Chương 2: Nuôi mèo


1.

- Thứ này là gì vậy? Tại sao mày vào được đây hả?


   Bà Hạnh-mẹ Vân Anh, hét lên khi thấy một con mèo đang nhâm nhi miếng xúc xích cuối cùng trong cái bát. Nó ngơ ngác nhìn bà rồi cố ngoạm miếng thịt, chạy nấp sau chân Vân Anh.


- Con mang về hôm qua, nó bị thương. Nhưng mẹ cũng không cần quan tâm đâu! - Vân Anh nói trong khi quay lưng lại với mẹ.


- Con nói vậy là sao?


- Mẹ hãy đi tắm cho bay hết mùi rượu đi ạ, con có chừa phần bánh mỳ xíu mại trên bàn cho mẹ.


- Con đi đâu?


 Vân Anh quay đầu nhìn mẹ, thở dài nói:


- Con sang nhà bạn học nhóm. Đi thôi mèo con!

 Nói đoạn Vân Anh cầm giỏ đựng mấy quyển sách, chạy ra thì cánh cửa bật mở. Bố cô bước vào, ổng mỉm cười chào con:


- Chào con gái!


- Bố, buổi sáng vui vẻ!

 Cánh cửa đóng sầm, bỏ lại đằng sau là sự ngạc nhiên của bố và chất giọng say rượu của mẹ:


- Con bé lại bị sao vậy?


- Em ở nhà thì rõ hơn chứ! Anh lên phòng nghỉ một lát, không có gì quan trọng thì đừng đánh thức anh.


  Bà Hạnh đặt cốc nước lạnh xuống bàn, món bánh mì xíu mại mà bà thích nhất, mùi thơm từ ổ bánh vàng rơm giòn rụm và bát thịt đỏ sẫm, trứng cút nhỏ xíu, màu xanh của hành và mùi của thịt được nấu vừa chín, nước sốt sền sệt đặc trưng. Bà xé vụn miếng bánh rồi chấm vào nước sốt, miệng nhai rệu rạo nhưng chẳng thấy ngon miệng.

  Tại sao nhỉ? Vì bánh không ngon? Vân Anh mới nướng lại nên bánh rất giòn và thơm. Hay vì nước sốt quá nhạt? Món ăn đậm đà này được mua từ cửa hàng ngon nhất ở đây, con bé đã cất công đi mua. Vậy thì tại sao? Có phải là do không có ai ăn cùng. Có lẽ là vậy, đã lâu rồi bữa ăn sáng gia đình chỉ còn mỗi một người.


   Vân Anh leo lên xe đạp, để Ami vào cái rổ phía trước, xe hơi cao nhưng cô bé luôn có thể điều khiển được nó một cách điêu luyện. Nhón bàn chân lên rồi đạp thật mạnh một cái, cô bé nhanh chóng ngồi ngay ngắn trên yên xe. Mới đầu có hơi loạng choạng nhưng mấy giây sau chiếc xe đã cân bằng và bắt đầu băng băng trên con đừơng trải nhựa mịn phía trước.


2.

- Meo!

   Tôi được đi xe đạp, đã lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác hứng khởi này. Mặc dù mới đầu Vân Anh có làm tôi hơi phát hoảng vì suýt đâm vào ông cụ bán sữa đậu nành bên kia đường. Nhưng rất nhanh đã ổn, cô bé làm tôi ngạc nhiên trước sự liều lĩnh, can đảm và điềm tĩnh khi lái xe đạp. Nếu là tôi thì chắc đã rơi vào nồi sữa của ông cụ, nhưng mà điều đó sẽ chẳng thể xảy ra, vì tôi là mèo mà, mèo nào lại đi tự chạy xe đạp cơ chứ.


  Vươn vai một cái rồi thò đầu ra khỏi rổ xe, ánh nắng sáng sớm càng làm bộ lông vốn đã óng mượt nay lại lung linh hơn, khiến Vân Anh cứ mãi lặp lại câu “Cậu là con mèo xinh nhất tớ từng thấy”. Tôi khá thích được khen đấy, nhưng phải thật tâm nhé chứ đừng khen lấy lệ như cô nàng Diệp Bích kia. Cứ nghĩ đến là tôi lại oán giận không thôi, vì nàng ta mà tôi lang thang và chưa biết làm thế nào để quay về.


  Mấy suy nghĩ kia của tôi nhanh chóng bay biến khi cơn gió nhẹ thoáng lướt qua. Trước mắt tôi là một con dốc nhỏ đâm thẳng ra đường lớn, một bên là hàng cây xanh mướt, một bên là hồ nước đang nhảy múa dưới nắng. Sương mù cũng bắt đầu tan dần, đọng lại và ngập ngừng rơi xuống những khoản đất màu đỏ. Mùi của cây cỏ thấp thoáng sau cơn mưa lớn tối qua, vài con chim nhanh chóng đớp lấy những giọt sương sáng tinh khiết.


   Dù tôi đã ở đây mấy ngày nhưng vẻ đẹp nơi đây vẫn khiến tôi ngạc nhiên không thôi. Tôi thích những bậc thang dẫn lên mấy ngôi nhà trên đồi, nó khiến tôi nhớ đến những ngày ở bên cạnh Gia Khánh, yên bình và ấm áp.


  Mãi nhìn ngắm xung quanh, không để ý địa điểm mà Vân Anh hướng đến. Là một phòng khám thú ý nhỏ phía dưới một con dốc thoải. Ở đây thực sự có rất nhiều con dốc, bọn mèo nào đó từng mách với tôi rằng có những con dốc cao đến nỗi loài mèo cũng phải run sợ.


  Vân Anh mở cánh cửa, tiếng chuông gió kêu leng keng làm tôi thấy thích thú và vểnh tai lên. Cô bé đặt tôi xuống một cái bàn nhỏ, trên có phủ một miếng màn màu kem và bên cạnh là một vài quyển sách mà tôi cũng không rõ lắm.


- Anh Nhiên ơi, anh giúp em với!


- Em lại sao đấy, nếu bị thương thì phải ghé bệnh viện hay nhà thuốc chứ, đây là phòng khám thú y mà!


   Một anh chàng có dáng người hơi thấp bước ra từ một căn phòng khác, bên trong còn nghe thấy tiếng rên ư ử của một con cún con. Người anh ta có mùi của những người hay cầm kim tiêm và ghim vào da thịt đám thú nuôi khi chúng không để ý. Hoài Phong cũng từng đưa tôi đến những nơi thế này, mặc dù không thích lắm nhưng tôi biết, nếu gặp họ một vài lần thì cơ thể tôi sẽ khỏe hơn nếu tôi bị ốm. Có vẻ Vân Anh muốn chữa cái đuôi cho tôi, tôi hứa sẽ hợp tác tốt. Tôi hứa với danh dự là một cô mèo nhà tạm gọi là khá ngoan ngoãn nếu được chủ đối xử tốt.


 - Ơ, mèo nhà ai đấy? Em lại nhặt ở đâu về à?


 - Em gặp nó ở công viên gần trường học, chắc mèo của người gần đó.


 Anh bác sĩ cúi đầu, đẩy nhẹ cái gọng kính dày lên, đưa tay nâng phần đuôi của tôi, chăm chú nhìn rồi lại hỏi:


- Em lại định giữ lũ mèo đến khi chúng khỏe mới trả về à?


 Vân Anh suy nghĩ một chốc rồi mỉm cười lém lỉnh:


- Không…lần này em sẽ giữ nó, không trả về đâu, giờ em chỉ muốn ở cạnh con mèo này thôi.


- Em có thể giữ con mèo lại không, anh sẽ xem thật nhanh vết thương.


   Nói rồi anh ta vuốt ve tôi mấy cái, đưa mắt dịu dàng nhìn tôi như ra hiệu "mọi thứ ổn thôi nên mèo ngoan ngồi yên nhé" - kiểu thế. Nhưng đây hiểu rõ nhé nên cũng không cần màu mè nhiều thế đâu, nhưng "meo, meo" - tôi gào lên. Phần lông đuôi dính bết vào miếng băng nên khi anh ta tháo ra tôi có chút đau, không kìm được suýt thì cho anh ta một nhát cắn ở cổ tay.


- Xong rồi, mày giỏi lắm. Giờ chỉ cần sát khuẩn, thay băng mới và ít thuốc cho mau lành là ok!


- Sau này em cũng làm bác sĩ thú y.


- Nếu thế thì em sẽ nghèo mất, nếu như cứ cứu lấy chó mèo hoang thì chẳng ai trả phí cho em đâu.


Vân Anh che miệng, thì thầm:


- Chả phải anh cũng thế sao!


- Lần sau anh sẽ tính phí em đấy, gấp đôi…biết chưa!


   Cô bé cười hì hì rồi lấy cái loa chống chó mèo liếm vết thương gắn vào cổ cho tôi, nói thật nó có phần làm tôi khó chịu, khiến tôi không khỏi chống cự ít phút. Thú thật thì dù có hứa bằng cả danh dự thì tôi cũng xin thua mấy vật dụng quái đản của con người.

  Vân Anh ôm lấy tôi rồi chào tạm biệt anh bác sĩ, chuẩn bị đóng lại cánh cửa thì anh ta hỏi với theo:


- Vân Anh! Cha mẹ đã nói gì với em chưa?


- Chuyện gì ạ?

- À…chuyện …trong nhà.


Vân Anh mặt nhăn nhó, nói:


- Anh nói gì khó hiểu vậy ạ?


  Ý anh ta là ở nhà có chuyện gì đó mà không cho cô biết được nhưng khắp cái thị trấn thì hình như đều nắm rõ hết, là vậy đấy cô bé ngốc. Tôi không kìm được mà gào lên mấy tiếng "meo…meo".

  Vân Anh lại không để tâm, hỏi tôi đói rồi phải không. Cánh cửa đóng lại, chuông gió lại kêu lên leng keng, và đây là lần thứ hai trong ngày tôi nhìn thấy những khuôn mặt có biểu cảm kì lạ trước khi cánh cửa kịp khép lại. Buồn bã, thứ này thì hình như chiếm hàng đầu.


3.

Lân la khắp thị trấn, Ami được cô chủ nhỏ cho chén sạch một con cá nướng đã chuẩn bị sẵn từ sáng trộn lẫn với một ít thuốc. Điểm đến tiếp theo là thư viện, Vân Anh ghé trả mấy quyển sách mượn được mấy hôm trước. Cô bé để lại con mèo bên ngoài vì có vẻ cô mèo muốn nghỉ ngơi vì tác dụng của thuốc.


    Chiếc xe đạp cao lều khều đậu trước cửa thư viện, mấy con mèo hoang cứ đến gần xem trong rổ xe là gì, chúng đã bị tẩn một trận bởi Ami là một cô mèo không thích bị làm phiền khi đang ngủ. Choảng nhau một lát thì Vân Anh ra đến làm bọn mèo chạy toán loạn. Cô bé lôi từ bụi cây ra một cái balo lớn, để chuẩn bị cho một cuộc đào tẩu khỏi nhà, trước cứ để ở căn nhà hoang khiến cô bé hơi lo lắng về độ an toàn nên đã chuyển hẳn đồ đến đây.


- Cậu đã sẵn sàng chưa mèo con? Chúng ta đến nhà ông bà nhé!


 Vân Anh kéo khóa balo để kiểm tra lại đồ dùng thì chợt thốt lên:


- Không xong rồi, đống bài tập bỏ ở nhà mất rồi, cả con Pinky nữa, chúng ta phải quay về lấy thôi!


   Nói rồi Vân Anh leo ngay lên xe, hướng về ngôi nhà ngói xanh mà tiến tới. Tốc độ đạp xe cũng nhanh hơn mấy phần, cái balo Vân Anh cố nhồi nhét thêm lên cái rổ phía trước cứ chèn hết chỗ ngồi của cô mèo. Làm cho Ami suýt thì nghẹt chết khi cô bé va phải cái gò cao trước mấy con dốc.

 

   Mở cửa thật nhẹ nhàng, Vân Anh di chuyển lên phòng, thành công lấy được tập sách và gấu bông. Cô bé bước xuống cầu thang, từng bước một để mẹ không phát hiện. Nhưng rồi một tiếng động làm cô bé phải dừng lại.


  “Cộp”, là tiếng đặt ly nước xuống bàn, nhưng lực tay khá mạnh. Tiếp sau là giọng bố, bình thường giờ này bố đã đi làm, việc này khiến Vân Anh có chút ngạc nhiên.


- Em định cứ sống thế này đến bao giờ? Phải nghĩ cho tương lai chứ! - Ông Phúc gắt lên với vợ.


- Chẳng phải em làm thế cũng vì tương lai hay sao! Sao anh phải lớn tiếng thế?


 Giọng bà Hạnh hơi thều thào, hẳn là vẫn chưa tỉnh rượu.


- Anh không muốn thế này nữa, dừng lại được rồi, chúng ta kết thúc ở đây đi!


- Còn Vân Anh phải làm thế nào, con bé mới mười tuổi!


- Cũng phải đến lúc để con biết rồi, chúng ta…


Ông Phúc còn chưa nói hết câu đã bị một âm thanh chói tai xen vào.


- Bố mẹ cứ việc li hôn, con không quan tâm. Bố mẹ là đồ ích kỷ!


   Vân Anh từ cầu thang chạy xuống, hét vọng vào phòng bếp rồi chạy ngay ra ngoài. Chiếc xe đạp lại bon bon ra đường, lần này nó không vào đường lớn mà rẽ vào một con hẻm nhỏ. Vừa chạy Vân Anh vừa lẩm nhẩm “con ghét bố mẹ, con ghét bố mẹ”.


   Con đường phía trước cứ mờ dần đi, nước mắt che khuất tầm nhìn, cứ lấy tay lau đi thì nó lại trào ra nhanh hơn. Chiếc xe lao nhanh trong hẻm nhỏ rồi va vào mấy viên đá, bánh xe trượt ngang khiến Vân Anh ngã nhào ra phía trước.


   Cô bé vội chạy lên đỡ lấy Ami, không ngừng hỏi có làm sao không. Nhưng trạng thái bây giờ cô bé mới là người đáng lo. Hai đầu gối xước toang máu, cô ngồi bẹp luôn xuống đống đất đỏ, ôm con mèo mà khóc. Ami có chút hoảng sau vụ ngã xe, nhưng cũng yên lặng nằm trong lòng Vân Anh như thể an ủi cô bé.

 

   Con Pinky nằm lăn lốc trên sàn nhà cùng với mớ bài tập của Vân Anh. Ông Phúc ngồi xuống từ tốn gom mớ đồ dưới sàn rồi lại đặt ngay ngắn trên kệ. Ông quay lại nhìn bà Hạnh với ánh mắt buồn, nói:


 - Hay cứ để con bình tĩnh mấy hôm bên nhà ông bà nhé! Em cất mớ rượu thuốc đang nấu đi. Soạn sẵn quần áo và vật dụng cần thiết, mai chúng ta đến bệnh viện nhé! Anh xin em.


  Bà Hạnh lau vội vệt nước mắt, dùng đôi tay ngày càng yếu của mình chống hết lên bàn, đứng dậy một cách khó khăn. Bà quay sang tắt cái ấm nước đang kêu ré lên, vừa búi gọn lại phần tóc rối mù của mình vừa hỏi:


 - Sao anh biết con bỏ sang nhà ông bà?


 - Anh thấy Vân Anh hay giấu một cái balo lớn ở căn nhà hoang, lần đó còn nghe nó gọi điện, bảo ông nội cho nó xin qua đấy chơi và ngủ luôn bên đấy ít hôm.


- Anh không ngăn nó lại à?


 Ông Phúc kéo cái ghế ghỗ sẫm màu, ngồi xuống uống cạn ly nước cho bình tĩnh,ông thở hắt ra một hơi mới nói, như trút bầu tâm sự:


- Vân Anh đã quyết thì không ngăn được đâu, anh hiểu tính con mà. Em cũng muốn thế từ lâu rồi phải không?


- Um…như thế con không phải mệt mỏi và lo sợ em biến mất nữa!


- Em ổn chứ, ngồi xuống đây đi!


  Bà Hạnh chợt loạng choạng, cơn đau đầu lại ập đến, bà tựa vào chồng rồi đặt mình xuống ghế thật nhẹ nhàng. Cơn đau bất chợt đến rồi cũng nhanh đi, nhưng có lẽ sau này sẽ còn đau nhiều hơn thế nữa và bà chẳng thể tự mình săn sóc bản thân.


  Dưới ánh nắng mang theo mùi thơm hoa cỏ, vài mầm hoa bồ công anh trôi theo gió bay vào căn bếp ngột ngạc. Mầm hoa dừng chân trên một tập hồ sơ màu xanh nhạt “Bệnh án-Trần Thị Vân Hạnh, chuẩn đoán: u não nguyên phát”.

 

   Dừng chân lại ngôi nhà nhỏ trên đồi, Vân Anh dựng xe đạp trầy xước và vươn vãi đất đá cạnh mấy chậu cây Tuyết Tùng của ông nội. Ôm lấy cô mèo vàng rồi xách theo cái balo, lớn tiếng gọi:


- Ông ơi,…cháu đến rồi ạ!


  Một ông cụ tầm bảy mươi mở cửa, cánh cửa kêu lên ọt ẹt do đã cũ, bụi và mọt mối rơi xuống lấm tấm. Ông đỡ lấy túi cho cô cháu gái rồi nói vọng vào trong:


- Bà ơi, Vân Anh đến rồi này, hôm nay làm bánh Căn cho cháu nó nhé!


 Vân Anh nhìn ông, hai chân cọ vào nhau, đôi mắt hơi sưng đỏ. Cô bé kéo lấy tay áo ông, ngập ngừng nói:


- Ông ơi…bố mẹ cháu...


- Không sao, ông hiểu mà, cháu cứ vào nhà đi đã. Ôi! Sao thế này, vào trong nhanh lên ông xem vết thương cho, cháu ngã ở đâu à?


Vân Anh thả cô mèo xuống đất, ôm lấy ông rồi òa lên khóc.


- Không sao, để ông thổi thổi là hết đau ngay!


Nói rồi ông bế Vân Anh đi vào nhà, con mèo vàng cũng lững thững theo sau.


   Trời cứ thế tối dần mang theo hơi lạnh của sương, Vân Anh cùng với ông bà đã có một buổi tối vui vẻ bên mâm cơm gia đình, cái cảm giác hạnh phúc của một ngôi nhà mà cô bé đánh mất mấy tháng qua. Ít nhất là đêm nay, cô bé thực sự đã có được một giấc ngủ thật ngon. Không mùi rượu, không tiếng than vãn thều thào từ phòng mẹ, không giọng nói cáu gắt của bố. Tất cả đều không, tiếng thở của Ami đều đều bên cạnh đưa cả hai chìm thật sâu vào giấc ngủ.

 

  Buổi sáng nhà Vân Anh, ông Phúc cầm một túi vải lớn để lên xe, ông khó nhọc móc chiếc điện thoại đang reo inh ỏi trong túi quần. Hôm nay xin nghỉ đột xuất nên chỗ làm điện thoại đến để xác nhận. Ông nghỉ cả công việc buổi sáng và tối. Từ lúc vợ ông được chuẩn đoán bệnh u não, ông đã xin thêm việc làm buổi tối muộn đến kiếm thêm ít tiền chạy chữa cho vợ. Đó là lí do mấy tháng nay ông rất ít có thời gian cho vợ con, có về nhà thì cũng ăn qua loa cho xong bữa rồi tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức để làm việc.

  Vân Anh hiểu sai về ông cũng là điều dễ hiểu, vì ông không nói cho con bé biết việc mẹ nó bị bệnh nặng và việc duy trì cuộc sống mỗi ngày là điều khó khăn. Làm sao ông có thể nói những điều tàn nhẫn như vậy với một đứa trẻ mười tuổi. Sự mệt mỏi cứ dày vò ông hàng ngày.


  Bà Hạnh được đưa đến viện tối qua, sau bữa tối thì bà đau đầu dữ dội nên đã đến bệnh viện. Tình trạng của bà có lẽ phải phẫu thuật gấp, bác sĩ yêu cầu kiểm tra và nhập viện luôn. Nếu đã vậy, ông cũng định gửi Vân Anh ở chỗ ông bà thêm ít lâu, nên đã gọi cho bố mẹ mình nắm tình hình trước rồi mới sắp xếp việc gì cần làm tiếp theo.


  Mùi thuốc khử trùng nồng nặc ở bệnh viện khiến ông chau mày , gương mặt mệt mỏi của những người nuôi người thân bị bệnh nặng, và những người mới từ phòng khám bước ra, trên tay là tờ kết quả xét nghiệm nào đó với vẻ mặt bàng hoàng. Làm lòng ông cứ dậy sóng từng cơn, ông sợ rằng vợ mình sẽ không qua khỏi.


- Không sao đâu! Cậu cứ nghĩ nhiều thế thì làm sao mà sống tiếp được. Cứ thoải mái một chút, thả lỏng đi, rồi cậu sẽ nhận ra những thứ thực sự quan trọng đối với cậu.


   Một ông lão đi ngang qua ông, một tay cho vào túi áo, tay còn lại cầm chai nước biển. Ông ta nhìn ông Phúc cười hì hì rồi đi mất, tay bị truyền dịch, chân còn có vài chỗ quấn băng trắng thế kia mà vẫn vui vẻ trông không có vẻ gì là bệnh tật cả.


- Ông ấy không có con cháu đến đón về nuôi, phải lang thang, ung thư gan giai đoạn cuối đấy! Mà cứ thấy ai sầu não là lại nói thế để người ta vui lên một chút, ông ấy cũng hay nói thế với mẹ tôi.


 Một chị cầm phích nước đi ngang, tiện tay nhặt mớ đồ bị rơi cho ông Phúc. Chị vỗ vai ông, an ủi thêm:


- Dù sao thì cũng cố lên nhé, nhập viện vài hôm là quen ngay ý mà!


- À vâng, cảm ơn cô nhé!


  Ông cũng không rõ cảm giác bây giờ thật sự là gì nữa, nhưng có vẻ câu nói của ông lão kia cũng khiến ông được nhẹ lòng phần nào.


  Bà Hạnh cố ngồi dậy, với tay lấy chiếc bàn nhựa nhỏ dựng lên giường. Ông Phúc cũng bày một bát bún bò Huế nóng hổi và một ly nước ấm, ông nói:


- Món em thích đây, anh mua ở chỗ gần đây, nhưng nghe bảo khá ngon đấy!


Bà Hạnh không vội động đũa, bà vội hỏi:


- Có kết quả chưa anh?


- Bác sĩ bảo mai sẽ có kết quả, nếu khối u của em lành tính, lúc đấy chỉ cần phẫu thuật là ổn thôi, em ăn trước đi đã.


- Em muốn gặp con.


  Ông Phúc nhìn chiếc điện thoại trên bàn, nếu Vân Anh biết chuyện sẽ như thế nào, hẳn là con bé sẽ sốc lắm. Ông không biết phải làm sao, đành dỗ dành vợ:


- Em cứ ăn đi, khi nào có kết quả anh sẽ gọi em. Còn Vân Anh, anh sẽ nhờ bố đưa con đến sau.

  Bà Hạnh biết yêu cầu hiện giờ của bà quả thực làm khó cho chồng, nhưng bà sợ rằng sẽ không còn nhiều cơ hội ở cùng gia đình, đặc biệt là đứa con gái mà bà hết mực yêu thương. Vân Anh còn quá nhỏ để có thể chấp nhận việc ra đi của người thân. Bà sợ con không chịu được sự mất mát quá lớn này.


  Ông Phúc ra ngoài, đến ban công đốt một điếu thuốc, khói bay mịt mù một khoản sân. Ông không muốn đón Vân Anh đến, ông muốn con bé tốt hơn là không biết chuyện gì đang diễn ra, con bé còn phải giữ tinh thần cho việc học. Chần chừ mãi cũng đến cuối ngày. Tàn thuốc rơi xuống chân ông chất thành một khối đen xì, nhìn xa thì hệt như một đám kiến đang dần nuốt chửng ngón chân. Đôi dép lấm lem vì lâu ngày không tẩy rửa. Một người đàn ông sầu não, nhìn thôi cũng đủ biết ông ta đã phải vất vả thế nào mới không thể chau chuốt bản thân.


 - Anh ở đây sao, tôi tìm anh mãi!


  Bác sĩ đứng ngay sau ông chợt lên tiếng, anh ta vừa làm xong thủ tục và các xét nghiệm cần thiết cho cuộc phẫu thuật, và giờ là lúc báo cáo kết quả cho người nhà bệnh nhân. Một công việc chẳng hề dễ dàng chút nào đối với các bác sĩ, đặc biệt là khi tờ kết quả trong tay họ là một tin chẳng hề tốt lành gì.

Ông Phúc vội dúi điếu thuốc xuống đất, lấy chân giẫm lên để tắt lửa. Ông trả lời một cách mệt mỏi:


- Tôi hóng gió chút thôi, kết quả thế nào rồi ạ?


- Kết quả của chị đã có, tuy nhiên có một tin tốt và một tin xấu, anh muốn nghe như thế nào ạ?


- Như thế nào cũng được cả.


- Vậy mời anh cùng đến văn phòng, tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn.





Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}