Tôi đến trước cửa căn nhà liền kề hai tầng khi những hạt mưa bắt đầu rơi lất phất. Bàn tay lạnh cóng dù đã ủ trong găng tay loay hoay tìm chìa khóa, nhưng còn chưa kịp tra vào ổ thì cánh cửa đã bật mở. Mang theo khuôn mặt ngỡ ngàng cũng không khác tôi là mấy, ánh mắt Phương soi xét tôi từ đầu tới chân:


- Tôi tưởng sáng mai ông mới ra.


Tôi vươn tay mở rộng cánh cửa, đẩy gã qua một bên rồi dắt xe vào trong nhà, vừa ngáp một cái vừa làu bàu:


- Sếp gọi. Được bữa cơm cũng không yên. Mà giờ này sao ông còn ở đây?


Không có tiếng đáp lời, tôi ngẩng đầu nhìn qua tấm kính ngăn giữa phòng khách với bếp, chỉ thấy phản chiếu cái dáng gầy gầy của gã đồng nghiệp đứng dựa lưng vào cửa, hai tay khoanh trước ngực, khóe miệng hơi nhếch lên, dường như định nói gì đó lại thôi.


Tôi và Phương cùng làm trong một công ty xây dựng, được công ty hỗ trợ chỗ ở là căn nhà hai tầng ba phòng ngủ. Tất cả có năm người nhưng giờ này chắc hẳn đều ở ngoài công trường cả, chỉ có tôi vì đã trực xuyên tết nên được nghỉ bù từ mùng mười tới qua rằm, ấy thế mà còn chưa hết sáng mười lăm, tên chỉ huy trưởng đã rối rít gọi.


Việc bận thì đành, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác hắn là kiểu người không muốn nhìn người ta hạnh phúc. Nghe đâu hắn đi công trình nhiều, xa nhà nhiều, vợ hắn cũng vì vậy mà đâm đơn ra tòa. Buổi li hôn chóng vánh, chỉ có người trong cuộc là day dứt. 

Nghĩ xa xôi một chặp, tôi chắt lưỡi quay lại nhìn Phương. Với sếp của chúng tôi mà nói, không đời nào có chuyện để anh bạn tôi ở nhà vào cái giờ này.


- Hôm nay lại được đặc cách nghỉ trưa à? – Tôi cười, cái thứ cười nặc mùi đâm chọc mà trước kia tôi từng ghét cay ghét đắng.


- Đặc cách cái gì. – Gã cũng cười, đôi mắt hấp háy nhìn tôi, dường như rất đắc ý: - Ông đến đúng lúc lắm. Đi, đi thay bộ quần áo rồi đi với tôi.


- Đi đâu?


Tôi vừa mở miệng hỏi đã bị gã đẩy một mạch lên tầng. Vừa đi, gã vừa nhấn mạnh:


- Chọn bộ nào tối màu ấy nhé, gớm chứ ông là cái thằng hoa hòe hoa sói nhất công trường đấy.


Vốn dĩ lúc trưa làm vài chén, hơi men còn chưa dứt, tôi định ngủ một giấc rồi mới đi làm, nhưng cuối cùng vẫn là không thể từ chối, dù sao trong công việc tôi còn phải nhờ vả gã nhiều.


Mười phút sau, hai chúng tôi đã cùng nhau đi bộ trên con đường bê tông mới đổ trước tết, dưới cơn mưa phùn lắc rắc. Tôi kéo mũ trùm kín đầu, nghe mùi mưa ngấm vào da thịt lạnh tê.


Thì ra gã được cắt cử đi đám ma, là con dâu của ông trưởng khu phố, bị tai nạn giao thông. Cả công ty cứ đùn đẩy nhau, cuối cùng đẩy tới gã lười nhất, lười tới mức ngại cả từ chối. Phương tặc lưỡi gật gật đầu, nghe đến đây tôi cũng đã tưởng tượng ra cảnh tượng lúc ấy thế nào, không khỏi bật cười. Gia đình ông trưởng khu phố, và cả cái khu phố này đều chẳng có tý thiện cảm nào với đám kỹ sư chúng tôi, thường xuyên gây khó dễ cho việc xây dựng, ấy vậy nên ít nhiều phải ý tứ lấy lòng bọn họ. Mà khổ nỗi, cái giống hạ mình luồn cúi nó có khác nào con chó đuổi theo mặt trăng, càng theo càng mất hút.


Lần này cũng vậy, khi chúng tôi đến nơi thì trước cửa tụ tập cả đống người, chẳng có nổi một chỗ mà chen. Với lí do phòng tránh lây nhiễm bệnh, chủ nhà chỉ bắc cái rạp nhỏ xíu, thành ra ai nấy đợi tới lượt đều đứng hết ngoài vỉa hè.


Tôi nhỏng cổ nhìn vào bên trong, chỉ thấy con trai ông trưởng khu trong bộ đồ tang trắng đứng cạnh ban thờ, hai hốc mắt hun hút mà đỏ hoe. Anh không khóc, nhưng cái tiếng “cảm ơn” không khốc khô rang mỗi khi có người vào viếng và vẻ ráo hoảnh vô hồn trên gương mặt lại tang thương hơn những giọt nước mắt gấp ngàn lần.


Mấy người hàng xóm xung quanh có phần nhốn nháo. Một lẽ vì trời mưa, một lẽ vì sự ra đi bất ngờ của người phụ nữ ngoài ba mươi ngay dịp đầu năm khiến người ta có nhiều suy tưởng. Tôi nghe loáng thoáng tiếng một bà cô trầm bổng như kể chuyện đêm khuya, rằng ban đầu bà tưởng người chết do covid, vội vàng nhớ lại có từng gặp gỡ tiếp xúc gì không, rồi lại khoanh vùng trong đầu xem chị ta thường ngày hay chơi với những nhà nào. Về sau biết là chết do tai nạn, bà mới thấy nhẹ nhõm mấy phần, chứ cỡ già yếu lại lắm bệnh nền như bà, tiêm còn chẳng dám tiêm, nhỡ dính phải con covid thì chỉ có mà toi mạng. Nghe tới đây, tôi chỉ có thể cười nhạt một cái trong đầu, miệng nói sợ mà chân lại vẫn tới tận đây góp náo nhiệt, chắc hẳn bà là một người hàng xóm thiện lành kiểu mẫu. Lại có người khác hẳn cũng ngày đêm lo chuyện làm thiện tích đức, vừa thấy bóng một kẻ đội khăn tang đã kéo ra một góc, thủ thì khuyên mời thầy về làm lễ, ấy chứ để ma ngày rằm thế này là hạn lớn lắm, chớ có đùa.


Còn chưa kịp “chẩn đoán” hết những người xung quanh, tôi đã bị cái kéo tay của Phương lôi về hiện thực:


- Vào thôi ông, làm gì mà đứng đực ra.


Tôi gật gật đầu, vội vàng đi vào theo. Tiếng loa thông báo tên công ty tôi vang lên, một tay thanh niên bê theo đĩa quả với chiếc phong bì của chúng tôi đặt trên, gật đầu ra hiệu. Mỗi thằng chúng tôi được phát một nén hương, cắm lên bàn thờ thì vái mấy vái, nói đôi câu chia buồn với chồng người đã khuất rồi được mời ra bàn uống nước. Tôi vốn định đi về, nhưng bà mẹ chồng hình như đã nhận ra chúng tôi sau mấy lần bà tới công ty yêu cầu nộp tiền vệ sinh, kéo tay bảo ngồi lại. 


Bà mẹ chồng đeo khẩu trang kín, chỉ để lộ đôi mắt. Thú thực, tôi không thể cắt nghĩa được ánh mắt của bà là đau buồn hay nhẹ nhõm. Ngay cả cái cách bà kể lại toàn bộ quá trình xảy ra tai nạn cũng chỉ giống như một vị phóng viên đang tường thuật tin tức. Chiếc xe bảy chỗ dưới sự điều khiển của một gã say đã đâm vào con dâu bà và đứa cháu nhỏ đang đứng trên vỉa hè, kéo lê một đoạn dài – chỉ tới khi nhắc tới đứa cháu nhỏ bị dập gan vẫn đang nằm trên viện, dường như tôi mới thấy ánh mắt bà khẽ khàng lay động.


Chúng tôi hỏi han mấy câu cho phải phép, đang định đi về thì từ phía ngoài rạp, một người mặc đồ đen dắt hai đứa trẻ đi vào, trên tay mỗi đứa là một món đồ chơi nhỏ vẫn còn nguyên trong hộp.


- Đấy, hai đứa lớn của em nó đấy, còn chưa vào lớp một. Ban sáng bắt bọn nó mặc áo tang đứng với bố nhưng giờ mệt quá bọn nó không đứng được nữa. – Người mẹ chồng nói bằng chất giọng đều đều, chẳng hiểu sao nghe nỉ non hơn cả tiếng kèn đám vẫn lượn vòng quanh đầu chúng tôi suốt buổi.


Nhìn hai đứa trẻ cũng chạc tuổi con mình, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, không khỏi xót xa. Gương mặt non nớt dường như vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, đôi môi còn có chút vui tươi vì vừa được mua đồ chơi mới. Chúng cũng có mặt khi sự việc xảy ra, chỉ kịp kêu lên mấy tiếng “Mẹ ơi!” trước khi bị người lớn vội vàng đưa đi. Hôm nay và ngày mai nữa, giữa những cái ôm vồn vã của họ hàng và hàng tá lời hỏi thăm cưng nựng đầy chua xót của những người có lạ có quen, có lẽ chúng vẫn không thể hiểu được những gì mình đang phải trải qua. Chỉ tới cái ngày mà thềm nhà vắng bóng người qua kẻ lại và hơi ấm của người mẹ đã chẳng còn lại chút gì, phải chăng chúng mới bắt đầu khóc thương không chỉ cho người mẹ, mà còn cho chính bản thân mình?


Hai đứa trẻ đã đi vào nhà trong từ lâu, tôi thở dài đánh thượt một cái, nghe mùi men lẫn trong hơi thở của mình mà mơ hồ nghĩ tới lời kể về kẻ gây tai nạn, khi đứng trước hậu quả do mình gây ra lại chỉ nói độc một câu:


- Mẹ nó, hôm nay đen thế!


Hết.

 

 


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}