TIỀN CHƯƠNG: Ánh Trăng Sống Dậy Nhánh Thường Xuân



TIỀN CHƯƠNG

Ánh Trăng Sống Dậy Nhánh Thường Xuân

"Không nổi một tiếng kêu, không một lời chống cự, cứ như thể sự sống của một dải thường xuân mới chỉ vừa chớm nở với cuộc đời đã bị ném thẳng vào cái chết.​​​​​​​"

#

Tháng Ba năm ấy, khí trời lạnh tanh nồng mùi máu, mang theo cái bức bối của kinh thành cuộn về tận biên ải.

Gió xuân nơi biên thùy không hú dài, không réo rắt - chỉ lặng lẽ và tê dại, cuốn theo tuyết bay lên, hòa với cái lạnh siết như lưỡi dao cùn miết chậm lên da thịt.

Thời tiết đặc trưng của vùng biên cương phía Tây Bắc vốn đã mang nhiều sự khắc nghiệt, nhưng lần này, trong cơn gió, không chỉ mang hơi thở của đất trời, mà còn mang theo cả tiếng vó ngựa, tiếng đao kiếm giao nhau, và tiếng người khóc than vọng lại từ nơi xa.

Trên con đường dẫn vào kinh thành, đâu đâu cũng là tàn tích. Xác người tham trận lẫn kẻ vô tội chất chồng. Máu và lửa nhuộm đỏ tường thành, nhấn chìm tất thảy trong một sắc trời u tối. Dưới chân thành đổ nát là những mái nhà tan hoang chưa kịp nguội tro. Từng tấm liếp cháy sém, cột xà gãy đổ, trơ khấc giữa đất trời loạn lạc. Khói ám lên vách tường những vệt đen xám, như dấu tay đầy tuyệt vọng của kẻ chết còn lưu lại. 

Âm thanh của chết chóc không chỉ còn là tiếng chém giết ồn ào của một trận giao tranh, mà là thứ âm thanh nhỏ, dai dẳng và lạnh buốt: tiếng gươm rơi xuống đất, tiếng rên rỉ yếu ớt, tiếng bước chân đạp lên máu và tro tàn. Mọi thứ chồng chất lên nhau, trộn thành một bản hợp âm nặng nề của tang thương.

Năm Kiến Dân thứ mười tám, kinh thành Càn An nổi lửa đỏ trời.

Chiếu thư ban ra trong bóng tối, ra vào khắp các doanh trại. Đến bình minh - thiên hạ đã đổi chủ.

Chiêu Tông đăng cơ. Vĩnh An đổi chủ.

Tại kinh thành Càn An, nhiều cánh cổng phủ thự mở toang giữa đêm. Các quan lại từng chống đối hoặc giữ mình trung lập đều bị đưa đi. Người bị hành thích giữa đường. Kẻ bị cắt áo mão, trói tay giải đi bằng xe tù. Không có máu loang đầy phố, chỉ có sấm chớp giữa trời hanh khô. Các cựu thần, thân tộc, và những người không chịu quy phục tân triều - tất cả bị chụp mũ “phản loạn”, “tàn dư”, rồi áp giải về vùng biên cương hoang lạnh. 

Biên cương phía Tây Bắc.

Sương núi phủ trắng cả lối mòn xuyên rừng Tịch Lâm, dẫn đến trạm giam Lĩnh Bắc. Đoàn người lưu đày nối đuôi nhau bước đi trong im lặng. Có những lão quan tóc bạc, có những thiếu phụ mới gả về phủ, và có cả những đứa trẻ chưa đầy mười tuổi dáng đi nhỏ thó lọt thỏm giữa tấm áo choàng người lớn.  

Bước đi trong im lặng, những đứa trẻ chưa thể hiểu thế nào là “tội thần”, là “phản loạn”, chưa kịp hiểu vì sao quê nhà lại bị bỏ lại, càng không hiểu vì sao trong một đêm, cả thế giới xung quanh mình lại đổi màu. Trong số bọn chúng có đứa khóc la đến khản giọng, có đứa vẫn mang ánh mắt còn ngác ngơ giữa tuyết sương và khói tro, không biết rằng mình đang đi vào một phần lịch sử - một hậu chương đẫm máu và âm thầm bị vùi sâu trong bóng tối của triều đại mới.

Trong nhóm người lưu đày còn có cả một gia đình quý tộc năm thế hệ vốn hiển hách nhiều đời. Đứa trẻ nhỏ nhất trong dòng họ chỉ mới bảy tuổi, được mẹ quấn kỹ trong lớp áo lông hồ ly, ánh mắt vô cảm, nép vào người cha mình. Quả là chiến loạn có thể kéo cả một gia tộc ngàn đời sụp đổ.

“Quan gia, chừng nào thì đến nơi?” Người đàn ông hỏi lính áp giải, giọng khàn đặc vì lạnh. 

Không ai trả lời. 

Dọc đường chỉ có tiếng quất roi, tiếng rên xiết, tiếng quát lệnh khiến họ không thể nào không nhanh chân hơn. Âm thanh xiềng xích va vào nhau lẻng xẻng tương phản với tiếng vó ngựa giẫm lên đá vụn, làm nên một loại âm thanh hết sức ghê người.

Đoàn người men theo sườn núi cằn khô, nơi cây cỏ cũng chỉ mọc rạp, cúi đầu như né tránh ánh nhìn của trời đất. Phía xa xăm, kinh thành Càn An dần khuất sau làn sương núi. Không một ai dám quay đầu lại.

Buổi đêm ở Tịch Lâm lạnh lẽo đến lạ.

Trăng bị mây mù che khuất, ánh sáng lặng câm như bị ai bóp nghẹt giữa trời. Gió từ sườn đèo thốc xuống từng cơn, luồn qua vách đá dựng đứng, xuyên qua lều bạt tạm bợ mà những kẻ lưu đày dựng nên bằng rơm rạ khô và áo rách. Lửa trại cháy leo lét, đỏ rực mắt người nhưng không đủ ấm một tấc da.

Đứa trẻ nọ nằm co mình trong lớp áo choàng hồ ly, đầu gối vào đùi người mẹ đã ngủ thiếp vì mệt. Mắt cậu vẫn mở, lặng im nhìn vầng trăng lẩn trốn sau đám mây. Miệng cậu lẩm nhẩm, giọng thì thầm khẽ như sợ đánh động màn sương. 

“Nhìn thế này, có vẻ đêm nay sẽ có nguyệt thực.”

Tiếng gió bên tai cậu như đứt thành từng đoạn, len lỏi vào bóng tối là một khoảng lặng chết chóc bao trùm không gian, như thể mọi thứ đang nín thở, chờ đợi một điều gì đó không thể tránh khỏi.

Rồi đột nhiên, một tiếng thét chát chúa xé rách màn đêm.

Tiếng vó ngựa dồn dập bao vây, theo sau đó là tiếng gươm đao tuốt khỏi vỏ, mũi tên bay vút vút lao vào xé gió. Đuốc cháy sáng rực lên trong tích tắc, thắp bùng cả một góc đèo rồi lại bị gió thốc tắt ngấm. 

Cả trại chấn kinh, tiếng thét thất thanh, tiếng chạy, tiếng vấp ngã, tiếng khóc hoà vào nhau, cuốn vào cơn hỗn loạn không còn lối thoát. Mùi máu tanh nồng xộc lên trong không trung, uế khí cuốn theo gió tràn khắp rừng sâu. Không rõ ai là địch, ai là thân, chỉ có tiếng ai oán rền rĩ, không phân nổi ý người.

“Người của tiền triều phản loạn! Diệt sạch!”
“Chúng ta bị lừa rồi… chúng nói chỉ là đi lưu đày…”
“Lũ khốn nạn… không lẽ bổn tướng phải vào cảnh chết không mồ chôn…”
“Quan gia, hãy buông tha cho con gái tôi!”

Tiếng la hét đứt quãng vang lên trong đêm, rồi ngay lập tức bị nuốt chửng bởi tiếng gươm đao lạnh lẽo chém xuống. Mỗi nhát chém, mỗi cú đâm là một tiếng sấm vô hình. Đoàn người bị áp giải giờ chỉ còn là những hình hài đẫm máu, quằn quại trên mặt đất, thân thể vắt chéo, đan xen trong một biển máu không phân biệt nổi đâu là người, đâu là mặt đất.

Có đứa bé khóc nấc, mải chạy theo cơ thể người cha đang bị toán lính kéo lê thân

Một người đàn ông rút kiếm, ánh mắt tối sầm, chưa kịp thốt lên một lời thì đã chết dưới lưỡi kiếm lóe lên trong bóng tối.

Xung quanh là tiếng những người mẹ vang lên tuyệt vọng như tiếng chuông vỡ, bi ai xé nát màn đêm. Họ siết chặt đứa con vào lòng, cơ thể run bần bật. Có người mẹ một lời khẩn cầu còn chưa kịp dứt, nhát kiếm lạnh lùng đã xuyên thẳng qua bụng cả hai mẹ con.

Những đứa trẻ trong cuộc thảm sát thì ôi thay, chúng nhỏ bé và nhẹ bẫng như những nhành cây bị giông gió tàn nhẫn vặn gãy. Không nổi một tiếng kêu, không một lời chống cự, cứ như thể sự sống của một dải thường xuân mới chỉ vừa chớm nở với cuộc đời đã bị ném thẳng vào cái chết.

Hai canh giờ qua đi, máu đã loang thành vũng dưới đất, tạo thành những vệt đen loang lổ. Những mảnh áo choàng tả tơi, những đôi mắt mở to còn hoang hoải nỗi sợ hãi, những tiếng kêu khóc dần tắt lịm. Rừng sâu lại chìm vào thứ tĩnh mịch rùng mình sau bão giông. 

Vừa lúc ấy - bầu trời lặng lẽ tối sầm.

Trăng.

Mặt trăng rực sáng đang nhô cao khỏi rặng núi, bất chợt bị một bóng đen âm trầm nuốt lấy. 

Ánh sáng bạc bị cắn khuyết, từng mảnh, từng mảnh, rồi dần biến mất khỏi thế gian như thể cả đất trời cũng đang nín thở mặc niệm. Gió lặng. Cây ngừng xào xạc. Tất cả như bị đóng băng trong khoảnh khắc đó.

“Là nguyệt thực.”

Đứa trẻ ấy - dải thường xuân bé nhỏ giữa hoang mạc chết chóc - nằm ngửa mặt lên trời, thoi thóp. Máu ấm loang ra từ ngực cậu, hòa vào máu người mẹ đang đè trên ngực, ướt đẫm tấm áo choàng hồ ly. Mùi sắt tanh xộc lên, hòa vào không khí đen đặc vây lấy màn đêm tối, chỉ còn đôi mắt trẻ thơ díu lại, sáng hơn muôn vì sao.

Một lần cuối, cậu mong được chạm tay vào vầng nguyệt. Bàn tay nhỏ gắng chút sức rút ra khỏi thi thể nặng nề của mẹ. Đứa trẻ tội nghiệp như ngọn đèn dầu leo lét trước cơn gió tử thần, ráng sức trút một hơi thở cuối, khi tay còn đang vươn đến bầu trời. 

Chính khoảnh khắc ấy - giữa thiên địa tĩnh mịch, khi trăng vừa bị nuốt trọn và ánh bạc không còn chiếu rọi thế gian - một khe nứt mảnh như sợi tóc rạch nhẹ một khoảng ở rìa trời. Ánh trăng bạc mang theo một làn khí vô hình, mỏng tựa khói sương, dìu dịu len qua kẽ khuyết, trôi xuống như một giọt lệ của vũ trụ vào giữa rừng Tịch Lâm - nơi có một đứa trẻ sắp tắt thở.

Ánh trăng đó không mang hình hài, chỉ lạnh lẽo đến rợn người. Tia sáng vô thức đón lấy bàn tay nhỏ bé, xoáy xuyên vào đáy mắt không còn thần sắc của đứa trẻ. 

Như có một trường năng lượng truyền vào, hơi thở đứt quãng của cậu bỗng trở lại đều đặn, từng nhịp từng nhịp nhẹ bẫng, như dần tan vào thinh không.

Mặt trăng rồi cũng trả lại ánh sáng cho nhân gian, soi rõ một bãi bình địa thảm khốc - chứng nhân tội ác của thời loạn lạc.

Ở rìa vực, một bàn tay nhỏ lấm lem bùn máu bám lấy mỏm đá, gượng dậy. Từng ngón tay run rẩy, hơi thở nghẹn đặc mùi đất và sắt gỉ. Cơ thể bé nhỏ ấy rướm máu, nhưng xương cốt chưa gãy, trái tim chưa ngừng. 

Cậu bé cúi xuống, khẽ rút chiếc trâm bạc trên tóc mẹ. Lau đi máu khô. Gấp lại áo choàng hồ ly, ôm vào ngực.

Cậu bò ra khỏi huyệt mộ vừa chôn sống chính mình, như thể tự vực mình lên từ địa ngục. Ánh mắt đầy phức tạp quét một lượt quanh bãi bầy - nơi những người thân thương nhất chỉ còn là những hình hài lạnh lẽo.

Không còn tiếng khóc. Không còn ai để gọi.
Chỉ là những cái xác, còn chưa kịp khép mắt.
Đôi chân bé nhỏ dẫm lên bùn máu, rẽ cỏ gai, bươn người đi một mạch về hướng vô định. Không quay đầu. Không nói một lời.

Đứa trẻ ấy vẫn sống.
Nhưng linh hồn của nó, đã rạn làm hai nửa.

Vầng trăng bạc cao vời như dõi theo bước chân đơn độc đó - một hành trình sẽ không còn là con đường trở về.

###


📜 Thư trướng Chuông Bạc
💭 Hậu trướng của Văn Ấn

5

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

6

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

  • avatar
    Người dùng mới
    Truyện hay nha
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout