Nắm xôi


Thế nhưng ảo mộng của Lụa bắt đầu vỡ tan vào hôm ấy. Trong lớp vỡ lòng của Lụa có một thằng béo chuyên bắt nạt bạn cùng lớp. Thằng Xuân với mấy đứa khác tụ tập thành nhóm, bắt tụi bạn phải cống nạp tiền tiêu vặt và đồ ăn, nếu không nộp thì sẽ bị đánh. Lụa làm gì có tiền tiêu vặt, nhưng con bé có một nắm xôi lạc mà dì Nam chuẩn bị cho cả nhà vào sáng nay. Nó định bụng để đến trưa thì ăn cho đỡ đói, nào ngờ bị phát hiện. Thằng Xuân đổ hết sách vở trong cái túi bóng của Lụa ra, rồi cầm nắm xôi đó véo mấy miếng, liền cười hô hố:

“Ngon lắm chúng mày ơi. Con nhỏ này dám giấu đồ riêng nè.”

“Làm thế là xấu lắm nha con ghẻ.” Một đứa tiếp lời. Do Lụa đen nhẻm và có mẹ kế, nên từ khi đi học đã bị chúng bạn đặt cho cái tên “con ghẻ”.

“Giờ cái này là của tụi tao nhe.”

Một thằng sún răng lấy cái tay bẩn của nó bốc một nắm xôi rồi trêu tức Lụa. Con bé tức lắm, hét lên cảnh báo lũ nhỏ không được ăn của nó, rồi xông lên túm tóc tụi nó đấm túi bụi. Mặc dù Lụa rất khỏe do phải làm việc nhà thường xuyên, nhưng chẳng thể nào đấu lại tụi con trai ăn nhiều đến nỗi béo nục béo nạc. Nó bị đè lên bàn, bắt úp mặt xuống.

Thằng Xuân ném nắm xôi của nó xuống đất, rồi rung rung cái má núng nính:

“Cái thứ rác này cho tao cũng cóc thèm ăn. Con nhỏ nhà nghèo. Mày có biết tao là ai không hả?”

Nó vừa nói vừa lấy chân di lên nắm xôi trắng tinh. Những hạt gạo nếp tròn vo bị bẹp xuống, nát bét, lẫn với đất cát và cả nước mắt của Lụa. 

“Trả lại cho tao thằng chó.”

Lụa điên lên, vùng dậy đẩy ngã hết mấy đứa đang giữ mình. Rồi nó túm được cái ghế, vung xuống ngay đầu thằng Xuân. Đám trẻ con trong lớp bắt đầu hét lên, “Cái Lụa giết người.”, “Tụi mày ơi con ghẻ giết người rồi.”, “Chảy máu nhiều quá tụi mày ơi.”

Lúc này Lụa mới  biết sợ, ngồi co mình lại trong góc lớp, nhìn thầy chủ nhiệm đưa thằng Xuân đi băng bó. Mãi đến khi có một giọng nói gọi tên mình, nó mới tỉnh người.

“Lụa. Đứng dậy.”

Dì Nam hôm nay mặc một chiếc áo sơ mi trắng và quần lụa đen, trông khác hẳn ngày thường. Thấy dì, tự dưng nó thấy bớt lo lắng hơn hẳn. 

“Dì ơi.” Nó thút thít. 

Dì Nam đưa cho Lụa cái khăn mùi xoa thơm mùi hoa quế lau nước mắt, rồi dắt nó đến trước phòng hiệu trưởng. Thằng Xuân và đám bạn cũng đang ngồi ở đó. Thằng nhỏ bị băng kín cả đầu nhưng khi thế vẫn còn mạnh mẽ lắm, cứ tru mỏ phun nước bọt tung tóe để đổ hết tội cho Lụa, hoàn toàn giấu nhẹm việc nó bắt nạt các bạn trong lớp. Thầy hiệu trưởng ngồi lắng nghe, gõ cái thước đến rầm trên bàn, liên mồm trách mắng:

“Giờ chị tính thế nào đây? Con chị đánh bạn như thế này. Còn nhỏ tí mà đã ác độc như thế, sau này lớn lên đầu trộm đuôi cướp, ai mà quản giáo nổi. Chị là mẹ mà dạy dỗ kiểu gì đây. Thôi thì chị mang cháu về đi, trường chúng tôi không nhận một học sinh như thế này đâu.”

“Chứ không phải thầy là bố của nó nên thầy binh nó sao. Thầy là bố mà không dạy được con mà còn nói dì con.”

“Lại còn dám cãi.” Thầy hiệu trưởng tức giận, ngay cả thớ mỡ trên mặt cũng giống thằng Xuân y hệt.

“Lụa. Con không được hỗn.” Dì Nam nghiêm nghị nói. Chưa bao giờ Lụa thấy dì cứng rắn như thế. “Có phải con đánh bạn không?”

“Nó ăn hiếp các bạn. Nó cướp xôi của con, còn đánh con nữa.”

Dì Nam cầm cái thước ở trên bàn, đôi mắt sắc lẻm như dao cau:

“Dì chỉ hỏi con có đánh bạn hay không? Con chỉ cần trả lời có hay không.”

“Có.” Lụa uất ức đáp. 

Dì Nam bậm môi, rồi quất cái thước vào mông nó:

“Dù bất cứ lý do nào đánh bạn cũng là sai. Roi này dì đánh để dạy cho một bài học, không được dùng bạo lực với người khác. Giờ con xin lỗi bạn đi.”

Một cái thước đánh vào người Lụa chẳng đau chút nào, nhưng khiến nó uất ức. Thằng Xuân nhếch mép cười khiêu khích, nụ cười đó làm nó cay đắng quá. Tại sao nó là người bị bắt nạt nhưng lại phải chịu phạt. Tại sao thằng Xuân đánh nó thì được bố bênh vực. Bởi vì kia là bố ruột, còn dì chỉ dì ghẻ hay sao.

“Con không mẹ liếm lá ngoài chợ.” Nó khóc hu hu rồi nói. “Con không sai, con không xin lỗi. Dì thích thì đi mà xin lỗi.”

Lụa nói xong rồi chạy biến ra khỏi lớp, mặc kệ tất cả. Con bé chạy vù vù trên đường, lướt qua rất nhiều người. Không có bất cứ ai hỏi han tại sao nó khóc, không có bất cứ vòng tay nào dang ra che chở cho nó.

Đúng là mấy đời bánh đúc có xương, nó nghĩ. Mẹ đẻ dứt ruột đẻ ra còn bỏ nó được, huống hồ gì là người dưng.

Lụa không về nhà hôm ấy mà trốn sang nhà bà Mùi, lăn trong đám rơm rạ đun bếp nhà bà. Bà xoa đầu nó hỏi:

“Mẹ mày có lén về thăm mày không con.”

Lụa hít hít cái mũi lắc đầu. Mẹ nó rời đi từ khi nó mới hơn 6 tuổi. Người ta đều đồn đại bà đi theo một người đàn ông khác, chỉ có Lụa là biết, mẹ bỏ nhà ra đi vì không chịu nổi những trận đòn roi của bố. Bố nó nát rượu, mê cá cược. Đồ đạc trong nhà lần lượt bị bát hết, mẹ Lụa quằn lưng cho cho gia đình, nhưng lại bị gánh tiếng là người không biết đẻ con trai. Rất nhiều đêm, bà ôm Lụa dưới gốc me, khi nó ngủ rồi, bà run vai khóc rấm rứt, rồi gục vào vai nó nói xin lỗi. Lụa còn thức nhưng không dám mở mắt ra, chỉ biết giả vờ ngủ để cho mẹ không biết mình nghe được những lời ấy.

Trước ngày bỏ đi, mẹ đã khâu lại cho Lụa 2 đôi dép tổ ong cũ rách và vá lại mấy bộ quần áo, còn ướp hoa bưởi lên thơm lừng.

“Dạ không ạ.” Lụa đáp.

“Bà mới gặp mày ở trên thị trấn. Bà thấy nó ôm theo một đứa nhỏ, chắc mới một tuổi gì đấy. Bà hỏi nó sao không về thăm con thì mẹ mày chạy chối chết.”

“Mẹ cháu trông có khỏe không bà?”

“Khỏe. Trông nó dạo này chẳng lắm. Tội nghiệp cháu tôi, phải ở lại cái nơi ăn thịt người này. Người làm mẹ sao lại tàn nhẫn như thế.”

“Chắc là em cháu dễ thương lắm.”

Bếp nhà bà Mùi đã sôi sùng sục, Lụa mới lật đật ngồi dậy xếp lại mấy gốc rạ. Giờ nó phải về nhà rồi, bố và bà nội đã ngồi sẵn trên bàn cơm, còn dì Nam thì lúi húi trên bếp. Thấy nó, bà nội cau mặt:

“Mày chết mất xác ở đâu mà đi học giờ mới về? Nhà còn bao nhiêu việc mày chờ ai làm hộ đây.”

“Con…”

“Con con cái gì?”
“Con nhờ cháu đi mua chai nước mắm mẹ ạ. Sao vậy? Không mua được hả con?”

Lụa phản ứng lại rất nhanh, nó cúi đầu nói nhỏ;

“Nhà người ta nghỉ không bán ạ.”

“Thôi được rồi. Con ngồi xuống ăn cơm đi.”

Dì Nam chuẩn bị cho Lụa một bộ bát đũa rồi nói, trông dì vẫn bình thản như mọi ngày, giống như chưa từng có gì xảy ra vào chiều nay. Lụa ngước lên nhìn người phụ nữ từ phố thị, tự hỏi tại sao dì có thể điềm nhiên đến thế?

Hoạt không nhìn Lụa, chỉ hừ hừ vài tiếng rồi săn sóc vợ, kế đến kể về việc mình nhận được một công trình ở trên thị trấn. Dì Nam nghe xong mỉm cười dịu dàng khen chồng, còn hỏi xem ông có gặp gì khó khăn không.

“Chuyện là, mặc dù thù lao công trình khá cao, nhưng nuôi công thợ tốn kém quá. Tôi thiếu tiền mình ạ.”

“Người ta không cho ứng trước hả mình?”

“Ứng thì có nhưng chẳng đáng là bao. Người ta cũng ngại mình bỏ dở ấy mà. Tôi đang cố xoay xỏa.”

Dì Nam đơm cơm ra bát cho mọi người trong nhà:

“Để em xem thế nào.”

Lụa không biết bố có xin được tiền dì Nam không, nó chỉ biết dạo này bố mình khôn khéo hơn nhiều lắm. Nếu là người mẹ trước kia nó thì đã bị túm cổ áo ấn dí vào tiền, cái miệng lèm bèm ngà ngà say của bố sẽ liên tục hỏi:

“Tiền mày để đâu con điên kia? Mày có đưa cho ông không thì bảo.”

Nhưng chuyện đó chẳng liên quan gì đến Lụa, nó xuống dưới bếp thái một ít rau chuối để mai nấu cám cho lợn ăn, rồi giặt bộ quần áo nhàu nát của mình để mai đi học sớm. Mà chưa chắc mai nó dám đi học. Đi học, nó sẽ gặp lại thằng Xuân con ông hiệu trưởng, sẽ lại bị cướp giật, bắt nạt.

***


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}