“Chào em!”
Một giọng nam hơi khàn vang lên kéo tôi ra khỏi cơn mơ màng. Tôi nghiêng đầu nhìn về phía phát ra tiếng nói, đó là một thanh niên gầy gò với cái đầu trọc lốc nằm trên giường bệnh trải ga trắng xóa, cánh tay anh ta cắm kim truyền dịch giống như tôi.
“Chào…” Cổ họng tôi khản đặc, tôi vừa trải qua một đợt xạ trị nên cơ thể yếu đến mức nói thôi cũng thấy khó khăn.
Tôi liếc nhìn người thanh niên kia thêm lần nữa. Chiếc giường anh ta nằm là của một bệnh nhân khác đã ở đây cùng tôi một tuần, đêm hôm qua bệnh nhân đó được đưa tới nhà xác trong khi tôi đang ngủ.
Kể ra cũng khá kỳ lạ, từ khi tôi nằm điều trị trong phòng bệnh này, chiếc giường bên cạnh liên tục thay bệnh nhân. Cứ một người rời đi, người khác lại được đưa vào. Có người đi thẳng ra nhà xác, có người đến phòng cấp cứu, sau đó họ đi đâu nữa thì tôi không rõ.
“Anh thấy em rất trẻ, chắc ít tuổi hơn anh khá nhiều ấy nhỉ.” Giọng anh ta tuy hơi yếu nhưng khá dễ nghe.
Cái sự lắm lời của người thanh niên này khiến tôi khó chịu. Tôi không trả lời, chỉ im lặng quay lưng về phía anh ta.
Tôi đã thể hiện thái độ rất rõ ràng, vậy mà anh ta cứ như không nhận ra, tiếp tục huyên thuyên.
“Em đừng nằm quá nhiều, không tốt đâu.”
Tôi không ghét anh ta, mà tôi ghét sự phiền phức của những người xung quanh.
Trước đây tôi không như vậy. Tôi thường được đánh giá là một cô gái vui tính và dễ mến. Nhưng từ khi tôi biết có một án tử treo trên đầu mình, tôi không thể vui vẻ được nữa.
“Này em.” Anh ta không chịu để tôi yên, tôi bắt đầu thấy ghét cái giọng nam trầm và hơi khàn của anh ta. “Em biết không, em rất xinh.”
Tôi vẫn nằm yên không quay lại, cũng không thèm trả lời anh ta. Lời nịnh nọt này tôi đã nghe đến nhàm tai, chỉ là tôi được nghe khi chưa bị bệnh tật tàn phá mà thôi.
“Anh nói thật đấy, em rất xinh. Anh đã từng nằm ở viện ung bướu, rồi viện K trung ương, nhưng rất ít khi thấy một cô gái xinh đẹp như em.”
Anh ta thản nhiên nói với cái lưng của tôi như một kẻ dị hợm đang độc thoại.
Tôi im lặng vờ ngủ để anh ta dừng lại câu chuyện vớ vẩn của mình. Lời nịnh nọt của anh ta không khác gì muốn giễu cợt tôi, nhưng nó lại khiến tôi phì cười. Tôi mở hé mắt nhìn bóng mình phản chiếu trên kính cửa sổ, tuy rất mờ, nhưng cũng đủ để tôi thấy sợ chính hình hài của mình.
Tôi còn nhớ một năm trước, khi tóc tôi bắt đầu rụng từng mảng vì những đợt hóa trị, mẹ tôi đã cất tất cả gương trong nhà khỏi tầm mắt tôi. Tôi biết mọi người không muốn tôi tủi thân nếu thấy tình trạng của mình, ngay đến bản thân tôi cũng không dám ngắm mình trong gương.
“Anh là Tuấn, em tên gì?” Giọng nói đáng ghét lại vang lên trong căn phòng sực mùi thuốc sát trùng.
Tôi bực dọc quay người nhìn anh ta, thanh niên gầy gò xanh rớt đang lò dò lê từng bước đến gần giường của tôi.
Vậy là anh ta không chịu bỏ cuộc, có lẽ vì phòng này chỉ có hai giường nên anh ta phải làm quen bằng được với tôi thì mới câm miệng lại.
“Chúng ta ở cùng phòng được bao lâu đâu mà phải hỏi tên.”
Tôi cáu kỉnh nói, rồi ngồi nhổm dậy. Vì đột ngột nên đầu tôi choáng váng, lồng ngực nặng trịch như bị một tảng đá đè lên.
“Em không nên ngồi dậy nhanh như vậy, không chịu nổi đâu.” Anh ta vươn tay đỡ lấy tôi.
May mà có cánh tay khẳng khiu như que củi của anh ta, nếu không, tôi đã ngã lộn cổ xuống giường. Tôi vịn tay anh ta ngồi thẳng dậy, thực lòng thì tôi có hơi cảm động.
“Cảm ơn anh, tôi không sao.”
Anh ta ngồi xuống chiếc ghế nhựa màu xanh để bên cạnh giường của tôi, dáng vẻ thoải mái tự nhiên như ở nhà mình.
“Em điều trị lâu chưa?”
“Tôi đã điều trị hơn một năm.” Vì phép lịch sự nên tôi đành phải trả lời kẻ phiền phức lắm lời này.
“Mới hơn một năm mà đã phải chuyển đến đây sao?” Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi, rồi tiếp tục lì mặt bắt chuyện. “Anh đã điều trị năm năm, bây giờ chuyển đến đây thì coi như đi tới cuối đường rồi.”
Trái tim tôi chợt đau nhói. Đã phải chuyển đến bệnh viện K Tam Hiệp thì hy vọng sống của cả tôi và anh ta giống như bong bóng xà phòng, dù có chạm tay vào cũng vỡ.
Tháng trước, tôi nghe bác sĩ nói với mẹ tôi rằng, các liệu pháp điều trị chỉ mang tính chất an ủi bệnh nhân chứ không thể cải thiện được tình trạng bệnh. Lúc đó tôi đã khóc mấy ngày, tinh thần suy sụp khiến bệnh trở nặng đến mức phải cấp cứu.
“Anh bị ung thư gì?” Tôi buột miệng hỏi.
Anh ta mỉm cười nhìn tôi, nụ cười khiến gương mặt xương xẩu của anh ta rạng rỡ hẳn ra.
“Di căn khắp nơi, cho nên cứ gọi là ung thư toàn thân cũng được.”
Tôi không hiểu tại sao cái án tử đã quá gần mà anh ta lại có nụ cười tươi đến vậy.
“Tôi cũng thế, có lẽ tôi chỉ còn vài tháng.” Tôi hốt hoảng khi nghe thấy chính giọng nói của mình, rõ ràng là tôi không có ý định trò chuyện cùng anh ta.
Nhắc tới thời gian còn có thể tồn tại trên đời, cổ họng tôi chợt nghẹn đắng, mắt tôi nóng bừng. Tôi mới bước vào cổng trường đại học mà tôi mơ ước được hai năm, tôi còn quá trẻ để phải từ bỏ cõi đời này. Tôi còn rất nhiều ước mơ chưa thực hiện, còn nhiều nơi chưa đi, còn nhiều người để yêu thương. Cuộc đời này rất đẹp, tôi chưa muốn rời bỏ nó.
Tôi đứng dậy, với tay gỡ chai dịch truyền giơ lên cao, cố giấu đi đôi mắt đỏ hoe nhòe nước.
“Xin lỗi, tôi muốn đi vệ sinh.”
Anh ta cũng đứng dậy, vì cao hơn nên anh ta dễ dàng giành lấy chai dịch truyền của tôi.
“Để anh giúp em.”
Tôi liếc nhìn dây truyền dịch nối lòng thòng từ cánh tay anh ta đến chai dịch treo trên đầu giường.
“Anh cũng đang truyền thuốc đấy, tôi tự làm được.”
Nhờ tôi nhắc nên anh ta mới sực nhớ ra chính mình cũng đang phải truyền thuốc. Anh ta đưa chai dịch cho tôi, rồi chầm chậm di chuyển cơ thể cao lòng khòng của mình quay trở lại ngồi xuống giường.
Sức khỏe của tôi đã bị phá hủy đến gần cạn kiệt, đôi chân nặng như đeo chì, tôi phải vịn tường lê từng bước mới có thể vào được phòng vệ sinh. Tôi treo chai dịch lên chiếc đinh đóng trên cao, và lần đầu tiên can đảm đứng trước tấm gương gắn bên trên bồn rửa mặt, nhìn thẳng vào hình dáng tàn tạ hiện lên trong đó.
Tôi vuốt tay lên đầu, tóc tôi đã rụng sạch từ những đợt hóa trị trước, bây giờ mọc lởm chởm trông như quả chôm chôm. Nhưng đầu tôi rất tròn, không phải ai cũng có cái đầu tròn và đẹp như tôi.
Và đây nữa, da tôi tuy xanh, nhưng nếu bỏ qua những mảng da bong tróc và xám xịt do chiếu xạ thì những chỗ còn lại rất mịn. Cơ thể tôi chỉ còn khoảng ba mươi cân nhưng dáng tôi rất thẳng. Mắt tôi hơi trố vì quá gầy, nhưng nếu tôi có chút da thịt thì nó sẽ to và tròn như mắt bồ câu.
Thực ra… hình như… tôi vẫn rất xinh đẹp.
Bất giác, tôi mỉm cười trong vô thức, tâm tình thoải mái hơn rất nhiều. Thay vì phải nghe những câu nói đầy thương hại từ người khác, hôm nay tôi được nghe một lời khen, mặc dù đó có thể chỉ là lời khen đãi bôi nhưng nó cũng giúp tôi cảm thấy vui vẻ.
Nụ cười của người trong gương khiến tôi giật mình. Đã lâu lắm rồi tôi không cười. Tính mạng tôi như chỉ mành treo chuông, tôi đã không thể cười kể từ khi nhận kết quả mình bị ung thư giai đoạn cuối.
Sau khi ra khỏi nhà vệ sinh, cảm xúc của tôi đối với thanh niên lắm lời kia đã cải thiện đáng kể. Tôi móc chai dịch lên cây cọc cắm trên đầu giường, nhìn về phía anh, chủ động bắt chuyện.
“Anh Tuấn này, anh không sợ chết à?”
Tuấn đang lục lọi gì đó trong chiếc tủ nhỏ kê sát đầu giường, nghe thấy tôi hỏi thì lập tức ngẩng đầu lên, nhoẻn miệng cười.
“Anh dạo chơi đủ rồi, đã đến lúc phải trở về.”
Tôi nhíu mày không hiểu lời anh nói. “Dạo chơi là sao?”
Anh đứng dậy đóng tủ lại, đi đến ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy trên tay anh là một cuốn album.
“Đối với anh, sinh ra trên đời là một chuyến dạo chơi.” Anh mở album, bên trong là rất nhiều ảnh của anh. “Nhưng cuộc đời này rất đẹp, nói thực lòng thì anh vẫn tiếc khi phải rời đi quá sớm, vì thế anh muốn mang theo những kỷ niệm của chuyến dạo chơi này khi trở về.”
Tôi ngẩn người nhìn anh, cái chết đối với anh sao có thể nhẹ nhàng đến vậy.
“Khó khăn lắm chúng ta mới có được sự sống, tại sao anh nghĩ đây chỉ là một cuộc dạo chơi? Anh không trân trọng sinh mệnh của mình hay sao?”
“Đúng là cuộc sống rất đáng quý, sinh mệnh rất đáng trân trọng, chúng ta phải có phúc lắm mới được hiện diện trên cõi đời này.” Anh chỉ tay ra khuôn viên phía trước phòng tôi, đó là nơi đi dạo yêu thích của các bệnh nhân. “Nhưng em hãy nhìn tình trạng của anh, của em, và của những bệnh nhân kia đi, chúng ta có níu kéo được sự sống không? Nếu đã không níu kéo được, thì tội gì phải sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trong sợ hãi và nuối tiếc.”
Tôi im lặng, bởi anh nói đúng. Nhưng tôi không thể nhẹ nhàng buông bỏ cho dù tôi biết rất rõ cuộc sống đang dần rời xa tôi.
“Nơi chúng ta sẽ đến mới là nhà.”
Anh nói tiếp, giọng anh hạ xuống như đang tâm sự, trong đáy mắt là một niềm tin mãnh liệt. Tôi đoán có lẽ anh đã tự thôi miên mình để tin vào những điều anh muốn tin.
“Em thấy đấy, ai rồi cũng phải trở về. Chỉ là trong chuyến dạo chơi trên cõi đời, họ chơi nhiều hay chơi ít, chơi xấu hay chơi đẹp mà thôi.”
Anh lật những tấm ảnh cho tôi xem. Ảnh trong cuốn album được sắp xếp theo trình tự thời gian. Đầu cuốn album là một chàng trai cao lớn, mạnh mẽ và rạng ngời như ánh mặt trời. Vậy mà cuối album lại là một bộ xương khô bọc trong lớp da xanh lét. Nhưng điều đặc biệt là nụ cười tươi rói luôn nở trên môi chàng trai ấy, cho dù ở đầu hay cuối album.
“Anh scan hết ảnh trong điện thoại ra để người nhà có thể đốt cho anh đấy.” Anh cười, như thể cái chết đối với anh nhẹ tựa lông hồng.
Đêm, tôi không ngủ được. Phần vì hóa chất mới truyền vào khiến tôi bứt rứt khó chịu như có kiến bò khắp người, phần vì câu chuyện của anh chàng gầy trơ xương nằm giường bên.
Tôi suy nghĩ về những gì anh nói, trong đầu tôi là nụ cười rạng rỡ mang theo ánh nắng ấm áp của anh.
Những ngày sau đó, tôi mở lòng chấp nhận anh. Chúng tôi thân thiết hơn, những câu chuyện cũng vì thế mà kéo dài và phong phú hơn.
Tôi kể cho anh nghe về sự chán nản và nỗi lo sợ của mình. Kể về việc tôi phải bảo lưu kết quả học tập ở trường để chữa bệnh, về những ước mơ còn dang dở, về cha mẹ, về người mà tôi thầm thương trộm nhớ nhưng chưa có cơ hội thổ lộ.
Mặc dù anh không hề an ủi tôi, nhưng trong những câu chuyện anh kể luôn ẩn chứa một dòng nước mát lành xoa dịu tâm hồn tôi. Đó là những câu chuyện lộn xộn và hài hước về cuộc dạo chơi của anh, về gia đình, về những tháng ngày anh vừa vật lộn chống chọi với bệnh tật, vừa cố gắng tốt nghiệp đại học sư phạm, thậm chí anh đã đi dạy học mấy năm để hoàn thành ước mơ của mình. Anh còn vạch kế hoạch cho việc chuẩn bị nơi ở để đón người thân khi tất cả đều trở về thế giới bên kia.
Tuy rằng những câu chuyện được anh kể theo một cách rất riêng pha chút huyễn hoặc, nhưng không phủ nhận, sự lạc quan và nụ cười tỏa nắng của anh đã khiến tinh thần tôi thay đổi. Tôi vui vẻ hơn, cười nhiều hơn, sức khỏe tốt hơn.
Tôi vô tình đã giống anh, coi sự tồn tại trên cõi đời là một cuộc dạo chơi, coi cái chết nhẹ nhàng như một chuyến trở về.
***
Tôi và anh ở chung phòng bệnh vậy mà đã gần hai tháng. Chúng tôi như hai kẻ cô đơn đứng chênh vênh giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, rồi vô tình gặp nhau, rón rén nắm lấy tay đối phương, kéo gần khoảng cách giữa hai cá thể vốn khác biệt.
Cuộc sống của chúng tôi cứ thế nhẹ nhàng và êm đềm trôi qua trong căn phòng luôn sực mùi thuốc tây y lẫn thuốc đông y. Mặc dù không muốn, nhưng tôi vẫn buộc phải chấp nhận một sự thật, đó là bệnh tình của chúng tôi có những chuyển biến không giống nhau.
Thời gian này, anh luôn phải nhờ vào những mũi morphin để giảm đau và giữ được sự tỉnh táo. Còn tôi thì đã lâu không cần tiêm một mũi morphin nào.
“Em năm nay hai mốt, anh hai lăm, như vậy là em dạo chơi thua anh bốn năm đấy nhé.”
Anh nói trong hơi thở nặng nhọc, khó khăn vịn tay vào thành giường, gắng gượng ngồi dậy. Ánh nắng chiếu vào từ bên ngoài rơi trên gương mặt xanh xao của anh, khiến những mạch máu chạy dưới làn da mỏng nhìn càng thêm rõ.
Tôi nhoài người từ giường tôi sang giường bên đỡ lấy cơ thể rệu rã của anh, giúp anh ngồi dựa lưng vào tường.
“Em sẽ không thua anh đâu.” Tôi vui vẻ nói hùa theo anh.
Dạo này anh yếu đến nỗi không tự mình ngồi dậy được, vậy mà anh vẫn không chịu để người nhà ở lại trong bệnh viện chăm sóc. Anh hay tâm sự với tôi, gia đình anh neo người, bố mẹ anh đã vất vả vì anh trong thời gian quá dài, anh không muốn tiếp tục làm khổ họ nữa.
Tôi đặt một cốc cháo lên bàn của anh, hạ giọng xuống thật thấp, tôi sợ anh không chịu nổi âm thanh lớn.
“Anh ăn cháo nhé, lúc nãy mấy hội từ thiện mang cháo và cơm trưa đi phát từng phòng, em chỉ lấy cháo thôi.”
“Anh không muốn ăn.” Anh mệt mỏi thều thào, nhưng đôi mắt nhìn tôi lại dịu dàng như ẩn chứa cả mùa xuân trong đó. “Cơ thể của anh không đáp ứng được thuốc điều trị nữa rồi, có lẽ anh sắp phải trở về, nhưng anh không muốn em về quá sớm, ít nhất em phải chơi lâu bằng anh.”
Tôi biết việc không đáp ứng được thuốc điều trị là thế nào. Tôi nén xuống cơn nghẹn đang dâng lên trong cổ họng, kéo cao khóe môi cố vẽ một nụ cười hoàn hảo. Tôi giơ ngón út ngoắc vào ngón tay anh.
“Em hứa, em sẽ phải chơi thật lâu. Đã một công đi chơi, tội gì không chơi cho thỏa, chơi cho đến khi không thể chơi được nữa thì em mới về.”
Anh cố sức lắm mới nhấc được cánh tay lên, ngón tay vẫn ngoắc lấy ngón tay tôi, rất chặt.
“Cuộc đời này đẹp lắm, em phải trân trọng nó, đừng phung phí. Nếu đến lúc không thể tiếp tục ở lại thì em đừng sợ, đợi chờ em phía bên kia chính là nhà, và anh sẽ luôn ở đó chờ em.”
Tôi mỉm cười nhìn anh. Anh cũng cười, nụ cười của anh chưa bao giờ héo úa.
Năm anh hai mươi tuổi, khi phát hiện bệnh thì đã là giai đoạn cuối. Bác sĩ nói anh chỉ sống được nhiều nhất hai năm, vậy mà anh cầm cự được năm năm có lẻ. Một người mang trong mình tinh thần tích cực và lạc quan như anh, cuộc sống kéo dài thêm năm năm, thậm chí lâu hơn là điều hoàn toàn có thể.
“Anh định về thật à?” Tôi biết anh không thể kéo dài thêm được nữa, morphin hay hóa trị cũng đã không còn tác dụng.
“Ừ.” Anh khẽ cười. “Anh về thôi, chơi mệt rồi. Về để còn lo nhà lo cửa, lúc đón em về mới có chỗ cho em ở chứ.”
Anh im lặng một lát, tôi nhận ra ánh mắt anh nhìn tôi vừa tha thiết, vừa xót xa như thể anh muốn nói một điều gì đó từ tận đáy lòng mà không đủ can đảm.
Cuối cùng, anh thở dài một tiếng, nắm lấy tay tôi.
“Hãy tìm một người để yêu, ở bên cạnh người ta được ngày nào hay ngày đó. Em phải sống thật hạnh phúc thì anh mới yên lòng.”
Tôi mỉm cười, để yên tay mình trong bàn tay ấm áp của anh. Tôi biết anh thừa khả năng nhận ra nụ cười của tôi là giả tạo. Nhưng, còn hơn để anh nhìn thấy sự tuyệt vọng và đau đớn trong trái tim tôi. Bây giờ tôi không nuối tiếc cuộc sống của mình, mà tôi muốn níu giữ sinh mệnh của anh.
***
Hôm nay mẹ tôi được bác sĩ gọi lên phòng gặp riêng. Tôi hơi sốt ruột. Tôi không còn sợ cái chết nên rất muốn nghe những gì bác sĩ và mẹ luôn giấu giếm tôi.
“Em cứ đi nghe đi.” Người bạn nằm giường bên của tôi lên tiếng khích lệ. “Mọi lần bác sĩ mời người nhà lên nói chuyện riêng, anh toàn mò theo sau rồi đứng ngoài cửa nghe lỏm được hết.”
Tôi phì cười trước vẻ mặt tuy tiều tụy nhưng lóe lên một chút ranh mãnh của Tuấn. Tôi đứng dậy, bước nhanh ra khỏi phòng bệnh. Đôi chân của tôi không còn nặng như đeo chì, tôi đã có thể leo lên cầu thang đi đến phòng bác sĩ mà không cần dừng lại thở dốc.
Đúng như anh nói, đứng ngoài cánh cửa khép hờ, tôi nghe được tất cả những gì bác sĩ nói với mẹ tôi. Khi câu chuyện sắp kết thúc, tôi vội chạy nhanh về phòng, nhào đến bên giường anh, cười hớn hở.
“Em báo cho anh một tin, bác sĩ bảo đợt xạ trị vừa rồi của em có kết quả rất tốt, cuộc sống của em không còn phải tính tháng nữa, mà đã có thể tính bằng năm.”
Anh gượng ngồi thẳng dậy, đôi mắt sáng bừng lên, mừng rỡ nắm lấy tay tôi.
“Chúc mừng em, vậy là em đã có khả năng đánh bại anh. Em phải cố gắng dạo chơi trên cõi đời này mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa thì anh mới công nhận là em thắng.”
“Em chỉ mong không thua anh là tốt rồi. Nhưng em sẽ cố gắng để có thể dạo chơi càng lâu càng tốt. Em sẽ làm nhiều việc thật có ích để cuộc đời đẹp hơn.”
Anh vui vẻ xoa đầu tôi. Tôi cảm nhận rất rõ, niềm vui của tôi cũng chính là niềm vui của anh.
***
Mẹ tôi không nói với tôi về những lời của bác sĩ, nhưng nếp nhăn trên mặt mẹ tôi giãn ra, tông giọng nâng cao hơn một cách tự nhiên giúp tôi nhận ra niềm vui ẩn sâu trong trái tim bà.
“Em sẽ cố gắng ở lại thêm vài năm, ít nhất cũng phải làm mẹ vui.”
Tôi thì thầm với anh trong một đêm tĩnh lặng. Đèn phòng đã tắt, chỉ còn vài vệt sáng từ bóng đèn vàng vọt ngoài hành lang xuyên qua khe cửa rơi xuống nền gạch. Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng thứ hai, tôi và anh ở chung phòng bệnh.
Anh vặn vẹo cơ thể chống lại cơn đau khủng khiếp tàn phá từ bên trong. Cả tuần nay, sức khỏe của anh đi xuống một cách thảm hại.
“Em nghĩ như vậy mới đúng, phải ở lại càng lâu càng tốt.” Anh dừng lại một chút, rồi thở ra một hơi thật dài. “Có lẽ… anh chịu thua rồi, anh muốn về.”
“Em gọi y tá tiêm morphin cho anh nhé.” Tôi nhổm dậy, đến ngồi cạnh giường anh.
“Không cần.” Anh lắc đầu, nắm lấy tay tôi thật chặt, giọng nói yếu ớt và gãy vụn. “Em thừa biết… morphin… không còn tác dụng với anh, vậy thì… tiêm làm gì cho phí.”
“Nhưng rất đau, anh chịu được không?” Nước mắt tôi ứa ra, rơi xuống mu bàn tay anh, nóng hổi.
“Đừng khóc… đi chơi một chuyến rồi về nhà thôi… có gì mà phải khóc.” Anh khó khăn đưa tay lau nước mắt trên má tôi. “Đêm nay… em ở cạnh anh nhé, anh muốn nắm tay em… cho đến khi… anh rời khỏi đây.”
“Anh quyết định đêm nay về hay sao?” Tôi nuốt nước mắt vào trong, cố gắng để giọng mình tự nhiên nhất. Tôi từng nghe các ông bà lớn tuổi nói, những người đã đi đến cuối đường như anh, họ thường biết trước ngày mình rời khỏi cõi đời này.
“Anh về thôi… không ở lại đây nữa.” Anh mệt nhọc hít từng hơi thở nặng nề vì cơn đau hoành hành. “Em nhớ lời anh dặn, phải chơi… thật vui, chơi thật… ý nghĩa. Chơi đến bao giờ cuộc đời đuổi em đi… thì hãy về với anh.”
Tôi nằm xuống bên cạnh anh, vòng tay ôm lấy cơ thể gầy gò đang run lên từng cơn của anh. “Em biết rồi, anh cứ yên tâm về trước. Nhớ là em thích hoa, anh phải trồng một vườn hoa thật đẹp cho em đấy nhé.”
“Ừ, một vườn hoa… thật đẹp, thêm một bé mèo thật xinh… đúng chưa?”
Anh cũng ôm lấy tôi, kéo đầu tôi áp sát vào lồng ngực gầy trơ xương của anh. Đây là cái ôm đầu tiên, và có lẽ là cái ôm cuối cùng của hai chúng tôi.
“Em… hát cho anh nghe đi.” Anh nói nho nhỏ, tôi cảm giác sinh mệnh của anh đang trôi tuột theo hơi thở mong manh.
“Em không biết hát, em chẳng thuộc bài hát nào cả.” Tôi ngượng ngùng nói. Không phải tôi muốn từ chối, mà thực sự tôi không biết hát.
“Bài gì… cũng được, hát sai cũng… không sao.” Anh thì thào, giọng anh nhẹ tới nỗi chỉ còn như một sợi tơ mỏng thoảng qua tai tôi.
Tôi bắt đầu rì rầm cất tiếng hát, từ bài hát của trẻ mầm non đến bài quốc ca dùng để chào cờ vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần khi tôi còn học phổ thông. Tôi hát không đúng nhịp, lời cũng quên rất nhiều, nhưng anh không chê, đôi tay khẳng khiu của anh ôm chặt lấy tôi như sợ nếu buông ra thì tôi sẽ lập tức tan biến.
Đêm khuya dần, bên ngoài rất yên tĩnh, chỉ là thỉnh thoảng vang lên tiếng bánh xe của cáng cứu thương nghiến trên nền gạch và tiếng chân người chạy nhanh về phía phòng cấp cứu. Tôi vẫn khe khẽ hát, hình như anh đã chìm vào giấc ngủ, cơ thể không còn run lên vì những cơn đau…
Tôi bừng tỉnh giấc khi bờ vai bị ai đó lay mạnh. Tôi ngơ ngác mở to đôi mắt cay xè, thì ra tôi đã ngủ quên từ lúc nào không hay. Bóng đèn phòng đã bật, bên ngoài cửa sổ trời đã hửng sáng, trong vòng tay tôi là cơ thể lạnh lẽo của anh.
Một chị y tá gỡ cánh tay đã bắt đầu cứng dần của anh ra khỏi người tôi. Chị kéo tôi đứng dậy, dìu tôi quay lại giường mình.
“Cậu ấy đi rồi, em đừng sợ, chị sẽ khám cho em.”
Tôi nhìn sang giường bên, anh đang được các y tá đặt lên một chiếc cáng có gắn bánh xe, phủ một tấm vải trắng rồi đẩy ra khỏi phòng.
“Anh ấy chỉ về nhà thôi, có gì đâu mà em phải sợ.”
Mắt tôi ráo hoảnh, nhưng cổ họng tôi nghẹn ứ, lồng ngực đau như bị ai cào xé, bàn tay tôi lạnh toát và run lên bần bật. Tôi biết ngày này trước sau gì cũng đến, nhưng nó quá khó để chấp nhận. Tôi đứng dậy, loạng choạng bước theo chiếc cáng đang mang anh đi xa khỏi tôi.
Bỗng tay tôi bị chị y tá kéo giật lại, chị nhìn tôi lắc đầu. Lúc này tôi mới chợt nhớ ra, tôi không thể đi cùng anh đến nhà xác, những bệnh nhân ngấp nghé cửa tử như tôi không được phép đến nơi cấm kỵ đó.
“Huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ bình thường.” Y tá kiểm tra xong cho tôi thì thở phào một hơi nhẹ nhõm. Chị đưa cho tôi một viên thuốc nhỏ, dặn dò cẩn thận. “Em uống viên thuốc này rồi ngủ thêm một lát nhé.”
Tôi đã dùng qua morphin, vì vậy viên thuốc bé xíu đó không có tác dụng với tôi. Nhưng giống như liệu pháp tâm lý, sau khi uống thuốc, tôi mơ màng ngủ thêm một giấc. Vì tôi muốn được nhìn thấy anh trong mơ, muốn thấy nơi anh sẽ đến.
Khi tôi thức dậy, giường bên cạnh đã có bệnh nhân mới. Tôi nhìn trân trân người mới tới, nhưng trong mắt tôi lại là thanh niên gầy gò với nụ cười tỏa nắng.
“Anh yên tâm về trước, em hứa sẽ chơi thắng anh, thật đấy.”
Tôi thì thầm, nói với anh, cũng là nói với chính mình. Tôi không khóc, nhưng trái tim tôi rất đau. Giá như anh có thể tiếp tục cùng tôi dạo chơi trên cõi đời thì tốt biết mấy.
Ngày đưa tang anh, tôi trốn viện bắt taxi đến Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển để được nhìn thấy anh thêm một lần nữa. Thân xác của anh cuối cùng cũng tan thành tro bụi, nhưng những ký ức về anh luôn sống mãi trong trái tim tôi.
Tôi đặt bó hoa cúc vàng trước di ảnh của anh. Đến cả di ảnh mà nụ cười vẫn rạng ngời trên môi người con trai ấy.
Một tháng sau tôi được xuất viện trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Mặc dù tôi vẫn phải tiếp tục điều trị ngoại trú, nhưng sức khỏe của tôi đã dần bình phục và có thể quay lại trường tiếp tục học tập.
Tôi không còn nhớ nhung cậu con trai mà tôi từng yêu thầm. Bây giờ người chiếm trọn trái tim tôi là anh, người đã truyền cho tôi tinh thần lạc quan khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết.
Sau khi trải qua những ngày tháng chiến đấu để giành giật sự sống, tôi đã nhìn cuộc đời bằng một con mắt khác. Tôi không phung phí thời gian cho những việc vô bổ, tôi tranh thủ học tập, sinh hoạt điều độ và sống thật có ích.
Tôi không biết mình có thể sống thêm được bao lâu. Một năm, hai năm, hay năm năm như anh. Nhưng chỉ cần còn tồn tại trên cõi đời giây phút nào, tôi sẽ trân trọng giây phút đó. Và khi cái chết đến tìm tôi, tôi sẽ vui vẻ đón nhận nó không một chút sợ hãi. Bởi đó là lúc, tôi có thể trở về bên anh.
Tôi khẽ mỉm cười nhìn tấm ảnh chàng trai có gương mặt rạng rỡ được lồng khung đặt trên tủ đầu giường. Đây là tấm ảnh mà tôi giấu cho riêng mình, giống như cất giấu một bảo vật, đến cả anh cũng không biết tôi đã lấy trộm nó từ bao giờ.
“Nhớ nhé, đừng đi chơi xa, kẻo khi em về sẽ không tìm thấy anh!”
–------
Chú thích: Morphin (morphine) là thuốc giảm đau rất mạnh dành cho các bệnh nhân ung thư.
Bình luận
Chưa có bình luận