“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.”
Trong trí nhớ của cái Lụa, bánh đúc là một cái gì đó rất xa vời, thứ mà con bé chỉ dám ao ước khi nhìn vào mẹt bánh của bà Mùi. Nhưng dì ghẻ thì nó biết. Thằng Đức ở xóm bên có một người mẹ ghẻ. Nó không được đi học, hàng ngày phải dậy từ sáng sớm để dắt trâu ra đồng, rồi giặt giũ quần áo, sang khu tập thể xin nước, lại lo việc nhà, việc đồng áng. Chỉ cần nó lười biếng ló mặt ra bãi bóng với chúng bạn, sẽ bị mẹ kế véo tai lôi xềnh xệch về rồi cho một trận nhừ đòn. Chắc chắn với những đứa trẻ ở xứ này, bát bánh đúc có xương cũng đáng sợ như một người mẹ ghẻ vậy.
Chưa bao giờ cái Lụa nghĩ rằng mình sẽ có mẹ kế. Đó là một buổi chiều muộn, mưa rơi tí tách làm làn khói bốc lên từ bếp rạ cuộn đặc lại. Lụa nghe bà Mùi nói rằng bố mình sắp lấy vợ mới, người đàn bà đã có một đời chồng, nhưng chưa có con. Bà Mùi nhìn Lụa mà chấm nước mắt, than cho cuộc đời lắm số phận éo le.
“Mẹ mày thật là. Tệ bạc quá. Đàn bà gì mà bỏ con đi xứ, đi biền biệt không về. Giờ thì hay rồi. Mấy đứa trên thành phố lọc lõi lắm, mày làm sao mà đấu nổi với người ta được đây hả con.”
Lụa biết “người thành phố lọc lõi” mà bà nhắc đến chính là dì Nam, mẹ kế của mình. Nhưng con bé không hiểu tại sao bà lại lo lắng cho nó đến thế. Thực sự Lụa không hề sợ hai chữ “mẹ kế” như mấy đứa trẻ phố huyện khác. Mẹ thằng Đức bắt nó phải làm việc cả ngày. Thì Lụa cũng phải thái rau chuối cho lợn ăn rồi đi bắt ốc mò cua hàng ngày để làm đồ nhắm. Mẹ của thằng Đức véo tai nó lôi đi, thì Lụa cũng phải hứng chịu những trận đòn roi đến từ cơn say của bố. Đối với con bé, thêm một người thì cũng thêm một cái bát, thêm một bộ quần áo phải giặt, thêm một người phải hầu hạ mà thôi chứ mấy. Đời nó vẫn khổ hơn con trâu con ngựa, ngồi trong xó bếp nhìn lên ô cửa sổ bé tí để nhìn bầu trời cao vợi. Bởi vì nó không phải là con trai, không thể nối dõi tông đường. Bởi nó có một người mẹ lăng loàn trắc nết, bỏ xứ đi theo người đàn ông khác, còn nó, cũng chưa chắc là con của bố. Bà nội đã nói với Lụa như vậy đấy.
Cuối cùng thì Lụa cũng được gặp dì Nam. Có thể nói đó là một người phụ nữ đẹp, và trẻ, hơn hẳn người mẹ lam lũ quanh năm suốt tháng của Lụa. Má dì hồng, môi thắm, đôi mắt sắc như dao lam. Đúng như bà Mùi nói, những người đàn bà đến từ thành phố có một cái nét rất riêng. Nhìn bề ngoài, chẳng ai ngờ dì Nam hơn bố nó tận 5 tuổi. Lụa thấy hai người đứng bên cạnh nhau thật khập khiễng. Một người là đôi đũa Tàu sang trọng của nhà ông trưởng làng, người còn lại là đôi đũa mốc mà mẹ nó tự vót từ mấy gốc tre bỏ đi. Không xứng với nhau chút nào cả, vậy mà có thể về một nhà. Thế mới tài cơ chứ.
“Con tên là Lụa à?”
Dì Nam chợt nhìn về phía Lụa. Hôm nay nó được mặc một bộ quần áo khá sạch sẽ, tóc buộc bằng sợi dây thun màu hồng xinh xắn, thay cho chiếc áo nâu được vá chằng đụp vá đụp ngày thường. Bà nội đẩy nó ra trước mặt dì Nam, dịu dàng giục:
“Chào mẹ đi con.”
“Dì là dì mà.” Nó cãi.
“Sau này dì là vợ của bố con, là mẹ của con.”
Nó vẫn khự nự:
“Con chỉ có một mẹ thôi. Dì vẫn là dì.”
Lụa chẳng hiểu mình lấy dũng khí ở đâu mà dám chống đối bà nội. Bà cau mày rồi, bố thì đã quắc mắt lên cảnh cáo, có thể ngay sao đó là một trận đòn roi thật đấy, nhưng nó vẫn không hối hận. Mỗi người chỉ có một mẹ mà thôi, người mẹ mang thai nó chín tháng mười ngày, người mẹ bế bồng hát ru ngày nó còn bé, người mẹ dắt tay nó đến trường. Dù giờ bà đã bỏ nó đi biệt xứ, Lụa cũng không muốn người phụ nữ khác thế vào chỗ đó.
Nó nói xong thì nhắm mắt lại chờ đợi cái tát của bố. Nhưng chờ mãi mà không thấy gì cả. Nó lại mở mắt ra. Bố nó giận lắm mà vẫn phải dịu giọng:
“Con không được bướng thế. Sau này mẹ Nam còn thương con hơn cả con ruột nữa. Con phải gọi là mẹ.”
“Mình đừng ép con.”
Dì Nam lúc này mới lên tiếng, đoạn kéo Lụa vào trong lòng mình. Tay dì mềm mại quá, chỉ có những người chưa từng kéo trâu ra đồng mới có một bàn tay búp măng dịu dàng thế này.
“Năm nay con mấy tuổi rồi. Sao trông con gầy thế?”
“Cháu nó 9 tuổi đó con.” Bà nội đáp lời thay.
“9 tuổi là học xong lớp vỡ lòng sao.”
“Con không đi học.” Lụa tranh lời đáp.
Bà nội vội chữa lời:
“Cháu nó ốm yếu từ nhỏ, đi học sợ bị bắt nạt. Nên mẹ với thằng Hoạt định để lớn hơn một tí mới gửi đến lớp vỡ lòng. Mà ở xóm này cũng chẳng mấy đứa đi học, sợ nó đi học một mình buồn chán.”
Lụa mím môi nhìn dì Nam, nó không dám nói rằng mình không được bố cho đi học, vì nếu nó đi học thì ai sẽ thái chuối cho lợn ăn và đi bắt ốc. Dì cũng không hỏi nữa, chỉ gật đầu rồi đẩy Lụa xa với thái độ xa cách.
Buổi gặp mặt sau đó diễn ra như thế nào, Lụa cũng không được rõ, bởi con bé bị đuổi đi nấu cơm. Chỉ biết nửa tháng sau đã là đám cưới rồi. Đất nước vừa đổi mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, người trong làng nghèo không tả xiết. Người ta cưới nhau chỉ có một mâm trầu cau, một ít kẹo. Khách khứa đến thì mời giầu mời nước. Nhưng dì Nam đến như mang theo một làn gió mới cho ngôi làng này. Cỗ năm ấy mở rất linh đình, có người hát nhạc cưới. Bàn tiệc có khăn trải bàn màu hồng xinh xắn, cổng rạp đính hoa hồng tươi, cỗ có tới 8 món cả chay lẫn mặn. Người ta bàn tán lần này nhà gã Hoạt trúng mánh, cưới được cô vợ có của ăn của để, lại có nhà to trên thành phố, sau này cả nhà được nhờ. Ngay cả bà Mùi mấy hôm trước còn lo cho Lụa là thế, hôm nay cũng phải bắt chuyện niềm nở với dì Nam.
Sau đám cưới, dì Nam chính thức là mẹ kế của Lụa. Bà nội dọn hẳn một phòng riêng để cho dì để của hồi môn. Mười xấp lụa Nam Định đầy màu sắc, mấy bộ quần áo mới, trang sức. Cơ man là đồ đạc, những thứ mà Lụa chưa từng thấy bao giờ. Nhưng Lụa không để tâm lâu đến chuyện đó, bởi lẽ dù dì có tiền cũng không phải của nó. Thứ Lụa quan tâm là kể từ khi nhà có thêm người mới, cuộc sống của nó thay đổi hẳn. Bà nội không còn chửi cạnh khóe xa vắng về người con dâu trắc nết bỏ chồng theo trai. Bố nó không còn rượu chè bê bết suốt ngày rồi cầm cây củi đánh nó, hơn nữa còn bắt đầu chăm chỉ đi làm, chịu khó mua nhiều món ngon về nhà. Điều thích nhất là Lụa được đi học lớp vỡ lòng ở trên thị trấn, còn có thêm hai bộ quần áo mới và một ít sách vở để đến trường. Nó ôm mấy cuốn vở Hải Tiến in hình cây dừa cây đước, ngửi mùi giấy và mực hơi ngai ngái, lòng cứ lâng lâng.
Thì ra có mẹ kế mới có thể đi học. Thì ra mẹ kế không phải ai cũng đáng sợ như mẹ của thằng Đức.
Bình luận
Đình Quang
Đọc một chương đầu, tôi đã cảm nhận được bầu không khí xưa ở vùng làng quê Bắc Bộ. Tác giả dùng từ địa phương rất gần gũi, như âm "tr" đổi thành âm "gi", tuy còn lỗi sai ở từ "sau" thành "sao", nhưng có thể là lỗi đánh máy, hoàn toàn có thể thông cảm được. Tác giả viết chắc tay lắm, mà giọng văn cũng dịu dàng, thoải mái, nhập vào rất tự nhiên. Đọc xong, tôi thấy nhớ vùng quê cũ quá, tôi cũng thấy người mình nóng lên vì lời văn ấy. Chúc tác giả sớm thành công, tôi sẽ đọc thêm vài chương nữa của bạn ❤️