Mặt trời đã chạm xuống đỉnh núi, ráng chiều kéo dài như một vệt lụa đỏ vắt ngang trời. Hơi đất hầm hập phả lên mặt sân gạch, hun người ta như rang cá trên chảo đồng. Ấy vậy mà trong sân nhà ông Tộp, không ai dám động đậy. Gió từ sông Đông thổi lên lật phật vạt áo, nhưng vẫn chẳng xua nổi cái không khí đặc quánh đang trùm lên.
Ông Tộp đứng sừng sững, mặt mũi đỏ au, mắt trừng trừng như hai hòn than cháy, lửa giận trong người vẫn còn âm ỉ. Lão to bè, bệ vệ như cái cối giã gạo, nhưng giờ phút này, cái oai vệ ấy lại phừng phừng như ngọn lửa trong lò nung gạch. Cả đám gia nhân đứng sau, kẻ cúi gằm, kẻ lấm lét nhìn nhau. Tưởng phen này lão sai bắt con Thanh Dở về lột da lột thịt, nhưng lão chỉ hừ một tiếng nặng như đá tảng lăn, khịt mũi rõ kêu, rồi phun thẳng một bãi nước trầu xuống nền đất.
Phẹt!
Bãi trầu đỏ lòm tóe ra, lốp bốp bắn cả vào chân trần của một thằng ở. Thằng Cò giật bắn người, co chân nép lại, không dám động đậy. Bà vú già bĩu môi một cái, nhưng rồi cũng nín bặt. Cả làng Đông Tụ ai chẳng biết tính lão Tộp? Lão là hạng người rắn mặt, dạ như hũ nút, nói một là một, nói hai là hai, ai trái ý thì cứ chờ xem hậu quả! Lão mà giận, thì có khi trời cũng phải tránh. Nhưng kỳ lạ thay, trên đời này vẫn có một đứa không hề sợ lão.
Thanh Dở!
Lão còn nhớ như in lần trước, sáng tinh mơ, lão vừa bước ra cửa, chưa kịp vươn vai, thì con oắt ấy đã đứng chặn ngay trước ngõ. Nó khoanh tay, nhe răng cười hềnh hệch, cái đầu nghênh nghênh như thể nắm được thóp lão:
"Ông Tộp ơi! Đêm qua con nằm mộng, thấy ông mặc áo vàng, chân đi hia đỏ, đứng trên phản mà hô lớn: "Ta là Thổ Địa Đông Tụ, ai muốn cầu tài thì quỳ xuống đây!"
Rồi, nó cười lớn, hề hề chắp tay: "Ông có linh thiêng thì hôm nay ban cho con ít tiền đi!"
Lão điên lắm! Không biết kiếp trước lão nợ gì nó mà kiếp này nó cứ bám riết như đỉa đói.
Năm nó còn bé, lão nhắm mắt cho qua. Nghĩ trẻ con tinh nghịch cũng chẳng sao. Nhưng dăm năm trở lại đây, càng lớn, nó càng phá ra trò!
Mới bữa trước, lão vừa đặt lưng xuống phản thì nghe tiếng hét thất thanh: “Ối làng nước ơi! Nhà ông Tộp có chuột to bằng bắp chân!”
Lão bật dậy, lao ra sân, thì chỉ thấy con Thanh Dở đứng đó, tay cầm một con chuột đất be bé, mặt tỉnh bơ mà bắt đầu công cuộc xin tiền. Lần khác, lão vừa ra cửa thì thấy cái vách nhà trắng tinh đã bị ai quệt tro bếp loang lổ. Rồi lại có bữa, cả nhà lão ăn cơm xong mới phát hiện vại tương đã bị đổ nước mắm, mặn chát đến mức ăn miếng nào là mặt nhăn miếng ấy.
Hầu tớ có mặt cười rầm rầm.
Lão giận đến bốc khói trên đầu! Râu mép run run, trán nổi đầy gân xanh. Lão vừa gầm lên một tiếng, nó đã vọt mất tiêu. Người ta còn chưa kịp nín cười, đã chẳng thấy bóng nó đâu.
Con oắt con đấy! Cái giống gì mà lỳ lợm đến thế? Mắng nó xơi xơi, đuổi đánh nó không biết bao nhiêu lần. Nó im ắng được một buổi chiều, dẫu tưởng nó biết sợ!
Có cái rắm! Nó mà biết sợ ư ?
Hôm nay, nó lại giở trò nữa rồi, thế thì sợ cái gì? Chỉ là nó ăn no quá nên đánh một giấc dài thôi. Vốn dĩ, bụng và dạ bảo nhau vui mừng đi vì con Thanh Dở nó đã lết xác lên làng trên hơn một tuần chưa về. Lão nghĩ, nó đã rời làng Đông Tụ, rước hoạ lên làng Đông Kén. Nhưng không, nó lại về. Và:
"Đéo mẹ nó, nó lại chọn nhà lão đầu tiên để ăn vạ xin tiền mới cay!"
Bây giờ, ông Tộp biết thừa, có sai đám gia nhân đuổi theo cũng chỉ tổ "đốt đuốc giữa ban ngày." Con bé này, thoắt một cái là lủi vào ngõ hẹp, thoắt một cái nữa là vọt lên mái nhà, như con chạch trơn tuột, như con quạ khôn tìm đường thoát thân. Ông Tộp nghiến răng rồi phất mạnh tay áo, gầm lên như sấm:
"Thôi! Đuổi làm quái gì cho mệt! Cái con dở ấy mà luồn thì có chạy theo ba ngày ba đêm cũng chỉ tổ phí cơm phí gạo!"
Nói rồi, lão quay ngoắt vào nhà, bước chân nện xuống đất bồm bộp, như trống trận. Cái lưng bè bè như phản gỗ rung rung theo từng nhịp. Đi được vài bước, lão lại nghiến răng, râu mép giật giật, gầm gừ lầm bầm như con hổ đói. Không! Giống như lời nguyền rủa hơn:
"Con dở… Có ngày tao bẻ giò mày! Bẻ rồi tao đem chôn chân mày xuống đất, xem mà còn chạy đằng nào."
Còn bên này, Thanh Dở đã chuồn mất từ bao giờ! Cô lao qua con hẻm đất lồi lõm, lướt qua mấy bụi chuối sứ mọc ven tường gạch cũ. Guốc gỗ giẫm lên vỏ trấu, sỏi đá lạo xạo dưới chân, nhưng cô chẳng hề để tâm. Chạy là chạy, chạy cho nhanh, chạy cho khuất mắt cái ông già Tộp kia!
Gió chiều thổi qua chợ, cuốn theo một đám bụi nhỏ bay tứ tung. Gió phần phật quấn lấy tà áo nâu bạc màu.
Nhài Thanh chạy qua dãy nhà lụp xụp, qua cả đám trẻ con đầu trần chân đất đang túm tụm đánh đáo. Đến tận khi trước mặt hiện ra cái cổng chợ Đông Tụ, cô mới khựng lại, lách mình vào một góc khuất, nép trong khoảng tối giữa hai dãy quầy hàng.
Hú hồn!
Bàn tay phất vạt áo, quệt ngang cái trán lấm tấm mồ hôi. Cô nheo mắt, ngó quanh một vòng, thở hắt ra một hơi.
Không ai đuổi theo.
Cô lại cười hềnh hệch.
Rồi như thể vừa chui ra từ một vách núi, cô thảnh thơi bước ra, thung thăng, thênh thang như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Miệng nở một nụ cười. Nụ cười của kẻ vừa chọc tức được ông già làng Đông Tụ! Nụ cười của kẻ không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ… chưa đủ vui!
Mắt nó láo liên.
Cái chợ Đông Tụ! Cái nơi chộn rộn nhất vùng, kẻ mua người bán nhao nhao như ong vỡ tổ. Đàn bà gánh hàng, trẻ con bám váy mẹ, bà già lom khom cắp rổ cắp thúng. Người đông như trảy hội, chen chúc nhau mà đi, kẻ đon đả, người gắt gỏng, từng tiếng cười tiếng chửi rộn ràng.
Tiếng rao!
"Ai chè đỗ đen đánh đáo đây! Ngọt thơm mát ruột đây nào!"
"Cốm mới đây! Cốm dẻo thơm đây!"
"Bánh rán bánh khúc, ai ăn thì lại đây"
"Nước mắm thơm lừng, ai ghé mua nào!"
Cái âm thanh quện vào nhau, trộn cùng tiếng chày giã cốm thùm thụp, tiếng dao thớt phập phập, tiếng gà qué xao xác trong mẹt tre, tạo nên một thứ nhộn nhạo đặc quánh mùi chợ búa.
Mùi chợ! Ôi thôi, đủ cả!
Mùi nước mắm mặn mòi chát lưỡi, mùi tương ngọt ngào ngai ngái, mùi hành phi vàng ruộm béo ngậy, mùi lá chuối hơ lửa thơm nức, mùi cá nướng tươm mỡ, mùi thịt quay da giòn tan… tất cả hòa vào nhau, chảy tràn khắp không gian, tạt thẳng vào cánh mũi Thanh Dở!
Cái bụng lép kẹp của cô réo ầm ĩ.
Nhài Thanh nheo mắt, liếm mép, bàn tay vô thức sờ lên túi áo. Gót chân nhón nhón lên, đôi mắt láo liên như mèo rình cá. Ăn gì bây giờ?
Mâm bánh đúc trắng phau bên kia nhìn mà mát ruột! Dầm vô tương nâu, ngửi cũng thơm lắm, nhưng mà… hừm! Trơn tuột như bôi mỡ, cắn một miếng là trôi sạch xuống họng, ăn xong có khi lại càng đói. Quán cháo hoa bên này thì sao? Cháo trắng lỏng lẻo, nhạt nhẽo như nước vo gạo. Ăn vô chỉ tổ trơn bụng, lại phải chạy ra bụi chuối mà vắt chân lên cổ. Kẹo vừng? Kẹo bột? Ngọt. Chè cốm xanh lơ, xôi gấc đỏ au? Dẻo. Nghĩ tới cảnh nhai dính răng, lưỡi đẩy qua đẩy lại, cô lại bĩu môi, chậc lưỡi, lắc đầu nguầy nguậy: Ăn mà như thế, phí cả miệng!
Cái thân cô nghèo rớt mồng tơi, nhưng dở gì cũng không ăn uống tầm bậy. Tiền cô có ít, nhưng cô cũng không thể ăn uống nhếch nhác như đám rách kia. Hừm! Nhài Thanh nghèo, nhưng miếng ăn không thể xoàng! Nhài Thanh hếch mặt, hất tóc, tay đong đưa xâu tiền đồng, vừa đi vừa nghênh ngang cất giọng hát:
"Cơm ăn chẳng có mà no,
Ăn cho đáng miếng, ăn cho ra trò.
Bánh đúc thì nhạt, cháo lo thì lềnh,
Ăn mà cho dạ bõ bèn mới ưng cơ…"
Cái giọng của cô chát như chanh, lanh như gió lùa, phất phơ giữa chợ. Có mấy người liếc qua, bĩu môi rồi lắc lắc đầu.
Nhài Thanh thì vẫn cười, vẫn bước. Cô tung xâu tiền trong tay, đồng nọ va vô đồng kia. Cô khệnh khạng đi qua mấy sập hàng, đôi guốc gỗ đập xuống nền đất cộp cộp, đến đâu cũng có người ới gọi. Mà đa phần là gọi đùa, chọc ghẹo. Bởi vì ai mà chẳng biết cái con dở này, nó điên thật hay chỉ làm trò?
Chả ai rõ!
Họ gọi cô không phải vì mong cô mua hàng. Họ gọi để xem hôm nay cô lại giở trò gì mới?
“Này, con dở! Vô đây ăn bát chè cốm hẵng! Chè cốm của tao ngọt lịm, ăn vô mát dạ!”
"Ới Thanh Dở! Mày thử bánh gai nhà tao coi! Đen nhưng ngọt như mía lùi đấy! Chớ ăn chè cốm của lão, kẻo kiến nó bò vô tận họng! Ngọt lắm, dở ơi!”
Thanh Dở lừ mắt. Cái mặt nhăn lại như bánh tráng nhúng nước, bĩu môi, chu cái mỏ ra. Cô hừ một cái rõ dài, giọng thì nửa tiếc tiền, nửa chê bai:
“Thôi! Gớm chết! Mấy đồng con dành để khi khác, chớ ăn ba thứ này vào thì chả uổng phí. Chè cốm ngọt khé họng, bánh gai ăn vào đen răng, xôi vò khô bỏ xừ! Thôi thôi, ai ăn thì ăn, con còn phải giữ tiền lo thân."
Nói đoạn, Nhài Thanh hất tóc, phất tay áo, rồi vênh mặt mà đi, chẳng buồn ngoái lại. Cái con Thanh Dở này, khùng khùng điên điên, nhưng khéo giữ tiền như bỏ ống. Mà ăn uống thì kén cá chọn canh, hơn cả mấy bà nhà giàu khó tính!
Ấy thế mà…
Đi được một quãng, mắt Nhài Thanh bỗng sáng rỡ. Trước mặt là một hàng cá lóc nướng trui. Cá xếp hàng trên lá chuối, con nào con nấy bụng tròn lẳn, thịt chắc nịch, da xém vàng, mỡ chảy xèo xèo, lộ ra phần thịt trắng muốt bên trong. Thanh Dở đứng khựng lại. Mắt hấp háy. Mũi phập phồng. Cô nuốt khan một cái, rồi phì cười, vỗ đùi đánh ‘chát’ một cái, chân guồng lên chạy uỳnh uỳnh như bị quỷ xô. Miệng cô thò thè nước dãi, mắt hau háu sáng. Ngửa cổ lên, giọng lanh lảnh vang cả chợ:
"Cho cá lóc nướng trui đê."
Khói cá lóc nướng trui bốc lên nghi ngút, quện với hơi chợ, quện với nắng nhạt buổi chiều. Mùi mỡ cá cháy xèo xèo trên lửa, mùi lá chuối cháy xém, mùi khói than ngai ngái, tất cả xộc thẳng vào mũi làm bụng người ta réo không ngừng. Thanh Dở đứng há hốc miệng. Mắt cô dán chặt vào con cá lóc to tướng nằm trên mẹt. Mặt cô rạng rỡ như kẻ sắp vớ được của rơi. Nhưng chưa kịp sà vô, từ bên kia, bà bán chè cốm đã chống nạnh, giọng kéo dài như rao hàng:
“Ối cha! Biểu nó dở cũng có sai đâu mà! Vừa kêu để dành cơ, thế mà thoáng cái. Chao ôi, ngữ nó có mà để dành trong bụng.”
Người trong chợ bật cười. Dì Sâm, chủ hàng cá - mắt sắc như dao, vừa thấy Thanh Dở lấp ló gần sạp cá, đã nheo mắt, quát trêu:
“Mày chui mô ra rứa, con dở? Mặt mũi tèm lem bùn đất, hay chui từ dưới nước lên hử?”
Thanh Dở đang mê mẩn ngắm cá, nghe vậy thì ngước lên, gãi đầu, nhếch môi cười nửa miệng. Cô hít một hơi dài tận đáy bụng, làm như nuốt cả mùi cá vào người, đoạn nhếch môi, giọng lanh lảnh: “Con bẩn thỉu, đục ngầu, cá dưới nước còn chê! Con là con sống dưới cống, chứ sống dưới nước làm sao thở nổi.”
Lời vừa buông, cả chợ ồ lên cười! Hàng kẹo kéo bên cạnh, một tay cầm cây kéo, miệng bẻo lẻo như loa phát chợ, lập tức chọc ngay:
“Dở có khác! Hàng cá đùa một câu, mà mày cũng nhận mình là dân cống rãnh luôn hử?”
Mấy mụ đàn bà ngồi chồm hổm, nghe vậy thì cười rộ, cái giọng lanh lảnh, xô vào nhau như mấy con gà mái gọi ổ. Nhài Thanh cũng cười theo, mà cười còn lớn hơn cả đám kia. Tiếng cô the thé, chát chúa như lưỡi dao lia trên thớt gỗ, nghe mà rộn ràng cả một góc chợ. Cô nghinh nghinh cái đầu, đôi mắt ti hí gian xảo lướt ngang lướt dọc, bỗng dưng nhóp nhép cái miệng, nhẩm bụng rao hộ:
"Ai cá lóc nướng đê. Ai cá lóc nướng nào. Cá lóc nướng trui, cá lóc tươi béo, cá lóc tận tay bà Sâm phục vụ đê. Ai cá lóc nướng trui a.."
Lời rao nghe bắt tai, người trong chợ một nửa cười, một nửa cũng thấy thèm. Dì Sâm từ đầu chỉ định trêu chơi, vậy mà thấy con dở rao xôm thế, cũng phải cười nắc nẻ, quẹt tay vô tạp dề rách, rồi cầm quạt phe phẩy than, giục:
“Cá lóc nướng đây! Mỡ chảy xèo xèo, thơm nức cả chợ! Con dở nó cũng thèm đây này! Ai mua, mua nhanh kẻo hết!”
Thế là chỉ trong chớp mắt, có mấy người xung quanh trông lạ hoắc, dường như là người bên làng trên đã nhao nhao kéo đến. Thanh Dở nhìn mà khoái trá! Cô ngửa mặt cười khanh khách, tay vỗ đùi rồi lại xốc váy, hất tóc, vênh váo như kẻ vừa lập công lớn. Thôi thì chưa mua được cá, nhưng làm một trận náo loạn thế này, cũng coi như lời! Mà sở dĩ cô cười, là do cô biết tỏng.. một lát nữa thế nào cũng được bà dì này cho thêm chút gì ăn.
Dì Sâm - người đàn bà lực điền, thân hình phốp pháp như cái vại nước, tóc búi cao mà lòa xòa vài sợi, thấy con Thanh Dở rống to thì cười khà khà. Dì bán cá từ tinh mơ, nắng xéo ngang trán vẫn chưa thấy khách là bao, lòng đã ngán ngẩm, giờ thấy con oắt con kia rao cho một tiếng mời gọi mà đám người bển trên túm tụm quanh mẹt hàng, đâm ra cũng cười được một cái. Dì Sâm nhìn Thanh Dở đang đứng một góc bên cạnh vì bàn đã kín chỗ, dì bèn chỉ chỉ tay vào hàng rào thấp thấp, gọi với tới Thanh Dở:
"Lại đây, ngồi xuống đây mà ăn! Hết chỗ rồi, nhưng ngồi mép bờ rào cũng được!"
Nhài Thanh chả khách khí, nhún một cái đã nhảy tót lên mép rào đất, hai chân đong đưa như đứa trẻ con. Hơi than còn âm ỉ, cá nướng mỡ chảy xèo xèo, da tróc lốm đốm, vàng ruộm như mật ong. Mùi lá chuối hơ lửa quyện với cá, thơm đến nao lòng. Cô nhìn chằm chằm, hai con mắt long lanh, chóp chép cái miệng, như con mèo ngửi thấy mùi cá kho. Rồi cô vươn cổ, nhe răng cười toe, bảo:
"Giời ơi, chỗ nào mà chẳng được. Không chết đói là được. Dì Sâm ơi, dì lựa cho con con nào béo nhất, to nhất nghen! Chứ con mà nhỏ, con mà gầy là con cự nự đấy!"
Dì Sâm hừ mũi, lườm nó một cái, nhưng cũng chẳng tiếc, bèn thò tay gắp ngay con cá giữa mâm, con tròn nhất, chắc thịt nhất, đặt xuống đĩa rồi chìa ra trước mặt cô:
"Ăn đi! Mà này, tao thấy mày rao cũng giỏi, lanh lắm. Hay ở lại đây mà phụ tao, ngày ngày đứng chợ rao hàng, tao cho cơm ăn qua ngày. Chứ lông bông mãi thì có ngày chết đói đấy dở ạ!"
Nhài Thanh nghe vậy thì trợn tròn mắt, hai tay phủi phủi vào nhau, sẵn sàng bốc ngay miếng cá mà nhai cho thỏa. Nhưng nghe dì Sâm nói thế, cô lập tức nhăn mày, giật lùi một bước, lắc đầu cái rụp, rồi bĩu môi:
"Ứ chịu đâu! Đi ăn xin mấy lão kia riết quen rồi, một ngày không rống lên đòi tiền thì con thấy ngứa miệng, ngứa họng, khó chịu lắm! Mà dì tưởng con đứng rao không công à? Mấy lão trong chợ này, người nào rủng rỉnh mà chả từng bị con vòi đến méo mặt? Dì coi, ai nỡ để mất một cái nghề kiếm ăn ngon lành như thế!"
Dì Sâm nghe cô nói thì bật cười, lắc đầu chán nản. Nhìn con Thanh Dở, cái mặt lém lỉnh như khỉ, nước da ngăm nâu, tay chân khẳng khiu, mà cái miệng thì lanh như chớp. Nó lanh lợi, nhưng lại cái kiểu lanh không ai ưa, chỉ giỏi chọc người ta tức điên mà không bắt được. Cái chợ Đông Tụ này, biết bao người hận nó, vậy mà chẳng ai làm gì nổi. Cái giống lỳ lợm, ai mà trị cho được đây?
Nhài Thanh chẳng thèm quan tâm tới cái nhìn chằm chằm của dì Sâm. Bởi lúc này, cái chuyện quan trọng nhất của cô là ăn, là chén sạch đống cá lóc thơm nổ cánh mũi này. Nói là làm, chỉ một loáng, hai hàm răng sắc đã nhai rau ráu, lớp da cá cháy xém tan ra nơi đầu lưỡi, vị béo ngậy tràn tới, quyện cùng chút cay cay của khói bếp, mắm mắm của gia vị ngấm lửa than. Cô nhai kỹ, mắt lim dim, môi nhen nhén như nhấm nháp từng chút hương vị, hai chân thõng xuống đu đưa, mỗi nhịp chân chạm gió lại khẽ kêu "ôi ôi" như tự mình cũng chẳng kiềm được cái khoan khoái trong lòng.
Dì Sâm ngồi xệp bên bếp, tay cầm que gắp, mắt liếc sang, giọng khào khào:
"Cái con ranh này! Mày đúng là trúng gió lâu ngày thành dở thật rồi! Người ta bươn chải kiếm ăn, còn mày thì rình rình quậy phá, chọc ghẹo, lừa lọc người ta cho bõ cái tính nghịch ngợm của mày!
Cái que gắp chĩa chĩa vào mặt Nhài Thanh như để răn đe, nhưng cũng chẳng đủ làm cô chùn bước. Cô chẳng cãi, cũng chẳng giận, chỉ cười hì hì, con mắt láo liên, cái vẻ khôn ranh lồ lộ ra mặt. Cô cứ thế nhai cá, cằm mỡ lấp lánh dưới ánh lửa, hai vai rung rung như thể câu mắng của dì Sâm chẳng lọt nổi nửa chữ vào tai.
Ừ thì cô dở, mà dở cũng là một cái nghề! Đừng tưởng cô dở mà chẳng biết gì. Ai bảo dở là không khôn? Không dở, làm sao lừa được đám ông già keo kiệt móc túi bố thí? Cái mặt cô khờ khờ, cái miệng lắp ba lắp bắp, ai chẳng tưởng cô dân ngây, dân dại? Mà đã ngây, đã dại, người ta lại thấy thương hại, mềm lòng quẳng cho vài xú bố thí.
Mà xú đó đâu chỉ nuôi mỗi cô? Xú đó còn nuôi lũ nghèo kiết trong chợ, nuôi bà cả hèm cả hẻm, nuôi thằng Nhãnh què chân, nuôi lũ trẻ con bơ vơ chẳng cha chẳng mẹ... Cái trò vờ dở của cô cũng chỉ để bắt lão già cắc củm, lão chủ quán hà tiện, lão lái buôn lắm bạc phải nhả ra chút lòng lành!
Người ta tích bạc như tích nước, mà nước chảy vào tay kẻ giàu thì tù đọng, chảy vào tay kẻ nghèo mới hóa mạch nguồn.
Trên đĩa, con cá lóc cứ vơi dần, từng miếng, từng miếng một. Bầu trời dần sậm xuống, những vệt nắng đậm cuối ngày kéo dài trên mái chợ, nhòe dần, nhòe dần... Chợ chiều đã tắt, chỉ còn những ánh sáng lặt phặt hắt lên mặt đất thành từng vệt vàng cam nhạt nhòa. Lá cọ trên mái rì rào, bờ tre cạnh quán lách tách, tiếng côn trùng ẩn khuất trong bụi rậm mà cất lên những điệu nhạc li ti.
Giữa cái tĩnh lặng của buổi chập tối, giọng Nhài Thanh bỗng rơi xuống, nhỏ nhẹ, từng chữ từng chữ lả lướt lắm:
"Nghèo thì nghèo, chớ có lo,
Ngửa tay xin kẻ bực to lại cười.
Tiền trời rớt xuống cứ xơi,
No xong lại tính cái đời mai sau."
Lời hát dứt, gió cũng vừa thoảng qua. Dưới ánh sáng lụi dần, bóng người trong quán loang loáng trên nền đất nâu, đổ dài theo ánh lửa hắt ra từ bếp than. Bọn người quanh đó, kẻ chống tay cười khẩy, kẻ ngoảnh mặt bĩu môi, có kẻ hừ một tiếng như thể nghe chuyện khôi hài. Nhưng cười hay chê thì cũng thế, ghét cô vẫn cứ ghét, quý cô vẫn cứ quý, chẳng ai vì một câu hát mà thay đổi dạ lòng.
Nhài Thanh cũng vậy thôi, chẳng làm người lương thiện, mà cũng chẳng hẳn là kẻ bất lương. Cô sống như con chạch dưới bùn, trơn tuột chẳng ai nắm được, trôi theo dòng đời, va vào ai thì nhoẻn cười mà va, chọc ai thì giở trò mà chọc, chẳng gốc rễ, chẳng neo bến. Cái đời cô, cứ như hạt cát lăn theo gió, như con chim sẻ sà xuống nhặt một hạt cơm rơi, rồi lại tung cánh bay đi, chẳng ai giữ nổi.
Nhài Thanh cúi đầu, nhón tay bốc lấy miếng cá lóc nướng, tợp một miếng lớn. Khoé miệng khẽ kéo lên, vẽ thành một nụ cười vừa mơ hồ, vừa chua cay, vừa có chút gì đó đắc ý.
Người ta gọi cô là "dở" riết thành quen, nhưng cô có dở thật đâu? Họ tưởng cô điên, mà cái đầu cô lại tỉnh rành rành. Ở cái chợ này, ai cũng bon chen, ai cũng tính toán, người hiền thì chịu thiệt, kẻ dại thì bị dắt mũi, ai khôn ranh thì mới sống được lâu. Cô không khôn, cũng chẳng dại, mà là thứ người lửng lơ giữa hai bờ, vừa điên vừa tỉnh, vừa thật vừa giả. Phải dở thì mới lừa được mấy ông lão bụng phệ hẹp hòi, mới xin được cơm, được tiền, được chút lòng thương hại từ thiên hạ. Mà thử hỏi, có ai dở mà tính toán rành rẽ như cô không?
-Hết chương 3-
Bình luận
Chưa có bình luận