[Các địa danh trong truyện chỉ phục vụ cho tình tiết cốt truyện, mọi sự kiện đều không phản ánh triệt để. Vui lòng không áp đặt vào thực tế!]
Dưới Lục tỉnh truyền tai nhau, hễ mà có bệnh là xuống dưới Long Xuyên, vào làng Nhân Nghĩa, đến nhà thầy Út bắt mạch mua thuốc để trị.
Vùng này hỏi từ đầu sông đến cuối xóm, có ai không biết danh thầy lang trị bách bệnh nức tiếng của thầy Út, người ta bảo nếu cảm gió, nhức khớp, đau lưng, khó ngủ... Đến khó sanh, chỉ việc ghé qua nhà thầy, thầy bốc vài thang miễn phí uống thử. Nếu hết thì hôm sau ghé lấy tiếp, nhưng phải trả tiền, còn nếu nặng quá thì thầy đích thân xuống tận nhà chẩn trị.
Mà không phải bệnh nào thầy cũng nhận, riêng những bệnh quá tay với thầy thì thầy nhất định từ chối, bảo với người nhà nên đưa lên bệnh xá cho chắc. Tiếng vang gần xa thì do người ta đồn chứ thầy Út chưa từng nhận lấy một lời, thầy thường khuyên tụi nhà ra đường nhớ ăn nói khiêm cung, mình trị được cho ai thì do trời độ, chớ để miệng đời mà mang tiếng ngông, vạ lắm!
Hồi thầy Út Ôn hai mươi tuổi, vợ thầy mất vì bạo bệnh, để lại hai đứa con thơ chưa tròn đầy một tuổi. Dưới miền xuôi ai nghe kể về thầy lang Út cũng xót xa không ít, từ đó thầy gà trống nuôi con, tảo tần hơn cả một đời người. Giờ tụi nó trưởng thành hết cả rồi, đứa sắp lấy bằng cử nhân thì nghỉ học, về quê cùng tía bán thuốc, đứa thì nhất quyết không chịu lấy chồng, muốn ở với tía, nuôi tía cả đời.
Vừa thấy mừng vừa thấy lo cho thầy Út, đứa nào cũng có tài, đứa nào cũng có tâm, duy chỉ có việc thành gia lập thất là quanh co chối cãi. Thầy cũng không thiết mắng chúng nó nữa, thôi đời tụi nó, sống sao do nó tự định đoạt.
À trong nhà còn có một cậu học trò, so với tính cách hoạt bát nhanh nhẹn của hai cô cậu chủ nhà thì người này lặng lẽ hơn, ít nói và từ tốn hơn nhiều.
Mấy nay dưới đó bọn Mỹ Diệm ra sức càng quấy, dân mình chỉ trách sao không uất hận cho hết, sức người hạn hẹp hoàn toàn không chống lại chúng nổi. Mấy đợt chúng vào đây lục soát, cướp bóc, bắt bớ, mình chỉ biết ôm bụng chịu đựng, có gia đình nổi dậy chống trả, liền bị chúng bắn chết không tha.
Địch mạnh về vũ khí, ta mạnh tình đoàn kết, chúng vào đây tàn sát ác nghiệt, ta đồng lòng thực hiện kế vườn không nhà trống như các cụ thuở xa xưa. Nhờ đó mà mấy ngày rồi chúng không còn đến làng Nhân Nghĩa nữa, dân mình được bình yên đôi hôm…
Lại còn nghe đồn bọn chúng đang truy tìm Kim Lâu, lính đến đâu là dán giấy truy nã đến đó.
Nhưng người mình, dân mình, dù đày đọa bao nhiêu thủ đoạn cũng nhất quyết không khai.
***
Thầy Út cẩn thận bốc từng vị thuốc vào sịa¹, trời này nắng ấm, thích hợp để phơi khô mấy vị rễ cũ và lá ủ suốt đêm qua. Thầy Út đưa lên mũi ngửi ngửi, hồi sau thấy ổn thì kêu cái Nguyệt mang ra giàn phơi.
“Tía ơi, hai hôm trước có giấy báo mời tía lên xã, nay đến hạn tía có đi không?” Nguyệt nói vọng vào trong.
Thầy Út chắp hai tay sau lưng, bước ra ngoài cửa hiên: “Tía kêu anh hai bây đi, cứ để nó suốt ngày ủ rũ trong nhà tao thấy lo.”
Hoa Nguyệt có một người anh trai tên Niên, cả hai sinh đôi, tuy giống nhau mặt thể xác: da trắng, tóc đen dày, mắt hơi xếch, miệng cười chuẩn dân miền tây nhưng tâm tánh lại khác nhau một trời một vực.
Hoa Niên điềm đạm, ít nói, từ nhỏ đã tu chí theo tía học nghề thuốc, còn có bản tính nhẫn nại, tham khổ từ chối sung sướng, có chuyện gì đao đáo trong lòng là cứ giấu mãi chẳng chịu kể lể với ai. Ngược lại, Hoa Nguyệt thì hoạt bát nhanh nhảu hơn, thích trò chuyện, có nụ cười duyên dáng đến cả làng Nhân Nghĩa này, ai cũng quý cũng mến.
“Ủa anh Hoài chưa về hả tía?” Hoa Niên từ trong nhà bước ra, tay còn vắt chiếc khăn rằn mỏng lau mồ hôi trên trán. Chân vừa chạm thềm đất đã ngồi xổm xuống dưới hiên nhà, mắt nhìn đăm chiêu ra ngoài sân.
“Anh Hoài đi coi bệnh ở nhà cụ Thống rồi, nghe đâu con gái cụ ho hằng mấy đêm liền, uống thuốc bốc sẵn mà vẫn chưa dứt.” Cái Nguyệt bước vô nhà, nón lá chưa đặt lên vách đã bồi thêm câu nghi vấn: “Mấy nay thấy anh hai lẽo đẽo theo anh Hoài hoài nha, sao vậy, sợ cô nào bắt ảnh đi mất hả?” Môi nó cong cong đầy ẩn ý.
Không kịp đợi Hoa Niên phản pháo, thầy Út quay đầu, không nói không rằng đưa tay lên cốc đầu con gái, giả bộ nghiêm mặt: “Cái con nhỏ này, ăn nói tầm phào, lẹ lẹ vào phụ tía gói thuốc cho nhà cậu Đông đi.”
Cái Nguyệt liền xụ mặt, hứ lên một tiếng rõ to, nó theo chân tía vô nhà trong. Hoa Niên không buồn đôi co với em gái nữa, chỉ chống tay gối cằm lên đầu gối, thở dài nhẹ nhàng.
***
“Mấy nay cách mạng báo tin, tụi Mỹ Diệm đã bắt đầu đổ quân phía dưới Cái Răng, Tân Hương. Còn có chỗ chúng lập chốt tuần, mình phải coi chừng… Khụ khụ…”
Tư Hoài cúi xuống bắt mạch cho cô gái nhỏ đang nằm co ro trên ván gõ², nhỏ nhẹ thủ thỉ.
Ngoài mặt cậu nói đi coi bệnh, nội mật bên trong thì đưa tin về đợt bên mình chuyển quân xuống dưới Cái Răng ứng biêna. Thời buổi này một mẩu tin còn quý báo hơn cả trăm vạn bạc.
Ngọc Kim nhìn Tư Hoài, thấy ánh mắt cậu bình thản đến lạ lấy làm an. Cả đôi đều là tình báo mật, hai trong những mắc xích quan trọng của mạng lưới cách mạng miền Nam, hiện tại chính là cống hiến mặc sinh mệnh, sau này có toàn mạng hay không có lẽ do trời định.
“Bệnh tình không nặng lắm, đừng ra gió nhiều, tránh tái phát.” Cậu nói vừa đủ nghe, tay hí hoáy viết đơn thuốc, cẩn trọng truyền đi tín hiệu qua một mẩu giấy nhỏ giấu dưới hộp thuốc.
Ngọc Kim khẽ gật đầu như đã hiểu. Từ ngày miền Nam bắt đầu sục sôi, những người như Tư Hoài hay Ngọc Kim đều không thể sống cho riêng mình nữa. Khi đất nước cần đều sẽ có mặt, không ở ngoài sa trường chinh chiến nhưng lặng lẽ phủ một niềm tin yêu mãnh liệt lên đất nước này.
Tư Hoài xong chuyện thì cúi đầu rời đi, không nhận tiền thuốc. Ngọc Kim thấy vậy bèn gọi người hầu ra tiễn Tư Hoài về, cả hai vừa khuất bóng, Ngọc Kim cẩn thận nhét tờ giấy của Tư Hoài vào sâu lòng gối nằm, sau đó giả vờ ho vài cái cho có lệ.
***
Chú thích:
¹: đồ đan bằng tre, nứa, lòng nông, mắt thưa, nhỏ hơn cái nia, dùng để phơi, sấy.
²: là một bộ ván gỗ lớn, dày, thường làm từ các loại gỗ quý như căm xe, gõ đỏ, cẩm lai,... Dùng để nằm, ngồi hoặc tiếp khách trong nhà truyền thống. Ván có thể dài và rộng như giường, thường kê trong phòng khách hoặc gian giữa.
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận