Đó là một cuộc khảo sát trên mạng…
“Nếu được giảm giờ làm thì bạn sẽ làm gì?”
Đáp án của Huy là “Ngủ”.
Huy không thể nhớ được lần gần nhất mình ngủ thẳng cẳng mà không cần báo thức là khi nào. Một năm trước? Hai năm? À không, đã năm năm rồi…hoặc nhiều hơn. Huy thèm ngủ khủng khiếp, có những ngày y chỉ ngủ được vẻn vẹn ba tiếng chập chờn, để rồi thức dậy trong cảm giác quay cuồng như một người bị tiền đình nặng.
Lúc nào Huy cũng tự nhủ: “Chỉ cần xong dự án này thì mình sẽ đi ngủ, nghỉ hẳn một ngày để ngủ cho đã, nhất định…” Nhưng rồi những dự án cứ nối đuôi nhau mà tới, như thủy triều nhấn chìm giấc ngủ của Huy vào quên lãng.
Thế nên Huy sẽ chọn đi ngủ nếu y có nhiều thời gian hơn.
Sự tò mò khiến Huy bấm vào xem kết quả của cuộc bình chọn. Câu trả lời được đồng tình nhiều nhất là “Dành thời gian cho bản thân và gia đình”. Cũng phải, không có gì lạ.
Câu trả lời xếp thứ hai là “Ngủ”. Có tận hơn tám mươi lăm ngàn người lựa chọn giống Huy.
Mỉa mai thay, mục đích chính của cuộc bình chọn lại là để khảo sát vấn đề hẹn hò. Thế chẳng phải đối với những người tầm tuổi Huy thì một giấc ngủ còn quan trọng hơn cả người yêu hay sao?
Huy không biết, mà cũng không muốn nghĩ.
Gió thổi lướt qua khiến tóc Huy rồi bù. Sân thượng của một quán bar trong thành phố. Nếu nhìn xuống có thể thấy Sài Gòn về đêm.
Sài Gòn hoa lệ
Hoa cho người giảu
Lệ cho người nghèo…
Đấy là người ta hay nói thế. Nhưng đối với Huy, y chẳng thích cách trình bày sướt mướt ấy chút nào. Về căn bản, dù là Sài Gòn, Hà Nội, hay bất kỳ nơi nào trên thế giới, thì chúng luôn có đủ cả “lệ” và “hoa” để phát cho tất cả mọi người. Chẳng có ai cuộc đời chỉ toàn “hoa” hoặc toàn “lệ”.
Sân thượng lộng gió
Tiếng máy bay ù ù bay qua trên đầu
Tiếng nhạc từ chiếc loa phía sau quầy bar.
Huy nhìn xuống phía dưới, ánh đèn lập lòe từ những toà nhà khiến y nghĩ xa xăm. Mỗi ô cửa sáng lên phía dưới là một mảnh đời, một gia đình, hay một câu chuyện, không ai giống ai. Huy nghĩ đến cảnh gieo mình từ đây xuống, để làn gió ôm trọn lấy thân thể, liệu có dễ chịu không nhỉ, hay tất cả chỉ là sự hụt hẫng của một người rơi từ trên cao…
Huy không biết, vì y sẽ không thử. Cuộc sống của Huy là một guồng quay mệt mỏi với vòng xoáy công việc khủng khiếp, những khoản tiền, hóa đơn, trách nhiệm với gia đình, nợ nần, sinh hoạt. Nhưng như một nắm cỏ dại bên vệ đường, Huy lớn lên, phá vỡ những khe nứt bê tông để nhìn ánh mặt trời. Huy không biết mình đã “nhìn thấy được ánh mặt trời” hay chưa, nhưng y vẫn sống, vẫn lết qua từng ngày và ổn với điều đó.
Huy không biết định nghĩa về “thành công” là gì, có lẽ, với mỗi người, thành công lại mang một định nghĩa khác nhau. Đối với Huy, thành công chỉ là có đủ kinh tế để chăm sóc cho cha mẹ, có đủ tiền để trả những khoản nợ của gia đình, để phụ mẹ đóng tiền học cho đứa em trai vừa vào năm nhất, đủ tiền để mua một căn nhà, dù chỉ là một căn nhà nhỏ chen chúc thôi cũng được, ít nhất nó cũng là nơi thuộc về riêng gia đình Huy.
Bài nhạc đã dần đến hồi kết khiến tâm trí Huy quay lại thực tại. Chợt có bóng người ngồi xuống phía trước. Chất giọng mềm mại, dịu dàng cất lên khiến tâm tư người nghe là Huy cảm thấy dễ chịu.
“Bao lâu rồi anh không ngủ?”
Hiền hỏi, em ngồi đối diện Huy, với chiếc áo sơ mi trắng cùng mái tóc búi cao. Hiền như hòa làm một với khung cảnh trầm buồn của quán bar trên sân thượng này.
“Sao em hỏi thế?”
“Mắt của anh thâm tím lại một mảng luôn kìa.”
Hiền nheo mắt cười, lại còn lấy tay chỉ lên phần mắt của mình minh họa cho Huy, khiến y cũng bất giác phì cười theo.
“Hôm qua anh chỉ ngủ được bốn tiếng.”
“Thế sao bây giờ không ở nhà ngủ đi còn tới đây làm gì?”
“Nhớ em nên tới.” Huy chọc.
Câu đùa bâng quơ khiến Hiền nhăn mặt, làm vẻ sởn da gà. Rồi cả hai phá lên cười.
“Anh có hẹn nhưng người ta cho anh leo cây…”
“Bạn gái à?”
“Không, bạn trai.”
“Bạn là con trai hay người yêu là con trai?”
“Em đoán xem.”
Câu chuyện giữa Huy và Hiền lúc nào cũng vậy, lúc nào cũng vô thưởng vô phạt, vô tư vô nghĩa, không đầu không cuối. Nhưng có một điểm Huy rất thích khi trò chuyện với Hiền là em luôn có những phản ứng thực sự hài hước, hai người hợp nhau trong việc “quăng miếng” đến lạ. Đến mức có lần Hiền bảo nếu y là Vân Sơn thì em chính là Bảo Liêm. Câu giỡn đó khiến Huy cười một lúc lâu, uống cạn ly whiskey rồi mới chống cằm bảo: “Thế em có biết cuối cùng Vân Sơn không còn diễn với Bảo Liêm nữa không?” Hiền đáp: “Thế thì có gì quan trọng đâu, những tác phẩm của cả hai vẫn tồn tại ngay cả khi họ không còn là bạn diễn của nhau nữa.”
“Nhưng anh và em thì không phải diễn viên hài nổi tiếng. Khi chúng ta mất đi, sẽ chẳng có tác phẩm nào được lưu lại cả.”
“Em có nói chuyện với anh để được lưu lại thành tiểu phẩm đâu.”
Huy sững người. Y không nhớ câu chuyện sau đó diễn ra tiếp thế nào. Giống như mọi cuộc trò chuyện khác với Hiền, Huy thường sẽ quên đi phần lớn sau khi trở về từ quán bar sân thượng ấy. Nhưng Huy nhớ, Hiền đã từng nói:
“Em nói chuyện với anh chỉ đơn giản là vì em thấy anh nói chuyện hợp.”
Chỉ vậy thôi.
Ừ, Hiền đơn giản đến kì lạ. Sự đơn giản toát lên trong em từ vẻ bề ngoài, cách hành xử hay cả trong giọng nói. Nếu phải so sánh, Huy sẽ ví Hiền giống với cơn gió, như chính cái tên của em, một cơn gió hiền lành, nhẹ nhàng, đủ khiến người ta dễ chịu chứ không lạnh lẽo. Em hiền nhưng không nhu nhược. Hiền là người mạnh mẽ nhất Huy từng biết, kể cả bản thân y cũng không dám chắc mình có được kiên cường bằng cô gái nhỏ này hay không. Huy đã luôn thắc mắc điều gì tạo nên một người con gái như Hiền. Em nói em không biết, em chỉ đang cố gắng làm mọi thứ em cần-làm, để tiếp tục sống, để tiếp tục chăm sóc cho những người em yêu thương. Giống như Huy vậy.
Hiền kể em đến từ một vùng quê nhỏ, nơi người ta vẫn còn cày ruộng và trồng lúa thủ công trên cánh đồng. Ba mẹ em không phải những người giàu đến mức có ruộng đất riêng để “tự làm tự ăn”. Tuổi thơ em lớn lên cùng con trâu, cái cuốc chạy bằng sức người, chứ làm gì có máy cày đâu. Em nói làm nông nếu như không có đất thì cũng chỉ là một dạng “công nhân” thu nhập thấp. Anh cày thuê trên đất của người ta, và chủ đất sẽ trả công cho anh, nhiều ít gì thì tính sau.
Dưới Hiền có thêm tận năm đứa em nheo nhóc, đứa lớn nhất năm nay mười lăm tuổi, đứa bé nhất vẫn còn chưa đủ tuổi tiểu học. Làm nông mãi chẳng đủ ăn nên ba em rời nhà lên thị xã làm công nhân nhà máy, bỏ lại mẹ cùng sáu đứa con nheo nhóc tự chăm sóc nhau. Số tiền công ba gửi về cuối tháng chỉ đủ để mấy mẹ con ăn uống tằn tiện, chứ nếu có việc gì phát sinh như đau ốm, tai nạn, hay xui rủi, thì mẹ vẫn phải sự kiếm cách xoay sở mà lo lấy.
Mấy chị em Hiền được đi học là nhờ học bổng của xã, thế nên Hiền mới may mắn học được hết lớp Mười hai, thi đại học rồi lên thành phố bươn chải. Ban đầu ba mẹ chẳng muốn cho em đi học đại học. Ở cái vùng quê nghèo hẻo lánh ấy, đại học là thứ gì đó xa xỉ lắm, chỉ có nhà khá giả mới dám mơ tới thôi, còn những đứa trẻ cơm chẳng đủ ăn như Hiền thì đã sớm bỏ học đi làm công nhân hoặc về trồng lúa hết cả. Nhưng Hiền muốn đi học. Em lên Sài Gòn, vừa học vừa làm. Ngoài đi học ra Hiền làm thêm tận hai, ba công việc khác. Việc gì em cũng làm, “Miễn nó không phạm pháp”, Hiền cười. Em quay đi quay lại như một con thoi khiến thân hình “không lớn lên nổi”.
Huy không biết mỗi tháng Hiền chi tiêu thế nào, nhưng một lần em kể với y cái trọ tồi tàn của em thuê chỉ tám trăm ngàn một tháng, ấy là tính theo đầu người. Thuê nguyên phòng là hai triệu, rồi em ở ghép với hai người nữa, cộng thêm chi phí điện nước chia đều nhau. Nghe xong Huy cũng có thể tưởng tượng được đấy không phải một nơi sạch sẽ tươm tất gì cho cam.
Bởi vì nhà Huy cũng là một căn trọ. Căn nhà nhỏ nằm trong một con ngõ sâu hút bên rìa thành phố. Mỗi sáng Huy phải đi mười lăm cây số để đi làm, và mười lăm cây nữa để về nhà. Cha mẹ y thuê nguyên căn trọ ấy, bên ngoài mở một tiệm tạp hóa, bên trong dùng để ở, bốn người cùng sinh hoạt chung trong một không gian. Huy nghĩ căn trọ của gia đình y cũng không khá hơn cái phòng của Hiền là bao, nhưng ít nhất Huy không cần ở ghép với người lạ. Và cửa hiệu tạp hóa của mẹ y cũng hay có người ra vào lai rai. Điều ấy khiến nó trở nên có phần “mở” hơn so với “căn phòng bít bùng chả ai nói với nhau câu nào” mà Hiền kể.
Có lẽ vì phiêu bạt như thế mà cả hai cùng có một mục tiêu giống nhau ấy là mua nhà. Huy luôn muốn mua một ngôi nhà. Đối với y, “nhà” như một nơi thiêng liêng, một nơi để y an tâm trở về sau ngày dài đằng đẵng, một nơi chỉ thuộc về y, về gia đình y, giữa nơi Sài Gòn hoa lệ nhưng hỗn loạn. Đối với Hiền, mua được một căn nhà, dù là ở quê đi nữa, cũng như một ngọn lửa thắp sáng cái hộp tôn tồi tàn của em trong đêm.
Cuộc sống của Huy và Hiền là những gì người ta định nghĩa về hai chữ “tạm bợ”, một căn trọ thuê, một gia đình nheo nhóc, những khoản nợ, và ước mơ về một nơi trú chân an toàn, ổn định.
Có lẽ vì thế mà cả hai cảm thấy “gần” nhau.
Đã có lần, một người bạn chọc Huy rằng y thấy Hiền thế nào?
Huy không đáp.
Người bạn lại càng có đà chọc: “Thích thì nhích đi chứ!”
Thế nhưng Hiền lại bảo: “Chúng ta chả nên chuyện được đâu.”
Và Huy đồng ý với điều đó.
Nếu có điều gì cả hai nhận ra từ sớm ấy là cảm giác “đồng điệu” cùng nhau. Huy và Hiền giống nhau đến đáng sợ, dù cả hai chẳng có điểm chung nào trong xuất thân, gia đình, hay học vấn, công việc. Nhưng Huy biết, ánh mắt mỏi mệt mà lý trí trên gương mặt Hiền cũng chính là ánh mắt y khi nhìn vào gương.
Cả hai quá lý trí.
Huy biết, ước mơ của Hiền là “cưới chồng giàu”, em hay đùa thế. Nhưng thực ra Huy thấy việc ấy chả có gì sai. Hiền xứng đáng với một người đàn ông “tốt” thôi thì chưa đủ, hai mươi năm đầu tiên trong cuộc đời em đã trải qua một cách khó khăn và thiếu thốn, nếu gắn chặt với một gã cũng thiếu thốn và khó khăn như Huy thì cả hai chỉ tổ dắt tay nhau đi vào bế tắc.
Trên mạng có rất nhiều tấm gương vươn lên từ nghịch cảnh để thoát nghèo, để trở thành ông này bà nọ. Nhưng cả Huy và Hiền đều biết, mình chỉ là những người bình thường, những “nhân vật quần chúng” của thế giới này, năng lực của cả hai chẳng thể xuất sắc đến nỗi vượt vũ môn mà hóa rồng được. Nếu có cố gắng làm lụng cũng chỉ đủ cầm cự với nhau ở một mức độ nào đó.
Đôi khi hiện thực tàn nhẫn đến thế, không phải lúc nào những người có tình cũng sẽ được về với nhau. Có những lúc cơm áo gạo tiền đủ sức đè bẹp tất cả: ước mơ, tình yêu, khát vọng,...có những người chấp nhận và không chấp nhận điều ấy, có những người đã cố gắng phản kháng và thành công, nhưng cũng có người thất bại ê chề.
Huy và Hiền chỉ đang cố làm cuộc đời mình ít gánh nặng nhất có thể, bằng cách hi sinh tình cảm của bản thân.
Hiền cần một người đàn ông có thể cho em sự ổn định, ít nhất là về mặt tài chính, nhưng Huy là tất cả những gì tạm bợ.
Hiền nói em sẽ cố gắng học, học thật giỏi để có thể kiếm một công việc tốt, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Ít nhất nếu em có học vấn, có ngoại hình sáng sủa và một công việc không quá tệ thì em có thể chọn lấy một người chồng khá khẩm hơn mấy cậu sinh viên đang tán em bây giờ.
“Và khá hơn anh nữa, đúng không?” Huy cười.
Huy không nghĩ mình cần một người vợ đồng cam cộng khổ. Mẹ đã nhiều lần nhắc y đi tìm bạn gái, nhưng y chỉ cười rồi bóp vai cho mẹ trong khi nói lảng sang chuyện khác. Không phải y không muốn yêu, những năm mười tám, hai mươi, Huy cũng đã từng khao khát có một tình yêu. Nhưng dòng đời cuốn phăng y đến với vùng đất “trách nhiệm”. Huy nhận ra trước khi muốn tạo một gia đình mới thì y cần lo được cho gia đình vốn có của mình đã. Ấy là người cha đã nhiều năm mất sức lao động, là người mẹ cố gồng gánh cả nhà chỉ với cửa hàng tạp hóa cùng cái máy may cũ, là đứa em đến cả điện thoại di động cũng không có.
Có người từng nói với Huy: Không có tiền thì đừng kết hôn sinh con, ấy cũng là một việc làm tốt. Huy nghĩ câu này đúng. Huy không nỡ làm khổ một cô gái nào đó khi không chắc mình có thể lo cho cô ấy một cuộc sống ổn định. Y lại càng không dám nghĩ đến chuyện sinh con, y không nỡ để một đứa trẻ nào đó phải thừa kế cái nghèo của y. Viễn cảnh người thân, vợ chồng, con cái cắn đắn nhau vì tiền khiến Huy sợ hãi. Thế nên y xếp ước mơ về một gia đình mới vào góc tâm trí mình, rồi lãng quên.
Huy nghĩ mình có thể ở một mình cả đời. Huy đã quá bận, quá mệt mỏi cho bất kỳ mối quan hệ nào ngoài những mối quan hệ ít ỏi sẵn có.
Thế nên mầm tình giữa Huy và Hiền đã bị cả hai bóp chết từ khi còn ở trong trứng nước.
Hai người trái ngược hoàn toàn với những gì đối phương cần ở người kia. Như hai làn đường ngược xuôi, ở cạnh nhau nhưng không có điểm chung, cũng chẳng thể giao nhau. Có đôi lúc Huy nghĩ liệu y và Hiền có thể như thế này mãi không? Mãi mãi là bạn, mãi mãi bên nhau như những người bạn. Nhưng y biết ấy là chuyện chẳng thể nào xảy ra. Y có thể đến quán bar trên sân thượng này trong mười năm, hai mươi năm nữa, nếu như nó còn mở cửa, nếu như y còn đủ sức trèo lên cái sân thượng không có thang máy này. Nhưng Hiền thì không. Em mới hai mươi tuổi, em sẽ lớn, sẽ tốt nghiệp đại học, em sẽ nghỉ công việc làm thêm ở quán bar sân thượng, tìm cho mình một công việc toàn thời gian phù hợp hơn, gặp một người đàn ông phù hợp với những tiêu chuẩn đề ra và kết hôn với người ấy, khi đó Hiền sẽ không còn là cô gái có thể đứng chờ Huy sau quầy bar trên sân thượng nữa. Có lẽ thi thoảng cả hai vẫn sẽ gặp được nhau, nhưng bên cạnh Hiền sẽ là một người đàn ông khác, những đứa trẻ trông giống em và anh ta. Khi đó, Huy nghĩ tất cả những câu chuyện thú vị giữa cả hai chỉ còn là câu:
“Dạo này em thế nào?”
Bình luận
Chưa có bình luận