Chỉ trên một con đường ngắn mà có tận ba cái khách sạn. Nghiêm không cần phải đếm, bởi vì anh đã thử trải nghiệm phòng ốc của cả ba nơi đó. Anh chấm căn khách sạn có bậc thang dẫn vào sảnh với số điểm cao nhất – thậm chí bất chấp những điều kiện tuyệt vời, nó vẫn có cùng giá phòng với hai cái còn lại: 80.000 đồng giờ đầu, cộng mỗi 20.000 đồng vào các giờ sau, qua đêm từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Số điểm thấp nhất thuộc về một căn khách sạn mà muốn bước vào phải đi xuống hầm – sảnh của nó nằm dưới một cái hầm, thiết kế thật kỳ quặc nhưng đó không phải là vấn đề lớn, vấn đề lớn là chất lượng phòng chẳng tốt mấy: nhỏ bé và cũ kỹ. Căn còn lại thì đỡ hơn một chút, một khách sạn bình thường, đủ tốt nhưng không có điểm nào vượt trội, có thêm điểm cộng là gu thẩm mỹ của người thiết kế khá ổn áp, Nghiêm rất thích những bức tranh kỳ quặc được treo ở đó.
Trên cùng một mức giá, không lạ khi Nghiêm luôn luôn chọn cái khách sạn có tiền sảnh cao. Dù cảm giác bước lên cao, thoáng đãng và vô cùng “danh chính ngôn thuận”, làm anh khó chịu. Song, anh lại tự hỏi, chẳng biết rốt cuộc vì sao bản thân phải cần lén lút, giấu mình, lấp liếm chuyện này. Anh chỉ đến khách sạn, thuê một phòng và ở đó vài tiếng, có gì phải xấu hổ? Có gì phải cảm thấy tội lỗi?
Nếu mình cảm thấy tội lỗi trong khi chẳng gây chuyện gì có lỗi cả, thì khả năng cao thế giới này đã bắt mình cảm thấy phải có lỗi, nó đã dạy mình. Không phải người thầy nào cũng luôn đúng, thật ra là ngược lại, tất cả chúng ta đều sẽ mắc sai lầm ở đâu đó.
*
Con trai Nghiêm đang ở trường tiểu học, chồng anh thì đang ở công ty. Thời điểm này hàng tuần, anh sẽ lén bọn họ – Nghiêm không biết vì sao phải “lén” – để thuê một phòng khách sạn. Anh không thể chia sẻ thói quen này với ai, kể cả chồng mình. Hùng có thể sẽ hiểu, anh ấy là một người chồng tốt hơn bất kỳ người chồng nào trên đời, cả giỏi giang và tâm lý, nuông chiều nữa, rồi chiều chuộng quá đáng đến mức khiến Nghiêm phát ngượng nữa. Nghiêm tưởng tượng khi mình chia sẻ chuyện này với chồng, anh ấy sẽ nhìn anh với ánh mắt kỳ quái, hỏi rằng tại sao phải thế nhỉ, không thể học ở nhà à, ngôi nhà này có vấn đề gì đâu, thậm chí nếu muốn, Nghiêm hoàn toàn có thể chiếm dụng một góc nào đó cho riêng mình. Chỉ là chữ Nôm thôi mà, giống như bất kỳ ngôn ngữ nào khác, hay bất kỳ môn học nào khác.
Nghiêm tưởng tượng Hùng sẽ bảo: “Thuê một phòng khách sạn trong vài giờ, không nói đến chuyện tiền bạc, thì vẫn rất… kỳ lạ. Tất nhiên anh tôn trọng thói quen và sở thích của em, nhưng ai lại thuê khách sạn để học?” Rồi kéo theo sau đó, Nghiêm sẽ phải giải thích rằng đúng là chính anh cũng cảm thấy việc này kỳ quặc, không chối cãi được, nhưng anh đã quen rồi. Và Nghiêm chợt nhận ra mình không thể quen với việc này, mà ngược lại nên bỏ thói quen này mới đúng. Thế nhưng anh vẫn đều đặn làm như vậy, khi con trai ở trường và chồng ở công ty. Anh không thể giải thích rằng ở nhà anh không học được. Căn nhà quá tốt, quá hoàn hảo, có bàn ghế tiện nghi, không gian thoáng đãng và thoải mái. Vấn đề là nó quá quen thuộc, quá an toàn, quá… hoàn hảo? Có một điều gì đó ở nó khiến anh không thể tập trung, nó khiến anh sung sướng, khiến cơ thể anh luôn đòi hỏi phải tận hưởng và thư giãn, chứ không phải đốc thúc bản thân nghiêm cẩn.
Song, nếu anh bị phát hiện đi khách sạn thế này thì chuyện có lẽ còn phức tạp hơn. Sẽ là những “mối quan hệ ngoài luồng”, “ngoại tình”, “gặp tình nhân mỗi tuần một lần”, “giải quyết nhu cầu”, “lừa dối”, “lăn loàn trắc nết”... Bởi vì sẽ không ai tin Nghiêm thuê khách sạn để học chữ Nôm. Đó chính là vấn đề: chuyện ấy quá bất thường. Nếu bị phát hiện và anh nói với Hùng sự thật, chồng anh chắc chắn sẽ thấy khó hiểu, bán tín bán nghi và thà rằng anh nhận cái danh “ngoại tình” ít ra còn dễ hiểu hơn, dễ nắm bắt hơn và khiến mọi người hài lòng hơn. Thế còn tốt hơn là “bị bắt tại trận rồi nghĩ ra một lý do nhảm nhí để chối tội”, dù lý do này là thật đi chăng nữa.
Tất cả những suy nghĩ trên đã ngăn cản Nghiêm bày tỏ, anh không thể giải thích với chồng rằng mình muốn vào một khách sạn, khi chồng đi làm và con đi học, để – không phải gặp một tình nhân nào đó – học chữ Nôm. Mà còn lại là “chữ Nôm” nữa chứ? Sao không phải là một ngoại ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, mà lại đi học chữ Nôm làm gì? Nghiêm tốt nghiệp chuyên ngành Logistics, hiện tại chỉ ở nhà làm nội trợ, anh học chữ Nôm làm gì? Người ta chỉ học chữ Nôm để phục vụ cho các ngành nghiên cứu văn bản cổ, học về văn hoá Việt Nam, nghiên cứu lịch sử, để thực hiện những công trình dự án rất chuyên biệt trong những Viện nghiên cứu rất chuyên biệt. Không có chuyện một người bỗng nhiên hứng lên và đi học chữ Nôm. Chỉ vì thấy thích thì không đủ để trở thành một lý do.
Thế đấy, quá nhiều thứ phải giải thích, quá nhiều bước giải trình, bày tỏ, xoay sở với từ ngữ, thuyết phục, trải lòng, diễn đạt tâm lý, nói cho tường tận. Mới nghĩ đến thôi đã đủ làm Nghiêm sợ hãi, nên anh quyết định vẫn chưa nói với chồng về thói quen này, anh cố tìm dịp để nói nhưng không có, rốt cuộc anh phải “lén lút” mỗi tuần một lần thuê phòng khách sạn, như một người tội lỗi thật dù không có gì tội lỗi ở đây cả.
Nghiêm mặc áo khoác, kiểm tra cửa nẻo và điểm lại chìa khoá, ví tiền cẩn thận. Rồi anh khoác balo, bước khỏi nhà. Người hàng xóm chào anh, anh gật đầu chào lại. Ông ta đang tưới nước cho đám cây ngoài vườn: hoa dâm bụt. Một ông bác hàng xóm tốt bụng nhưng đôi khi sự quan tâm lại vượt quá mức xã giao. Nghiêm không biết bác ấy sẽ nghĩ gì khi thấy mình bước ra khỏi nhà với một chiếc balo to trên vai, như thể không phải đi chợ, không phải siêu thị, mà là tham gia một khoá học nào đó: khoá học đời sống hôn nhân vợ chồng (đặc biệt dành riêng cho các cặp đồng tính), khoá nấu ăn, làm bánh hay đầu tư chứng khoán?
“Nghiêm, đi đâu vậy cậu?” Bác ấy hỏi, vòi nước trên tay xối xuống đám hoa đỏ.
“Dạ, con ghé siêu thị mua chút đồ thôi.” Anh trả lời và biết đối phương đang để ý chiếc balo của mình. Một người chỉ đi siêu thị mua chút đồ liệu có cần phải mang một cái balo như thế không?
Câu chuyện trong đầu ông bác ấy sẽ là những gì nhỉ, Nghiêm suy diễn, chắc ông bác nghĩ – trường hợp nếu ông ấy nghĩ cậu ra ngoài gặp kép nhí – chiếc balo này có thể đang đựng một bộ đồ ngủ gợi cảm nào đó, một “bộ váy cô dâu dâm dật”, “đồ lót ren, kín trên hở dưới”, “tất lưới kích thích”, “mặc như không mặc”, rồi còn những đồ nghề như “gel bôi trơn”, “bao cao su”, “thuốc kích dục”... Sự thật là balo của Nghiêm chỉ đựng máy tính xách tay và tập vở thôi. Tất cả đều là đồ dùng học tập của anh. Song, dù không nghĩ theo hướng đó thì vẫn chắc chắn một điều là ông bác không tin anh chỉ đi siêu thị, mà đúng là anh không đi siêu thị thật, nên phán đoán ấy phần nào cũng đúng.
Không khí mùa thu thoải mái, anh đặt xe ôm, lần nào anh cũng để địa chỉ là căn khách sạn nọ. Nghiêm biết khi địa chỉ đến là một khách sạn, trong đầu các tài xế sẽ bật lên điều gì đầu tiên, nhưng Nghiêm không có nhiều sự lựa chọn. Anh có thể chọn một địa chỉ gần đó, cách một hai số nhà, như thế sẽ tránh được dị nghị. Nhưng để làm gì cơ? Tại sao cần phải che đậy đến mức ấy? Cần gì phải lấp liếm, giấu giếm, nói dối. Nghiêm vẫn có thể đặt địa chỉ đến ngay khách sạn rồi cứ thế bước xuống, vào thẳng khách sạn, chẳng có gì kỳ cục cả. “Khách sạn” chỉ là một địa điểm, nó không phải một biểu tượng, nó không đại diện cho một kiểu người, không thể hiện một bản chất, rằng người bước vào khách sạn là “trăng hoa”, “dâm dục”, “lén lút”, “làm tình”, “phóng đãng”, “giải quyết nhu cầu”, “tình một đêm”... Người ta có thể vào khách sạn để làm những việc khác, thế nhưng nếu oang oang rằng “không, đừng nghĩ bậy, tôi vào khách sạn không phải để làm chuyện như các người nghĩ đâu” thì rất kỳ quặc, có tật giật mình, cần gì phải giải thích, đâu có ai ý kiến gì đâu, tự suy diễn thế thôi và vân vân.
Tài xế là một chàng trai rất trẻ, có lẽ mới mười chín đôi mươi, có thể là sinh viên chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Có thể cậu ta cũng từng đi khách sạn, với bạn gái hoặc người tình ngắn ngủi, chắc chắn cậu ta hiểu khách sạn là gì, có ý nghĩa gì, có thể cậu ta cũng biết những ý nghĩa khác nhưng lúc nhìn thấy Nghiêm – một người đàn ông ở độ tuổi vẫn còn được tính là trẻ trung (nhưng với một người đồng tính nam thì không được xem là trẻ nữa, thời gian thật khắc nghiệt với phụ nữ và người đồng tính nam), nhiều năng lượng, trông có vẻ đầy đủ nhu cầu cơ bản – thì sẽ loại dần dần để cuối cùng còn lại cái “ý nghĩa ấy”. Nhưng chắc chắn cậu ta sẽ không hỏi, Nghiêm cũng không cần giải thích. Anh trèo lên xe, đội nón bảo hiểm và đột nhiên, tự hỏi mình đã nhấn nút nồi cơm chưa. Chắc chắn là rồi, anh không thể quên một chuyện như vậy được. Song, lỡ như anh đã quên thì sao nhỉ?
Nhấn nút nồi cơm là một hành động nằm trong chuỗi hành động nấu cơm, gồm nhiều bước, bước này đến bước khác. Vì thế việc nhấn nút diễn ra hoàn toàn bằng vô thức, đến bước đó sẽ làm việc đó, như một cỗ máy tự động, do vậy mà não anh đã không lưu vết hành động ấy. Nó đã sớm bị đánh dạt đi bằng danh sách dài những thứ khác cần nhớ, nên nếu hỏi Nghiêm anh đã nhấn nút nồi cơm chưa, anh sẽ trả lời là nhấn rồi, nhưng với thái độ không chắc chắn: có lẽ là rồi, có thể là rồi, lần nào cũng nhấn nên lần này chắc chắn không quên, những lần khác đều không vấp váp nên lần này chắc chắn đã trơn tru, những lần trước đều tuần tự nên lần này cũng không thiếu bước ấy. Nghiêm có thể chắc chắn mình đã rã đông thịt rồi, vì lúc mở tủ lạnh và lấy tảng thịt ra, anh bị giật nhẹ do bề mặt tủ lạnh bị tích điện, khiến anh rút tay lại xuýt xoa, đó là một điểm đánh dấu, chứng tỏ anh đã làm việc rã đông thịt. Nhưng còn việc nhấn nút nồi cơm thì không hề có ấn tượng gì cả.
Nghiêm có thể, ngay bây giờ, bảo cậu tài xế đảo xe lại, chạy vào nhà và mở cửa để kiểm tra xem mình đã nhấn nút nồi cơm chưa, đấy là cách đảm bảo nhất. Song làm vậy thì không được, anh đã lên xe rồi, xe đã chạy được một quãng, và trong lúc anh chần chừ nó lại chạy thêm được một quãng nữa, không thể đảo lại. Ai lại bảo người chở mình quay đầu xe chỉ để xem mình đã nhấn nút nồi cơm hay chưa, nếu bỏ quên chìa khoá hay ví tiền thì còn có thể lấy làm lý do, nhưng việc nhấn nút nồi cơm không phải một lý do đủ tốt, dù nếu không nhấn nút thì tối nay gia đình anh sẽ phải ăn cơm trễ hơn bình thường. Rồi chồng con anh sẽ hỏi là rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra, sao nút nồi cơm lại không được nhấn, Nghiêm đã ở nhà “cả ngày” cơ mà, Nghiêm chắc phải ra vào căn bếp mấy lần, không thể có chuyện anh quên nhấn nút nồi cơm mà cả ngày không hề nhận ra được. Trừ khi anh đã không ở nhà “cả ngày”, anh chỉ ở nhà “nửa ngày”, “ba phần tư ngày”, đã đi đâu đó một lúc lâu, đến mức khi quay về nhận ra nút nồi cơm chưa được nhấn thì không còn kịp nữa. Rồi chồng anh và con anh sẽ hỏi anh đã đi đâu thế, điều gì đã lấy đi sự chú tâm của anh, điều gì đã làm anh mất tập trung, điều gì đã khiến anh không còn là một người chồng, người cha đáng tin cậy? Để tránh cái viễn cảnh đáng sợ ấy – bị chất vấn, tra vấn, dò xét, hỏi han, tâm sự, xét đoán, suy diễn, nghi ngờ – Nghiêm có thể bảo cậu tài xế quay lại, chỉ cần quay lại và để anh vào nhà ngó nồi cơm một cái. Nếu vậy thì có thể vẫn được, cậu tài xế, với nghề dịch vụ của mình, vẫn sẽ vui lòng. Nhưng nếu Nghiêm làm vậy thì liệu có gieo cho cậu ta một lầm tưởng rằng anh đang phải sống trong một gia đình hà khắc, có một người chồng gia trưởng, quá nhiều gánh nặng trách nhiệm và luôn sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt, trong khi gia đình anh không hề như thế, anh có một gia đình hạnh phúc và họ không đáng để bị một cậu tài xế xe ôm nghĩ xấu thành thế này thế nọ, họ nên được hiện lên bằng sự tốt đẹp, dịu dàng, ấm áp và bao dung mới phải. Hoặc có lẽ, Nghiêm có thể bảo cậu ta là mình quên đồ, chỉ nói dối thế thôi, bảo tài xế hãy quay xe lại, việc ngó vào kiểm tra nồi cơm sẽ diễn ra nhanh chóng, không tốn bao nhiêu thời gian cả, nhưng khi nghĩ ra được cách này thì quãng đường đi được đã quá xa rồi. Rốt cuộc, Nghiêm quyết định là thôi, mình sẽ không quay lại, chỉ biết cầu khấn là bản thân đã nhấn nút nồi cơm đàng hoàng, không sai sót.
Xe dừng trước khách sạn, anh trả tiền cho tài xế và nói cảm ơn, giọng anh hơi lệch đi và thiếu tự nhiên, chứng tỏ vẫn còn phần nào đó ngượng ngùng chuyện điểm đến của mình. Nghiêm tức giận với bản thân vì đã không ăn nói được cho bình thường, chỉ là một tiếng cảm ơn cũng không nói một cách tự nhiên được, có gì phải ngượng ngùng với một người xa lạ về việc bản thân đến khách sạn, bước vào khách sạn? Anh lẽ ra cần phải nói năng mạch lạc hơn, tỏ ra mình vô cùng bình thường, không quan tâm, bỏ qua mọi đánh giá của thiên hạ. Nhưng vào khoảnh khắc tiên quyết anh đã thất bại, đã lỡ run rẩy, thể hiện mình hèn yếu và có quan tâm – quan tâm tất cả – thật đáng trách làm sao.
Nghiêm đã từng dự định mỗi lần như thế này, anh sẽ xách theo một chiếc vali, thay cho chiếc balo, để diễn vai một người khách du lịch thuê phòng để nghỉ ngơi. Còn nếu anh giữ nguyên mình là người ở đây, thì chẳng khác nào đang khẳng định anh đến khách sạn không phải để thuê phòng nghỉ ngơi như một người khách đi xa, mà là cho những chuyện khác, một người ở gần đây lại cần thuê khách sạn thì mục đích là để làm gì ngoài cái mục đích mà ai cũng đã quá rành rẽ. Nhưng rồi Nghiêm nghĩ lại, việc kéo vali chỉ để chứng tỏ bản thân trong sạch, lành mạnh và không có “hẹn hò” gì ở đây hết, là ngốc nghếch vô cùng. Anh đang cố xoa dịu hay chứng tỏ điều gì vậy chứ, họ nghĩ gì mặc họ, mặc họ, mặc họ. Chưa kể, làm sao anh có thể kéo vali ngang chỗ ông bác hàng xóm mà không khiến ông đặt câu hỏi, vì một người bình thường sẽ không kéo vali đi như thế trừ những chuyến đi xa, những chuyến du lịch, hành trình, trốn chạy chồng con, bỏ nhà đi bụi, bỏ trốn theo trai và nghìn lẻ một suy đoán khác. Vì thế tốt nhất là chẳng bày biện gì nữa cả.
Anh bước lên bậc thang vào sảnh, bậc thang càng lúc càng lên cao, xa mặt đường, như người đứng trên đỉnh vinh quang, trở thành trung tâm của sự chú ý. Có lẽ một khách sạn hay một nhà nghỉ thì không nên thiết kế thế này, đúng hơn nó phải như cái nhà nghỉ mà anh chấm số điểm thấp nhất: kín đáo, giấu mình, không phô trương, lẩn lút để đỡ ngượng ngùng. Cảm giác phải nhanh nhanh để được biến mất, để không ai thấy, không ai phát hiện, không ai nhận ra là cần thiết cho một khách sạn. Anh cố đi thật nhanh cho hết các bậc thang.
Người nhân viên trực quầy hỏi anh, “Thuê theo ngày hay theo giờ ạ?”
“Theo giờ nhé chị!”
Cả việc này cũng khiến người khác đưa ra nhiều phán đoán, theo giờ nghĩa là chỉ cần phòng trong chốc lát, để làm chuyện gì đó trong chốc lát. Anh chỉ cần có phòng để học chữ Nôm thôi, không làm gì cả, không có ai khác cả, không có bồ bịch hay nhân tình nhân ngải. Chỉ có anh và chữ Nôm. Nhưng không cần phải giải thích điều đó ra.
“Cho em xin căn cước nhé!”
“Vâng.”
Nghiêm cố không nhìn vào mắt nhân viên trực quầy, đồng thời cũng cố để nhìn ra một điều gì đó, một ánh mắt khác lạ mang thông điệp “ra là thế nhỉ” từ đối phương. Nhưng có lẽ nhân viên rất chuyên nghiệp, thậm chí đã quá quen, nên không thể hiện bất cứ điều gì: bàng quang và dửng dưng, xem như không phải việc của mình – dù lát nữa có ai đó đến thêm, có ai xin lên phòng, có ai nhập cuộc hay không thì cũng không phải là việc của mình. Anh nhận phòng và bước vào thang máy, thở vào nhẹ nhõm vì cuối cùng bước khó khăn nhất đã xong, từ giờ chỉ có anh, một mình, hoàn toàn cắt đứt khỏi cuộc sống bình thường – không có những ngày tuần tự, chồng con, ánh mắt của những người khác. Anh luôn muốn mình đừng vĩnh viễn thuộc về nơi đó, hoặc cứ thuộc về nơi đó nhưng vẫn có thêm một cuộc sống mà anh có thể làm lại từ đầu, phá bỏ hết để cài đặt lại, thử lại lần nữa, song mọi thứ đã định hình ngay trước khi anh nhận ra (dù điều này cũng khó hiểu, anh thấy mình chẳng làm sai ở đâu để mà đòi làm lại hay cài đặt lại, có lẽ mọi thứ chỉ xuất phát từ tâm lý trốn chạy trong anh, thứ mà anh Hùng ngay từ những ngày cả hai hẹn hò đến giờ luôn không thể hiểu nổi). Mà mong ước của anh, nghĩ lại, cũng thật sự quá tham lam. Trời ạ, anh chẳng biết mình đã nhấn nút nồi cơm hay chưa?
Chỉ hai tiếng một tuần thôi, hai tiếng một tuần để học một ngôn ngữ mới so với bình thường là rất ít, chẳng đáng bao nhiêu cả. May mắn chữ Nôm là chữ của người Việt, chỉ cần học chữ thôi, tiếng thì đã quá rành. Chưa kể, Nghiêm không bị đốc thúc, không có giáo viên nào kèm cặp, không có những cột mốc kiểm tra cần phải vượt qua. Vì thế hai tiếng một tuần rất hợp lý. Khi bước vào bắt đầu học, Nghiêm mới nhận ra sẽ dễ dàng hơn nếu mình biết chữ Hán, từ đó bắt qua học chữ Nôm, mà còn phải là chữ Hán cổ, do đó mà mọi thứ bị kéo dài hơn, không khác gì phải học hai ngôn ngữ một lượt. Hiện giờ, trình độ của anh đã đến được bước bập bẹ đọc hiểu vài văn bản cổ đơn giản, nếu đưa anh một câu đối, một bức hoành phi viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, anh có thể đoán biết được chúng viết gì. Song, để đọc được Truyện Kiều bản Nôm hay Cung oán ngâm khúc bản Nôm thì vẫn chưa đủ.
Anh đi thang máy lên tầng năm, cao quá, có lẽ hôm nay khách sạn hơi đông nên chỉ còn phòng trên những tầng cao, tầng năm là tầng cao nhất của khách sạn này rồi. Thang máy chỉ có anh và ba phiên bản phản chiếu trong gương nhìn nhau với khuôn mặt đầy nghi kỵ, bất an, nhưng cũng hưng phấn và thoải mái. Một trạng thái nước đôi kỳ quặc. Số phòng là 505, anh mở cửa bước vào trong. Phòng đơn một giường lớn, một phòng tắm, không có bồn tắm, chỉ có vòi hoa sen tắm đứng. Anh chỉnh máy lạnh, đặt balo xuống ghế, ngồi lên giường. Không khí có mùi chất tẩy rửa quen thuộc, song chẳng hiểu sao thứ mùi này lại làm anh thoải mái: đầy hoá chất độc hại và hực nồng khó chịu. Chăn gối cũng có mùi nước xả vải rẻ tiền. Anh từng nghe bảo các khu khách sạn không hề sử dụng loại nước xả vải có nhãn hiệu thường được quảng cáo ầm ầm trên đài, họ sử dụng loại nước xả mua theo can, theo lít, theo thùng, theo kiện, như một cách tiết kiệm khi phải dùng với quy mô quá lớn. Không có hương mặt trời, hương cam sành, hương hoa anh đào, hương oải hương, chỉ có mùi của đống hoá chất, thơm theo kiểu phải cố gắng hết sức để thơm.
Nghiêm nằm vật ra giường, cơ bắp trên người được thả lỏng, cái đau ê ẩm và sung sướng lan toả khắp cơ thể. Càng lúc anh cảm giác rõ từng thớ cơ thớ thịt trên người mình càng dễ mỏi mệt và đau đớn hơn trước. Tuổi già? Năm sau anh sẽ là một người đàn ông bốn mươi rồi, chồng anh sẽ bốn mươi hai. Lẽ ra, đàn ông tuổi ấy vẫn còn trẻ trung mạnh khoẻ, anh còn có vẻ ngoài trẻ hơn tuổi, nhìn anh vẫn luôn luôn là một anh chàng mới bước qua tuổi ba mươi. Song, càng lúc Nghiêm càng có cảm giác cái ý tưởng “độ bốn mươi ở đàn ông vẫn còn phơi phới” chỉ là cách anh dùng để an ủi chính mình. Trộm vía, may thay, lành thay, thật tốt là anh đã có chồng, đã ổn định, đã an ổn. Anh sợ mình sẽ trở thành một người đồng tính nam bốn mươi tuổi mà vẫn còn loay hoay tìm kiếm tình yêu, trong khi lớp trẻ sẽ chẳng bao giờ ngó ngàng đến đàn ông trung niên, họ luôn bảo “không tiếp trung niên”, “già quá”, “cách tuổi nhau quá”, “trải đời quá”, “tuổi đó rồi còn gì”. Những lựa chọn cứ ít dần, ít dần, đến khi không còn bao nhiêu để mà lựa chọn nữa, ta sẽ bị lớp trẻ nhìn với thái độ dành cho một đối tượng đã quá lứa lỡ thì, đã không còn ngon mắt, đã “già già bẩn bẩn”. Ôi trời, may thay anh không rơi vào tình huống ấy, anh đã kịp có một người chồng, một gia đình hoàn hảo, không phải loay hoay đi kiếm cái gọi là “tình yêu đích thực”. Phải ngẫm kỹ về tình huống này, anh mới hiểu vì sao những bạn bè hay các chị phụ nữ cố sống cố chết để cứu vãn tuổi xuân, cố gắng ấu trùng hoá bản thân, cố “giữ mãi nét trẻ trung”, rồi là những trò căng da mặt, phẫu thuật thẩm mỹ, kích mí, nâng mũi, độn má, gọt cằm, hút mỡ thừa, xoá tàn nhang, bôi kem trộn… Bởi vì, sao người ta có thể chấp nhận là bản thân đã quá lứa lỡ thì được, sao người ta có thể chấp nhận bản thân mình đã không còn trẻ trung nữa, sao người ta có thể chấp nhận mình đã không còn bao nhiêu sự lựa chọn?
Nghiêm mở balo, bày tập sách vở và máy tính xách tay ra bàn. Anh tìm ổ điện và cắm sạc. Mọi thứ đã được xếp đặt đâu vào đó. Anh mở rèm cửa sổ, ánh sáng bên ngoài tràn vào, căn phòng sáng bừng. Bỗng nhiên, có một thứ gì đó len lỏi vào, chạm vào, thoang thoảng. Nghiêm rùng mình, không biết đó là gì. Anh khịt mũi. Một thứ mùi kỳ quái, không hẳn là quá nồng không chịu được, chỉ đủ thấp thoáng giống như một quả chuối bị lăn vào một góc khuất rồi bắt đầu thối rữa, khiến cả ngôi nhà cứ chập chờn một lớp mùi khó chịu, không chắc có thật hay không, hay đấy chỉ là một cảm giác mà não đánh lừa chúng ta, cho đến khi không thể cứu vãn được và thối um lên. Nghiêm tự ngửi người của mình, không phải là từ anh, song anh lại có cảm giác đây là thứ mùi phát ra từ chính bản thân. Bởi vì thính giác không nhạy với mùi của chính mình nên cái thoang thoảng không thật này rất giống nó. Nhưng rồi, chỉ cần một cái xoay đầu nhẹ, mọi thứ liền biến mất, tan đi, không cảm nhận được gì nữa, như một con muỗi vo ve đã bay đi mất. Nghiêm nghĩ có lẽ mình đã tự tưởng tượng ra thứ mùi ấy.
Có một lần nhà bị dột nước, nước đọng lại và mang một thứ mùi mục rữa của bùn đất, cũng thấp thoáng tương tự thế này. Hùng đã gọi thợ sửa đến và có lẽ là lâu lắm rồi mới có người nhìn gia đình anh với đôi mắt kỳ lạ đến thế. Nghiêm đã bắt đầu quên, có lẽ Hùng cũng bắt đầu quên, thằng bé Cường con của cả hai có lẽ cũng đã quên, về cái tính chất “đặc biệt” của họ. Mọi người đã bình thường, đã quên khuấy đi mất, đã đồng ý, vì thế mọi thứ trôi đi không một gợn sóng nào. Cho đến khi thợ sửa trần nhà đến, nhìn hai người chồng, bằng một ánh mắt có lẽ là loại ánh mắt kinh ngạc rất bình thường, rất dễ hiểu. Rồi ngay lập tức anh thợ điều chỉnh đôi mắt về trạng thái tỏ ra rằng mình không để ý gì cả. Nhưng không kịp, sự ngượng ngùng đã chiếm lĩnh, Nghiêm để Hùng ở lại xem xét còn mình thì lảng đi nơi khác, để tránh những suy nghĩ “gọi thợ đến chơi tay ba”, “hai thằng đồng tính sờ mó một thằng trai thẳng”, “hai vợ chồng dâm dục và anh chàng thợ sửa trần nhà may mắn”, “chàng thợ sửa trần nhà nhiệt tình phục vụ gia chủ” hay vân vân các tiêu đề video khiêu dâm khác. Sự bất ngờ đó, né tránh đó, ngượng ngùng đó, tập trung làm nhanh cho xong đó, đã gợi lại tất cả. Người thợ không dám trao đổi bất cứ điều gì với Hùng, bình thường thợ sẽ hỏi han gia chủ chuyện này chuyện kia, trò chuyện với người chồng trong gia đình như hai người đàn ông, nhưng hôm đó mọi thứ chìm vào im lặng căng thẳng đến nghẹt thở, cho đến khi trần nhà được sửa xong và người thợ xách đồ nghề ra về. Không sao cả, Nghiêm và Hùng đã ở bên nhau lâu đến mức không cần phải để tâm đến những ánh nhìn và đến lượt họ, họ còn dần dà thông cảm cho những biểu hiện bất ngờ của người khác về gia đình mình. Song, sự né tránh của người thợ sửa với họ vẫn gợi lại một điều rằng hình ảnh của tụi anh trong mắt người khác vẫn xoay quanh những câu chuyện tình dục: luôn có ý đồ với đàn ông, sở thích biến thái, đụng chạm sàm sỡ, mê trai khó bỏ, dâm dật lố lăng, trác táng, quan hệ bừa bãi, lây nhiễm cộng đồng… và hơn hết không phải, không thể được xem là một gia đình mẫu mực với sự chung thuỷ mẫu mực. Tất cả diễn ra rất ngắn ngủi, mọi thứ trở lại bình thường rất nhanh, qua một lát là cả hai đã quên khuấy mất, như một sự kiện bình thường xảy ra giống bao sự kiện khác. Có lẽ bây giờ Hùng đã quên và nếu không có thứ mùi kỳ lạ trong căn phòng khách sạn này thì chính Nghiêm cũng không nhớ nổi.
Phải làm sao nếu anh đã quên nhấn nút nồi cơm nhỉ, liệu anh Hùng và thằng Cường có tin không nếu anh nói là mình quên thật và cả ngày không hề nhận ra dù đã đi qua chỗ nồi cơm mấy lần?
Anh quay lại với video dạy ba mươi chữ Nôm mới, cố gắng xem hết ba mươi từ vựng và nhớ cho vững mười từ, rồi ôn lại số từ tuần trước mình đã học, đồng thời còn bài tập đọc hiểu văn bản cổ – hôm nay là một văn bản được lưu giữ trong một ngôi đình nào đó, kể về công trạng của một ông Thành Hoàng Thánh Miếu nào đó. Có vô số văn bản như thế này vẫn còn tản mác khắp nơi trên đất nước Việt Nam, lẩn khuất trong những đền đài miếu tự, ở những vùng thôn quê cho đến những thành phố lớn, được những thủ đền, những ông từ, hoặc những hậu duệ dòng họ lâu đời lưu giữ, chỉ lấy ra cho các nhà nghiên cứu thị sát và kiểm tra mỗi khi có dịp. Chiếm phần lớn trong các văn bản chữ Nôm là sách ký lục gia phả và dòng họ, giới thiệu về tổ tiên ông này ông khác. Mà những sách ấy lại không phục vụ tốt cho việc học lắm vì vừa nhiều tên riêng mà còn khô khan, nội dung chẳng có gì thực sự đáng chú ý. Nghiêm có hứng thú với những sách truyền kỳ, những bài văn tế, truyện thơ Nôm bình dân hay bác học, có tác giả hay khuyết danh, chỉ cần số này thôi cũng đã đủ để anh đọc mãi không hết, vì trong lúc đọc thì cái này lại bắt qua cái kia, cái kia dẫn đến cái nọ, ngữ liệu đọc càng lúc càng dày và phức tạp.
Anh có tham gia một hội nghiên cứu Hán-Nôm trên mạng, cũng chẳng ai hoạt động gì ngoài một số quản trị viên đăng bài công bố các công trình của Viện Hán Nôm và những phát hiện văn bản mới, hay chủ yếu là những bài về văn hoá, phong tục, tín ngưỡng thời phong kiến. Dù sao thì, ai cũng bảo học ngôn ngữ là học văn hoá, nên việc này cũng rất phù hợp.
Một tiếng đồng hồ đầu tiên trôi qua thuận lợi, cho đến khi mùi hương đặc trưng của các khách sạn đã bay biến mất, chỉ còn lại thứ mùi chua loét kỳ quặc còn vương vấn mãi, như mùi chân thối, hay rau quả thối. Nghiêm chịu thua, quyết định xem xét một vòng để tìm rốt cuộc mùi hương ấy ở đâu ra. Có thể một con gì đó đã chết trong phòng: chuột, ếch, thằn lằn hay rắn… Lẽ ra cách tốt nhất là Nghiêm có thể xin đổi phòng, nhưng vấn đề là anh cũng chỉ còn một tiếng nữa, không cần phải thế và trong lúc đứng lên vươn vai xả hơi sau một tiếng học lì một chỗ, anh cứ nhân tiện đi lòng vòng kiếm thử. Dù con gì chết thì Nghiêm cũng sẽ xử lý được, anh không sợ bất kỳ con vật nào – trừ những con có độc chết người thì không nói, anh chỉ sợ độc và sợ chết thôi. Nghiêm sống ở quê từ nhỏ và việc bắt ếch nhái, đuổi rắn, bẫy chuột đã quá quen thuộc. Hùng thì lại sợ chúng, cả ếch nhái lẫn thằn lằn lẫn rắn lẫn chuột, cả nhện nữa, cả gián nữa – với anh ấy, mỗi con đều có một đặc điểm đáng sợ riêng. Và anh ấy rất xấu hổ vì sự nhát gan này của bản thân, đến giờ vẫn còn xấu hổ. Vì thế rất nhiều lần Hùng cố gồng cứng người để đối diện với những con vật ấy, khi chúng xuất hiện trong nhà, để rồi thất bại và hét lên.
Có lần Hùng cố hết sức để tỏ ra mình không hề sợ chuột và tự mình đuổi một con chuột khỏi bếp, để rồi con chuột thay vì chạy đi lại phóng thẳng lên người Hùng. Nỗi sợ xâm chiếm lấy Hùng, làm Hùng cứng đờ người, tay chân lạnh toát và bất giác run lẩy bẩy, mặt mũi tái mét, cơ thể chông chênh như sắp đổ xuống sàn và vỡ nát như một pho tượng thạch cao. Nghiêm bảo Hùng cần gì phải thế, nhưng chồng anh cứ nhất quyết ép mình phải đối diện, phải xử lý được.
Một lần, Hùng bực dọc nói với Nghiêm, “Anh là đàn ông, là trụ cột gia đình đúng không, anh không nên gặp cái gì cũng sợ, gặp con này con kia lại chạy tán loạn đi tìm em. Đáng lẽ em phải là người đó, cái người sợ hãi và hét lên chạy đi tìm anh, dựa vào anh. Thật ngượng quá, anh là đàn ông mà lại vậy!”
Nghiệm nhíu mày, “Anh nói gì vậy? Em không phải đàn ông à? Mà đàn ông thì không được sợ à?”
“Không, ý anh không phải thế.” Hùng xua tay, “Nói sao nhỉ, ý là anh ở vai trò trụ cột đúng chứ, anh phải mạnh mẽ. Tất nhiên em cũng là đàn ông nhưng em có anh để dựa vào rồi, nên em cứ yếu đuối thoải mái. Còn anh là chỗ dựa cho em nên anh phải tập cách mạnh mẽ. Nhưng thôi, sao chúng ta lại làm phức tạp vấn đề lên vậy nhỉ, nói chung thì cố gắng đối diện với nỗi sợ là tốt mà phải không em!”
“Anh Hùng, hai chúng ta không cần phải sống theo tiêu chuẩn vợ-chồng của những cặp nam-nữ khác, mà cái tiêu chuẩn vợ-chồng ấy, ngay cả với một cặp đàn ông-phụ nữ cũng đâu có được khuyến khích. Sao chúng ta lại… mô phỏng… bắt chước… ép khuôn… định hình…”
“Không, khoan đã. Anh xin lỗi, anh đâu có ý đó đâu em. Nhưng đàn ông mà cứ hú hét thì mất mặt lắm! Cái này là vấn đề hoàn toàn cá nhân, sự thoải mái cá nhân, hình tượng lý tưởng anh muốn đạt đến. Không, đừng quan-điểm-hoá những điều này nữa nào!”
Dù vậy, bằng một cách nào đó quá mức trơn tru khiến Nghiêm chẳng để ý, cả hai đã định hình mọi thứ như ngày hôm nay: anh ở đây và lo lắng về việc bản thân có lỡ quên nhấn nút nồi cơm trước khi ra khỏi nhà hay không. Nếu mà anh lỡ quên, anh sẽ phá vỡ cấu trúc kiện toàn, sự hoàn hảo, sự mẫu mực, hạnh phúc trọn vẹn của gia đình mình mất.
Có phải Nghiêm đã lựa chọn? Từ khi cả hai quyết định về sống chung với nhau và sau đó là gặp Cường – một đứa bé nhỏ xíu, trong sáng và tội nghiệp biết mấy trong chiếc cũi của bệnh viện phụ sản, luôn đợi để cha hoặc mẹ ruột ghé thăm nhưng chỉ có các bác sĩ y tá – Nghiêm đã đưa ra quyết định rằng mình sẽ là người lo việc nhà, để Hùng đến công ty, thực hiện vai trò quản lý: một vị sếp, một vị lãnh đạo, một người đàn ông đáng tin cậy, lăn xả trên thương trường với những cuộc chiến đòi hỏi sự bản lĩnh của những gã chiến binh nam tính, thành đạt và đáng tự hào. Khi đó Nghiêm còn chẳng thể gọi là có một công việc – anh làm nhân viên phục vụ tại một quán cà phê trả lương 23.000 đồng cho một giờ lao động (thật khốc liệt nếu phải so với giá tiền phòng khách sạn theo giờ), đang loay hoay để hoàn thành luận văn tốt nghiệp và nộp CV khắp nơi hy vọng có được một chân nhân viên trong chuỗi cung ứng của các công ty dịch vụ vận chuyển. Vì thế, Nghiêm, với vị thế trong tình yêu từ trước đến nay, cộng thêm nhiều tác động khác, đã trở thành một người nội trợ điển hình, mẫu mực và may mắn là anh không thấy nó quá tệ. Hay có tệ, nhưng không “quá” nếu so với con đường khó khăn hơn là phải đi làm như Hùng – liệu có thể so sánh được không? Và thế đó, anh chăm sóc Cường, tất bật lo cho chồng, mỗi ngày tiễn chồng ra đến cửa và tựa cửa nhìn chồng bước vào xe, trước khi lái đi Hùng còn vẫy tay tạm biệt anh và anh đáp lại với một nụ cười, chúc Hùng một ngày làm việc vui vẻ. Như thế có vẻ như là “gia đình kiểu mẫu”, “hoàn hảo”, “mơ ước của mọi người”, “chẳng thể mong đợi gì hơn” và vô số lời nhận xét khác. Nghiêm không thể không đồng ý, ngay cả khi ở đây, trong một khách sạn xa lạ và học chữ Nôm, xem xét lại thì mọi thứ vẫn quá mức hoàn hảo.
Chỉ là đôi lúc Nghiêm rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến việc mình sẽ cứ sống tiếp như thế này, mãi mãi, nghìn năm, đến tận lúc chết: nghĩa là không phát triển, năm nay y hệt năm ngoái và y hệt năm sau, tất bật với những trách nhiệm gia đình, làm một người nội trợ mẫu mực. Và Cường nữa, mấy khi Nghiêm – xin hãy tha thứ cho anh – thoáng nghĩ có lẽ mình và Hùng đã tước đi của thằng bé một cuộc sống khác. Thằng bé lẽ ra đã được một cặp vợ chồng khác nhận nuôi nếu cả hai không nhận, nó sẽ là con trai của một cặp nam-nữ nào đó, một cuộc đời sẽ không có những câu hỏi và bối rối (hoặc vẫn có nhưng dễ trả lời hơn một chút, rằng vâng, con không biết cha mẹ ruột của mình là ai nhưng bây giờ con đã có cha mẹ – chứ không phải hai người cha). Có phải Nghiêm và Hùng đã tước đi cuộc đời ấy của thằng bé, rồi quăng nó vào cuộc đời này? Dù cả hai đã cố gắng hết mức, đã bù đắp hết mức, đã yêu thương Cường vô điều kiện, cho nó một cuộc đời tốt nhất có thể, nhưng liệu… liệu… phải chăng sẽ tốt hơn nếu… Anh sợ rằng khi nó đủ lớn, đủ hiểu, đủ nhận thức thì nó sẽ trách cả hai vì đã tước đi của nó cuộc đời ấy? Nhưng có lẽ cứ lo lắng mãi như thế cũng chẳng thể giải quyết được gì, ngoài cứ cố gắng vun đắp cho hiện tại.
Bình luận
Chưa có bình luận