Trời âm u, đã gần trưa mà mây đen vẫn giăng kín, gió rít từng cơn, chẳng thấy dấu hiệu nào của mặt trời. Hôm nay tôi không có ca làm, nhưng để buổi trưa có thêm một chút thời gian, tôi đã xin đổi ca với chị Thu Giang. Nơi ở của cậu hai không có nhiều quy củ như những chỗ khác, ngoài những giờ làm việc bắt buộc, chúng tôi có thể tự do thay đổi giờ làm cho nhau, dĩ nhiên là phải có giới hạn số lần và nguyên cớ hợp lý. Hầu hết chuyện đổi ca đều được đích thân cậu hai xem qua, và kết quả thường sẽ là thông qua. Cậu hai luôn rộng lượng với những người hầu cận.
Công việc hôm nay có phần nặng nhọc so với ngày thường. Tôi được phân công xử lý đống đồ ở trong phòng sách, cái nào hay dùng thì để sang bên trái, lau dọn cẩn thận, cái gì ít được sử dụng thì để ra bên phải, đợi cậu hai về đưa ra quyết định sau cùng. Ngày thường, cậu hai chẳng bao giờ nhớ tới thư phòng nhỏ nằm trong góc này.
“Chỗ nào tiện thì ngồi chỗ đấy. Ta không câu nệ hoàn cảnh đâu.” Cậu hai nói xong thì lại cúi xuống, hí hoáy viết gì đó.
Đức Ông và Đức Bà đã dùng nhiều biện pháp, từ nhẹ nhàng như khuyên nhủ đến nặng nề như đe doạ, cậu hai thay đổi được vài bữa rồi lại chứng nào tật nấy. Mặt trời cứ lên cao, kiểu gì cậu hai cũng sẽ viện đủ lý do trốn học. Nếu bị ép buộc quá, cậu hai sẽ miễn cưỡng mang giấy bút ra vườn, ngồi dưới cái cây cổ thụ xanh rì, giả bộ chăm chỉ, nhân lúc không ai chú ý thì leo lên cái võng đã dựng sẵn, tranh thủ chợp mắt. Đức Ông thấy nhiều rồi cũng thành quen, chỉ đành nhắm một mắt, mở một mắt, tùy cậu hai tự tung tự tác.
Chuyện sẽ chẳng có gì thay đổi nếu cậu hai không nhận được thư của cậu cả, báo là sắp về. Nơi tôi đang dọn dẹp vốn là thư phòng của cậu cả, sau này do cậu cả đi học xa, cậu hai đã tiếm* quyền sở hữu.
*chiếm
Cậu hai xưa nay không thích ngồi im một chỗ, chiếm được rồi thì không còn hứng thú nữa, dùng được vài hôm thì lại bỏ đấy, biến phòng này thành kho chứa đồ. Bây giờ cậu cả sắp về, cậu hai mới vội vàng sai chúng tôi dọn dẹp trả căn phòng về nguyên dạng.
Cậu cả rời nhà đã lâu, đồ đạc đã sớm bị chuyển đi, trong phòng hầu hết những thứ bị cậu hai tiện tay vứt xó. Tôi liếc nhanh một lượt, thầm ước tính thời gian. Ba lần nước sẽ tốn khoảng hai canh giờ, tôi về nghỉ ngơi chừng hai khắc, làm nốt việc kia thì cũng coi như kịp cho ca chiều.
Công việc làm được phân nửa thì tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng ai đó gọi. “Chị Xuân Mai ơi.”
Tôi quay lại, phát hiện Trúc đang thập thò sau cửa lớn. Em là cô bé chuyên lo việc tạp vụ ở nhà bếp được tôi nhờ vả để truyền tin. Trúc hết quay trước rồi lại nhìn sau, nom thấy tôi thì vội vàng vẫy tay. Tôi đặt miếng giẻ lau vào lại trong chậu nước, đi lại phía em.
“Có người đến tìm chị ạ.” Em nói xong thì vội vàng chạy mất, làm tôi chẳng kịp nói lời cảm ơn.
Trái với kiểu “sao cũng được” của cậu hai, Đức Bà rất nghiêm khắc trong mấy chuyện nề nếp, chúng tôi không được phép rời vị trí khi đang làm việc, trốn làm sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng. Tôi ngước lên nhìn trời. Bây giờ chưa tới giờ hẹn, tôi chưa xong việc nên không dám ra ngoài, chỉ đành phải để người kia chờ đợi. Nghĩ đến cơn thịnh nộ đang chờ đợi, tôi bất giác rùng mình. Suốt khoảng thời gian sau đó, tôi hết sức đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn không lại với tốc độ của mặt trời. Đến lúc xong việc, kẻng cơm đã kêu được một lúc.
Nhờ Trúc lấy đồ ăn trưa hộ, tôi vội vã trở về phòng, mở khoá tủ đầu giường, lấy ra một túi vải nhỏ, bên trong có một ít bạc vụn. Đây là lương tháng này và một ít tiền tôi dành dụm được. Tôi vốn tính đi luôn, nhưng sau một hồi suy nghĩ thì vẫn quay lại, mở hộp trang sức, lấy một đôi khuyên tai nhỏ, gói vào trong bọc rồi nhanh chóng di chuyển ra cửa sau.
Tôi không mất nhiều thời gian để tìm ra cha tôi đang thập thò sau cánh cổng lớn. Thoạt nhìn, ông có vẻ gầy hơn lần gặp trước, cả người lêu nghêu như cái sào, hai mắt lờ đờ, hốc mắt trũng xuống, đôi môi mỏng xám xịt. Cái quần cũ sờn rộng thùng thịnh quấn quanh eo bằng mấy lớp dây lưng càng cho thấy suy nghĩ của tôi là đúng. Những ngón tay xương xẩu với những cái móng đen kịt lập tức bấu chặt lấy tay tôi, sau đó là những lời trách móc. “Sao bây giờ mày mới ra, có biết tao chờ bao lâu rồi không?”
“Dạ.” Tôi không nói gì thêm, cúi đầu, để những cơn đau dần chiếm lấy bàn tay và lặng yên để cha trút những lời bực tức. Mấy câu hỏi kiểu này, tôi nghe nhiều thành quen, trả lời kiểu gì cũng không thể khiến cha vừa lòng, tốt nhất là im lặng, để cha tự do phát tiết.
Không nói thì sẽ không sai.
Khổ nỗi, cha coi sự im lặng của tôi là một kiểu chống đối, thế là ông lại càng mạt sát dữ dội hơn. Những ngón tay cáu bẩn rời đi, những lời nói càng lúc càng khó nghe hơn. Và rồi, khi mắng chán, cha chuyển sang hành động, một cái lên gối vào chính giữa vùng bụng.
“A.” Tôi đau đớn khụy xuống, cả người cong lại như con tôm, hai tay vô thức ôm chặt lấy bụng, cắn chặt răng để không phát ra tiếng rên rỉ, tránh kích thích cha ra tay mạnh hơn. Tôi hiểu tính cha, cha đánh chán thì sẽ thôi.
Nơi này không phải là nơi cha có thể tự tiện làm loạn, tôi chỉ cần im lặng đến khi cơn tức của cha trôi đi là sẽ không có chuyện gì. Đợi khi vào trong, bôi thuốc vài ngày thì sẽ ổn. Tôi quá rõ hậu quả của những cơn tức ấp ủ trong người, nó hệt như ngọn lửa đang âm ỉ, thoạt nhìn không rõ ràng, nhưng hậu quả để lại luôn là tàn khốc nhất. Trên cánh tay em gái vẫn hằn nguyên những vết sẹo. Đợi cha đánh đủ rồi, tôi chật vật chống tay đứng dậy, ánh mắt lại vô tình chạm phải cái túi thơm mà cha đeo bên hông, so với đám quần áo đã sờn trên người, cái túi này trông mới một cách kỳ lạ. Tôi biết cái túi này xuất phát từ đâu.
Nhưng biết thì có thể làm gì? Tôi cụp mắt, dúi cho cha túi đồ ăn đã chuẩn bị từ trước.
“Cha nhớ hâm nóng trước rồi hãy ăn ạ.” Thấy cha có vẻ nóng vội, tôi không nhịn được nói nhiều thêm một câu. Bữa trưa hôm nay là bánh bao, tôi được lĩnh ba cái, hai chay một mặn, vừa đủ cho người nhà tôi mỗi người một cái.
Cha gắt gỏng. “Biết rồi.”
Cha nói xong thì lạnh lùng hất tay tôi ra, giật lấy túi đồ, để mặc tôi ngã ngồi xuống đất. Cha cũng chẳng thèm đỡ tôi dậy, cứ thế quay lưng đi thẳng. Cũng may, đây là cửa sau, lại thêm tầm ban trưa vãng người đi lại, bộ dạng thảm hại của tôi không bị nhiều người nhìn thấy. Tôi hít một hơi thật sâu, lồm cồm bò dậy, siết chặt cái túi đỏ trong tay. Quần áo đã dính vài dấu giày, không thể mặc được nữa, tôi bám vào thành cửa, loạng choạng đi vào trong.
Trời càng lúc càng xám xịt. Gió mùa đông bắc cũng bắt đầu những đợt tấn công mới, loạt xoạt thổi đám lá trong sân bay tứ tung, bao công sức quét dọn của mấy người làm vườn ban sáng coi như công cốc. Trên mấy cành cây khẳng khiu, vài chiếc lá già cỗi may mắn còn trụ lại cũng đang oằn mình chống chọi với cái rét, bần bật run rẩy.
Cũng may cậu hai nhân đức, lấy tiền riêng làm áo bông cho người làm, giúp chúng tôi có thêm đồ chống chọi với cái rét thấu xương nơi biên giới. Tôi siết chặt lớp áo bông ấm áp, băng qua khu hành lang vắng người, trở về chỗ ở thay quần áo. Đường đi vắng tanh, tôi có tình cờ lướt qua vài người, người nào người nấy cũng nghiêm mặt, nhanh chóng đi về phía nhà chính. Tôi cũng không nghĩ nhiều, thay quần áo xong thì trở lại chỗ làm. Dù sao cũng sắp đến giờ thay ca, bỏ bữa trưa cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hiệu suất công việc.
Tôi vừa vào đến cửa đã thấy mọi người đứng đợi sẵn. Gương mặt cau có của những người xung quanh làm tôi giật thót, một suy đoán to gan nhanh chóng hiện ra trong đầu - cậu hai lại gây chuyện rồi.
Bình luận
Chưa có bình luận