Thời chúng tôi còn đi học, cứ mỗi lần viết văn là cứ y như rằng mang cả nỗi ám ảnh trên vai. Nỗi ám ảnh mang tên “Dì Hai Thu”. Dì Hai Thu là chị của má. Dì không lập gia đình nên tính tình có phần khó khăn. Nhưng cái khó khăn của dì cũng rất bài bản: với cuộc sống hằng ngày, dì khá thoải mái nhưng với văn chương của chúng tôi, dì nghiêm ngặt đến từng dấu chấm, phẩy. Má tôi là con út trong nhà. Ngoại tôi có năm người con: dì hai Thu, cậu ba Tân, cậu tư Tổn, dì năm The rồi tới má tôi – út Thương. Cậu Ba, cậu Tư người thì mất vì bệnh lạ nên tuổi chưa tới ba mươi đã đi chầu ông bà; người thì đi mần ăn xa tuốt tận Buôn Mê Thuột rồi lập chí tề gia trên đó không về. Dì Năm thì theo chồng về Quy Nhơn, “năm thuở mười thì” mới về thăm nhà một lần. Còn có mình dì hai Thu với má tôi còn ở lại xóm biển nghèo đói này vì lời hứa giữ căn nhà tổ với ngoại. Má tôi lấy ba tôi rồi cũng ở đây mần ăn và sinh ra anh chị em chúng tôi. Nhà đến bảy miệng ăn, mà bốn anh chị em chúng tôi đều còn nhỏ quá nên dì hai Thu vừa đi mần thuê vừa lo chăm sóc chúng tôi cho ba má tôi yên tâm đi ghe cá. Vì ba má thường xuyên vắng nhà nên dì hai là người gần gũi với chúng tôi nhất. “Cái nghề cá nó bạc lắm tụi bây, cho nên tụi bây làm gì thì làm cũng phải ráng học cho cứng chữ cứng nghĩa để sau này ra xã hội mà mần ăn. Chứ không lẽ lại như ba má bây, ngày đêm lênh đênh trên biển rồi chừng nào mới hết nghèo”. Dì hai Thu thường hay nói vậy mỗi lần rạo bài cho chúng tôi. Ngẫm cũng lạ, ông bà ngoại tôi vốn là ngư dân nghèo, bữa cơm nào cũng rau với củ là nhiều nhưng không hiểu sao từ dì hai đến mẹ tôi ai cũng đều chữ nghĩa một bụng. Tôi nhớ có dạo, có người nói với tôi ông ngoại tôi từng là thầy giáo của thời bao cấp xưa mà xuất thân của ông lại là quý tử con Hội đồng, cũng được học chữ ta chữ Pháp thì mấy cậu mấy dì và cả má tôi “bụng đầy thi thư” có gì đâu lạ. Không biết người ta nói đúng không, nhưng tôi nhớ lúc ông ngoại còn sống; mỗi lần ông rầy la mấy dì, cậu hay cả má tôi ông đều viết lên tường mấy câu thơ mà tới giờ nhớ lại tôi vẫn còn có thể đọc vanh vách.


Năm tôi tám tuổi, có lần dì hai không biết sao đi đâu đến quên cả giờ cơm trưa không về ăn (gia đình tôi có truyền thống đến giờ cơm cả gia đình phải đủ mặt) khiến ông ngoại rất giận. Ăn xong bữa cơm, ông bảo tôi và anh hai dắt hai đứa em ra sau vườn chơi còn ông cứ cặm cụi viết gì đó lên giấy rồi dán trên bàn ăn. Tuổi con nít tò mò là tuổi “trẻ ranh” mà nên chúng tôi tò mò lại đọc thì thấy ông ghi hai câu thơ:


Đi đâu phải nhớ cơm nhà

Cơm hàng cháo chợ thì là đi hoang!


Kể từ sau ngày hôm đó, dì hai cũng chẳng dám trễ bữa cơm nào. Ông ngoại nghiêm khắc là thế nên bầy cháu chúng tôi ai cũng sợ ông ngoại như chuột sợ mèo. Cứ đang chơi đùa mà nhác thấy ông ngoại là lại nghiêm chỉnh lên ngay. Mỗi lần thấy bộ dạng co cụm của chúng tôi là ông cứ giơ cây “lò tó” ra vừa khua khua vừa cười “tổ cha bọn bây, ông ngoại thành phát xít à”. Chúng tôi cứ nghe đến câu này lại khúc khích cười rồi cứ thế ù té chạy chơi mà chẳng còn lo ông ngoại cầm cây tó lên rượt như trong tưởng tượng của chúng tôi. À tôi có nói về nỗi ám ảnh mỗi lần viết văn mang tên “dì hai Thu”. Tôi chẳng biết có phải do di truyền từ sự nghiêm khắc trong chữ nghĩa của ông ngoại không mà đối với chúng tôi, dì cũng nghiêm khắc như thế. Ngày thường rất hòa đồng, hay nói cười nhưng khi vào bài vở dì hai rất khó. Mỗi lần lớp tôi có đề văn, dì hai đều bắt chúng tôi về nhà làm hết cả đống bốn năm đề văn trong sách cho dì chấm điểm. Mà phải nói dì chấm điểm khó cực. Dì bắt từng câu cú, ngữ pháp sao cho câu văn tròn vành nhất, vuông vức nhất mới thôi. Nội dung thì phải như dì hai hay hói “tụi bây viết văn mà xạo quá. Đọc cứ như hoa rải trên sông. Chẳng có gì lắng lại. Văn chương là cảm giác với chữ nghĩa. Tụi bây không cảm giác với chữ sao viết ra bài văn có hồn, lay động cảm xúc người đọc được. Văn kiểu này mà cô tụi bây cũng chấm được điểm cao. Hèn gì tụi bây học văn như gà mổ thóc, bày sẵn ra ăn chứ có sáng tạo mô tê gì”. Dì cứ nói, chúng tôi cứ nghe nhưng chẳng bao giờ hiểu. Và vì thế, những bài văn điểm thấp lè tè của chúng tôi do dì hai chấm cũng theo chúng tôi đến ngày trưởng thành.


Chúng tôi hay nói sau lưng dì hai rằng dì hai khó tính và bay bổng văn chương quá đà. Viết văn thì cứ viết văn, sao lại đòi hỏi quá nhiều. Chữ thì vẫn là chữ, làm sao có cảm giác. Dì hai chắc cũng biết những suy nghĩ này của chúng tôi nên nhiều khi nằm tâm sự với chúng tôi, dì lại nhắc nhiều về những bài học chữ nghĩa của ông ngoại rồi nói ra rả về chuyện hồi bé cũng bị ngoại la như dì la chúng tôi bây giờ. Lúc đó dì cũng không hiểu. Nhưng càng trưởng thành, dì càng sâu sắc về cái cảm giác với chữ nghĩa. Dì nói: “chữ nghĩa coi vậy mà hay lắm bây. Tụi bây buồn, vui hay đau khổ, xúc động gì chỉ cần viết ra là tụi bây có thể giữ lại hết những cảm giác đó. Sau này có đọc lại cũng sẽ hiểu bản thân mình ở thời khắc nào đó trong cuộc đời đã từng đi qua cảm giác gì. Sau này có gặp lại loại cảm giác đó có thể đối mặt với nó”… nói đến đây, dì lại ngậm ngùi vén vạt áo bà ba lên lau nước mắt. Chúng tôi nhìn thấy được một chút chua chát, xốn xang trong từng câu chữ mà dì dùng để phản ánh thái độ lúc đó. Ở thời khắc đó, tôi vẫn nghĩ dì xúc động vì thương nhớ ông ngoại và nhớ cả những trận đòn roi từ cây roi được ông vắt vẻo trên vách phòng ngủ.


Dì hai lớn hơn má tôi những mười tuổi. Nhưng nhìn dì, nhìn má tôi ít ai đoán được tuổi thật của dì lại lớn hơn má tôi những mười tuổi lắm vì nhìn dì trông khá trẻ. Cả dì và má tôi đều là những đứa con của vùng biển mặn. Người ta cứ hay nói con gái vùng biển thường “mặn mồi theo kiểu nhà quê muối mặn”. Tức là nước da đen, vẻ đẹp tầm trung, tóc hai màu đen vàng đan xen vì nắng gió và sương; đậm người có phần thô kệch. Nhưng má và dì tôi thì hoàn toàn ngược lại. Làn da hơi rám nắng nhưng mịn. Mái tóc đen, dài và dày. Thân hình nhỏ nhắn, dáng di khoan thai, gương mặt hiền lành, duyên dáng. Người ngoài nhìn vô thường hay lầm tưởng dì hai và má tôi là chị em sinh đôi vì trong nhà, dì và má giống nhau đến tám phần. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất dễ phân biệt là dì cao hơn má tôi một cái đầu và thân hình không lộ nét xồ xề của người mẹ bốn con như má. Tổng thể gương mặt của dì và má đều là kiểu mặt thon, cằm chữ V, sóng mũi cao nhưng cánh mũi hơi to. Má tôi có một nốt ruồi cuối đuôi mắt phải. Còn dì hai lại có một nốt ruồi cuối hàng chân mày bên trái. Dì đẹp. Thật sự đẹp đúng kiểu “hương đồng cỏ nội”. Thời chúng tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần tới hội làng; dì lại “đánh áo đánh khăn” đẹp đẽ dẫn chúng tôi đi hội. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại được dịp “hỉnh mũi” nghe người ta khen lấy khen để vì…dì hai tôi đẹp quá. Cứ như gái mười tám. Con nít mà, được dịp “hỉnh mũi” là cứ thế mà vinh dự, tự hào suốt ngày ấy thôi. Nhưng không biết sao, dì đẹp thế mà vẫn không có nổi một tấm chồng. Tôi thường để nỗi thắc mắc này trong lòng nhưng không dám hỏi. Thế nhưng, cái tâm lý “trẻ ranh” của chúng tôi sao qua mắt được dì nên cứ hễ chúng tôi thắc mắc “dì ơi, sao dì không lấy chồng vậy” là dì lại được dịp hỉ hả ghẹo chúng tôi: “tại tao mắc nợ bọn bây. Cứ đi đâu cũng có bốn đứa quấn tay quấn chân, ai dám cưới. Mà bị tụi bây quấn riết cuốn hết chân tay, không rãnh để lấy chồng nè”. Tụi tôi như những cái máy được cài sẵn chế độ “quê xệ, chù ụ” nên cứ nghe dì hai nói câu đó là đực mặt ra gượng gạo. Dì thì được thể cười giòn giã. Tuổi thơ chúng tôi lớn lên theo những trận cười, những niềm vui nho nhỏ bên dì hai như vậy. Đôi lúc tôi cũng thật sự nghiêm túc nghĩ rằng có phải dì vì chúng tôi mà không nỡ lấy chồng hay thật sự chẳng ai dám lấy dì vì….kén chọn quá. Dì hai tôi dù sao cũng giỏi chữ nghĩa, ông ngoại tôi cũng là bậc tri thức nên chắc người ta ngại cái quá khứ oanh liệt của gia đình mà không ai dám lại gần. Chậc, má tôi cũng như dì mà ba vẫn lấy đấy thôi. Tôi tự bác bỏ. Hay do dì hay nói “cái nghèo nó bó cái khôn. Dù mình giỏi giang, xinh đẹp, thông minh, chữ nghĩa cỡ nào cũng không dùng nó mà ăn được. Nghèo quá thì bao nhiêu cái giỏi, cái khôn dại ở đời cũng bị bó lại hết để đi kiếm miếng ăn. Cái đói cái nghèo như rơm rác vậy, che hết cái trí tuệ của mình mà mình chẳng bóc nó ra được cho người đời xem nên ai dám tìm với hiểu”. Nghe dì nói mà tôi thấy buồn và chua chát cho cái phận nghèo của vùng biển. Nghĩ đến đây, tôi bất giác chong mắt ra nhìn về nơi cảng cá, dòng người với những chiếc ghe cá vẫn ngày đêm tấp nập. Sóng vẫn vỗ bờ, gió vẫn mang hơi biển thổi qua từng bãi đá, nhà tranh, lưới chài…


Chiều hoàng hôn nổi trên mặt biển, ánh mặt trời tỏa chút ánh sáng màu vàng đồng rọi vào những mảnh đời ngư dân. Biển xanh ửng hồng, gió biển mặn và tanh nồng mùi cá luôn làm cho người ta xốn xang nhiều cảm xúc. Biển vào mùa đông vừa đẹp vừa lạnh vừa lộng gió. Nếu ai đi qua vùng biển nghèo quê tôi vào những ngày mười lăm tháng mười một âm lịch đều được cảnh biển ưu ái tặng một bức tranh chiều ý vị như thế. Và trong bức tranh biển chiều đó, có hình ảnh một thiếu phụ vùng biển mặc áo bà ba màu xanh biển; ngồi một mình trên mỏm đá, mắt nhìn xa xăm, tay vương vương cầm một mảnh giấy rồi lại rụt rè rớt nước mắt. Người phụ nữ đó là dì hai Thu. Chẳng biết dì có thói quen ảo não vào ngày mười lăm tháng mười một như vậy từ lúc nào, tôi chỉ nhớ ngay từ khi tôi bắt đầu biết nói biết đi đã nhìn thấy hình ảnh đó của dì hai. Gia đình tôi cũng quen dần, coi đó như một “truyền thống” đặc biệt của gia đình. Cứ mỗi năm như thế, cả gia đình đều chỉ biết im lặng không làm phiền cho dì hai ngồi đến khi nào muốn về thì về. Ngay cả người khó tính như ông ngoại mà đến ngày này cũng chẳng rầy la dì hai câu nào. Ông chỉ cầm cây tó đi ra đi vô, chốc chốc lại nhìn ra hướng biển nơi dì hai ngồi rồi ngậm ngùi vào phòng, dán mắt nhìn lên bức tường cũ kỹ thả hai hàng nước mắt lăn dài. Má tôi nhìn cảnh mà cũng ngao ngán thở dài. Có mấy lần tôi hỏi má tôi về “ngày truyền thống” đó thì má chỉ lắc đầu trả lời gọn lỏn: “dì hai nhớ một người đồng cảm”. Linh tính một đứa trẻ cho tôi biết lá thư tay mà dì xem như báu vật chính là câu trả lời tôi cần nên bốn anh em chúng tôi đã lén dì hai vào phòng lấy lá thư được cất trong bộ bà ba màu xanh biển mà dì chỉ mặc cho “ngày truyền thống”.


“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên”


Một bài thơ chỉ vỏn vẹn bốn dòng được viết ngay ngắn trên tờ giấy tập đã cũ và vàng đến mức gần như nhòe hết nét mực hiển hiện trước mắt chúng tôi. Bên dưới cùng của tờ giấy còn ghi một dòng chữ “em… anh”. Tờ giấy cũ và nhòe đến mức chúng tôi chỉ nhìn được hai chữ “em”, “anh” mờ nhạt. Còn từ ở chính giữa lại không thể nhìn thấy được. Cảm giác cố gắng đi tìm sự thật nhưng sự thật tìm được chỉ có một nửa như kiểu xem phim thám tử, trông đến màn phá án để biết hung thủ thì… thám tử bị bắn chết khi chỉ nói được câu “hung thủ là” khiến anh em chúng tôi khó chịu. Chúng tôi cố gắng phân tích, tìm chữ nhét vào. “Em và anh”, “em thương anh”, “em thích anh”, “em nhớ anh”, “em hận anh”… chúng tôi cố gán ghép theo ý của mình nhưng dường như mọi thứ vẫn không làm chúng tôi thỏa mãn được bằng sự thật chính xác. Chúng tôi bỏ cuộc. Và cũng kể từ sau ngày đó, chúng tôi cũng thôi tò mò về tờ giấy của dì. Bởi lẽ ba chữ cuối cùng đó là gì chỉ có trong lòng dì biết rõ. Mãi sau này chúng tôi mới biết bốn câu thơ đó được trích từ bài thơ “sóng” của Xuân Quỳnh, còn ba chữ kia thì… mãi mãi là một bí mật. Chỉ có câu chuyện về “ngày truyền thống” là được tiết lộ sau một trận đòn mà ông ngoại giáng xuống dì hai trước khi ông mất hai năm.


Năm tôi học lớp sáu, ông ngoại ngày càng già yếu và hay mắc bệnh. Tính tình ông cũng lúc nắng lúc mưa, lúc nhớ lúc quên. Lúc đó cậu ba vừa mất, cậu tư lại đi mần ăn xa, dì năm thì đã ở bên chồng rồi. Quanh đi quẩn lại cả căn nhà chỉ còn gia đình tôi và dì hai sống cùng ông ngoại. Người già tính hay hờn mát, nay nắng mai mưa. Hôm nay ông thấy thương má tôi, má tôi nói gì cũng nghe; hôm sau thì lại thương dì. Ông lại hay bị “lẩn” kiểu chuyện cũ nhớ rõ như in còn hay nhớ lại rồi khóc. Nhưng chuyện mới xảy ra thì lại không nhớ gì. Một ngày tháng mười, trời hanh hao. Gió thổi mát dịu, mặt biển yên bình không chút gợn sóng. Ông ngoại đang ngồi ngoài sân nghe gió hát thì bỗng như nhớ lại điều gì, ông vội vã vào phòng nhìn lên bức tường cũ. Hai hàng chữ được viết ngay ngắn bằng than đen hiện lên trước mặt ông như để nhắc nhớ điều gì về một “câu chuyện cũ” bi thương nào đó. Chẳng nói chẳng rằng, ông thét thật to “con Thu đâu. Vô đây ba biểu”. Dì hai đang sắn ống quần múc nước tưới cây ở sau vườn; nghe vậy vội vã chạy vào. Linh tính mách bảo tôi chuyện chẳng lành, tôi chạy ào ra ghe cá kêu má. Nhanh như cắt, má con tôi hộc tốc chạy về. Dì hai bị ngoại cầm cây tó đánh mạnh lên lưng. Vừa đánh ông ngoại vừa thét “sao mày dại vậy. Sao mày dại vậy, ba má dạy mà mày không nghe. Khuấy trong thành đục, đẹp mặt mày chưa”. Thấy tình cảnh đó, bốn anh em tôi càng hoảng loạn hơn. Cứ đứng một bên ôm nhau vừa khóc vừa sợ. Ông ngoại tuy khó tính nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông cầm tó đánh dì hai – một người lớn trưởng thành. Ông đánh, dì chịu nhưng má tôi xót. Khi cây tó thứ năm được giáng xuống, má tôi liền nhanh tay chụp lại rồi thỏ thẻ với ông: “ba ơi! Chị hai có khôn dại càn quấy cũng là con ba. Chị bậy, ba đánh rồi thì thôi nhe ba. Cho chị ngồi dậy ăn cơm. Mà ba mệt chưa, con dẫn ba về phòng ngủ nhe”. Ông ngoại nghe má nói cũng mát ruột, vui vẻ đi theo má về phòng. Dì hai như một kẻ tử tù vừa được lệnh ân xá khỏi án tử, gương mặt dì giãn ra, nhẹ nhõm. Cả người như nhẹ tênh, dì ngã ra sau một cách chệnh choạng. Ngồi lặng im một hồi, dì phát giác chúng tôi đang đứng nhìn dì với vẻ mặt xanh xám vì sợ và lo, dì vội vàng đứng dậy; vuốt đầu anh em chúng tôi rồi lặng lẽ về phòng.


Cả ngày hôm đó, nhà chúng tôi như vừa trải qua một trận lũ quét, buồn và vắng lặng đến lạ. Ngoại và dì ai cũng ở phòng mình đóng của im ỉm. Lũ nít ranh chúng tôi cũng không ai dám ồn ào, cứ ra vô làm gì cũng ngó qua phòng ngoại rồi ngó qua phòng dì xem có bão giông gì tiếp theo không. Má hiểu được tâm lý chúng tôi nên tối hôm đó, ăn cơm xong má giục chúng tôi về phòng ngủ sớm để tránh chuyện. Đêm hôm đó là đêm đầu tiên chúng tôi khó ngủ và cũng là đêm duy nhất dì hai qua phòng tâm sự với anh em chúng tôi.


– Trên tường phòng ông ngoại có hai câu thơ. Tụi bây biết là gì không? Dì hai mở đầu câu chuyện sau khi gọi anh em chúng tôi dậy nghe dì tâm sự.


– Dạ không! Chúng tôi đồng loạt lắc đầu


– Hai câu thơ đó là ông ngoại bây viết. Cũng lâu rồi. Từ hồi tao mới lớn.


“Sinh ra thân con nước trong

Đừng khuấy nên đục đắng lòng mẹ cha”


Tụi bây nghe hai câu này thấy ý nghĩa không. Ông ngoại sợ tao với mấy cậu mấy dì rồi cả má bây nữa lầm đường lạc bước nên viết ra để răn dạy. Xem đó như gia quy gia đình. Ông viết trên tường vậy để nhắc nhở luôn bản thân phải dạy con cái nên người. Cậu ba bây vắng số thì thôi không nói. Cậu tư bây đi mần ăn xa tìm cách thoát nghèo, cũng chưa lầm lỡ gì nên có thể xem là “sống nước trong”, dì năm với má bây cũng ổn định rồi nên cũng là “sống trong” như ông dạy. Còn tao. Già đầu rồi mà không để ông yên tâm… – Nói tới đây, dì ngậm ngùi lau nước mắt.


Đêm dài thanh vắng, yên tịnh. Chỉ còn tiếng gió và sóng biển nhẹ nhàng vờn qua ngôi nhà cấp bốn đơn sơ của chúng tôi. Dì hai nói năm dì hai vừa tròn mười tám tuổi (lúc đó má tôi cũng chỉ mới tám tuổi), dì hai là cô gái hiền lành nhưng mơ mộng. Trong khoảng thanh xuân mộng tưởng đó, dì hai đã gặp và yêu một người đàn ông. Người này mồ côi từ nhỏ, may mắn được một chủ buôn cá nhận vào làm nên thường tới lui làng cá của chúng tôi thu mua cá. Qua mấy lần tiếp xúc, dì hai nhận thấy người đàn ông này là người vui tính, hài hước lại có chút chữ nghĩa, nói chuyện lại hợp tính với dì nên dì cũng vì vậy mà đem lòng yêu. Quen nhau được thời gian, người đàn ông này ngỏ lời xin cưới dì hai. Cả nhà ai cũng hào hứng chúc mừng dì hai; chỉ riêng ông ngoại. Ông tỏ ra không hài lòng (thật ra là không tin) người đàn ông đó. Người đàn ông với gương mặt điển trai, hào nhoáng, trông trẻ hơn cái tuổi ba mươi của mình luôn khiến ông ngoại không yên tâm. Ông sợ dì hai bị gạt, sợ bị khổ vì thân phận, nhà cửa của người đàn ông ba mươi đó luôn là bí mật. Không biết do duyên nợ hay do ông trời khéo bày đau thương mà sau nhiều lần vừa bỏ ăn, vừa khóc vừa quỳ gối van xin ông ngoại của dì hai thì ông cũng chấp nhận. Sau khi lấy dì hai, người đàn ông cũng không theo ghe cá nữa mà tự sắm một chiếc ghe riêng đi thu mua cá. Ông cứ đi rồi dăm ba hôm lại về. Cứ vậy kéo dài được hai tháng, sau khi hay tin dì hai cấn thai thì ông cũng đi biền biệt. Dì hai vừa mang thai vừa lo lắng cho chồng vừa chịu nhiều tai tiếng từ miệng đời và cả sự xót xa mà ông ngoại biến thành tức giận giáng xuống nên dì hầu như ngày nào cũng khóc vật vã rồi bỏ ăn nên người cứ xanh xao, vàng vọt hẳn. Em bé mà dì hai sanh ra cũng ốm yếu lại mắc bệnh vàng da, còi xương; đứng giữa ranh giới sống và chết. Đời dì hai đã sóng gió còn phải đối diện với biến cố khi tuổi đời còn quá trẻ khiến dì nhiều lần muốn chết đi nhưng lại thương gia đình, thương ngoại, thương con mà cắn răng sống tiếp. Lúc em bé được một tháng tuổi, không biết từ đâu lại xuất hiện một người đàn bà. Bà tự nhận là vợ của chồng dì hai. Bà đến tìm dì hai khi hay tin chồng bà đi ghe cá rồi kết hôn với một cô gái vùng biển và hiện giờ còn có con. Bình thản như đây không phải chuyện to tát, bà nói với dì hai vợ chồng bà không có con. Giờ dì hai lại có con với chồng bà nhưng chồng bà đã có vợ. Dì hai không thể mang tiếng vợ bé nên bà đưa ra một lời đề nghị, bà xin đứa bé về nuôi để giữ hạnh phúc gia đình cũng như để dì hai không mang danh vợ bé (cái danh nhơ nhuốc ở cái thời dì hai). Bà sẽ chạy chữa bằng mọi cách để cứu lấy đứa bé – điều mà dì hai không có khả năng làm. Dì hai, ông ngoại như vừa nghe một vở cải lương dài và bi kịch. Bi kịch tới mức không thể tin đó là sự thật. Nhưng để cứu con, dì hai không còn lựa chọn. Dì nuốt nước mắt đưa con cho người đàn bà mà lòng nặng như bị cả tảng đá lớn đè lên. Hôm đó là ngày mười lăm tháng mười một – trời quang mây và xanh trong.


– Chuyện qua lâu rồi sao ông ngoại còn đánh dì hai? – Tôi thắc mắc sau khi nghe hết câu chuyện của dì.


– Ừ thì lâu. Nhưng ông xem đó như là vết nhơ của gia đình nên cứ nhớ lại là tim ông có gai. Có gai nên ông đánh đứa con gái khuấy trong thành đục. Phần cũng vì ông quá sốc trước biến cố khó chấp nhận. Mà cũng phải, có ai lại có thể tin một câu chuyện bi kịch như phim thế này.


– Vậy còn lá thư dì hai hay cầm? Tôi lại tiếp tục thắc mắc


– Tao viết lúc mang thai. Ổng đi. Nhớ ổng quá mà có biết người ta ở đâu đâu mà gởi… – Nói tới đây, giọng dì chùng xuống, khóe mắt rưng rưng rồi im bặt.


Chúng tôi nghe câu chuyện của dì lòng cũng chua chát theo. Giờ thì tôi đã hiểu sao má nói dì nhớ người đồng cảm. Vì má không thể nói với tôi dì nhớ chồng, con dì được. Người đàn ông đó là chồng người ta, cả đứa con cũng là con của vợ chồng người ta. Dì hai tôi không chồng cũng chẳng có con. Nghĩ mà xót quá!


Từ sau ngày hôm đó, chúng tôi đặc biệt quý dì hơn và cũng nghe lời dì hơn, viết văn nghiêm túc hơn. Riêng tôi nung nấu thêm một ước mơ là trở thành nhà văn cho dì vui. Và chắc chắn câu chuyện đầu tiên tôi viết sẽ là câu chuyện dì hai Thu – một con người dũng cảm sống sau bao nhiêu biến cố. “Viết về đời tao khó lắm bây. Phải viết đúng, viết thật đến từng câu chuyện, lời ăn tiếng nói. Đã vậy còn phải mộc đúng chất “cá biển Nam Bộ” mà người ta đọc vô phải vừa thương vừa cười, có cảm xúc chân thật. Viết không được, tao… quánh”. Tôi nghe dì nói, le lưỡi xị mặt ngao ngán. Còn dì thì được dịp hỉ hả cười giòn giã. Ông ngoại sau hôm đó cũng đặc biệt thương dì hơn, ăn gì cũng sớt phần dì, ông nói “chừa cho Hai Thu nó ăn” mà gương mặt cứ sáng rực. Có hôm ông ngồi ngoài sân cho dì hai cắt móng tay, bất giác ông đưa tay sờ lên mái tóc dài óng của dì, nhìn trầm ngâm hồi lâu ông hỏi: “đứa nào đó bây? Hai Thu hay Út Thương? À… con là Hai Thu, Út Thương không cao như vậy, tóc cũng không đẹp bằng. Hai Thu! Bây… có giận ba không? Ba thương bây lắm, có biết không!?!?”. Dì hai nhìn ông, mỉm cười, mắt rưng rưng…


Những trận đòn bất giác của ông và cả những buổi chiều gió mát, biển không một gợn sóng; dì ngồi bên ông thả mái tóc dài óng cho ông vuốt ve, khẽ khàng “ba thương bây lắm, có biết không!?” cũng kéo dài hai năm thì ông mất. Thời gian cũng chẳng đợi chờ ai. Chúng tôi rồi cũng trưởng thành. Ai nấy cũng có cuộc sống riêng. Chúng tôi – những đứa trẻ vùng biển nghèo cũng thực hiện đúng lời đã hứa với dì hai, sống trong và sống đẹp. Anh hai giờ cũng đã là một kỹ sư công trình, đã có gia đình riêng của mình. Bé Tư – cô em gái kế tôi cũng trở thành y tá cho bệnh viện quân y. Cậu em út của tôi hiện giờ là trợ giảng cho giảng viên một trường đại học ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Riêng tôi thì lại giữ đúng lời hứa với dì. Tôi trở thành một nhà văn chuyên viết truyện mạng. Tất nhiên, cuốn sách đầu tay của tôi mang tên Dì Hai Thu nhưng tôi chưa bao giờ công bố ra bên ngoài. Cuốn sách đó hiện đang ở dưới quê nhà của tôi, được má tôi đặt ngay ngắn trên bàn thờ của dì để mỗi lần có dịp về hương khói cho dì, tôi lại được sống lại tuổi thơ đẹp đẽ qua những trang sách. “Tụi bây sau này lớn lên, làm gì làm cũng phải nhớ lỗi lầm ai trong đời cũng phạm phải. Nhưng đừng phạm loại lỗi lầm làm mình và ba má mình phải đau khổ suốt đời nghe chưa. Tao coi như đứa con nước đục rồi. Tụi bây sau này phải sống trong nhe. Không phải sống cho tụi bây mà còn sống cho ba má bây, cho ông ngoại bây và sống luôn phần đời mà tao không sống được. Biết chưa”… những lời dạy này của dì hai bây giờ không còn nữa nhưng trong những trang sách của tôi, nó vẫn hiện hữu như chưa bao giờ phai nhạt!


Bình luận

  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn anhtucs (10/03/2023): truyện siu đáng iu luôn, nhiều lúc mình muốn bật khóc vì tình iu của cha dành cho đứa con gái của mình, dù phạm sai lầm không thể tha thứ nhưng mà ông vẫn thương, thương dữ lắm.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}