Không thấy con vật chết nào trong các góc tường, các ngăn tủ hay các khe hẹp cả. Có lẽ thứ mùi ấy phát ra từ trần nhà, hoặc trong các lớp tường nơi anh không có khả năng xử lý. Một lần nữa, anh tự ngửi quần áo và cơ thể mình, xác nhận rằng nhất định mùi ấy không phải từ bản thân mà ra.
Chẳng hiểu sao lúc nào mùi của những phòng khách sạn cũng đều giúp anh tỉnh táo và tập trung tốt hơn. Chúng xa lạ, bàng quan, vô tâm, khách quan, mới mẻ và khởi đầu. Phải, Nghiêm đang tìm từ này, mùi “khởi đầu”, mọi thứ như được cài đặt lại, bắt đầu lại một lần nữa, với những chăn ga gối như vừa được sản xuất ra dù chắc chắn là không phải vậy mà thậm chí còn bẩn hơn ga gối ở nhà anh. Nhưng thứ nước tẩy này, nước lau rửa này, hoá chất này, tất nhiên cộng với không khí và bối cảnh, tạo ra cho anh một sự giản cách, xa lạ, kém hoàn hảo. Những điều ấy lạ lùng làm sao lại giúp anh tập trung cực kỳ tốt. Ngôi nhà của anh quá ấm cúng, quá thân thiện, quá ngọt ngào, cảm giác quá “thuộc về”, quá “sở hữu”, quá hiển nhiên nên chỉ toàn đem đến sự thèm muốn được nuông chiều, được vỗ về, an ủi, buông thả, lười biếng và thư giãn. Nhớ đến ngôi nhà của mình, trong bụng Nghiêm lại dậy lên cơn bất an, chẳng biết anh đã nhấn nút nồi cơm chưa nữa.
Anh nhìn bức tranh được vẽ theo phong cách hoà trộn giữa Picasso và Edvard Munch, nghĩa là giữa “Người đàn bà khóc” và “Tiếng thét” – sao nhỉ, một người đàn bà vừa khóc vừa thét? Nói chung là một bức tranh lộn xộn, ồn ào và tưng bừng, quá nhộn nhịp so với một căn phòng khách sạn. Nghiêm thích các bức tranh của căn khách sạn anh xếp thứ hai hơn, ngay ngoài sảnh của khách sạn ấy đã treo hẳn một bức to đùng vẽ một vườn hoa dưới ánh hoàng hôn, song dù đẹp và ấn tượng thì có, nhưng chưa phải bức anh thích nhất – nó vẫn còn thê thiết quá – mà các bức tranh treo trong phòng hoặc ngoài hành lang, vẽ tĩnh vật, của khách sạn ấy mới khiến anh thích nhất. Còn ở khách sạn này, khách sạn anh chấm điểm cao nhất, thì có vẻ gu thẩm mỹ của những người xếp đặt và thiết kế lại thiên về sự hiện đại, mang tính biểu trưng, khó cảm thụ và cũng đánh đố hơn một chút. Anh trèo lên ghế, nhấc bức tranh lên và xem thử mặt sau, nghe bảo các phòng khách sạn có người tự tử thì chủ khách sạn sẽ dán bùa ở đâu đó để trấn yểm vong hồn. Dù Nghiêm không hiểu, sao lại vậy nhỉ, khó mà tưởng tượng một con người từng sống – có nghĩa đã từng là một người yêu quý của ai đó, là cả thế giới của ai đó, được ai đó nâng niu, được ai đó trân trọng, là đứa con của một người cha người mẹ, là một người cha người mẹ của con, là người yêu của ai đó, là người thầm thương trộm nhớ của ai đó – khi chết lại trở thành một thứ đáng sợ?
Dù quả tình, xác chết thì đáng sợ thật, song Nghiêm không chắc hồn ma có đáng sợ hay không: một người từng là người yêu quý nhất của ai đó liệu có đáng sợ hay không? Hoặc giả chính linh hồn ấy có oán thù, có căm hận, có quyến luyến, thì liệu chăng họ có nuôi thù oán tận mấy chục mấy trăm năm, đến mức khiến bản thân không siêu thoát được, và đặc biệt: trở nên xấu xí đến mức khiến người khác hãi hùng – đây mới là điểm quan trọng nhất, trời ạ, nếu Nghiêm là ma, anh nhất định sẽ không đem sự xấu xí của bản thân đi doạ nạt người khác, vẻ ngoài xấu xí thì có gì đáng tự hào, sự sợ hãi của người khác về ngoại hình xấu xí của mình thì có gì đáng tự hào?
Nghiêm không tìm thấy bất kỳ lá bùa nào, vậy thì yên tâm rồi.
Anh chợt để ý đến một thứ khác: có đàn kiến đen đang bò trên tường. Chúng kéo bè lũ di chuyển dọc góc tường rồi qua sàn nhà, chui xuống khoảng tối dưới gầm giường. Từng con từng con, không nhiều nhưng vẫn có thể phát hiện ra, như một đoàn diễu hành, một cuộc hành hương. Côn trùng, loài này thì khiến Nghiêm hơi nhộn nhạo trong người đôi chút, chủ yếu là vì cảm giác ngứa ngáy khi quan sát chúng. Đàn kiến bò xuống gầm giường nên Nghiêm suy đoán có lẽ thứ mùi này phát ra từ bên dưới, hẳn có người để quên đồ ăn thức uống, rồi đống đó đã mốc meo dưới gầm giường rồi. Nhân viên dọn phòng đã quên, hoặc đã bỏ qua không dọn dẹp dưới gầm giường, có thể họ sẽ dọn nhưng là theo lịch hàng tuần – giống việc anh thuê khách sạn.
Nhưng bỗng nhiên, suy nghĩ này nối tiếp suy nghĩ kia, các tình tiết trong những bộ phim kinh dị anh từng xem bắt đầu tập hợp lại. Nghiêm rùng mình, một cơn ớn lạnh chạy sau lưng anh và anh nghĩ, hay là có một “thứ gì đó bẩn thỉu” đang được giấu bên dưới gầm giường, khiến mùi của căn phòng cứ kỳ dị, khó ngửi, gây bất an?
Bật cười vì bản thân đã tự doạ chính mình, Nghiêm thong thả cúi xuống, hạ thấp người sát sàn nhà, nhìn vào bóng tối dưới giường. Anh bật đèn điện thoại soi cho kỹ hơn. Ánh sáng quét qua nhập nhoạng, rồi một cái đầu người hiện ra, trừng trừng nhìn anh bằng đôi đồng tử thao láo. Anh đã lỡ chạm mắt với nó, cả hai đã lỡ nhìn nhau, nó đã thấy anh. Nghiêm hét lên, quăng cả điện thoại đi và bật lùi lại.
Một cái xác người bên dưới gầm giường, với tư thế đầu nghiêng qua, mắt vẫn mở to sửng sốt, đối diện với anh. Tim anh giật thót. Cơn tê liệt lan toả, Nghiêm run lẩy bẩy, gần như lết trên sàn, cố tránh xa cái giường hết mức. Bất giác, hình ảnh trong đầu anh quay về cái nồi cơm chưa biết là bật hay chưa ở nhà, chẳng hiểu vì sao lại vậy, với tình huống này thì anh không kiểm soát được suy nghĩ của mình nữa. Hơi thở anh nông hơn, dồn dập hơn, người nhũn ra như con chi chi. Lồng ngực đập thình thịch, anh không thở nổi, cố gắng hít thở để bình tĩnh nhưng không có cách nào bình tĩnh khi đã biết trong không khí mình hít phải đang chứa đựng thứ gì. Mối hãi hùng lại chạy khắp cơ thể, anh giật nảy.
Hôm nay chính là ngày đó, Nghiêm nghĩ. Anh luôn biết sẽ đến lúc một vấn đề sẽ xuất hiện, khiến mình phải ngừng thói quen đi khách sạn, và hôm nay là ngày đó, thứ này sẽ phá tung mọi thứ: làm bung bét những bí mật, những lén lút và những kế hoạch. Anh nhớ lại cách câu chuyện này bắt đầu, đó là một đêm khuya khoắt nhiều năm về trước, hồi anh còn là sinh viên và thuê một căn trọ có giờ giới nghiêm là mười giờ đêm. Một hôm, Nghiêm đi chơi về trễ và bị nhốt bên ngoài, gọi điện chẳng ai bắt máy, thế là anh đành phải bỏ vài trăm ngàn thuê một phòng khách sạn qua đêm. Và trong cái đêm hôm ấy, trong căn phòng khách sạn ấy, một cảm giác kỳ lạ choáng lấy anh. Cảm giác của một sự giải thoát, như thể việc vào một căn phòng khách sạn xa lạ gần với việc bị tách ra khỏi cuộc đời mình vốn có, cuộc đời thường nhật. Mình đã chạy trốn, đã chạy thoát thành công và thế giới đã được gột rửa, đã thanh sạch và trở về trạng thái tinh khôi, bản nguyên. Mọi thứ đã được bắt đầu lại, dù tất nhiên không phải vậy. Thế là, Nghiêm thử lại lần hai, lần ba rồi nhiều lần nữa. Anh dần dần thấy thích trạng thái này: như đang bỏ trốn, như đã biến mất, đã mất tích, chẳng ai tìm ra tung tích, không còn dính dáng gì đến cuộc sống bên ngoài kia. Để rồi khi quay trở về, mọi thứ lại hẫng hụt khi anh nhận ra mình chưa bao giờ thoát.
Đã từng có một lần, Nghiêm thử không đi thuê khách sạn nữa, anh sẽ dành trọn cả tuần cho gia đình mình, một phần bởi vì tuần ấy cũng khá bận rộn, công việc chất đống và còn cả một buổi đi mua sắm nữa. Nhưng mọi thứ lệch khỏi quỹ đạo, chỉ bỏ một tuần thôi, Nghiêm đã đâm ra cáu gắt, tay chân bồn chồn khó chịu, đầu óc cứ nghĩ mãi đến những điều mình lẽ ra đã có thể học trong tuần này, lẽ ra giờ ấy mình đã có thời gian “tuyệt đối riêng tư” dành cho bản thân, được sống một cuộc đời khác. Thế là anh nổi nóng vô cớ, khó chịu vô cớ và trời ạ, y hệt một phụ nữ khi phải chịu đựng sự khó ở từ chu kỳ kinh nguyệt của họ. Anh không thể hài lòng với bất kỳ điều gì, không thể tập trung, thậm chí còn tự hỏi rốt cục cuộc sống này thì hoàn hảo gì chứ, anh chẳng thấy nó hoàn hảo chút nào. Rồi anh nghĩ đến việc con người có cần thiết phải sống không, cần thiết phải tự đày đoạ bản thân suốt mấy chục năm trên đời, nhìn bản thân tàn tạ, bệnh tật, bất lực từng chút một, nhìn những thứ đẹp đẽ tan biến và trở thành một ký ức, vô hình vô tướng như không có thật. Thế nào là sống và thế nào là không sống (không phải chết mà là không sống)? Anh thấy cuộc đời vô nghĩa và anh muốn chết. Trời ạ, anh còn đến mức muốn chết, hy vọng được chết, xin được chết.
Hùng hoảng loạn, anh ấy chẳng hiểu vì sao chồng mình lại như thế, trong khi điểm lại thì đâu có gì xảy ra, không cơn cớ, không nguyên nhân, không lý do. Đột nhiên Nghiêm nổi khùng lên như thế, cáu bẳn và gắt gỏng, kết tội mọi người, than trách phận mình, trì chiết cuộc sống và cảm thấy thế giới tràn đầy những phi lý và vô nghĩa. Thằng bé Cường cũng bối rối, chẳng hiểu người bố đáng lẽ phải hoà nhã hơn, đáng tin cậy hơn, bao dung hơn, dịu dàng hơn, giỏi lắng nghe và cho ý kiến hơn, dễ kết nối và tâm sự hơn, lại thành ra một con người hà khắc, thù nghịch và đáng thương. Phải đến khi Nghiêm được quay lại, dành ra hai tiếng thuê phòng khách sạn và học chữ Nôm, cơn điên cuồng trong anh mới dịu xuống, mọi thứ trở về quỹ đạo và anh nói với chồng rằng đó chỉ là một “giai đoạn trũng”, một đường cong đi xuống chạm đáy rất hiếm hoi mới xuất hiện. Sau đó, mọi thứ trở lại bình thường và Nghiêm không bao giờ dám thử bỏ thói quen này thêm lần nào nữa.
Vì thế, ngay lúc phát hiện ra cái xác, Nghiêm đã nhanh chóng chạy đến cửa, định xuống báo với lễ tân, nhưng rồi lại chần chừ không làm. Bước ngoặt này sẽ dẫn đến điều gì, khi người ta lôi cái xác ấy ra, cảnh sát đến và anh bị hỏi cung, như một nhân chứng, người đã tìm thấy xác nạn nhân. Anh không sợ xác chết – dù tất nhiên bàng hoàng hoảng hốt là một phản ứng hết sức con người. So với người khác thì có lẽ anh không quá sợ xác chết, anh vẫn tỉnh táo và nhận ra nếu mình báo với ai đó, thói quen đến khách sạn mỗi tuần của anh sẽ phải chấm dứt. Song, thế vẫn chưa quan trọng, quan trọng là Hùng và Cường sẽ biết anh đi khách sạn. Họ sẽ cật vấn, nghi ngờ, sẽ hỏi anh vì sao anh lại đến khách sạn để rồi xảy ra vụ việc này. Trong khi, bình thường giờ này anh phải ở nhà, làm những việc lặt vặt hay nghỉ ngơi thư giãn, thế mà anh lại đến đây như thể đang đợi ai đó cũng sắp đến, như có hẹn với một người nào đó để làm một việc gì đó không thể thổ lộ. “Bình thường, giờ này em/cha đang ở nhà cơ mà, sao em/cha lại đến đây – một khách sạn?”, Nghiêm sẽ trả lời câu hỏi ấy của họ như thế nào. Rằng tuần nào anh cũng đều thuê phòng khách sạn cả, anh đã “lén lút” “giấu giếm” họ mỗi tuần, đã không kể cho họ nghe, đã không chia sẻ. Rằng anh thuê phòng trong hai giờ là để có không gian học chữ Nôm, rồi họ sẽ bảo “nhưng ở nhà vẫn học được mà, và tại sao em/cha cần học chữ Nôm?”, rồi anh sẽ câm nín chẳng biết giải thích ra thế nào nữa. Riêng việc đã một khoảng thời gian quá dài anh nói dối (hay nửa nói dối) mỗi tuần một lần với họ là quá đủ để kết tội, để gieo những hạt giống của sự rạn nứt, tan vỡ, bất thường, ngượng ngùng, khó xử giữa các thành viên trong gia đình. Cuộc đời anh sẽ không thể quay về như trước nữa kể từ giờ phút này. Anh không muốn như vậy.
Chồng anh và con anh không đáng để phải có một người bạn đời/cha giấu gia đình đi khách sạn mỗi tuần một lần, họ không đáng để ở trong những hoài nghi, những khó hiểu, thậm chí là những dè bỉu của người khác nếu ai đó biết chuyện, họ không đáng có một cuộc sống như thế.
Vậy là anh chần chừ nhìn tay nắm cửa, sau đó quay đầu, trở lại bàn học, cố để đánh một vòng thật xa khỏi cái giường giữa phòng và không nhìn về phía nó. Mùi thối rữa vẫn thoang thoảng, nhưng anh vẫn cố để lờ đi.
Co người trên ghế, anh tìm cách để giữ bản thân bình tĩnh. Nếu đã quyết định xem như mình không thấy gì, không biết gì thì anh không thể xuống quầy trả phòng với khuôn mặt thất kinh hồn vía, tái xanh và ăn nói lắp bắp được, anh phải trả phòng một cách thật tự nhiên. Giờ mà xuống trả phòng ngay cũng không ổn, hãy đợi một chút. Thế là anh quay lại với đống chữ Nôm, cố gắng ghép phần nghĩa và phần âm đọc lại với nhau, nhưng chúng cứ lung tung hết cả, chẳng có gì ra gì. Trong lúc đó, bằng những cách thức kỳ quặc, anh tưởng tượng ra những âm thanh, tiếng di chuyển lạo xạo dưới gầm giường, cái xác đang cử động, đang chui ra, đang tiến về phía anh. Mồ hôi trên người anh túa nườm nượp. Anh nghe thấy những tiếng động, tất cả bị anh quy về là tiếng của cái xác, nó đang nói chuyện, nó sẽ vồ lấy anh với đôi mắt trợn trừng ấy. Anh vẫn không sao xua đi được đôi mắt nhìn chằm chằm anh khi đèn quét qua, dù chỉ một giây nhưng vô cùng sống động, cùng khuôn mặt bẩn thỉu, biến dạng méo mó ấy, gớm ghiếc đến tận cùng. Anh kìm mình nhưng không thành công, cứ giật bắn liên tục và thở hổn hển trên ghế, tay cầm bút run lẩy bẩy. Chỉ một lần duy nhất, dồn tất cả mọi can đảm, anh quay lại nhìn cái khoảng tối tăm dưới gầm giường, để chắc chắn cái người đã chết kia sẽ không chui ra, rằng đây không phải là phim kinh dị. Đúng thật là chỉ có khoảng tối hun hút ấy và anh.
Trong đó, một con người đã bị giết và nằm cô đơn quạnh quẽ. Bỗng nhiên, Nghiêm thấy thương nạn nhân ấy vô cùng, và còn đồng cảm nữa, anh cũng ở đây, cô đơn một cách vô lý – bởi vì, sao anh lại cô đơn được chứ, khi có chồng con đuề huề và hơn hết, họ yêu anh vô điều kiện và anh, có thể nói hoàn toàn thực lòng không dối trá, cũng yêu họ vô điều kiện. Nhưng hiện thực kéo Nghiêm về, anh ở đây, một mình một thế giới, như bị phần còn lại bỏ qua, chỉ còn anh và cái xác ấy. Tại sao anh lại để mình rơi vào tình cảnh này, trong căn phòng này, không gian im bặt đến mức nghe được tiếng thở và gần như căn phòng không dành cho con người nữa. Sự cô đơn vây bủa và nhấn chìm, anh thấy cái xác kia mới tội nghiệp làm sao, và chính anh cũng thua gì nó? Và suýt thì quên mất, anh còn chẳng nhớ mình đã nhấn nút nồi cơm chưa, anh tự hỏi bằng cách nào cái nút nồi cơm lại trở thành điều quan trọng nhất trong cuộc đời anh vậy nhỉ?
Anh tự nghĩ ra những lý do để một người bị giết và bị giấu dưới giường khách sạn. Có lẽ là một vụ giết người cướp của, có lẽ người ấy đã hẹn bạn tình mình quen trên mạng đến, một người lạ ngẫu nhiên và không biết gì về đối phương, thế rồi đối phương lại là kẻ giết người cướp của. Nghiêm đã đọc được rất nhiều tin tức kiểu ấy, trong cộng đồng của mình, “người đồng tính nam thật dễ bị lừa”, “bị dương vật làm mù mắt”, “mê trai mất tiền mất mạng”. Hoặc có lẽ là một vụ điên tình, hoặc ẩu đả gì đó. Bất cứ điều gì cũng có thể đã xảy ra ở trong căn phòng này, Nghiêm sẽ không thể tưởng tượng được, nhưng có gì đó đã xảy ra.
Nhưng rồi, cũng rất nhanh và tỉnh táo, Nghiêm rà soát lại và hiểu rằng thực ra lựa chọn cứ im lặng như không thấy gì cũng không hẳn sẽ cứu được anh. Người thuê phòng sau anh – chắc chắn không phải là để học chữ Nôm – cũng sẽ nhận ra được thứ mùi lởn vởn kỳ quái, vì nó sẽ càng ngày càng bốc mùi hơn. Và khi cái xác được kéo ra khỏi bóng tối, người ta cũng sẽ có cách tìm đến anh, gọi điện hoặc mời anh đến làm việc, hoặc chỉ đơn giản là gọi hỏi han: anh có biết gì, có thấy gì kỳ lạ, có nhận ra gì hay không. Nghiêm nghĩ, việc này liên quan đến mạng người, chắc chắn người ta sẽ phải điều tra kỹ lưỡng, anh chắc chắn sẽ bị tra hỏi. Tất nhiên anh tin vào khả năng nghiệp vụ của cảnh sát và nếu anh không phải hung thủ, chắc chắn sẽ không ai gây phiền phức đến anh, vụ này sẽ nhanh chóng loại anh ra. Nhưng đó đâu phải điều quan trọng. Điều quan trọng là anh Hùng và thằng Cường. Họ sẽ biết anh đã đến khách sạn hai giờ đồng hồ, ở trong đây, khi mà đáng lẽ anh phải ở nhà và phát hiện nút nồi cơm vẫn chưa được nhấn – trong trường hợp nó đã không được nhấn thật. Rồi đó, lại những “sao lại đến đó”, “đi hẹn với ai đấy”, “ngoại tình”, “lăn loàn trắc nết”, “chồng đang đi làm, con đang ở trường, còn mình đến khách sạn”, “nhân tình nhân ngải”, “quan hệ ngoài luồng”, “thoả mãn nhu cầu” và ôi trời, thôi mà…
Hai người họ không đáng để phải thất vọng, phải nghi ngờ, phải hỏi lại những câu ấy, phải hiểu lầm một người thân trong nhà. Câu hỏi là: đã bao giờ Nghiêm xứng đáng với họ chưa nhỉ, sau những gì họ đã cố gắng, họ đã cố gắng đến thế chỉ để xây dựng một cuộc sống với anh – anh có xứng đáng với hạnh phúc quá mức này không, khi anh còn không thể chắc về việc trước khi rời khỏi nhà mình đã nhấn nút nồi cơm hay chưa?
Có thể khi anh báo với nhân viên khách sạn, họ còn có thể làm chứng việc anh đến đây một mình và ở trong phòng một mình, chẳng có nhân ngải nào cả (dù tất nhiên, người ta có thể suy diễn đến bước đối tượng kia đã không đến, chưa đến, đến trễ, nhưng ít ra cũng đỡ hơn). Thế là chốt hạ, Nghiêm đứng dậy, chạy ra (sao lại chạy nhỉ?) khỏi phòng. Anh đi xuống quầy lễ tân, nói với lễ tân:
“Chị ơi, trên phòng tôi, phòng 505, có vấn đề. Chị nhờ một bạn lên xem thử được không?” Anh lắp bắp nói.
Người đứng quầy, thật ra ban đầu không suy nghĩ gì nhiều, nhưng thấy vẻ mặt anh: hốt hoảng, bệu bạo, hãi hùng, mồ hôi nườm nượp, tái xanh tái xám, chị đã nhanh chóng hỏi lại:
“Có chuyện gì thế anh?”
“Dạ… có một… hình như là một… người… dưới gầm giường.”
Trong giây phút, chị ta gần như bị tụt đường huyết, hơi chao đảo, như thể chị làm nghề này chỉ lo đến cái ngày như ngày hôm nay – vì lỡ xem quá nhiều phim giật gân – và nó đã đến thật.
“Vâng, vâng, anh chờ một lát!”
Chị ta gọi một cậu nhân viên trẻ.
Khi cả hai ở trong thang máy, cậu nhân viên nhìn anh từ trên xuống dưới như dò xét, thấy ngoại hình “không được nam tính lắm”, “ẻo lả”, “đồng bóng” của Nghiêm, cậu ta hơi có chút căng thẳng.
Một cơn máy giật thúc vào Nghiêm. Bỗng dưng anh nghĩ, có khi nào, cậu nhân viên kia đang sợ rằng anh gọi cậu ta vào phòng với một vấn đề cần xử lý không phải là vì có vấn đề thật, mà vì anh là gã đồng tính đang cần một tay đàn ông trẻ? Hay có thể trong phòng 505 có một người đang đợi và Nghiêm chỉ tìm cớ để gạ cậu ta vào kèo tay ba? Thế là dẫn đến những “cậu bảo vệ khách sạn mẫn cán và…”, “cậu nhân viên khách sạn trẻ nhiệt tình và…”, “cậu bảo an may mắn và…”, “chàng trai trẻ mặc đồng phục, cơ thể ngọt nước và…” trời ạ, từ khi nào hình ảnh của người đồng tính trở thành như thế nhỉ?
Cho đến khi bước vào phòng, thấy chẳng có ai đang đợi thì cậu ta mới thả lỏng đôi chút, dù vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ phòng bị. Hay là, có lẽ do chính Nghiêm cứ sợ đông sợ tây thôi, sự căng thẳng của cậu chàng ấy chỉ đơn giản là vì sắp kiểm tra một căn phòng có xác chết.
“Tôi thấy đàn kiến kia bò xuống dưới gầm giường, nên rọi đèn xem thử, rồi tôi thấy dưới đó…” Biểu cảm và thái độ không chút giả dối của Nghiêm làm người nhân viên cũng run theo.
Cậu ta mở đèn pin, soi vào trong và đúng là đã thấy. Cậu ta cũng giật cả mình – có lẽ cậu cũng đã đối diện với đôi mắt ấy – lết chân dưới sàn, miệng há hốc ú ớ. Nghiêm vô cùng đồng cảm.
Sau đó, trấn an lại, cậu ta quyết định trước sau gì cũng phải đối diện, kiểu gì cũng phải đối diện, nên buộc phải rọi đèn lần nữa và lần này sẽ lấy tinh thần xem cho thật kỹ. Đèn quét khắp trong bóng tối đen đặc. Rồi, trước sự rối rít ngăn cản của Nghiêm, cậu ta chui hẳn xuống gầm. Nghiêm không muốn cậu ta để lại dấu tích trên cái xác ấy, cũng không muốn “phá hỏng hiện trường” như cách nói trong các tiểu thuyết trinh thám. Song, cậu ta uốn cơ thể, nửa người lộ ra bên ngoài đổi thế để trụ cho vững, mông hơi nâng lên, làm Nghiêm ngượng ngùng xoay đi chỗ khác.
Cậu ta lôi ra một bao thịt cá và trái cây đã thối rữa, trên lớp bao bì in hình một nghệ sĩ hài đang cười hô hố, mắt mở to tròn, một tay cầm đầu con vịt và tay còn lại cầm bó lúa. Hình ảnh quảng cáo giới thiệu cho một dây chuyền nông sản nào đó. Khuôn mặt người nghệ sĩ hài nhìn Nghiêm, lớp bao bì cáu bẩn và nhàu nhĩ, làm vẻ ngoài của ngôi sao ấy trở nên bẩn thỉu, nhoè nhoẹt bùn đất và nước rỉ ra từ đồ ăn bên trong.
Cậu nhân viên nhấn nhấn vào cái bọc, “Có lẽ là một người khách thuê phòng nào đó đã nhét bọc đồ ăn xuống đây, rồi lúc rời đi thì quên khuấy mất, thế là nó thối um lên! Có thể là do những người ở quê lên, với thói quen đem theo đồ ăn thức uống và hay nhét vào…”
Giọng của đối phương dần tan ra, mơ hồ, chấp chới. Nghiêm muốn ngất đi ngay lập tức, cả người bải hoải, đầu óc quay cuồng và đồng thời, một gánh nặng to lớn được nhấc khỏi người, trả lại anh cơ thể người sống nhẹ nhàng, muốn bay lên. Anh lảo đảo, hơi ngả ra sau. Khi cái bao đã được moi ra rồi, mùi phân huỷ của đồ ăn càng nồng nặc hơn, hực lên đầy phòng và bám lấy mũi anh. Anh chợt ho, muốn nôn oẹ nhưng không nôn được, chỉ nhợn nhạo đôi chút.
Bấy giờ, người đứng quầy lễ tân không đợi nổi đã chạy lên với họ. Chị nhìn thấy bao thức ăn trên nền nhà, kìm lại tiếng kêu suýt vọt khỏi miệng – theo kiểu vui mừng vì không phải thứ mà ai cũng đang nghĩ đến.
Thần hồn nát thần tính thôi, tự mình hù mình thôi, tự mình vẽ ma vẽ quỷ thôi…
Nghiêm dựa vào tường, nhẹ nhõm trong người, tay đưa lên vuốt vuốt ngực. Anh trượt dài xuống, rồi bỗng nhiên ôm mặt mà khóc.
Ổn rồi, trời ơi ổn rồi, mọi thứ sẽ không bị phá vỡ, vẫn toàn vẹn, vẫn hoàn hảo, vẫn đẹp đẽ, không bị vấy bẩn, không rắc rối, không sai lầm. Chị lễ tân đến xoa xoa lưng Nghiêm, an ủi vì biết anh đã phải trải qua một thời khắc quá mức hãi hùng. Chị đủ bao dung để không trách chuyện nhầm lẫn ngớ ngẩn này, hoặc không nỡ trách khi thấy Nghiêm khóc nức nở, ào ào, khóc như xả ra hết những tuyệt vọng, những bất an, những điều không có lý do để khóc mà giờ cuối cùng cũng đã có một lý do. Hoặc chỉ đơn giản là chị ấy ái ngại, rằng khách sạn của mình sẽ bị mất một vị khách, vì sau khi một chuyện thế này xảy ra, dù xác chết thật hay giả, ai lại muốn quay trở lại thuê phòng chỗ chị nữa. Nhưng thôi, sao cũng được, mọi thứ xem như có thể khép lại rồi…
Giờ đây, với Nghiêm, chỉ còn một vấn đề phải lo lắng nữa thôi: nồi cơm ở nhà đã được nhấn nút chưa?
*
Về đến nhà, Nghiêm vội vàng tra chìa khoá vào ổ, mở cửa và chạy ngay vào bếp. Anh chỉ vội đưa tay chào ông bác nhà bên khi bác chào anh, giờ ông ấy đang uống trà đọc báo ngoài hiên, vô cùng nhàn nhã. Có lẽ ông bác ấy sẽ để ý rằng anh đã đi siêu thị suốt hai tiếng đồng hồ, nhưng khi về lại chẳng cầm theo một cái túi bóng đựng hàng nào trên tay, chỉ có cái balo phồng căng như lúc đi mà thôi. Anh đến bếp, kiểm tra nồi cơm.
Nồi cơm đã được nhấn nút rồi, cơm bây giờ đã chín, không phải cảnh tượng lõm bõm nước và gạo mà anh lo sợ, thậm chí cơm còn chính đều, không quá nhão cũng không quá khô. Thế là dù nhiều phen hú hồn, mọi thứ vẫn vận hành đúng đắn, không có cái gì lạc điệu hay bị lệch khỏi guồng máy. Anh thở phào, đóng nắp nồi lại, mặc tạp dề, chuẩn bị chiên thịt.
Ngay sau đó, con trai và chồng anh cũng về, Hùng luôn đi đón con tan học trên đường từ công ty về nhà. Cường chạy vào bếp và thưa:
“Thưa cha con mới đi học về!”
Anh mỉm cười xoay qua. Thấy bằng bé khoanh tay, anh bất giác nở một nụ cười. Anh hỏi thằng bé hôm nay ở trường thế nào, đi học có vui không. Thằng bé nghiêng đầu, hỏi lại anh:
“Cha Nghiêm sao vậy ạ?”
Có lẽ thằng bé đã nhận ra gì đó, quá mức tinh ý so với lứa tuổi của mình, quá mức ngoan ngoãn và cố gắng. Vẻ mặt anh bây giờ thế nào nhỉ, anh khẽ hít vào, nước mũi vẫn còn chảy dù nước mắt đã ngừng. Khuôn mặt anh liệu có còn vết tích của trận khóc ròng rã mới đây không?
“Không sao, cha đâu có gì.” Anh xoa đầu con trai và thằng bé hơi nhíu mày, dường như nó đã thấy, đã biết. Nó chưa bao giờ hỏi anh ở nhà hôm nay có vui không như anh hỏi nó ở trường có vui không, vì nếu chỉ loanh quanh trong nhà thì chắc không có gì để vui rồi.
Hùng bước vào, anh đến nhận lấy cặp táp và giúp chồng cởi áo khoác, cũng hỏi chồng hôm nay làm việc có mệt không. Rồi, giống Cường, Hùng cũng hỏi Nghiêm:
“Hôm nay em gặp chuyện gì à?”
Anh lắc đầu, bật cười, “Không hề, có chuyện gì đâu anh.”
Đúng thật là mặt Nghiêm có gì đó không ổn và quá dễ để người khác nhận ra rồi. Anh chưa phải là một diễn viên đủ tốt trong cuộc đời mình. Nghiêm xới cơm ra chén, tự hào về thành quả, tự hào về nồi cơm đã chín, về những hạt cơm trắng ngần. Mọi thứ đã an toàn, đã nguyên lành, vẹn vẻ, tốt đẹp, xứng đáng.
Anh lắng nghe những chuyện đã diễn ra ở công ty của Hùng, rồi lắng nghe những câu chuyện về bạn bè ở trường của Cường, nhận ra cả hai người họ đã cố gắng cho ngày hôm nay đến mức nào.
Sau đó, đến lượt họ hỏi thăm ngày hôm nay của Nghiêm như thế nào. Ngày hôm nay của anh thế nào? Đây là lúc anh có thể nói ra hết, kể ra hết, thổ lộ về thói quen kỳ quặc của mình, về những khách sạn, những chữ Nôm.
Song, một khoảnh khắc xáo động không ai nhận ra ấy trôi mất.
Anh lắc đầu, mỉm cười và bảo, “Không có gì đáng kể cả, chỉ ở nhà và đi loanh quanh, làm chút việc vặt thôi.”
Hồ Chí Minh, 04.01.2025
–HẾT–
Bình luận
Chưa có bình luận