Dạ điệp là một trong những sinh vật hiếm hoi được phép bay lượn tự do khắp Âm phủ. Với tốc độ truyền tin nhanh, lượng nội dung có thể chứa đựng lớn, đi được khoảng cách xa, lại thêm tính bảo mật cực cao, Dạ điệp được xem như những bưu tá lý tưởng của cư dân nơi này. Thế nhưng không thường thấy tầng lớp bình dân sử dụng Dạ điệp. Nghe nói bởi vì phí tổn nuôi nấng loài bướm này rất cao, chỉ có Thập Điện mới có thể chi trả nổi. Còn về việc nuôi Dạ điệp ở đâu, nuôi như thế nào, cho đến nay tôi hoàn toàn mù tịt. Tuy Âm phủ có nông trường nhưng trước nay tôi chưa từng nghe ai nhắc tới trại chăn nuôi.
Mỗi một cá thể Dạ điệp chỉ có thể truyền tin một lần. Chúng sẽ sao chép thông tin vào từng tế bào, rồi lại dùng cơ thể ấy dung hòa vào ý thức của người nhận. Tựa như bây giờ, ánh sáng đỏ đã xuyên thấu qua đôi cánh bướm, chạm đến ngón tay tái nhợt lạnh buốt ở bên dưới. Màu xanh lam mang theo những đốm kim tuyến ánh tím dần tan ra thành từng đốm bụi mịn lửng lơ. Sau một cú hà hơi của cá nóc nhỏ, chúng tán loạn về hướng vô hình, chỉ một cái chớp mắt lại ngỡ như chưa từng xuất hiện.
Tôi đứng yên chờ đợi ngài Ứng Nghiệp xử lý thông tin, sau đó nhận được một ánh mắt cổ vũ từ sếp của mình.
– Diêm Vương có việc khẩn cấp cần tôi phụ giúp. Cô Đan Thanh đi vào gặp Thiên sứ trước nhé, cứ giao tiếp công việc với anh ta theo lưu trình là được.
– Ơ khoan… Sếp ơi, khoan…
Trong chớp mắt, tôi đã suy nghĩ đến việc bẻ lại khớp hàm của mình để nói chuyện trơn tru hơn, ít nhất phải để tôi không líu lưỡi vào những thời điểm cấp bách như thế này.
– Không cần lo lắng việc chứng minh thân phận.
Ngài Ứng Nghiệp vỗ nhẹ lên trán tôi một phát. Đột nhiên tôi cảm thấy nơi ấy có hơi ngứa, chưa kịp sờ soạng xem chuyện gì vừa xảy ra, vai của tôi đã bị ngài Phán quan nắm lấy rồi xoay ngược một vòng.
– Xong. Cô cứ thế đi vào là được. Tự tin. Mạnh mẽ. Chiến thắng. Tiến lên đi cô Đan Thanh. Tôi tin cô sẽ làm tốt công việc này.
– Khoan! Gì tin? Gì mẽ? Gì thắng? Từ từ! Từ từ sếp ơi!
Tôi cứ thế bị đẩy lên hai ba bước. Đến lúc hoảng hồn xoay người lại, ngài Ứng Nghiệp đã biến mất chẳng thấy đâu, chỉ còn lại cánh cửa thang máy khép kín. Hai mảnh kim loại sáng bóng phẳng lì, lẳng lặng đón lấy mấy vệt sáng màu từ đôi ngọn đèn lồng giấy đỏ trên cao. Cũng vào giờ phút này, tôi mới nhớ lại bản thân mình vốn là hồn ma. Khác với đám cốt ma gầy trơ xương, cơ thể này làm gì còn khớp hàm để nắn. Tôi tức giận vỗ nhẹ lên trán, không hiểu sao nơi ấy vẫn còn cảm giác ngưa ngứa.
– Không biết ngài Ứng Nghiệp vừa làm gì trên trán của mình…
Tôi lầu bầu, âm thầm thề rằng sau khi Thiên sứ về trời, nhất định phải đi tìm chị Mạnh xin học một khóa ăn nói hòng đánh bại mọi kẻ miệng lưỡi lắt léo đủ đường.
– Một cọng bông lúa.
Cục Vàng lúc này mới lên tiếng, không biết vừa nãy em ấy trốn đi đâu. Đôi mắt cá nhỏ lồi và tròn xoe, nhìn trán tôi đăm đăm không dứt.
– Hả? Em nói gì vậy Cục Vàng? Bông lúa ở đâu?
Não tôi vẫn còn trong trạng thái mơ hồ, chưa kịp hiểu rõ ý của Cục Vàng. Con cá nóc nhỏ không buồn bực vì tôi khờ, nâng vây nhỏ chỉ vào trán tôi, bập bẹ nói:
– Trên trán chị á. Ngài Ứng Nghiệp vừa dán lên. Một cọng bông lúa. Vàng tươi.
Một cọng bông lúa, còn vàng tươi?
– …
Tôi vội lấy một chiếc gương nhỏ từ bên trong túi bách bảo ra soi, đập vào mắt trước tiên là khuôn mặt bầu bĩnh với tóc mái xoăn xù. Tóc mái không dày, xõa thưa thớt trên vùng trán, còn hơi xòe ra hai bên theo hướng năm năm, để lộ ấn đường rộng rãi cùng một bông lúa cách điệu nằm ngay chính giữa. Bông lúa uốn mình cong cong, hạt lúa no tròn mập mạp, đều một màu vàng tươi, đôi lúc còn lóe lên vài ánh kim rực rỡ.
– À không phải vàng tươi. Bờ linh bờ linh vàng chóe luôn! – Con cá miệng rộng nào đó hô lên.
Bờ linh là cái gì?
– … Em học đâu ra từ gì nghe lạ quá vậy Cục Vàng?
– Hí hí hí.
Tôi thử chà xát, muốn lau sạch nó, để rồi nhận ra điều đó chỉ làm bông lúa càng thêm sáng chói mà thôi. Gu thẩm mỹ của đàn ông trung niên độc thân không vợ quả thật rất đáng sợ. Tôi kéo vội vài sợi tóc mái xuống hòng che đi một phần ấn ký bông lúa, lòng thầm mong nó bớt lóe sáng một chút rồi chấp nhận số phận mà đẩy ra cánh cửa gỗ lớn, bước vào bên trong văn phòng.
– Úi chà! Úi chao! Úi chà chà! Cha chả!
Khi đôi cánh cửa gỗ trầm nặng chậm rãi tách rời nhau, để cho muôn vệt sáng màu đỏ lam vàng tím chạm đến mi mắt, tôi nghe thấy tiếng của con cá nóc nào đó thét lên chói tai. Nhưng tôi không rảnh để bận tâm đến nó, ánh mắt của tôi dính chặt vào hình dáng của người đàn ông đứng ở phía cuối căn phòng, và bàn tay tôi phải chặn lên ngực trái, nơi có một quả tim dường như vừa mới thành hình đang xao động, chực chờ trốn chạy khỏi lồng ngực để đi tìm nguồn ấm của riêng mình.
Tôi đã ghé qua văn phòng của hai vị Phán quan không biết bao nhiêu lần, và tôi dám chắc chắn rằng nơi này vốn không hề có cảnh sắc như hiện tại. Những vách tường khắc họa núi sông nay chỉ còn mang tính biểu tượng. Thứ sinh động nhất một thời là những chiếc đèn lồng rực rỡ giờ phút này ảm đạm tự nép mình giấu đi. Không ai để ý đến đống giấy tờ chất chồng trong một góc, nghiên mực chỏng chơ trên bàn cũng chẳng có người quan tâm. Tất cả mọi sự chú ý đều đổ dồn vào không gian. Không khí tựa như hóa thành đặc sệt, và hơi thở sự sống nồng đậm đến mức tụ tập, gắn kết lại thành từng dải màu hoàng kim óng ánh. Chúng giống như mạch nha nóng chảy được thả tự do vào trong nước, mật độ dày đặc đến mức chỉ chừa lại một lối đi vừa đủ để một người trưởng thành lách qua nối từ cửa lớn văn phòng đến bên cạnh người đàn ông kia.
Dày như thế, nhiều như thế, ấy vậy mà màu vàng đó vẫn không thể trở thành màu sắc chủ đạo của cả căn phòng, bởi vì chúng đều bị muôn trùng cánh bướm che lấp. Những con Dạ điệp màu xanh tím bám đầy trên những dải sự sống. Nghìn đôi cánh mấp máy theo nghìn nhịp điệu, hắt ra nghìn vệt sáng, vẽ nên một thế giới ảo mộng đê mê.
Tôi không kìm được mà hít một hơi sâu. Bắt đầu từ da dẻ, từng lỗ chân lông trên người tôi thoáng chốc tươi sống trở lại. Từ đỉnh đầu cho đến gót chân, máu tựa như tái sinh rồi chạy ào tới từng ngóc ngách xa xôi nhất của cơ thể. Máu tung tăng như một con nai nhỏ, dùng những bước nhảy sôi động để bộc lộ cảm xúc hân hoan. Máu vực dậy từng tế bào vốn dĩ đã ngủ say suốt mấy mươi năm, đưa tôi bay vào một khoảng không rất lạ mà có lẽ từng có người gọi đó là thanh xuân. Thanh xuân, đó là một vùng trời quen thuộc, buồn thay cũng lạ lẫm vô cùng. Ở vùng rìa nơi ấy, tôi đã từng chạm bàn tay vào cánh cửa mỏng như cánh ve, mong manh tinh khiết. Nó và tôi đã từng cách nhau rất gần, ngỡ như sát cạnh bên. Thế nhưng tất cả đã đổi thay. Thế giới đột nhiên đảo ngược. Tôi nằm dưới lòng đất, thanh xuân thì mãi dừng lại trên một gò đất nhỏ, lơ thơ vài cọng cỏ xanh xanh.
Cỏ xanh bỗng nhiên vỡ tan ra từng mảnh, tức khắc hóa thành một ảo ảnh mơ hồ. Tôi nhận thấy có cái gì đó vừa gõ lên trán của mình hai nhịp. Nó cứng rắn như đá, cũng lạnh băng như đá. Sự sống chực chờ trỗi dậy bên trong tôi bị hai nhịp gõ đó đẩy lùi. Giá lạnh nhanh chóng thế chỗ cho sự ấm nóng, lan đi khắp cơ thể, và tôi tựa như kẻ ngủ mê bị ai đó dùng một thau nước lạnh buốt xối tỉnh, xuôi theo phản xạ nguyên thủy mà rùng mình một cái.
Tôi hoàn hồn, hoang mang nhìn về phía cuối căn phòng. Người ấy vẫn chưa quay đầu lại, thế nhưng bộ dáng kia vẫn vậy, nghiêm túc chỉnh tề, đường hoàng đĩnh đạc. Tôi nhấm nuốt tên của anh ta trên đầu lưỡi của chính mình, nhào lộn nó hồi lâu bằng những băn khoăn mà chỉ mình tôi biết, sau đó bật thốt ra hai tiếng trong trẻo, xé toạc tấm màn im ắng tĩnh mịch đang bao trùm kín không gian.
– Trọng Phu!
Trọng Phu xoay người, giật mình như vừa nhận ra có người tiến vào văn phòng lúc nào không hay. Nhìn kỹ lại mới thấy, hóa ra lúc nãy anh đang quan sát một bức bích họa vẽ lại giang sơn. Bức họa kia che kín một mảng tường, vừa hay lại nằm ở phía đối diện với cửa chính. Có lẽ anh vì mải mê thưởng họa mà chẳng thể chú ý đến động tĩnh ở phía sau lưng mình.
Tôi đột nhiên cảm thấy hơi xấu hổ xen lẫn một chút ngại ngùng, không biết nên mở lời thế nào cho hay. Trọng Phu cũng im lặng quan sát tôi trong chốc lát rồi bỗng nhiên bật cười.
– Sao… sao thế? - Tôi vò nhẹ vạt áo, lúng túng hỏi thăm. Anh cười cái gì vậy nhỉ? Có gì mắc cười?
Tôi mơ màng, ngơ ngác nhìn xung quanh. Từng dấu chấm hỏi lục tục nảy lên ở trên đầu. Kích cỡ hai mươi, in đậm, không gạch dưới.
– Duyên tới là lá la duyên tới! Chị của em cứ nhắc tới anh mãi. Anh đẹp trai ơi, anh còn nhớ em hông? Còn nhớ Hạ Đan Thanh bên bờ hồ Vong Đô năm nào hông?
Trong lúc tôi còn đứng bối rối tay chân như một đứa đần, con cá nóc nào đấy đã quẫy đuôi bơi vội đến đầu vai của người ta, cọ đầu cọ bụng vào vai áo, liến tha liến thoắng bắt chuyện làm quen.
Nhìn Cục Vàng ỏn ẻn nũng nịu, xem Trọng Phu cười mỉm gãi nhẹ cái đầu tròn của nó, tự dưng tôi thấy bản thân còn thua cả một con cá.
_____
Chú thích.
Tiêu đề của chương này có nghĩa là “Các ngôi sao đều theo chầu phương Bắc, mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông”, trích từ Vạn sự quy như - Tuệ Trung Thượng Sỹ.
Để làm rõ hơn mối liên hệ của tiêu đề với nội dung của chương này, mình xin được dẫn lại đôi dòng của Thích Thái Hòa về bài thơ trên:
“... Tuệ Trung Thượng Sỹ đã đập vỡ mọi ý niệm nhị biên mà thể nhập thực tính Trung đạo, hay là thực tướng Bát-nhã.
Bằng Tuệ giác Kim Cang, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã trực nhận, hữu và vô hay có và không là hai mặt của một thực tại. Ngay nơi hữu mà vô, ngay nơi có mà không; ngay nơi vô mà hữu hay ngay nơi không mà có. Hữu và vô hay không và có, chúng không hề tách rời nhau mà luôn có mặt trong nhau. Cho đến thân và tâm, sống và chết, ma và Phật cũng vậy. Chúng không bao giờ tách biệt nhau. Thân và tâm, sống và chết, ma và Phật tất cả đều là không có tự tính, hết thảy bản tính của chúng đều là Như.
Như mà Tuệ Trung Thượng Sỹ đã đề cập ở trong bài thơ này, chính là nghĩa Như của các pháp, mà kinh Kim Cang bản dịch của Ngài La Thập gọi là Như Lai. “Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa”.3 Và ở trong bản Phạn văn, đức Phật đã nói với Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Như Lai là để gọi cho Chân Như; Như Lai là để gọi cho pháp tính bất sinh; Như Lai là để gọi cho sự đoạn tận của các pháp; Như Lai là tên gọi của Tuyệt đối bất sinh”.
Tuyệt đối bất sinh là Niết-bàn hay là Tính Không của pháp giới. Tính Không ấy là Như. Như thì không còn khởi hiện mọi ý tưởng về ngã hay phi ngã, về nhân hay phi nhân, về chúng sanh hay phi chúng sanh, về thọ mạng hay phi thọ mạng, về pháp hay phi pháp mà ở trong kinh Kim Cang Bát-nhã đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu-bồ-đề và thính chúng lúc bấy giờ…”
Bình luận
Chưa có bình luận