Sau nhiều trăn trở, tôi cũng lên bài viết khá dài này. Phần vì bởi cảm thấy có viết ra thì tư duy bản thân mới được “chải vuốt” một cách rõ ràng, mới trở nên “gọn gàng ngăn nắp”. Phần còn lại bởi lẽ, tôi cũng muốn chia sẻ tới các bạn đọc cảm nghĩ cá nhân về tập truyện ngắn mà 9 tác giả còn lại (và cả tôi nữa) đã đưa rất nhiều tâm huyết vào, thay vì để nó chìm xuống hoặc cứ thể trôi đi. Dù rằng có thể sau cái bài viết này thì nó vẫn chìm, vẫn trôi như thường, nhưng ít nhất cũng coi như có vài lời thật lòng tâm huyết từ một người “bạn viết” gửi tới 9 tác giả khác, để mọi người luận bàn giải trí.

Có lẽ, sẽ rất ít người nhìn nhận theo chiều hướng trong bài viết này. Tôi biết điều đó, nhưng cuối cùng thì vẫn quyết định trung thực với cảm nhận của bản thân mình và phơi nó lên đây. Dù rằng có thể nó sẽ không hoàn toàn vừa lòng đẹp ý các tác giả – những người mà tôi vô cùng quý mến, hay là bất cứ ai khác. Dù sao, tôi luôn quan niệm tác phẩm có một đời sống riêng của nó, tách biệt với chính tác giả, như người ta vẫn nói “tư tưởng tác phẩm lớn hơn tư tưởng tác giả” vậy.

Tất nhiên, trong một bài viết khá dài thế này, chắc hẳn sẽ không thể tránh được nhiều sai sót. Hy vọng rằng sẽ nhận được những đóng góp xây dựng từ phía các tác giả và độc giả. Đồng thời cũng mong mọi người lượng thứ.

Trong bài viết này, tôi sẽ đi theo 5 MỤC LỚN với nội dung chính như sau:

  • Mục 1: Dòng chảy trong “Trăm năm một bước hải hà” – tập truyện mang ý thức “phản phong kiến” mạnh mẽ.
  • Mục 2: Ý nghĩa ba phần trong “Trăm năm một bước hải hà”.
  • Mục 3: Từng truyện trong Phần I “Thế thời lồng lộng phong ba nghìn trùng”.
  • Mục 4: Từng truyện trong Phần II “Vần xoay con tạo ung dung”.
  • Mục 5: Từng truyện trong Phần III “Hải hà vọng nửa cung đàn biệt ly”.

Mục 1: Dòng chảy trong “Trăm năm một bước hải hà” – tập truyện mang ý thức “phản phong kiến” mạnh mẽ


Với cá nhân tôi, “Trăm năm một bước hải hà” là một tuyển tập về thời Trung đại vô cùng thú vị. Trước hết, nó thú vị ở thứ tự của 10 truyện ngắn. Dẫu là được sắp đặt vô tình hay hữu ý, thứ tự ấy tạo thành một dòng chảy cực kỳ thống nhất về mặt tư tưởng: đi từ “cống hiến cho thời đại” ở thời kỳ phong kiến chưa đạt đến đỉnh cao, tiến dần tới “phê phán” xã hội phong kiến mục ruỗng, cuối cùng là tính chất "phản phong" ngày càng mạnh mẽ.

Ta hãy điểm qua mười đầu truyện để cảm nhận rõ hơn dòng chảy này:

  • [1] “Muôn trùng sóng dữ hóa giọt lệ châu” – Đồng Miên
  • [2] “Một tiếng trống quân” – Thất Tịch
  • [3] “Ráng chiều rọi bóng” – Lê Minh
  • [4] “Rối bóng” – Tân Thời
  • [5] “Tiên” – Kagome027
  • [6] “Xương Giang oán” – Vạc
  • [7] “Thuở ấy phong sương bạc mái đầu” – Việt Chi
  • [8] “Trầm Hương Các” – Vân Chu Tô Bằng Lan
  • [9] “Trên dòng gió ngược, thuyền xuôi” – Lê Bình Chi
  • [10] “Một vốc biển cả” – Bách Huệ.


Tuyển tập mở ra ở thời đại nhà Trần, thời đại hào hùng, khi con người sẵn sàng hy sinh cuộc sống của cá nhân để bảo vệ giang sơn xã tắc. Chính vì thế, việc “cống hiến cho thời đại” là hành động đẹp đẽ và vô cùng thiêng liêng, được thể hiện rõ nét qua các truyện [1] và [2]. 

Ở truyện số [1] “Muôn trùng sóng dữ hóa giọt lệ châu”, mạch truyện chính kể về hành trình của một nàng công chúa (tầng lớp quý tộc) hy sinh thân mình vì nghĩa lớn, khi ấy lòng nàng ắt hẳn ít nhiều hướng về “tông tộc” nhà Trần. 

Tiếp nối theo đó, truyện thứ [2] “Một tiếng trống quân” lại là sự hy sinh của tầng lớp bình dân trong cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ bình yên cho làng, nước, đồng thời lòng vẫn hướng về quân chủ. 

Tới truyện thứ [3] “Ráng chiều rọi bóng”, góc nhìn đã khác khi đặt trong bối cảnh cuối thời Trần, sự hy sinh cho thời cuộc được được phóng chiếu dưới giác độ của một vị thần tử mà sau này bị Hồ Quý Ly gán cho tội danh tạo phản. So với hai truyện [1] và [2], ta dễ dàng thấy được sự khác biệt ở truyện thứ [3], nhưng tất nhiên, tại đây nhân vật chính vẫn hết lòng hướng về thời đại và dòng dõi quân chủ mà ông cho là xứng đáng.

Truyện thứ [4] “Rối bóng” bắt đầu mang một góc nhìn khác đen tối hơn về thời đại quân chủ và cách vận hành của nó đã kìm nén con người ra sao. Tuy nhiên, dưới một ý nghĩa nào đó, các nhân vật cuối cùng đã hòa tan vào thời đại ấy mà không có động thái phản kháng.

Truyện thứ [5] “Tiên” có thể coi là đại diện cho thời kỳ đỉnh cao của xã hội phong kiến tập quyền, quân chủ chuyên chế, khi đạo Nho trở thành thượng tôn trong xã hội. Ở vị trí chính giữa tập truyện, “Tiên” đưa ra góc nhìn vô cùng cân bằng và cả công bằng: vạch ra mặt trái xã hội và giải quyết nó bằng cơ chế của chính thời đại phong kiến.

Truyện thứ [6] “Xương Giang oán” nhìn trực diện vào một số mặt trái của xã hội ấy, đồng thời cũng chỉ ra về một tương lai “phản phong kiến”, hướng đến một nhà nước “pháp quyền” bình đẳng. Tuy nhiên, tất cả suy tưởng đó mới dừng lại ở một cuộc chuyện trà mà thôi.

Bước đến phần tiếp theo, ở truyện thứ [7] “Thuở ấy phong sương bạc mái đầu”, những ý tưởng về phản kháng thời cuộc và định kiến đã trở nên mạnh mẽ hơn. Thậm chí ý tưởng đã bắt đầu trở thành hành động.

Truyện thứ [8] “Trầm Hương Các” và thứ [9] “Trên dòng gió ngược, thuyền xuôi” đều lấy bối cảnh thời Lê Trung hưng, khi hai Đàng chia cắt, chế độ phong kiến suy tàn, mục ruỗng. Nếu truyện thứ [8] lấy bối cảnh Đàng Trong thì truyện thứ [9] lấy bối cảnh Đàng Ngoài. Cái hiện thực đen tối lồ lộ ấy dẫn con người ta đến những bi kịch, khiến ý thức phê phán và các hành động phản kháng rõ ràng hơn. Ví dụ, tại truyện số [8] thể hiện qua việc soạn bổn tuồng “Trầm Hương Các” của nhân vật chính và chi tiết tự thiêu của nhân vật phụ; hay tại truyện số [9] là các hành động lách khỏi luật ngăn trở giữa hai Đàng của không chỉ một mà của nhiều nhân vật.

Để đến truyện thứ [10] “Một vốc biển cả”, tinh thần “phản phong” được đẩy lên mức độ cao nhất xét riêng trong tập truyện này. So với truyện thứ [4], cùng nói về một chủ đề sự kìm hãm của xã hội phong kiến đối với phụ nữ mà cụ thể hơn là hậu phi, tới đây ý niệm phản kháng rốt cuộc đã phát triển thành một hệ thống hành động có chủ đích: lợi dụng chính cơ chế của nó để phản kháng lại nó. Về việc này, tôi sẽ đề cập kỹ hơn tại phần phân tích truyện [10] thuộc MỤC 5.

Mục 2: Ý nghĩa ba phần trong “Trăm năm một bước hải hà”


Điểm thú vị thứ hai ở cuốn này đối với tôi chính là cấu trúc gồm 3 phần. Mỗi phần tự thân lại có một đặc điểm riêng mà mỗi lần nhìn vào tôi lại thấy hết sức lý thú.

Phần I “Thế thời lộng lộng phong ba nghìn trùng” bao gồm 3 truyện lấy bối cảnh thời Trần, như đã đề cập từ trước, đây đều là các truyện đặt vào thời kỳ con người cá nhân sẵn sàng hy sinh cho nghĩa lớn của thời đại quân chủ. Đó là "Muôn trùng sóng dữ hóa giọt lệ châu" của Đồng Miên, "Một tiếng trống quân" của Thất Tịch và "Ráng chiều rọi bóng" của Lê Minh. Cụ thể hơn, những câu chuyện về tình yêu dang dở giữa thế thời loạn lạc, khi con người lựa chọn hy sinh tình cảm cá nhân để nhường chỗ cho giang sơn xã tắc.

Phần II “Vần xoay con tạo ung dung” gồm 3 truyện mang sắc màu kỳ ảo. Đây là một “bộ ba” với cấu trúc vô cùng chặt chẽ, không thể tách rời. Trong đó, mỗi truyện lại mang màu sắc của một trong Tam giáo Nho – Phật – Đạo, ba tông giáo ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa – xã hội Việt nói riêng và vùng Á Đông nói chung. Cụ thể, “Rối bóng” của Tân Thời mang màu sắc Phật giáo,  “Tiên” của Kagome027 đậm tư tưởng Nho giáo và “Xương Giang oán” ảnh hưởng bởi Đạo giáo. Cả ba truyện đều bàn về nhân quả, để cuối cùng dẫn ta đến thái độ sống ung dung dẫu cho con tạo có xoay vần.

Phần III “Hải hà vọng nửa cung đàn biệt ly” là phần dài nhất bao gồm 4 truyện, viết về những con người muôn năm cũ, đề cập tới những bức bối, ẩn ức và phản kháng của họ trong một xã hội đã dần đi đến hồi mạt vận. Đó là “Thuở ấy phong sương bạc mái đầu” của Việt Chi, “Trầm Hương Các” của Vân Chu Tô Bằng Lan, “Trên dòng gió ngược, thuyền xuôi” của Lê Bình Chi và “Một vốc biển cả” của Bách Huệ. Bốn câu chuyện là bốn góc nhìn hoàn toàn khác biệt, tựa như những kẻ tách biệt với chuẩn mực xã hội, tách biệt cả với nhau và cuối cùng đều rớt rơi đâu đó trong chiều dài lịch sử. Như ai vẫn thường nói đùa, hội cá biệt không chơi chung với nhau, nhưng họ vẫn bị người đời gộp vào một nhóm. Họ ly khai và biệt lập, chính vì thế tôi xin ghép bừa thành “biệt ly” cho nó liên quan đến tên phần, dù rằng nó có chiều gượng ép.

Mục 3: Từng truyện trong Phần I “Thế thời lồng lộng phong ba nghìn trùng”


[1] “Muôn trùng sóng dữ hóa giọt lệ châu” – Đồng Miên

Trước khi tập “Trăm năm một bước hải hà” (sau đây xin được gọi tắt là “Hải hà”) được ấn định phát hành, tôi đã có một bài cảm nghĩ khá chi tiết dành cho “Muôn trùng sóng dữ hóa giọt lệ châu” (gọi tắt: “Lệ châu”). Có lẽ, để nói thêm điều gì, tôi cho rằng câu chuyện về An Tư công chúa chính là câu chuyện hoàn hảo để mở đầu cho tập truyện “Hải hà”. Bên cạnh lý do đã đề cập trong Mục 1, có lẽ còn đến từ giọng văn trang nhã, khá cổ điển, dễ thẩm thấu của Đồng Miên.

[2] “Một tiếng trống quân” – Thất Tịch

Dung dị, nhẹ nhàng nhưng cũng hào hùng là cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc “Một tiếng trống quân”. “Một tiếng trống quân” đặc sắc nhờ cách dẫn chuyện tự nhiên của tác giả, qua đó những rung cảm của hai nhân vật chính được khắc họa hết sức chân thành. Sau khi đọc xong truyện ngắn này, tôi đã phải chững lại mất một lúc để nghĩ như thế này: Văn chương quả thật giúp chúng ta đi đến những nơi ta chưa từng đi, trải nghiệm góc nhìn của những người ta chưa từng biết, giúp ta nhìn thấy những mặt cắt khác nhau của cùng một vấn đề.

Ngay sau “Lệ châu” của Đồng Miên, chúng ta tiếp tục được nhìn những cuộc chiến thời Trần dưới một góc nhìn khác, với nội dung hết sức “đăng đối”. Ở đó, cả hai truyện [1] và [2] đều xoay quanh một câu chuyện tình buồn, nhân vật chính chấp nhận chia xa, sẵn sàng hy sinh vì cuộc chiến tranh vệ quốc. Nếu “Lệ châu” đặt điểm nhìn ở một nàng công chúa, một người phụ nữ, thì  “Một tiếng trống quân” đặt góc nhìn ở tầng lớp bình dân, kẻ hy sinh thân mình là một người đàn ông. Tuy xuất thân và giới tính khác nhau, nhưng họ đều mang một lý tưởng rất chung của thời đại, và cái chết của họ, tình cờ thay cũng hết sức tương đồng. Để đến khi họ mãi mãi nằm lại đáy sông kia, những người còn ở lại, chẳng hẹn mà cùng đợi chờ đến lúc bạc đầu. Chính tính “song song” đó đã mang đến cho độc giả một trải nghiệm đọc vô cùng thú vị.

[3] “Ráng chiều rọi bóng” – Lê Minh

Tôi đã tự hỏi như thế này về nhan đề truyện: ánh dương rực rỡ cuối ngày ấy rốt cuộc là ẩn dụ cho một thoáng cuối cùng của một vị danh tướng hay là của một triều đại đã từng rất huy hoàng? Có lẽ là cả hai. “Ráng chiều rọi bóng” là một truyện ngắn được viết với dung lượng ngắn và giọng văn sắc gọn. Thay vì trực tiếp lựa chọn điểm nhìn của Trần Khát Chân, việc tác giả đặt góc nhìn tập trung vào nhân vật Ngọc Dao là một lựa chọn thông minh.

Tình cảm lứa đôi trong “Ráng chiều rọi bóng” cũng kết thúc bằng sinh ly tử biệt và quyết định “phải cất bước và sống cho xứng đáng” của người ở lại. Đặt cùng góc soi chiếu với “Lệ châu”“Một tiếng trống quân”, ấy cũng tựa như một lời giải thích bổ sung, một luận điểm chung hết sức nhân văn cho toàn phần I.

Tác phẩm kết lại bằng lẽ thịnh suy của thế thời. Chính điều ấy kết hợp cùng những gì được đề cập trong Mục 1, đã khiến “Ráng chiều rọi bóng” trở thành tác phẩm thích hợp nhất để kết lại Phần I “Thế thời lồng lộng phong ba nghìn trùng”. Đồng thời, sự “vô thường” được nhắc đến cuối truyện ngắn này cũng như một gạch nối đến phần truyện tiếp theo.

Mục 4: Từng truyện trong Phần II “Vần xoay con tạo ung dung”


[4] “Rối bóng” – Tân Thời

Kết hợp cốt truyện “Tấm Cám” với cảm hứng lịch sử về Nguyên phi Ỷ Lan (tục gọi là Bà Tấm), cùng lối dẫn truyện theo thể loại “bí ẩn”, “Rối bóng” là một tác phẩm vô cùng thú vị và sáng tạo. Có thể nói, đây là truyện ngắn mang đủ các yếu tố thu hút công chúng nhất tuyển tập này. 

Ngay khi đọc nửa đầu “Rối bóng”, từ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi đó là “Ảo”. Thế giới mà “Rối bóng” được đặt vào, trước hết, là một thế giới mang đậm màu sắc ước lệ tượng trưng. Để đến khi được đọc đến cuối, ta cảm thấy tựa hồ tất cả chỉ là một vở kịch trên sân khấu, mà dàn nhân vật chẳng khác gì những con rối bóng bị điều khiển trong thời cuộc mơ hồ. Về vấn đề này, tôi sẽ còn trở lại với một bài review chi tiết về “Rối bóng”.

“Rối bóng”, như đã đề cập ở Mục 1, đã bắt đầu vạch ra những bất công, định kiến của thời đại. Nhưng cái cốt lõi của truyện ngắn này lại không phải nằm ở đó. Bản chất của “Rối bóng” là một tác phẩm thuộc thể loại tâm lý (psycho) pha yếu tố kỳ ảo đen tối (dark fantasy), tập trung khai thác phần méo mó thẳm sâu trong mỗi con người. Vậy nên dù là bất kể thời đại nào, những câu hỏi mà truyện ngắn này đặt ra vẫn luôn gây ám ảnh cho mỗi người đọc. 

Như đã nói ở Mục 2, phần II bao gồm ba truyện với cấu chặt chẽ, tạo thành bộ ba mang màu sắc Phật – Nho – Đạo không thể tách rời. Nhưng bên cạnh đó, cấu trúc này còn chặt chẽ ở chỗ truyện [4] “Rối bóng” đóng vai trò đặt ra “câu hỏi luận đề” đậm màu Phật giáo về nhân – quả, để rồi truyện [5] “Tiên” và [6] “Xương Giang oán” lần lượt đi “giải đề” thông qua những con đường tưởng chừng khác biệt, nhưng cuối cùng lại quy về hai chữ “đồng nguyên”.

[5] “Tiên” – Kagome027

Có lẽ đây chính là tác phẩm mang màu sắc tươi sáng nhất trong tuyển tập “Hải hà”. Không chỉ bởi giọng văn trong trẻo, mà còn bởi góc nhìn lạc quan, lành mạnh của tác phẩm, tiếp thêm cho ta niềm tin rằng rồi lẽ phải sẽ chiến thắng và cái xấu xa sẽ bị đẩy lùi. “Tiên” tựa như thanh âm vọng về từ miền cổ tích, thứ thanh âm mà ta hằng quen thuộc, thứ thanh âm nuôi ta lớn từ thời tấm bé.

“Tiên”, ta cũng bắt gặp một cách thức dẫn truyện độc đáo, mà trước hết là thông qua phương pháp lựa chọn điểm nhìn trần thuật thú vị. Thật kỳ lạ khi ta theo chân cậu Điền – một kẻ ăn chơi lêu lổng, một kẻ có thể coi là phản diện trong câu chuyện ấy, thay vì theo chân một nhân vật chính diện. Để rồi đến cuối cùng khi cái kết nhấn mạnh vào quy luật nhân quả – như một lời đáp cho câu hỏi trong “Rối bóng” – rằng “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, “Tiên” có lẽ sẽ khiến tất cả chúng ta đều thỏa mãn. Cá nhân tôi rất yêu truyện ngắn này, nó tựa như một ốc đảo mang đến cho ta những điều ngọt lành, xuất hiện giữa một tuyển tập đầy những đắng cay chua chát.

Như đã đề cập về tính Nho giáo của “Tiên” trong Mục 1 và Mục 2, kẻ xuất hiện để giải quyết vấn đề trong câu chuyện này không ai khác ngoài những nhà Nho. À tất nhiên, ngoại trừ họ thì phải kể đến “nàng tiên nâu” đáng yêu nữa, nhưng dẫu sao nàng cũng không phải con người, nên ta hãy cứ đặt nàng sang một bên để bàn đến những Nho sĩ xuất hiện trong đây: một vị quan và một vị thầy đồ, có lẽ ta cũng nên tính cả Mẹo – một kẻ rồi đây cũng sẽ theo con đường đèn sách. Họ chẳng phải đều là những người mang tư tưởng “tu đức yên dân” trong thời kỳ Nho giáo cực thịnh tại nước ta hay sao?

[6] “Xương Giang oán” – Vạc

Xét cho cùng thì góc nhìn của tác giả về tác phẩm của mình có lẽ sẽ chẳng thể nào khách quan được. Vậy ở đây xin được mượn lời của các độc giả khi nói về tác phẩm này: bài của reviewer Mọt Mọtbài của tác giả Đại Bông.

Về phía tôi, tôi muốn bật mí cho mọi người một chuyện không bí mật lắm: “Xương Giang oán” chính là kiểu truyện ngắn mà các nhân vật trong đó hầu như không làm gì cả. =)) Đầu truyện bạn tưởng Đạo sĩ đi “trừ yêu diệt quái” gì đó ư? Không, sự thật là nàng chỉ đứng đó quan sát mà thôi. Đến nửa sau của truyện thì họ làm gì ghê gớm ư? Không, chỉ đơn giản là vị Đạo sĩ với mấy nhân vật trong “Truyền kỳ mạn lục” hẹn nhau uống trà, bàn luận đôi ba câu chuyện mắt thấy tai nghe mà thôi.

Nhìn chung, tự thân tác giả thấy “Xương Giang oán” không có cốt truyện gì đặc sắc, nếu đọc trọn đến cái kết thì có lẽ nó cũng là thứ gì đó khá “chữa lành” đấy. Mà nói thế chứ chính tôi cũng phải ngờ rằng truyện ngắn này có khả năng mang lại một số ức chế cho bạn đọc(?). Điểm ức chế nhất, theo một số bạn bè của tôi, là nằm ở cách nó đáp lại câu hỏi về nhân – quả trong “Rối bóng”. Điểm ức chế thứ hai thì có lẽ vì nó nằm ở vị trí số [6], ngay sau truyện [5] “Tiên”, giá như nó đứng trước thì có lẽ sẽ giúp cho trải nghiệm đọc trở nên tích cực hơn chăng(?). 

Mà thôi. Xét cho cùng thì dẫu là [4], [5] hay là [6], dẫu là Nho, Phật hay Đạo thì rốt cuộc cũng hòa hợp trong một lẽ chung, cũng bắt nguồn từ một gốc cả. Đó âu cũng là ý nghĩa của “Tam giáo đồng nguyên” vậy.

Mục 5: Từng truyện trong Phần III “Hải hà vọng nửa cung đàn biệt ly”


[7] “Thuở ấy phong sương bạc mái đầu” – Việt Chi

Tương tự như truyện số [1] “Lệ châu”, tôi cũng đã dành một bài cảm nhận riêng về “Thuở ấy phong sương bạc mái đầu” (gọi tắt: “Phong Sương”) từ trước khi truyện được chọn để in trong tuyển tập này.

Trong mớ bòng bong của thời thế, hạnh phúc của Phong và Sương là điều mà có lẽ ai đó sẽ lướt qua, sẽ cười khẩy bởi sự lạc lõng, bởi sự nhỏ nhoi, bởi nó chẳng đại diện cho số đông. Chính bởi lẽ ấy, “Phong Sương” chính là truyện ngắn mà theo tôi là phù hợp nhất để đứng ở vị trí mở đầu phần III – phần truyện của những kẻ lạc lõng giữa thế thời, những kẻ rơi rớt đâu đó trong chiều dài lịch sử.

Đối với tôi, Việt Chi có lẽ là một trong những cây bút trẻ có văn phong xuất sắc nhất ở mảng truyện cổ phong. Điều ấy giúp “Phong Sương”, giữa một tuyển tập như thế này, trở thành một làn nước ấm và hiền hòa, khiến tôi cứ muốn ngâm mình trong đó cho đến khi nguội lạnh. Để đến khi bước ra khỏi đó, thỉnh thoảng ta vẫn phải nhớ về anh Phong và cậu Sương, tự hỏi rằng họ rốt cuộc có tìm thấy nhau khi thuyền kia cập bến?

Như đã nhắc đến ở Mục 1, truyện số [7] “Phong Sương” nối giữa phần II với phần III, khi tư tưởng chuyển hóa hành động. Dẫu rằng hành động ấy thiên về bản năng, dẫu rằng vùng thoát có lẽ chỉ là hệ quả của sự dồn ép, nhưng suy cho cùng, “phải sống” chẳng phải vốn là cái khát khao “nhân bản” nhất của con người hay sao? Dù rằng mỗi kẻ vùng thoát về một phương cách biệt, nhưng lựa chọn của họ ở thời khắc ấy chẳng phải cũng là một cách để phản kháng lại sự an bài của xã hội hay sao?

[8] “Trầm Hương Các” – Vân Chu Tô Bằng Lan

Vân Chu Tô Bằng Lan viết ra truyện ngắn “Trầm Hương Các”, trong truyện ngắn ấy lại có một anh huấn đạo soạn ra vở tuồng mang tên “Trầm Hương Các”. Vở tuồng ấy nói về nội dung gì? Như anh huấn trong truyện bày tỏ, anh chẳng muốn “viết mấy cái tuồng” về chủ đề “trai anh hùng, gái thiền quyên”. Cái mà anh muốn viết là về hiện thực, về cái xã hội Đàng Trong vốn đã nát bấy dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Đương nhiên, anh chẳng thể thẳng thừng phê phán vị Chúa kia và bà cung tần nọ, vậy là anh soạn một vở tuồng đội lốt tích Đát Kỷ – Trụ Vương. 

Vậy còn chính truyện ngắn này nói về cái gì? Ở đây, đội lốt dưới một câu chuyện về nghệ thuật tuồng, với giọng văn đậm chất cổ phong, “Trầm Hương Các” thực chất là một truyện ngắn về thời thế đảo điên, vua không ra vua, chúa không ra chúa, quan lại chỉ lo vơ vét, người dân khốn cùng bởi sưu cao thuế nặng… Anh huấn đạo nọ mắt thấy tai nghe cái oán thán của dân đen, đem lòng bất bình vì chuyện nhà Chúa, quyết định viết bổn tuồng mượn chuyện xưa chửi xéo chuyện nay. Như đã đề cập ở Mục 1, tới truyện số [8] này, cái ý tưởng “phản phong” đã thể hiện rất rõ ràng, bộc lộ thành hành động có chủ đích của từng nhân vật. Trước hết là hành động soạn tuồng của anh huấn đạo; sau đó là cô đào Sáu khi cô đề cập đến chuyện “phản Trụ đầu Châu” và cuối cùng là quyết định tự thiêu.

Vượt lên tất cả những điều kể trên, đối với tôi, một tác phẩm thành công là một tác phẩm mà khi ta liên hệ với cuộc sống quanh mình, nó khiến ta giật mình thon thót trước những cái tưởng rất xa mà hóa ra lại rất gần, tưởng là “ảo” nhưng hóa ra lại hiển lộ ngay bên cạnh. Truyện ngắn này, cũng như những truyện ngắn khác trong tuyển tập, suy cho cùng đều được phóng chiếu ít nhiều chính từ cuộc đời của “lũ chúng ta”, chẳng qua là mượn bối cảnh của hàng trăm năm trước mà thôi. Nếu xét trên phương diện ấy thì đối với cá nhân tôi, “Trầm Hương Các” quả là một truyện ngắn nổi bật thuộc thể loại “hiện thực”, một truyện ngắn khiến người đọc phải soi chiếu lại thực tại, tựa như cách anh huấn nọ muốn mượn tích xưa bên Tàu để soi chiếu thời thế Đàng Trong vậy. Để rồi sau khi soi chiếu, sau nhiều phen chau mày và nhiều phen gật gù, thì ắt hẳn ta phải bật cười một tiếng. Còn cười vì điều gì, tôi tin mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau, bởi nền tảng của chúng ta vốn dĩ đều khác biệt.

[9] “Trên dòng gió ngược, thuyền xuôi” – Lê Bình Chi

Nếu như ở phần I của tuyển tập, ta có truyện số [1] và [2] mang tính chất “đối ngẫu”, thì đến phần số III, xét trên khía cạnh nào đó, truyện số [8] “Trầm Hương Các” và số [9] “Trên dòng gió ngược, thuyền xuôi” (gọi tắt: “Thuyền”) cũng giúp độc giả trải nghiệm nhiều góc nhìn hơn về thời kỳ Lê Trung hưng – một thời kỳ tăm tối, phức tạp, có quãng thời gian tồn tại rất dài và gây nhiều tranh cãi trong lịch sử.

Với lối viết trầm lắng, giàu chất thơ nhưng đầy ám ảnh, “Thuyền” là một truyện ngắn thành công khắc họa cái xã hội loạn lạc và bức bối thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Một truyện ngắn không những “phản phong kiến”, như đã đề cập tại Mục 1, mà còn thể hiện ý thức “phản chiến” mạnh của người cầm bút. Đối với cá nhân tôi, tất cả bi kịch trong truyện ngắn này có lẽ đều xuất phát từ cuộc tranh giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến: từ cái chết của Lưu, nỗi ám ảnh hậu chiến của Phong, đến cảnh những góa phụ như Châu vò võ chờ chồng, thậm chí, mối quan hệ ngang trái của Châu và Lưu cũng phần nào do thế thời loạn lạc.

“Thuyền” là một truyện ngắn phức tạp như chính cái bối cảnh mà nó được đặt vào. Bởi lồng ghép chừng ấy vấn đề vào một truyện ngắn là một việc rất khó, càng khó hơn khi tìm cách khắc họa “nỗi buồn chiến tranh”, vậy nên tôi xin chúc mừng tác giả đã có thể đặt bút viết cái kết cho truyện ngắn này. Về cá nhân tôi, đây là truyện ngắn mà tôi cho rằng mình chưa thể hiểu được thấu đáo. Có lẽ, tôi sẽ còn quay lại với truyện ngắn này nhiều lần trong tương lai.

[10] “Một vốc biển cả” – Bách Huệ

“Một vốc biển cả” là câu chuyện về quan hệ giữa “trời” và “biển”, về nhân – quả của thứ được gọi là “vận mệnh”, về một nhân vật bị lịch sử đánh rơi. Đối với tôi, như đã đề cập tại Mục 1, đây là câu chuyện mang tính chất “phản phong kiến” mạnh mẽ nhất trong tuyển tập này. Tại sao lại vậy? Có gì mâu thuẫn không, khi Phạm Thị Liên được khắc họa là một người phụ nữ phong kiến điển hình, hết lòng sống theo lề lối tam tòng, tứ đức? Có gì mâu thuẫn không, khi nói rằng đây là một truyện ngắn với ý thức “phản phong kiến”, trong khi cuộc đời của nhân vật tựa như chảy trôi theo cái xếp đặt của thời đại?

Hãy đối chiếu với truyện số [4] “Rối bóng” truyện ngắn cùng viết về thân phận của hậu phi, nhưng lựa chọn lối giải quyết hoàn toàn khác biệt so với “Một vốc biển cả”. Ở “Rối bóng”, khi Cám quyết định từng bước đi lên đỉnh cao, ả đã quyết định hòa tan vào cái xã hội đó, làm theo quy tắc của thời đại đó. Còn ở “Một vốc biển cả”, Phạm Thị Liên tưởng chừng như cam chịu, nhưng thực chất chưa bao giờ phục tùng ý thức hệ của thời đại hoàn toàn. Nói theo cách khác, chuỗi hành động có tính toán của Liên thực chất là một chuỗi phản kháng ngầm, bởi nàng nương theo cơ chế của thời đại chứ không để cho quyền lực có cơ hội nuốt chửng lấy mình. Nếu Cám dấn sâu vào hệ thống ấy chẳng thể thoát ra, thì Phạm Thị Liên cho đến giây phút cuối cùng vẫn hoàn toàn có thể tự mình quyết định ly khai.

Có thể nói, cái bi kịch thời đại điển hình trong “Một vốc biển cả” là tột cùng, bởi nó ràng lên một kẻ mà tưởng như đã đạt đến địa vị “đỉnh cao” đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến – một vị hoàng hậu. Đồng thời, tính chất phản kháng được đẩy lên đến cùng, bởi chuỗi hành động ấy được thực hiện bởi một kẻ tưởng chừng như đã hoàn toàn cam chịu lề thói thời đại, một kẻ mà ta cứ tưởng là “khuôn mẫu” cho phụ nữ thời phong kiến chứ không phải bất kỳ ai khác.

Với giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế và kỹ thuật dẫn truyện xuất sắc, “Một vốc biển cả” dễ dàng cuốn người đọc vào một thời kỳ biến động, với những nhân vật đầy “góc khuất” đặt trong bức tranh chính trị nhuộm màu u ám mà không phải cây bút nào cũng đủ sức đề cập đến. Ví như cậu Bình, sau này trở thành vị Hoàng đế nổi danh của triều Tây Sơn, hiện lên trong truyện như một chính trị gia tài năng, toan tính và thực dụng. Hoặc ta có thể nhìn sang Bùi Đắc Tuyên – nhân vật đầy mâu thuẫn mà tôi cũng thấy hết sức thú vị (xin hẹn một dịp khác sẽ viết sâu hơn), một kẻ cơ hội, lợi dụng chính đứa em gái cùng mẹ khác cha để đạt được quyền lực, nhưng cũng chẳng bao giờ thanh thản.

Cuối cùng, tôi xin lượt lại về tính “cá biệt” trong từng tác phẩm ở phần III – phần truyện nói về những con người lạc lõng, biệt lập khỏi thời thế và cuối cùng lựa chọn ly khai. Ở [7] là câu chuyện về hai người con trai với tình yêu khác với “lẽ thường”. Ở [8], ta có một kẻ sĩ nặng lòng với thời cuộc nhưng trong lòng chất đầy mâu thuẫn và một “con hát” chọn con đường “phản”, tự nguyện ném thân mình vào lửa. Ở [9] là ba kẻ bị thời cuộc xô vào “ngõ cụt” của cuộc đời, những con người bị chiến tranh bóp méo và bào mòn. Còn ở [10] là một kẻ được “thầy phán” cho thành khác biệt, bị lợi dụng, lợi dụng ngược lại nó và cuối cùng quyết định rời đi theo ý chí của riêng mình.

Tạm kết


"Trăm năm một bước hải hà” xét cho cùng không chỉ là một cuốn sách giúp lan tỏa chuyện xưa tích cũ hay những nét văn hóa “vang bóng một thời”, mà hơn thế, đó còn là sự phản chiếu của tư duy hiện đại, nơi những tác giả trẻ gửi gắm góc nhìn riêng về những biến động đã qua, về thân phận con người trong dòng chảy lịch sử mấy trăm năm. Để đến khi khép lại những trang cuối cùng, bên cạnh tấm lòng thành kính khi hướng về quá khứ, chúng ta còn thêm trân trọng những giá trị của cuộc sống trong thời đại hôm nay.

Ký tên: Vạc


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}