Phần 3: Viên đạn


Anh tôi chết rồi. Mỗi ngày trôi qua thật vô nghĩa. Mỗi một thứ đều đang nhắc tôi về anh. Anh tôi là đứa con trai độc đinh của dòng họ. Anh có tài nhưng lại theo chúng bạn ham chơi. Gia đình tôi cũng khấm khá nên anh chẳng thiếu thứ gì. Nhưng thời thanh niên nông nổi, anh chỉ muốn tự do theo ý mình. Cho đến khi chiến tranh nổ ra.

Mỗi lần nghĩ về anh, mắt tôi lại nhòe đi. Anh từng là con người lạc quan và yêu đời. Gương mặt anh lúc nào cũng vui vẻ và sáng sủa. Những ngày thơ bé, dù bà nội chỉ chia quà cho anh mỗi khi đi chợ về, nhưng anh lúc nào cũng chia cho tôi một nửa, rồi cười thật tươi. Anh từng là người có tương lai xán lạn, rộng mở. Vậy mà…lại bị chúng tra tấn đến chết.

Nhưng không chỉ anh tôi, chị Thái cũng vậy. Trước đây, chị lúc nào cũng hăng hái, nhiệt tình xung trận. Đôi mắt chị lúc ấy ánh lên niềm tự hào và khát vọng cống hiến. Nhưng sau sự việc ấy, chị không thể làm gì hơn là nằm một chỗ. Và đôi mắt của chị, giờ đây không còn ánh sáng nữa, mà chỉ còn một mảnh đục ngầu. Mỗi ngày trôi qua, chị Thái cứ thoi thóp một chỗ, lắng tai nghe tiếng than khóc của đồng bào mà tim đập từng hồi trong lồng ngực, lý trí thì muốn đứng lên chiến đấu, nhưng cơ thể chị hệt như một khúc gỗ vậy.

Có những lần, tôi đến thăm chị. Vừa nghe tiếng của tôi, chị liền rơi nước mắt. Chị khẽ chạm vào tay tôi, khàn giọng thì thầm:

-Xin…xin lỗi em…xin lỗi em…

Chị cứ lặp đi lặp lại như vậy. Rồi chị khóc. Tôi cũng khóc. Nhìn chị như vậy tôi cũng đau lòng biết chừng nào. Tôi biết chị tự trách mình nhiều lắm và cũng mang ơn tôi nhiều lắm. Nhưng tôi chưa bao giờ trách chị, cũng chưa từng mong chị mang ơn tôi. Ngược lại, tôi mới là người cần đền ơn cho chị. Nếu không có chị, chắc có lẽ tôi đã bỏ mạng nơi chiến trường, hoặc trở thành con gà rụt rổ trốn trong góc, trong khi đồng đội mình hy sinh ngoài kia.

Anh Khang và chị Thái là một trong những chiến sĩ nòng cốt của lực lượng Việt Minh. Biết tin cả hai đều gặp chuyện, đơn vị tôi như mất đi nguồn động lực chiến đấu, ai ai cũng đầy sợ hãi và lo lắng.

Đêm hôm đó, tôi đến tìm anh Sơn. Anh đang kể chuyện đơn vị cho chị Thái và anh Trí nghe. Trước mặt ba người, tôi nói:

-Em muốn thay chị Thái dẫn quân ra Nam Kỳ.

Hai người đàn ông sửng sốt nhìn tôi. Còn chị Thái chỉ im lặng. Chị quay mặt đi, lặng lẽ rơi nước mắt.

Đêm ấy, đơn vị của tôi tập hợp lại. Anh Sơn trao cho tôi khẩu súng của chị Thái. Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi và sự có mặt của tất cả đồng chí trong đơn vị, anh dõng dạc nói:

-Thưa các đồng chí, đồng chí Khang và đồng chí Thái là hai đồng chí đã đóng góp rất nhiều sức lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, giờ đây họ đã không thể tiếp tục phục vụ cho cách mạng do chấn thương mà bọn thực dân đã gây ra. Chúng đã tra tấn họ đến tàn phế và nhẫn tâm giết hại đồng chí Khang. Giờ đây, chúng ta phải biến sự đau buồn và xót thương ấy thành động lực chiến đấu. Dù không thể sát cánh cùng chúng ta, nhưng lý tưởng và khát vọng độc lập tự do cho dân tộc của họ là điều sẽ mãi tồn tại trong mỗi chúng ta. - Nói rồi, anh quay sang tôi. - Hôm nay, theo nguyện vọng của đồng chí Thái, tôi xin trao lại cây súng này cho đồng chí An, để đồng chí thay mặt đồng chí Thái dẫn dắt đội của mình, đem về chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.

Anh Sơn đặt khẩu súng vào tay tôi, trịnh trọng đưa tay chào. Tôi nghẹn ngào khịt mũi, lòng đầy thành kính nhận lấy. Anh Sơn lại nói tiếp:

-Thưa các đồng chí, hiện nay, miền Nam của chúng ta đang lâm vào cảnh khó khăn, họ đang cầu viện trợ từ chúng ta. Trung đội của đồng chí An cùng một vài đội khác sẽ tiến vào miền Nam hỗ trợ chiến đấu. Quyết tâm đánh đuổi bọn thực dân! Quyết tâm giành độc lập thống nhất đất nước! Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

-Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

Theo tiếng hô hào của anh Sơn, chúng tôi cũng đồng thanh hô vang, tạm gác nỗi xót thương sang một bên mà cùng nhau hướng về miền Nam, hướng về độc lập tự do.

Ngày 23 tháng 9, quân đội Pháp bất ngờ đánh úp vào Sài Gòn - Chợ Lớn. May mắn thay, chúng tôi đã kịp thời chống trả quyết liệt và bao vây quân đội Pháp trong thành phố. Trước tình cảnh đó, chính quyền Nam Bộ đã họp tại phố Cây Mai, Chợ Lớn. Ngày 24 tháng 9, Chính phủ Việt Nam ra Huấn lệnh gửi quân dân Nam Bộ. Chúng tôi được lệnh sơ tán người dân khỏi phạm vi thành phố, đặt Sài Gòn vào tình trạng cô lập. Ngày 26 tháng 9, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương "lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ". Cùng ngày, Chính phủ lại ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân "Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ". Nghe được những lời đó, chúng tôi càng hăng hái hơn.

Sau gần mười ngày giằng co, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ đã nối lại đàm phán với quân đội Pháp, hai bên tạm thời ngừng bắn. Trong suốt quá trình thương lượng, chúng tôi đã triển khai quân đội xung quanh Sài Gòn tại các vị trí chiến lược phía Bắc và phía Nam thành phố. Đêm ngày 10 tháng 10, chúng tôi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng so với lực lượng quân đội Việt Nam còn non trẻ với vũ khí thô sơ, lực lượng phe địch lại ngày càng tăng lên với sự hỗ trợ của quân Anh và Nhật cùng trang thiết bị tối tân. Đến ngày 16 tháng 10, chúng tôi buộc phải ngừng bao vây Sài Gòn và rút quân về nông thôn để bảo toàn lực lượng và của cải.

Trước tình hình đó, đối mặt với sự tấn công dữ dội bằng bom đạn của quân đội Anh, Pháp, Nhật và các phần tử phản động nằm trong các đội nhóm kháng chiến lợi dụng quyền hành để bóc lột nhân dân, tinh thần kháng chiến của các binh sĩ ngày càng đi xuống. Ngày càng nhiều các tổ chức cách mạng tách ra riêng rẽ để hoạt động.

Tháng 12 năm đó, tòa án quân sự xét xử tất cả các chỉ huy quân sự lợi dụng danh nghĩa kháng chiến để cướp bóc, quấy nhiễu dân chúng được tổ chức. Và suốt gần một năm tiếp theo, chúng tôi đã đối đầu trực diện với bọn thực dân cả ở chiến trường thực tế lẫn ở chiến trường trên giấy.

Mùa đông năm 46, Pháp quay lại đánh chiếm Hải Phòng. Trung đội tôi lại di chuyển ra Bắc để viện trợ. Trong một lần chạy trốn đám thực dân, tôi bị tách khỏi đồng đội của mình, phải trốn trong một cái thùng gỗ nằm sâu trong cái hẻm nhỏ.

Tôi ngồi trong bóng tối, nín thở nghe người từ xa truyền tới.

-Sanh, qua đó kiếm đi!

Tôi lặng lẽ lên nòng, dỏng tai nghe tiếng chân đang ngày càng đến gần. Ngay lúc nắp thùng được mở ra, ánh nắng chói lóa chiếu vào mắt tôi. Tôi vội nhắm mắt bóp cò, thầm nghĩ ít ra dù có bỏ mạng ở đây thì tôi cũng đã kéo theo được một tên thực dân chết cùng. Nhưng không có chuyện gì xảy ra cả. Súng hết đạn!

Tôi sững sờ nhìn vào khẩu súng trên tay, sống lưng lạnh buốt. Rồi tôi chầm chậm ngẩng đầu lên. Lúc này, mắt tôi đã thích nghi được với ánh sáng, và tôi nhận ra người trước mắt tôi là anh Sơn.

Tôi nhìn anh trong hoang mang và sợ hãi, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Còn anh chỉ cau mày, im lặng nhìn tôi. Ánh mắt anh xa lạ như thể tôi là một vật vô tri vô giác. Rồi như một người khác, anh đóng nắp thùng lại, vừa đi vừa nói:

-Không có gì hết…

Không biết bằng cách nào, tôi về tới chiến khu. Tôi bối rối với những suy nghĩ đang nảy nở trong mình mà không dám hỏi ai, cũng không dám nghĩ tới. Tối hôm đó, tôi đánh điện ra Hà Nội. Mỗi một hồi chuông reo lên là một lần trái tim tôi ngừng đập. Giọng anh Trí vang lên kéo tôi về thực tại. Và tôi nghe giọng mình run run:

-Anh Sơn…có ở đó không hở anh?

Không có ai đáp lại tôi. Từng giây từng phút trôi qua, niềm tin trong tôi lại dần chết đi một chút. Có lẽ nào…

-Sơn…bị khai trừ khỏi quân ngũ rồi. - Anh ngập ngừng.

Tôi đứng lặng người, không thể tin vào tai mình.

-Tại sao vậy anh? - Tôi hỏi gấp rút.

-Nó…nó là Việt gian…

-Không thể nào! - Tôi ngắt lời anh. - Sao…

-Nó bị bắt quả tang từ mấy tháng trước rồi.

Mãi một lúc lâu sau tôi mới lấy lại được giọng nói của mình. Anh Trí đã cúp máy từ lâu. Đêm đó, tôi chìm trong sự hốt hoảng và cảm giác mông lung. Nhưng hơn hết, tôi tin anh Sơn không phải người như vậy. Anh đã đưa cách mạng đến với hai anh em tôi, anh đã kề bên chúng tôi mà chiến đấu, đã cùng tôi vực dậy tinh thần của các chiến sĩ. Một người như thế sao có thể làm Việt gian được. Không! Nhất định không phải! Người mà tôi yêu không thể là Việt gian được…

Ngày hôm sau, tôi lấy cớ đi tuần tra để tìm anh Sơn. Tôi đi mãi đi mãi, cho đến khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ con từ đâu vọng tới. Tôi lén núp sau một tòa nhà, nhìn về phía tiếng khóc. Một đám thực dân đang bắt một cặp vợ chồng đi, để lại đứa con gái chừng bảy, tám tuổi chạy theo. Đứa bé ăn vận tàn tạ, mặt mũi nhem nhuốc, vừa đuổi theo bọn chúng vừa khóc rống lên:

-Ba ơi…! Má ơi…!

Một tên trong bọn chúng quay người lại, dùng báng súng đập một cái “bộp” vào người đứa bé. Đứa bé gái “a” lên một tiếng rồi té xuống, không ho he tiếng nào nữa. Tôi cắn chặt môi, xót xa nhìn đứa bé mất cha mẹ dường như đã thiệt mạng. Đúng lúc đó, tên lính vừa ra tay ngẩng đầu lên. Là anh Sơn! Tôi sững người nhìn chằm chằm vào mặt anh. Đôi mắt anh liếc ngang liếc dọc với vẻ tàn độc mà tôi chưa từng thấy ở anh. Tôi lẩn người sau bức tường, che miệng ngồi sụp xuống. Người đàn ông đó thật xa lạ, đó không phải là anh Sơn mà tôi biết, đó không phải là người đã từng để dành cho tôi nửa củ khoai mì, không phải người đã ôm chặt tôi vỗ về vào cái ngày anh trai tôi chết, không phải người đã đứng lên hô hào chiến đấu. Đó chỉ là một tên Việt gian. Càng nghĩ, tôi càng tức giận hơn. Tôi lặng lẽ rơi nước mắt, tự hỏi mọi chuyện bắt đầu từ khi nào và tại sao tôi đã không nhận ra tốt hơn. Có phải chăng là vì tôi đã không đủ nhạy bén để nhận ra hay do anh giả vờ quá tốt? Có lẽ nào tất cả mọi thứ ngay từ đầu đều là một màn kịch cho anh và bọn thực dân dựng lên? Hay có lẽ nào, những thất bại trước đây của quân kháng chiến đều có sự “góp công” của anh?

Nghĩ ngợi xong xuôi, bọn Việt gian ban nãy cũng đã rời đi. Tôi đến bên đứa bé gái. Đứa bé thoi thóp thở, mặt be bét máu. Tôi vội đưa em về quân khu. Từ trong người em, rơi ra một tờ giấy.

“Thùng gỗ, 9 giờ”

Tôi ngạc nhiên nhìn chằm chằm tờ giấy. Đây hẳn là của anh Sơn. Tôi do dự không biết có nên đến không, sau những gì tôi đã nghe và đã thấy. Chẳng còn cớ gì để tôi đến gặp một tên Việt gian cả. Trong trường hợp xấu nhất, đây có thể là một cái bẫy. Nhưng sâu trong trái tim mình, tôi biết vẫn còn le lói đâu đó một hy vọng rằng anh không phải Việt gian. Hy vọng hoang đường…

Tối hôm ấy, tôi đến chỗ hẹn, không quên thủ sẵn một con dao lam. Đến nơi, tôi nhìn thấy anh đang ngồi trên cái thùng gỗ hôm nọ, cúi đầu suy ngẫm gì đó. Tôi tiến đến gần. Như cảm nhận được sự hiện diện của tôi, anh ngẩng đầu nhìn về phía tôi. Rồi anh đứng dậy, lặng im nhìn tôi tiến tới.

Tôi ngồi lên cái thùng, chỗ ban nãy của anh. Tôi ngước lên nhìn anh, thấp giọng hỏi:

-Thật hả anh?

Từng phút từng giây, tôi đều trông mong anh sẽ phủ nhận. Nhưng đáp lại tôi, anh chỉ nhỏ nhẹ:

-Ừ…

Tôi cúi đầu, cố giữ giọng mình bình thản:

-Sao vậy anh?

Tôi siết chặt hai bàn tay, lòng buồn bã nghe tiếng nói của anh trên đầu mình.

-Anh mệt rồi, An. - Anh ngừng chút rồi tiếp tục. - Anh không muốn ra trận nữa, không muốn tiếp tục hy sinh nữa, An.

-Nhưng…

Tôi hốt hoảng nhìn vào mắt anh, mong chờ một dấu hiệu của việc nói dối. Nhưng anh chỉ bình tĩnh nhìn tôi:

-Bọn chúng hứa cho anh nhà và rất nhiều tiền nữa.

Tôi há hốc miệng, bên tai toàn những tiếng ong ong như thể vừa bị ai đó đánh vào đầu vậy. Người trước mắt tôi đây dường như đã thay đổi hoàn toàn. Tôi chớp mắt, không thể tin và cũng không thể hiểu làm sao anh lại trở nên như thế này. Bỗng, anh nắm lấy tay tôi.

-An, đi với anh đi. Anh sẽ cưới em, tụi mình sẽ qua Pháp, sống một cuộc sống thật yên ổn. Chúng ta không cần phải liều mình chiến đấu nữa, cũng không cần sống khổ sở như thế này nữa.

Càng nghe, lửa giận trong tôi càng bốc lên ngùn ngụt. Tôi hất mạnh tay anh ra. Vung con dao giắt sau lưng quần về phía anh.

-Anh là ai! Anh không phải là anh Sơn của tôi! Cút đi!

Vừa nói, tôi vừa tấn công anh không hề kiêng nể. Nhưng tôi không phải đối thủ của anh. Chỉ bằng vài đòn, anh đã khống chế được tôi. Anh giật con dao trên tay tôi, giơ lên theo tư thế tấn công. Tôi đỏ mắt nhìn anh, nức nở:

-Mau giết tôi đi! Giết tôi đi!

Anh nhìn tôi, im lặng. Rồi từ từ hạ tay xuống. Anh nhìn từ trên cao xuống, nói:

-0 giờ ngày mai, anh sẽ ở đây đợi em.

Rồi anh bỏ đi, còn tôi nằm đó như người mất hồn. Suốt đêm đó, tôi thức trắng. Quá nhiều thứ hỗn loạn trong đầu tôi. Niềm tin và nỗi thất vọng, ảo mộng và thực tế đan xen khiến tôi ngợp thở.

Sáng hôm sau, tôi nhận được điện tin của anh Trí. Anh lệnh cho đội của tôi quay về Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc chiến lớn. Bỗng dưng, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường. Trốn chạy cũng được, chối bỏ cũng được, chỉ cần tôi không phải nhìn thấy anh nữa, không phải day dứt lựa chọn nữa. Trưa hôm ấy, tôi đến gặp cấp trên của mình, trình báo về cuộc hẹn tối nay. Trước sự khen ngợi của cấp trên, tôi chỉ biết cúi đầu không đáp.

Tôi yêu anh. Nhưng tôi không thể làm trái với lương tâm, không thể vì tình yêu mà phản bội cách mạng, phản bội lý tưởng của mình. Thật lòng, tôi cũng chẳng biết nên mong anh bị bắt hay không. Thôi thì, cầu mong cho kháng chiến thành công, cho chiến tranh kết thúc.

Thời gian sau đó, tôi dẫn quân ra Hà Nội và không nghe thêm một tin tức gì về anh nữa. Cuối tháng 11, quân chính quy của Việt Minh được lệnh âm thầm rút khỏi Hà Nội cùng nhiều cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị quan trọng. Chỉ còn lại các đơn vị tự vệ, công an xung phong, trong đó có chúng tôi, và nhân dân Hà Nội chuẩn bị đánh trả và cầm chân Pháp khi quân Pháp đánh vào.

Đầu tháng 12, quân Pháp tiến hành khủng bố, đặt mìn nhiều nơi trong địa bàn thành phố. Dữ dội nhất là vụ thảm sát ở phố Hàng Bún, Yên Ninh khiến hơn hai mươi người thiệt mạng. Trước sự lộng hành của bè lũ thực dân và sự ra đi hàng loạt của đồng đội, chúng tôi ai ai cũng muốn tiến lên phản công bọn Pháp, trả nợ máu cho dân tộc. Nhưng tình thế tiến thoái lưỡng nan, chúng chỉ chờ chúng tôi ra tay để buộc tội. Lúc này, chúng tôi đành phải chuẩn bị vũ khí và đạn dược, kiên nhẫn chờ thời cơ hành động. Cùng lúc đó, Vệ Quốc đoàn ra đời. Tôi và các đồng đội đã trở thành một trong những Vệ Quốc quân thủ đô đầu tiên, mang trong mình niềm tự hào và nhiệt huyết cống hiến.

Trước đó, chúng tôi đã phong tỏa nhà cửa, đường xá để chuẩn bị cho chiến tranh nên giờ đây, khi ngắm nhìn nơi tràn đầy niềm vui ngày nào giờ đã trở nên hoang tàn, lạnh lẽo, tinh thần chiến đấu của binh lính lại càng dâng cao. Chúng tôi đào những con đường bí mật xuyên qua những ngôi nhà trống, viết lên tường, dưới đường những câu khẩu hiệu cổ vũ, khích lệ tinh thần nhân dân. Nhưng không chỉ riêng chúng tôi, nhân dân Hà Nội cũng đang sục sôi tinh thần chiến đấu. Rất nhiều thanh niên xin được ở lại bảo vệ thủ đô, có những người đã sơ tán đi rồi lại quay về để được sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Chứng kiến những việc như vậy, tôi lại thấy rưng rưng xúc động. Rồi bỗng tôi nhớ đến anh tôi, đến chị Thái. Nếu họ ở đây, chắc họ cũng sẽ vui lắm, sẽ xúc động lắm. Còn cả…anh Sơn ngày xưa của tôi nữa…

Ngày càng nhiều nhân dân tình nguyện ra trận, lực lượng dân và quân lên đến hàng ngàn người, tất cả đều hướng lòng mình về độc lập, tự do của dân tộc. Tuy vậy, vũ khí của chúng tôi lại rất thô sơ, các quân đội chủ chốt thì có súng ống, bom, pháo xạ, nhưng còn các dân quân tự vệ thì chỉ có giáo mác, dao găm, mã tấu. Nguồn súng đạn của yếu là thu được từ những trận đánh trước của kẻ thù và mua từ quân đội Pháp để cung cấp ngược lại cho bộ đội. Trái ngược hoàn toàn với quân Pháp gồm đông đảo binh lính từ các nước đồng minh và vũ khí đầy đủ, hiện đại.

Rạng sáng 19 tháng 12, quân Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu quân ta rút quân khỏi Hà Nội. Ngay trưa hôm ấy, Ban thường vụ Trung ương của chính phủ Việt Minh điện báo cho các chiến khu và tỉnh ủy thành ủy sẵn sàng chiến đấu. Chiều cùng ngày, bộ trưởng quốc phòng - đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã ra mệnh lệnh chiến đấu. Chúng tôi được thông tin về bản đặt lệnh như sau:

“Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21 tháng 12. Hàng mang máy hiệu A + 2B - 2. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ theo đó”

Theo quy ước thì “chuyến hàng sẽ đến” có nghĩa là “tổng giao chiến bắt đầu”, “A” là giờ cộng thêm 2, “B” là ngày trừ đi 2. Có nghĩa là “Cuộc tổng giao chiến sẽ bắt đầu lúc 20 giờ ngày 19 tháng 12”.

20 giờ 03 phút ngày 19 tháng 12, điện trong toàn thành phố vụt tắt, phát súng lệnh được phục kích nổ ra. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra lệnh chiến đấu:

Tổ quốc lâm nguy!

Giờ chiến đấu đã đến!

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung-Nam-Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.

Hi sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!

Tiêu diệt bọn thực dân Pháp!

Quyết chiến!"

Các chướng ngại vật, hầm hào được dựng nên trên các phố phường nội ô Hà Nội. Lúc này, quân đội thành lập ra các đội cảm tử quân. Và tôi cũng biết, đây chính là cơ hội của mình, cơ hội để trả nợ máu cho gia đình, cho các đồng đội đã ngã xuống, cho Tổ quốc của mình.

Mùa Đông năm 1946, giữa lòng Liên khu I, chúng tôi làm lễ tuyên thệ quyết tử để bảo vệ thủ đô Hà Nội. Ngày 23 tháng 12, thực dân Pháp cho xe tăng theo đường Bà Triệu tiến đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu của ta, chúng huy động một lực lượng lớn, có xe tăng yểm trợ. Trung đội do đồng chí Trần Thành chỉ huy được giao nhiệm vụ chặn đánh địch, bẻ gãy nhiều đợt tiến công, tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, giữ vững được cơ quan và bảo đảm an toàn cho một số lớn thương binh của ta đang còn mắc kẹt lại. Riêng đồng chí Trần Thành đã dùng bom ba càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu - Trần Quốc Toản. Cuối cùng, địch phải rút chạy.

Nhưng ngay chiều hôm đó, thực dân Pháp bố trí một lực lượng đông hơn, có xe tăng làm lực lượng xung kích, đánh thẳng vào trận địa quân ta. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất gay go. Các cảm tử quân chúng tôi đã phục kích sẵn sau những bức tường bê tông đổ nát. Vài giây nữa thôi, khi từng đoàn xe tăng tiến vào vị trí, chúng tôi sẽ ôm những quả bom ba càng lao vào chúng.

Giữa giờ phút quyết định ấy, tôi lại nhớ về những người anh, người chị, người đồng đội, nhớ về đồng bào đã ngã xuống, và về cả gia đình nữa. Và tôi tin rằng nếu họ ở đây, họ cũng sẽ làm giống tôi, sẽ quyết tử vì Tổ quốc, quyết hy sinh cho độc lập tự do. Và rồi, bóng dáng chiếc xe tăng xuất hiện. Tôi cùng đồng đội dùng hết sức mình, lao như thiêu thân vào những chiếc xe.

Ánh lửa đỏ rực phủ kín mắt tôi, và tiếng nổ đinh tai nhức óc khiến tôi choáng váng. Nhưng tôi không hề cảm thấy đau đớn, mà còn có phần thanh thản làm sao. Trước mắt tôi bỗng hóa thành một mảng trắng. Và dường như, họ đang chào mừng tôi.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}