu thua, nhướng mày, búng tay đánh “chách”, miệng nhếch lên một nụ cười chênh chênh, đầy thách thức: “Ơ hay! Con không cho cơ hội mà chê chứ lị! Dì nhìn con đây, con có tài, có sắc, con thiếu cái gì đâu?”

Bà bán kẹo vừng cười hề hề, chìa tay dúi đầu con Thanh một cái, làm búi tóc cô lệch sang bên, rồi chép miệng, giọng đanh lại, như lát dao mỏng mà bén:

“Mày mà có tài? Tài lanh thì có!”

Bên kia, bà hàng nước chè vắt chân lên sạp, tay chống cằm, hớp một ngụm nước, rồi cũng tủm tỉm góp lời:

“Còn sắc á? Sắc sảo khôn lỏi thì tao gật đầu!”

Cả đám đàn bà lại phá lên cười, giòn tan như bắp rang. Nhài Thanh bĩu môi, nhưng ánh mắt vẫn long lanh ý cười. Cô chẳng buồn đôi co, chỉ thản nhiên vớ lấy miếng cá. Dì Sâm bán cá trui nãy giờ vẫn im, giờ mới nhếch môi cười khẩy, nhưng giọng thì chậm rãi, như hòn đá thả xuống nước. Dì lắc đầu dạy:

“Thôi, mày trêu ai, chửi ai cũng phải khéo khéo. Dao bén cắt ngọt, lưỡi bén cắt vào thân. Coi chừng có ngày mấy lão bực quá, vác gậy đập vỡ đầu, lúc đấy đừng có tru tréo! Nghe chưa dở?"

Nhài Thanh nghe thế, cười hì hì, đưa tay gãi đầu, hai bàn tay còn dính đầy mỡ cá, liền quẹt luôn vào vạt áo, chùi một đường dài. Rồi cô giơ con cá lên ngang miệng, chớp chớp mắt, hít hà một hơi, đoạn giả giọng ẽo ợt như quan huyện ngâm thơ:

“Chao ôi, lời dì dạy, dở nhớ kỹ! Nhưng mà này, cá dì nướng ngon thật đấy, ăn vào mà chảy cõi lòng!”

Dì Sâm bán cá hừ một tiếng, trở mặt con cá trên bếp than. Mỡ cá gặp lửa, xèo xèo bốc khói, ám vào búi tóc bạc của bà. Bà nheo mắt, lắc đầu, giọng có phần bực nhưng chẳng nỡ giận:

“Cha bố nhà mày! Cái thứ khéo mép khéo mồm, chỉ giỏi nịnh!”

Thanh Dở ngồi tán phét, buôn đời đến sẩm tối với những bà cô, bà dì, bà cụ. Giọng cô lanh lảnh, câu nào cũng sắc như dao cứa, mà cũng buồn cười. Cả bọn cứ thế mà cười nghiêng cười ngả, cười đến nỗi quên khuấy đi cái kiếp đàn bà bạc bẽo. Nhưng rồi trời tối hẳn, ánh sáng cuối cùng cũng tắt lịm sau rặng tre, chợ bỗng chùng xuống, lặng như tờ. Cái tiếng cười vừa rồi còn rổn rảng, thế mà bây giờ lại đứt quãng, lụi dần trong bóng tối. Mấy bà cô, bà dì thoáng nhìn nhau, có người ngừng tay, có người khẽ thở dài. Trên khuôn mặt sạm màu nắng gió, bỗng hiện lên vài tia tần ngần, buồn thiu thỉu…

Thanh Dở nhìn, rồi khe khẽ thở dài. Cô hiểu mấy người đàn bà ở đây đang bận tâm điều gì chớ. Ai bảo dở không hiểu? Dở hiểu đấy! Thậm chí còn tỏ rất rõ. 

"Làng Đông Tụ, chỗ trọng thằng râu,
Đàn bà hé miệng ăn câu chửi thề."

-Hết chương 4-





Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}