Chương 1: Đêm tân hôn cô độc


Thuận Thiên năm thứ nhất (1).

Thành Đông Kinh(2) về đêm vắng lặng không một bóng người. Nhà nhà đóng cửa tắt đèn, ngoài đường phố chỉ có vài gã cầm canh gõ mõ nhắc nhở mọi người cẩn thận củi lửa. Có lẽ dư âm cuộc chiến vẫn còn đọng lại trong lòng người dân Đông Kinh, cho nên dù đất nước đã thống nhất thì bọn họ vẫn còn chưa bỏ được thói quen sống dè dặt, bo bo giữ mình.

Hoàng cung dẫu là chốn rực rỡ vàng son, khi đêm về vẫn khoác lên người tấm áo màu dạ sắc. Trong thư phòng nơi tẩm cung, nam nhân trung niên ngồi bên án thư, dù đã có tuổi nhưng dáng người ngài còn rất đĩnh đạc. Hoàng bào phủ trên thân thêu hình rồng cuộn giương nanh múa vuốt, sắc mặt hung tợn và uy nghiêm vẫn chưa thể lấn được khí thế của một vị vương kiêu hùng, nhiều năm chinh chiến sa trường để giành lại bờ cõi non sông. Chỉ là năm tháng vô tình, Bình Định Vương hăng hái và khí phách khi xưa, giờ sắc mặt đã mang theo vài phần tiều tụy của tuổi tác.

Đứng giữa thư phòng là một nam nhân cao lớn, giao lĩnh màu lam ôm lấy dáng người cường kiện và tràn đầy sức bật của hắn. Hắn cúi đầu, bày ra thái độ hoàn toàn thần phục trước quân chủ của mình.

- Chuyện đó đã tra đến đâu rồi? - Vua Lê Lợi cất giọng hỏi.

Bùi Bị ngẩng đầu, để lộ ra gương mặt tuấn tú, mũi cao, mắt phượng, làn da màu đồng tràn đầy khí khái nam nhân. Trông hắn tầm hai mươi ngoài, vẫn đương độ xuân xanh nhưng sắc mặt lại nghiêm trang và lạnh nhạt như một người đã đi qua thương hải tang điền, phong sương dày dặn.

Hắn cung kính đáp:

- Bẩm bệ hạ, hiện tại đối phương vẫn chưa có dấu hiệu gì khả nghi. 

Vua Lê Lơi gật đầu, nét mặt vẫn không thả lỏng. Ngài nói:

- Có thể là hắn quá cẩn trọng. Việc này tạm gác lại một bên. Hiện tại trẫm có một trọng trách muốn giao cho ngươi. Bùi Bị quỳ xuống tiếp chỉ.

Dứt lời, ngài phất tay ra hiệu, hoạn quan lập tức tiến lên tuyên chỉ:

- Bùi Bị phẩm hạnh cao khiết, dũng mãnh kiêu hùng, có công phò tá vua đánh đuổi giặc ngoại xâm, nay ban cho chức Phó thống lĩnh Cẩm Y vệ. Lệnh bí mật khởi hành đi châu Thạch Lâm điều tra về việc các thổ tù(3) muốn tạo phản. 

Bùi Bị dập đầu tạ ơn, sau đó cung kính nhận lấy thấy thánh chỉ trong tay hoạn quan.

Lúc này mặt mày của vua Lê Lợi cũng dãn ra, ngài nhìn Bùi Bị bằng ánh mắt hài hước và hỏi:

- Bị năm nay đã hai mươi ba, thế cục quốc gia cũng vào hồi an ổn, ngươi đã tính đến chuyện thành gia lập thất chưa?

Giọng nói của ngài mang theo vài phần quan tâm của trưởng bối dành cho con cháu.

Trong nhóm các công thần khai quốc, Bùi Bị chỉ là một cái tên không đáng chú ý, quân công cũng chẳng sánh bằng các tướng tài như Đinh Lễ, Phạm Vấn. Tuy vậy, hắn lại là người rất được vua tín nhiệm. 

Bùi Bị gia nhập nghĩa quân Lam Sơn năm mười ba tuổi. Mười năm phò tá Lê Lợi đánh đuổi ngoại xâm, từ một đứa trẻ khờ khạo không biết gì về thế sự, hắn được ngài ưu ái giữ lại làm cận hầu bên cạnh và tự mình dạy dỗ, cuối cùng trở thành một vị tướng sĩ có thể chống đỡ một phương trời. Có thể nói trong quá trình trưởng thành của Bùi Bị, Lê Lợi giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Giữa hai người mặc dù là quân thần, đôi lúc lại tựa như phụ tử, thân thiết nhưng không đi quá giới hạn.

Nghe vua nhắc đến chuyện hôn sự, sắc mặt Bùi Bị thoáng chút khó xử. Hắn còn chưa nghĩ ra lý do từ chối thì ngài lại đưa đến một tập tranh và nói:

- Ngươi xem người này, vừa lúc tới tuổi luận hôn sự. Dung mạo xinh đẹp, đoan trang. Ngươi cũng lớn rồi, nên tìm một người ở nhà giúp mình nâng khăn sửa túi.

Bùi Bị hết nói nổi. Không nghĩ đến một người trăm công nghìn việc như vua hôm nay lại có hứng thú giúp hắn làm may mối.

Bùi Bị không tiện trực tiếp cự tuyệt, chỉ có thể hỏi:

- Bệ hạ, chẳng hay nàng này là…

Vua Lê Lợi đáp:

- Cao Thanh Di, cha tên Cao Văn Bác, là nho sĩ tài hoa, gia đình nhiều đời vừa làm ruộng, vừa dạy học, liêm chính lại trong sạch. Nghe nói nàng ta tài học xuất chúng, văn chương không hề thua kém các học trò của cha mình.

Bùi Bị lại hỏi sang chuyện khác:

- Cao Văn Bác, đây là nhân tài bệ hạ muốn chiêu mộ sao?

Nghe hắn hỏi thế, đáy mắt vua Lê Lợi thoáng qua một ít buồn bã. Ngài nói:

- Vốn là như vậy, người này tài hoa ngút trời, trẫm có xem vài bài luận của hắn, bên trong chỉ ra rất nhiều sách lược thích hợp để thực thi ở giai đoạn này. Chỉ là…

Nói đến đó ngài chợt dừng lại rồi thở dài một hơi.

- Chỉ là gì? - Bùi Bị hỏi.

- Nguyên Hãn hắn có vẻ rất bất mãn với chính sách chiêu mộ hiền tài của trẫm.

Ngài thở dài đáp lại. Rõ ràng những năm tháng chịu khổ, ăn cỏ ăn trấu cùng nhau thì đồng lòng nhất chí. Đến khi đất nước thái bình, phú quý vinh hoa thì mỗi người đều có tư tâm, quân thần ở bên nhau cũng không còn thoải mái như xưa nữa.

Mấy ngày gần đây, Trần Nguyên Hãn liên tiếp ra tay ngăn cản chính sách chiêu mộ hiền tài của ngài. Hết chặn công văn tiến cử, rồi đến ngáng chân làm khó dễ người muốn góp sức cho triều đình. Ngài biết hắn cảm thấy bất công khi phải chia cắt quyền lực cho những người không tham gia khởi nghĩa. Nhưng trị quốc đâu phải là một chuyện dễ dàng, thời loạn, thời bình mỗi giai đoạn có cách thống trị khác nhau. Các võ tướng của ngài tuy rất kiêu hùng thiện chiến, nhưng ngài cũng cần văn thần phò tá mình gìn giữ non sông.

Bùi Bị không dám trả lời, mà trong trường hợp này hắn cũng không biết nói gì mới phải, cho nên chỉ có thể im lặng cúi đầu.

- Mà thôi, nói với ngươi việc này chẳng được gì. Cũng đừng lảng tránh sang chuyện khác nữa, ngươi thấy nữ nhi nhà họ Cao thế nào?

Vua Lê Lợi thật sự lo lắng cho hôn nhân đại sự của Bùi Bị. Mười năm kề cận, ngài đã sớm xem hắn như con cháu trong nhà.

Nhắc đến đó Bùi Bị lại thấy đau đầu. Suy nghĩ giây lát hắn mới đáp:

- Bệ hạ cũng biết thần sợ nhất nữ nhân dông dài. Huống hồ các tài nữ suốt ngày mở miệng ngậm miệng đều là chi, hồ, giả, dã… Thần thật sự chịu không nổi. Chuyện hôn sự… vẫn là để sau này tính.

Còn có một việc hắn không nói ra, đó là hắn chán ghét nữ nhân, đặc biệt là những nữ nhân có bề ngoài đoan trang, dịu dàng, miệng đầy thi từ ca phú sẽ gợi lại cho hắn những ký ức không tốt đẹp. Cho nên chuyện hôn sự kéo dài được bao lâu thì cứ kéo.

Vua Lê Lợi bật cười, lại lắc đầu trách mắng:

- Ngươi thật quá kén cá chọn canh. Thôi, trở về nghỉ ngơi rồi khởi hành sớm đi. Nếu sau này vừa ý nữ nhi nhà ai cứ đến nói, Trẫm sẽ hạ chỉ ban hôn.

***

Một tháng sau.

Phía Tây thành Đông Kinh, phủ đệ của Trung Nghĩa Á Hầu giăng đèn kết hoa, khắp nơi là một mảnh tưng bừng vui sướng. Hôm nay là ngày Trung Nghĩa Á hầu Trịnh Bình Khang thành hôn, hay nói đúng hơn là tái hôn. 

Vợ cả của hắn nửa năm trước đã qua đời, trong nhà trên có trưởng bối, dưới còn trẻ nhỏ cần người chăm sóc, một nữ nhân vun vén gia đình là điều không thể thiếu.

Trịnh gia trước kia là thương nhân giàu có nhất nhì Giao Chỉ(4). Trịnh Bình Khang dung mạo khôi ngô, phong thái nhã nhặn, của cải kết xù, thật là tình nhân trong mộng của các thiếu nữ Đông Kinh lúc bấy giờ. 

Hơn một năm trước, nghĩa quân Lam Sơn thế tới rào rạt, gia chủ Trịnh gia lén lút quyên lương thực, quyên vàng bạc, gần như tiêu bảy phần gia tài để ủng hộ nghĩa quân. Giặc Minh phát hiện lập tức xử tử ông tại chỗ.

May thay vua Lê Lợi kịp thời dẫn quân tiến vào Đông Kinh, cứu lại một nhà già trẻ họ Trịnh.

Gia chủ Trịnh gia chết, con trai ông là Trịnh Bình Khang được phong tước Á hầu, lấy danh Trung Nghĩa.

Đám rước dâu diễn ra vào lúc chiều tối. Thấy náo nhiệt, dân Đông Kinh cũng đổ ra đường tò mò xem xét. Trịnh Bình Khang từng được mệnh danh là Đông Kinh đệ nhất mỹ nam, nay còn là Á hầu, hôn lễ của người như vậy ai mà không muốn tham dự?

Hai bên phố, dân cư đổ ra đón đám rước dâu, một bên nhìn náo nhiệt, một bên xầm xì bàn tán:

- Vợ cả Trung Nghĩa Á hầu không phải là Đông Kinh đệ nhất tài nữ Phạm Uyển Nhu à? Sao hôm nay còn rước dâu gì nữa?

- Mợ cả Trịnh gia mất được nửa năm rồi. Nghe nói vì muốn hái nhân sâm cho mẹ chồng bồi bổ thân thể mà trượt chân ngã xuống vực chết.

- Nhà bọn họ tôi tớ đầy đàn, còn cần mợ cả tự mình đi hái thuốc sao?

- Kẻ giàu có người ta muốn bày tỏ hiếu tâm, ai mà biết được!

- Lại nói cha của mợ cả Uyển Nhu làm tay sai cho nhà Minh, bị nghĩa quân xử tử, giờ Trịnh gia lại thành công thần khai quốc. Nếu còn sống thì tình cảnh cũng rất khó xử.

- Suỵt, đừng bàn luận chuyện người đã khuất. Không nên!


Trong căn phòng tân hôn được trang hoàng rực rỡ, Cao Thanh Di ngồi trên giường, hai tay đặt lên đầu gối dè dặt đánh giá xung quanh. Hôm nay là hôn lễ của nàng, cũng là lần đầu tiên nàng gặp mặt người cùng mình nên nghĩa phu thê. 

Đối với hôn sự này Cao Thanh Di cũng không biết dùng thái độ nào đối đãi cho phải. Thiếu nữ mười tám ai không hoài xuân tâm. Chồng của mình còn từng là Đông Kinh đệ nhất mỹ nam, nàng đối với cuộc sống phu thê cũng ôm vài phần mong đợi. Chẳng qua làm vợ kế không dễ, làm mẹ kế lại muôn phần khó khăn. Cao Thanh Di tự an ủi bản thân rằng xe đến núi ắt có đường. Chỉ cần nàng giữ tròn bổn phận, không làm việc trái với lương tâm là được.

Khi Cao Thanh Di còn đang loay hoay với những bất an cùng lo lắng trong lòng thì cửa phòng bị đẩy ra, nam nhân tiến vào. Đèn lồng thắp sáng hành lang phía sau lưng, dạ lên người hắn một vầng sáng màu vàng nhạt. 

Hắn cao lớn và đỉnh đạc, hôn phục màu xanh phác hoạ vóc dáng thon dài. Dung mạo khôi ngô, mày ngài mắt sáng, lúc chăm chú nhìn một người càng có vẻ nhu tình như nước. Búi chuy kế trên đỉnh đầu được cố định bằng một chiếc trâm ngọc lục bảo trong suốt khiến hắn càng có vẻ cao quý bất phàm.

Trịnh Bình Khang đưa mắt đánh giá thiếu nữ đang bất an ngồi đối diện. Má thắm môi hồng, xinh đẹp như hoa. Hôn phục lộng lẫy mặc trên người cũng không lấn át được vẻ đẹp của nàng. Áo lụa màu xanh, xanh như cái tuổi đời non nớt của nàng vậy. Nàng có đôi mắt hạnh sáng lấp lánh, đôi mày rậm khiến dung mạo diễm lệ của nàng mang thêm vài phần khí phách. Nhưng lúc này đây, hai hàng mi cong của nàng khẽ rủ xuống, giấu đi sự thông tuệ cùng sắc bén, chỉ còn lại e ấp thẹn thùng của thiếu nữ hoài xuân.

Bước chân của Trịnh Bình Khang chợt sững lại. Hắn nhớ đến nhiều năm trước, khi hắn tiến vào phòng tân hôn, Uyển Nhu cũng là như thế này. Nàng cũng không dám nhìn hắn, khoé môi lại ngậm một nụ người e lệ đầy nhu tình.

Trịnh Bình Khang nhắm mắt hít một hơi thật sâu, sau đó lên tiếng:

- Minh Viễn đang phát sốt. Ta đến xem thằng bé. Nàng ngủ trước không cần chờ ta.

Nói rồi hắn không một chút do dự xoay người bước đi. 

Bình Nhi, hầu gái của Cao Thanh Di chạy ra cửa nói với theo:

- Hầu gia, ngài còn chưa cùng tiểu thư uống rượu hợp cẩn.

Trình Bình Khang chẳng biết có nghe thấy hay không, nhưng bước chân hắn lại có vẻ càng thêm gấp gáp. Bóng lưng lạnh lùng đó nhưng một nhát dao đâm thẳng vào tim Cao Thanh Di, đầm đìa máu chảy.

Nàng siết chặt dây xà tích bạc bên hông, các chi tiết sắc nhọn bên trên đâm vào tay, đau đớn nhắc nhở nàng những thứ đang diễn ra là sự thật mà không phải là cơn ác mộng giữa đêm khuya.

__________

(1) Năm 1428.

(2) Tên gọi của kinh thành Thăng Long thời Hậu Lê.

(3) Tù trưởng các dân tộc ít người.

(4) 1407–1427, Nhà Minh sau khi xâm chiếm Việt Nam thành lập Giao Chỉ thừa tuyên bố chính sứ ty, hay tỉnh Giao Chỉ.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}