Chương 1: Quản lý của nông trường Âm phủ


Ở Âm phủ có trồng lúa không? Có đấy, cây lúa mới vừa được trộm xuống Âm phủ mấy trăm năm nay.

Ở Âm phủ có mặt trời không? Có luôn, mặt trời của Âm phủ là một con cá nóc.

Cây lúa và cá nóc, hai thành phần cơ bản và quan trọng nhất của nông trường Âm phủ, cũng là hai thứ mà tôi – Chị Lúa đời thứ sáu – phải coi sóc và bảo vệ cẩn thận trong quãng thời gian một trăm năm, vì một Âm phủ phồn vinh, hưng thịnh, hòa bình, văn minh. Nhiệm vụ của tôi chỉ có một, đó chính là tạo ra thật nhiều lương thực để cung ứng cho toàn bộ Âm phủ. Ma quỷ cũng cần phải ăn cơm chứ. Nếu như mỗi năm chỉ chờ dăm ba bữa cơm từ dương gian thắp hương gửi về, chẳng phải tất cả đều trở thành ma đói hết hay sao? Một khi ma quỷ bị đói bụng, chúng nó sẽ trở nên cuồng loạn, rất khó khống chế; chúng nó cũng sẽ tìm cách trốn lên trên mặt đất làm hại nhân gian vì thèm khát sinh khí. Chỉ cần Thiên đình ghi nhận một trường hợp như thế, chư vị Diêm Vương chắc chắn sẽ bị phê bình vào buổi họp tổng kết cuối năm, tiền lương của toàn bộ nhân viên dưới Âm phủ cũng sẽ bị khấu trừ một phần. Vì bảo vệ nền hòa bình của thế giới, cũng như bảo toàn mức lương thưởng cuối năm của chính mình, tôi nhất định phải làm việc thật chăm chỉ và nghiêm túc.

– Cô Đan Thanh ơi! – Một người đàn ông khoảng chừng bốn mươi tuổi nhảy lên bờ ruộng, tay phải còn nắm vài ba hạt cỏ vừa kịp nảy mầm. – Lúa bắt đầu làm đòng, bao giờ thì mình bón phân vậy cô?

Đan Thanh là tên của tôi, không phải đan sa và thanh hoạch mà là đan sách cùng thanh sử[1]. Còn người đàn ông này gọi là Ba Bảnh, một tiểu quỷ dưới trướng của tôi. Là người quản lý của nông trường, tôi cai quản vô số tiểu quỷ ngày ngày chăm chỉ cấy cày, không ngừng không nghỉ, không biết mệt nhọc. Nói đến đây, xin mọi người đừng hiểu lầm rằng tôi đang bóc lột sức lao động của bọn họ. Những người đó chỉ đang đền tội cho mọi điều sai trái mà họ từng phạm phải khi còn sống mà thôi. Tội không nặng lắm, là lãng phí lương thực. 

Hễ một người lãng phí một hạt gạo lúc còn sống, vậy thì khi chết đi, người đó phải ở tại nông trường Âm phủ trồng xong một vụ lúa mới được xem như sạch tội. Cứ thế cộng dồn, một trăm hạt tương đương với một trăm vụ. Và có một tin xấu là tại Âm phủ, mỗi năm chỉ có thể trồng được hai vụ lúa mà thôi. Cho nên có những người đã ở đây từ rất lâu rồi, trước cả khi tôi nhậm chức. Đoán chừng những người đó không phải lãng phí vài ba hạt gạo đâu mà là cả nồi cơm đấy.

– Để tôi xem. – Tôi ngồi xổm xuống, bóc dảnh cái của cây lúa ra quan sát đòng cẩn thận rồi mới dặn dò Ba Bảnh. – Hôm nay mình phơi ruộng cho hết ngày, khoảng rạng sáng ngày mai anh đi nhắc nhở mọi người bắt đầu xả nước vào ruộng xăm xắp một phần ba gang tay. – Tôi giơ bàn tay lên, gập lại ngón cái chỉ ra một độ cao cho Ba Bảnh nhìn thấy rõ. –  Ngày mai hoặc ngày mốt chúng ta sẽ bắt đầu bón phân.

Ba Bảnh gật đầu nói vâng, thế nhưng anh ta không chịu rời đi ngay, lẳng nhẳng lằng nhằng muốn nói điều gì đó với tôi mà lại sợ sệt chẳng dám mở miệng.

– Có chuyện gì anh cứ nói thẳng đi.

Tôi sốt ruột thúc giục Ba Bảnh. Thánh quân từng dạy bảo con dân rằng: Cày hoang mà lấy vàng thần đế, khai hoang mà lấy bạc trời cho[2], tôi còn đang bận cày vàng cày bạc đây, anh ta cứ lừng khừng ở trước mặt tôi là muốn làm sao?

– Cô Đan Thanh, Chị Lúa, – Ba Bảnh bước sát lại gần tôi, mỉm cười nịnh nọt. – hôm bón phân ấy, tôi… tôi không đến ruộng lúa có được hay không? Cô cho tôi đi sang khu vực khác tạm một ngày đi. Một buổi cũng được. Tôi đảm bảo sẽ làm việc siêng năng gấp hai lần. Không không, gấp ba lần!

Nhìn ba ngón tay mập mạp của Ba Bảnh chỉ thẳng lên trời, rồi lại nhìn thẳng vào ánh mắt khẩn cầu của anh ta, tôi tò mò hỏi:

– Anh vẫn còn sợ sâu hả?

– Ai… ai mà không… sợ chứ… – Ba Bảnh mếu máo trả lời.

– Anh là ma rồi đó. Sợ làm gì mấy con sâu đó chớ. – Tôi nhắc nhở Ba Bảnh.

– Ma cũng có nhiều loại ma mà, trên đời này cũng có ma nhát gan tồn tại chứ bộ! – Ba Bảnh bỗng nhiên run lập cập, nhắm mắt thét lên chói lói, có lẽ là tại nhớ tới lũ sâu.

Tôi phì cười. Không phải tất cả những người phạm tội lãng phí thức ăn đều ở tại nông trường để làm việc đền tội, phần lớn đều được đưa vào Thung Cữu Địa Ngục[3]. Chẳng qua là do dân số loài người càng lúc càng tăng, cơm no áo ấm, đâm ra lượng người lãng phí lương thực tăng lên khá cao. Thế là Thung Cữu Địa Ngục quá tải. Phán quan đành phải đưa bớt một phần tội nhân sang đây để chia sẻ vài phân gánh nặng. Gọi là tội nhân vậy thôi chứ thật ra họ không phải là phường ác ôn gì, đa số đều có hoàn cảnh sinh hoạt đủ đầy, nếu so sánh với các loại tội phạm khác thì họ hiền lành và nhát gan hơn rất nhiều, đặc biệt là những cậu ấm cô chiêu như Ba Bảnh.

– Không được. – Tôi trả lời dứt khoát.

– Ôi không… – Ba Bảnh thất vọng rên rỉ.

Tôi không vì gương mặt đáng thương đó mà dao động, xua tay đuổi người. Tuy rằng Chị Lúa đời thứ nhất – người quản lý đầu tiên của nông trường – đặt ra luật không cho phép sử dụng các loại hóa chất độc hại cho cây trồng, dẫn đến việc bắt sâu bệnh phải dùng đến sức người, thế nhưng làm ruộng bắt sâu nhẹ nhàng hơn việc chịu hình phạt giã chày rất nhiều. Đã thế, người bắt sâu còn không phải là bọn họ mà là tôi đây này.

– Anh cứ yên tâm, hôm đó tôi sẽ thiết lập một kết giới để bảo vệ ruộng, bao chắc luôn. Mọi người đừng ai đứng cao hơn ngọn cây lúa thì tôi đảm bảo sẽ không có việc gì đâu.

– Nhưng mà tôi chỉ cần nhìn thôi đã thấy sợ rồi cô à… – Ba Bảnh lí nhí trả lời. Tôi xác định gan của anh ta không to hơn gan thỏ là bao.

– Sợ thì nhắm mắt lại. Nếu tôi nhớ không lầm thì anh còn phải cày một vạn hai trăm bảy mươi lăm vụ lúa nữa mới trả sạch tội đó anh Bảnh. Tôi khuyên anh nên tập làm quen dần đi. Không quen nhìn thì cũng phải quen nhắm mắt và đếm số. Một hai ba là được. Tôi nhanh lắm.

Ba Bảnh bị tôi từ chối thỉnh cầu, thất vọng gục đầu, uể oải đi xa; tôi vẫn đứng ở trên bờ ruộng nhìn về phía các ma vừa giả vờ làm việc vừa dỏng tai nghe lén ở gần đó, nhe răng cười tươi. 

– Mọi người nhớ nha, hôm đó ai mà nghỉ thì từ rày về sau tui cho người đó tự mình đi bắt sâu. Hứa thiệt đó!

Mọi người nhìn thấy tôi cười mà cứ như chuột nhìn thấy mèo, giật mình vâng vâng dạ dạ, rụt đầu chăm chăm vào công việc trong tay, hiệu suất so với lúc ban đầu cao hơn gấp đôi. Cũng vào lúc này, một quả bóng bay phát sáng ở trên cao đột nhiên tét ra cái miệng lớn, vừa thở hồng hộc vừa hỏi vọng xuống bên dưới: 

– Chị ơi, cây lúa đã phơi đủ nắng chưa?

Nghe thấy tiếng kêu gọi, tôi bèn búng tay gọi ra một khối chóp tam giác; bốn mặt của khối đa diện biến chuyển liên tục giữa màu xanh dương và màu đỏ đen. Đây là một pháp thuật nhỏ nhưng khá thú vị, được thiết kế dựa trên một vài thuật toán để đo lường cường độ quang hợp của cây trồng; là một công cụ cực kỳ cần thiết cho việc trồng trọt tại vùng đất u ám quanh năm như Âm phủ.

– Đủ rồi, nghỉ thôi! 

Tôi vội kiểm tra số liệu hiển thị trên khối đa diện rồi ngửa đầu hô to, đồng thời nhảy lên cao, hai tay dang rộng. Lúc này, quả bóng bay tựa như bị mở nút thắt, ùng ục thoát khí ra bên ngoài. Nó nhanh chóng xì hơi rồi rơi xuống, bị tôi đón được ôm trọn vào lòng. Đây chính là mặt trời của Âm phủ, một con cá nóc. Không còn vẻ căng phồng to lớn như lúc ban đầu, mặt trời của tôi đã thu nhỏ về lại kích thước của một quả bưởi có màu vàng chanh; bụng của bé cá lúc này xẹp lép, cái miệng rộng lại ngoác to ra, hớp lấy hớp để từng ngụm không khí mát lành.

Mặt trời không thể xuyên qua lớp đất dày để chiếu rọi xuống Âm phủ, cây trồng lại không thể phát triển tốt đẹp nếu như thiếu ánh nắng, vạn vật không thể sinh sôi khi thiếu mất sinh cơ. Nhìn Âm phủ ngập tràn tử khí, tổ tiên của tôi đã khẩn cầu Thánh Mẫu[4], cầm lấy pháp lệnh của Bà đi đến vùng biển xa ở hướng Đông tìm gặp Long Quân, xin phép ngài ấy được mang về một con cá nóc. Sau đó, dưới sự hợp lực của chín vị Diêm Vương, cá nóc nhỏ được hóa phép để có thể sống không cần nước, đồng thời có được năng lực ngao du giữa hai cõi âm dương. Mọi người gọi nó là Cá nóc Âm phủ, nhưng đối với riêng tôi, đó là món báu vật quý giá nhất trần đời, là đứa trẻ nhỏ mà tôi phải luôn chăm sóc, bảo vệ.

– Cục Vàng ngoan, ráng chịu chút nha em.

Cả người cá nóc nóng hổi. Dù chẳng còn thân thể, tôi vẫn có thể cảm giác được đôi tay mình đang đau đớn vì cháy bỏng. Tôi ngồi xổm xuống, lấy ra một cái bình giữ nhiệt từ trong túi bách bảo đeo chéo bên hông, vặn mở nắp rồi đổ xối xả lên khắp người cá. Tựa như nước lạnh xối vào than nóng, từng tiếng xèo xèo nối tiếp nhau vang lên mỗi khi dòng nước chạm vào làn da của cá nóc nhỏ. May mắn cái bình tôi đang cầm vốn có sức chứa rất lớn, lượng nước ở bên trong tương đương với một cái hồ cỡ vừa, được tôi nhờ quỷ sai lấy từ nơi lạnh nhất của Âm phủ, hoàn toàn đủ để tưới nguội Cục Vàng của tôi.

Mỗi ngày vào lúc bình minh, cá nóc nhỏ sẽ tránh né ánh mắt giám thị của nhà Trời mà trốn lên trần gian, lén lút nuốt chửng những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Khi cái bụng trông thì nhỏ bé nhưng có sức chứa vô hạn đó đã căng tròn, Cục Vàng sẽ trở về nông trường Âm phủ, tự mình hóa thành một quả mặt trời nhỏ chiếu sáng cho cây cối của nơi đây. Nhưng dù hành vi đấy có ý nghĩa cao đẹp đến thế nào, trộm cắp vẫn là sai trái; ánh nắng vốn không thuộc về cá nóc, cho nên nó đốt cháy thằng bé từ trong ra ngoài, đau đớn đeo theo thằng bé mỗi ngày, kéo dài hơn bảy mươi năm.

Nước lạnh thấm ướt quần áo, nhểu tí tách xuống đất ruộng khiến nơi tôi đang ngồi hóa thành một bãi sình lầy; tuy cả người rét căm căm nhưng tôi không có ý định tìm nơi sưởi ấm, thay vào đó, tôi ôm Cục Vàng chặt hơn, để hơi lạnh trên người mình truyền sang cho em ấy nhiều hơn, lại dùng lượng nước ít ỏi còn lại trong bình đút cho thằng bé vài ngụm.

– Mệt lắm không em? Còn khó chịu không em?

Tôi vuốt ve thân hình xẹp lép của Cục Vàng, nhẹ nhàng sợ làm đau cá nhỏ, cẩn thận hỏi han. Con cá nóc nhỏ hé đôi mắt lồi nhìn tôi, đãi giọng trả lời:

– Mệt, xỉu, á. – Chất giọng nghe như của một đứa trẻ năm tuổi.

– Ôi, chị thương quá. Em uống thêm miếng nữa đi Cục Vàng, nước vẫn còn đây.

Tôi xắng xít đưa miệng bình tới gần miệng cá, thế nhưng lần này Cục Vàng không thèm hé miệng. Nó nhìn thẳng tôi, lộ rõ tim đen mà đưa ra yêu cầu:

– Muốn đi bơi. Đi bơi mới hết mệt được.

Tuy rằng đã được hóa phép để sống không cần nước, nhưng dù sao trong tên Cục Vàng vẫn còn tồn tại chữ “cá”. Cá thì không thể sống thiếu nước, cho nên đôi lúc, Cục Vàng cũng sẽ tranh thủ nhõng nhẽo với tôi để được đi bơi. 

Sông suối ở Âm phủ vốn không nhiều lắm. Phổ biến nhất thì một là Hoàng Tuyền, hai là Vong Xuyên. Tôi không cần suy nghĩ, lập tức quyết định đi Vong Xuyên. Không phải tôi chê Hoàng Tuyền nhỏ, chỉ là nơi ấy có quá nhiều ma mới. Đa phần ma mới đều không hiểu luật lệ của Âm phủ, tôi sợ bọn họ bắt Cục Vàng của tôi lên nướng ăn. Vong Xuyên tốt hơn. Các ma đều đã nghe đến tên tôi, thậm chí đã từng ăn hạt gạo do chính tay tôi trồng, Cục Vàng góp công. Mấy người đó không đói khát tới nỗi một con cá nóc nhỏ cũng chẳng buông tha.

– Được. Thông qua. Vong Xuyên như cũ há! – Tôi gật đầu chấp thuận yêu cầu của Cục Vàng.

Con cá nóc nhỏ vui mừng đến đỗi nhảy cẫng lên hò reo bằng cái bụng tròn vo. Cục Vàng là một chú cá nóc ngoan ngoãn. Thằng bé không bao giờ để lộ ra những cái gai sắc chứa đầy chất kịch độc của mình khi ở bên cạnh đồng bọn. Nếu không, bàn tay của tôi lúc này đã lủng vô số lỗ kim bởi hành động phấn khích đó. Nhìn dáng vẻ ngây thơ của cá nóc nhỏ, tôi đành mỉm cười lắc đầu, đặt Cục Vàng lên vai rồi nhặt lên một khối đất ruộng. 

– Xem nào, để chị nặn một con rối.

Tôi bắt đầu niệm chú. Theo từng âm tiết phát ra, đất ruộng vỡ nát trong lòng bàn tay, nhúc nhích cựa quậy, xoay tròn rồi kết lại với nhau, tự mình đắp nặn thành một tượng đất tí hon có hình dạng giống y như tôi. 

Tượng đất này sẽ giúp trông coi nông trường mỗi khi tôi vắng mặt. Nhìn tượng đất dần bay cao bay xa, tôi mang theo Cục Vàng xoay người rời khỏi ruộng lúa, vừa bước đi vừa vui sướng ngâm nga.

Con cò bé bé, nó đậu cành tre.

Đi không hỏi mẹ biết đi đường nào?

– Đi Vong Xuyên!

Cục Vàng hồ hởi hô lên. Tôi cười khanh khách, gật đầu đồng ý.

– Ừ. Mình đi Vong Xuyên.


____________________

Chú thích.

[1]. Đan sa, thanh hoạch: hai loại khoáng vật có màu đỏ và màu xanh, được sử dụng để làm màu vẽ.

Đan sách: Sách son ghi lại công trạng.

Thanh sử: Sử xanh ghi lại sự kiện lịch sử.

[2]. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại sự kiện vua Lê Đại Hành thực hiện nghi lễ tịch điền: “Đinh Hợi [Thiên Phúc năm thứ 8 (987), Tống Ung Hy năm thứ 4]. Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”. Sau, dân gian truyền miệng lại một thuyết về vua Lê và câu chuyện khuyến nông “Vàng cùng nắm xôi”. Câu nói được sử dụng trong truyện được trích từ trong thuyết ấy.

[3]. Thung Cữu Địa Ngục: tầng thứ mười hai trong mười tám tầng địa ngục, trừng phạt những kẻ phí phạm thức ăn khi còn sống.

[4]. Thánh Mẫu: tôn xưng tác giả đặt ra cho cư dân của Âm phủ khi họ nhắc đến người đứng đầu của nơi này. Dựa trên thuyết về Quảng Cung công chúa, người đã tạo ra Âm phủ trong truyền thuyết của người Việt.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}