Phần 4: Mùi thuốc súng


Sau Cách mạng tháng Tám, phần lớn chiến sĩ được lệnh vào chiến trường miền Nam chiến đấu đã hy sinh, chỉ còn lại vài người là nguyên vẹn trở về. Trong số đó có anh Mạnh.

Trong thời kì kháng chiến, anh Mạnh đóng vai con trai một đội trưởng trong bè lũ Việt gian, sinh hoạt trong Việt minh như một gián điệp. Nhưng anh thật ra lại là phần tử hai mang được quân ta cử sang. Ở đó, anh được tín nhiệm và trở thành một trong những quân chủ chốt của chúng. Nhờ đó, không ít lần chúng tôi phá được kế hoạch của bọn chúng. Nhưng không may, trên đường trở về từ Sài Gòn, anh đạp trúng mìn mà mất.

Tình thế dở dang, chúng tôi buộc phải lựa chọn một chiến sĩ để thay thế anh Mạnh. Trong cái rủi, lại có cái may, anh Mạnh là con của đội trưởng, lại được quân ta trong phe phản động hỗ trợ nên dù chưa từng lộ mặt trước quan chức cấp cao của bọn thực dân nhưng chúng rất tín nhiệm anh.

Và thế là, một cuộc họp khẩn cấp được mở ra. Trong số các binh sĩ tại ngũ, người thì còn gia đình, người thì không đủ tiêu chuẩn. Chỉ có tôi, là đạt được tất cả yêu cầu kia. Theo lẽ tất yếu, tôi là người được chọn.

Sau đó, tôi phải dành thời gian học thuộc tất cả những thói quen, sở thích, giọng điệu, ký ức của anh Mạnh. Nửa tháng sau, tôi tiến vào miền Nam, nhưng với cái tên mới: Sanh.

Khi hoạt động ở miền Nam dưới danh nghĩa “Sanh”, tôi không những phải khéo léo gạt bỏ nỗi nghi ngờ của đám Việt gian và thực dân, mà còn phải cẩn thận không để An và chị Thái bắt gặp. Sau khi quay lại chiến khu ở miền Bắc, tôi gặp lại An. Em gầy đi nhiều quá, và trông em trưởng thành hơn nhiều. Chiến tranh đã bào mòn tuổi trẻ của em đến thế ư? Tôi đã nghĩ vậy, đau lòng biết bao. Nhưng khi em nhìn thấy tôi, dường như em vẫn là cô xung phong nhỏ bé năm nào, vẫn còn tươi vui và tràn đầy sức sống. Hóa ra, em chẳng thay đổi gì cả, chỉ là em khoác lên mình lớp vỏ cứng cáp hơn thôi, và đôi mắt em vẫn long lanh như ngày đầu.

Khi Khang chết, tôi cũng có mặt. Tôi đã chứng kiến cậu chiến đấu kiên cường thế nào, thấy cậu từ từ lịm đi vì mất máu ra sao, và thấy cậu nhìn về phía tôi với sự cảm kích như nào. Không chỉ cậu, cả chị Thái nữa. Chị đã nhanh chóng tiếp cận bọn chúng, chỉ xui cho chị, thằng Vĩnh đã nhìn thấy chị. Sau đó nó nhìn thấy tôi. Và như ngộ ra điều gì, nó trợn trắng mắt.

Thật may sao, anh Trí đến đúng lúc. Tôi liền lao ra bắn đúng một viên vào đầu thằng Vĩnh. Nó vẫn nhìn tôi, chết không nhắm mắt. Sau đó, như ong vỡ tổ, bọn đàn em thằng Vĩnh cũng phát hiện ra. Chúng nó chạy trối chết vào trong rừng. Nhưng rừng là địa bàn của tôi. Đến sáng hôm sau, tôi đã giết hết được bọn chúng.

Tôi trở về quân khu khi trời mới tờ mờ sáng. Lúc ấy, một cơn mưa ào xuống. Tôi đứng dưới mưa, cúi đầu nhìn máu trên người mình trôi theo dòng nước. Ừ nhỉ, máu của bọn chúng cũng có màu và mùi tanh như máu của quân ta vậy. Vậy có khi nào, tôi cũng đã thật sự trở thành bọn chúng mà không biết hay không?

Tôi đã nhìn thấy những người vợ mất chồng, những người con mất cha, những người em mất anh và những gia đình không còn tiếng cười của người con trẻ. Trong số họ không chỉ có người Việt mà còn có cả người Pháp, người Anh, người Nhật. Và có những người lính bị ép phải ra trận, bị ép phải nhuốm máu bàn tay mình, phải giết hại những người vô tội khác. Suy cho cùng, cũng chỉ có chiến tranh là độc ác.

Cuối năm 46, bọn thực dân quay lại miền Bắc. Trong một lần đi tuần, bọn tôi thấy An. Nói đúng hơn, là tôi thấy em. Vì bọn chúng nào có thể nhận ra em, bọn chúng chỉ thấy thấp thoáng bóng em. Còn tôi, tôi đã khắc sâu dáng vẻ của em vào trong tâm trí dù cho em có thay đổi như thế nào. Khi gặp lại em, em nhìn tôi với ánh mắt thù địch và cảnh giác. Điều đó tôi nghẹn lại. Em đã bóp cò, nhưng súng em hết đạn. Thật may làm sao, tôi đã nghĩ vậy. Thật may vì em không bắn tôi, nếu không, bọn chúng cũng sẽ chôn em theo cùng. Nhưng cũng thật không may, vì em sẽ phát hiện ra sớm thôi.

Như tôi dự đoán, em đã đến tìm tôi. Thật trớ trêu làm sao, đó lại là lúc tôi đang hành xử khốn nạn và vô nhân tính như vậy. Tối hôm đó, tôi ngồi đợi em. Trong đầu tôi lúc ấy là bao suy nghĩ và tưởng tượng về những gì em sẽ nói với tôi, những gì tôi sẽ nói với em, những gì chúng ta sẽ dối lòng.

Tôi đã ngỏ ý đưa em đi. Tôi thật sự mệt rồi. Tôi ghét tay mình phải nhuốm máu, máu của đồng đội, máu của kẻ thù, máu của tôi. Tôi cũng ghét cảnh giả vờ như thế này rồi. Tôi đã lệch lạc rồi. Nhưng rồi em tấn công tôi. Phải rồi, cô gái nhỏ của tôi còn có thể chống chịu những điều đó, sao tôi có thể buông bỏ được.

Đêm hẹn, như lệnh của quân khu, tôi đứng trước kho lương của bọn chúng.

- Tha thứ cho anh, An. Anh đành trót lừa em lần cuối cùng này. Mong em sống sót qua chiến tranh và mạnh khỏe suốt phần đời còn lại.

Tôi thì thầm vào trong gió, mong những lời chúc này sẽ tới được nơi em. Rồi tôi bật lửa lên, bước vào trong kho. Tôi nhắm mắt cảm nhận từng tấc da đang nóng hổi. Chỉ mong sau khi tôi đi, chúng sẽ không phát hiện ra những đồng chí khác. Và dường như trong khoảnh khắc tôi lịm đi, tôi nhớ về cái ngày ấy.

Lúc ấy, bốn, năm tên Việt gian xông vào nhà tôi. Chúng kéo tôi và mẹ ra giữa sân. Hai trong số chúng đè mẹ tôi xuống đất, tay nắm tóc bà. Tôi toan chạy lại thì bị hai tên khác giữ chặt. Tôi sợ hãi gằn giọng quát:

-Bọn mày định làm gì! Đừng có động vào mẹ tao!

Bọn chúng khoái chí cười ré lên. Tôi nhìn mẹ. Mẹ đỏ mắt nhìn về phía tôi, gượng cười nói nhỏ:

-Sơn, nhắm mắt lại đi con, đừng nhìn mẹ…

Nỗi chua xót và phẫn nộ ngập tràn trong tâm trí tôi. Nhưng trong đó nổi bật nhất là đôi mắt của mẹ, như van xin, lại như nhục nhã. Tôi nhắm mắt lại, quai hàm nghiến chặt, mũi cay xè. Rồi tôi chợt nghe tiếng gào lên vì đau đớn, xen lẫn trong đó là tiếng khóc thống khổ của mẹ và điệu cười man rợ của lũ khốn kia. Bất chợt, ánh sáng gay gắt rọi thẳng vào mắt tôi. Chúng đã dùng tay kéo mí mắt tôi ra. Gần như ngay lập tức, tôi nhìn thấy sự kinh sợ trong ánh mắt mẹ. Và từng dòng nước mắt mẹ chảy xuống. Lúc này tôi mới kịp nhìn thấy điều trước mắt mình. Chúng nó thay phiên nhau cưỡng bức mẹ tôi. Tôi bất lực hét lên:

-Thả ra! Thả mẹ tao ra! Mấy thằng khốn!

Nhưng không có ai đáp lời, chỉ có tiếng cười đùa khoái chí, tiếng thở dốc, sự tủi nhục của mẹ, và cả sự tuyệt vọng của tôi tồn tại trong không khí.

Tôi cúi đầu, không dám nhìn mẹ, và tôi biết mẹ cũng không muốn bị tôi nhìn thấy mẹ bị sỉ nhục như thế này. Bỗng bên tai tôi vang lên một tiếng:

-Sơn, con…

Tôi ngẩng đầu nhìn mẹ. Trán mẹ rịn mồ hôi, đôi môi tái nhợt không sức sống. Mẹ mỉm cười, mấp máy môi: “Mẹ yêu con”. Tôi sửng sốt nhìn mẹ. Từ trong khóe miệng mẹ chảy ra một dòng máu. Cho đến cuối cùng, mẹ vẫn mong tôi nhìn thấy bà ra đi một cách dịu dàng nhất, và đôi mắt mẹ vẫn luôn nhìn về phía tôi đầy trìu mến. Tôi lặng người, không thể tin mẹ đã ra đi như thế, một cách thật nhục nhã. Người tôi run lên vì phẫn nộ, nước mắt không ngừng tuôn ra. Nhưng tôi không thể làm gì, cũng không thể trả thù cho mẹ.

Không biết qua bao lâu, bọn chúng mới thỏa mãn rời đi. Bọn chúng đã thay phiên nhau hành hạ cái xác vô hồn của mẹ tôi. Kể cả khi đã chết, mẹ vẫn không được yên ổn. Chúng đi rồi, tôi cứng đơ người một lúc, rồi tiến đến bên mẹ.

Tôi run rẩy chạm vào gò má mẹ. Rồi tôi nhìn một lượt người mẹ, đầy những vết dơ bẩn của lũ khốn nạn đó. Tôi vuốt mí mắt để mẹ nhắm mắt lại, rồi nằm xuống bên mẹ. Tôi ôm cánh tay mẹ, nhắm mắt, rấm rứt khóc. Nhưng càng khóc, sự căm thù trong tôi càng bùng cháy lên. Và tôi gào lên.

Bỗng nhiên lúc này, tôi thấy hận ba tôi vô cùng. Tôi hận vì ông đã trở thành một quân nhân, khiến cho bọn Việt gian quay lại trả thù mẹ. Tôi hận ông đóng quân tại ngũ, không thể bảo vệ mẹ trong những lúc này. Nhưng hơn hết, tôi hận bản thân mình vì đã vô dụng như vậy.

-Ôi trời!

Tiếng chị Hương vang lên. Tôi không quay đầu lại, vẫn ôm tay mẹ khóc. Chị Hương bước đến kéo tôi dậy. Chị gọi:

-Cậu Sơn…

Chị nghẹn giọng, mắt chị rơm rớm. Tôi ôm chị, khóc rống lên:

-Chị ơi, mẹ em… mẹ em…

Chị siết chặt tay hơn, và tôi cảm giác bả vai mình ươn ướt.

Sau đó, tôi bế mẹ vào giường trong, tôi nói chị:

-Chị làm ơn tắm rửa, thay đồ cho mẹ em với. Mẹ em không thích ở bẩn.

Chị Hương không nói gì, chị gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Tôi ra trước nhà ngồi, bần thần, vô định. Từ xa, bóng chú Tư hớt hải chạy đến. Chú nhìn tôi, rồi như ngộ ra mọi chuyện, mắt chú đỏ lên, chú che miệng thở. Rồi chú định thần lại, nói:

-Tao đánh điện cho ba mày.

Chú đang định đi thì tôi gọi với lại:

-Chú làm ơn, tìm dùm con một phần đất để con chôn mẹ con…

-Được, được, để chú…

-Chú nhắn cho ba con là mẹ bị người ta cưỡng bức tới chết, ba về gặp mẹ mau đi.

Chú sửng sốt nhìn tôi, mặt sầm xuống. Rồi chú hỏi tôi, giọng run run:

-Sao…sao mày biết?

Tôi ngước lên nhìn chú bằng đôi mắt mà sau này chú miêu tả là hằn lên sự hận thù và bi phẫn, nhẹ giọng:

-Con tận mắt nhìn thấy.

Nói rồi tôi lại cúi gằm mặt xuống đất, không dám nhìn vẻ mặt sửng sốt của chú. Tiếng chân chú xa dần, kéo theo cả sự sống đi khỏi căn nhà này.

Xác mẹ tôi được chôn dưới một gốc cây ở sân sau. Ba ngày sau khi mẹ tôi chết, ba tôi trở về. Tôi bước từ ngoài cổng vào, liền nghe tiếng khóc u oán từ đâu vọng tới. Tôi đi vòng ra chân sau. Một thân hình gầy gò đang gục đầu bên mộ mẹ tôi than khóc. Tôi lẳng lặng bỏ vào bếp nấu cơm. Cả căn nhà chìm trong sự âm u đau buồn. Chúng tôi không nói nhau câu nào, vì chỉ nhìn mặt nhau, chúng tôi đã thấy nghẹn ngào không nên lời.

Ba tôi chỉ xin về phép được một ngày, sáng ngày mai, ông phải quay về chiến khu. Tối hôm đó, nằm trong buồng, tôi nghe tiếng húng hắng ho của ba. Tôi lặng lẽ nhìn ông từ phía sau. Ông ngồi bệt trước cửa, tay cầm vò rượu, vừa uống vừa rì rầm khóc. Trông ông trở nên tiều tụy như già đi cả chục tuổi. Nỗi hận ngày nào đã tan biến, tôi xót xa nghĩ hẳn là ba cũng tự trách mình nhiều lắm, giống như tôi vậy. Vậy mà tôi đã trút giận lên ba, dù ông không có lỗi gì cả. Đêm ấy là một đêm mất ngủ. Tôi chìm đắm trong những suy tư, và rồi tôi nảy ra một ý nghĩ táo tợn.

Sáng sớm hôm sau tôi viết vội bức thư nhờ chị Hương và chú Tư trông coi nhà cửa và phần mộ của mẹ. Lúc ba leo lên xe, tôi chạy ra, gọi với:

-Ba! Cho con đi nữa!


-HẾT-


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}