Nhài Thanh nhướn mày một cái rất nhỏ, mắt láo liên nhìn sắc mặt ông Tộp, rồi ngay lập tức bắt đầu cái bài văn xin ăn đã soạn sẵn từ lâu: “Bẩm ông, con Thanh Dở ạ!” Tiếng "ạ" kéo dài, giọng điệu rề rà, ngọt như mật, hệt như kẻ khéo nịnh bợ. Nhài Thanh cúi người, chắp hai tay, gò má đầy bùn đất cọ cọ vào nhau, làm bộ đáng thương vô cùng:
“Con cũng chẳng muốn làm phiền ông đâu ạ! Chẳng qua là con lên làng trên, lại không có kẻ nào phúc lượng như ông, giàu có như ông, cũng chẳng có kẻ nào cưu mang bọn con như ông! Bên bển hà tiện lắm, chắt bóp từng hột thóc, chẳng bằng một góc của ông đây, vậy nên con lại lận đận trở về…”
Cô rền rĩ xong, lại làm bộ thút thít. Đoạn, cô giơ bàn tay toàn đất bùn lên lau lau khóe mắt, chùi đi chẳng thấy nước mắt đâu, chỉ thấy bùn quệt thành vệt dài trên mặt: “Lạy ông, ông thương tình cho con mấy đồng, con đây đã mấy ngày chẳng có hột cơm vào bụng, sắp chết đến nơi rồi! Lòng lành làm phước, kẻo mai này ông gặp nạn, trời lại bắt ông trả gấp đôi ạ…” Giọng cô cất lên lả lơi, kéo dài từng chữ một, ngọt hơn chè đỗ đen, mà lại chua hơn nước dưa khú..
Người đầy tớ vừa nãy còn hùng hổ mắng chửi, giờ thoáng tỏ vẻ khó coi. Gã quay ngoắt đi, gãi đầu gãi tai, lẩm bẩm: “Cái con này… Nhanh như chớp mà lật mặt!”
Ông Tộp được bợ lên thì bụng nở gan căng, cái đầu cũng hất cao thêm một khúc. Nhưng lão đâu phải tay mơ, chỉ nghe qua một chặp cũng ngửi ra được trong lời con Thanh Dở có cả đường lẫn sạn. Lời cô nghe êm tai, nhưng ý cô châm chích chẳng khác nào gai mắc áo. Thế nhưng, người có của không dễ nổi nóng, lão vẫn giữ vẻ đạo mạo, chỉ phe phẩy cây quạt, liếc xéo con Thanh đang quỳ bệt dưới đất, giọng lạnh tanh: "Ơ hay! Ai cho mày lối quen cửa quyền vậy hử? Nhà ông có họ hàng gì với mày hay sao mà cứ lần mòn sang đây? Cơm gạo đâu phải vỏ hến mà ai cũng vốc được? Mày đói kệ mày, mày chết cũng chẳng can chi đến ông, hở con Thanh Dở?"
Nhài Thanh chớp chớp mắt, cái miệng nhoẻn cười, vẻ mặt vô tội lắm. Cô lết thêm một bước, giọng ngọt xớt:
"Ấy chết! Ông không biết chớ, con đi khắp xứ, mà chỉ có mỗi ông là hào hiệp, mỗi ông là rộng lượng, cũng chỉ có ông chịu rủ lòng thương mà cho con mấy đồng lận lưng. Nay nếu con yểu mạng, chẳng may trúng gió quỵ ngang mà đi luôn một thể, thì con cũng chẳng đi đâu xa, mà kéo hồn về đây, bám riết trước cửa nhà ông! Con làm ma nhà ông, tối đến con ghé qua, xem thử ông có ngủ yên không, mộng có lành không. Con ngồi tựa cửa, thổi gió heo may vào màn, đêm khuya hát hò cho vui cửa vui nhà, coi như trả cái ơn ông cưu mang con khi sống!"
Lời cô nhẹ tênh, mà rờn rợn da gà.
Đám đầy tớ đứng bên nín thở, có kẻ bặm môi nhịn cười, có kẻ nghiến răng ngó trộm sắc mặt ông chủ. Ông Tộp thoạt nghe thì sững lại một chút, rồi mặt xám ngoét, râu mép giật giật. Quạt trên tay lão suýt nữa bẻ gãy! Râu mép ông Tộp rung rung, hai mắt trợn tròn.
Ông thầm nghĩ: Biết tỏng con chó bám đuôi này nó lì! Cho nó thì đuổi được dăm ba hôm, không cho thì nó hát nó hò, nó ngồi lì ăn vạ ngay trước cửa. Mà trước mặt đầy tớ, bắt nó nhịn đói, lão e là mất danh mất giá. Lão nhìn con Thanh, đã ghét mà lại còn ngại. Cái giống này ai ép nó cũng chẳng xong. Bắt làm kẻ ở? Nó chửi cha chửi mẹ, làm ba hôm thì vác rổ trốn. Lừa bán nó đi? Nó dở dở ương ương, thà mất bạc còn hơn mất mạng.
Nghĩ tới đó, ông Tộp nâng mày, mặt nhăn như bị nhét chanh vào miệng, đoạn hất tay quạt một cái, xoay người bước thẳng vào nhà. Miệng lão quát tháo: "Cho nó dăm ba đồng mà đuổi đi! Để lâu bẩn mắt ông! Thứ xui xẻo!"
Bọn đầy tớ nghe vậy liền động tay động chân, có kẻ móc dưới xâu tiền ra mấy đồng, nhắm ngay con Thanh mà ném tới. Đồng tiền xoay tít trên đất, lăn lóc một hồi mới dừng. Nhài Thanh thấy vậy, hai con mắt quắc lên. Cô chồm dậy, chạy thẳng tới tóm lấy chân kẻ vừa ném, miệng nở nụ cười lẳng lơ như hồ ly vào vụ:
"Ấy... Anh Sún ơi!" Cái giọng nó ngọt xớt, véo von như sáo thổi đầu đình. Cái tay bám chặt, cái mặt tỏ vẻ nũng nịu, đến cả cách nói cũng đổi luôn, mềm hơn cơm nát, dẻo hơn kẹo kéo: "Anh xem... Em đói đến mốc meo, người gầy hơn cây sậy, bụng lép còn hơn nia xay hết gạo. Anh mà cho em ít đồng vầy, em ăn vào cũng không tới đáy dạ dày.."
"Ôi... Cái phúc của anh to như cái đình làng, anh Sún ơi! Anh thương em chút đi! Anh mà keo kiệt, em lại phải kêu khóc ầm lên mất thôi...!"
Bọn đầy tớ đứng quanh nhìn mà nín thở. Có kẻ cố nhịn cười, hai vai rung rung, có kẻ mắt trợn trắng, không tin nổi cái bản mặt nịnh bợ ấy. Còn anh Sún thì mặt đỏ bừng, chân run lẩy bẩy. Mồ hôi trên trán rịn ra như tắm, mồm méo xệch, không biết phải xử thế nào.
Thằng Sún nghĩ nghĩ một hồi rồi đưa tay xô mạnh con Thanh ra, nhưng cô bám còn chắc hơn đỉa đói. Tay cô níu như keo dán gỗ, chân cô ghì như gọng kìm, mặt còn cười toe như được mùa! Thằng Sún mặt sa sầm, hai lỗ mũi phập phồng. Một tay giữ khư khư xâu tiền, một tay đưa lên định gạt con ăn xin đi.
Nhưng mà...
Nhài Thanh chẳng hề hấn chi. Cô lật mặt nhanh hơn trở bánh tráng, nụ cười hạ xuống: "Cá dưới sông còn có kẻ thả mồi. Chim trên trời cũng có người vãi thóc. Anh Sún ơi, xin anh rủ lòng thương cái thân con Thanh Dở này…!"
Cái giọng não nề như chim chiều lạc tổ, nghe mà muốn chép miệng thở dài. Thằng Sún cắn răng nghiến lợi, giậm chân bịch bịch xuống đất, mặt nhăn như đít khỉ: "Bố tổ cha mày, buông ra!"
Càng nói, Thanh Dở ôm chân hắn càng chặt.
Hắn túng thế, tay móc lấy xâu tiền, vừa vung mạnh, vừa quát: "Này! Cầm rồi cút xéo! Tao bố thí cho mày làm phước! Chiều chưa qua, tối chưa tới, tay chân lành lặn mà không biết nghĩ. Như tao đây, đi ở đi làm, còn có cơm có cháo! Mày thì ăn vạ thiên hạ, sống như rêu trôi bèo dạt, không biết nhục à?!"
"Xéo! Xéo mau!"
Mấy đồng bạc lăn lóc trên đất, tiếng chạm nhau lanh canh. Nhài Thanh bật cười ha hả, hai mắt híp lại như sợi chỉ, vai run lên vì quá đỗi khoái trá. Nhài Thanh rướn cổ nói: “Ối giời cao đất dày, ơn đức thằng Sún Thanh Dở nhớ kĩ! Con lạy ông Tộp, lạy ông Tộp nhớ cho tỏ tường hầy ha ha ha!”
Nói đoạn, cánh cổng sập kín. Thằng Sún bên trong nhanh chân chạy vội lên ngoài hiên, lom lom nhìn ngó như con chó vện canh cửa. Mặt gã vẫn nhăn lắm, coi bộ là tức mình nhưng không làm gì được. Ở ngoài cổng, Nhài Thanh cúi nhặt lấy xâu tiền đồng, lắc lắc bên tai, tiếng leng keng vang lên nghe mà khoái ruột. Môi cô nhếch lên, đôi mắt sáng rỡ. Cô lẩm nhẩm một mình:
“Bữa ni có tiền, phải ăn bữa cho nó ra giống con nhà người ta, chớ chả lẽ cứ gặm khoai sùng hoài!”
Dứt lời, cô phủi quần đứng dậy, cầm lấy cái nón lá đã sờn chóp đội lên đầu. Vừa đi được vài bước, Nhài Thanh lại không nhịn được mà ngoái nhìn vào căn nhà năm gian bề thế của lão Tộp. Đôi môi mím lại, đầu lưỡi liếm qua khóe mép như đang nghĩ kế gì đó. Chỉ một thoáng, mấy thằng cu nấp xem trò đằng xa đã thấy Thanh Dở hít sâu một hơi, rồi vỗ tay bốp bốp. Chúng nó khoái chí nhìn nhau.
Nhài Thanh chống tay vào hông, miệng rống to: “Tham thì thâm, có tiền chẳng dám ăn, tích tàn tích tệ, đến chết cũng chẳng mang theo! Vàng bạc chôn đất, ruộng đồng bỏ không, đến hồi nhắm mắt, có đem được tí chi theo người? Nghèo ăn cá, giàu ăn tương, giàu mà bỏ bụng đói, khác chi ngược đời?"
"Ông Tộp ơi, tiền để trong chum, thóc để đầy vựa, mà tối đến vẫn nằm run cầm cập, sợ người vào cướp, sợ kẻ đào kho! Để mà làm chi? Để rồi lúc quặt quẹo, cơm chẳng trôi cổ, nước chẳng vào môi, lại nửa đêm than khóc với ma hời hỡi ông Tộp! Ha ha ha!”
Nhài Thanh cười lớn, bàn tay đập lên đùi đánh đét, giọng cười khoái trá vang xa. Hai tên đầy tớ đứng dưới thềm nghe tiếng chửi chói tai thì giật thót, mắt trợn tròn như hai cái bát úp, chưa kịp hoàn hồn đã thấy con Thanh Dở co cẳng chạy vọt, chân đạp bụi đất bay lên mù mịt.
Bên trong nhà, lão Tộp đang nằm ườn trên sập gụ, tay vân vê chòm râu lưa thưa, trong bụng nhẩm dăm ba câu thơ tự chế. Đang cao hứng, bỗng tiếng ré vẳng vào tận tai, nghe chói lỗ nhĩ như tiếng dao cạo vào vành nồi đất. Lão giật nảy mình, hai mắt trợn trừng, tròng trắng tròng đen đánh nhau chan chát. Cái tên tai ác ấy! Cái giọng chanh chua ấy! Còn ai vào đây nữa nếu không phải con Thanh Dở mặt dày, lưỡi sắc như dao cạo? Lão Tộp tức thì bật dậy, vớ lấy cây gậy gỗ lim kê ở mép sập, hai chân bước huỳnh huỵch ra hiên. Mặt lão đỏ tía, gân trán giật giật, đôi mắt đục ngầu long sòng sọc, giọng quát vang rền, như muốn lấn át tiếng gió đang rít qua mấy tấm phên nứa:
“Tiên sư cái con tiện tì! Đã nghèo kiết xác còn to họng, thân thấp hèn mà mồm mép như lưỡi cày quệt bùn! Tao bố thí cho mi miếng cơm, chứ không phải để mi vểnh mõm chửi xéo! Cơm ăn chưa kịp tiêu mà mồm đã hộc ra toàn lời xằng bậy! Chó không sủa bậy còn được miếng xương, chớ cái thứ mi, mồm loe lẻo như cò mổ tép, đến già cũng chỉ rúc xó nhà nghèo mà tru tréo!”
Lão Tộp gõ gậy xuống đất cộp cộp, giọng càng lúc càng giận dữ, tay run lên vì tức: “Tích cóp cả đời, kẻ ăn người hầu, đến lúc nhắm mắt mới biết chẳng có đồng nào theo xuống mồ! Mi thì biết gì mà mở miệng loạn ngôn? Kẻ như mi, dẫu có cho vàng cũng chẳng giữ nổi, vừa thấy ánh bạc đã mắt trắng như cò gặp ruộng, tay run như mèo thấy mỡ! Lần sau vác cái mặt mo đến đây, tao bảo gia nhân túm tóc, lôi ra mà quất cho rụng răng, khỏi mở miệng bô bô!”
-Hết chương 2-
Bình luận
Rùa
Tự dưng nghĩ tới Chí Phèo haha 🤣