Đất ở dưới chân ta
Chiều Thu năm 1998. Bầu trời trong xanh với những tia nắng chan hòa hiếm hoi ở giữa mùa mưa nơi duyên Hải miền Trung này. Đại úy Vũ Quang Chiến hồ hởi khoác ba-lô bước ra khỏi quân doanh. Anh không quên giơ tay chào hai đồng chí đang đứng gác ở cổng một cách vui vẻ rồi thong thả bước đi. Gió lùa theo rì rào trong tán cây ven đường. Nắng níu bước chân người lính trẻ như quyến luyến chẳng muốn rời xa. Cây nghiêng mình cho anh bóng mát. Dáng anh đi dưới chiều lộng gió thật hiên ngang và thẳng tắp. Anh xin nghỉ phép một tuần để về thăm nhà vì hay tin em gái vừa đậu Đại học Sư phạm. Trước đó anh hứa với nhỏ hễ nó đậu đại học anh sẽ về ăn mừng cùng nhỏ.
Anh tên Vũ Quang Chiến, là một đại úy Hải quân trẻ hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy Quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Rồi một tuần phép của anh trôi vèo tựa cơn gió vừa thổi qua vai đã vội chạy biến đi mất. Anh định ngày mai sẽ đưa em gái vào Sài Gòn nhập học nhưng đơn vị báo gọi anh về gấp trong đêm vì có nhiệm vụ mới. Anh bịn rịn chia tay bố mẹ và em gái rồi lại đi gấp trong đêm.
Vừa về đến đơn vị chưa kịp ngồi nóng ghế, anh đã nhận được lệnh đi công tác sau 12 giờ. Sớm tinh mơ hôm sau anh lên thuyền, dong buồm tiến ra đại dương mênh mông theo lệnh công tác “bí mật” với hành lý chỉ đơn giản là vài bộ quần áo để thay đổi và chút quân tư trang kèm theo. Đời lính là thế.
Trên con thuyền kiểm ngư lênh đênh theo từng con sóng nhấp nhô lớn nhỏ, anh cùng các đồng đội thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao xuống một cách nhanh chóng chỉ trong ba ngày vỏn vẹn. Công việc hoàn thành sớm hơn thời gian dự định ban đầu cấp trên giao phó nên sau nhiệm vụ anh và đồng đội được thảnh thơi trên con tàu kiểm ngư to lớn.
Mặt biển cong lên một đường cong mềm mại, xanh mát mắt dưới nắng chiều nhàn nhạt buông từ phía đất liền tản lại. Những tia nắng cuối ngày óng ánh nhảy múa trên từng ngọn sóng nhỏ lăn tăn ánh lên như ánh pha lê trong suốt nhiều màu lấp lánh. Vài con cá nhỏ nghịch ngợm nhảy lên đớp lấy ánh nước ấy trông thật vui mắt. Anh đứng cạnh mạn thuyền khoan khoái dang rộng hai cánh tay mà vịn lấy mạn thuyền, đầu anh ngước nhẹ lên trời để lộ chiếc cổ dài dưới ánh hoàng hôn. Anh hướng mặt về đất liền để tận hưởng làn gió mát đang khẽ mơn trớn, vuốt ve đôi má rám nắng của mình. Hôm nay biển hiền hòa, dễ chịu quá! Con thuyền êm ả lướt nhẹ trên mặt nước như chiếc lá khô được gió đẩy đi trên mặt hồ thu phẳng lặng.
Sau chuyến hải trình ấy, anh cùng đồng chí thông tin Hoàng Văn Thi lên nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Thi là lính năm nhì, cậu được giao nhiệm vụ đi cùng anh lên nhà giàn học tập và công tác theo nguyện vọng của cậu. Dẫn đầu các anh em chào đón hai người lên nhà giàn là Phó chỉ huy đồng chí Dương Văn Hoàn. Anh là người anh cả cả ở đây với thân hình vạm vỡ, gương mặt chữ điền hiền từ cùng làn da cháy nắng như bao anh em đồng chí khác.
- Nghiêm!!! Chào!
Đồng chí Hoàn hô to khẩu lệnh lập tức tất cả các đồng chí khác trở về vị trí nghiêm trang và đưa tay lên chào anh – người chỉ huy mới. Anh đứng nghiêm nghị ở giữa, mặt đối diện với các đồng chí ấy, ánh mắt cương trực nhìn từng người đồng đội rồi hạ giọng;
- Nghỉ!
Sau câu lệnh tất cả mọi người thả lỏng cơ thể đứng chỉnh tề tại chỗ và thoải mái đưa mắt nhìn người chỉ huy trẻ tuổi ấy. Họ đoán chừng anh còn rất trẻ với gương mặt thanh tú nhưng rất nghiêm nghị. Chính trực.
- Chào các đồng chí. Tôi xin tự giới thiệu. Tôi, Đại úy Vũ Quang Chiến, từ nay sẽ tiếp nhận vị trí trưởng trạm nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Mong nhận được sự giúp đỡ của các đồng chí và mong chúng ta sẽ có những ngày công tác, làm việc với nhau thật vui vẻ. Giờ tôi muốn biết tên tuổi và nhiệm vụ của từng người.
Đồng chí Hoàn nhanh nhảu tiến lên gần anh đưa tay ra trước và tự giới thiệu mình:
- Chào Chỉ huy trưởng, tôi xin tự giới thiệu; tôi, chính trị viên Dương Văn Hoàn – Phó chỉ huy nhà giàn Phúc Nguyên 2A năm nay 42 tuổi. Xin thay mặt các đồng chí còn lại trên nhà giàn chào mừng anh và đồng chí trẻ lên công tác tại đây.
Anh vui vẻ bắt tay đồng chí Hoàn và lần lượt từng người một tự giới thiệu tên tuổi và bắt tay với anh. Sau màn chào hỏi theo kiểu quân đội ấy, anh cười thân thiện bảo:
- Trừ lúc làm việc ra thì chúng ta là anh em, đồng đội với nhau. Tôi còn nhỏ tuổi hơn mấy anh ở đây nên chúng ta cứ tự nhiên như người nhà. Tôi không quá khắt khe, quan cách đâu.
- Rõ!!!
Tất cả cùng đồng thanh và thở phào sau khi nghe anh nói thế. Ánh hoàng hôn soi sáng từng nụ cười trên những gương mặt đen sạm ấy.
Lúc này trên nhà giàn có tất thảy chín anh em đồng chí bao gồm anh là Chỉ huy trưởng, ngoài đồng chí Thi vừa lên nhà giàn cùng anh còn có Phó nhà giàn là Dương Văn Hoàn – chính trị viên, pháo thủ Nguyễn Văn Sỹ, nhân viên radar Lê Đức Thái, nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu Phước, nhân viên cơ yếu Hà Xuân Sinh, nhân viên báo vụ Lê Đức Hải và bác sĩ Trương Hồng Đức (mọi người hay gọi anh là bác sĩ Trương).
Cuộc sống của những chàng lính trẻ gói gọn trên chiếc nhà giàn đơn sơ, giản dị ấy nhưng không hề tẻ nhạt chút nào. Mỗi ngày, các anh em ngoài giờ làm việc ra thì những lúc nghỉ ngơi là lúc họ bày ra đủ trò để giải khuây. Khi thì thi nhau câu cá, câu mực. Khi thì anh em lại tụ tập đàn ca với nhau để xoa dịu đi nỗi nhớ nhà của chàng lính trẻ năm nhì như Thi, nỗi nhớ vợ con của những anh lớn hơn và người thương trong lòng của những người đang yêu. Khi lại lắng đọng trong những dòng tâm sự, họ kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn khi về đất liền, chuyện trước nhập ngũ và sau nhập ngũ như thế nào. Có khi lại xúm nhau vào đọc chung một bức thư của một anh trong số ấy rồi tha hồ mà trọc ghẹo nhau cười ha hả. Nhưng sau tất cả là cái vỗ vai động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ trên mặt biển mênh mông này.
Các anh là những người lính thơ mộng chứ không hề khô khan. Mọi yêu thương, nhung nhớ các anh gửi vào những cánh thư, những trang nhật ký, những bài thơ được viết cẩn thận trong cuốn sổ tay dày cộp. Rồi có những chiều các anh cùng nhau ngồi hướng mắt về đất liền mà ngắm hoàng hôn vào một buổi trời trong xanh bởi màu xanh của biển cả chiếu lên ấy pha thêm áng mây ráng mỡ gà ửng đỏ. Mỗi người một nỗi niềm gửi gắm vào cơn gió, nhờ gió gửi vào đất liền, gửi về nhà của mình.
Hôm nay biển lặng sóng yên. Cả nhà giàn rộn ràng tiếng cười nói vì có chiếc tàu đánh cá của ngư dân tấp vào. Các anh em chiến sĩ hồ hởi chào đón những vị khách hiếm hoi người tanh nồng mùi cá biển. Ngư dân cho các anh rất nhiều cá mực tươi vừa mới câu được. Nhìn những con mực trắng muốt đang còn ngoe nguẩy mấy cái râu thật ngộ. Đồng chí Thi thích thú mà sờ sờ nắn nắn nó, thế là cậu ăn trọn ngụm mực của nó phun ra. Mực bắn tung tóe khắp mặt mũi cậu. Cả nhà giàn được dịp cười phá lên trong khi anh chàng giận đen mặt với con mực ấy.
Ngư dân tranh nhau kể cho các anh nghe chuyện hôm qua họ vừa bị tàu kiểm ngư nước bạn dí chạy rẽ sóng. Một anh dáng người nhỏ bé nhất thuyền vừa cười hở hàm răng trắng vừa nói:
- Tui tức cái là rõ đang trên lãnh hải của ta mà hắn chứ yêu cầu ta phải ra khỏi vùng biển của mình. Chúng ỷ tàu to ăn hiếp tụi tui. Mà đâu có được. Tụi tui lì lắm, không đi. Lúc nó phun vòi rồng tụi tui né được hết. Vòi rồng nó to phun xa, mình bơi cặp mé nó. Thế là nó chịu thua. Cái hắn cay cú quay ra dí mình. Mình đâu có sợ. Thuyền mình nhỏ mình cứ chạy vòng tròn. Tui đố hắn dí được đấy. Xong hắn cay cú hăm bắn mới kinh chớ. Chúng chĩa súng đại bác như thật.
- Kinh rứa hè!
Giọng bác sĩ Trương suýt xoa, anh nói tiếp:
- Răng các anh gan rứa?
- Sợ chi! Mình cũng có tàu kiểm ngư mà. Tụi tui đâu có ngu. Từ đầu thấy chúng là tụi tui báo cho tàu kiểm ngư của ta liền. Ghẹo chó cũng phải lựa thế chứ mí chú. Hà hà…
- Ha ha được đấy, các bác giỏi đấy. Nhưng sau đừng liều mình như thế nhé. An toàn của mọi người là trên hết. Cứ nhịn cho qua chuyện, còn chuyện lãnh hải đã có kiểm ngư và chúng tôi lo nhé.
Đồng chí Chỉ huy cười hiền nhắc nhở các ngư dân. Cậu chuyện cứ kéo dài mãi cho đến tận chiều muộn, con tàu của ngư dân mới chịu rời nhà giàn để trở về với cuộc mưu sinh trên mặt biển đang bao phủ bởi một màu đen mênh mông, nhưng chính màu đen êm ả ấy lại mang lại chén cơm manh áo cho họ.
Có bình yên sẽ có giông bão. Có những hôm biển yên sóng lặng thì cũng có những hôm cả đội phải thức nguyên đêm vì bão đổ đến. Bão đến phá tan sự yên ả của những ngày sóng êm nắng đẹp. Mỗi người một công việc cụ thể, họ giữ vững vị trí của mình không rời để đảm bảo thông tin được báo về đất liền một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.
Có những cơn bão đi qua như sự dỗi hờn nhè nhẹ của cô gái nhỏ mới yêu nhưng không làm các anh vì thế mà chủ quan, lơ là nhiệm vụ. Thế nhưng, cũng có những cơn bão như sự tức giận của biển cả to lớn. Cơn bão như muốn nuốt chửng tất cả mọi thứ trên đường nó đi qua bao gồm cả những con người kiên cường nhỏ bé so với đại dương bao la ấy.
Buổi chiều hôm ấy, bỗng dưng trời nhẹ nhàng thả trôi những đám mây trắng mỏng tanh đan xen rời rạc. Càng về chiều ánh nắng nhuộm đỏ, nhuộm vàng những chòm mây trắng khiến bầu trời càng đa sắc trông thật đẹp mắt, có cả một khoảng trời lấp lánh ánh ngọc trai đủ màu như cầu vồng loang loáng gần mặt trời. Nhưng lạ là hôm nay bọn hải âu lại vội vã bay đi rất nhanh mà không chần chừ chao lượn trên mặt biển như mọi khi. Chúng cũng bớt ồn ào cãi nhau huyên náo hẳn ra. Bầy cá con nhảy nhao nhao lên khỏi mặt nước như thể dưới mặt nước sâu hun hút ấy có thứ gì đó khiến chúng sợ đến nỗi muốn rời xa mặt biển để thoát thân. Cả đội thảnh thơi ra phía hông nhà giàn đứng hướng mắt về đất liền để thả hồn vào cơn gió và những con sóng nhỏ ngắm hoàng hôn như mọi khi. Thi (đồng chí trẻ tuổi nhất và cũng là lính mới) reo lên thích thú:
- Kìa kìa! Chỉ huy trưởng nhìn xem. Bọn cá đang làm trò gì ấy nhỉ?
Không ai đáp lại lời anh chàng khiến chàng ta chưng hửng. Nhưng nhìn nét mặt của Chiến và các đồng chí khác tối sầm lại khác thường, Thi khó hiểu gãi đầu đưa mắt nhìn anh Trương như ý hỏi: “Sao thế anh?”. Anh Trương thở ra một hơi dài rồi nói như giải thích:
- Này thường là hiện tượng báo sẽ có một cơn bão rất lớn sắp được hình thành gần đây. Chúng ta phải sẵn sàng với mọi tình huống.
- Dá? Nhưng trời không phải đang rất yên tĩnh và đẹp hay sao ạ?
Thi vẫn tỏ vẻ thắc mắc. Chỉ huy trưởng lúc này mới lên tiếng nói:
- Trước những cơn giông bão thường sẽ có những giây phút tươi đẹp đến nao lòng người như thế này để đánh lừa chúng ta, khiến chúng ta lơ là cảnh giác mà rơi vào bẫy của thiên nhiên. Còn nhiều điều để cậu học lắm nên cứ từ từ, không vội.
Anh đưa tay vỗ vỗ vai Thi vẻ mặt có chút giãn ra hơn.
- Vâng! Thưa Chỉ huy trưởng. Em đã ghi nhớ ạ!
- Ừ! Tốt!
Nói đoạn anh và bác sĩ Trương đều chống tay lên lan can nhà giàn mắt hướng ra biển cả xa xăm mà đăm chiêu suy nghĩ. Thi cũng học theo phong thái của họ nhưng với tâm hồn non nớt ấy cậu đang thiên về hưởng thụ cảnh sắc hơn là lo nghĩ về những cơn bão lớn.
Nói gì thì nói, giữa cảnh đẹp đến nao lòng này len lỏi trong những tính toán, suy tư của anh là nụ cười hiền đầy nếp nhăn của ba mẹ anh ở nhà, là cái dáng lý lắc của Thủy (em gái anh), là nụ cười duyên với cái núng má đồng tiền sâu hun hút của cô giáo Thương (người yêu của anh) và là mâm cơm đoàn tụ cùng gia đình. Anh mong cơn bão có lớn thế nào cũng không quật ngã được anh và đồng đội.
Ngày 12 tháng 12 năm 1998, cơn bão số 8 mang tên bão Faith đi qua khu vực nhà giàn nơi anh Chiến và các đồng đội đang công tác.
Chiều muộn hôm ấy, mưa to, mưa rất to. Trời như có bao nhiêu nước là tập trung đổ hết xuống vào lúc ấy. Mưa không còn là giọt hay dòng nữa mà từng cột từng cột nước khổng lồ từ trên trời cao đổ ào ào xuống khu vực nhà dàn. Mưa không chưa đủ, gió góp sức cuộn những cột sóng cao hàng mét lên cao rồi ầm ầm đổ xuống. Biển cả mênh mông một màu đen ngòm, đặc quánh. Chỉ có tiếng mưa trút, gió lùa ù ù và sóng giận dữ gào thét liên hồi. Biển cả mới ban chiều còn hiền hòa, thơ mộng mà sau vài tiếng đã trở thành con ác quỷ khổng lồ chờ chực cơ hội mà nuốt trọn nhà giàn bé nhỏ.
Nhận thấy tình hình nguy cấp, Chỉ huy trưởng cho họp gấp các anh em lại, trong tiếng gào thét của giông tố, giọng anh lạc đi nhưng nghe rất rõ:
- Tình hình bão lớn hơn tôi tưởng. Để đảm bảo thông tin về đất liền không bị đứt quãng, đồng chí Hoàn giúp đồng chí Phước đảm bảo nguồn điện phải luôn được duy trì. Đồng chí Thi đảm bảo thông tin liên tục và chính xác báo về đất liền. Đồng chí Thái chốt trực radar. Còn bác sĩ Trương, anh chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất nên nhiệm vụ của anh là kiểm tra các phao bè và sẵn sàng đợi lệnh khi cần. Mọi người tự chuẩn bị cho bản thân phòng hờ trường hợp xấu xảy ra còn kịp trở tay. Những người còn lại đi kiểm tra, ràng buộc các thiết bị vật dụng trong nhà sàn để đảm bảo tài sản cũng như trang thiết bị rồi tất cả nhanh chóng vào vị trí của mình. Không có lệnh của tôi tất cả không được rời vị trí. Nghe rõ chưa?
- Rõ!!!
- Giải tán!
- Rõ!!!
Mỗi người một việc, họ nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ của mình đã được phân công rõ ràng. Quả thực người công tác lâu nhất trên trạm như Phó trạm Hoàn cũng có chút lo lắng vì suốt bao năm anh ở trên trạm chưa từng đối đầu với cơn bão nào lớn như thế này. Có chút bất an trong lòng nhưng rồi nhiệm vụ, công việc nhanh chóng lấp đi những bất an nhỏ nhoi ấy.
Chỉ huy trường gọi với bác sĩ Trương lại dặn thêm:
- Anh xem chuẩn chút lương khô và gừng đặt sẵn lên phao bè nhé!
- Vâng! Tôi rõ rồi!
Mọi người đang rất khẩn trương trước những làn nước mưa tạt rát da người. Những con người nhỏ bé dưới ánh sáng mờ mờ le lói của những chiếc bóng điện đã bị nước phủ kín không nhìn rõ mặt người dù ở rất gần nhau. Những chiếc đèn bão nhỏ nhoi như ngôi sao lẻ loi giữa trời trăng cứ chạy qua chạy lại trên khu vực nhà giàn trong màn mưa giăng kín không gian.
Tiếng máy radar dò sóng liên tục reo lên những âm thanh nhiễu sóng nghe chói tai. Đồng chí Thái thuần thục với những thao tác, các ngón tay của anh nhanh nhẹn lướt trên những nút dò của máy raddar để dò ra những tần số các tàu của ngư dân gặp nạn cần cứu trợ và truyền thông tin qua cho những tàu kiểm ngư đang trực ở gần nhất. Cũng như đảm bảo kết nối bộ đàm cho đồng chí Thi báo cáo về đất liền. Chỉ huy trưởng hai tay chống nạnh, gương mặt kiên định phảng phất đôi chút lo lắng với bao suy tính, mắt anh đăm đăm nhìn ra ngoài trời đang tối đen như mực.
Tiếng đồng chí Thi liên tục nói vào bộ đàm để báo tình hình của trạm về đất liền. Cậu đang cố nói thật to, thật rõ để át đi tiếng sóng, tiếng gió và tiếng mưa đang gào thét giành phần nói với cậu.
Các anh em bên trong cũng đã ràng buộc chắc chắn mọi thứ. Không ai nói với ai câu gì nhưng trên những gương mặt rắn rỏi ấy, ánh mắt quan tâm, san sẻ họ dành cho nhau thật ấm.
Một giờ, rồi hai giờ, ba giờ trôi qua. Cơn mưa không có dấu hiệu giảm dần mà ngược lại có phần mạnh mẽ hơn. Thiên nhiên đang thử lòng kiên định, sự dũng cảm của các anh. Các anh là những người con thân yêu của đất Việt, của sự kiên cường và bất khuất trước bao họng súng quân thù thì với cơn giông bão này há là gì mà khiến các anh nao núng được.
Cứ hết lớp sóng này lại nối liền ngay sau lớp khác. Nhà giàn rung lắc dữ dội trước lượng nước khổng lồ từ trên trời đang đổ xuống ầm ầm cộng với sức mạnh to lớn của những con sóng dữ, những cơn gió xô đẩy liên tục.
Nhà dàn gần như bị nhấn chìm bởi lượng nước mưa và nước biển quá lớn. Đến đêm khuya nhà giàn bắt đầu nghiêng hẳn về một phía, nhiều đồ đạc như tủ, tivi, bàn ghế …ngả đổ ngổn ngang mặc dù trước đó các anh đã tiến hành ràng buộc cẩn thận. Sức gánh chịu của nhà giàn quá nhỏ bé trước đợt bão này. Chỉ huy trưởng lệnh cho Thi báo cáo tình hình về đất liền. Anh họp anh em lại lần nữa cương quyết bảo:
- Chúng ta quyết tâm bám giữ trạm đến cùng nhưng có lẽ nhà giàn khó trụ nổi qua đêm nay. Trường hợp nguy cấp có lệnh của tôi mới được rời vị trí. Tất cả nghe rõ không?
- Rõ!
Tất cả cùng đồng thanh với một quyết tâm cao hiện rõ trong ánh mắt, trên tất cả gương mặt sắt đá. Trong lòng những người chiến sĩ ấy trào dâng một lòng dũng cảm và ý chí ngút trời. Chỉ huy trưởng cũng phòng trường hợp xấu nhất, anh cầm đèn bão đích thân ra kiểm tra phao bè một lần nữa rồi quay vào trong. Anh đến từng vị trí kiểm tra, động viên từng đồng chí một.
Đến nửa đêm, sóng giật đứt dây nguồn điện của máy liên lạc. Đồng chí Thái và Phước cố gắng nối lại đường dây để đảm bảo thông tin tình hình về đất liền không bị đứt quãng. Và như cảm nhận được nhà giàn sắp không chống đỡ nổi trước con bão quá lớn khi thấy nhà giàn đã vị nghiêng mạnh về một hướng, Chỉ huy trưởng chộp lấy bộ đàm của Thi báo về đất liền:
- Alo, alo! Tôi là Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2A, đại Úy Vũ Quang Chiến xin báo cáo tình hình. Alo, alo.
- Tôi, Vân nghe đây. Mời Chỉ huy báo cáo.
- Chị Vân ơi! Có lẽ nhà giàn không trụ được qua đêm nay. – giọng anh vẫn dõng dạc và không hề có chút hoảng loạn nào.
Ở đầu dây phía đất liền, chị Vân (người trực tiếp nhận thông tin từ các anh) giọng run run liên tục động viên:
- Chị đã chuyển báo cáo lên Chỉ hủy. Tình hình nguy hiểm anh em phải đảm bảo an toàn cho mình. Anh em ráng gắng gượng, Chỉ huy sẽ điều tàu cứu các em ngay. Cố bám trụ nhé!
Nghe được lời động viên từ đất liền, các anh như được tiếp thêm sức mạnh mà quyết bán trụ đến cùng với nhà giàn. Ý chí ngoan cường hiện rõ trên từng gương mặt đanh thép, không hề có chút lo sợ nào xuất hiện.
Rạng sáng, sóng gió mỗi lúc một lớn hơn khiến dây ăng ten của máy liên lạc bị đứt, Thi lại phải bỏ bộ đàm leo lên nóc nhà trong mưa to và gió lớn. Cậu hứng chịu từng cơn mưa tạt vào mặt rát rạt như bị ai tát nhưng bằng mọi giá cậu vẫn nối cho được để giữ vững đường truyền thông tin về đất liền. Anh và các đồng đội đứng bên dưới liên tục dặn dò đứa em út trong đội phải chú ý an toàn. Cậu gan dạ và dũng cảm xông pha trước thử thách gian nan, cậu không hề nao núng dù đây là lần đầu cậu làm nhiệm vụ trên biển.
Ngay khi đường dây vừa được nối lại. Mọi người nhìn nhau cười thì tiếng răng rắc, kèn kẹt của các thanh trụ nhà giàn kêu lên nghe thật chói tai. Chỉ huy trưởng đã nhận thấy tình hình rất nguy cấp, nhà giàn đã không chống chịu nổi thêm được nữa nên anh lập tức ra lệnh cho tất cả anh em sẵn sàng rời nhà giàn. Trước khi rời nhà giàn, anh đưa cho các anh em một sợi dây thừng rồi bảo:
- Các anh em phải cột dây lại với nhau để khi xuống biển còn tìm thấy nhau tránh bị sóng đánh trôi quá xa phao bè. Nhất định phải bám trụ phao bè đến cùng. Rõ chưa?
- Rõ!!!
Tất cả nhìn anh rồi vội cột dây vào tay nhau. Bỗng đồng chí Hoan kêu lên:
- Đồng chí Thi đâu?
Mọi người nháo nhác đưa mắt tìm đồng đội. Chỉ huy trưởng bước vội vào trong. Đồng chí Thi vẫn quyết ôm bộ đàm cho đến giây cuối cùng. Khi nghe đồng đội bên ngoài gọi to:
- Nhà giàn sắp sập rồi, mau lên Thi ơi!
Thi lạc giọng nói vội vào bộ đàm theo cơn ngắt quãng vì tiếng mưa tiếng sóng lấn át:
- Chị Vân ơi! Nhà giàn sắp đổ rồi. Em nhờ chị báo tin cho bố mẹ em, bố em tên Hoàng Văn Núi….
“Phụt”. Cơn sóng cao ập vào nhà giàn khiến máy phát điện nổ, đèn tắt, màn đêm cùng mưa và sóng biển bao trùm cả nhà giàn. Thi vội bỏ bộ đàm xuống và lao ra phía ngoài. Cậu cảm nhận cánh tay mình có một lực rất mạnh đang kéo anh ra khỏi nhà giàn. Người đó không ai khác là Chỉ huy trưởng. Tiếng Chỉ huy trưởng hô lớn:
- Tất cả đồng chí chuẩn bị rời trạm, nhớ rõ khi xuống biển phải bám chặt vào phao bè. Tất cả! Nhảy!
Anh ra lệnh cho tất cả anh em nhảy xuống trước còn mình rời nhà giàn sau cùng. Anh chỉ kịp cuốn thật chặt lá cờ đỏ sao vàng vào thân mình trước khi nhảy xuống biển. Liền sau lưng anh, nhà giàn đổ ập xuống và trúng ngay phao bè của các anh đang bám vào khiến chiếc phao vỡ tan, mọi người bị nhấn chìm. Ngụp lặn giữa lòng biển cả sâu hun hút mãi hơn ba mươi phút sau mới có sáu anh là: Trương, Hoàn, Sinh, Thi, Sĩ và Hải cùng bám được vào phao bè khác đang nổi trôi gần đấy. Còn lại ba đồng chí bị sóng đánh đi đâu mất. Các anh khản cổ gọi tên ba đồng đội còn lại, cố bơi tìm các anh ấy trong vô vọng giữa biển cả mênh mông đang nổi trận cuồng phong. Sáu người nương tựa vào nhau giữa những cơn sóng phủ đầu lạnh buốt như muốn nhấn chìm các anh. Họ chia nhau những miếng lương khô mặn đắng và những củ gừng cay để chống trọi với cái đói và cái lạnh đang cố xâm chiếm vào từng tế bào của mình. Không ai biết đồng chí Chiến, Phước và Thái đang bị trôi dạt ở đâu.
Có lúc sáu anh em tường chừng không cầm cự nổi để chờ tàu cứu hộ. Nhưng bác sĩ Trương nói:
- Đất ở dưới chân ta chứ đâu. Anh em cố gắng gượng đến cùng, quyết không nản chí.
Anh vừa động viên anh em cũng là để động viên mình kiên cường. Nhưng mưa gió đói lạnh gần như vắt kiệt sức của những con người nhỏ bé ấy. Biển muốn nuốt trọn họ.
Lênh đênh trong bão dông suốt một ngày một đêm trên mặt biển cuồn cuộn những cơn sóng cao, các anh không biết mình đã bị trôi dạt đi đến đâu. Chỉ biết còn thở là các anh còn cố gắng bám phao bè nuôi nấng tia hy vọng sẽ được cứu vớt. Mãi đêm ngày 13 tháng 12 các anh được tàu Hải quân cứu vớt lên thuyền. Khi lên thuyền, tất cả im lặng nhìn nhau không nói lên lời vì ba đồng đội của họ vẫn mãi chưa có tin tức gì.
***
Đại úy Vũ Quang Chiến còn lời hứa với cô giáo Thương về một đám cưới không xa, anh mới tròn ba mươi tuổi. Đồng chí Phước còn chưa được nhìn mặt cậu con trai vừa mới sinh hai mươi ngày, anh mới hai lăm tuổi tròn. Còn đồng chí Thái chưa lấy một mảnh tình vắt vai khi mới tròn hai mươi cái xuân xanh. Các anh anh dũng, kiên cường nhưng bị biển nhẫn tâm giữ lại mãi. Các anh hy sinh để hồn mình hóa hình dáng quê hương, biển đảo này. Các anh vẫn sống mãi trong tim người ở lại.
Câu chuyện này dựa trên câu chuyện về sự hy sinh của Đại úy Vũ Quang Chương cùng hai đồng đội của mình là đồng chí radar Lê Đức Hồng và đồng chí nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An trong trận bão số 8 (bão Faith) tại sự kiện sập nhà giàn Dk1/6, Phúc Nguyên 2A (12/12/1998) khi các anh cương quyết bám trạm làm nhiệm vụ trong cơn bão lớn. Là con dân nước Việt, tôi xin thay mặt hơn một trăm triệu con tim đang đập mỗi giây được nghiêng mình cúi mặt tưởng niệm và nhớ đến các anh – những con người gan trường - đã dùng chính mạng sống, tuổi trẻ và hạnh phúc của các anh để đổi lấy cuộc sống bình yên cho chúng ta hôm nay.
An Hạ.
Bình luận
Mọt Lưu Manh