Hoàng hôn


Số phận chưa lúc nào ngừng trêu đùa những người đàn bà khổ phận. Đã hơn một năm kể từ ngày dì Nam về làm dâu nhà này, Lụa đã hơn 10 tuổi. Con bé phổng phao lên thấy rõ, một tay đảm việc nhà, một bên học giỏi nhất lớp, tháng nào cũng đem học bổng về. Bà nội và bố đã đỡ gai mắt hơn với nó.

Nhưng bụng dạ của dì Nam thì mãi vẫn không có động tĩnh. Họ hàng đàm tiếu bên tai:

“Thằng Hoạt làm sao thế. Lấy vợ để có con trai mà giờ một cái nhọt còn chẳng có. Gần bốn mươi tuổi rồi. Giờ mà không đẻ thì sau này làm sao đẻ được. Chị có xem thế nào đi chứ.”

Thật ra chẳng cần họ hàng thúc giục, bà nội đã nóng ruột lắm, liên tục bảo dì Nam đi cắt thuốc Nam tẩm bổ xem sao. Chờ nửa năm bà còn chờ được, chờ đến một năm rưỡi thì bà mất miễn nhẫn lắm rồi. Bố bắt đầu lêu lổng ăn chơi, cờ bạc như cũ, đêm ngày cắm dù ở sới gà. Miệng ăn núi lở, của hồi môn của dì Nam hết dần hết mòn. Bà nội không còn mặn mà với người con dâu này, bố Lụa không cần phải bày ra vẻ mặt nịnh nọt như ngày xưa. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng chì chiết trách móc.

“Cây độc thì không trái, gái độc không con. Nhiều tiền làm gì, có cái đẻ cũng không biết.”

Bố Lụa bắt đầu vòi tiền nhiều hơn, không được, đập phá đồ đạc trong nhà. Bát đũa rơi vỡ loảng xoảng. Tủ quần áo của dì Nam bị lục tung lên. Lụa không chịu nổi, run rẩy trốn vào trong tủ. Đến rồi. Tình cảnh năm nó sáu tuổi lần nữa gặp lại. Gã đàn đánh bôm bốp vào người phụ nữ, dí cái chai vỡ luôn miệng hỏi tiền đâu. Lụa nhảy xổ vào giữ lấy tay bố, khóc lóc ngăn cho gã không động được vào dì Nam. Sức nó không bì được với một người đàn ông lực lưỡng, bị đẩy ra đập đầu vào cột. 

Nhưng nếu như mẹ Lụa chỉ biết khóc lóc, dì Nam bình tĩnh hơn rất nhiều. Người phụ nữ chẳng nhìn Lụa. lấy một chiếc hoa tai đeo lên tai mình. Bố tưởng vàng muốn cướp, dì dịu dàng bảo:

“Đồ giả đấy mình.”

“Đồ giả thì mày đeo lên làm gì con chó. Trước mày khoe khoang mày giàu lắm mà.”

“Giờ em hết tiền thật. Cửa hàng trên thành phố đang khó khăn quá vì em vừa mới nhập hàng xong. Kể thì em bán quách đi đưa tiền cho mình cũng được, nhưng chỉ được ngày mốt ngày hai, lỡ sau này cần tiền thì biết làm thế nào.”

“Nhưng mà giờ tao cần tiền. Chúng nó sắp tìm đến nhà rồi.”

“Mình có thể vay tạm ở đâu ít ngày, chỉ 3 hôm nữa thôi là bán hết hàng rồi. Em bán đi thì sẽ có tiền đưa cho mình. Đến lúc ấy thì tiền hàng lãi nhiều ghê lắm.”

“Có thật không?” Bố Lụa lẩm bẩm. “Nhưng giờ vay đâu được giờ. Mà lấy cái gì thế chấp?”

Dì Nam đứng dậy khỏi bàn trang điểm, chỉnh lại góc váy:

“Anh hỏi vay thằng Xuân ở trên trấn không? Chỉ ba ngày thôi. Đừng thế chấp tài sản gì cả.” Rồi dì nhìn ra cửa, nơi Lụa đang núp không nói gì. Gã Hoạt cũng nhìn theo, trong nháy mắt, Lụa cảm thấy gai hết cả người.

Hôm ấy, bố Lụa lại đi sớm về muộn, mãi đến khi tối mịt vẫn không thấy đâu. Bà nội mắng ra rả dì Nam không biết quản chồng, để chồng đi chơi tối ngày.

“Giá mà cô biết đẻ thì giờ nó có đứa con mà hú hí. Có phải tu chí làm ăn rồi không. Nuôi con gà mái còn có trứng mà ăn. Nuôi người… vô dụng.”

“Con thấy mấy hôm nay trong bụng không yên. Để con đi khám xem thế nào? Chưa biết chừng có cháu nội đấy mẹ ạ.”

“Thiệt hả?” Bà nội trở mặt ngay lập tức. “Tạ ơn trời phật, ơn giời nhờ phật, nhà con đúng có là phúc lớn.”

Bẵng đi hai bà ngày, bố Lụa đi một mạch chẳng về, khi về mang theo một đôi mắt thâm quầng. Gã đẩy cửa đến rầm một cái, phá tan cái cửa buồng của dì Nam.

“Tiền đâu. Mày có tiền hàng chưa?”

“Mình chơi hết số tiền kia rồi hả?”

“Mày hỏi làm chó gì. Đưa tiền đây tao còn trả chúng nó. Sắp đến ngày rồi.”

“Hàng bị lỗi phải gửi lại người ta. Quản lý gửi thư báo em vậy. Em tính bảo với mình từ hôm nọ mà mình không về."

"Mày đùa ông hả?"

Gã Hoạt tức đỏ mặt rồi giáng một phát tát vào mặt dì Nam. Lụa đang chăm đàn gà ở ngoài sân chạy vội vào. Người đàn ông điên lên ấn vợ mình xuống bàn trang điểm, nghiến chặt răng lại.

“Giờ mày có đưa tiền không? Hay để tao dần cho mày nhừ tử.”

“Buông dì con ra!” 

Lụa vội lao đến ôm chân bố. Gã gạt mạnh chân, khiến con bé bay sang một bên, rồi tiếp tục ấn dì Nam xuống dưới đất. Trán dì chảy máu ròng ròng, gương mặt xám lại, tiều tụy. Sự sợ hãi bao vây Lụa, con bé hét khản cả cổ để cầu cứu nhưng chẳng có ai đáp lại.

Dì Nam ăn đòn một trận rồi mới có tiếng đập cổng bên ngoài. Không biết từ đâu, một đám người hùng hổ giẫm lên cổng xông vào. Lụa càng sợ đến xám mặt, vì nó chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người đến với khuôn mặt hầm hầm và cả dao rựa như vậy. 

“Thằng khốn kia đâu rồi. Thằng Hoạt. Mày đừng có trốn nữa, làm phí thời gian của tụi tao.”

Bố Lụa đang đè dì Nam cũng phải thu tay lại, run như cầy sấy. Gã rít lên rất nhỏ:

“Giờ làm sao bây giờ.”

“Cút ra đây!”

Lại thêm một tiếng gọi nữa, Hoạt giật bắn người khúm núm bò ra ngoài, vừa bò vừa van xin. Tên cầm đầu vung con dao dài lên, đặt lên cổ kẻ đang quỳ hèn mọn:

“Có tiền chưa?”

“Anh vẫn chưa có tiền. Chú thư thả cho anh mấy hôm.”

“Thư là thư thế nào? Mày đã ký giấy hẹn ba ngày. Tính nuốt tiền của ông đây hả?”

‘Không không. Ai mà dám nuốt tiền của các chú chứ? Tôi hứa sẽ trả mà.”

“Tao không tin cái mồm mày nữa. Bây giờ thế này đi, vợ chồng con cái mày xách đồ ra khỏi đấy. Cái nhà này tao xiết nợ.”

“Ấy chết.” Dì Nam đã chỉnh lại trang phục từ lúc nào, vừa ra ngoài đã van lơn đám côn đồ. “Nhà cháu đang gặp khó khăn chứ không dám khất điêu các chú. Các chú thông cảm cho. Có mỗi cái nhà bé xíu, để 2 cái chõng cũng không vừa, có gì đáng giá đâu mà các chú lấy ạ. Chi bằng đợi một thời gian nhà cháu sẽ trả cả gốc lẫn lãi.”

Đám côn đồ cười rộ lên:

‘Nghe nó nói cái gì này. Giờ mày còn muốn bàn điều kiện. Tao nói cút là cút.”

Được tên cầm đầu ra lệnh, đám côn đồ xồ tới xách dì Nam và bố Lụa muốn khiêng ra ngoài. Dì Nam không chịu, giằng tay lại:

“Hay là nhà cháu thế chấp cái khác, các chú xem có ổn không?”

Hoạt sắp bị tống cổ khỏi nhà rồi, nhìn vợ mình như cứu tinh:

“Có tiền sao bây giờ mới chịu bỏ ra hả?”

“Em lấy đâu ra tiền.” Dì cuống. “Hay là chú xem xem. Nhà có đứa con gái năm nay sắp lên mười một. Tuổi này đã làm việc tháo vát nhanh nhẹn, có thể…’

“Mày điên rồi hả con kia?”

Hoạt quát lên, Lụa cũng không thể tin được vào tai mình. Chỉ có sườn mặt của dì Nam là lạnh nhạt như thường ngày. 

“Dì ơi.” Nó gọi. “Sao dì lại nói thế ạ?”

“Xin lỗi con. Dì cũng chỉ muốn sống mà thôi.”

Dì Nam quay sang một bên chấm nước mắt. Nước mắt rơi trong giờ phút này còn ý nghĩa gì nữa đây.

Tên cầm đầu đã nhìn thấy Lụa, mắt sáng lên như một tay buôn thứ thiệt tìm ra bảo vật. Gã nắm tay cô bé, quay người Lụa xem xét thật kỹ “Món hàng”.

“Được. Sao chị không nói sớm. Thôi thì chúng tôi chịu thiệt, nhưng không biết anh nhà thì thế nào?”

Hoạt há hốc miệng nhìn con gái la hét giữa đám người. Mặc dù gã cũng không thương gì con gái, thậm chí coi nó như của nợ, nhưng con vẫn là con. Sau này tuổi già gã còn cần nương tựa vào nó nữa. Huống hồ gì, bán con có khác nào làm trò cười chê cho thiên hạ.

“Mình ơi. Em  vừa đi khám. Người ta bảo em có chữa rồi. Mất nhà rồi thì lấy chỗ đâu cho con ở.”

Chỉ một câu như thế của dì Nam đã thức tỉnh người đang phân vân. 

Tên côn đồ còn bồi thêm câu:

“Hay để tao lấy ngón tay của mày làm tin nhé.”

Hoạt ngay lập tức gật đầu như bổ củi:

“Được được. Tôi không có ý gì cả. Giờ các chú muốn thế nào, tôi cũng đồng ý hết.”

“Thế tụi mày lấy giấy viết cho nó cái đơn nhượng quyền nuôi con nhanh lên. Từ giờ nó sẽ là con nuôi của tao, không còn liên quan gì đến mày nữa.”

‘Dì ơi.” Lụa khóc lên xé lòng xé ruột ôm chân Lụa. Người đàn bà từng bao dung nhìn nó chơi đu quay lúc này chỉ nhắm mắt lại lảng tránh. “Dì cứu con đi mà. Con cắn rơm cắn cỏ lạy dì. Sau này con sẽ ngoan. con không đi học nữa, không đi chơi nữa. Con chỉ ở nhà chăm em bé với làm việc nhà thôi.”

Trước những giọt nước mắt nức nở của Lụa, dì Nam chỉ gạt tay nó ra.

“Dì còn phải cứu sống chính mình nữa. Dì không cứu được con.”

Niềm hi vọng cuối cùng trong mắt Lụa cũng tắt ngấm vì sự tuyệt tình của dì ghẻ. Giờ nó mới thấm thía thế nào là mẹ ghẻ con chồng. Rốt cuộc, nó cũng chỉ là một vật hy sinh. Lụa bất lực nhìn bố mình vội vã ký giấy. Có lẽ bố nghĩ rằng mình vẫn còn một đứa con, hơn nữa còn có thể là con trai, từ bỏ một đứa vịt giời để đổi lấy đôi nhà có lỗ đâu. 

“Biết điều đó. Mày cứ chờ đó. Một hai ngày nữa nộp giấy tờ cho bên pháp lý xong tao sẽ lên đón nó. Nó mà sứt mẻ ở đâu. Mày xác định lấy ngón tay bù vào đấy nhá.”

Tên côn đồ cất tờ giấy vào trong áo rồi cười khùng khục dẫn đám đàn em rời đi, để lại sân nhà tan hoang. Lụa ngã rạp xuống đất như người mất hồn.

Nó không biết tương lai mình sau này sẽ đi đâu về đâu nữa. Nó lại bị bán đi như một món hàng rồi, để gán vào khoản nợ do chơi cờ bạc của bố.

Hoạt chẳng quan tâm đến nó, chỉ nhìn dì Nam:

‘Có thật mày có bầu rồi không?”

“Nếu anh không tin có thể hỏi bác Là. Em làm sao lừa dối được bao nhiêu người như thế. Em thích ăn ngọt, người ta bảo có thể là con trai đấy.”

Mặt Hoạt đã nguôi nguôi, nhưng vẫn không quên nhắc;

“Thế bao giờ thì mày mới có được tiền. Mày tính lừa tao đến bao giờ?”

“Để em xem xét bán cửa hàng đi mua ruộng ở dưới này để làm việc. Còn đâu phần còn lại em đưa cho mình.”

“Mày nhớ mồm mày đấy.” Gã chỉ sang Lụa. “Mua cho nó hai bộ quần áo mới. Trông nó thật kỹ. Nó mà trốn mất thì mày có chửa tao cũng giết mày.”

“Em biết rồi.” Dì Nam đáp rồi sửa lại cái rào bị đám côn đồ đập nát. Mãi về sau nhớ đến Lụa, dì mới bảo con bé:

“Lụa. Đứng dậy.”

Cùng là một câu nói ấy, một năm trước dì cho nó sự chở che bao nhiêu thì giờ phút này lạnh lùng vô hồn biết mấy. Lụa thấy lòng người làm nó hoang mang quá.

“Dì thật sự muốn bán con sao dì?” Nó vẫn bám riết theo hỏi.

Dì Nam cúi xuống những giọt nước mắt của Lụa, nhỏ giọng:

“Nếu như con tin dì, nếu như muốn đi theo dì thì chờ mấy ngày có được không?”

Lụa càng hoang mang, nhưng nhìn vào đôi mắt dịu dàng của người mẹ kế, nó lại tự giác tin tưởng. Tin tưởng rằng tình yêu mà bấy lâu nay mình cảm nhận được không phải là thứ giả tạo.

Suốt mấy ngày sau đó, bà nội ngày nào cũng hờ khóc chửi con trai đam mê cờ bạc, tí nữa thì nướng mất nhà cửa vào tay bọn cho vay nặng lại. Bà chửi tiếp đám người không có lương tâm ăn xương uống máu người nghèo. Bà chửi cả dì Nam không giúp chồng tu chí làm ăn. Chửi nàng dâu đầu tiên lăng loàn đốn mạt theo trai. Vậy mà không có câu nào bà tìm cách giữ lại đứa cháu mất mẹ côi cút đáng thương. Gã Hoạt càng chẳng phải nói, cơn nghiện cờ bạc làm người bố bứt rứt không yên, còn đâu tâm trạng để ý tới con gái. Lụa bị nhốt ở trong phòng mình, nhìn ra bầu trời ngoài kia qua cái ô cửa nhỏ xíu. thi thoảng, nó sẽ nghe thấy giọng bà Mùi oang oang:

“Mày giấu con bé ở đâu rồi? Mày đúng là đồ đàn bà ác độc. Ngay cả một đứa bé mày cũng không tha được hả? Tao bảo mà. Đàn bà mà có đôi mắt sắc như dao găm toàn là lũ độc ác giết người.”

“Bà nói đủ chưa?” Dì  Nam cười khẩy đáp lại. “Mấy ngày trước bà còn lấy lòng tôi mà, không phải sao?”

“Mày…”

“Bà nhắm cứu nổi nó thì vào mà cứu.’

“Mày… mày mất dạy!’”

Lụa bịt tai lại, chờ đợi án tử của mình ngày một đến gần. Nó vẫn thường lén nhìn ra ngoài, thấy dì Nam đang hí hoáy làm cái gì đó bên trong đống quần áo, trông sắc mặt thanh thản đến lạ.

“Nếu tin dì, nếu muốn ra khỏi đây…”

Con bé nhớ lại lời của dì, vẫn không hiểu được ẩn ý đằng sau câu nói đó. 

Chẳng mấy ngày, đám côn đồ lại tới. Lần này chỉ có hai người. Chúng đến đón Lụa đi rồi. Hoạt khúm núm giao con gái ra, còn giả tạo nặn ba giọt nước mắt;

‘Các chú đừng ngược đãi cháu được không. Cháu nhà tôi ngoan lắm.’

“Hì hì.” Dì Nam từ trong nhà bước ra, chợt bật cười. “Mình à, anh thương con vậy sao?”

Thấy bố Lụa ngây người, dì lại nhoẻn miệng cười thật tươi. 

“Nhưng rất tiếc phải nói với anh là tôi không có đứa con nào cả. Con lớn mình bán rồi. Tương lai tôi cũng sẽ không sinh cho mình đứa nào cả. Mình ạ, tôi viết đơn ly hôn xong rồi. Một là anh ký vào đó và tôi nộp lên ủy ban. Hai là anh không ký, với số tiền tôi có, không đến một tháng là chúng ta có thể đường ai nấy đi rồi.”

‘Mày nói cái gì… Mày nói lại tao nghe nào?”

“Trước khi lừa cưới tôi mình biết tôi là ai mà. Cô hai chợ Đồng Xuân cũng có lúc ngu ngơ bị lừa đó. Nhưng mình nghĩ tôi sẽ nhịn nhục sinh con đẻ cái, làm người hầu cho mẹ chồng, làm cái mỏ vàng cho mình đào cả đời hay gì?”

“Mày…”

“Anh nên cảm ơn trời vì tôi kiên nhẫn cho anh lợi dụng một thời gian khá lâu đấy. Cũng chỉ vì nó mà thôi.” Dì Nam nắm lấy bàn tay bé nhỏ của Lụa. “Nhưng giờ thì nó không còn là con anh nữa rồi. Giờ nó sẽ đi theo tôi. Tốt nhất anh đừng có xuất hiện trước mặt tôi nữa.”

“Mày lừa tao. Mày lừa tao ký giấy vay nợ. Mày lừa tao bán con.” Gã Hoạt tức đến hộc máu, vung chân múa tay đánh vợ, nhưng lại bị hai người đàn ông lực lưỡng ghì xuống sân.

“Tôi đã cảnh cáo mình rồi. Mình đừng động vào tôi thế chứ. Tôi không dám chắc mình sẽ gặp chuyện gì đâu nghe. Tôi lừa mình sao? Ai giả vờ yêu tôi để bòn rút từng đồng một mà tôi kiếm ra chứ? Ai từng nói với hàng xóm tôi chỉ được cái nhiều tiền, chứ chơi còn không sướng bằng ả đào làng bên chứ?”

Dì Nam lau giày vào chiếc chổi rơm lăn lóc giữa sân như giẫm phải thứ gì dơ bẩn lắm.

“Hổ dữ còn không ăn thịt con. Nhà các người không chỉ bòn rút sức lực của nó, mà còn muốn bán con bé lấy tiền. Thứ máu mủ ruột rà ác độc như các người làm tôi ghê tởm quá. Từ nay nó không còn liên quan gì đến các người nữa. Nếu anh biết điều thì cũng đừng tìm nó.”

Lụa bị kéo đi theo dì Nam. Bóng hai người dần khuất sau giậu mồng tơi. Lụa như đang ở trên mây. Nó đã được rời khỏi ngôi nhà này, không còn phải làm việc quần quật như trâu như ngựa cả ngày nữa. Nó cũng không còn phải chịu những trận đòn roi của bố. Từ hôm nay, nó sẽ theo dì Nam đến phương trời nào. Lụa không hỏi, nhưng con bé biết ngày mai sẽ rất tươi sáng.

Trời chiều buông xuống xóm huyện nghèo, bầu trời ráng mỡ gà mơ hồ sau làn khói bếp.

***

Lụa và dì Nam đã bắt một chuyến xe khách, rời khỏi làng vào ngay chiều ấy. Đến tối muộn, hai người xuống xe và dừng chân ở một căn nhà có gác xép khang trang. Dì Nam đẩy cửa rồi kéo theo đồ đạc của Lụa theo, chỉ cho con bé phòng tắm. Căn nhà không có người ở nhưng mọi thứ đều sạch sẽ tinh tươm. Nhà tắm có vòi hoa sen, có bồn tắm và quả bồ kết đã nướng sẵn. Lụa cứ tưởng ở trong mơ, mãi mới nhớ ra, nó nhảy ù vào bồn tắm tắm vội tắm vàng.

Khi con bé ra, dì Nam đang ngồi đọc báo ở phòng khách. Thấy con bé cứ ngắm nghía khắp nơi, dì bảo:

“Nhà dì đó.”

Nó đỏ hoe hai mắt:

“Dì không bán con sao ạ?”

“Dì đâu phải người nhà của con, có quyền gì mà bán. Hơn nữa con là con người, không phải vật. Không ai có quyền bán con cả.” Dì đứng dậy, vuốt mái tóc vừa gội xong của Lụa. “Con phải nhớ, tương lai của con phải do con tự quyết lấy. Không ai có quyền sắp đặt thay con cả. Dì chỉ giúp con được con đến đây thôi, con đường sau này con phải tự đi hết.”

Lụa gật đầu, câu hiểu câu không. Nó mơ hồ biết rằng mình có thể rời khỏi làng là nhờ dì Nam đã lừa bố. 

Chẳng trách…

Trước đây nó cứ nghĩ, một người mạnh mẽ như dì tại sao lại cam chịu cảnh bị đánh đập, chịu bị bòn rút tiền chứ? Hóa ra, dì chịu đựng bao lâu là vì muốn đưa nó theo cùng đường đường chính chính.

Người ta vẫn thường sợ những người đàn bà mưu mô, nhưng trong giờ phút ấy, chỉ có mưu mô của dì Nam mới có thể cứu vớt cuộc đời Lụa.

“Con lên lầu nghỉ đi nhé. Con mệt rồi đó.” Dì Nam xõa tóc ra rồi bảo Lụa. Con bé chưa quen nơi ở mới, cứ nắm tay người phụ nữ không buông. Dì bật cười, ôm nó vào lòng mình rồi vỗ nhẹ vào lưng. “Hay cho dì ôm một xíu ru con ngủ nha.”

“Vâng ạ.”

Nó ngọt ngào đáp lại. Mái tóc của dì Nam thơm mùi hoa bưởi, giọng hát ngọt ngào cất lên làn điệu dân ca Bắc Bộ đằm thắm mà tinh nghịch. Chẳng mấy chốc, nó thấy mình díp mắt lại, dần chìm vào giấc ngủ. 

Trong mơ, nó nhìn thấy cây nêu cao vút và pháo hoa ròn rã. Dì Nam đỡ nó lên đu quay, nắng giòn tan chảy trên vai hai người.

***

Khi Lụa tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao. Nó đang gối đầu trong vòng tay một người. Nghĩ vậy, Lụa giật mình ngồi dậy vì sợ làm tê tay dì Nam.

“Con dậy rồi à?”

Một giọng nói xa lạ mà quen thuộc đánh tỉnh Lụa. Con bé mở mắt thật to, không tin vào những gì xảy ra.

Người ta bảo trí nhớ trẻ con như một cuốn phim mờ, nhưng Lụa lại nhớ rất rõ. Những người, những sự việc in trong đầu nó rất lâu. Nhất là cái đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, nó đã mơ thấy mẹ hôn lên trán mình và nói lời xin lỗi. Nó không tài nào quên được mình đã chảy nước mắt trong giấc mơ ấy, trước cả khi biết mẹ đã bỏ rơi nó.

Nên giờ phút này, chỉ cần nghe một tiếng gọi ấy thôi, Lụa đã biết mẹ quay trở lại rồi.

Nếu là một hai năm trước đây, có lẽ Lụa sẽ nhảy cẫng lên vui sướng. Nhưng nó đã ở trong cái khổ ba năm, trong ba năm ấy, chưa một lần nó được mẹ vỗ về, chở che. Ngay cả trong giấc mơ, bà cũng cách nó rất xa. Lụa chỉ có thể gồng mình lên tự ôm lấy vết thương trên tấm lưng của mình. Sau này, Lụa có duy nhất dì Nam âm thầm bảo vệ. Giờ phút này, mẹ nó quay trở lại, bằng xương bằng thịt, Lụa lại thấy tiếng mẹ khó thốt ra thành lời quá.

Thấy con gái xa cách mình, mẹ nó khóc rấm rứt:

“Lụa. Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi. Giờ mẹ mới có thể tìm con về.”

“Dì Nam đâu ạ.”

Nó nhìn quanh rồi hỏi, bỗng nhiên linh cảm thấy điều không đúng. 

“Dì hứa sáng nay nấu cháo cho con mà sao không thấy dì Nam.”

“Dì con đi rồi.” Mẹ nó sụt sùi. “Con không định gọi mẹ là mẹ sao?”

“Tại sao dì đi rồi? Dì hứa là…”

Lụa bụm miệng khóc khi nhớ lại câu nói tôi qua.

“Dì chỉ có thể giúp con đến đây được thôi.”

Mẹ Lụa cũng cuống lên giải thích:

“Mấy hôm trước chị ấy tìm mẹ. Dì con bảo sẽ đưa con ra khỏi chốn ăn thịt người kia, hỏi mẹ có thể chăm sóc cho con thật tốt hay không? Dì con là bồ tát sống, nếu không, mẹ cũng chẳng biết bao giờ có thể gặp lại con.”

Mẹ chìa một lá thư màu hồng xinh xắn ra;

“Cái này chị ấy gửi cho con.”

Lụa run rẩy đón lấy lá thư, cuống cuồng mở ra đọc. Chữ của dì Nam tinh tế, siết chặt tim Lụa.

“Khi con nhận được thư thì dì đã lên đường rồi. Dì muốn đi thăm thú khắp nơi một thời gian. Con đã gặp mẹ rồi đúng không? Dì hay thấy con lăn lóc trong đống rạ nhớ mẹ, mà mẹ con cũng nhớ con lắm đó. Giờ con có mẹ chăm sóc, dì có thể an tâm phần nào rồi. Ta chẳng có gì cho cả, chỉ có một chút quà nhỏ cho con. Bên trong thư có sổ bảo hiểm ta mở cho con, nếu gặp khó khăn thì dùng số tiền đó. Còn không thì giữ lại đề phòng bất trắc.

Dì coi con như con gái ruột vậy đó. Con gái của mẹ, con phải hạnh phúc đó nhé.”

Cuốn sổ màu hồng trong bì thư rơi xuống đất, giọt nước mắt của Lụa cũng thấm ướt những hàng chữ.

***

Ba năm sau…

Gió tháng 10 thổi trên những cành hoa sữa thơm ngọt, người phụ nữ chỉnh lại cái mũ rộng vành bị gió thổi bay khi vừa mới xuống xe. Mới có ba năm không trở lại mà nhiều thứ thay đổi quá. Nếu như Lụa có mặt ở đây, con bé có thể nhận ra đây là dì Nam của nó.

Chị Nam kéo theo hành lý đi trên phố cổ. Thành phố giờ sôi động hơn rất nhiều, xe cộ đi lại như mắc cửi. Kể từ lúc bỏ chồng, chị đã không trở lại quê hương suốt một thời gian dài. Ở Tây Nguyên suốt ba năm, chị trồng một vườn cà phê, cũng mở một quán cà phê nhỏ ở trên đấy. Đất nước mở cửa, kinh tế người dân khấm khá hơn, người ta đã tính đến chuyện giải trí và thưởng thức, nên quán khá đông khách. Lâm Đồng là một mảnh đất dễ làm cho người ta say. Nhưng chị Nam vẫn một lòng nhớ về quê hương, nơi có một đôi mắt rất sáng. Năm ấy, trong quãng đời nhạt nhẽo, chị đã gặp cô bé mới chín tuổi kia. Lụa giống như ngọn cỏ, yếu đuối mà sắc bén. Chị nhìn thấy mình trong đôi mắt ao ước mỗi lúc ngắm bầu trời của nó.

Chị quyết định vươn bàn tay mình ra, cứu lấy con bé từ đám bùn đất kia, để con bé có thể trở thành cánh chim tự do bay lượn trên bầu trời.

Khi có ý định đó cũng là lúc Nam nhận ra bộ mặt của người chồng, đồng thời tuyệt vọng vì cuộc hôn nhân thứ hai của mình đã thất bại. Mẹ chồng ích kỷ và ưa dò xét. Người chồng cờ bạc, rượu chè và bạo lực. Những người phụ nữ lấy chồng vì muốn xây dựng gia đình, chứ không phải để cố gắng trám lại những vết hổng do người khác cố ý bày ra. Đối với chị, hôn nhân sai lầm phải làm lại ngay. 

Đáng lẽ Nam đã có thể bỏ chồng ngay từ năm đầu tiên. Nhưng bé Lụa còn quá nhỏ. Chị chỉ là một người mẹ kế, không có quyền hành gì với con vợ trước. Chính vì vậy, Nam nhẫn nhịn ở lại tới nửa năm, đi khắp nơi tìm cho bằng được Thanh,a mẹ của Lụa. Cô ấy bỏ chồng xong, cũng vất vả mưu sinh trên thành phố, làm bảo mẫu cho người ta, với mong muốn kiếm thật nhiều tiền để trở về đòi lại con. 

“Sao tôi nghe nói chị lập gia đình rồi?” 

Khi Nam hỏi như vậy, mẹ Lụa chỉ lắc đầu:

“Lập gia đình làm gì. Người làng đồn đại vậy thôi. Tôi còn một đứa con gái, tôi còn phải trở về tìm nó.”

“Nếu thương nó như vậy sao chị bỏ đi.”

“Tôi mà ở lại, cả hai mẹ con tôi sẽ chết. Chết dần chết mòn.”

Nam không có quyền nhận xét bà ấy đúng hay sai, chị chỉ thấy chạnh lòng và thương thay cái Lụa.

Sau khi bàn bạc với mẹ con bé xong, chị bắt đầu lừa Hoạt, khiến cho gã nợ ngập đầu đến nỗi phải bán con gái. Khi ấy, chị có thể đường hoàng ép gã từ bỏ quyền nuôi con. Đứa trẻ có thể tự do trở về với mẹ nó.

Còn Nam, tình cảm mượn tạm bằng ấy thời gian đã đủ sưởi ấm cõi lòng của chị rồi. Chị sẽ âm thầm rời đi trong giây phút mẹ con họ đoàn tụ, từ nay để Lụa tự quyết định số phận cuộc đời mình.

Giờ con bé đã lớn bằng nào rồi nhỉ. Chị Nam xoa tay vào áo khi đứng trước cửa nhà mình. Khi vặn nắm tay, chị chợt cảm thấy lạ quá. Trước cổng nhà rất sạch sẽ, cửa sắt mặc dù cũ nhưng không bị hoen rỉ, trong nhà còn trồng cả hoa thơm. Tra khóa vào ổ mở cửa, chị càng ngạc nhiên khi thấy trong nhà sạch sẽ tinh tươm, tràn đầy sức sống. Giống như chủ nhân căn nhà này chưa từng vắng mặt trong ba năm…

Ba năm nay có người ở đây sao? Suy nghĩ này làm Nam thấy thổn thức, chạy khắp nhà để tìm kiếm. Không có ai cả. Chị thở dài, kéo hành lý vào nhà rồi định bụng mang quà đi chào hàng xóm. Nào ngờ, người mà chị gặp đầu tiên khi ra khỏi cửa là một thiếu nữ.

Cô gái rất cao, cao gần bằng chị Nam, tết tóc đuôi sam, làn da hơi ngăm nhưng khỏe khoắn, và đặc biệt là có đôi mắt rất sáng. Hơi thở chị như đóng băng lại, cô gái trước mặt cũng đỏ ửng cả mắt, gọi lớn:

“Mẹ ơi. Mẹ.”

Chị Nam đứng trơ ra để cô gái nhảy bổ vào lòng mình. Hương ổi trên người con bé thơm quá. Bao nhiêu ký ức ùa về, chị rưng rưng bật ra một cái tên:

“Lụa…”

***

Lời bình

Câu chuyện này được chắp nhặt từ lời kể của bà tôi về một người phụ nữ mà bà phải nhận xét bằng hai chữ “rắn mặt”. Lụa và dì Nam đã rời làng vào hôm ấy, để lại cái kết còn bỏ ngỏ của hai người mẹ và cả Lụa. Không ai biết mẹ ruột của Lụa đã đi đâu, liệu có trở về tìm gặp con gái hay không. Càng không ai biết cuộc sống của dì Nam và con riêng trên thành phố sẽ như thế nào. Thế giới này rộng lớn quá, không phải lúc nào ta cũng gặp lại nhau. Nên tôi tự vẽ cái kết theo trí tưởng tượng, để đặt một dấu kết thúc trọn vẹn và đẹp đẽ cho câu chuyện này.

Đây là câu chuyện đời, không giống như những cuốn ngôn tình thơ mộng. Không có bất cứ người đàn ông tài giỏi giàu có nào xuất hiện cứu vớt cuộc sống của những người đàn bà như dì Nam hay mẹ Thanh. Chỉ có những người đàn bà tự gồng mình lên để theo đuổi tự do, và những người đàn bà ở trong nghịch cảnh vẫn tình nguyện trở thành điểm tựa cho kẻ yếu. Tôi tin rằng người như dì Nam sẽ có được hạnh phúc, tin rằng Lụa sẽ gặp lại mẹ mình, để nghe bà trải lòng nhiều hơn.

Cuộc sống vẫn diễn ra, tôi hi vọng một ngày nào đó, mình có thể gặp được Lụa và dì Nam trong câu chuyện của bà nội. Những con người từng dũng cảm bước ra khỏi số phận nghiệt ngã để đi tìm tương lai.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}