Lão họ Võ, đệm Văn, tên Đoán, nhưng người làng Trung Vũ ai cũng gọi lão là Võ Đoán như để trêu ngươi, dù lão chẳng hề ăn nói “võ đoán” bao giờ. Còn cái biệt danh “Đoán đuềnh đoàng” của lão thì nghe đâu bắt đầu manh nha từ trước khi vợ lão mất không lâu. Số là dạo ấy, cụ Tuất trưởng họ bị lãng tai, nhưng tính cụ thì tự ái cao nên chả bao giờ nhận là mình lãng tai cả. Đợt ấy họp họ, chả biết lão Đoán nói chuyện gì với cụ mà thấy cụ rướn cái cổ gầy nhẳng lên, nhặng xị:
- Mày cứ đoàng đoàng cái mồm thế? Tao có điếc đâu!
Chả biết cái đứa chết mẹ nào đồn ác, dúi cho cụ Tuất đầu têu móc lão Đoán là “đuềnh đoàng”. Cụ Tuất thì già cả rồi, chả nhớ mười mươi được lúc ấy mình có nói vậy không nên im như thóc đổ bồ. Về sau cụ trộm nghĩ thế này: “Thằng Đoán hiền như cục đất, chửi vào mặt có khi nó còn chẳng dám cự nự. Mình là trưởng họ, phải có cái uy của trưởng họ, nói câu nào chết câu nấy. Không thể hơi một tí là đi cải cái này cải cái kia được.” Thế là tiếng “lành” đồn xa, lão Đoán rước thêm một cái biệt danh giời ơi đất hỡi ấy đến tận bây giờ.
Nhiều người bảo lão Đoán ngu. Thì chả ngu còn gì? Thủa nhà ai, cái tên cha sinh mẹ đẻ mà còn bị nói xiên nói xẹo đi, thế mà vẫn chẳng dám ừ hữ câu nào. Rồi cả đến cái biệt danh nghe có khác gì như đấm vào tai không? Thế mà cũng bấm bụng cho qua được. Bảo lão hiền chẳng qua là để chùi mép cho đỡ ngượng, chứ đúng là lão ngu thì có.
Thế mà lão Đoán hiền đến mức bị chửi là ngu ấy đã có một màn thay da đổi thịt khiến dân làng Trung Vũ phải ngỡ ngàng. Chuyện phải kể từ lúc lão Đoán thay vợ mang rau quả ra chợ bán.
Chợ là chợ gộp ba làng Thượng – Trung – Hạ lại với nhau nên có nhiều người không biết mặt lão Đoán. Mà kể cả người trong làng Trung Vũ trước đây cũng hiếm khi thấy lão mò mặt ra chợ. Hồi trước toàn là vợ lão một thân một mình chất nào tải lớn tải nhỏ trên con Dream hom hem bò lê bò càng mang ra chợ. Giờ thấy lão chường mặt ra, vài người trong họ vui như mở hội, hớn hở ra hỏi mua, tiền chưa trao cháo chưa múc đã vòi cho thêm cái nọ, cho thêm cái kia. Lão Đoán chẳng bảo gì, cứ quơ bừa những thứ người kia chỉ, cho vào từng túi riêng. Xong đâu đấy, lão dõng dạc:
- Thêm bốn quả cà chua, mỗi quả sáu nghìn, bốn sáu hai tư. Đây không có tiền lẻ giả lại, làm tròn hai lăm. Thêm hai mớ mùi tàu, mỗi mớ…
- Ơ kìa chú Đoán, sao lại thế? - Phương, bà chị họ lão Đoán trố mắt ra nhìn, cắt lời.
- Thế là thế đấy chị. - Lão Đoán nhún vai, tay vẫn thoăn thoắt buộc miệng túi, chẳng buồn ngẩng lên nhìn mụ ta lấy một cái. - Đi buôn đi bán chứ có phải của đem cho đâu.
Lão Đoán chỉ chép miệng bâng quơ như thế, trúng ai thì trúng. Ai dè câu này đụng trúng lòng tự ái, mụ giãy nảy lên như đỉa phải vôi:
- Mày nói cho ai? Nhà tao mà thèm của bố thí của cái ngữ như mày à?
Câu nói như băm bổ vào mặt ấy khiến lão Đoán ngừng tay, hếch mắt lên nhìn. Mặt lão sa sầm, lườm trôi cả con mẹ trước mặt. Lão gằn giọng:
- Mua được thì mua, không mua được đi hàng khác. Nhanh lên để đây còn đốt vía!
Thấy lão Đoán hằm hè như muốn lao vào xé xác mình tới nơi, da gà ở đâu nổi đầy trên hai bên cánh tay to như giò lợn của mụ. Mụ ta lấm lét nhìn lão Đoán thẳng tay quẳng túi cà chua vừa được buộc sang một bên, ra điều chả thiết tha buôn bán gì sất, lòng thầm sới cả họ hàng hang hốc nhà lão Đoán lên để chửi. Đang chửi thầm hăng say thì chợt nhớ ra mình với lão cùng một họ nên tức sôi cả máu. Mụ ba máu sáu cơn chống nạnh lên, ưỡn người ra, vào thế bụng tấn công mông phòng thủ, lên giọng quãng tám:
- Cái mồm mày cứ phèng phèng thế chứ có dám làm thật không? Đây này, tao cứ đứng ở đây đấy. Mày có giỏi thì đốt đi! Đốt cả lò nhà mày thì có!
Lão Đoán vung tay một cái, cả cái rổ phíp đánh choang, nằm úp sấp xuống đất, bao nhiêu rau cần vừa nhặt toé hết cả ra. Lão đứng phắt dậy, môi dẩu lên, nhe hai hàm răng đang nghiến chặt vào nhau, gân cổ nổi như dây điện. Mặt lão y như bợm rượu đang trong cơn túy lúy, lão sửng cồ lên:
- Đéo mẹ cái ngữ ăn người! - Mồm vừa chửi, tay vừa móc trong túi quần ra một cái bật lửa. - Bố mày đốt cả lò nhà mày luôn chứ thách à?
Lão làm thật. Đời Phương chưa bao giờ nghĩ thằng Đoán hiền như cục đất lại có ngày chửi nhau tay đôi với mình, rồi ăn gan hùm mật gấu gí bật lửa vào tận mặt mình nữa. Khi ánh lửa nóng cháy sém vài sợi tóc mai, mụ ngã ngồi ra đất, mặt cắt không còn giọt máu, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, không nói nổi lời nào. Mụ chỉ dám đảo mắt nhìn quanh xem có ai đứng ra bênh vực, tóm lấy chút cứu cánh. Nhưng bao nhiêu người xúm vào xem vội tảng lờ đi khi mắt mụ liếc đến mình. Chả ai dám dây vào một lão Đoán giờ đang cởi trần, áo ba lỗ vắt lủng lẳng trên vai, dẫu đã ngoài sáu mươi nhưng cơ thể vẫn vạm vỡ với làn da cháy nắng, lừng lững như một con gấu với khuôn mặt dữ tợn đang đứng chống nạnh trong sạp bán rau.
“Đoán đuềnh đoàng” ăn nhầm thứ gì mà thay tính đổi nết như vậy? Hay là, vợ lão chết nên lão thành ra gàn dở? Dân làng Trung Vũ bắt đầu xôn xao với nhau như vậy từ sau khi nghe hơi nồi chõ vụ mụ Phương ngoài chợ. Nhưng chẳng ai biết đích xác được nguyên cớ do đâu. Bởi từ khi những lớp nhà mái ngói bị đập bỏ, thay bằng từng tầng cao chồng lên nhau, con người chợt trở nên an phận hơn trước, chịu bấm bụng sống ngày qua ngày trong cái hộp cao tầng hiện đại. Mấy nhà hàng xóm sát vách kể từ ngày tậu được dàn loa, cứ nhá nhem là lại bắc dàn ca hát inh ỏi, không thì cũng mở nhạc xập xình đến tận tối muộn, hơi đâu mà hóng hớt chuyện nhà lão Đoán. Của đáng tội, nếu mụ Phương không bù lu bù loa cái mồm khắp làng trên xóm dưới thì có lẽ đến mùa quýt cũng chẳng ai biết lão Đoán có gì đổi khác.
Nói cho ra nhẽ thì lão Đoán vẫn vậy, ai nhờ vả gì cũng chẳng nề hà, xắn tay nhiệt tình giúp đỡ. Nhưng nếu vui mồm chêm vào một hai câu tếu táo, đụng trúng bãi mìn lấp ló trong lòng, thể nào lão cũng thay đổi sắc mặt, rồi cho một bài tế dài hơn cả sớ. Bãi mìn trong lòng lão chẳng gì khác ngoài chuyện vợ lão mất, đứa con gái lớn mới bị chồng bỏ bế con về nhà ngoại.
*
Mai vừa thái rau mùng tơi, vừa quay lại âm a với đứa bé ngồi trong xe đẩy. Nhưng đứa bé chẳng chịu ngồi im, cứ ngọ nguậy chực muốn thoát ra khỏi sợi dây cố định xung quanh mà không được, bắt đầu nhăn mặt rồi mếu máo. Tiếng trẻ con khóc ngằt ngặt, tiếng nước sôi lục bục giục bàn tay Mai lướt dao thoăn thoắt. Lưỡi dao bén ngọt lạnh lùng miết qua những ngón tay nhỏ nhắn đè trên lớp rau. Mai buông vội dao, chỉ kịp cuốn tay vào vạt áo, trút rau trên thớt vào nồi rồi giảm nhiệt độ trên bếp điện từ. Tiếng khóc như xé ruột xé gan của đứa bé khiến cô luống cuống tay chân, vội vàng bế đứa trẻ lên dỗ dành. Một tay nén đau để quắp con, một tay cầm đũa đảo đều rau trong nồi, hai hàng nước mắt ầng ậc nhưng cánh môi mềm đành mím chặt, ngăn tiếng khóc bật ra. Tiếng nhạc xập xình như cơm bữa của nhà hàng xóm lại vang lên ì xèo bên tai, Mai khịt mũi, ấn nút tắt bếp rồi xốc đứa bé lên. Cô vừa quệt vội hai bên khoé mắt thì nghe tiếng khoá cổng lách cách, Mai chưa quay người đã vội đánh tiếng:
- Hôm nay bố về sớm thế?
Nào ngờ, người lên tiếng lại là cái Trúc.
- Bà ở nhà một mình mà đoảng thế? Không khoá cổng à? Lỡ trộm vào thì sao?
Trúc là em, kém Mai sáu tuổi nhưng thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ Trúc là chị. Từ ngoại hình đến tính cách và cả lời ăn tiếng nói, Trúc đều lấn lướt hơn Mai. Mai biết tính Trúc thẳng như ruột ngựa nên chẳng bao giờ để bụng, chỉ cười trừ. Mới đi đến giữa sân, cách cửa bếp nửa đường, Trúc đã tinh mắt nhìn ra vết thương còn rỉ máu trên tay Mai. Nó thở dài một hơi rồi gỡ balo trên vai xuống, lấy băng dán y tế ra, xé vỏ rồi nhanh như cắt bước tới dán vào tay Mai.
- Bản thân còn không lo được thì còn lo cho ai?
Chẳng ngờ, câu này đã khiến Mai bật khóc. Ban đầu là vài giọt nước mắt lã chã rơi, sau bật thành tiếng nấc nghẹn và nức nở. Mai khóc đến mức đứng không vững, phải tựa vào Trúc. Đứa bé trong lòng nghe thấy tiếng khóc của mẹ, mặt cũng méo xệch. Nhưng chưa kịp cất tiếng khóc thì đã bị Trúc lườm, nó gằn giọng:
- Nín ngay!
Trúc vốn ghét trẻ con, kể từ ngày Mai vớ phải một tên trai phố chỉ có cái mã ngoài rồi đẻ ra đứa bé giống y đúc thằng bố nó, Trúc càng ghét tợn.
Mai vội bế thốc đứa bé lên, vỗ vào lưng nó rồi sụt sịt nhìn Trúc, giọng có phần trách cứ.
- Nó trẻ con biết gì đâu.
Trúc biết, đó chỉ là một câu bâng quơ của Mai. Nhưng chính Mai cũng không hay biết rằng, câu nói này đã chạm trúng vết thương ở sâu thẳm nhất trong lòng Trúc. Nó quắc mắt lên, lời nói thốt ra nơi khoé miệng nhuốm đầy cay đắng.
- Ừ, trẻ con mà, chẳng biết gì sất. Người lớn ai chả ảo tưởng như vậy.
Câu ấy như một cú tát khiến Mai choàng tỉnh. Cô mở to đôi mắt đỏ hoe, nhìn bóng lưng thô kệch của Trúc ngược chiều ánh nắng. Trúc bước ra khoảnh sân trước cửa bếp, quay lưng lại phía này. Nắng chiều tháng Sáu vàng ruộm như mật, tưới lên người nó thứ nước vàng sóng sánh, quyện đặc mùi cỏ cây khô cằn. Hơi nóng bỏng rát theo chiều gió cuốn lấy chực nuốt chửng Trúc, nhưng nó vẫn đứng sừng sững như cây cột gỗ lim, chẳng cách nào lay chuyển. Mai ngước mắt trông theo bóng lưng của Trúc lẫn trong ráng chiều tà, bỗng thấy xa lạ khôn cùng. Lòng cô chợt cảm thấy sợ hãi vẩn vơ, một nỗi niềm như thể đứng trước cái kén bướm sắp bị xé toạc làm đôi. Mai vừa mấp máy môi định nói, ngoài cổng bỗng vang lên tiếng xe máy cà tàng.
Lão Đoán vừa đẩy cửa ra thì chợt khựng lại, máu trong người như bị rút cạn, mí mắt giần giật còn cái miệng khẽ há. Từ chỗ này, Mai không thể nhìn được biểu cảm trên gương mặt Trúc, nhưng từ ánh mắt lảng tránh và cái liếm môi ngượng nghịu của lão Đoán, Mai biết, Trúc hẳn đang nhìn lão với ánh mắt đầy oán trách.
Lão Đoán đưa tay xoa cái đầu húi cua hai cái, rồi chậm rề chậm rệt mở cổng ra, dắt xe chở đầy rau quả thừa vào sân. Lão lướt qua vai Trúc, hai người chẳng nói chẳng rằng gì, cứ như thể là người xa lạ không hề quen biết. Trúc chớp mắt một cái, thả ánh nhìn xuống mũi giày, cảm giác lạc lõng trào lên tận cổ như muốn bóp nghẹt sự sống.
Hôm nay là một ngày hiếm hoi ba bố con nhà lão Đoán ngồi ăn chung một mâm. Thức ăn chỉ có mỗi một đĩa thịt rang cháy cạnh, bát đậu sốt cà chua và nồi canh mùng tơi nghi ngút khói. Vì Trúc về mà không báo trước nên cả lão Đoán và Mai đều không mua thêm thịt gà – món mà Trúc thích ăn nhất. Nhưng Trúc có vẻ chả để tâm đến việc này cho lắm. Vừa ngồi xuống phản là nó bưng bát cơm xực lấy xực để. Kê phản ăn ngoài sân cho mát là ý của lão Đoán, miệng thì kiếm cớ như vậy chứ thực chất là để tránh né việc ngồi trong nhà ăn cứ phải đối diện với cái ảnh thờ của mẹ tụi nhỏ. Đã bảo là chụp ảnh thì đừng có cười toe toét ra, để đến lúc chọn ảnh thờ thì chả được tấm nào nghiêm túc. Trông bà ấy cười niềm nở như thế càng khiến lão Đoán không tài nào nuốt nổi cơm. Đang suy nghĩ miên man, đột nhiên cái Trúc hắng giọng.
- Bố này.
Lão Đoán dừng đũa, ngước mắt lên, chờ đợi.
- Trường con có chương trình 2+2, con đăng ký rồi.
Lão Đoán nghe nó nói mà như vịt nghe sấm, ù ù cạc cạc chả hiểu gì nên cứ đực mặt ra, cơm phồng lên một bên má cũng quên nhai.
- Mày nói rõ ra xem nào. - Sau khi nuốt xong miếng cơm, cuối cùng lão Đoán cũng thốt ra được một câu như vậy.
Trúc buông đũa, để gọn bát rếch sang một bên, hít vào một hơi rồi chỉ đáp lại một câu ngắn gọn:
- Chương trình 2+2 có nghĩa là hai năm học ở Việt Nam, hai năm còn lại học ở nước ngoài.
- Tao không đồng ý! - Vừa nghe đến hai chữ “nước ngoài”, lão Đoán lập tức vỡ lẽ, mắt long lên sòng sọc. - Không có đi đâu sất! - Lão bồi thêm một câu nữa trước khi đập đũa đánh chát xuống cái mâm nhôm.
Trúc lẳng lặng đứng dậy, xỏ dép vào, nhìn thẳng vào lão Đoán với ánh mắt lạnh lùng.
- Con không hỏi ý kiến của bố. Đây chỉ là một lời thông báo thôi.
Thái độ láo lếu này của Trúc khiến lão Đoán sôi máu. Bộ ngực trần rám nắng phập phồng kịch liệt sau lớp áo bạc màu. Giọng lão gầm gào đục như tiếng dùi nện vào mặt trống. Lão trỏ vào mặt cái Trúc:
- Tao nuôi mày lớn bằng cái sào. Bây giờ đủ lông đủ cánh thì bay đi phỏng?
Trúc siết tay thành nắm đấm, giọng run lên không biết vì giận hay vì tủi thân.
- Con là con người chứ không phải con vịt giời mà lông với chả cánh!
- Mày giỏi! Bây giờ mày quát lại tao đấy phỏng? - Lão Đoán cũng bước xuống phản, đứng sừng sững trước mặt Trúc, mặt tối sầm.
Mai vội lao ra đứng giữa lão và cái Trúc, xua tay can. Thấy Mai, lão Đoán dịu xuống một chút, bon mồm lầm bầm một câu:
- Chỉ có con Mai là ngoan thôi.
Ai ngờ, khi nghe thấy câu này, Trúc cười sặc sụa như nghe chuyện tiếu lâm. Nó vừa quệt nước mắt vừa nói rành rọt từng chữ:
- Ngoan quá! Ngoan đến mức sợ bố bẽ mặt nên chịu nghe họ hàng mai mối rồi mới vớ phải cái thằng ất ơ, hỏng cả một đời!
“Bốp!”
Lão Đoán với qua vai Mai, túm cổ áo Trúc rồi dang thẳng cánh tay. Cú tát khiến Trúc sây sẩm mặt mày, nhưng vẫn đủ sức giằng tay lão Đoán ra. Trúc đứng im nhìn lão. Mai sợ hãi né sang một bên. Ba bố con tạo thành một hình tam giác đều, không ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng gió đêm Hè thổi vù vù bên tai. Mắt Trúc đỏ lựng, nước mắt doanh tròn nhưng chẳng có giọt nào rơi xuống. Nó đột nhiên tiến lên một bước, giọng mũi khàn khàn, thấp giọng nói với lão Đoán:
- Bố có muốn đánh nữa không?
Trúc tiến một bước thì lão Đoán lùi một bước, mặt tái dại cả đi. Đến khi lão ngã ngồi ra phản thì hồn phách đã bay đi bằng sạch. Trúc chẳng nói thêm câu gì, lặng lẽ xách balo đi vào nhà, lên thẳng phòng mình ở tầng hai.
Mai nhìn lão Đoán ngồi thộn mặt ra, vết dao cắt trên tay cô bỗng nhói lên đau nhức. Mai không dám hé răng nói lời nào, yên lặng thu dọn mâm bát. Lão Đoán không để ý gì đến Mai, chỉ nhìn chăm chăm vào khoảnh vườn nhỏ trước mặt. Tất cả rau quả đều được một tay vợ lão trồng ở đó sau khi lão quyết định bán ruộng, lấy tiền xây nhà và cho cái Trúc đi học Đại học. Nhưng Trúc nào phải đứa chỉ biết ăn không ngồi rồi. Sau hai năm vừa đi học vừa đi làm thêm, nó trả lại lão toàn bộ số tiền học phí, không thiếu một đồng, đã thế thi thoảng còn dấm dúi cho Mai chút ít trích từ học bổng sinh viên có thành tích xuất sắc. Lão Đoán nhớ lại, hình như từ hồi bé tí đến tận bây giờ, Trúc luôn sợ phải mắc nợ lão. Cho dù nó chưa bao giờ nói ra, lão cũng không bao giờ hỏi, nhưng mọi hành động Trúc làm đều tố cáo điều đó. Phải chăng, chính điều này mới khiến lão sợ vớ sợ vẩn như vậy?
*
Mai bóc băng cá nhân ra, xuýt xoa khi vết thương lại hở miệng, nhưng cô không dám to tiếng, sợ đánh động đến đứa bé trong nôi vừa mới vào giấc. Mai thay băng mới rồi nén đau móc nốt chiếc mũ tai bèo để kịp gửi cho khách, kiếm chút tiền mua sữa cho con. Mũi kim móc đang thoăn thoắt luồn trên sợi len bỗng nhiên dừng lại, Mai cảm thấy dường như có ai đó đang nhìn mình. Cô ngẩng đầu lên, trông thấy Trúc đang đứng như trời trồng nơi cánh cửa khép hờ. Mai đặt chỗ len sang bên cạnh, vẫy tay ý bảo Trúc đợi mình. Lúc đứng lên, cô không quên nhìn đứa bé đã say giấc trong nôi, cẩn thận dém lại chăn rồi mới rón rén bước ra ngoài, đóng cửa lại. Mai kéo Trúc sang phòng của Trúc, hỏi:
- Sao nãy mày hỗn với bố thế?
- Hỗn cái gì? - Trúc vặc lại luôn, dường như vẫn chưa hết ấm ức.
Mai thở dài, đánh nhẹ vào bắp tay Trúc.
- Mày lặn trên Hà Nội miết, biết bố thay đổi ra sao đâu?
- Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời mà đòi thay đổi à? - Trúc cười mỉa mai.
Mai nhìn Trúc, nửa gương mặt chìm trong bóng tối của căn phòng, chỉ có đôi mắt bắt được ánh sáng đèn ngủ cam vàng mà lóng lánh như có nước. Cô nói, như dằn từng chữ:
- Bố nói thế, là vì không nỡ xa mày.
Câu này lại như chọc cười Trúc. Nó hừ mũi:
- Có mà sợ họ hàng lại xì xào thì có! Cái họ này có mống nào tốt đẹp đâu? - Càng nói, Trúc càng hăng. - Giàu thì ghét, nghèo thì khinh, mà thông minh thì đàm tiếu. Tôi chả hiểu sao bố suốt bao nhiêu năm cứ phải quỵ lụy cái bọn người đấy. Sau chuyện của bà, rồi cả chuyện của mẹ, ông ấy không sáng mắt ra thì còn đợi đến khi nào?
Mai bịt miệng Trúc lại, ra dấu nói be bé cái mồm lại. Cô thở dài đánh thượt, rầu rĩ nói:
- Chuyện của tao không phải do bố đâu. Chuyện của mẹ cũng vậy. Cũng là cái số cả.
- Tôi ỉa vào cái gọi là số mệnh đấy! - Trúc đứng phắt dậy, chống nạnh thở phì phò. - Bà thấy không hợp với thằng trai phố đấy thì cứ nói thẳng vào mặt mấy bà làm mai là không thích, ai gô cổ bà vào ép lấy. Nhưng bà cứ sợ bóng sợ gió, sợ đàm tiếu này nọ cơ. Gạo chưa nấu thành cơm thì sợ đếch gì bố con thằng nào? Sao hồi đấy bà không hỏi ý tôi? Bà y như cái tính của mẹ!
Mai cúi gằm mặt lắng nghe lời xỉ vả của Trúc, không phản bác câu nào. Từng lời Trúc nói không kiêng dè gì, cứ thế như mũi dao nhọn hoắt đâm thẳng vào tim cô. Mai biết, bản thân mình nhu nhược, nhu nhược từ tấm bé. Cô cứ nghĩ ngu si thì sẽ hưởng thái bình, nên chả bao giờ bon chen với đời. Nhưng mỗi lần nhìn Trúc ganh đua với bọn trẻ trong làng, mỗi lần nghe nó phản pháo lại bố, lòng Mai lại thấp thỏm lo sợ, nhưng không thực rõ là sợ gì. Cho đến hôm nay, khi Trúc dùng cuốc đất bươi từng lớp đất mềm lên, Mai mới hốt hoảng nhận ra bấy lâu mình đã sống như một con ếch trong cái giếng sâu hoắm. Cô ngước mặt lên, chỉ thấy trần nhà thấp lè tè, nhìn sang Trúc thì chợt thấy ánh đèn ngủ bao tròn lấy nó. Trúc luôn đứng ngược chiều ánh sáng, nhưng chẳng bao giờ bị nuốt chửng. Nhận ra điều này, trái tim Mai không còn co quắp lại như trước, cô chợt cảm thấy lòng lắng lại, tựa như mặt hồ yên ả buổi sớm không chút xáo động.
- Tao biết tao sai. - Cuối cùng Mai cũng lên tiếng thừa nhận, sau bao nhiêu lần tìm cách thoái thác. - Tao muốn làm lại. Tao không muốn sai thêm nữa.
Trúc nhìn Mai đan mười ngón tay vào nhau, đặt trên đùi để lấy dũng khí, lòng bỗng trở nên mềm yếu. Nó ngồi xuống bắt chước mẹ để đầu Mai tựa vào vai mình, còn tay thì vỗ nhẹ lên vai Mai, yên lặng nghe tiếng kim đồng hồ nhích từng chút.
- Tháng sau tôi xin visa rồi. - Trúc đột nhiên lên tiếng.
- Sao nhanh vậy? - Mai ngồi thẳng người lại, nhìn Trúc, lông mày khẽ nhíu. - Bố không chịu đâu.
- Không chịu thì cũng phải chịu. - Mai hừ mũi, giọng hoà hoãn hơn một chút. - Lúc mẹ mất, tôi không kịp về, cũng chẳng nghe được lời trăn trối, nhưng tôi biết với tính của mẹ thì mẹ chả để bụng bố đâu. Nhưng tôi thì khác.
Nghe Trúc nói như vậy, Mai không biết phải đáp lại thế nào. Những năm tháng tuổi thơ sống trong sự khinh rẻ của họ hàng chợt chầm chậm hiện về trước mắt, chiếu lại cho Mai thấy rõ từng cảnh một. Mai không thể đếm xuể được bao nhiêu lần ba mẹ con bị người trong họ móc mỉa là vịt giời lại đẻ ra vịt giời, vịt giời đến thời rồi thì bay đi. Còn bố thì lúc nào cũng cúi gằm mặt xuống mà nghe, ngậm hột thị chẳng nói đỡ lấy một lời. Để đến nỗi một người nhẫn nhịn chịu đựng như mẹ có một ngày khóc tức tưởi mà rằng: “Sao cùng là cái giống người mà chúng nó ác miệng thế?” Mai cũng biết nghĩ, biết giận, nhưng đành bất lực giống mẹ. Nhưng Trúc thì khác. Mai nhớ, từ khi lên mười, Trúc đã mang cái tiếng ngỗ nghịch khi ném đá vỡ đầu thằng bạn cuối làng vì nói nó là đồ con gái mít ướt. Từ đó trở đi, Trúc chẳng chịu thua bất kỳ đứa trẻ bằng tuổi nào, cho dù là nam hay là nữ. Để đến bây giờ, nó cũng là đứa con gái duy nhất trong họ học lên Đại học, và Mai biết, Trúc sẽ không bao giờ chỉ dừng lại ở đó. Trúc như một con diều no gió, vút lên cao, cao mãi mà chẳng bị ràng buộc bởi bất cứ sợi dây nào. Càng nghĩ, nỗi sợ chia li càng khiến Mai bồn chồn. Nhưng cô không muốn Trúc giống mình, ngụp lặn mãi nơi đáy giếng.
*
Tin cái Trúc con lão Đoán đứng đầu danh sách chương trình bồi dưỡng đặc biệt hai năm học ở Việt Nam, hai năm học nước ngoài lan khắp làng trên xóm dưới như cháy rừng. Người chúc mừng thì ít, kẻ ghen tức thì nhiều. Chúng nó kháo nhau rằng lão Đoán đuềnh đoàng, giờ giở chứng tính khí thất thường mà có đứa con rạch giời rơi xuống. Nếu cái Trúc không giống bố y như đúc từ một khuôn ra, phỏng chừng kiểu gì cũng có người bảo bà Thắm đi tằng tịu với lão khác cho mà xem. Không lấy được cái cớ này thì lấy cái cớ khác, quyết không thể để bố con nhà lão Đoán có ngày nở mày nở mặt. Nghĩ là làm, mụ Phương sẵn cục tức ngày trước ngoài chợ, gặp ai cũng bĩu môi chê ỏng chê eo tính cách con Trúc chả ra gì, bon mồm còn chêm vào thêm mấy câu đàn bà con gái học cao thế này, học cao thế kia, quên béng mất mụ cũng cùng là đàn bà con gái.
- Ôi dào ôi, có học lên ông nọ bà kia thì cũng phải lấy chồng, đẻ con. Không lấy được chồng, không biết đẻ đích tôn thì cũng vứt, vứt tất! - Mụ Phương cao giọng quãng tám khi thấy Trúc bước vào hàng tạp hoá.
Trúc lườm mụ, nhưng miệng vẫn cất lời chào không hề tỏ ý bất kính. Mụ Phương thấy thái độ của Trúc như vậy thì càng điên tiết, giọng mụ nặng như chì:
- Vâng, chào chị. Tôi không dám thấy sang bắt quàng làm họ.
Trúc chẳng nói lời nào, trả tiền cho cô chủ quán xong, Trúc đang định xách chai nước mắm về thì đột nhiên mụ Phương nhảy dựng lên, túm lấy tay Trúc, gí sát vào mặt nó mà rằng:
- Này, tao nói cho cái mặt bố con nhà mày biết, có hết tám đời nhà mày cũng không bằng ai đâu! Đừng có mà ti toe!
Trúc len lén vặn nắp chai nước mắm, không để mụ Phương nhìn thấy rồi giằng tay mụ ra, thuận tay vẩy chai nước mắm lên người mụ. Nước mắm theo đà tưới đầy lên quần áo mụ Phương, mùi khăm khẳm bốc lên nồng nặc. Trúc thấy thế giả vờ rối rít xin lỗi, rồi lại giả vờ quơ lấy bịch giấy ăn bên cạnh, lau lấy lau để cho mụ, càng lau càng bôi lên thêm mặt mũi đầu tóc mụ. Mụ Phương sửng cồ lên, vừa chửi vừa định lao vào đánh Trúc thì bỗng nghe tiếng xe máy đánh rầm một cái. Lão Đoán tình cờ đi ngang qua đó lao ngay vào, giằng tay mụ ra rồi cứ thế tát mụ túi bụi.
- Con mặt lờ này nữa! Này thì đánh con bố mày này! Mày này!
Lão cứ chửi một câu thì lại tát mụ một cái. Tát nhanh đến mức mụ sây sẩm mặt mày, không kịp trở tay, cho đến khi mụ ngã phịch ra đất, mặt sưng như mặt thớt, bù lu bù loa gào mồm lên khóc thì vợ chồng bà chủ quán mới vội can ngăn. Nhưng lão Đoán vẫn chưa hết cơn điên, lão đang thủ thế đấm thêm cho con mẹ trước mặt vài cú nữa thì Trúc đột nhiên lớn tiếng gọi:
- Bố!
Lão Đoán khựng lại tức thì, quay lại nhìn Trúc.
- Mình về nhà thôi bố.
Lão thấy mắt con gái rưng rưng, đột nhiên bao nhiêu gông cùm bấy lâu nay bỗng nhiên bay biến cả. Lão vội vàng chạy ra dựng xe lên, dắt bộ với Trúc đi về con đường dẫn đến nhà, mặc kệ mụ Phương vẫn mồm loa mép giải đằng sau lưng.
Đi được một đoạn, Trúc từ tốn nói:
- Cứ đến Tết thì con về Việt Nam một tháng bố nhé. Hai năm trôi nhanh ấy mà.
Lão Đoán sững người lại, rồi giơ tay xoa đầu Trúc, đáp:
- Ừ.
Bình luận
Chưa có bình luận