Việt Nam, năm 1806.
Ấy là năm Bính Dần, trời Nam vừa ngơi sau bấy phen can qua. Đất nước tuy an, nhưng lòng người chưa yên, chưa lặng.
Quan trên phủ gấm vóc là lượt, yến tiệc đàn ca, người hầu kẻ hạ. Kẻ dưới bùn tay lấm chân bùn, đầu đội trời, chân đạp đất, cày sâu cuốc bẫm cũng chẳng đủ mà no. Trẻ nhỏ lếch thếch trần truồng, quấn manh áo rách, khóc rấm rứt giữa cơn đói mùa giáp hạt. Nhà nào có ruộng thì cắm đất vay lúa, kẻ không đất thì bán thân làm kẻ ở, thân trâu ngựa mà mong miếng ăn thừa của bọn nhà giàu. Đất kinh kỳ đèn lồng sáng rực, người qua kẻ lại chen vai, tiếng rao hàng vọng khắp bốn bề. Nhưng bước chân về thôn dã lại chỉ thấy mái rạ xác xơ, ruộng đồng cằn cỗi, người làm quần quật mà vẫn trắng tay. Tình trạng như vậy, thử hỏi đất nước đã bình?
Xuôi về miền sâu hun hút. Gió chiều xao xác, giọng hát ai dặt dìu cất lên giữa đồng sâu..
"Khổ đời cơm hẩm cháo khoai,
Bên thềm lầu gác kẻ sai người hầu.
Bạc tiền đắp mộ cao sâu,
Người nghèo manh áo bạc đầu chưa xong....à ơi..!"
Tiếng hát lẫn vào tiếng tre xạc xào, mang theo nỗi oán hờn của bao kiếp người lầm than. Một con cọ rít dài trên mặt đường đất, kéo theo một bóng người thấp thoáng chạy băng băng..
Bóng người ấy thấp thoáng nơi đầu làng.
Dưới ráng chiều đỏ au, bóng người thoăn thoắt qua lối mòn chạy dọc bờ mương. Chân đi guốc mộc, gõ cộc cộc trên nền đất cứng, vấp ổ gà mà chẳng trẹo chân. Đôi mắt cô sáng lạ, ánh lên nét nghịch ngợm như trẻ con. Đến khúc quanh, cô bất thần nghiêng người, xoay gót mà trượt một đoạn như đứa trẻ chơi đùa. Đầu lưỡi khẽ liếm môi khô, phát ra tiếng "ới a ới à.."
Chợt, cô khựng lại. Tay đưa lên xoa xoa mái tóc dài rối bù. Đoạn, cô cúi xuống, vốc một nắm đất trộn bùn, xoa qua má, trét lên trán. Động tác dứt khoát, tự nhiên như thể làm riết đã thành quen. Áo cô mặc vá chằng vá đụp, màu bạc phếch, vai sờn, gấu rách. Bên ngoài khoác thêm tấm áo cũ, vải nhão cả, tay áo có miếng vá to bằng bàn tay. Đôi chân cô chai sạn, gót nứt nẻ. Cái đôi guốc mộc ấy còn sứt một quai, lộ rõ cái dây chuối khô quấn vài vòng. Tay người con gái cầm chiếc nón rơm úa màu, mép đã bong ra từng sợi.
Cô đứng giữa lối, mắt ngó về phía trước, nơi mấy mái nhà tranh nép mình dưới rặng tre già. Đôi môi nhếch nhẹ, vừa như cười, vừa như thách thức. Quơ quơ chiếc nón rơm trên tay, cô cất giọng lảnh lót:
“Làng Đông Tụ, con dở này tới đây!"
Làng Đông Tụ nằm ẩn mình sau con mương dài. Đường vào làng chỉ là lối đất gập ghềnh, ổ gà đầy đường, chỗ sình chỗ khô, hai bên lau lách mọc thành bụi rậm. Mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội đến quá gối. Đi hết đoạn đường với hàng lũy tre già đan cành mới thấy hàng rào làng xiêu vẹo chắp nối từ những thân tre khô. Cổng làng? Chẳng có! Chỉ có hai cây chuối già đứng trơ trọi, bờ cỏ dại mọc ken dày mà thôi.
Người con gái ấy đứng ngắm nghía một chút, đoạn vặn mình một cái rồi chạy ù vào làng. Hết quẹo ngõ này lại rẽ ngõ kia, thân hình nhanh nhẹn như con chồn đất, dáng vẻ thân thuộc như người chưa từng rời xa chốn này. Dưới mái hiên mấy nếp nhà rạ, vài bóng người lom lom dõi theo. Có kẻ nhếch môi cười hề hề, có kẻ lắc đầu chép miệng, giọng nửa đùa nửa thật:
"Nó về rồi đấy, phen này làng Đông Tụ có mà rối như tơ vò ha ha ha."
Người con gái thoăn thoắt như sóc rừng, chạy một hơi qua bao nhiêu lối xóm, cuối cùng cũng đứng khựng lại. Trước mặt cô, một căn nhà gỗ năm gian bề thế, tường gạch đỏ au, mái ngói vảy cá lợp cao, rường cột trạm trổ rồng bay phượng múa. Cái sân trước rộng thênh, phẳng lì, gạch tàu lát kín, giữa sân còn bày một cái chum sành lớn hứng nước trời. Hai bên cổng, hai gã đầy tớ đứng nghiêm, áo the quần vải, tay cầm gậy trúc trông bệ vệ lắm cơ.
Cô không buồn đếm xỉa đến mấy kẻ giữ cổng, nhón chân đi thêm mấy bước rồi khoanh gối ngồi bệt xuống đất. Đoạn, chẳng nói chẳng rằng, ngã khụy ra, tay quơ quào chiếc nón rơm rách te tua như kẻ lả vì đói khát. Cái nón trong tay khua lên, phẩy xuống mấy lần, như thể ra ý kêu gọi.
Bỗng dưng, cô ngân nga một điệu hò kéo dài, cố tình mà rống cho to, cốt để bọn đầy tớ đứng canh cổng kia phải nghe thấy:
"Hò ơi…!"
"Ông lắm bạc nhiều kho,
Thương người đói khát mà cho tro… à nhầm… cho cơm!
Một đồng chẳng thấm áo ôm,
Nhưng mà tích đức, phúc thơm mười đời!"
Cô ngừng lại một nhịp, hắng giọng rồi ngã ra đất giống như vừa bị kẻ nào đạp xuống vậy:
"Hò ơi…ơi là hò ơi!
Bát cơm rơi vãi ngoài sân,
Chó mèo ăn đặng, người trần ngó trông.
Ông cho thì phước vun đồng,
Kẻo mà già yếu, long đong cuối đời...í a.."
Lời hò vừa dứt, cô liền ngửa cổ dậy, giơ cao cái nón làm ra vẻ đáng thương vô cùng. Rồi sau chót, giọng cô bỗng cất cao, réo rắt như tiếng còi trâu giữa cánh đồng:
"Ơi hò ơi, ông Tộp có nhà hay chăng?"
Tiếng hò vang vọng khắp sân, đến nỗi mấy con gà đang mổ thóc cũng giật mình bay tán loạn. Hai gã đầy tớ đứng cổng trố mắt nhìn nhau, mặt mày nhăn lại như vừa ngậm phải mướp đắng. Một thằng lật đật chạy tuốt vào trong, còn một thằng thì cắm đầu chạy ra ngoài, chẳng khác gì đàn gà bỗng dưng bị con diều hâu sà xuống. Chẳng cần đoán cũng biết, chúng nó chia nhau một kẻ đi báo chủ, một kẻ chạy đuổi khách. Mà cái kẻ đang "làm khách", tay quơ quạt hò rống trước cổng nhà ông Tộp nào phải ai xa lạ, ấy chính là Nhài Thanh.
Thanh "dở", Thanh "lì", Thanh "gan to mười phương." Nhài Thanh, cái tên ai trong làng Đông Tụ này mà chẳng biết! Phận đàn bà chẳng cha chẳng mẹ, chẳng ruộng chẳng nhà, đầu đường xó chợ là chỗ ngả lưng, bát cháo lỏng bỏng là bữa cơm no. Người ta kêu cô "chó bám đuôi", "con Thanh dở", "con Thanh ngang trời dại dột", nhưng cũng có kẻ nể cô, bởi lẽ cô chẳng biết sợ ai!
Cô đi đến đâu, là có kẻ bặm môi đến đó. Bọn nhà giàu hách dịch ghét cô lắm, bởi cái lưỡi cô như lưỡi cày, hễ cất lên là đào xới hết ruột gan thiên hạ. Dân nghèo thì cũng tùy người, có kẻ ghét, có kẻ ưa. Kẻ nào thích nghe hát hò, thích nghe nói xỏ nói xiên thì thương cô, vì mỗi lần cô mở mồm là một lần thiên hạ có trò vui.
Nhưng mà, nghe ra cô chửi khéo hay không, ấy lại là chuyện khác! Lời Nhài Thanh nói, có người cười mà thấm, có kẻ nghe mà tức. Cô hò lên một câu, là có kẻ cười ruồi, có kẻ đỏ bừng mặt mũi. Người khôn thì nghe để cười, kẻ dại thì nghe để tức. Cô là như thế. Ngang ngang mà dọc dọc, chẳng ai trị nổi.
Nhài Thanh híp mắt lại, trông thấy bóng người từ trong sân chạy ra. Một gã đàn ông, áo ngắn màu nâu bạc phếch, sờn đến tận khuỷu tay. Bên dưới, gã mặc quần vải thô, ống quần xoắn cao tận đầu gối, để lộ đôi chân trần chai sạn, đen đủi như đất ruộng phơi nắng tháng hè. Gã vừa chạy vừa cầm theo một cây gậy thô. Nhìn kỹ, hóa ra là cây củi nhóm bếp! Thấy thế, Nhài Thanh cười khanh khách, tay vỗ vỗ lên đùi mà khoái chí.
Gã đàn ông xầm mặt lại, cặp chân mày chụm vào nhau. Đến trước cổng, gã chẳng mở ngay mà cầm cây củi hất lên, xua tay như đuổi chó hoang: "Con Thanh Dở! Mày không chết mẹ trên làng trên đi, còn lết cái xác thối về đây à? Hay bên đấy đói quá, không ai cho đồng nào, nên lại mò về kiếm ăn hả con?" Gã vừa nói, vừa quăng cái nhìn chán ngán xuống Nhài Thanh.
Nhài Thanh chẳng giận, chẳng mắng, chỉ cười hì hì, cặp mắt láo liên đầy tinh quái: "Ối, tao sắp chết đói rồi đây này! Mày có thương thì cho tao bát cơm nguội. Không có cơm, thì cho tao mấy đồng cắc, tao chạy ra chợ làm bát cháo cầm hơi. Trời cao đất dày ơi, bụng đói mà hát chẳng ra hơi nữa rồi!"
Nói rồi, cô làm bộ ôm bụng, nhăn mặt kêu rên, ra chiều thiệt khổ. Nhưng khổ thiệt hay khổ giả, có trời mới biết!
Tên đầy tớ giữ cổng còn định ngoạc mồm mắng thêm mấy câu, nhưng chợt thấy bóng dáng ai đó từ bên trong lững thững bước ra, liền lập tức lùi lại. Cái dáng ấy, cái bước đi khoan thai mà dứt khoát ấy, chẳng ai xa lạ – chính là ông Tộp! Sau lưng hắn, một gã đầy tớ khác lom khom theo sau, vừa đi vừa khúm núm đỡ lấy khuỷu tay chủ mình, ra chiều hết sức cung kính. Ông Tộp – một trong những kẻ có của ăn của để nhất làng Đông Tụ. Ruộng đất nhà hắn chạy dài từ đầu sông đến cuối làng, nhà ngang nhà dọc xây bằng gạch, kho thóc kín mít chẳng lo đói khát.
Nhưng hôm nay, ông Tộp xui tận mạng. Bởi vì hắn chính là cái đích lớn nhất mà con Thanh Dở nhắm đến!
Ông Tộp ăn mặc cũng sang cả lắm!
Hắn khoác một chiếc áo dài tấp màu xanh lơ, vải dày dặn, tà áo buông quá đầu gối. Trên đầu, hắn đội khăn xếp chỉnh tề, chân mang đôi guốc gỗ mun đen bóng, đi đến đâu lộc cộc đến đó. Gương mặt chữ điền, râu ria dài buông xuống, cố ra vẻ đạo mạo nghiêm trang. Từ đầu đến chân, hắn toát ra vẻ phú hào! Nhìn vào, ai cũng biết hắn không phải hạng dân đen tay lấm chân bùn.
Nhài Thanh vừa trông thấy ông Tộp, trông thấy cánh cửa lớn khép kín đang được đầy tớ kéo mở ra, hai mắt liền sáng rực như mèo thấy cá, miệng cười đến tận mang tai:
“Ối giời ơi, bữa nay ông lớn ra tận đây, chứ chẳng ở trong nhà ngồi rung đùi uống trà!”
Cô bật cười ha hả, nhe răng chẳng khác gì bọn đàn ông trong phường chợ búa. Nhài Thanh bỗng nhún chân, nhảy bổ về phía ông Tộp. Vừa nhảy, cô vừa lết thân bò đến gần chân ông, chẳng khác gì con mèo lẻn vào nhà bếp! Ông Tộp giật nảy người, trợn trừng đôi mắt to, lập tức lùi lại hai bước, hất vạt áo như thể sợ dính bẩn. Hắn phe phẩy chiếc quạt giấy trong tay, đưa mắt nhìn con nhỏ trước mặt mà hừ lạnh một tiếng: "Con Thanh Dở đấy hở?"
-Hết chương 1-
Bình luận
Rùa
Nghĩ tới Chí Phèo nhưng mà ngẫm lại thấy không đúng lắm, mình thấy giống nhân vật bà nào trong cái phim gì ngày xưa xem ấy, một bà nào chửi người khác trơn tru toàn vần, mà không nhớ tên là gì
Nguyễn Thị Huê.
Đọc chương 1 là thấy ưng rồi đó 🤣🤣
Trương Đại Lão
Chấm tạm đây rảnh đọc nha