Ngọc uể oải pha vội một tô mì gói chỉ mất năm phút để ăn. Ở kí túc xá, cô không được phép nấu ăn. Vì đi làm thêm về trễ cô đành lót dạ bằng một ít thức ăn nhanh rồi sẽ về kí túc xá sau. Cô đã quá quen với mùi vị của mì gói và xúc xích chế biến sẵn, cô xem chúng như nước lọc phải uống mỗi ngày vậy. Ngọc mở lịch xem đi xem lại nhiều lần những ngày được đánh dấu màu đỏ trên lịch. Thứ năm nộp báo cáo. Thứ bảy đi xin việc làm thêm. Mười lăm ngày nữa được nghỉ Tết. Ngọc vui mừng khôn xiết. Trong đầu cô tưởng tượng ra bao nhiêu viễn cảnh về ăn Tết bất ngờ với gia đình. Cô sẽ giả bộ mình không về được và lì xì mẹ một đôi giày mới bằng tiền lương của cô. Giày mẹ đã hỏng hết rồi nhưng chẳng chịu mua mới mà sử dụng lại giày cũ của Ngọc.
Ngọc nhìn ly mì trong tay vui vẻ mà thưởng thức. Bỗng nhiên cô thấy hương vị cũng không quá tệ, xúc xích vị cũng rất vừa ăn. Cô vừa ăn vừa đặt xe để kịp chuyến về nhà ăn Tết.
Trên chuyến xe về nhà, Ngọc chứng kiến kha khá điều thú vị. Một người mẹ đi xa xứ ba năm mới về một lần để ăn Tết và thăm con trai. Người phụ nữ ấy kể về con trai cho Ngọc nghe một cách rất tự hào. Cậu bé năm nay học lớp sáu rất tháo vát và lanh lợi, cu nhóc tự đi bộ đến trường và lo cơm nướng cho ông bà mỗi ngày. Đối với cô, con trai chưa bao giờ là một gánh nặng mà là cả một món quà của tạo hóa dành cho cô. Cô lên Sài Gòn để làm thuê cho người ra rồi gửi về cho cậu nhóc mỗi tháng để đi học, chi tiêu. Ban đầu chỉ tính làm một năm để gia đình đỡ khốn khó rồi sẽ về quê làm ruộng tiếp. Ấy vậy tiền lương ở đây khá ổn định đủ để lo cho thằng bé học hết lớp mười hai vì thế cô và và con trai đành ngậm ngùi xa nhau một thời gian dài. Thằng bé dù không đầy đủ về vật chất nhưng học rất giỏi.
Một người Tây cùng bạn gái về ra mắt vào dịp Tết này. Chàng trai không biết nói tiếng Việt được cô người yêu tận tình chỉ dạy. Với chất giọng lơ lớ, anh chàng không khỏi làm cả xe bật cười. Cả xe ai cũng thi phạm cho anh cách phát âm tiếng Việt, họ còn chỉ cho anh cách cách để nói chuyện với bố mẹ vợ thật khéo léo.
Bác tài xế cũng là một trong số những người về nhà ăn Tết lần này. Vì công việc lái xe, chú cứ đi mãi. Hôm chỉ kịp về nhà ăn một bữa cơm là lại phải đi ngay. Nhân dịp Tết này chú muốn dành trọn những ngày đầu năm mới cho vợ và con gái.
Ngọc mỉm cười đầy vui sướng. Mỗi khi nhắc đến Tết, ta lại có thêm một lý do để về nhà, một dịp lễ để quay quần bên người thân, một cơ hội để bộc bạch tình cảm yêu thương đến những thành viên trong gia đình. Ngọc cũng vậy. Dù đi xe mất gần năm tiếng, nhưng chuyến xe ấy lại đầy tiếng cười. Anh Tây đã được cô chú dạy cho cả tiếng Nghệ An, tiếng Hà Tĩnh. Dù là người lạ nhưng họ chẳng ngần ngại tặng nhau nải chuối, hộp mứt. Có lẽ người Việt Nam là thế, luôn luôn hiếu khách và giàu lòng nhân ái.
Ngọc bước xuống xe. Cô nhìn mãi con đường đi vào xóm nhỏ. Mới lễ Quốc Khánh về đây nhưng con ngõ nhỏ lại khác đi một chút. Màu đỏ của lá cờ Tổ Quốc vẫn tung bay phất phới như ngày nào, nay lại có thêm sắc hồng của những chậu hoa đào, màu vàng của những trái quất.
"A! Chị Ngọc về".
Từ xa tiếng bọn trẻ con vang vọng cả xóm báo hiệu cho những người khác biết. Ngọc chậm rãi kéo từ trong ba lô ra vài ba bịch kẹo xanh đỏ rất bắt mắt để chúng chia nhau ăn. Chà! Đứa nào đứa nấy cũng đã cao thêm vài phân.
Cây ớt, cây chanh của mẹ luôn xum xuê trái. Vườn bí ngô đã hết trái nhưng vẫn xanh tươi mơn mởn. Cửa nhà đã được sơn lại, hai bên được dán những câu đối đỏ trông rất bắt mắt. Ngọc mở cửa nhà, từ trong nhà mùi thơm ngào ngạt không ngừng tỏa ra. Thì ra là mẹ cô đang sên mứt dừa ngũ sắc.
"Ơ về rồi đấy à".
"Vâng".
Mẹ Bình trán đầy mồ hôi, tay cầm đôi đũa gỗ không kịp cất đi, nhưng vẫn vội kéo con gái lên phòng cất cặp.
"Tắm rửa nghỉ ngơi rồi xuống ăn tối".
Ngọc về lại căn phòng đã gắn bó hơn mười năm nay. Dù bây giờ không có ai ở, nhưng phòng vẫn được dọn sạch sẽ và trang trí đẹp mắt.
Những cuốn sách Ngữ Văn mười hai , những bài thơ Sóng, Tây Tiến, Đất Nước,...Mới ngày nào cô còn là một cô học sinh tràn trề nhựa sống mà giờ đây Ngọc đã phải rời xa vòng tay ba mẹ, trường lớp...
Trên bàn đặt một bộ áo dài màu xanh dương cổ truyền thống rất đẹp. Có lẽ là mẹ đã đặt may theo số đo của cô. Đồ mẹ mua chưa bao giờ quá chật hay quá rộng với cô. Mẹ chọn màu xanh có bởi nó không chỉ là màu cô yêu thích mà còn là màu hợp tuổi với cô... Mẹ có đôi lúc lẫn lộn tên của cô và em gái nhưng chưa bao giờ quên đi sở thích của cô.
Ngọc kéo từ dưới gầm giường ra một chiếc hộp cũ đầy bụi bẩn. Trong đó chứa cả một kho tàng kỷ niệm: kỷ yếu, lưu bút, ảnh thẻ.... Còn có cả tấm hình của cô và mối tình đầu khi ấy. Thời gian đúng là chẳng chờ một ai...
.....
Tối đó, ba đi làm về. Hôm nay là hai mươi tám Tết, ông đã đem về một cây quất lùn xum xuê trái đặt ngay bên bàn uống nước. Còn mẹ thì đã dọn ra một bữa cơm vô cùng thịnh soạn.
"Thịt kho tàu, nem rán, thịt đông, canh khổ qua...Trời ơi, con sẽ tăng mười ký mất"
"Ôi dào, con gầy như con mắm rồi đấy. Học hành bỏ ăn hả con. Hay lại ăn mì gói?" Mẹ Bình vừa nói vừa gắp lia lịa đồ ăn vào bát cho cô con gái bé nhỏ của mình. Bát cơm giờ chỉ toàn thấy thức ăn, không còn thấy cơm nữa.
Đang ăn cơm những tiếng chuông cứ vang lên. Hóa ra cô Lan hàng xóm sang biếu hai đòn bánh tét. Mỗi lần Tết đến, cả xóm lại tụ tập nhau tại một nhà nhất định, người góp lá chuối sau vườn, người hùng nếp, đỗ và thịt, người thì phụ gói bánh rồi chia cho cả xóm. Mọi năm công việc của Ngọc chính là canh lửa. Ấy vậy cô vẫn thường hay ngủ quên nhưng trộm vía là chưa năm nào làm bánh khét.
"Mốt cái Ngọc dậy sớm đi chợ sắm ít đồ Tết với mẹ nhá".
"Sắm gì nữa hả mẹ?".
"Đồ cúng này, vài bao lì xì, thiếu gì cái phải lo hả con".
Ngọc gật gật, vừa ăn hết một mảng thịt to. Ba lại gắp vào chén một trái trứng vịt ú nu.
"Ba à con gái béo là không có ai rước về đâu"
Ông phẩy phẩy tay:
"Dào, không ai rước thì về ba lo".
Bữa cơm nho nhỏ kết thúc trong sự sum vầy. Và Ngọc dường như đã quên mất lời hứa đi chợ mãi đến khi mệt lên nhà gọi. Ngọc vội vã vơ đại chiếc áo khoác ngoài, xuống tới nhà mới biết đồng hồ mới chỉ năm giờ sáng. Thế mà mẹ cô đã ở ngoài sân từ lâu để tưới cây.
Lâu lắm rồi Ngọc mới ngồi trên chiếc xe máy năm mươi phân khối mà ngày ấy hay đi học. Những tưởng giờ này còn quá sớm, ấy vậy ngoài chợ đã tấp nập từ lâu. Âm thanh rao của chợ cá, tiếng buôn hàng, mùi bánh giò, bánh bao thoang thoảng trong gió. Ở Sài Gòn cũng có, nhưng Ngọc ít khi dậy sớm như vậy để lắng nghe những thanh âm này. Ai ai cũng chăm chỉ tăng ca kiếm thêm tiền để trang trải cho mùa Tết thật ấm no đủ đầy.
Ngọc ngồi một mình bên hàng ăn sáng. Sau khi phụ Mẹ Bình mua ít trái cây. Những trái dưa hấu được khắc chữ Phúc- Lộc- Thọ điểm thêm những hạt kim tuyến lấp lánh. Ngoài ra còn mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Thêm vài thỏi vàng bằng nhựa. Tất cả đã sẵn sàng cho một mâm ngũ quả năm mới. Sở dĩ cô ngồi đây ăn sáng là bởi mẹ Bình đã đi sâu vào chợ có lẽ là vừa tán gẫu vừa mua thêm ít bánh kẹo. Bánh giò năm ngàn một cái, bánh mì mười hai ngàn một ổ, bún bò hai mươi lăm ngàn có cả giò. Giá rẻ hơn ở trên thành phố nhiều. Ngọc thật sự muốn ăn hết chúng một lần.
Khoảng ba mươi phút sau, Ngọc chở mẹ về nhà trên con đường chợ Tết. Người ta bày bán hoa mai hoa đào rất thưa thớt không còn nhộn nhịp như hai năm về trước. Đến hôm nay đã ba mươi Tết nhưng cây quất, hoa vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Cách đó khoảng năm trăm mét, người ta dùng rìu đập vỡ các chậu cây mà mình đã cất công vun bén. Sau dịch covid, Tết buồn hơn hẳn. Đối với nhân dân ta mà nói, chỉ mong bữa cơm manh áo, ăn Tết tạm chứ làm gì còn dư dả để sắm sửa cái này cái kia. Người nông dân cũng vì sự mưu sinh, thời buổi này gia đình nào cũng khổ cực, ai cũng mang một nỗi riêng. Phía sau những cây hoa hoa anh đào, cây mai, bông cúc rực rỡ ngày Tết là cả niềm kỳ vọng bội thu của người nông dân để về nhà ăn Tết. Phía sau một người mua hoa là những ngày gom nhặt, làm lụng để có tiền trưng hoa ngày Tết cầu sự an khang thịnh vượng, an lành trong năm mới.
Đi đoạn về tới nhà, nhưng bận chẳng kịp nghỉ tay.
Em gái Ngọc thích nhất là bày hộp bánh mứt. Nó có thể tranh thủ nếm trước bánh kẹo. Những món mứt không thể thiếu trong ngày Tết phải kể đến mứt dừa, mứt gừng. Mứt Tết từ lâu đã trở thành một phong tục ẩm thực ngày Tết. Không chỉ ăn ngon, mứt Tết còn dùng để dâng lên tổ tiên cầu cho sự may mắn, hạnh phúc hay trang trí, biếu khách. Ngoài ra, năm nay khay bánh kẹo nhà cô còn có: mứt cóc, mứt me, mứt bí, kẹo dẻo trái cây, bò khô, hạt dẻ cười...nước ngọt và trà nóng cũng là những thứ không thể thiếu.
Cô lặng lẽ nhìn em gái bé nhỏ của mình. Ngày cô đi học đại học. Nó là đứa khóc to nhất. Lúc đó cô nhóc chỉ mới 8 tuổi. Giờ đã gần hai năm trôi qua rồi. Những nếp nhăn trên gương mặt ba ngày một rõ hơn. Cô vẫn chưa thành đạt, ấy vậy mà mẹ với ba đã già đi rồi.
Mâm cỗ ngày ba mươi Tết cũng thật đặc sắc: bánh tét, xôi gấc, giò, thịt luộc,....đều do chính tay mẹ Bình làm. Mẹ cứ mắng cô mãi, muốn cô đừng nằm nữa. Nhưng lại lén cô một mình làm hết tất cả việc trong nhà để cô không phải đụng tay.
“Ơ thế cái Ngọc, tí có qua nhà cô Thư không”. Cô giáo chủ nhiệm ba năm cấp ba của Ngọc. Lâu lắm rồi Ngọc không gặp cô…
“Vâng, hôm qua cái An vừa rủ con”. Bọn cô rủ nhau họp lớp bên nhà cô Thư. Nhưng mà, Ngọc lại hơi lo lắng về việc gặp lại người ấy.
….
“Bốn mươi mốt, thiếu hai”.
“Đầy đủ hơn năm ngoái”.
Lớp trưởng điểm danh bọn cô như hồi còn đi học. Lúc đi học, Ngọc giỏi nhất là những môn tự nhiên, cô thích làm theo những công thức, định nghĩa có sẵn hơn việc cảm nhận những bài thơ “ý tại ngôn ngoại” thật khó hiểu. Nhưng Nam Quốc Sơn Hà và Đất Nước thì Ngọc tự tin đang ngủ cũng có bật dậy đọc răm rắp.
Bọn cô cùng cô Thư ôn lại khá nhiều thứ. Cô lấy từ trong phòng một cuốn sổ ghi chú. Cô đọc tên ngày từng đứa đã đi trễ và nghỉ học. Bữa gặp mặt mở đầu với những kỉ niệm cũ dở khóc dở cười. Mọi người cười đùa khá nhiều. Chỉ có Ngọc là hơi bất an. Cô cứ nhìn mãi về phía cửa ra vào hay bất kì cái cửa nào trong nhà.
“Ở đây có đứa nào học ngành công nghệ không?” Cô Thư hỏi cả bọn
“Em thưa cô”.
“Thật hả Khánh, để cô giới thiệu với các em một người nhé”. Nói rồi cô Thư đi lên lầu. Mãi một lúc sau cô dắt xuống một người con trai khác. Lưng anh rộng và rất vững chãi, đôi mắt sáng ngời và khuôn miệng luôn mỉm cười vui vẻ. Đúng như trong kí ức của cô. Anh vẫn như vậy, chỉ là đường nét trên gương mặt đã trở nên chín chắn hơn.
“Đây là anh Dũng, cháu trai của cô. Học trường mình trên mấy em hai khóa. Anh vừa ra trường được nhận vào công ty lớn làm Mấy đứa nghe anh chia sẻ kinh nghiệm nhé”.
“Ôi cô ơi, trường mình ai chẳng biết anh ấy. Ước gì ngày ấy em cũng chịu học tập nghiêm chỉnh như anh”.
Anh là người đúng nhất khối mười hai năm ấy. Là người Ngọc vô cùng yêu thích trên cả hâm mộ mà là một tình yêu đôi lứa. Có vẻ anh sống rất tốt. Anh vẫn luộn lấp lánh gì là ở nơi nào. Ngọc cũng chẳng còn thắc mắc: không biết bây giờ anh có còn độc thân không. Ngọc chỉ muốn hỏi bây giờ anh sống ra sao. Có còn nhớ cô không. Sự bối rối trong mắt Ngọc khiến cô phải lặng lẽ cúi đầu gọt táo để không ai biết được cảm xúc của cô hiện giờ.
Buổi gặp mặt kết thúc trong hai tiếng. Ngọc đi về được nửa đoạn đường mới phát hiện mình để quên điện thoại ở nhà cô Thư. Ngọc thật hận cái trí nhớ của mình quá đi mất. Vừa chạy đến cổng nhà cô, bóng anh đứng dựa lưng vào cổng đã hiện lại. Ngọc cố gắng lơ đi và lướt qua anh. Nhưng anh đã gọi cô lại.
“Em để quên cái này đúng chứ”. Anh lấy từ trong túi ra một chiếc điện thoại có dây treo hình hoa hướng dương. Anh đưa nó cho cô rồi mỉm cười.
“Hoa hướng dương tựa trưng cho hy vọng phải không. Nó dễ thương lắm đó”.
Đôi mắt Ngọc sáng lên, môi cô rung rung:
“Anh còn nhớ em không..”.
Ngọc chẳng dám nhìn thẳng mắt anh.Một luồng ấm áp xoa xoa mái tóc cô.
“Nhớ chứ, hai năm không gặp. Em gầy đi rồi”.
….
Giao thừa năm nay, Ngọc cứ nghĩ ngợi mãi về chuyện anh nói nhớ cô. Nhưng đối mặt với nó, cô lại bỏ chạy chẳng thèm trả lời anh.
Ngọc cứ nghĩ hôm nay sẽ là một ngày vui mãi đến tám giờ tối. Ngọc chứng kiến hai mẹ con nhỏ lay lắt giữa trời tối lục tìm thứ gì trong thùng rác. Hóa ra, không phải đến Tết ai cũng sẽ vui vẻ. Ngoài kia cũng có những người đau khổ vì Tết đến nhường nào. Người mẹ bán ve chai nuôi cậu con trai, bố cậu bé mất vào ngày giao thừa. Mỗi khi đến Tết, nỗi đau của họ như được ghim chặt. Gia đình ba người vui vẻ đón chờ ngày Tết bấy giờ lại khổ sở vì nó. Tết đến cô hy vọng tìm nhặt thêm được ít lon nước ngọt, lon bia mua thêm cái bánh chưng cho giống người ta để đỡ tuổi. Ấy vậy Ngọc vẫn còn phung phí khi chê bánh chưng bánh tét ngán rồi liên tục bỏ mướn. Ở đâu đó những những thứ cô cho là vô dụng lại là cả hy vọng của người khác.
Ngọc về nhà trong trạng thái buồn rầu,kì nghỉ Tết mà cô luôn mong chờ để về nhà lại là điều mà gia đình nhỏ kia vô cùng căm hờn. Nhưng mà thời mãi cứ trôi, nếu có thể Ngọc cũng luôn muốn được quay lại những ngày vui vẻ của tuổi học trò khi ấy ở bên vòng tay của mẹ và ba, đùa giỡn cùng em gái.
Ngọc quay lại guồng quay của thời gian tận hưởng những gì mình đang có hết sức có thể. Cô cùng mẹ chia một nửa số bánh kẹo cho hai mẹ con kia. Hạnh phúc bé nhỏ của cô hiện tại không chỉ là được ở bên gia đình mà còn là được san sẻ niềm vui của mình đến những người khác.Khi tiếng pháo hoa vang lên rợp trời, Ngọc biết đó là một sự khởi đầu mới. Một năm mới đến với bao điều kì diệu đang cô tới.
…
“Ngọc à, Tết năm nay của cậu vui không?”
Vui chứ ! Ngọc tận tay đưa cho mẹ đôi giày mới, cùng mẹ mặc chiếc áo dài màu xanh dương đi chùa cầu chúc. Được gặp lại anh, trò chuyện cùng anh. Hay đơn giản là khám phá thêm những điều mới mà cô chưa từng nghĩ tới.
Trên chiếc xe về Sài Gòn, Ngọc lại có cơ hội gặp lại người mẹ kia. Gương mặt bà đầy tươi tắn, có lẽ hai mẹ con đã gặp lại nhau. Anh Tây cứ e thẹn mãi trên xuống quãng đường. Hóa ra, anh nói ngọng quá mãi mẹ bố vợ mới nghe ra được nhưng lại hiểu lầm ý. Bác tài xế vừa về nhà đã bị vợ giận vì không về thăm vợ con suốt những ngày dài. Mọi chuyện vẫn diễn ra, nhưng trong những điều bình thường đã xuất hiện mầm mống của những điều mới….
Bình luận
Minh Anh Trần Nguyễn
Người dùng mới
Người dùng mới
Người dùng mới