Cao Thanh Di rời khỏi Thanh Vân uyển như một trận gió. Nàng không tỏ vẻ ăn năn, hối hận, cũng không khóc lóc van xin. Ba người nhà họ Trịnh có cảm giác như bị nghẹn một hơi trong cổ họng, khó chịu không tả được.
Trịnh Minh Châu ngẩn người một lúc mới hoàn hồn. Sau đó nàng lập tức nhào vào lòng bà Cả oà khóc:
- Mẹ xem đi! Con dâu mẹ ngàn chọn vạn chọn lại là người như vậy đó! Chị ta nói thế là có ý gì? Bảo con là kẻ trèo cao, thấy sang bắt quàng làm họ à? Từ nhỏ đến giờ còn chưa ai dám nói chuyện với con như vậy, sao chị ta dám!
Bà Cả thở dài vuốt đầu con gái, trong lòng cũng thật bất đắc dĩ. Vốn dĩ bà chọn Cao Thanh Di là bởi vì nàng xuất thân thấp kém, không có nhà mẹ đẻ làm chỗ dựa, người như vậy thường mềm yếu và dễ bị bà nắn bóp trong lòng bàn tay. Huỳnh Uyển Nhu trước kia là con gái của Tri châu đồng tri, nhà họ Trình lại là một thương gia, dù cho phú khả địch quốc(1) nhưng nói cho cùng chỉ là phận dân đen. Cưới nàng ta về nhà bà luôn có cảm giác không thể ngẩng cao đầu trước mặt con dâu.
Nay bà rút kinh nghiệm, cưới nữ nhi con nhà nông, thân phận tuy có chút thấp nhưng rốt cuộc bà cũng có thể tìm lại uy nghiêm của người làm mẹ chồng. Nhưng mà bà trăm ngàn lần không ngờ đến tính nết Cao Thanh Di lại là thế này. Lúc bình thường thì ăn nói dịu dàng, lễ phép, đụng phải chuyện, cái miệng liền không ngừng phun ra đạo lý. Như thể tất cả đạo lý trong thiên hạ đều là của nàng, bà không nghe, không tin chính là do bà thiển cận, không hiểu lý lẽ.
Trịnh Minh Châu thấy mẹ không phản ứng với mình, tiếp tục khóc lóc, kêu ca:
- Mẹ, con muốn chị dâu Uyển Nhu. Mẹ rước chị ấy về đi. Chị dâu như Cao Thanh Di con không cần cũng được.
Nghe em gái nhắc đến vợ mình, Trịnh Bình Khang lập tức nói vào:
- Đúng rồi mẹ, chúng ta rước Uyển Nhu về Đông Kinh thôi. Ở điền trang hoàn cảnh thiếu thốn, nàng là kim chi ngọc diệp, ở nơi đó cũng quá thiệt thòi cho nàng ấy.
Bả Cả đanh mặt lại nhìn con trai và hừ lạnh:
- Cái gì mà kim chi ngọc diệp? Chẳng qua chỉ là nữ nhi của một ngụy thần. Cha nàng ta cũng đã bị nghĩa quân Lam Sơn xử tử. Bớt lấy thân phận ra hù doạ ta!
Trình Bình Khang biết mình lại nói sai lời, lập tức sửa miệng:
- Mẹ, rước Uyển Nhu về cũng có chỗ tốt. Minh Viễn không thể không có mẹ bên cạnh. Hơn nữa còn có thể… răn đe Cao Thanh Di, để nàng ta biết phủ Á hầu không phải là nơi để nàng tác oai tác quái.
Tuy bà cả rất không vừa lòng Huỳnh Uyển Nhu, nhưng cũng không thể phủ nhận một điều là Trịnh Bình Khang nói rất có lý. Có lẽ bà nên cân nhắc tới chuyện này, rước con dâu cũ về nhà để hạ thấp uy phong của con dâu mới. Để hai người bọn họ đấu đá, tranh giành tình cảm với nhau. Như thế càng dễ dàng phân tán quyền lực và sự chú ý của bọn họ, bà quản lý càng thuận lợi. Hơn nữa Huỳnh Uyển Nhu nay đã khác xưa, không có nhà mẹ đẻ cường thế làm chỗ dựa, nàng ta chắc chắn không dám bày ra dáng vẻ cao quý trước mặt bà.
Tuy nghĩ như thế, bà Cả cũng không vội đồng ý ngay, tránh cho con trai và Huỳnh Uyển Nhu sớm đắc ý. Suy tính chốc lát bà mới lên tiếng:
- Rước Uyển Nhu về cũng được, nhưng phải chuẩn bị cho chu đáo, kẻo lại lời ra tiếng vào, mất hết mặt mũi phủ Á hầu.
Được bà đồng ý, Trịnh Bình Khang mừng ra mặt, vội vã đáp ứng:
- Con sẽ sắp xếp mọi chuyện. Mẹ cứ yên tâm!
Trịnh Minh Châu cũng ngồi dậy lau nước mắt, khóe miệng lộ ra một nụ cười đắc thắng.
Trở về Lan Hương uyển, Bình Nhi đã tức đến đỏ hốc mắt. Thấy Cao Thanh Di vẫn thản nhiên thổi nguội chung trà và chậm rãi uống, nàng không nhịn được oán giận:
- Tiểu thư không tức giận à? Rõ ràng ngài không làm gì sai, cuối cùng lại bị cấm túc. Phủ Á hầu đúng là ỉ thế hiếp người mà!
Cao Thanh Di đáp:
- Ở nơi này, chúng ta thuộc tầng thấp nhất. Phản kháng là không có khả năng. Thay vì tức giận hại can thận, nằm yên hưởng thụ chẳng phải thoải mái hơn à? Dù sao ở phủ Á hầu không thiếu ăn, không thiếu mặc, bị cấm túc ngược lại thanh tịnh, ta còn có thể viết nhiều thêm vài áng văn chương.
Nghĩ đến đó, ánh mắt nàng chợt lóe sáng, sau đó vội vã đứng dậy nói với Bình Nhi:
- Đến thư phòng thôi, ta có chút ý tưởng.
Bình Nhi nhăn mặt than thở:
- Lúc này mà tiểu thư còn có hứng viết văn chương nữa à!
Tuy miệng than vãn nhưng Bình Nhi vẫn nhanh chân đi trước đến thư phòng giúp Cao Thanh Di mài mực.
Nhận lấy bút lông Bình Nhi đưa đến, Cao Thanh Di chấm vào mực nước, sau đó dứt khoát viết lên đầu trang giấy ba chữ to “Quân thần luận”. Nét chữ cứng cáp hữu lực, không giống như nữ nhân viết, ngược lại tràn đầy khí thế như một vị tướng quân nhiều năm chinh chiến sa trường.
Bởi vì nữ nhân lực tay yếu nên khi viết chữ thường thiếu vài phần lực. Để khắc phục nhược điểm này, từ nhỏ ông Bác đã cho Cao Thanh Di đeo bao cát trên tay khi tập viết. Ban đầu là nửa cân rồi dần dần tăng lên, đến hiện tại nàng đã có thể mang bao chì năm cân trên tay mà vẫn có thể viết chữ nhanh thoăn thoắt. Để có được nét chữ như thế này, nàng đã bỏ ra không ít thời gian, mồ hôi cùng nước mắt để luyện tập.
Hôm nay, nhìn thấy cách hành xử của tiểu thư phủ Tả tướng quốc, trong lòng Cao Thanh Di có rất nhiều suy nghĩ. Tuy nói một mình Trần Phụng Liên không thể đại diện cho toàn bộ phủ Tả tướng quốc, nhưng hành vi của nàng ta sẽ phản ánh được phần nào thái độ của Tả tướng Trần Nguyên Hãn. Nếu ông ta là người cẩn tuân theo quy củ thì sẽ ước thúc con cháu, không để bọn họ hoành hành ngang ngược, coi trời bằng vung. Trái lại, người một khi buông thả bản thân, mặc cho tư dục quấy phá lí trí thì cũng sẽ theo bản năng dung túng những hành vi vượt quyền của con cháu.
Từ xưa đến nay, đâu thiếu đại thần công cao lấn chủ, trở thành cái gai trong mắt của đế vương, kết cục không thể chết già. Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, mỗi người làm tròn bổn phận của mình, cẩn tuân theo trật tự tôn ti thì lấy đâu ra đại loạn?
Đại Việt đã qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai. Nay non nước yên bình, trên có minh quân một lòng vì dân vì nước, cớ sao thần tử bên dưới lại không muốn tuân thủ tôn ti, làm tốt chức trách của mình?
Chải chuốt lại suy nghĩ trong đầu xong, Cao Thanh Di đặt bút xuống bắt đầu viết:
“Người xưa có câu: “Trời có đạo thì nhật nguyệt rõ ràng. Người có đạo thì xã hội bình an”. Đạo đức hay luân lý không chỉ là cái gốc của làm người, mà còn là nguyên tắc để trị quốc, an thiên hạ.
Luận ngữ đề: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”. Vua dựa vào lễ để sai bảo bề tôi, còn bề tôi phải dùng lòng trung thành mà phụng sự cho vua…”
Cao Thanh Di viết luôn tay, câu từ như suối phun không dứt. Đến tận chiều tối, Bình Nhi phải nhắc nhở vài lần nàng mới chịu buông bút xuống để ra ngoài dùng cơm.
Nửa tháng qua đi, lệnh cấm túc mà bả Cả đưa ra vẫn chưa được dỡ bỏ. Cao Thanh Di ở trong Lan Hương uyển rảnh rỗi, mang Quân thần luận ra trau chuốt, sửa sang tới lui cho đến khi vừa lòng nhất nàng mới chép lại. Chờ ngày được ra ngoài thì mang cho cha xem và chỉ giáo.
Ngay lúc này lại có hầu gái bên Thanh Vân uyển đến tìm nàng và thưa:
- Mợ cả, Bà cả cho mời mợ sang có việc ạ.
Cao Thanh Di cũng không đoán được là chuyện gì, chỉ có thể theo sau Thị Mơ.
Đến Thanh Vân uyển, nàng cúi người lễ phép thưa:
- Con chào mẹ. Mẹ gọi con có gì không ạ?
Bà Cả ngoắc tay liên tục, cười bảo nàng:
- Thanh Di đến rồi à! Mau, mau tới đây ngồi kế bên ta.
Thái độ niềm nở và nhiệt tình của bà khiến Cao Thanh Di càng thêm nghi hoặc. Giây lát thất thần qua đi. Nàng mới chú ý trong phòng khách còn có một người đàn ông trung niên lạ mặt. Ông ta mặc một chiếc giao lĩnh dài màu xám, tóc đã hai màu, búi gọn sau gáy, gương mặt trông hàm hậu và có một nụ cười rất hiền hoà.
Thấy nàng muốn hỏi, bà Cả lên tiếng giới thiệu trước:
- Đây là bác Tám Nhàn, quản gia bên nhà thông gia phái qua để báo tin vui đó.
Nhà mẹ đẻ của nàng là hàn môn, trước kia nào có quản gia. Hiện tại bác Tám Nhàn xuất hiện, còn bảo là mang đến tin vui, Cao Thanh Di không khỏi liên tưởng đến một việc khiến nhịp tim nàng trở nên dồn dập hơn bao giờ hết. Nàng gấp gáp hỏi:
- Tin tức tốt gì?
Bác Tám Nhàn đứng dậy, tươi cười hớn hở nói:
- Chúc mừng mợ Cả, cha của mợ Cả được bệ hạ phong làm Học sĩ Hàn Lâm viện kiêm chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, ban cho phủ đệ ở Đông Kinh. Nô được lão gia ưu ái đề bạt làm quản gia của phủ Học sĩ.
Nghe thế, Cao Thanh Di vui mừng khôn xiết. Nàng phấn khích đứng bật dậy, dồn dập hỏi:
- Thật sao? Chuyện đã lâu chưa? Cha ta bao giờ mới nhậm chức?
Quản gia Tám Nhàn đáp:
- Thánh ý ban xuống cũng được vài ngày rồi. Mấy hôm nay cả nhà bận rộn chuyện dọn sang phủ mới nên đến giờ mới tới báo tin vui cho mợ Cả. Đầu tháng sau lão gia sẽ vào triều nhậm chức.
Trò chuyện một buổi Cao Thanh Di mới rõ đầu đuôi sự việc. Từ hôm nàng trở về nhà lại mặt, cha lấy lại được lòng tin, một lần nữa cầm bút hoàn thành tác phẩm tâm đắc của mình. Sau đó ông tích cực chủ động tham gia các buổi luận bàn học vấn. Giáo dân luận cũng từ đó mà lan truyền ra khắp Đông Kinh.
Thị giảng đại nhân Đỗ Nhàn Vân, cũng chính là cha của Đỗ Kim An, người từng được Cao Thanh Di giúp đỡ trong cửa hàng bán vải hôm đó, không biết vì muốn báo đáp ân tình, hay vì mến mộ tài năng của Cao Văn Bác mà đã đề cử Giáo dân luận cho cấp trên của mình. Sau đó, vị cấp trên này lại mang áng văn chương đó cho bệ hạ xem.
Bệ hạ vốn muốn đề bạt Cao Văn Bác, nay có người cố tình nhắc đến, ngài cũng thuận thế đẩy thuyền phong cho Cao Văn Bác làm Học sĩ Hàn Lâm Viện. Thông qua Giáo dân luận, bệ hạ cảm thấy ông rất có tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục, vì vậy cho ông kiêm thêm chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, sau này những ngày không bận rộn công sự còn có thể đến trường Quốc Tử giám truyền thụ học vấn cho học trò.
Quản gia Tám Nhàn cùng Cao Thanh Di trò chuyện thêm vài câu, lại gửi lời nhắn là ngày mai ở phủ Học sĩ, cha mẹ nàng có tổ chức một buổi tiệc gia đình nho nhỏ, mời nàng và hầu gia đến tham dự.
Lúc này đây, người có tâm trạng rối bời nhất có lẽ chính là bà Cả. Vốn bà muốn cưới một đứa con dâu gia cảnh bình thường để dễ bề quản giáo. Nào ngờ đứa con dâu này chỉ trong phút chốc liền biến thành tiểu thư nhà quan lại, hơn nữa còn là quan có thực quyền, có danh vọng trong triều. Đối với việc này bà cũng không biết nên vui hay buồn cho phải.
Con trai bà mặc dù là Trung Nghĩa Á hầu, nhưng rốt cuộc đó chỉ là tước hiệu, không được phân công chức quan cụ thể, đồng nghĩa với việc không có thực quyền. Cao Thanh Di trước kia đã đủ kiêu ngạo, nay cha nàng còn thăng quan tiến chức, bà không biết nàng còn ngông nghênh đến cỡ nào. Chỉ nghĩ tới đó thôi mà bà đã thấy sầu đến bạc tóc.
__________
(1) Giàu có đến mức có thể sánh nổi với một quốc gia.
Bình luận
Chưa có bình luận