Phần 1: Nhà của nội

Nhà bác cả chuyển về gần ông bà cụ chắc cũng đâu đấy khoảng hai năm rồi. Thương hai ông bà tuổi cao mà vẫn phải lo cho con, cho cháu, bác dành dụm vốn liếng bao nhiêu năm tích cóp để mua một căn hộ trong khu đô thị mới, mong đón ông bà về ở cùng để dễ bề chăm sóc. Khốn nỗi, người già vốn không thích thay đổi, ông bà nhất quyết ở lại căn nhà khi xưa hai người từng cùng nhau đắp từng viên gạch. Căn nhà ấy tuổi thọ có khi còn gấp mấy lần tuổi mấy đứa cháu, các bác và bố đã ở đó từ ngày còn bé tí.


Không thuyết phục được hai vị phụ huynh đã ở vào cái tuổi “bát thập cổ lai hy”, bác cả đành ngày ngày cần mẫn đến lấp đầy tủ lạnh nhà ông bà bằng những món ngon vật lạ, những sơn hào hải vị tươi sống đắt đỏ (mà biết giá thì có khi cho thêm tiền các cụ cũng giãy nảy không thèm ăn). Mang đồ ăn và dọn tủ lạnh cho ông bà là phụ, cái chính là bác muốn đến động viên tinh thần ông bà cụ. Có bác cả lúc nào cũng nhẹ nhàng khuyên bảo hai đứa cháu nội tuổi dở dở ương ương của ông bà, có bác rể dí dỏm xoa dịu “cậu” con trai vàng ngọc cứ đến giờ ăn là lè nhè cái giọng nát rượu, nếp nhăn trên mặt ông bà cụ cũng bớt đi phần nào những khắc khổ của năm tháng.


Kể từ lúc bác cả thường xuyên lại nhà, bác cứ nấu sẵn thức ăn lên góp chung với ông bà hôm thì bát canh, hôm thì đĩa thịt, lúc lại con cá. Trước đây, ông hay đi chợ nấu cơm, nhưng quanh năm suốt tháng chỉ có thịt, có tôm, kho với cùi dừa già. Hai đứa cháu nội thỉnh thoảng lại ỏng eo đòi ăn món mới, ông nấu ngon nhưng chỉ một món thì ăn mãi cũng nhàm. Chúng nó quên mất rằng ở cái tuổi của ông bà, còn khỏe mạnh được để con cháu không cần chăm bẵm đã là quí lắm. Đằng này, ông vẫn còn phải đi chợ nấu cơm, bà vẫn còn phải dọn hàng bán nước. Thỉnh thoảng, đứa cháu gái mới vào bếp được một hôm. Nó nấu ăn thì ông bà vui vẻ mà ăn được tất, nhưng hiếm khi nó mới “trổ tài”, vì còn bận đi học. Mà có lẽ con bé cũng nghĩ việc bếp núc của mình chỉ “nhân một dịp” nào đấy thôi, bởi đó giờ ông cụ vẫn đảm đương phần trách nhiệm ấy.


Lương hưu của hai ông bà ba cọc ba đồng, có thêm khoản phụ cấp cho thương binh và thu nhập từ cái quán nước vỉa hè, đáng lẽ ra đủ cho ông bà vui vẻ tuổi già thì lại tiêu tốn đi đâu cả vì đứa con trai út rượu chè cờ bạc, lại phải cả ma túy. Phải nhà có của cho mà chơi thì mới yên cho, chứ không thì giờ này đã sống thành thằng đầu trộm đuôi cướp. Ba người con gái lo toan cho ông bà cụ chẳng thiếu thứ gì, còn quan tâm để mấy đứa cháu nội của ông bà khỏi thiệt thòi vì bố mẹ đôi ngả. Lúc nào các bác cũng sợ chúng nó thiếu thốn vật chất hay tình thương. Có lẽ chừng ấy yên ổn sau bao dông bão cuộc đời, với ông bà đã là đủ thôi bạc mái đầu bao năm làm bạn với gió sương.


Mỗi lần bác cả qua, những thứ đồ đạc linh tinh mà bà cụ tích trữ bấy lâu vì “lỡ đâu có ngày dùng đến” lại bớt đi một chút. Mỗi lần bác cả qua, bác lại quan sát kĩ cái góc bếp chật chội vì công trình phụ to ngang nhà ăn; cái lối đi hẹp hẹp vì xây cầu thang nằm chắn giữa. Cân đo đong đếm dữ lắm, tháng trước bác đã sửa sang xong căn nhà của ông bà. Gian bếp rộng hơn hẳn, đồ đạc cũ kĩ vứt hết đi, những viên gạch nứt vỡ thay hết bằng gạch men sáng loáng, mấy cánh tủ bằng tôn vàng bị tháo ra thế bằng i-nốc, không còn những thứ lỉnh kỉnh treo móc khắp nơi cho mối, mọt, kiến, gián… làm tổ nữa. Cả phòng bếp nhìn rộng rãi sáng sủa hẳn lên, đà này mà ông nấu nướng thì thích phải biết. Nhưng hình như ông chẳng quan tâm mấy, mà cũng hình như lâu nay ông cụ xuống bếp bữa đực bữa cái.


Bận này ông cụ bị lở miệng. Ông bảo, “Nóng trong ấy mà!”


Thỉnh thoảng, ông vẫn hay bị mấy bệnh lặt vặt như đau họng, nhiệt miệng, húng hắng ho vài cái hay hắt xì đôi ba lần. Thế rồi dăm ba ngày là lại khỏi. Lần này thì ông lão chẳng buồn ăn, bôi dầu gió vào vết thương như mọi khi mà mấy hôm rồi chẳng thấy đỡ.


Bác cả vẫn lên thăm ông bà luôn. Tối đó, đã phải mấy bữa ông không ăn uống được, miệng thì vẫn đau. Ông lão bảo bác, “Chắc mày rảnh phải đưa bố đi khám.” Sáng sớm ngày hôm sau bác đã đánh xe lên chở ông đi viện. Hóa ra vấn đề không phải là nóng trong người, mà ông lại tưởng bệnh vặt như mọi khi nên cứ đứng trước gương soi soi đèn pin, chấm vài giọt dầu xanh vào vết thương là xong. Ai ngờ lại càng kéo dài thời gian ủ bệnh khiến bệnh còn nặng thêm.


Mãi tới chiều bà cụ mới lên viện thăm, ông cụ phải nằm lại mấy ngày. Bà ngồi trên giường hỏi han đôi ba câu thì bác cả gọi điện. Bác lo thủ tục nhập viện cho ông xong, dẫn ông qua lần lượt từng khoa khám sàng lọc rồi lại lật đật chạy đến cơ quan, chiều muộn mới có thời gian liên lạc. Nghe con gái đang trên đường tới, bà vội gàn, trách sao mà phải kè kè như thế cho mất công, rồi đuổi bác về. Không hẳn là bà xem nhẹ bệnh tình của ông lão, nhưng bà cũng thương đứa con gái sáng sớm mai phải đi công tác mà vẫn đôn đáo lo toan cho bố đến muộn.


– Nó phải xem xem bác sĩ dặn dò thế nào chứ! – Ông lão xem chừng không vừa ý – Thế tối nay bà có ở lại đây với tôi không?


– Làm sao mà phải ở? – Bà tỉnh bơ. Bà vẫn nghĩ rằng đau mồm đau miệng một chút thôi thì sao phải làm quá cả lên vậy.


Hẳn ông cụ tủi thân lắm. Mới cách đó vài tuần, ông suýt lên cơn nhồi máu cơ tim, may mà vừa vặn đúng hôm hai ông bà đi khám định kì nên phát hiện kịp. Từ hôm đó ông đã phải đặt stent [1] hai lần. Bà lão cũng nhập viện vì dọa nhồi máu cơ tim, nhưng được điều trị bằng thuốc nên bà nghĩ rằng vấn đề của ông cũng như mình, chẳng nghiêm trọng đến mấy. Khổ nỗi, bệnh viện ông bà đi khám hôm ấy không đặt stent được. Thế là khám xong thì bà nhập viện này, ông lại chuyển viện khác, cả hai ông bà đều chẳng biết được người kia thế nào.


Ông xìu mặt nằm xuống, quay vào tường ra điều có vẻ dỗi. Ông làu bàu:


– Phải có người ở đây chứ. Không có ai, bệnh tật thế này lỡ có chuyện gì thì sao…


Thế là bà lại nhớ về cái buổi đêm trước ngày khám sức khỏe định kì kia. Lúc tối ngồi xem ti vi với nhau, ông đã kêu tức ngực. Độ hai chục phút sau thì đỡ đỡ rồi qua cơn. Tưởng đâu hết hẳn rồi, ai ngờ lúc lên phòng đi ngủ thì nửa đêm cơn đau lại tới. Bà không quen hơi điều hòa nên nằm ở dưới nhà, phòng ông nằm có hai cái giường, ông một cái và bố con thằng nhóc một cái. Giờ này bố con nó đã ngủ say, con bé lớn thì ở phòng riêng dưới gác lửng. Ông gọi mấy bận chẳng đứa nào trả lời. Đứa con trai út của ông hình như thoáng tỉnh, chép miệng vài cái, lăn qua lăn lại vâng vâng dạ dạ trong mơ màng rồi lại lật lưỡi ngáy o o.


Sáng sớm ông mới hỏi:


– Sao hôm qua bố bảo mày gọi mẹ mà mày dậy cũng không nói gì? – Ông cụ nghĩ bụng, phải mình có chết queo ở đấy thì nó cũng chẳng để ý.


– Sáng nay con bảo rồi thây! – đứa con trai út của ông vặc lại.


Sự tàn phá kinh khủng của rượu bia, của chất kích thích làm cho con trai ông lão tuổi ngoài bốn mươi nhưng chẳng có cái dáng vẻ đĩnh đạc của một người đàn ông đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời. Thậm chí, cách đây mấy năm, vì say rượu mà đứa con trai này còn tự gây tai nạn giao thông cho mình, ảnh hưởng đến não bộ, giờ lắm khi thần kinh cũng chẳng được như người bình thường, tai thì nghễnh ngãng hơn cả người già nên lúc nào cũng nói chuyện rống lên như con rồng bị ai chạm phải cái vảy ngược. Đầu óc hai ông bà lúc nào cũng căng như dây đàn vì nhà cửa chẳng có lúc nào yên tĩnh.


Thế mà lúc tỉnh táo thì đứa con trai lại hề hề: “Cãi nhau tí cho vui cửa vui nhà!” Nhưng đó là chuyện của một thời gian dài sau vụ tai nạn, anh con trai vàng ngọc mới có thể bình phục được. Trong khi tất cả mọi người đều tin rằng đây là kì tích, kì tích khi một người ngưng não, điều trị trong phòng hồi sức tích cực đến mấy tháng trời… có thể trở về với cuộc sống thường nhật, thì người may mắn có được cái diễm phúc ấy chỉ trách đời trách phận. Than thở cho cái số đen đủi của bản thân, than thở cho cái số kiếp bị mọi người coi thường vì giờ là gánh nặng. Thực ra chẳng có ai coi ai là gánh nặng nên coi thường, người ta coi thường người không có chí tiến thủ. Giá mà tu chí làm ăn, giá mà biết thương cho đấng sinh thành, giá mà bình phục sau một trận thập tử nhất sinh như thế thì biết cai rượu, cai thuốc, biết sống mà làm gương cho hai con… thì đâu có bị ai chạm vào cái lòng tự tôn vốn chẳng có bao nhiêu giá trị? Một người như thế chỉ làm người ta ngán ngẩm: tự trọng thấp mà tự ái lại cao.


Mỗi lần nghĩ về cái cảnh ngộ gia đình mình, bà cụ lại cảm thán sao mà nó lắm éo le. Âu cũng tại khi xưa ông bà “cố” cho thêm được một cậu ấm, bây giờ thì ấm ngược vào thân, chỉ có ba đứa con gái là không để cho ông bà phải lo lắng. Người đàn bà thép ấy bao nhiêu năm một mình nuôi bốn đứa con và các em chồng ăn học để chồng yên tâm chinh chiến nơi sa trường, giờ đây tấm lưng còm cõi lại bị kéo rạp xuống vì mối lo mấy đứa cháu nội lỡ đâu mai này ông bà đi xa. Cũng chỉ có cái xụ mặt đầy ấm ức của ông khi xưa không sợ khói lửa đạn bom giặc Mĩ, chân vẫn còn lưu lại lỗ đạn xuyên qua, bây giờ lại nơm nớp lo sợ cái chết của tuổi già bệnh tật, mới làm bà mềm lòng:


– Ở thì ở! – nói rồi bà cụ bĩu môi, vỗ vỗ dỗ cho ông lão khỏi giận, lại quay sang dặn dò đứa cháu về nhà cầm quần áo cho bà.


[1] Đặt stent mạch vành là thủ thuật ngoại khoa được áp dụng trong điều trị bệnh mạch vành. Trong đó, bác sỹ sẽ dùng một ống thông nhỏ có bóng nong ở đầu luồn theo đường mạch máu từ bẹn hoặc cánh tay lên tới vị trí mạch vành bị tắc nghẽn và thổi phồng quả bóng để nén mảng xơ vữa lại. Tiếp đó, stent – một khung kim loại dạng lưới được để lại tại vị trí vừa nong bóng để cố định mạch vành, đảm bảo máu được lưu thông một cách dễ dàng. Đặt stent được chỉ định với trường hợp mạch vành bị tắc hẹp nặng, không đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc và trong xử trí nhồi máu cơ tim cấp.


Phần 2: Dòng thời gian

“Con chăm cha không bằng bà chăm ông” – suy nghĩ ấy sượt qua đầu đứa cháu gái khi thấy vẻ mặt vui mừng của ông vì biết con bé sắp sửa đồ đạc cho bà ở lại viện cùng ông. Người ta bảo người già như những đứa trẻ con. Con bé chắc mẩm đúng thật. Ông cũng tủi thân vì không được quan tâm, cũng xụ mặt khi bị người thân nặng lời, rồi dỗ dành vài câu là lại vui vẻ trở lại… giống thằng cháu nội của ông ở nhà.


Con bé cháu nội phải đi đến hai bận mới mang đúng những gì bà cần. Từ bé tí xíu con bé đã ở với bà, cái ngày nó còn đỏ hỏn, đẻ non phải nằm lồng ấp

Lồng ấp là một thiết bị trong đơn vị chăm sóc sơ sinh đặc biệt. Có rất nhiều nguyên nhân khiến em bé phải nằm trong lồng ấp, bao gồm: sinh non; các vấn đề về thở; nhiễm trùng; ảnh hưởng của tiểu đường thai kì; vàng da; chuyển dạ lâu hoặc chấn thương trong khi chuyển dạ; cân nặng sơ sinh thấp; hồi phục sau khi phẫu thuật.

[1]. Bà chăm bẵm con bé từ một đứa trẻ sơ sinh chưa đầy hai cân, ốm yếu chẳng khác nào con mèo hen, giờ lớn tướng sắp đi học đại học rồi mà bà vẫn gọi là “Xíu”. Trong số mấy đứa cháu, chẳng đứa nào được bà chiều bằng con bé, cũng chẳng đứa nào hiểu bà bằng nó. Ấy thế mà chẳng biết từ bấy lâu rồi, con bé không còn nhớ bên nào trong tủ quần áo của bà là đồ bộ mùa hè, góc nào trong ngăn kéo của bà là áo quần mùa đông nữa. Dù về nhà đã gọi điện để hỏi đi hỏi lại bà mấy lần xem cần chuẩn bị những gì, nhưng lên tới viện vẫn phải vòng lại lần hai.


Nghe bà gọi “Xíu ơi Xíu” mà đứa cháu gái hổ thẹn trong lòng, không biết bấy lâu nay sự quấn quít của con bé bên bà đã bẵng đi đâu mất. Thậm chí từ lúc bố thay tính đổi nết, nó còn mong sao nhanh nhanh chóng chóng đi học đại học, mong sớm được rời khỏi căn nhà này đến một nơi tránh càng xa khỏi những say xỉn quát tháo của bố càng nhanh càng tốt. Giờ thì nó hối hận vô cùng cực, một cảm giác ăn năn dâng lên đến mức có thể nhấn chìm nó trong mặc cảm tội lỗi vì đã muốn quay ngoắt bỏ đi mặc ông bà sống chung với đứa con trai lúc tỉnh lúc mê, bỏ mặc đứa em trai nhỏ dại ngày ngày lắng nghe những lời tục tĩu của một ông bố say xỉn.


Con bé ở với ông bà từ thuở nằm nôi, quá quen với việc không có bố mẹ ở cạnh. Đi quanh quanh trong cái xóm toàn người già ấy, có khi người ta bảo nó là phiên bản “con con” của bà cụ, thậm chí người ta kháo nhau đùa rằng “con này là con gái ông bà chứ con nào của bố mẹ nó”. Con bé vui vì điều ấy chứ không buồn, noi theo bà mà nó giỏi giang độc lập từ sớm lắm, bà cho nó tự quyết mỗi lựa chọn quan trọng trong cuộc đời nó, bà chỉ dạy nó cách để suy xét mà chọn sao cho đúng. Nếu con bé là “con của bố mẹ nó”, ở với bố mẹ từ nhỏ như em trai nó, chắc nó không thể ngoan ngoãn mà “ngồi” vào những cái “chỗ” mẹ nó đã “đặt” sẵn. Đâm ra đôi lúc nó không hài lòng với cái cách em trai nó cứ cần phải có người đốc thúc liên tục, đôi lúc nó phát cáu khi thằng nhóc nói chuyện cấm cẳng với ông bà và bố chúng nó, nó quên mất rằng thằng nhóc không được làm “con của ông bà cụ” như nó.


Em trai nó sống tình cảm nên việc đột ngột không được ở cùng bố mẹ nữa đã tạo ra niềm hụt hẫng lớn lắm với thằng nhóc. Nhắc mới nhớ, bận hè này thằng cu ấy đi học dữ lắm. Các bác không ép nó, bố mẹ không ép nó, chỉ có chị nó là ép nó. Có lẽ con bé ý thức được việc thằng nhóc có thể “hỏng người” nếu không có ai rèn giũa mà ở suốt với ông bố cục cằn lại nghiện ngập, nên con bé cố gắng mà sát sao em nó từ những gì nhỏ nhặt nhất.


Ông bà đi viện đúng bận các bác đi công tác cả nên bữa nào nó cũng phải xuống bếp nấu đủ món cơm canh. Thằng nhóc con quấn quít bên nó nhặt rau, đập hành, bóc tỏi, chạy đi mua can dầu, sang hàng xóm xin quả chanh, trái ớt… rồi véo von đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, lắm khi cứ e dè muốn nói gì lại thôi như sợ sệt. Con bé biết lắm, biết rằng thằng nhóc sợ nói gì sai lại làm nó khó chịu mà gắt gỏng. Trong lòng nó bắt đầu len lỏi những ý nghĩ về những yêu cầu khắt khe mà nó đặt ra với thằng nhóc, hình như nó đang đi vào vết xe đổ của biết bao bậc làm cha làm mẹ khác. Con bé cũng là một đứa trẻ mà tại sao lại cứ ép đứa trẻ em nó phải hiểu những thứ lớn rồi nó mới hiểu? Con bé cũng từng nhỏ dại mà sao lại quên rằng hồi nó bằng tuổi thằng nhóc ông bà cụ đã kiên nhẫn chỉ bảo nó sau sai lầm thế nào?


Mấy hôm rồi cứ tan học là con bé lao thẳng xe về nhà, vội vã để nấu bữa cơm trưa vì muộn là không kịp giờ đi học buổi chiều. Dù lịch chồng lịch bận tối mắt tối mũi, nhưng nó cứ tự động viên bản thân rằng cố vài hôm ông bà cụ về đến nhà là lại ổn. Ông cụ sẽ lại vào bếp, bà cụ sẽ lại trông hàng. Bố nó mấy hôm được thay bà “tiếp quản” cái quán cóc con con dường như trở nên một con người khác hẳn. Phải chăng ấy là cái khí thế của người có thể “thẳng lưng lên mà sống”? Được tự mình làm chủ cuộc đời mình, dù sao cũng đỡ cảm thấy thừa thãi hơn cảm giác gần năm mươi tuổi đầu nhưng cần gì cũng phải mở miệng hỏi tiền bố mẹ. Có lẽ sau đợt vắng nhà ngắn ngủi này của ông bà, bố nó có thể hồi tâm chuyển ý? Bố con bé thay đổi thì em trai con bé cũng sẽ có thêm một người để noi gương, và ông bà cũng sẽ không đau đầu vì lo cho đứa con trai “phá gia chi tử”.


Những suy nghĩ miên man trong đầu làm đứa cháu gái thư thái hơn. Những hi vọng tốt đẹp về tương lai gợi cho con bé về quá khứ đẹp đẽ của tuổi thơ bé. Nó vặn tay lái chậm lại và những cung đường trước mắt trải ra trong đầu nó một miền kí ức về những ngày ông còn khỏe mạnh, nó được ngồi trước con xe Dream cũ theo ông đi khắp phố phường. Kia là vườn hoa trung tâm, bên cạnh có cả đài phun nước, đi thêm một đoạn nữa có bức tượng đồng to đùng mà hồi ấy nó bảo là “thằng người to”… Rồi cứ đến buổi tối, cũng trên cung đường ấy, bà dắt nó đi bộ hóng mát ven sông. Bước chân của bà thoăn thoắt mà nó cứ nghĩ hồi ấy mình phải chạy mới theo kịp.


Từ lâu rồi ông cụ không chạy được chiếc xe máy cũ mèm ấy nữa. Tốc độ già nua của cái xe cổ lỗ sĩ ấy vẫn đủ để một cụ già có thể gây tai nạn. Ấy vậy mà con bé chỉ nhớ được chi tiết ông vẫn hàng ngày đi chợ, đánh cờ… mà không để ý rằng ông chỉ đạp trên con ngựa Thống Nhất còn lại từ ngày xưa. Và cũng không biết từ bao giờ, nó đã phải dừng lại thả bước chậm hơn để đợi bà cụ. Nắm tay bà, nó không còn ngước lên nữa mà sẽ cùng bà sóng đôi. Lưng bà còng xuống nhiều rồi, và nó cũng cao lên không ít.


Chỉ thoáng thư thả hơn thôi mà đứa cháu gái đã thấy lòng mình trĩu nặng như cánh võng ông đưa khi xưa ru nó nghe Truyện Kiều. Bất cứ thứ gì hiện lên trước mắt con bé, bất cứ điều gì bật ra trong đầu con bé đều gióng lên một hồi chuông đỏ chói mắt nhắc nó mau chóng nhận ra rằng ông bà nó thực sự già rồi. Vội nấu bữa cơm, vội đi học buổi chiều, vội về nhà lúc tối mịt sau ca gia sư mệt mỏi, thời gian con bé rong ruổi ngoài đường còn nhiều hơn cả thời gian có mặt ở ngôi nhà nơi có những người thân yêu luôn lo lắng cho nó từng ngày.


Tối mịt rồi nó mới về đến nơi mà nó coi là mái ấm. Con mèo nhỏ nằm giữa cái giường ở tầng một, đáng lẽ ra nó chỉ được nằm trong góc thôi vì giờ này bà cụ đã đi ngủ rồi. Con mèo béo núc ních mấy hôm nay cứ quanh quẩn “meo meo” suốt vì chẳng thấy hai ông bà cụ. Ông bà nuôi thứ gì cũng để nó béo mầm. Kể cả hai chị em nó. Kể cả bố nó. Con mèo được nó nhặt về cuối cùng lại đến tay bà chải lông, ông cho ăn, thằng nhóc bắt rận. Con mèo cũng còn biết nhớ người chăm bẵm nó hàng ngày, còn con bé thì chỉ lấy cớ đi học, đi làm thêm… mà không vào bếp nấu được bữa cơm, mà tự biện hộ cho thái độ gắt gỏng vì mệt mỏi, mà cho mình cái quyền quên mất tuổi già chỉ cần con cháu vui vầy là sống trẻ khỏe được thêm tận mấy năm.


Vẫn cái cầu thang bị chê là thiết kế không hợp lí – cái cầu thang nằm chắn ngang giữa nhà vì cái thời các cụ chẳng được đến trường học hành tử tế thì đâu ra hiểu biết mà thiết với chả kế – ngổn ngang những đồ đạc bà cụ không nỡ vứt, giờ chính đống đồ đạc ấy khiến nó nhớ bà kinh khủng. Bước trên cái cầu thang với nền gạch đôi ba viên đã nứt, hình như cái cột trụ của gia đình này cũng đã nứt sâu lắm những rãnh của tháng năm. Đã bao giờ căn nhà này vắng chủ lâu đến như vậy?


Chiếc đèn treo tường ở khúc ngoặt cầu thang giờ đây đã không cần đứa cháu gái phải với mới bật được, nó chỉ cần giơ tay là có thể nhấn công tắc ngay trong tầm với. Bóng đèn sáng lên, yếu ớt, le lói, vàng vọt. Bóng đèn còm cõi tưởng như có thể tắt ngúm bất cứ lúc nào. Căn phòng ở gác lửng có cửa trong suốt, sau nhiều lần khó chịu vì ánh đèn hắt vào, con bé dán kín cửa phòng bằng những tranh những ảnh, bằng những giấy nhớ đủ điều.


Con bé khóc. Nó muốn gào to và muốn nấc lên từng hồi, nhưng nó biết là làm vậy thì bố và thằng nhóc sẽ nghe thấy. Nước mắt nó ròng ròng chảy xuống hai má và nó há miệng ra cố hít nhẹ từng hơi để không ai phát hiện.


Ngày xưa, bà nội bật cái đèn này vì nó sợ ma, cứ tối đen thui thì đêm ngủ sẽ gặp ác mộng. Nó nằm cạnh bà giật mình liên tục, bà xoa xoa lưng và nắm bàn tay để nó lại yên giấc ngủ ngon. Bây giờ, mắt bà cụ kèm nhèm rồi, cái đèn phải hắt ánh sáng xuống lối đi ở tầng một thì đêm bà dậy đi vệ sinh mới không bị vấp ngã. Nó cũng đã dọn lên phòng ở một mình, chẳng còn ai nằm cạnh bà để dắt bà đi lúc nửa đêm ngoài ánh sáng của chiếc đèn cầu thang. Thế mà nó lại khó chịu vì thứ ánh sáng ấy, thế mà có những lúc nó đã muốn tắt phựt đèn đi cho đỡ phiền. Thế mà bây giờ không có ai cần đèn soi đêm, nó lại cứ vô thức theo thói quen mà bật cái đèn sáng. Bây giờ đèn không hắt vào phòng nó nữa, bà cũng không vào trong đặt lên bàn học những thứ đồ ăn vặt bà để dành cho nó, vì biết nó không thích ai tự ý vào trong lúc nó vắng nhà. Mấy bữa nay không cần đèn sáng nữa rồi, nhưng mai là ông bà cụ lại về thôi. Rồi sẽ đến một ngày, cái đèn này không bao giờ cần thiết phải sáng nữa. Và rồi sẽ đến một ngày, cái giường dưới phòng khách kia được dọn đi.


Ngày ấy sẽ đến và con bé sẽ phải hối hận mãi vì cứ càng một lớn nó lại càng xa cách ông bà. Ông bà càng già, càng cần có người ở bên chăm sóc thì con bé lại càng đến tuổi muốn tung cánh bay xa.


Không được.


– oOo –


– Mày bận học thì cứ về đi, ở đây ông bà tự lo được. Lên tận đây làm gì cho mất công ra.


Ông cụ xua xua tay lúc đứa cháu gái lên đón ông ra viện. Các bác nó vẫn đang đi công tác chưa về kịp. Nhưng con bé chỉ chăm chăm gấp quần áo cho thẳng thớm, sắp sửa đồ đạc cho gọn gàng mà trả lời:


– Chứ chẳng lẽ nhà có mỗi đứa cháu gái lớn mà lại để ông bà tự về?


Suốt quãng đời ngắn ngủi trước đó con bé vô tư cho mình cái quyền nhận không tình thân gia đình, mà không biết rằng thứ tình cảm ấy cũng có thể mai một nếu con người ta hờ hững cho rằng nó tồn tại là đương nhiên nên không bồi đắp.


Nó dường như lo lắng trước cái cảnh mình đủ sức mà báo hiếu cho ông bà thì ông bà cụ không còn phúc mà hưởng. Nó dường như lo sợ trước cái cảnh nó đi học xa nhà và người bố thì vẫn “bản tính khó dời”. Tất cả những lắng lo ấy đều để nó hiểu rằng nó không có lựa chọn nào khác ngoài cắm đầu tiến lên phía trước. Sau lưng nó, chỉ có bản thân nó là chỗ dựa. Nhưng sau lưng ông bà đã già, sau lưng người bố bệnh tật, sau lưng thằng nhóc thơ dại, nó là cả một cột trụ tinh thần sừng sững.


Đứa cháu gái không biết rằng nó sẽ sửa được bao nhiêu lỗi lầm, con bé chỉ biết nó đang cố gắng để không bước sai thêm một lần nào nữa.


[1] Lồng ấp là một thiết bị trong đơn vị chăm sóc sơ sinh đặc biệt. Có rất nhiều nguyên nhân khiến em bé phải nằm trong lồng ấp, bao gồm: sinh non; các vấn đề về thở; nhiễm trùng; ảnh hưởng của tiểu đường thai kì; vàng da; chuyển dạ lâu hoặc chấn thương trong khi chuyển dạ; cân nặng sơ sinh thấp; hồi phục sau khi phẫu thuật.


Bình luận

  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Thanh Lĩnh (11/08/2022): Những hình ảnh dẫn đến hình tượng. Ví đó là người đàn bà thép, bỗng nhớ đến tựa ” Thép đã tôi thế đấy”. Cảm ơn Tác và Trang đã công bố truyện.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}