Đợi chờ - Nguyễn Chí Thiện
Vàm sông Vịnh Chùa sớm chiều vẫn một dòng xuôi mải miết, mang nước từ nơi nào đến ngã ba sông này ngày mấy lượt rồi lại mang đi biệt tăm. Hàng đước ven sông nối nhau dài đến gần cuối vàm, cây nào cây nấy bự bằng cùm tay, tán rộng che ra gần giữa sông, rễ chằng chịt bám đất để đất khỏi theo dòng trôi đi. Cặm cụi mười mấy năm trời đứng đó, như nó chờ ai, đợi ai tự hồi nào mà người vẫn biệt dạng không tăm tích. “Chuyện thiệt á chớ hổng phải chơi đâu à nghen.” câu khẳng định chắc lừ bà Năm đầu xóm mỗi khi nhắc về ông Tư Đợi.
Câu chuyện cũng lâu rồi, mà mỗi lần nhắc lại là người ta kể hoài hổng nghỉ, những câu kể vu vơ, thường tình đã đay nghiến ông Tư Đợi và con gái ông là con Chờ đã mười mấy năm nay. Mỗi lần có người mới về hỏi đường đi xuống vàm để bắt xuồng qua sông là bà Năm lại nói:
- Vàm Vịnh Chùa có hàng đước á hả?
Không đợi người ta trả lời, mà cũng cần gì phải trả lời, xóm này chỉ có một cái vàm đó duy nhất, bà lẹ làng nói tiếp:
- Nè, đi thẳng xuống dưới đó nghen, rồi quẹo phải là tới liền hà.
Tay bà chỉ đường mà miệng vẫn cứ lia lịa nói, nói như muốn để phanh phui ra cái chuyện của Tư Đời, cái chuyện mà nhức nhối trong xóm này hồi mười mấy năm về trước. Rồi cũng có vài người hổng thèm hỏi, bà chỉ đường xong rồi thất thểu đi vào nhà, như thể câu chuyện phải được kể ra thì mới được và bà phải có nghĩa vụ kể cái chuyện này. Mỗi lần thấy bóng dáng con Chờ thì bà sẽ hỏi “Có nghe tin gì của má mầy hông mậy? Ba mầy hổm rày đâu mà tao thấy mất biệt hà?” hoặc những câu khác nữa nhưng cốt yếu chỉ một nội dung duy nhất. Con Chờ cũng cười cười cho qua chuyện, riết rồi cũng quen, từ hồi nó biết đi đây đi đó trong xóm tới giờ thì ai gặp nó cũng hỏi những câu kiểu vậy, hơi đâu mà giải thích cho cặn kẽ.
Nó nhớ cái ngày ba nó đưa má nó qua sông để đi lấy chồng, lúc ấy nó chỉ vừa đi chập chững, không nhớ được nhiều, nhưng những hình ảnh cuối cùng của má đã in vào dạ nó, bám rễ, đâm chồi trong tâm khảm như những cây đước ven sông, hổng biết sau này có phai không, bởi thời gian luôn rửa trôi mọi thứ. Những ngày trước khi má có ý định rời đi, nhà vẫn êm ấm, rộn rã những tiếng nói cười, chừng như cả một bầu trời ngoài kia thu hết vào cái nhà lá cất gần mé sông này. Và rồi những cơ cực, nặng nề của cái đất phèn nước mặn này đã thắng sự kiên trì của má, nó làm má mơ một cuộc sống đầy đủ hơn, nó làm những câu nói của mấy cô bán ngoài chợ rõ hình rõ dạng. Những câu kiểu vầy “Tao đi Sài Gòn dìa, thấy người ta giàu quá bây.”, “Mấy ông giàu giàu không à, mà chưa vợ, hỏi ra thì đang kiếm.” hoặc “Tao có số điện thoại nè, lấy hông tao đưa cho, để dành biết đâu có khi cần chớ.”, hổng hiểu sao Sài Gòn lại ma mị đến vậy, nó rủ rê những mảnh đời cơ cực, nó chôn chân những kẻ lìa quê. Ngày nào ba với má đi chợ, ba cũng nghe những câu nói ấy, nhưng ba rất yên tâm khi thấy má trề môi rồi lắc đầu. Giây phút ấy, ba thấy chẳng có thứ gì có thể thắng nổi sự bền chặt này, nhưng rồi mấy hôm sau ba hụt hẫng, bàng hoàng, chết lặng khi thấy mấy tờ giấy ghi đầy những số điện thoại. Mọi thứ như sụp đổ trong ba, xô đẩy ba như những con sóng ngoài vàm, nuốt chửng ba như sông nuốt đất mang đi bồi nơi khác.
Rồi cũng đến cái ngày chính miệng má nói ra lời từ biệt, hôm ấy ngoài trời cũng đang lất phất trận mưa cuối mùa. Mấy cơn gió chướng thốc vào vách lá những trận kinh hoàng, đất mền ra, lỏng lẻo theo mưa như những sắt son đã dần trôi tuột khỏi ngôi nhà nhỏ này, má ngồi trên chiếc giường, xếp đồ, má nói với vẻ tỉnh bơ như thể chuyện mình bỏ đi này là tất yếu, như thể những tình cảm đã biến mất không còn sót lại thứ gì:
- Lát chở tui qua sông dùm hen, ở đây hết nổi rồi, cực thấy mồ, tui đi rồi tui gửi tiền về nuôi con.
Từng câu, từng chữ như từng vết dao ghim sâu vào tim ba, đay nghiến làm ba chỉ biết cúi đầu, lặng lẽ, những tiếng thở mệt nhọc thoát ra như ai vừa bóp nghẹn lấy ba. Lát sau ba quay lại nhìn má, lần cuối, gương mặt đã từng cùng ba bám cái đất này mười mấy năm trời dù mưa hay nắng:
- Ờ!
Chỉ một tiếng xé lòng, cắt ngang cái sự im lặng, não nề trong căn nhà nhỏ, chỉ “ờ” thôi chứ biết nói gì giờ, chẳng lẽ lại nói “Ở lại đây với tui, đừng đi nghen, mình!” sao mà được, bởi ba nghĩ nếu người ta đã muốn đi thì làm sao mà giữ được, họ sẽ giận hờn và tìm cách bặt tăm như những trái đước già rời bến để tìm nơi cắm rễ. Đước sẽ lớn lên, nối vòng đời mới, nhưng người ra đi thì sẽ mất dần ảnh hình ở cái nơi cũ càng mà họ từng xuất hiện.
Ba lấy cái nón, đội lên đầu, rồi ra sau nhà lấy cái chèo đi ra bến. Má lúi húi sách đồ đi theo, tưởng chừng như chỉ đi đôi ba bữa rồi về, ai cũng nghĩ vậy, nhưng mà đâu có, đi luôn á chớ, chắc là chuyến này hổng về. Nước ngoài vàm hôm nay chảy nhẹ, mưa vẫn còn, làm ướt mạng xuồng, ba đưa má đi, nghe nhẹ nhàng vậy thôi, chứ đau thấy mồ. Những giọt mưa rớt trên lá đước, trôi tuột xuống sông, chẳng có gì níu lại, như ba bây giờ, chẳng thể níu má lại dù rất muốn. Ba chống vào bờ một cái thật mạnh cho chiếc xuồng trôi ra, ba chèo, im lặng, những tiếng thở nặng nề quặn lấy tim, đến khi má bước chân lên bến, ba chỉ thì thào “Mạnh giỏi.”, vậy rồi thôi, chèo xuồng trở lại, nhưng ba biết lòng mình đã chẳng còn nguyên vẹn. Vậy là đã xong công cuộc tiễn vợ theo chồng, cái câu mà xóm này người ta vẫn hay lấy ra nói dù đã thời gian đã phủ mờ chuyện cũ.
Thời gian cũng đã lâu, con Chờ cũng lớn, nhưng Tư Đợi thì càng ít nói, cứ cặm cụi làm, cặm cụi một mình. Lâu lâu ai đi ngang ghé lại hỏi chơi mấy câu, rồi họ cũng thất thểu đi vì chẳng có gì níu kéo, bởi muốn có chuyện dài dài thì phải hỏi qua hỏi lại để mà nói, nhưng với Tư Đợi thì không, ông không hỏi, chỉ trả lời, vậy biểu sao có chuyện mà nói. Chắc mặc cảm của một người đàn ông, chắc đau đớn đã ghì đè lên thân thể của ông nên mới vậy. “Đau lòng chớ bộ đau họng đâu mà hổng nói.” Dì Tư bực dọc khi nghe ai nói về Tư Đợi. Xóm này ai cũng biết dì bốn mươi mấy rồi mà chưa chồng, sống bằng cái tiệm tạo hóa, hổng biết đợi ai, mà nghe ra là đợi Tư Đợi. Có bữa bà xuống nhà chơi, con Chờ cũng hí hửng đi nấu nước chăm trà, mời ba nó dô, dì Tư cười bẽn lẽn khi thấy Tư Đợi vào nhà ngồi đối diện bà chỗ cái bàn ngay cửa. Suốt buổi hôm đó dì cứ cười, uống nước, rồi lại cười, con Chờ nấu nước cũng mệt. Ngồi lát rồi bà hỏi:
- Nay khỏe hả anh Tư?
- Khỏe!
Gọn hơ, chẳng có câu từ nào để dì Tư níu vào đó mà nói tiếp. Dì lắc đầu, thở ra rồi đứng dậy:
- Thôi tui dìa à.
- Ờ.
Vậy đó rồi thôi, dì bước ra về, tay cầm cái nón lá để ngay trước bụng, bộ đồ bà ba nâu phất phơ bay trong gió chiều bảng lảng. Nắng bắt đầu rớt bên sông, trời bắt đầu chuyển màu, mười mấy năm rồi đất trời cứ vậy, nhưng trong lòng Tư Đợi, chắc thời gian đã đọng lại từ cái hồi vợ ông rời bến.
Một khoảng trống quá lớn trong lòng ông, nay dì Tư muốn lắp vào nhưng hình như ông chưa chịu, ông cứ cộc lốc đôi khi cũng khiến dì bực mình. Dì Tư la “Mắc cái gì mà chờ hoài vậy, người ta đi mười mấy năm rồi, người ta có chồng rồi, có nhắn gửi với anh lời nào không mà anh cứ đợi, sao hồi đó hổng giữ lại mà để người ta đi rồi giờ chờ đợi.” Những uất ức trong lòng được nói ra, dì Tư khóc, khóc nhiều lắm, khóc từ cái hồi hay tin ông lấy vợ, khóc từ cái hồi hay tin vợ ông bỏ đi. Mà cũng ngộ, tình địch mình bỏ đi thì mình phải vui chứ, dù gì cũng có cơ hội rồi, nhưng không, dì Tư thấy ông đau dì làm sao mà vui cho được. Sau những uất ức của dì Tư, Tư Đợi cuối đầu, lát sau ông trả lời: “Xứ mình khổ thấy mồ, để cổ đi cho sướng thân cổ đi cô.” Từng câu, từng chữ trôi ra, nặng nề, nhưng những chát đắng đọng ứ lại nơi cổ họng khiến ông khóc nghẹn. Trụ cột gia đình thì hổng được khóc, ông bà mình hay nói vậy, nhưng khi đau khổ đã dâng lên thì nước mắt tự trào ra chớ ai mà khóc.
Cả tuổi xuân dì Tư đã chờ Tư Đợi, nay thêm mười mấy năm nữa đã qua, nhưng hình ảnh ông vẫn rất đẹp trong lòng dì, thời gian có thể phai phôi đi nhan sắc, nhưng riêng tình cảm của dì thì chắc không. Bây giờ cả hai đã đi qua cả một thời son trẻ, đã đi qua những chát đắng trong cuộc đời nhưng chẳng đến được với nhau dù giờ đây mỗi người chỉ có một nửa mảnh tình. Con Chờ nó cũng mến dì Tư, dì Tư cũng thương nó như con, có lần nào nó lên mua đồ cho nhà mà dì lấy tiền, còn cho thêm. Nó thèm cái cảm giác được gọi một tiếng mẹ từ hồi nào đâu á, mà có được bao giờ, bởi từ cái hồi mới chập chững là ảnh hình của mẹ nó đã mờ dần trong tâm tưởng, rất muốn nhớ lâu nhưng thời gian không phép. Đến hôm nay, chưa một lần mẹ nó về, chưa một lần nó thấy mẹ nó rõ hình rõ dạng và chưa một lần nó được gọi một tiếng mẹ cho đã cơn thèm. Nó thèm gọi mẹ như thể đứa trẻ thèm sữa ba năm, cái thèm ngây ngất, quặn thắt làm nó hắt hiu buồn. Mỗi lần gặp dì Tư, nó thấy sao mà dì có thể gần gũi và thân thuộc đến vậy, đôi khi nó muốn chạy lại ôm chầm lấy dì, khóc nấc lên rồi gọi cho đã đời “Mẹ, mẹ ơi! Sao mẹ bỏ con mất biệt vậy?”. Đó là một câu hỏi chăng? Hay câu đay nghiến gì đó mà chỉ có nó mới có thể thốt ra, vì nó quyền như thế, quyền của một đứa trẻ bơ vơ mất mẹ khi vừa chập chững. Rồi nó hụt hẫng hẵng đi khi nhớ lại dì Tư chỉ là người xa lạ chớ có phải mẹ đâu mà nhào vô ôm gọn hơ vậy.
Mấy tháng nay, nhà cửa của Tư Đợi gọn gàng hơn lúc trước, ngăn nắp hơn mọi khi, hổng phải con Chờ nó siêng hơn mà là có dì Tư dọn dẹp. Con chờ cũng giỏi lắm chớ, cũng gọn gàng nhưng dù gì nó cũng còn con nít, làm sao bằng bàn tay của người phụ nữ trong nhà. Dạo này, Tư Đợi cũng ít cọc cằn hơn khi gặp dì Tư, nên dì cứ tới lui hoài để dọn dẹp, hai người ít nói chuyện với nhau, có nói đi nữa cũng trỏng trỏng nghe cứ như xa lạ, con Chờ cười hoài khi vô tình nghe mấy câu kiểu: “Nay xuống sớm vậy, bộ hổng bán sao?”, “Bán chớ, mà chạy xuống đây cái dìa bán, có làm sao.” “Chi mà cực vậy?”, “Có gì đâu mà cực, đi bộ cái rột là tới liền chớ gì”.
Chẳng có chỉ dấu nào cho câu chuyện tạm gọi là tình này, nhưng hai người bắt đầu gần nhau hơn, con Chờ bắt đầu thấy tiếng mẹ gần hơn nơi đầu lưỡi, nhưng lại hơi lo khi nghĩ đến câu mẹ ghẻ con chồng. Nhưng rồi nó lại thấy an tâm hơn khi trong xóm này nhắc đến dì Tư ai mà hổng biết dì có nghĩa có tình dù cái miệng hơi bô lô ba la một tí. Con người ta chỉ tàn độc khi mà chẳng có nơi nào cho sự thiện lương tồn tại nữa và ở cái xóm này ai ai cũng hiền như cục đất thì lấy đâu ra sự tàn nhẫn vô lương. Suy nghĩ ấy làm con Chờ an tâm hẵng, càng làm cho cái khao khát gọi mẹ nó trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Một bữa nọ, khi dì Tư đang lúi húi sao bếp chụm lửa nồi cơm, con Chờ thì hí hoáy lặt mớ rau càng cua, còn Tư Đợi thì đang lên mấy liếp cải chuẩn bị gieo. Bỗng tiếng con mực inh ỏi ngoài sân, dì sáu lên tiếng:
- Bỏ đó đi con lát Tư lặt cho, chạy ra coi ai vậy, để con mực nó dớt người ta một cái là tiêu á con. Lẹ đi!
- Dạ để con đi.
Lát sau con mực im bặt, cụp đuôi chạy te te ra sàn lản nằm, con Chờ chạy vào:
- Ai mà lạ hoắc hà Tư, đâu Tư ra coi thử coi.
- Ờ vậy con chụm lửa nghen, coi chừng khét cơm để Tư coi.
Người đứng ngoài sân là một người phụ nữ, sang trọng, thơm phức cái mùi thành phố, khác hẵng những cái mùi của xứ này. Khi mà người phụ nữ kia và dì Tư còn đang nhìn nhau thì tiếng Tư Đợi đã xé đôi sự im lặng ấy bằng cái câu “Bà dìa đây chi nữa.” Con chờ đứng núp bên mé vách tròn mắt, trời ơi thì ra đây là mẹ nó, bà đã về sau mười mấy năm đi Sài Gòn tìm hạnh phúc. Nó muốn nhào ra ôm chặt người mẹ của nó vào lòng, nhưng chẳng biết vì sao mà nó lại chùn chân, không đủ can đảm, nó cảm giác người mẹ ấy rất xa lạ, xa như thể chẳng có sợi dây liên kết nào giữa nó và mẹ, bởi đã quá lâu, quá lâu cho cái trí nhớ mơ hồ hồi nhỏ phục dựng lại cái tình cảm của một người mẹ. Nó đứng lặng nhìn ra, chẳng biết phải làm gì.
Dì Tư cũng đứng đó, mắt dì cũng ướt đi sau câu nói của Tư Đợi. Lát sau dì mới thì thào:
- Thì ra là chị nhà, thôi tui dìa à, Chờ à, coi nồi cơm nghen con, coi chừng khét, dì về đó bây.
Đi quay đi, nhanh lắm, lẹ lắm, như thể dì phải đi thật nhanh để chẳng ai có thể thấy nước mắt dì rơi. Sáng hôm ấy, ngọn cây Bạch đàn vừa đón nắng đứng ngọn nhưng sao dì thấy đất trời như mờ ảo, chắc tại nước mắt dì đã chảy rất nhiều. Dì Tư nghĩ, vợ người ta về rồi mình ở đó chi, có vợ người ta lo rồi mà, nhà mình hổng lo. Cái suy nghĩ đơn giản vậy mà dì thấy mình đau không thể tả, nước mắt cứ ứa ra chát đắng bờ môi, tà áo bà ba nâu đổi màu vì nước mắt thấm vào, tim cứ như ai đó bóp nghẹn lại và dì thấy như mình vừa mất một thứ gì đó to lớn lắm, con Chờ, Tư Đợi hay cả hai. Ai mà biết!
Tư Đợi chẳng khóc cũng chẳng nói câu nào kể từ khi cái câu nhận dạng thốt ra, kể từ khi dì Tư bỏ ra về. Mẹ con Chờ thì nói dữ lắm, nào là nay mình về để lo cho con Chờ, về để thăm nhà, để rước con chờ lên thành phố. “Rước con Chờ lên thành phố?” Tư Đợi thảng thốt hỏi lại khi nghe câu ấy, ông đập tay xuống mặt bàn nghe nhức buốt, một cái ly rớt xuống đất vỡ tan, tiếng vỡ giòn khấu như những hạnh phúc trong gia đình này đã vỡ tan từ khi nào chẳng biết.
- Bà chẳng có cái quyền gì mà bắt nó.
- Quyền làm mẹ chi, ông!
- Mẹ nào mà bỏ con mình đi theo người khác mười năm không lá thư hỏi thăm con mình mập ốm ra làm sao, sống hay chết trôi chết nổi hồi nào, mẹ gì mà kì vậy.
- Thì giờ tui bù đắp cho nó nè.
- Cảm ơn bà, tui bù cho nó đủ rồi, bà đi đi.
- Gì kì cục vậy, ít ra ông phải hỏi ý kiến của con chớ, nó lớn rồi.
- Bây đi theo bả, hay ở lại đây với tao, nói.
- Con ở lại đây với ba với dì Tư, đi đâu chi cho mệt ba.
Con Chờ chẳng suy nghĩ chút xíu nào khi trả lời câu của ba nó, đủ hiểu những tình cảm của nó cho má đã rã rời từ cái ngày bà lên bến ra đi. Tư Đợi cũng đã hết vương hết bận với cái nghĩa vợ chồng làm ông đau suốt hằng ấy năm, bởi thời gian đã giúp con người ta lau khô nước mắt.
Người đàn bà ấy thất thểu rời đi, cái sang trọng, cái thơm tho của phố thị không giúp bà thắng thế trong công cuộc tìm lại tình thâm. Tư Đợi gục đầu xuống bàn, hình như là khóc, khóc dữ thần lắm, cũng phải thôi, thương thấy mồ sao hổng khóc cho được, từng là phân nửa cuộc đời của nhau còn gì. Những đau đớn đã dần nguôi, người cũ quay về, những đau đớn ấy như sóng ngoài vàm cứ nối nhau sống dậy, làm ông đau hết biết, nhưng nó cũng làm ông quả quyết hơn trong công cuộc cứng rắn của mình. Bởi ông biết, nếu ông mềm lòng, có thể thứ quý giá duy nhất ông còn giữ lại được là con Chờ cũng sẽ mất.
Đang quằn quại trong nỗi đau vừa được khơi lại, Tư Đợi nghe ngoài ngõ người ta hớt hải kêu: “Nhà bà Tư cháy Tư Đợi ơi, lửa lớn quá trời, hổng biết bả ra kịp hông nữa.” Từng câu từng chữ rơi ra như từng nhát dao ghim vào tim Tư Đợi, đau nhói và bàng hoàng. Tư Đợi và con Chờ hớt hải chạy. Con Chờ thấy mặt ông như co lại, đau đớn và quằn quại, từng hơi thở của Tư Đợi như khó khăn hơn chắc ông đang đau và mệt lắm. Chạy đến nơi, người ta bu quanh rất đông, tiếng ồn cùng tiếng lửa dữ dội đang gào thét. Lửa mà gặp lá xé* xứ này thì cháy khỏi bàn, hổng biết dì Tư đang ở đâu mà nãy giờ hổng thấy chạy ra, cũng hổng thấy dì đứng ngoài này cùng mọi người. Tư Đợi hỏi vòng vòng đều nhận những cái lắc đầu của bà con, ông ngã khụy xuống đất, chẳng biết phải làm gì khi giờ đây gần nửa căn nhà đã bị ngọn lửa ôm trọn, người ta cũng hớt hải đi múc nước lên dập lửa, nhưng hình như lửa chẳng có dấu hiệu giảm đi. Tiếng nổ lách tách của bánh kẹo, của bọc ni lông, của dây điện, nhưng chẳng có tiếng kêu nào trong đó vọng ra. Người ta bắt đầu thở ra những tiếng tuyệt vọng, con Chờ cũng khóc bù lu bù loa. Nhưng rồi trong ánh lửa đang ôm gần trọn căn nhà, có một bóng người đang cố quơ tay sau ánh lửa, có người hét lên “Dì Tư, dì Tư kìa.” Tư Đợi bổng ngẩng đầu lên, đứng phắt dậy, nhìn sâu vào bóng lửa, lấy xô nước đổ từ đầu mình đổ xuống rồi lao vào lửa, lao như một mũi tên, lao như thể cố giành giật lại thứ mình quý nhất. Lát sau, ông ẵm dì Tư ra, mọi người nhẹ nhõm reo lên, tiếng dì ho sặc sụa và thở, mọi người ai nấy nhẹ nhõm hẳn đi. Tóc dì bị cháy trụi, mình mẩy đen thui, dì khóc nức nở. Nước mắt chảy thành dòng rõ ràng trên khuôn mặt đen thui vì lửa ám, người ta hỏi sao mà hổng chạy ra sớm sớm thì mới hay dì bị ngất xỉu khi nghe tiếng nổ chói tai của cái bình điện bên hông nhà, đến khi tỉnh lại thì lửa đã bén tới nơi. Nhưng dù gì đi chăng nữa thì dì đã sống, ông bà và mảnh đất này đã che chở dì khi bà hỏa ghé thăm nhưng ngôi nhà và tài sản của dì đã bị cháy rụi. Dì khóc quá chừng, nức nở, tức tưởi, đau đớn, quằn quại nhìn vào tàn tro mà người ta thấy dì run lên từng hồi thê thiết, dì thều thào trong tiếng khóc: “Vậy rồi hổng biết sống sao nữa, nhà đâu mà ở, nãy để tui chết luôn đi cứu chi mà khổ dữ vậy.” Mọi người xung quanh bỗng nín lặng, thương dì, thương đời dì sau này, bởi phụ nữ chân yếu tay mềm như dì lâu nay sống nhờ cái tiệm tạp hóa này, mà giờ đã bị bà quả nuốt đi chẳng còn lại thứ gì, thử hỏi sao mà sống đây.
Nhưng rồi người ta lại thấy yên lòng khi nghe cái câu “Về ở với tui nghen bà!”.
(*Lá xé: Lá dừa nước được xé đôi dọc theo thân lá, người miền Tây dùng để lợp hoặc dừng nhà)
Bình luận
Crisna_M
Nguyễn Chí Thiện