Chương 3: Nuôi mèo con


1.

“Meo”


   Một chút không khí thoáng đãng cho ngày mới, tôi vươn mình rồi kêu lên mấy tiếng. Quả là một ngày có thời tiết đẹp mà một con mèo muốn sưởi nắng như tôi mong muốn. Hình như giờ cũng đã gần trưa, chắc vì hôm qua tôi ăn nhiều quá. Đêm qua khi cả nhà đã ngủ hết thì tôi chợt thấy cồn cào và bắt đầu đi lục lọi đồ ăn. Ông nội Vân Anh lúc đấy vẫn còn thức ôm điện thoại, nên tôi mới được ông cho ké thêm mấy con cá mòi đóng hộp cất trong một cái tủ cao lều khều của bà, ông còn tháo hộ tôi cái thứ cồng kềnh ở cổ ra. Tôi không biết là người cao tuổi cũng thích nghịch điện thoại đến khuya như Hoài Phong đấy.


  Vân Anh đã dậy từ lúc nào rồi, cô bé đang ngồi đọc sách và nhai rôm rốp mớ snack khoai tây giòn rụm. Tôi trườn mình thật khẽ khàng qua cửa sổ, thời tiết thì đẹp thật nhưng giờ cũng gần trưa nên mái nhà hơi nóng, tôi nằm mép bên trong. Cũng khá thoải mái, thật ra giờ cũng chưa đói lắm nên chắc là tôi sẽ lại đánh thêm một giấc. Mèo vốn dĩ là loài ngủ nhiều mà, đây cũng là minh chứng cho việc những thợ săn chuyên nghiệp thì không cần hoạt động nhiều để tiết kiệm năng lượng.


  Xa xa có một tòa nhà khiến tôi chú ý, mặt dù là buổi sáng đèn led không bật nhưng tôi vẫn thấy rất quen thuộc. Kia chẳng phải căn nhà mà tôi và Hoài Phong lạc nhau sao. “Oh my cat!”, chính là tòa nhà kia, giờ chỉ cần tôi lượn lờ trên các mái nhà thì biết đâu sẽ đến được đó. Có khi bà chủ tốt bụng kia sẽ gọi Hoài Phong đến đón tôi về ý chứ.


- Khá xa đấy, cậu nên chờ đến đêm hẵng đi thì hơn. Và tôi nghĩ cô bé kia cũng cần một lời tạm biệt hẳn hoi đấy! - Con mèo đen ngoài mái hiên nói với tôi.


  Một con mèo đen ngòm như mỏ than đã mò tới gần tôi tự lúc nào. Cậu ta liếm láp cái chân rồi rửa mặt một cách hết sức tự nhiên. Hoàn toàn không ý thức được bản thân đang ở trong lãnh địa của người khác. Nhưng cái tên mèo đực này trông quen lắm, ở đâu đó trong khu vườn hoa hướng dương hay là cái tên mèo bị tôi đánh ở con dốc gần khách sạn.


- Không nhớ sao? Cậu đã vả cho tôi mấy phát khi tôi bảo rằng việc ngắm nghía mấy ngôi sao đêm của cậu là ngu ngốc.


 Tôi grừ lên mấy tiếng:


- À! Anh chàng mèo mất lịch sự đây mà, bây giờ cậu lại muốn thưởng thức bộ móng của tôi sao?


- Chờ chút, tôi đến để chuộc lỗi thôi, dù sao cậu cũng là một con mèo phương xa đến để du ngoạn. Với tư cách là mèo địa phương, tôi đến để giúp cậu.


  Tôi nhắm nghiền mắt lại, thật là nhảm nhí và tôi bắt đầu buồn ngủ vì mấy câu vớ vẩn của cậu ta.


- Tôi nói thật mà! Bà chủ căn nhà, nơi cậu bị lạc cũng hay cho tôi đồ ăn lắm, và mấy hôm trước tôi còn thấy mớ giấy dán in mặt cậu, chúng được dán kín ở mấy con hẻm và cả mấy con phố nữa.


- Thế hả? Sao tôi lại không thấy nhỉ?


Con mèo đen ngoắc đuôi thành hình chữ S, rồi lại ngoắc qua ngoắc lại tỏ vẻ phật ý. Cậu ta lại rống lên:


- Cậu ở tận đây thì làm sao mà thấy được, họ đang tìm cậu khắp nơi kia kìa. Tôi cũng là nhờ quen biết rộng rãi nên mới mò được tới đây.


  Giờ tôi mới chợt nhận ra, bọn mèo làm phiền tôi hôm ở thư viện ra là anh em mà cậu ta nhờ đi tìm tôi. Dù sao cũng đã có hy vọng, tôi lề mề ngồi dậy để cho cậu ta thấy là tôi thực sự buồn ngủ nhưng vẫn quan tâm lời cậu ta nói.


- Thế thì làm thế nào để về? Bọn trẻ gần khu này quá đáng ghét, cứ thấy tôi lại rượt chạy trối chết. - Tôi đáp bằng giọng không mấy tin tưởng lắm.


- Đi đêm an toàn hơn, với cả tôi sẽ hộ tống cậu về đấy, đi bằng đường gác mái khá tiện lợi và quan trọng hơn nó là con đường ngắn nhất. Yên tâm, tôi sẽ đưa cậu về, cậu chỉ cần đúng 11 giờ đêm đứng ở đây, tôi sẽ đến đón.


- Mẹ gọi làm gì? - Tiếng ai đó hét vọng ra ngoài cửa sổ.


  Chất giọng trẻ con lanh lảnh và có phần lớn tiếng làm tôi chói hết cả tai. Vân Anh nói chuyện với ai đó và có vẻ rất tức giận.


- Này! Nhớ đúng giờ nhé, giờ tôi có việc phải đi đây. Nhớ tạm biệt cô chủ nhỏ tạm thời của cậu đấy và làm ơn tháo cái băng dính ngu ngốc chỗ cái đuôi đi. Vết thương sẽ lành nhanh thôi, cậu làm mất hết sự kêu hãnh của một con mèo rồi đấy, không nên quá phụ thuộc vào loài người đâu!


  Nói rồi cậu ta nhảy chổm lên, bật một cú thật mạnh sang căn nhà bên kia. Đúng là một gã mèo hoang chính hiệu, bất lịch sự nhưng lại tốt bụng. Tôi nhớ đến anh mèo Anh lông dài hàng xóm lúc trước, một con mèo quyến rũ nhưng lại tranh ăn và chỗ ngủ với tôi khi chủ anh ta gửi sang nhà Hoài Phong mấy hôm.


 Và cũng chả hiểu cái mèo gì mà tôi lại rất vững tin rằng cậu ta sẽ đưa được tôi trở về nhà, chắc là khi cậu ta nhắc tới sự kêu hãnh của một con mèo. Bản tính hoang dại bỗng trỗi dậy đôi chút, làm sự sợ hãi đám trẻ con quậy phá giảm đi ít nhiều.


Tôi mò lại vào phòng, Vân Anh đang rất căng thẳng và tức giận với chiếc điện thoại.


- Mẹ hôm nay sao vậy!


- Mẹ định hỏi hôm nào thì con thi?


- Cũng gần rồi.


- Nghe ông nội bảo con cãi nhau với bạn học, là Thùy Châu phải không? Là bạn thân từ bé mà, hai đứa tìm cách làm hòa nhé!


- Giọng mẹ nghe vẫn thều thào vậy...mẹ vẫn say rượu ạ?


- Không... mẹ không say!


- Mẹ đừng hỏi con mấy chuyện đó nữa, con tự biết phải làm thế nào, con bận rồi. Tạm biệt mẹ!


   Không để đối phương kịp trả lời, Vân Anh tắt máy rồi quăng luôn cái điện thoại lên giường, cũng may là tôi cũng vừa bước vào nên không trúng phải cú đấy. Chiếc điện thoại màu vàng có gắn một quả cầu lông nhỏ xíu trông vô cùng thích mắt. Tôi nằm xuống, lấy đà chút rồi nhảy bổ đến nghịch chiếc điện thoại. Vân Anh nhìn tôi cười tít mắt, có vẻ tâm trạng cô bé đã ổn hơn nhiều. Loài mèo chúng tôi từng được công nhận là giúp giảm stress mà, nên là hãy yêu thương loài mèo nhiều hơn nhé!


  Ôi! Tôi lại nói đi đâu rồi nhỉ.


  Trong lúc tôi vẫn say sưa với cái điện thoại thì có tiếng gọi dưới nhà:


- Vân Anh xuống ăn trưa nào cháu!


  Là tiếng của ông, tôi cũng phải xuống ngay mới được. Biết đâu lại được ké vài miếng cá như hôm qua.


- Cậu cũng nhanh quá nhỉ, biết làm nũng ông để được ăn nữa.


 Tôi vốn thông minh mà, cô bé đừng xem thường loài mèo chúng tôi quá thế.

 

  Một ngày lại tiếp tục trôi qua. Nhưng không phải trong vô vọng. Ít nhất đối với tôi là vậy.


  Cũng gần đến giờ gặp gã mèo đen ban sáng. Tôi liếm láp lại bộ lông vàng xinh đẹp của mình, rồi nằm phục ở cửa sổ đợi. Mấy cơn gió cứ nhè nhẹ lướt qua, hy vọng trời không mưa, tôi mới có thể thuận lợi trở về.


  Vân Anh cũng vào phòng sau bữa tối, ở nơi này tôi nghe cô bé cười đùa cùng ông bà suốt. Chả giống như ngôi nhà dưới đồi đầy mùi ẩm mốc kia. Cô bé lại ngồi xuống bàn học, lấy quyển sách còn đang đọc dở ban sáng và cứ thế tiếp tục đọc chăm chú. Tôi không biết làm cách nào để nói lời tạm biệt với cô bé, hy vọng Vân Anh đi ngủ sớm và tôi sẽ cứ thế lặng lẽ rời đi.


“Cộc, cộc”


  Tiếng gõ nhẹ ngoài khung cửa sổ, tôi nhoài người ra. Gã mèo đen đến thật đúng giờ. Tôi nhẹ nhàng bước qua người Vân Anh. Cô bé đã say giấc bên cạnh quyển sách.


- Này, cậu sẵn sàng chưa?


- À…ừ, có lẽ là rồi!


Mèo đen hơi ngẩn người trước thái độ của tôi, nó hỏi:


- Cậu không nỡ rời khỏi đây phải không?


- Không, chỉ là tôi chưa tạm biệt cô bé mà thôi!


- Nếu cậu không muốn thì cũng được thôi, nhưng tôi không thể giúp cậu được nữa. Chỉ có lần này thôi đấy!


- Meo, vậy đi thôi. Trước khi cô bé thức dậy.


  Mèo đen nhảy sang ban công nhà bên cạnh rồi ra hiệu cho tôi, tôi cũng cúi thấp người lấy đà chuẩn bị nhảy thì đột ngột có tiếng gọi đằng sau. Nhưng không phải gọi tôi, giọng nói pha lẫn sự gấp gáp và sợ hãi của bà nội.


- Vân Anh! Dậy đi cháu, đến bệnh viện với bà!


  Vân Anh lòm còm ngồi dậy, ngáp một cái rồi ôm lấy cái gối bông, cất giọng còn ngáy ngủ hỏi:


- Bà ơi, sao thế ạ? Sao lại đến viện giờ này?


  Bà nội vừa vội vàng gấp chăn mền cho cháu gái, rồi vội vã lấy một cây lược. Chải gọn lại mớ tóc rối bù của Vân Anh, bà thay cho cô bé một cái đầm vàng nhạt, rồi mặc thêm cho cháu một cái áo khoác len, đi giày tươm tất. Mắt bà đỏ hoe, giọng run run nói:


- Vân Anh, đến bệnh viện với ông bà nhé! Mẹ cháu ốm nặng rồi!


- Sao ạ? - Cô bé vẫn chưa kịp hiểu chuyện liền hỏi lại.


- Cháu vừa nói chuyện điện thoại với mẹ hồi trưa mà, chắc mẹ lại say rượu thôi!


- Vân Anh, nghe bà đi cháu. Đi theo ông bà đến viện gặp mẹ, mẹ đang rất nhớ cháu đấy. Bà biết cháu vẫn rất yêu mẹ mà!


  Vân Anh không cách nào hiểu được chuyện gì đang diễn ra, nhưng cũng không thể phản kháng lời nói của bà. Mắt cô bé đỏ lên chực khóc, sự sợ hãi này là gì cô bé không hiểu, nhưng cũng không thể ngừng cảm giác buồn bã đang dần lan ra trong lòng. Bất giác cô bé gọi:


- Mèo con, cậu đâu rồi!


  Tôi lúc nãy vẫn chần chừ trên mái nhà, phía bên kia mèo đen vẫn đang đợi tôi. Nhưng tôi biết, nếu lúc này tôi bỏ đi. Tôi sẽ phải hối hận cả đời mèo này mất. Dù tôi chỉ ở với cô bé có mấy hôm thôi, nhưng Vân Anh đã giúp tôi rất nhiều và quan trọng hơn, cô bé cần tôi an ủi lúc này. Cũng như việc tôi chưa bao giờ rời khỏi Gia Khánh cho đến khi cậu ấy ra đi mãi mãi. Tôi quay lại phía mèo đen, kêu rõ to:


- Meo! Xin lỗi cậu nhé, tớ nghĩ tớ phải ở lại đây đêm nay. Cảm ơn cậu đã đề nghị giúp tớ, thật lòng biết ơn cậu lắm!


- Cậu chắc chứ! Nhưng được thôi, quyết định của cậu mà, cậu khiến tớ có cái nhìn khác hơn về mèo nhà rồi đấy. Hy vọng cậu có thể sớm trở về nhà. Nếu có cơ hội gặp lại tớ cũng sẽ giúp cậu. Tạm biệt!


- Meo, tạm biệt, gã mèo hoang tốt bụng!


  Mèo đen phóng nhanh qua mái nhà bên kia, rồi lại tiếp tục quan sát xung quanh, lại lấy đà rồi nhảy. Cậu ta nhanh chóng mất hút trong tầm mắt tôi. Tôi nhanh chân chui lại vào phòng, lúc này Vân Anh đang sửa lại dây giày. Tôi đi đến bên cạnh cọ cọ vào người cô bé. Vân Anh ôm lấy tôi, rồi cũng nhanh chân chạy xuống lầu. Lủi hủi theo ông bà bước lên chiếc taxi xanh đang đậu ở đầu con hẻm.

  Không một ai nói với ai điều gì. Vân Anh ôm chặt lấy tôi, bà thì ôm cô bé trong lòng. Ông nội mở cửa sổ xe, gió bay vào mát lạnh. Người tài xế cũng thấy tôi, nhưng tuyệt nhiên ông ta lại không buông ra lời phàn nàn nào.

 

  Chiếc xe nhanh chóng đậu sát lề, tấp vào cổng bệnh viện. Vân Anh được bà dẫn vào trong một căn phòng lớn, được bật hơn chục cái đèn sáng trưng. Ông ôm lấy tôi, vì người ta không cho mèo vào phòng bệnh. Tôi vào được đây cũng đã là kỳ tích rồi, nhưng nói đúng hơn là Vân Anh suýt gào khóc nên người ta mới tạm cho vào cổng.


  Tôi được ông bế qua một góc khuất ngoài vườn bệnh viện. Ông đốt thuốc rồi hút phì phà, nhả khói vào đám cây trong chậu. Bất thình lình ông thì thầm, như là đang trò chuyện với tôi:


- Nếu mèo mẹ mất, thì mèo con sẽ thế nào nhỉ?


  Tôi nhìn ông rồi cũng chẳng thèm trả lời, bởi tôi giờ còn chẳng nhớ mẹ có bộ lông như thế nào ý chứ. Với cả mẹ đã bỏ rơi đám anh em chúng tôi, nên việc mẹ còn hay không tôi không cũng không rõ lắm, huống chi nếu không còn mèo mẹ, tôi nghĩ đám mèo hoang chúng tôi thừa sức chui lũi ở góc nào đó mà sống qua ngày. Miễn là không phải đụng độ với lũ chó phiền toái.


-Bố!


  Bố Vân Anh ngồi thụp xuống bên cạnh ông rồi nức nở. Cũng lâu rồi tôi mới thấy đàn ông khóc, sau cái lần Hoài Phong khóc ngất lên khi nhìn thấy di ảnh của Gia Khánh trong tang lễ. Con người thật yếu ớt, loài mèo chúng tôi không khóc, chúng tôi chỉ kêu la thảm thiết khi chúng tôi đau buồn.


- Cô ấy rất thương con, thương Vân Anh. Cô ấy cố gắng nấu thêm rượu để bán, để đỡ phần nào cho con. Cô ấy chưa bao giờ cãi nhau với ai cả, cũng chẳng làm điều gì xấu…nhưng tại sao không phải là ai khác mà là cô ấy. Chẳng thể nào để người tốt sống hạnh phúc được sao?


  Ông nội dụi tắt điếu thuốc rồi quăng vào thùng rác bên cạnh, vỗ vỗ vai ông Phúc. Ông cũng không biết nên khuyên con trai như thế nào, đột nhiên ông nhớ đến người bạn vừa qua đời mấy tháng trước có nói một câu làm ông nhớ mãi:


- Người tốt đôi khi cũng gặp chuyện xấu mà! Không phải họ bị như vậy vì họ đáng bị trừng phạt, mà đó là số mệnh của họ.


- Là do số mệnh của vợ con không tốt sao?


- Con trai, cuộc đời vốn lắm biến cố và bi kịch, chẳng ai biết được ngày mai chuyện xui xẻo gì sẽ vạ vào mình. Cứ sống cho trọn vẹn ngày hôm nay đi. Chẳng phải bác sĩ nói vẫn còn hy vọng sao, khối u tuy nằm ở chỗ nguy hiểm nhưng không phải ung thư ác tính, nếu loại bỏ được chẳng phải vợ con sẽ ổn sao?


  Ông Phúc cũng dần bình tâm lại, nhưng ông không dám vào trong. Ông sợ gặp con gái lại không kìm được.


  Cuộc đời lắm gian truân, nếu cứ dễ dàng mà hạnh phúc thì đó không phải cuộc đời. Đời mèo chúng tôi cũng thế thôi, nhưng chúng tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, cứ thế mà sống tiếp. Đôi khi con người sẽ bắt gặp một vài còn mèo lê cái chân gãy đi bới rác, chúng tôi sẽ sống với cái chân gãy đó suốt đời cho tới chết, hoặc nếu may mắn hơn thì gặp được người tốt cứu giúp. Chúng tôi không phó thác tất cả cho hy vọng, chúng tôi giao phó cuộc đời vào chính mình.


2.


 Trong phòng bệnh, người bà Hạnh cắm đủ thứ kim tiêm và các túi truyền dịch. Chăn phủ kín người, trên mặt chụp một cái máy thở. Bà cứ vậy mà thều thào gọi con, tay run run đưa sang để nắm lấy Vân Anh.


  Cô bé lúc này mới ý thức được mẹ bệnh nặng như thế nào. Vân Anh khóc không thành tiếng, cô bé sợ kim tiêm, sợ các loại máy móc bên cạnh mẹ, sợ mùi thuốc khử trùng, sợ bác sĩ, và hơn hết cô bé sợ mẹ một lúc nào đó sẽ không còn bên cạnh mình nữa, Vân Anh khóc to:


- Mẹ ơi! Mẹ sao thế ạ? Về nhà với con đi, ở đây con sợ lắm!


Bà Hạnh cố gắng gằng giọng để nói to hơn:


- Ngày mai là sinh nhật con phải không?


- Mẹ vẫn nhớ ạ?


- Ngày con gái mẹ ra đời sao lại không nhớ. Vân Anh sinh nhật muốn được quà gì?


Vân Anh ôm lấy mẹ rồi cứ thế nức nở:


- Còn chả cần gì hết, mẹ về nhà với con được không? Con chỉ cần mẹ thôi!


  Bà Hạnh định nói gì đó lại thôi, vì đầu bà lại đau dữ dội và những cơn ho ập đến một cách không kiểm soát được.


- Khụ…khụ…Vân Anh.


  Bác sĩ nhanh chóng đưa bà Hạnh đến phòng phẫu thuật gấp. Bà nội ôm lấy cô cháu gái đang khóc nấc lên về chỗ ngồi phía ngoài phòng bệnh. Ông Phúc và ông nội cũng nhanh chóng đi vào. Bác sĩ để y tá đẩy bệnh nhân vào phòng phẫu thuật, bản thân đứng giải thích tình hình bệnh cho người nhà rồi cũng rời đi. Căn phòng trong phút chốc không còn âm thanh gì ngoài tiếng xụt xịt xì mũi của Vân Anh. Ông Phúc lên tiếng đánh tan sự yên lặng đáng sợ:


- Mẹ con sẽ ổn thôi! Mẹ bảo đợi mẹ khỏe, sẽ cùng con đến trại hè chơi.


- Con chỉ muốn mẹ bây giờ thôi, tại sao bố không quan tâm mẹ và con, bố để mặc mọi thứ, bố không muốn ở cạnh mẹ và con nữa phải không ạ?


Ông Phúc ôm con vào lòng an ủi:


- Vì bố muốn kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ, nên mới không dành thời gian cho gia đình được. Bố xin lỗi!


 Bà nội lúc này cũng không thể kìm được cảm xúc. Cháu bà còn nhỏ, nhưng ông Trời lại đưa ra một thử thách quá lớn với nó. Ông nội nắm tay bà, dìu ra ngoài khu vườn của bệnh viện. Ông nghĩ để bố con Vân Anh có không gian giải quyết khúc mắc.


- Tôi đưa bà ra đấy nhé! Không sao, bà khóc thì Vân Anh lại khóc theo cho xem. Ra đấy ngồi lát cho tỉnh táo đã. Phúc! Có chuyện gì thì gọi bố ngay đấy!


- Vâng, con biết rồi.


  Nói rồi, hai ông bà dìu nhau ra ngoài, để lại không gian cho bố con Vân Anh. Phòng bệnh bà Hạnh nằm tuy không phải là phòng VIP. Nhưng vì nó nằm ở cuối dãy hành lang và chỗ hơi khuất nên ít khi bệnh nhân được sắp xếp đến đây. Bà Hạnh nhập viện gấp, bệnh viện hơi đông nên đã được sắp xếp ở đây để chờ phẫu thuật. Trong phòng chỉ còn lại hai bố con. Vân Anh lúc này đã nín khóc, tuy nhiên đôi mắt vẫn sưng đỏ và đọng đầy nước. Dường như chỉ cần tiếng động nhỏ cũng khiến chúng rơi xuống không ngừng. Cô bé lại xụt xịt hỏi:


- Thế sao mẹ lại uống rượu hả bố, tại sao bố bảo mẹ dừng lại, tại sao bố không nói với con mẹ bệnh, tại sao mẹ lại giấu con?


  Vân Anh lên tiếng sau một hồi im lặng. Cô bé như cố gắng hỏi hết những câu hỏi kìm nén bấy lâu. “Tại sao, tại sao, tại sao” , những câu hỏi cứ dồn dập và bủa vây lấy ông Phúc.


- Mẹ không uống rượu, mẹ chỉ nấu rượu để bán thôi. Mẹ sợ bố vất vả nên tìm việc để làm thêm thôi con.


- Vậy tại sao bố mẹ không nói với con? Những lần con nghe mẹ thều thào ở dưới phòng là do mẹ đau phải không? Tại sao bố không nói với con sớm hơn…sao phải làm vậy, con không biết mẹ bệnh, con không biết….bây giờ con muốn mẹ thôi!


  Vân Anh lại bắt đầu khóc, cô bé đã không thể kiểm soát được lời nói của mình nữa. Ông Phúc cố trấn an con, không ngừng vỗ về cô bé:


- Mẹ sợ con buồn nên mới không nói, vì mẹ yêu con mà!


- Bố ơi, con cãi nhau với mẹ, con đã lớn tiếng với mẹ, mẹ sẽ ghét con. Con đã bảo mẹ đừng quan tâm con nữa. Bố ơi, có phải sau này mẹ sẽ không gọi con nữa không, có phải đó là cuộc điện thoại cuối cùng không, con không muốn thế đâu!


 Ông Phúc chỉ tay vào cái đầm, ông cười nhẹ nhàng với con:


- Cái đầm này là mẹ dùng tiền bán rượu mua cho Vân Anh đó, là quà sinh nhật mẹ tặng con, mẹ vẫn yêu con mà. Nếu con khóc làm bẩn áo thì mẹ sẽ buồn đó!


- Con không…con không khóc nữa. Bố ơi…con không khóc thì mẹ sẽ nhanh khỏi phải không?


  Vân Anh lấy tay lau nước mắt, môi mím chặt, cố giữ cho bản thân không khóc. Mặt cô bé vì vậy mà đỏ lên. Dù có bướng bỉnh thế nào, đứa trẻ yêu mẹ của mình sẽ làm bất cứ chuyện gì được bảo để có thể gặp lại mẹ. Dù là mười tuổi, hay hai lăm thậm chí là ba mươi tuổi, cũng sẽ nín bặt nếu ông Trời bảo “ta sẽ trả mẹ về cho các con nếu các con thôi khóc”.


  Bác sĩ nói với ông, khối u của bà Hạnh tuy là lành tính, nhưng lại ở vị trí nguy hiểm của não bộ. Ca phẫu thuật sẽ rất khó khăn và tỉ lệ thành công cũng thấp, bảo ông phải chuẩn bị tinh thần. Tim ông như vỡ nát từ giây phút đó, nhưng ông phải bình tâm, vì Vân Anh cần một chỗ dựa vững chắc. Vì gia đình nhỏ mà ông yêu thương, ông phải thật mạnh mẽ. Ông lại dịu giọng an ủi:


- Mai con sẽ gặp lại mẹ thôi, yên tâm. Nếu mẹ về, bố sẽ gọi con ngay. Con gái yên tâm. Đã có bố đây rồi!


  Vân Anh vật vã cả đêm, cô bé cố nén khóc rồi lại lặng lẽ lau nước mắt. Cứ tiếp tục như thế rồi ngủ quên lúc nào không hay. Ông Phúc không thể nào chợp mắt nổi, ông bế con gái vào trong phòng, đắp thêm cái chăn len nhỏ cho Vân Anh. Rồi ngồi trên ghế nhựa, đôi mắt thẫn thờ nhìn đăm đăm ra phía cửa. Hy vọng bác sĩ sẽ ghé qua, và ông sẽ mỉm cười khi nhận được tin ca phẫu thuật thành công.


  Ông bà nội trở về phòng từ phía khu vườn. Có vẻ bà được ông an ủi nên giờ tinh thần cũng ổn định hơn nhiều. Thấy Vân Anh đã ngủ, ông Phúc nhỏ tiếng khuyên bố mẹ về nghỉ ngơi. Bà chần chừ mãi nên ông bảo nên về lấy thêm ít vật dụng cần thiết cho vợ chồng ông Phúc. Như vậy bà mới chịu ra về.


- Bố đưa mẹ về rồi quay lại ngay, con có cần lấy thêm gì cho Vân Anh thì gọi bố.


- Không cần đâu, bố cứ về nghỉ đi ạ!


- Chú không cần nhưng cháu ta thì cần chứ. Cứ thế đi, ta cũng muốn nghe kết quả của vợ chú mà!


- Con cần gì thì nói mẹ nhé! Con cũng nghỉ ngơi một chút đi, nếu cần thay ca ở lại đây thì mẹ sẽ đến ngay. Con cũng nhớ coi sóc Vân Anh đấy!


Ông Phúc cười bất lực:


- Vâng, con nhớ rồi. Bố mẹ về cẩn thận!


- Thế chú mày có về cùng không?


 

3.

 

- Meo?


- Thế chú mày có về cùng không?


  Ông nội nhìn tôi hỏi, một con mèo như tôi thì ở lại cũng chỉ khiến người ta chán ghét và đuổi đi thôi. Nhưng tôi vẫn sẽ ở lại, nếu Vân Anh về thì tôi sẽ về. Ở lại đổi gió tí cũng được, ít ra ở đây cũng nhiều ngóc ngách để ẩn thân khi bị đuổi đánh mà.


  Tôi đi vào phòng rồi chọn một góc khuất tầm nhìn nhất, cuộn tròn người nằm xuống. Đây là tín hiệu nói với ông rằng tôi sẽ ở lại.


- Không sao đâu bố, con cũng sẽ trông chừng nó. Có nó ở đây con cũng bớt cô đơn, với cả Vân Anh cũng đỡ tủi.


- Um…được rồi, vậy bố đưa mẹ về đây. Nhớ là có chuyện thì gọi ngay đấy nhé!


- Vâng con biết rồi, bố mẹ về cẩn thận!


  Cánh cửa khép hờ để gió lạnh không lọt vào trong. Bố Vân Anh cứ nhìn về phía tôi như muốn trò chuyện. Nhưng thứ tôi làm được chỉ có meo, meo và meo mà thôi. Tôi đi về phía ông, nằm xuống cạnh chân giường bệnh. Ngoe nguẩy cái đuôi vàng xinh đẹp của mình.


- Mày có đói không?


- Vân Anh nhặt mày ở đâu thế, công viên à?


- Mày là con mèo thứ mười mà con bé mang về rồi đấy!


- Vợ tao sẽ nổi điên nếu Vân Anh xin nuôi mày, cô ấy không thích nuôi chó mèo đâu!


"Tôi cũng có chủ nhé, không cần quý gia đình quan tâm đâu" - Tôi chỉ nghĩ thế thôi, vì dù tôi có trả lời thì thứ ông ta nghe được chỉ là những tiếng meo meo.


- Nếu cô ấy qua khỏi, tao sẽ xin cô ấy cho mày ở lại. Vì Vân Anh có vẻ rất quý mày.


  Ờ thì tại tôi là cô mèo xinh đẹp đó mà. Nhưng quí ông đây định nói thế này cả đêm sao, tôi chịu cũng được nhưng Vân Anh cũng cần giấc ngủ ngon chứ.


- Mày sẽ được ở lại thôi, vì cô ấy nhất định sẽ khỏe mạnh trở về, và tao nhất định sẽ nói hộ cho mày, nhất định cô ấy sẽ đồng ý vì Vân Anh.


 Ông Phúc đưa tay nghịch cái đuôi quí giá của tôi, vừa thì thầm những lời trong lòng:


- Tao chỉ hy vọng, vẫn còn kịp để tao trân trọng những thứ quí giá của đời mình.


  Dù không có ý định ở lại nhưng tôi cũng mong bà ấy sẽ khỏe mạnh trở về. Tôi cảm nhận được điều đó, linh cảm của mèo cũng rất nhạy đó. Hãy tin tôi!


  Gần sáng thì ca phẫu thuật cũng xong. Vì là ca khó nên mất khá nhiều thời gian. Bác sĩ nhanh chóng chạy đến phòng bệnh tìm ông Phúc, ông ấy lúc này đã bị cơn buồn ngủ đánh bại.

  Tiếng chân dẫm lên nền nhà làm tôi thức giấc. Tôi chui vào trong gầm giường để không bị đám nhân viên y tế tống cổ ra ngoài. Ông Phúc cũng bật dậy khi nghe tiếng cửa mở.


- Là bác sĩ sao? Vợ tôi sao rồi? Có ổn không? Phẫu thuật thành công chứ?


- Anh bình tĩnh một chút!


- Sao rồi…như thế nào…vợ tôi sao rồi? - Ông Phúc hỏi bằng những câu ngắt quãng, tỏ rõ sự gấp gáp.


 Bác sĩ vỗ nhẹ vai ông, nở nụ cười thật tươi như chào đón ngày mới:


- Mặc dù là ca khó nhưng cuối cùng khối u cũng đã được loại bỏ, trong quá trình phẫu thuật tuy có hiện tượng xuất huyết nhẹ nhưng đã cầm máu được. Anh yên tâm, ca phẫu thuật rất thành công. Hiện chúng tôi đã chuyển chị sang phòng hồi sức tích cực. Chị sẽ khỏe lại nhanh thôi!


  Ông Phúc bật khóc, cả đời này ông nghĩ đây chính là câu nói khiến ông hạnh phúc nhất. Ông luôn miệng cảm ơn bác sĩ, cuối cùng ông cũng có thể khóc cho thỏa. Nhưng là khóc vì hạnh phúc.


  Tôi cụp hẳn hai tai lại vì tiếng khóc của ông Phúc. Vân Anh cũng bị bố làm thức giấc. Cô bé thấy bố khóc cũng bắt đầu òa lên theo.


- Không sao Vân Anh, mẹ ổn rồi. Bác sĩ bảo mẹ sẽ khỏe lại nhanh thôi, con yên tâm nhé. Mấy tiếng nữa bố con mình đi thăm mẹ. Không sao ổn cả rồi con gái!


- Thật ạ? Bố ơi bố nói thật chứ? Bố không nói dối con chứ?


- Bố cháu nói thật đấy. Hai bố con nghỉ thêm chút nữa rồi đi thăm mẹ nhé! Hiện chị vừa mới vào ICU nên chưa vào được, hai bố con ráng đợi thêm lát nữa nhé!


  Bác sĩ mỉm cười, anh suýt thì khóc theo rồi. Đây thực sự là một ca khó và chính anh cũng vui mừng vì đã giành lại sự sống cho bệnh nhân chỉ trong gan tất. Trễ một chút nữa thôi, thì anh đã bại trận dưới tay của Thần chết rồi.


  Một nhà hai người, thêm bác sĩ nữa là ba. Làm xôn xao hết cả căn phòng, nhưng mà lòng tôi lúc đấy cũng nhẹ đi. Thật vui vì mẹ Vân Anh đã có thể ở lại với cô bé. Gia Khánh chắc cũng thấy vui cho gia đình nhỏ này như tôi. Tôi chỉ là một con mèo thôi, nên tôi lại nằm rút mình dưới gầm giường, rồi nhắm mắt an tâm và ngủ thật sâu.

 

  Buổi sáng tôi bị đánh thức bởi giọng lanh lảnh của Vân Anh, nghe thôi cũng đủ biết cô bé đang rất vui.


- Mèo con ơi, dậy mau lên, ăn sáng nào! Dậy đi dậy đi, ông có đem cá đến nè!


  Tôi khó khăn trở mình, dãn hết cơ chân ra. Giấc ngủ hôm qua có hơi chập chờn nên tôi không khỏe lắm. Chui ra khỏi gầm giường đã thấy khuôn mặt hí hửng của cô bé, đúng là tươi như nắng luôn.


- Mèo con, ra ngoài nào, ông để cá hộp ở ngoài vườn đó!


- Vân Anh, chạy lung tung khéo ngã đó!


  Ông nội đi đến, giúp cô bé mở nắp hộp cá rồi đổ ào ra một cái bát nhựa. Mùi thơm của mớ cá làm tôi tỉnh ngay. Chả thèm ngó tới ai cả, tôi ăn liền một mạch thức ăn trong bát.


- Ăn khỏe ghê nhỉ!


Ông nội đây là đang khen tôi phải không?


- Ông ơi! Mẹ khi nào mới dậy ạ?


- Sớm thôi, bác sĩ bảo mẹ cháu đang hồi phục rất tốt, đừng lo quá.


- Vậy khi nào mẹ dậy, cháu sẽ xin nuôi con mèo này!


- Cháu chắc chứ?


Vân Anh gật mạnh đầu đáp:


- Dạ, chắc ạ! Cô mèo này mang đến may mắn cho gia đình mình đấy ông. Em ấy ở đây mẹ cũng sẽ nhanh khỏe.


Ông nhìn cô cháu nhỏ, bật cười:


- Ông hy vọng là mẹ cháu sẽ không quát lên khi con mèo cào rách sô pha và làm đổ hết đồ ăn trên kệ.


  Tôi không nghĩ ông nội cũng có tài ăn nói thế cơ đấy. Cách nói chuyện chắc ông Phúc cũng học được từ ông một ít. Tôi ăn xong quay ra liếm láp chân rồi dụi dụi lên mặt, cũng mấy ngày rồi tôi không tắm. Tôi chợt nhìn sang Vân Anh thì thấy cô bé đã thay một bộ quần áo mới. Giờ ăn sáng của tôi chắc cũng đã qua giờ trưa của con người. Chà, hôm nay tôi ngủ lâu thật đấy.


- Vân Anh! - Một tiếng gọi quen thuộc từ dãy hành lang bên kia vang lên.


- Anh Nhiên!


  Một chàng trai chạy đến, trên tay là giỏ trái cây đủ loại. Anh lễ phép chào ông nội rồi vui vẻ trò chuyện:


- Anh đến thăm mẹ em này! Anh có mua thêm mứt dâu cho em nữa!


- Cám ơn anh! Anh à, cô mèo này đã ở đây cả đêm đấy, em còn tưởng đã bỏ đi từ đêm qua, nhưng mà sáng ra thì thấy em ấy ngủ dưới giường bệnh đó!


- Ồ! Một con mèo trọng nghĩa khí!


  "Cám ơn anh đã khen. Nhưng mà anh không quá lời đâu, tự tôi cũng thấy mình rất trọng tình nghĩa" - tôi thầm nghĩ.


- Ông đưa anh Nhiên của cháu đi thăm mẹ đã. Cháu trông nó cẩn thận đừng để quấy phá lung tung người ta bắt đi đấy!


- Cháu biết rồi ạ!


  Tôi phải trông ngược lại cô bé đấy ông ơi. Nhưng mà hôm nay một hộp cá không đủ, thế nên là hy vọng ông sẽ mang thêm cho con mèo nghĩa khí này ít thức ăn nữa nha, meo. Tôi lại dãn cơ hết cả bốn chân. Nhảy lên cái bàn đá trước hành lang, nằm xuống tận hưởng bóng mát từ cái cây to mà tôi không biết tên, lim dim mắt chuẩn bị thêm một giấc ngủ trưa.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}