Chị Mỹ hốt hoảng khi nhìn thấy mẩu giấy mà người đàn ông đang chìa ra trước mặt mình. Mẫu tin xin tiền chạy chữa cho một đứa bé được in bằng thứ mực rẻ tiền, bợt màu lốm đốm. Những dòng chữ lỗi nằm xiên xẹo, căn lề trồi sụt chẳng thành hàng lối gì. Trên đầu tờ giấy là dòng chữ to đùng, nội dung đơn giản hết mức, đại khái là xin mọi người hãy rủ lòng thương, rón tay làm phước quyên góp chút tiền để gia đình chúng tôi có thể sớm chạy chữa cho cháu bé. Rằng cháu bé đang mắc bệnh tim nặng cần phải phẫu thuật gấp, những đồng tiền của bà con cô bác sẽ là nguồn động lực, nguồn cứu nguy to lớn cho gia đình chúng tôi, kèm theo là lời cảm tạ chân thành, cuối cùng là dòng chữ “A di đà Phật”.
Nhưng vấn đề không phải những dòng chữ thống thiết cầu cứu. Vấn đề ở chỗ chính tấm hình kia. Đấy là hình đứa con trai của chị Mỹ, thằng bé chỉ vừa mới mất trên giường bệnh hồi tuần trước. Làm sao người đàn ông này lại có được tấm hình ấy, rồi in ra để dùng nó đi xin tiền thiên hạ?
Hình ảnh đứa nhỏ nằm trên giường bệnh nhỏ bé, đáng thương, nhắm nghiền mắt trong cơn mê man, hai ống thở neo trên mũi, kiệt quệ với tất cả những dây nhợ xung quanh. Đứa nhỏ nằm đó, được đắp chăn, chỉ tầm hai ba tuổi. Tuy đang nguy kịch, song thằng bé vẫn sổ sữa, chút hồng hào phớt nhẹ trên tay chân chứng tỏ cái chết vẫn chưa có ý định lân la đến gần. Con chị vẫn còn sống trong tấm ảnh đó.
Chị ngước lên nhìn lão ta. Một người đàn ông già dặn, nhiều nếp nhăn, da nâu khẳm một màu nước đường đun quá lửa. Chỉ cần nhìn thoáng qua đã đủ khiến người khác phải mủi lòng xót thương cho cái số vất vả cơ hàn của lão. Nếu là lúc bình thường, có lẽ chị Mỹ đã đến ôm chầm lấy lão, vỗ về, dặn lão hãy vững tin, hãy vững tâm để còn có sức khoẻ lo cho cháu nhà. Nhưng bây giờ, chị như một con diều đứt dây trong gió, chao đảo như sắp đâm đầu xuống đất. Lão nhìn chị qua đôi mắt cập kèm, đôi mắt như biết nói, như biết kể ra một câu chuyện khổ hạnh và bi kịch nhất trên thế gian. Đôi mắt híp lại, nhoè nước, như đang cố gắng kiềm chế không để bản thân bật khóc, cố thể hiện sự vững vàng không từ nan trước những biến cố hoạ tai ập xuống cái thân già yếu ớt của lão.
Con trai chị Mỹ vừa mới mất, chị đã vật vã như người chết rồi suốt một tuần lễ nay, chị đã không thể nhấc nổi người dậy để làm bất cứ việc gì. Kể cả khi xác con trai được người nhà đưa về và đem chôn, mọi thứ vẫn ở cách xa chị, không liên quan đến chị. Chị Mỹ không thể nhìn thẳng thân thể ngắt lạnh của con được, chị đành tự nhốt bản thân trong phòng ngủ. Người nhà đem cơm đến đặt trước cửa phòng, chị ăn như mèo hửi, giữ mình ở mức tối thiểu để không chết. Cả giấy báo tử chị vẫn chưa nhận, vì các thủ tục đều cần phải có chữ của chị. Chị không cho phép người khác làm việc này thay mình, chính chị phải làm, chính chị phải đến bệnh viện nhận giấy báo tử – dẫu gì, đó cũng là điều cuối cùng chị có thể làm cho đứa bé, lần cuối được làm một người mẹ trọn vẹn, có trách nhiệm với sinh mệnh của con. Và hôm nay, bằng một sức lực có lẽ là phi thường nhất mà một người phụ nữ có thể có, chị gác lại nỗi đau, đi đến bệnh viện để làm nốt những giấy tờ cuối cùng, chấp nhận hạ bút điền thông tin vào tờ giấy chứng minh con mình đã chết, rồi từ tờ giấy ở bệnh viện, chị sẽ đem nó về xã, lại tiếp tục chứng minh con mình đã chết. Chị phải liên tục chứng minh con mình đã chết thêm nhiều lần nữa thì đứa nhỏ mới có thể an nghỉ được. Nỗi đau sẽ lại được tái diễn nhiều lần, cứ dậy động, rát bỏng lên hết lần này đến lần khác. Song, chị tự an ủi bản thân rằng ít ra việc mình đang làm đây vẫn là việc mà một người mẹ phải làm, chị vẫn đang được “làm mẹ”, lần cuối.
Từ hồi con chị nhập viện, chị đã quen với hình ảnh những người cầm tờ phiếu in hình con em trên giường bệnh để đi xin tiền khắp nơi. Mỗi lần thấy họ, nếu có tiền thì chị sẽ rút tiền ra cho. Ít ỏi thôi, chẳng đáng là bao, hẳn cũng không hỗ trợ được mấy nả, nhưng chị mủi lòng vì họ và vì chính mình. Con chị cũng đang vật vã trên giường bệnh, chị đâu thể lờ đi khi nhìn thấy hình ảnh con cái người khác ngoi ngóp chờ được cứu giúp. Trong thời khắc giữa những người đồng cảnh ngộ ấy, chị quá hiểu nỗi đau của người khác nên chị không thể lạnh lẽo từ chối.
Song, chị Mỹ chưa bao giờ, chưa một lần nào đặt câu hỏi về những tờ giấy ấy, những bức hình ấy, những dòng chữ in xiên xẹo ấy. Sự lọc lừa ấy quá khó để xảy ra, quá tàn nhẫn so với những gì chị biết về cuộc đời, nên chị không nghĩ là thứ chiêu trò như thế lại có thật. Cho đến hôm nay, chị đứng đây, nhìn hình ảnh đứa con ngoi ngóp sự sống của mình trên tay người khác, một người xa lạ đến mức chị phải rùng mình, chị mới biết thứ chiêu trò ấy có tồn tại.
Người đàn ông lắp bắp, ra vẻ muốn xin nhưng e dè, xấu hổ, khó nhọc để mở lời, như cầu mong rằng đối phương sẽ tự hiểu mà chủ động trước. Môi lão rung rung và trời ơi, chị Mỹ nghĩ, lão còn tỏ ra đau khổ hơn chính chị. Chị mới là người mẹ của đứa trẻ trong tay lão, thế mà chị đâu thể nào làm ra được cái nét đau đớn như kia! Chị còn không hề rơi bất kỳ một giọt nước mắt nào suốt quãng thời gian người ta đem con chị về, bỏ vào cái hòm nhỏ để làm lễ mai táng và hạ thổ. Quái lạ làm sao chị không khóc nổi, chỉ có thể ngơ ngáo nằm trên giường, tay đung đưa cái nôi trống không, ru một khoảng không ngủ mê, rồi ngửi mùi quần áo của thằng bé để cố nhớ đến sự hiện diện của nó đâu đây. Rồi cứ chốc chốc chị hỏi người thân gia đình những câu vô tri như: Sao nó lại chọn lựa bỏ lại mẹ nó nhỉ? Hay là nó không thương mẹ nó? Tôi có làm gì xấu với nó đâu nhỉ? Tôi chăm sóc nó không tốt hay sao? Nó giận gì tôi mà lại bỏ đi nhỉ? Nhưng chẳng có giọt nước mắt nào, ráo hoảnh như lòng giếng cũ với những lớp đất nứt nẻ đến cả trùng dế cũng không sống nổi.
Nhìn lão ta, chị giật mình tưởng đâu lão cũng yêu con chị không thua gì chị, có khi còn hơn cả chị. Lão lo lắng bất an biết bao nhiêu, bồn chồn và rối ren biết bao nhiêu, tốn sức chạy đôn chạy đáo dưới trời nắng để xin từng đồng tiền chữa trị biết bao nhiêu. Hình như, chị nghĩ, lão yêu thương con chị đủ bù cho những gì chị không thể yêu thương. Bỗng nhiên chị ước gì mình có thể đau đớn được như thế.
“Cháu bé nhà mình bị gì vậy chú? Nhìn tội nghiệp quá!” Chị vờ cảm thán.
“Nó bị bệnh tim bẩm sinh, chạy chữa hết tiền hết bạc vẫn không khỏi. Chúng con khổ lắm, cô ơi! Chỉ cầu mong cho thằng bé một đời khoẻ mạnh như con cái người ta!” Lão mếu máo kể lể sự tình.
Thấy chưa, chị nghĩ, rõ ràng lão yêu con chị vô cùng, lão cũng ước một điều ước như chị: ước rằng thằng bé sẽ được sống khoẻ mạnh, lớn lên như bao bạn bè đồng trang lứa khác, chứ không phải là trên cái giường bệnh với bao nhiêu ống nối, bao nhiêu kim cài.
“Cha mẹ cháu đâu mà để chú phải vất vả thế này?”
“Dạ không giấu gì cô, mẹ nó mất sớm, còn cha nó cờ bạc nên đâm ra thiếu nợ, đã bỏ đi biệt xứ rồi. Bây giờ chỉ còn ông bà và họ hàng chăm lo giúp!” Lão đưa tay quệt nước mắt.
“Sao mà khổ dữ vậy trời…” Chị Mỹ cảm thán. Mẹ nó chết rồi sao? Chị đã chết rồi sao? Phải, đúng lý ra chị nên chết đi, chết cùng nó. Một người mẹ thấy con mình chết thì làm sao có thể tiếp tục sống nhởn nhơ cho nổi, và mai đây mỗi lần chị nở nụ cười, mỗi lần chị có chuyện gì vui vẻ, chị sẽ nhớ về thằng bé và hốt nhiên, chị sẽ cảm thấy vô lý khi con trai mình chết mà mình có thể tiếp tục sống và mỉm cười. Đó là sự phản bội, đó là minh chứng rằng chị đang dần lãng quên nó. Mỗi một nụ cười của chị về sau sẽ là một lần phản bội thằng bé. Xem chị như người đã chết thì cũng tốt chứ sao?
Người đàn ông có vẻ đã hơi mất kiên nhẫn, nhấp nhổm hai chân tại chỗ. Lão đã nhắm đối tượng trước mặt vì trông chị Mỹ giống một người mẹ, và hẳn là một người mẹ rất thương con. Phụ nữ thương con sẽ dễ mủi lòng với con người khác, sẽ dễ sập bẫy hơn. Nhưng giờ, lão có hơi thấy khốn đốn, sao con nhỏ này hỏi lần lữa nhiều thế nhỉ, thông thường nếu người ta muốn cho thì sẽ móc tiền ra cho ngay, cho như bố thí, hoặc như xua đuổi, hoặc như ở trên làm phước xuống dưới. Còn gặp những người như chị Mỹ, lão hơi sợ, có khi động lòng quá, người đàn bà ấy lại mở quỹ quyên góp, hô hào lên kêu gọi cộng đồng thì mọi chuyện lại bung bét ra. Lão cố tìm đường để thoái lui. Nắng xiên khoai bỏng rẫy xối xuống đầu hai người họ.
Chị Mỹ nhanh nhảu bảo:
“Thôi, sao mình lại ra đứng nắng thế này, chú với con vào bóng râm đằng kia nói chuyện nhé chú!” Chị chỉ tay vào một hàng nước dưới tán cây.
“Dạ… con…” Lão trù trừ, bởi vì mất quá nhiều thời gian công sức mà chẳng biết người đàn bà này có cho mình được đồng nào đáng công hay không.
Chị khẳng định chắc nịch, còn vỗ tay vào ví tiền kẹp bên tay, “Để con đãi chú một chầu nước nhé, chú đừng lo, con không làm mất thời gian của chú vô ích đâu. Con biết chú cũng ngại, chú đang lo sốt vó chuyện bé nhà và cần tiền gấp, đâu thể nào phí thời gian ngồi trò chuyện với con. Con hiểu mà! Chú cứ đến đây, con sẽ không làm mất thời gian của chú đâu.”
Dù không nói thẳng mình sẽ gửi bao nhiêu, nhưng trong lời nói của chị Mỹ đã phần nào khẳng định chắc chắn mình sẽ gửi một số tiền lớn.
“Dạ, vậy thì ngại lắm, cô ơi!” Người đàn ông vẫn phân vân lần cuối, song đã hơi ngả người mặc đối phương dắt đi. Lòng lão phân vân, nhưng cảm xúc và phản ứng chân thật của đối phương gieo cho lão cảm giác mình sắp thu được một số lớn lắm.
“Chú cứ uống một ly nước mía với cháu, rồi có sức mà còn kiếm người giúp đỡ tiếp. Trời nóng khủng khiếp thế này mà để chú chạy cời cời, con cũng xót quá!”
“Cô đây đúng là Bồ tát sống. Con đội ơn cô nhiều lắm!”
“Thôi, xưng hô như thế thì con mang tội. Cứ xưng hô như bình thường chú ạ!”
Chị kéo chiếc ghế nhựa ra cho lão, rồi vòng qua bên kia bàn ngồi xuống ghế của mình. Hai người gọi hai ly nước mía. Bệnh viện đông người qua lại bất kể giờ giấc, ai ai cũng hối hả, chồn bước, hoảng hốt với cuộc đời. Chị nhìn họ với đôi mắt lâng láo như loài máu lạnh, đôi mắt như cánh đồng cạn ráo không có lấy một giọt nước.
“Chú cho con mượn tấm ảnh đứa bé xem nào.” Chị nhận tấm ảnh từ tay lão, nhìn thật kỹ nó, lại than, “Ôi trời ơi, sao mà tội nghiệp! Có bao nhiêu tuổi đâu mà phải chịu thế này rồi, ông trời tàn nhẫn thật!”
Hồi con chị mất, chị đã thốt ra những câu vô tri chẳng đâu vào đâu, nhưng nay, dù vẫn là con chị vậy mà chị như kẻ bàng quang đứng ngoài cảm thán cho số phận của người khác, bằng những câu từ đầy lý trí, nội dung tràn ngập tình thương, với tinh thần bộc trực khẳng khái. Người đàn ông ngả cái nón tai bèo xuống, phe phẩy cho ráo lớp mồ hôi ròng ròng trên trán. Chị Mỹ cảm giác người mình cũng rịn ra một lớp mồ hôi.
Dù được in mù mờ bợt bạt bằng thứ giấy rẻ tiền và loại mực rẻ tiền, tấm ảnh đen trắng lẫn lộn giữa các sắc độ của con chị Mỹ vẫn hiện lên rõ mồn một, song bởi vì tình huống đang phải đối diện, chị như đang phải nhìn vào con cái người khác, điều ấy càng khiến người chị quặn rộn hơn. Con chị sẽ vĩnh viễn nằm trong tấm ảnh này, như bao đứa trẻ khác được dùng cho một đường dây xin quyên góp tiền hỗ trợ phẫu thuật giúp “con em nhà chúng tôi”, nó sẽ được đem ra để kiếm tiền từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, thậm chí là năm này qua năm khác. Dẫu cho thân xác nó đã được đặt gọn dưới mồ, hình ảnh nó vẫn sẽ bị đem đi kiếm chác trong những vòng lừa lọc. Chị rùng mình nghĩ vài chục năm sau, có khi tấm ảnh thảm thiết của con chị vẫn sẽ được đem ra bòn rút, nó sẽ trở thành biểu tượng của những sinh linh yếu mềm cần đường cứu giúp. Liệu những đứa con nít mới ba bốn tuổi bị đem làm công cụ dù đã chết lâu rồi thì có siêu thoát được không nhỉ, hay chúng sẽ cứ luẩn quẩn trên dương gian, bị đay đi nghiến lại, bòn rút suốt mấy chục năm?
“Cô có chồng con gì chưa ạ?” Lão hỏi thăm chị.
Chị Mỹ trả lời, “Chồng mất rồi, con đang ở vậy nuôi con nhỏ, nó cũng tầm tuổi đứa nhỏ nhà chú đấy ạ!”
“Thân phụ nữ mà phải một thân một mình chăm con mọn, cô cũng có sung sướng gì đâu, anh nhà…”
“Dạ, mất trước khi thằng nhỏ nhà con ra đời cơ.” Chị nói dối, thật ra không hẳn là nói dối. Trong đầu chị thì chồng mình có khác gì người đã chết, khi cắp gói theo tình nhân lúc vợ đang bầu bì tháng thứ bảy? Chị cứ cho là anh ta đã chết, còn bản thân thì một mình nuôi con như một goá phụ buồn thảm. “Chú kể cho con nghe về thằng bé đi, tình hình của nó đang thế nào, có nguy kịch lắm không chú!”
“Cần phải lên bàn mổ ngay đấy cô ơi, không thể để lâu được. Người nhà tôi đang lính quýnh để lo được đồng nào hay đồng đó.”
Có lẽ do không đoán trước được tình huống hiện tại, lão già bắt đầu phải dựng khung sườn, đắp da thịt cho câu chuyện bi kịch của “cháu nhỏ nhà mình”. Lão kể là thằng bé rất ngoan, mặc dù mắc bệnh từ nhỏ nhưng tính lại ít quấy khóc. Dường như thằng bé hiểu và chọn chịu đựng nỗi đau ngấm ngầm, dường như nó biết rõ mình đang phiền hà những người khác, nên nó cứ thui thủi lặng lẽ. Nó đã bập bẹ được tiếng chú tiếng anh, giá có cha mẹ thì đã có tiếng cha tiếng mẹ.
Chị dựa theo đó mà tưởng tượng. Những lời người đàn ông kể gợi lại cho chị về sự sống của con trai mình, lão ta đang giúp chị tạo dựng nên một hình hài vẫn sống động, vẫn còn chật vật trên giường bệnh chờ một số tiền chạy chữa, vẫn chưa chết, vẫn nguyên lành không sứt mẻ. Trong lời kể của lão, đứa bé trai chơi đồ hàng với gia đình, nằm ngủ trên võng, bật cười khằng khặc, nghịch ngợm phá tung hộp sữa bột, ngoáy bút màu lung tung trên vách nhà. Lời kể của lão ta sao mà sống động quá, có lẽ kỹ năng hành nghề lừa đảo của lão cũng không tệ nên có khả năng xoay sở với câu chuyện của mình. Chị Mỹ nghe lão kể mà ngỡ con mình vẫn sống, nhìn ra được nó sống. Vì thế chị càng cố níu lão kể, kể mãi, hết chuyện này đến chuyện nọ, những chuyện láo toét, hư cấu, có chỗ trật nhịp, mâu thuẫn lời trước lời sau. Song tất cả không nhằm nhò gì, qua cái giọng ồm ồm khàn đặc của lão, con chị đã sống.
“Gia đình mình cần bao nhiêu chú nhỉ?” Chị hỏi sau khi đã no nê câu chuyện.
“Dạ… gần 200 triệu.” Người đàn ông ấp úng như đang ước lượng, rồi trả lời.
Cao hơn giá thực tế, chị cũng là người từng trải nên chị biết con số này không đáng tin cho lắm. Thậm chí, nếu có bảo hiểm, đứa trẻ còn được giảm tiền phẫu thuật xuống thấp nữa. Nhưng chị tạm chấp nhận vì nghe cũng không đến mức vô lý.
“Con sẽ gửi cháu nhà 50 triệu, chú nhé!”
“Trời ơi, con đội ơn cô. Sao mà cô ăn ở phúc đức quá, cô ơi!” Người đàn ông tròn xoe đôi mắt, mí mắt đã hết nhíu lại mà trố ra long lanh trong nắng, mừng rơn và cảm tạ rối rít. Lão ta bắt lấy tay cô mà lắc, “Cháu nhà cô nhờ phúc của mẹ chắc chắn sẽ bình an khoẻ mạnh mà lớn, nhà con sẽ cầu nguyện cho cô và cháu nhà sống một đời đủ đầy, hạnh phúc, không bệnh tật.” Lão quên cả điểm xưng hô chị Mỹ đã nhắc.
Lẽ ra khi nghe số tiền ấy, lão già nên tỏ ra ngần ngại, e dè hơn, nhưng lão quên khuấy đi mất, cứ cảm ơn rối rít. Song vì người đàn bà nhân đức này khờ khạo quá, dễ lọt lưới quá, nhiều tiền nhưng ngu ngốc quá, lão đâm ra hơi lơ là. Vả lại, đúng thật là nãy giờ tốn bộn thời gian của mình, lão không đành lòng nếu không nhận. Thôi thì người ngu mất tiền ngu, lão thấy con nhỏ này cũng đáng đời lắm, đáng đời lắm!
Trên đường đến chi nhánh ngân hàng để rút tiền, đầu chị Mỹ cứ xoắn xít những lời của người đàn ông xa lạ, rằng con trai chị sẽ nhờ phúc chị mà sống khoẻ mạnh, không nạn tai, không bệnh tật. Tại sao thực tế mọi thứ lại không như vậy, tại sao mọi thứ lại khác?
Khi chị quay lại, dúi phong thư đựng tiền vào kẻ đang khúm núm và nhấp nhổm chờ đợi, lão cúi đầu lạy như bổ củi, như tế sao, gọi hết tên tiên đến danh thánh để quàng lên người chị cái áo của sự từ bi, phúc đức. Rồi, như sực nhớ lại vai diễn của mình, lão lập tức trở về trạng thái hớt hơ hớt hãi, ngó quanh quất, trên tay cầm tờ giấy xin tiền và đi kiếm con mồi tiếp theo. Chị Mỹ thấy bỏ ra số tiền nhường này để con trai mình sống lại trong phút chốc, dù chỉ là phút chốc thôi, cũng thật đáng, chẳng thiệt chút nào!
*
Vài ngày sau, chị Mỹ trở lại bệnh viện. Nhưng lần này, tâm trạng của chị khác hẳn. Trong lòng chị là nỗi hân hoan, đói khát hình ảnh con trai, đói khát được gần gũi nó. Hôm trước, chị cứ ngỡ bấy nhiêu là đủ, chị đã được sống với con trong phút giây và thế là đã đủ cho chị, nhưng rốt cuộc vẫn không đủ. Với một người làm mẹ thì chỉ có bấy nhiêu không thể đủ được. Nay chị lại nhớ con, lại khao khát được nhìn thấy, được nghe miêu tả, được kể cho biết, được “làm mẹ” thêm một lần nữa. Lần này, chị đã thủ sẵn vài chục triệu trong túi xách, chị không còn nhiều, chị đã phải đi vay người này người khác để có được số tiền đó.
Không rõ việc mình làm có phải điên rồ hay không, nhưng nó làm chị vui sướng lắm. Chị không từ chối được cái sự vui sướng nguyên lành ấy, không từ chối được con trai ruột mình dù nó chỉ tồn tại trên môi lưỡi người khác, nhưng vẫn là tồn tại.
Ba năm cũng không đủ. Chị đã sinh con và nuôi nấng nó suốt ba năm qua, cho đến tận lúc mất, nhưng với chị, làm mẹ như thế vẫn chưa đủ. Chị đã tưởng tượng thời gian làm mẹ của mình dài hơn, và nếu đủ may mắn chị có thể làm mẹ đến tận lúc chết. Nhưng duyên phận giữa chị với con chỉ kéo dài được ba năm, quá ngắn để chị có thể được làm mẹ với mọi cung bậc cảm xúc mà đáng lẽ chị đã có cơ hội trải qua. Nếu chồng cũ còn ở đây gồng gánh với chị, cùng chị vượt qua cơn tai biến này thì có lẽ chị đã vững vàng hơn nhiều, đã vực dậy bản thân để sống tiếp và sống khác, có thể nở nụ cười mà không nghĩ đến chuyện mình đang phản bội con. Song, hiện thực lại chỉ có mình chị, cuộc đời này chỉ có mỗi chị phải đối mặt, quờ quạng, gồng gánh. Chị Mỹ không chịu nổi.
Từ xa, chị đã nhìn thấy người đàn ông ấy, vẫn là chiếc áo sơ mi cũ, chiếc nón tai bèo và vẻ ngoài lấm lét, khắc khổ, đến chìa tờ giấy in hình con chị để xin tiền hỗ trợ từ mọi người. Chị tiến đến chỗ lão. Chợt nhận ra chị, lão bất ngờ và bối rối. Lão nghĩ không lẽ nó tới đòi tiền mình, nó có dắt băng đảng theo không, có cảnh sát không? Nhưng rồi nhanh chóng, trong một tích tắc, lão đã thấy lại được quyền xoay sở. Lão nhận ra không hề, con bé không khôn ra được vì quá ngây thơ, cả giàu có nữa. Nó đang ân cần, đang tin tưởng. Xem con mắt nó là thấy, đó là con mắt của người dễ bị lừa, ngu ngốc và có thể bị lừa lần hai. Muốn bị lừa lần hai thì lừa cho lần hai. Không lo gì chuyện nó vạch trần mình, lão cúi cúi, niềm nở, khoan hoà.
Chị mỉm cười từ ái với lão trong vai vị Phật sống, hỏi:
“Cháu bé đã đủ tiền phẫu thuật chưa? Tình hình thế nào rồi chú?”
Đã vài ngày trôi qua, mà theo kịch bản bi kịch do lão dàn dựng thì con trai chị cần phải phẫu thuật gấp, nên có lẽ giờ này mọi thứ đã xong rồi. Nhưng lão vẫn ở đây tỏ vẻ cuống quýt xin tiền, thế là lão buộc phải nối dài lời dối trá:
“Dạ chào cô, gặp lại cô con mừng quá, cô vẫn khoẻ chứ ạ? Cháu bé… ca phẫu thuật không được thành công lắm, bé nhà con phục hồi rất chậm, chúng con cứ lẩn quẩn quanh giường nó. Nói dại, lỡ có sơ sẩy gì nó lại nguy kịch ngay. Trong khi bao nhiêu đồng bạc kiếm được đã bỏ hết vào để chữa trị, bây giờ mọi thứ không khá hơn, nhà con chẳng còn cách nào khác…” Lão vén tay áo, lau nước mắt.
“Trời ơi, sao mà khổ thế này! Cứ bào mòn mãi như vậy thì bao giờ mới hết khổ…” Chị kêu lên với niềm thương xót cực hạn, “Con không còn nhiều nữa, chú ạ! Con chỉ còn một ít…”
“Ôi thôi, cái ơn của cô quá lớn rồi, con mà nhận thêm nữa thì kiếp sau đến làm trâu ngựa cho cô còn không làm được!” Lão rối rít xua tay. Lão thầm nghĩ con nhỏ này đúng là vừa giàu mà vừa ngu thật!
Kiếp sau? Sao lão ấy lại tin một người như lão, một người thất đức như lão vẫn còn có cái gọi là kiếp sau? Trong khi, những đứa trẻ bị lão và những người trong cùng đường dây đem ra làm vật xin tiền lại không thể nào siêu thoát được, hồn cứ vấn vít mãi chốn dương gian đày đoạ, vậy mà chính lão còn nghĩ đến kiếp sau của mình!
Chị Mỹ nhớ lại buổi tối hôm trước, chị mơ thấy mình đứng trên một chuyến thuyền qua sông, rồi bỗng bị hụt chân rơi xuống nước, chân chị giật nảy một phát và chị quáng quàng tỉnh hẳn dậy. Khoảnh khắc đó, chị đã thấy ở cuối giường một hình bóng tối tăm, con trai chị đứng dưới song cửa sổ rờn rợn ánh trăng. Người ngoài có lẽ không biết, nhưng với chị, con trai chị về không phải chuyện kỳ lạ. Nó cứ hay trở đi trở lại để oán trách chị, than thân mình. Nó có cách dày xéo riêng của nó, cách dày xéo thật ngọt ngào, khiến chị đau đớn khi đối diện nhưng nếu không có lại buồn. Nó trách chị như những gì chị tự trách mình, nó rền rĩ với chị những điều chị rõ hơn ai hết và nó nhắc đến những thứ chị không muốn đối diện.
Lúc mất, nó vẫn chưa thể nói được rành mạch, chỉ mới líu lô vài câu nhặt nhạnh, lâu lâu có những câu dài hơn. Nhưng tối hôm ấy, nó nói liền tù tì, lèo lèo những từ ngữ quái lạ và dị thường. Thằng bé vừa khóc vừa bảo với chị rằng nếu cứ để mọi thứ tiếp diễn như vậy, hình ảnh nó cứ bị đem ra kiếm tiền bất lương như vậy, thì nó không thể siêu thoát được, nó bị rịt chặt với cõi này bằng những thứ dơ bẩn gớm ghiếc, với những trò gian manh, trí trá lộn sòng của bọn cầy cáo.
Chị Mỹ vừa chồm tới, đưa tay quờ quạng níu lấy con, bảo:
“Nếu con không thể siêu thoát thì cứ ở đây với mẹ, được không con. Con ơi, một người phụ nữ mất con thì không thể làm mẹ được nữa, mẹ làm mẹ chưa được bao nhiêu, chưa được dài như người ta. Hay con cứ ở đây để mẹ tiếp tục được làm mẹ của con. Có sao đâu? Sao con lại muốn siêu thoát rồi rời xa mẹ, con giận dỗi gì mẹ mà muốn rời đi?”
Xong rồi, khi chị thật sự tỉnh hẳn cơn mê sảng, cái bóng đen và thằng bé biến mất để lại một cái góc phòng trống hoác như thiếu mất thứ gì. Sực nhận ra, chị Mỹ thấy mình đang bấu mười đầu ngón tay vào thanh trụ của cái nôi bên cạnh. Những móng tay nghiến chặt run lẩy bẩy. Trong lòng nôi trống hoác.
Lúc ấy, chị mới nghĩ cho tỏ tường và tự thấy mình thật ích kỷ, cái ích kỷ rất bản năng của một người mẹ. Thằng bé có thể đi đầu thai nghĩa là còn có cơ hội sống một cuộc đời khác tốt hơn, được đến cõi trời hay một cõi nào đó dành cho nó, lẽ ra chị phải tìm cách giải thoát cho nó để nó sớm ngày rời khỏi những thứ nhơ nhuốc tởm lợm ở cõi này. Duyên của chị với thằng bé ngắn ngủi, chuyện đó chị phải đành chịu. Nhưng nói thì dễ mà làm mới khó, chị vẫn tha thiết muốn giữ con bên mình. Chị Mỹ tự thấy bản thân ích kỷ quá, ích kỷ quá…
Người đàn ông và chị lại đến chỗ hàng nước cũ. Lão tiếp tục trò chuyện với chị, kể cho chị về cháu bé. Chị lại được dịp sống tiếp trong cái viễn tượng do người đàn ông vẽ nên, rồi cảm giác như con mình vẫn còn đang sống và làm những việc như lão ta kể, chỉ là chị không nhìn thấy, nhưng cảm giác như lão ta có thể nhìn thấy và kể lại với chị. Chị nuốt trọn tất cả, thu gom tất cả những phần thằng bé còn rớt lại, trên môi lão.
“Cô biết không, cháu nó rất thích một con thú bông hình con vịt, từ lúc tôi mua cho nó là nó không bao giờ rời cái con ấy. Nó cứ mút, ôm ngủ, nhỏ dãi lên, lôi đi khắp nơi đến mức tàn tạ. Con vịt ấy đã cũ mèm rồi, nhưng đó là một món đồ mà nếu thiếu thì thằng bé sẽ không chịu. Nó nói chuyện không suôn nhưng nói khoẻ lắm, hay hát nữa, nó nghe nhạc thiếu nhi trên đĩa rồi ê a hát theo, dù lời bài hát qua miệng nó đều méo mó thành tiếng a tiếng ô, nhưng nó cứ ngân nga mãi.” Những chuyện này lão đã chuẩn bị trước cả, để khi có ai hỏi đến lão sẽ tuôn ra ngay. Lão tưởng tượng mình có một đứa cháu như thế và nuôi nó trong nhà, nó đã làm những chuyện này, rồi đến chuyện kia.
“Còn gì nữa không chú?”
Lão bật cười trong lòng, thầm rủa con nhỏ ngu ngốc, cứ mãi thương yêu và lo lắng cho một cái vô hình, đau lòng cho một tấm ảnh. Và lão còn tự hào nữa, vì mình nói dối quá khéo, chuẩn bị quá khéo, loáng cái là lừa được gà vào chuồng ngay.
“Còn nhiều lắm, như cái lần tôi cho nó ăn thanh long ruột đỏ, thằng bé cứ làm nhoe nhoét ra hết cả. Vợ tôi nhìn mà tưởng đâu thằng bé bị gì mà máu me đầm đìa, đang lăn trong vũng máu, bà ấy hét lên tán loạn, đúng là buồn cười. Cháu nhà cô vẫn khoẻ chứ ạ?”
“Vẫn khoẻ….” Chị gượng cười.
Tất cả những gì lão kể, chị đem vào mình và chồng hình ảnh con trai mình lên, làm cho sống động hết mức có thể. Kìa, con trai chị đang chạy ạch đụi, kéo theo món đồ chơi hình con vịt của nó! Kìa, con trai chị đang ăn thanh long, trây trét đầy ra khắp nơi, những ngón tay tròn trùng trục của nó bấu vào thịt quả rữa nát, trông có khiếp không? Thằng bé nghịch thật, nhưng trẻ con ai chẳng nghịch như thế, trẻ nghịch ngợm đùa giỡn là điều tốt, chỉ tiu nghỉu ngồi một chỗ mới đáng lo.
Và nữa, chị Mỹ cảm thấy mình vẫn còn con trai, vì thế bây giờ chị vẫn đang làm mẹ, với những trách nhiệm và bổn phận, niềm vui và cả sự mệt mỏi đáng quý của việc làm mẹ. Chị không từ chối được sự mời gọi ngọt ngào ấy.
Khi người đàn ông rời đi rồi, dì hàng nước đến nhắc khẽ với chị:
“Cô này, đừng hở ra là cho tiền những người kia… họ… nói chung là toàn giả dối cả đấy. Tên đó cùng đồng bọn lượn lờ trong đây suốt rồi. Cứ được một mớ lại đổi chỗ khác. Tôi chắc chắn mấy tên đó sẽ bị bắt nay mai cho xem. Còn cô đừng phí tiền cho tên ấy mãi!”
Chị giả vờ hoảng hốt, bất ngờ và bẽ bàng vì bị lừa, khi nghe xong những lời dặn dò của dì hàng nước.
*
Trẻ em chết lúc còn quá nhỏ thì không nên lập bàn thờ. Nếu lập bàn thờ, người chết trẻ sẽ không chịu siêu thoát, sẽ chỉ ở lại mãi để hưởng thụ mà thôi. Tục đã vậy, chị Mỹ cũng thấy hài lòng. Không có bàn thờ, không cúng kiếng, chị cảm giác như con chị chưa chết. Chị vẫn làm mẹ nó, nhưng là làm mẹ cái khoảng không, cái tưởng tượng, cái ánh trăng, cái bóng tối, cái bóng ảnh. Có lẽ con trai chị vẫn còn quanh quẩn đâu đây trong mắt mẹ nó, chờ ngày siêu thoát. Chị tập cách ngơ ngẩn nói chuyện với cái tưởng tượng. Nhưng cái tưởng tượng vẫn cần phải có nền tảng, cần sự gợi mở và gợi ý, cần một cái nguồn để khai thác. Gã lừa lọc kia chính là nguồn cảm hứng của chị.
Chị Mỹ lại đến, lại dáo dác tìm lão già. Song lần này, vừa nhìn thấy chị, lão đã rảo bước đi ngay.
Lão sợ quá, từ lúc lão khoe với mấy thằng “đồng nghiệp” về một con mụ ngu cho lão cả đống tiền, tụi nó đã tò mò đi điều tra và biết hết mọi chuyện. Nghe tụi nó báo lại mà tay chân lão như rụng ra khỏi người, thì ra từ trước đến nay con nhỏ đó đã biết và cứ để yên cho lão diễn, bởi vì nó là một mụ điên, điên vì con chết. Lão đã để cho nó xoay mình như chong chóng. Lão biết mình phải chấm dứt với nó càng sớm càng tốt. Nếu không, đến một ngày cái điên của nó lại tăng thêm thì lão không dám nghĩ mình sẽ bị nó biến thành cái gì. Sau lần lừa gạt thành công, lão cầu mong nó sẽ không xuất hiện nữa, sẽ buông tha mình, nhưng nó vẫn không chịu dừng cái trò điên khùng của nó lại. Lão cũng đã hết chuyện để bịa rồi, bao nhiêu ý tưởng lão đã dùng hết. Thế là lão rảo bước thật nhanh, rồi nỗi sợ thúc lão chạy.
Chị Mỹ ngờ ngợ một cái gì sắp vụt mất, cũng nhanh chân chạy theo. Cả hai truy nhau một lúc, lão mới dừng lại, vừa tức tối vừa sợ hãi xua tay, đuổi chị đi:
“Bà đừng tìm tôi nữa. Tôi biết rồi, mấy đứa cùng bọn của tôi đã tìm và biết rồi, bà là mẹ của cái đứa nhỏ này chứ gì?” Đoạn, lão giơ tấm ảnh con chị lên. Lão không thay giấy mới mà vẫn giữ mẩu giấy trong lần đầu gặp chị, nó bắt đầu rách tướp, hằn những lần gấp và lấm lem. “Bà muốn gì? Từ giờ tôi sẽ không dùng ảnh của thằng bé nữa cho là vừa lòng. Nhưng bà đừng hòng đòi lại được tiền, tôi có đàn em ở đây đấy! Bà cút đi, tôi không dựng chuyện với bà nữa, cút đi thì yên ổn về nhà. Con mụ điên này, bắt tôi kể chuyện đứa con đã chết mình cho mình nghe, con mụ điên bệnh hoạn, cút đi!”
Người phụ nữ chới với. Bỗng nhiên, giữa sân bệnh viện người qua lại lác đác, dưới cái nắng nóng bức ngộp thở, chị nhìn thấy con mình đã được giải thoát theo lời nói của tên đấy. Sau này, kẻ lừa đảo sẽ không dám dùng hình con chị nữa, lão sẽ dùng hình của con người khác, còn con chị đã được giải thoát rồi. Nó đã bay lên, bay lên. Nó không còn bị xiềng lại nữa, hình ảnh nó sẽ không bị đem ra kiếm tiền nữa.
Nó đã được giải thoát.
Nhưng chị thấy mình vẫn còn ở đây, đứng trên mặt đất.
Chị ngước lên, gọi con, nỗi ích kỷ trong chị dâng trào và dù không muốn, chị vẫn cố tóm lấy chân thằng bé đang bay. Chị vươn tay, tóm lấy nó, siết lấy đôi chân tròn lẳn sổ sữa, kéo tuột nó xuống. Sao chị ích kỷ thế này? Hai bàn tay chị siết bàn chân bé bỏng của nó đỏ trạch.
Chị sực tỉnh, kẻ bị chị tấn công lả đi. Hai bàn tay chị siết chặt cổ gã đàn ông. Những móng tay nghiến chặt run lẩy bẩy. Tay lão xụi lơ dang ngang, mảnh giấy xin quyên góp bay theo gió. Trên cổ gã hằn dấu mười đầu ngón tay chị. Lão có những nhầm tưởng của lão, ngỡ rằng mình đang chăn gà, nhưng thật ra đang bị gà chăn. Đến lượt mình, chị cũng có những huyễn tưởng của chị. Đến giờ, những huyễn tưởng ấy đã vụt bay đi trong nắng rồi, con trai bé bỏng của chị hiện về trong ánh trăng và rời đi trong nắng.
Và may mắn thay, kể từ khi chị để vụt mất đứa con, chị đã có thể khóc được. Khi làm mẹ, chị có thể cười, có thể khóc. Khi không còn làm mẹ, chị không được phép cười, mà muốn khóc cũng không cách nào khóc được. Nhưng giờ đây, đứng giữa lằn ranh của cuộc chuyển giao giữa làm mẹ và không còn làm mẹ, chị bật khóc nức nở.
Hồ Chí Minh, 12.01.2025
–HẾT–
Bình luận
Chưa có bình luận