Trong xe ngựa, Bình Nhi nhận ra trên người Cao Thanh Di còn mang thương tích, nước mắt vừa lau khô lại từng giọt, từng giọt rơi xuống tí tách. Cao Thanh Di chẳng thể làm gì khác ngoài việc không ngừng an ủi, tỏ vẻ mình không sao để giảm bớt cảm giác tội lỗi trong lòng Bình Nhi.
Nàng cho mã phu đánh xe thẳng về nhà mẹ đẻ của mình. Nếu được quyền lựa chọn nàng cũng không muốn để người thân biết chuyện đã xảy ra với mình hôm nay. Nhưng vì lòng kiêu ngạo, nàng càng không muốn người của phủ Á hầu nhìn thấy dáng vẻ nhếch nhác của mình hiện tại.
Xe ngựa dừng trước cổng phủ Học sĩ, Bình Nhi đỡ Cao Thanh Di bước xuống.
Bà Lý nhìn thấy con gái toàn thân ướt sũng, dung nhan tiều tụy xuất hiện trước cổng, trong lòng cả kinh vội vã đưa nàng vào trong.
Cả phủ Học sĩ một phen nháo nhào, sau cùng Cao Thanh Di cũng thay được một thân y phục sạch sẽ, nằm trong chăn êm nệm ấm.
Chuyện đến nước này Cao Thanh Di cũng không có gì giấu giếm. Nàng đem toàn bộ sự thật kể lại cho cha mẹ. Từ việc mình bị chuốc thuốc thôi tình, rồi bị mang vào phòng nghỉ với một nam nhân xa lạ. Nàng phải dùng trâm cài tóc đâm thủng chân và ngâm mình trong nước hồ thu để giữ tỉnh táo. Đương nhiên nàng cũng không bao che cho cô em chồng của mình, thẳng thừng chỉ ra biểu hiện sốt sắng của nàng ta theo những gì Bùi Bị quan sát.
Bà Lý một bên chùi rửa miệng vết thương cho con gái, một bên lau nước mắt. Nội tâm có bao nhiêu giằng xé cũng chỉ có thể gói gọn trong một câu than khóc:
- Gả sai rồi! Là cha mẹ hại con!
Cao Thanh Di ôm lấy bà, không ngừng an ủi:
- Mẹ đừng nói vậy. Chẳng phải con đã an toàn rồi sao? Biết được bộ mặt thật của bọn họ cũng tốt, sau này con sẽ cẩn thận hơn. Cô em chồng tuy không tốt nhưng đã đến tuổi cập kê, một hai năm nữa là gả đi rồi, không có gì phải sợ.
Ngồi cách một tấm bình phong, đôi mày của ông Bác từ lúc con gái trở về nhà vẫn chưa dãn ra. Trong lòng ông lúc này đây ngũ vị tạp trần, cay đắng đến cực điểm. Suy tư một lúc, ông mới trầm giọng lên tiếng:
- Hòa ly(1) đi, Thanh Di không nên sống chung với hạng người như thế!
Nghe cha nói vậy, hai con ngươi của Cao Thanh Di lập tức lấp lánh sáng. Nàng nhìn mẹ với đôi mắt tràn đầy trông đợi.
Nhưng tiếc thay bà Lý không một chút do dự liền phủ quyết:
- Không được! Nữ tử bị chồng bỏ làm sao có thể ngẩng đầu nhìn thiên hạ?
Hy vọng vừa nhen nhóm trong lòng đã bị mẹ không thương tình dập tắt. Cao Thanh Di rủ mi che giấu sự thất vọng trong đáy mắt.
Ông Bác lại không từ bỏ ý định, tiếp tục giải thích:
- Sao không thể ngẩng đầu? Cũng không phải Thanh Di phạm vào thất xuất(2) bị nhà chồng bỏ. Là bọn họ bất nhân bất nghĩa, chúng ta mới yêu cầu hoà ly, chúng ta cây ngay không sợ chết đứng!
Bà Lý không đồng tình với chồng, ngược lại còn phản bác:
- Nam nhân các chàng nào biết cái khó của nữ nhân bọn ta. Thanh Di dù bị nhà chồng hưu(3) hay chủ động hoà ly thì trong mắt người đời vẫn như nhau thôi, đó chính là một nữ tử đã qua một đời chồng, không còn trinh trắng.
- Nhưng nhà họ Trịnh gia phong thối nát như vậy, chẳng lẽ lại để con gái tiếp tục vào đó chịu khổ - Ông Bác đáp lại bằng thái độ cực kỳ bất mãn.
- Khổ thì sao? Nữ nhân trên đời này ai không khổ? Thanh Di hoà ly, thành gái có một đời chồng, sau này còn có thể gả cho người tốt nữa sao?
Cao Thanh Di lúc này mới nhỏ giọng lên tiếng:
- Mẹ, vậy con không gả nữa là được rồi!
- Không được! - Bà Lý ngay lập tức phủ quyết.
- Nữ tử lớn tuổi không chồng, chớ nói đến bị người đời đàm tiếu, không có con cái bên cạnh thì ai dưỡng lão, đưa tang cho con? Trăm năm sau ai thờ, ai cúng con? Chẳng lẽ con muốn đến lúc chết rồi làm một cô hồn dã quỷ vất vưởng, không chốn dung thân à?
Cao Thanh Di rủ mắt lẩm bẩm:
- Nếu sống còn sống không nổi, thì lo chi đến chuyện chết.
Bà Lý cầm tay con gái, tha thiết khuyên can:
- Thanh Di à, thế đạo này đối với nữ tử rất khắt khe. Ta biết con khổ tâm, nhưng một đời rất ngắn, khổ quen rồi sẽ không còn thấy khổ nữa. Chịu đựng vài năm, chờ cô em chồng gả đi, mẹ chồng lớn tuổi, con lại sinh cho hầu gia vài đứa nhỏ thì cũng sẽ chờ tới ngày lành thôi. Nữ tử trên thế gian này ai mà không như vậy? Miệng đời nghiệt ngã, con chưa kinh qua nên không thể hiểu được đâu. Nghe lời ta, ta chỉ muốn tốt cho con thôi.
Cao Thanh Di không nói thêm gì nữa, chỉ là trong lòng tự giễu có lẽ sau này nàng thật sự trở thành cô hồn dã quỷ, không nơi nương náu. Với tính tình của đứa con trai kế kia, thắp cho nàng một nén hương nó còn ngại, huống hồ gì đến chuyện đưa tang. Còn sinh con cho hầu gia, một mình nàng muốn cũng sinh không được. Thôi, thời vậy, mệnh vậy. Có lẽ giống như mẹ nói, chịu khổ quen rồi sẽ thấy hết khổ.
Cao Thanh Di băng bó vết thương, thay y phục xong thì trời cũng ngã bóng. Nắng chiều nhuộm sắc tía lên những mái ngói âm dương. Người buồn cảnh cũng chẳng vui, chắc vì lẽ đó mà Cao Thanh Di cảm thấy những rặng mây đỏ phủ khắp bầu trời Đông Kinh trở nên thật nặng nề, tựa như sắp sửa đè sụp cả một khoảng không, cũng làm sụp đổ tín niệm trong lòng nàng.
Những lời của mẹ cứ văng vẳng bên tai, không ngừng nhắc nhở nàng rằng một nữ nhân không con cái, đồng nghĩa với về già không chỗ nương thân.
Phải chăng đã đến lúc nàng nên bỏ xuống tự tôn cùng kiêu ngạo, học những nữ nhân chốn phong trần cách tranh giành tình cảm, lấy lòng nam nhân. Cốt để hầu gia rủ lòng thương, ban cho nàng một đứa con trai để có người nuôi dưỡng lúc tuổi già.
Đáng thương thay thân phận một nữ nhân, còn trẻ dựa vào cha, lớn lên dựa vào chồng, về già lại dựa vào con trai, suốt cuộc đời sống như một cây tầm gửi, mãi mãi không thể tự làm chủ nhân sinh của chính mình.
Nàng bồi hồi đứng trước cửa phủ Học sĩ, trong lòng dù vạn phần luyến tiếc, nhưng cuối cùng vẫn phải trở về nhà chồng.
Trên xe ngựa không ai nói một lời. Cao Thanh Di chỉ mong sao cho con đường này dài đến vô tận. Nhưng sở dĩ ước mơ được gọi là ước mơ, chính là vì nó không thể trở thành hiện thực.
Nửa canh giờ qua đi, xe rốt cuộc dừng lại trước cổng phủ Trung Nghĩa Á hầu. Cao Thanh Di nhìn tượng hai con nghê(4) đang nhe răng trợn mắt trước thềm đá, đột nhiên có cảm tưởng chỉ cần nàng tiến vào, nó sẽ nhảy đến và nuốt chửng nàng, như cái cách mà phủ Á hầu nuốt chửng cả nhân sinh của nàng vậy.
Bình Nhi đỡ Cao Thanh Di trở về viện của mình. Vừa đến nơi đã thấy Trịnh Bình Khang đứng chờ trước cửa Lan Hương uyển.
Cao Thanh Di lập tức buông tay Bình Nhi, ngẩng cao đầu tiến về phía trước. Dù vết thương trên đùi đau âm ỉ, nàng vẫn cắn chặt răng như chẳng có gì, bước chân cũng không mảy may ảnh hưởng.
Trình Bình Khang kín đáo đánh giá nàng. Do dự một lát hắn mới lên tiếng hỏi:
- Sao bây giờ nàng mới về?
Cao Thanh Di nhìn thẳng vào mắt hắn và đáp:
- Trên đường về ta có ghé phủ Học sĩ thăm cha mẹ. Chàng ở đây chờ ta có việc gì à?
Trịnh Bình Khang né tránh ánh mắt của nàng. Nghe hỏi thế hắn lập tức nói:
- Không có gì, nàng vào nghỉ ngơi đi.
Nói rồi hắn một mạch rời đi, bước chân gấp gáp như thể có mãnh thú đuổi phía sau.
Trở lại Lan Hương Uyển, Bình Nhi đỡ Cao Thanh Di ngồi vào ghế rồi mới nhíu mày thắc mắc:
- Hầu gia làm sao vậy? Tự dưng đứng ở cửa chờ một buổi, gặp tiểu thư xong liền chạy trối chết.
Cao Thanh Di ngẩn người, một hồi lâu sau nàng mới đáp lại bằng giọng nói run rẩy:
- Hắn biết! Hắn đều biết!
Lúc gặp được nàng, ánh mắt của Trịnh Bình Khang vô cùng phức tạp, có kinh ngạc, có thất vọng, cũng có thở phào nhẹ nhõm. Tại sao chứ?
Kinh ngạc vì nàng có thể an toàn trở về, thất vọng vì không thấy nàng thân bại danh liệt, lại nhẹ nhõm vì rốt cuộc danh tiếng của phủ Á hầu không chịu ảnh hưởng. Hoá ra người chồng cùng mình kết tóc trăm năm cũng góp mặt trong kế hoạch hãm hại mình. Nếu hắn không tham dự, thì ít nhất cũng là người biết chuyện.
Chưa bao giờ Cao Thanh Di lại thống hận đôi mắt có thể nhìn thấu nhân tâm của mình như vậy. Thử hỏi đối với người như thế, nàng còn có thể hạ mình đi lấy lòng, đi tranh thủ tình cảm của đối phương sao? Tuyệt đối không thể!
Là bọn họ mang trầu cau, vàng bạc đến để cầu hôn nàng. Đợi nàng gả sang rồi thì thi nhau giày xéo. Nàng trêu ai chọc ai? Tại sao lại đối xử với nàng như vậy? Nghĩ đến tương lai của mình, khoé mắt Cao Thanh Di bất giác đỏ hoe.
Bình Nhi ban đầu còn không hiểu ý của chủ nhân. Nhưng giây lát qua đi nàng bất giác ngộ ra:
- Tiểu thư, ngài nói… hầu gia cũng biết chuyện ngài bị Trịnh Minh Châu hãm hại?
Cao Thanh Di không trả lời, mà hỏi ngược lại:
- Nếu hôm nay bọn họ thành công, kết quả của ta sẽ như thế nào?
Sẽ như thế nào? Đương nhiên là danh tiết bị hủy hoại, tiếng xấu đồn khắp Đông Kinh. Với tính cách kiêu ngạo, thà gãy chứ không chịu khuất phục của tiểu thư, nàng tuyệt đối có thể dùng ba thước lụa trắng kết liễu cuộc đời chứ không chấp nhận sống tạm bợ.
Tuy là nghĩ như thế, nhưng Bình Nhi không dám nói ra lời, chỉ ôn tồn khuyên can:
- Tiểu thư, mọi chuyện đã qua rồi. Chẳng phải ngài đã không có gì sao?
Cao Thanh Di nhếch môi cười lạnh:
- Chưa qua đâu. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Một mệnh của ta đổi lấy một mệnh của cha, từ nay ân cứu mạng của Trịnh gia xem như thanh toán sạch sẽ. Cao Thanh Di này từ trước đến nay là người ân đền oán trả, phủ Á hầu tốt nhất đừng tiếp tục phạm đến ta.
____________
(1) Hòa ly: được hiểu là thỏa thuận ly hôn có sự đồng ý của hai bên, xem như là một cách để giải quyết ly hôn mà không làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai gia tộc.
(2) Thất xuất là Khái niệm được sử dụng trong thời kỳ phong kiến, theo đó người vợ phạm vào một trong 7 điều được nêu thì người chồng có quyền bỏ vợ. Bảy điều phạm đó gồm có:
- Không sinh được con;
- Ghen tuông;
- Ác tật;
- Dâm đãng;
- Bất kính với cha mẹ, ông bà;
- Bất hòa trong gia đình;
- Trộm cắp.
(3) Hưu, hay là hưu thê: là hành động bỏ vợ khi người vợ phạm vào thất xuất chi điều.
(4) Nghê (Chữ Hán: 猊) hay còn gọi là Toan Nghê (Chữ Hán: 狻猊 ) là một động vật thần thoại trong văn hóa Việt Nam, là biến thể kết hợp từ lân (hay sư tử) và chó (Có thể là Tạng Ngao hay Ngao Tạng ) , thường được dùng làm linh vật trước cổng đình chùa, đền, miếu ở Việt Nam.
Bình luận
Chưa có bình luận