Cuối tháng 8 năm đó, Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ. Tôi được lệnh dẫn đội mình, hiện đã được thăng thành trung đội, cùng ra Huế biểu tình rồi tiến vào Sài Gòn. Trong suốt khoảng thời gian ấy, trung đội của tôi và Khang, Sơn bị tách ra. Tôi và An sớm chiều bên nhau, rồi cũng nảy sinh tình cảm.
An là một cô bé trong sáng, tươi vui. Em khiến tôi nhớ đến thằng Trí em mình. Đôi khi, nhìn An, tôi lại nhớ đến Trí. Nếu em còn sống, hẳn là em cũng sẽ trạc tuổi An bây giờ. Cái tuổi hồn nhiên, vô tư cắp sách đến trường. Thế mà… Và tôi lại xót xa mường tượng ra nếu em và cha mẹ còn sống, họ có thể không may mắn như tôi được cán bộ cứu vớt, họ có thể đã sống khổ cực biết bao. Nghĩ vậy, trái tim tôi thắt lại, đau nhói.
Tôi chăm lo An như một đứa em trong nhà. Và vì thế, cái ngày em đủ can đảm cầm giáo mác chiến đấu, mắt tôi nhòe đi, xúc động nhìn em nhỏ bé như thế, mong manh như thế mà lại ngoan cường đến chừng nào.
Sau cuộc chiến, chúng tôi lại hành quân về thủ đô tập hợp. Trong cuộc hành quân, một lần nọ, chúng tôi đang đi thì bắt gặp một tiếng súng vang trời. Tôi vội kéo đội nằm sấp xuống. Nằm im một lúc, tai tôi đã thích nghi với không gian tĩnh lặng, tôi liền nghe thấy tiếng thở yếu ớt của đối phương. Tôi chắc mẩm trong lòng rằng đối diện mình chỉ có một tên, rồi cùng An trườn về phía tiếng súng.
Càng lại gần, tôi còn nghe rõ hơn tiếng rên xiết đang ậm ừ trong miệng của hắn. Tôi đoán tám phần là tên đấy đang bị thương. Tôi liền liều mình chuyển sang thế nửa quỳ, tay lăm lăm họng súng, nhắm thẳng vào ngực hắn.
Thấy tôi hành động, An cũng lập tức làm theo. Em chĩa mũi súng của mình vào đùi trái của hắn. Nhưng không phải chỉ có chúng tôi là có súng. Đầu súng của hắn cũng vừa chạm vào bên chân đang quỳ của tôi. Tay hắn đặt ngay cò súng, chỉ đợi chúng tôi động thủ là sẽ kéo tôi chết theo.
Lúc này, tôi mới nhìn kịp quan sát từ trên xuống dưới đối phương. Đó là một tên liên lạc. Hắn mặc bộ quần áo phát xít rộng quá khổ, ống tay ống chân đều được cắt lên phân nửa. Hắn nằm đó, bên hông thấm đẫm máu, tay chân lấm lem bùn đất, mặt cắt không còn giọt máu. Nhưng duy chỉ có đôi mắt đó vẫn trừng trừng nhìn tôi. Tay hắn nắm chặt lấy cái túi thư nhuốm máu một phần.
Da đầu tôi căng chặt, vì đây là một thằng phát xít! Từ đâu trong tôi bùng lên một sự căm hận tột độ, và tôi nghiến chặt răng, tay toan bóp cò. Bỗng, An hỏi hắn bằng thứ tiếng Pháp em bập bõm học được thời còn đi học:
-Nom? Quel côté?
Đột nhiên, mắt hắn trừng to, gân trên mặt hắn giật giật, rồi như bị kích động, hắn vội động đậy tay đang cầm súng. Tôi nhanh chóng giật khẩu súng của hắn đi rồi ném sang một bên. Hai tay hắn cứng đơ, lòng bàn tay cuộn chặt. An lại quay sang nói với tôi:
-Không phải bên Pháp chị ạ.
-Việt Minh!
An vừa dứt lời, hắn liền gào lên một tiếng. Rồi lại oằn mình rên rỉ. Có vẻ tiếng kêu vừa rồi là hắn đã dùng hết sức để nói, đến nỗi chạm vào vết thương bên eo.
Tuy vậy, tôi vẫn nhìn hắn bằng con mắt thù địch, cả người gồng lên, chỉ chực chờ hắn ra tay là tôi sẽ kết liễu hắn ngay. Tôi cầm súng huých vào vai hắn, mắt nhìn gương mặt thả lỏng vài phần của hắn, hỏi lại:
-Mày nói gì?
Hắn mở đôi mắt lờ đờ nhìn tôi, tưởng chừng như hắn sắp ngất, thì tôi nghe thấy tiếng nói yếu ớt của hắn vang lên đứt quãng:
-Tôi…Việt Minh…
Chỉ chờ có thế, An liền gọi các đồng đội đang phục kích ở xa lại, khênh hắn về chỗ đóng quân.
Đêm xuống, tôi sốt ruột nhìn tên liên lạc đã được sơ cứu và băng bó nằm bên đống đèn đom đóm. Từng đồng chí chìm vào giấc ngủ, giữ gìn sức lực cho cuộc hành quân không hề dễ dàng vào ngày hôm sau. Tôi, An và một vài đồng chí khác thức canh gác. Tôi khẽ giọng nói:
-Ta còn phải hành quân xa, mang theo nó bất tiện lắm. Nếu sáng mai nó còn không tỉnh, ta sẽ bỏ nó lại đây.
Nói rồi tôi nhìn An. Em cắn môi, mày nhíu lại. Tôi biết là em sẽ có phản ứng như thế này. Đó là phản ứng vừa làm tôi không hài lòng nhưng cũng vừa làm tôi hài lòng. Tôi lo lắng cho sự ngây ngô, lương thiện của em, điều có thể giết chết em bất cứ lúc nào. Nhưng tôi cũng vui mừng vì giữa chiến tranh khốc liệt, em vẫn giữ cho mình trái tim trong sáng và tấm lòng non tơ tươi đẹp. Tôi thấy em ngồi cạnh bên tên liên lạc, nắm tay hắn, lẩm nhẩm cầu nguyện gì đó.
Và dường như nghe thấy lời thỉnh cầu của em, rạng sáng, hắn tỉnh. An là người đầu tiên phát hiện điều đó. Và em lôi tôi đến bên hắn. Gương mặt hắn có sức sống hơn nhưng đôi môi vẫn nhợt nhạt. Em hỏi chậm rãi:
-Anh tên gì?
Hắn liếc mắt nhìn chúng tôi, chần chừ đáp:
-Tùng.
-Anh làm liên lạc đúng không?
Tùng lại chần chừ. An đành nhẹ nhàng nói:
-Anh đừng sợ, chúng tôi là quân Việt Minh, chúng tôi đang trên đường về Hà Nội.
Tùng mở to mắt, rồi hắn rưng rưng gật đầu, đứt quãng nói:
-Làm…làm liên lạc…
-Cho Việt Minh đúng không?
-Đúng…đúng…
Hắn nói, rồi nghẹn ngào khóc nấc lên. An kéo tôi rời đi. Tôi ngoái đầu nhìn Tùng. Hắn đưa tay lau nước mắt, cả người gầy gò run lên vì khóc. Và đến lúc đó, tôi mới lờ mờ nhận ra, đó là một đứa trẻ. Tôi liền quay sang An:
-Giữ nó lại xem sao.
An mừng rỡ cười, tôi nói tiếp:
-Chị không tin nó theo phe mình, em cũng phải luôn cảnh giác đấy. Đi truyền lại cho những người khác đi.
An gật đầu vui vẻ, rồi đến bên chỗ các đồng chí khác vừa thức dậy để thông báo. Còn tôi vừa thu dọn đồ đạc, vừa lặng lẽ theo dõi nhất cử nhất động của Tùng. Và cuộc hành quân lại có thêm một người tham gia.
Trong suốt hai mươi ngày hành quân, Tùng tuy bị thương nhưng hắn luôn cố gắng không trở thành gánh nặng của cả đội. Không những thế, nhiều lần, Tùng còn từng nhanh nhẹn phát hiện những chỗ có mìn để nhắc nhở đội cẩn thận. Duy chỉ khi đêm xuống, trong không gian tĩnh lặng, khi bên tai hô hào và súng đạn từ xa xăm vọng tới, tôi mới nghe thấy tiếng thở đau đớn của hắn.
Nhưng điều đó không có nghĩa sự đề phòng của tôi đối với Tùng giảm đi. Có thể do sự rành đường và thuần thục khi đi qua những con đường rừng đầy lạ lẫm là một điều không phù hợp đối với một đứa bé cỡ tuổi An như Tùng, hoặc có lẽ do thái độ chững chạc và đầy tâm tư của hắn, hoặc cũng có thể do định kiến của tôi với Tùng quá lớn khi lần đầu gặp nhau, hắn đang mặc một bộ đồ lính Pháp mà tôi vẫn không thể nào đối xử với Tùng như một người bình thường. Thái độ của tôi với Tùng vẫn sẽ mãi mãi là một lớp kính không thể phá vỡ nếu như tôi không vô tình, hay cố ý, đọc bức thư Tùng để trong chiếc túi liên lạc.
—
Tối hôm ấy, tôi choàng tỉnh từ giấc mộng xưa cũ. Trong mơ, tôi lại được quay về ngày thơ bé. Thằng Trí chạy lại phía tôi, tay vung một nắm cát về phía mấy thằng nhóc con nhà quan lớn. Nó chống nạnh, đứng trước mặt tôi, hất hàm:
-Dám bắt nạt chị tao hả? Biết tay chưa.
Rồi nó quay sang nhìn tôi, ngước đôi mắt trong veo, vỗ ngực:
-Chị hai đừng lo, có em đây rồi…
Thằng Trí chưa kịp dứt câu thì một đứa trong đám nhóc lao tới, tay nó cầm cục đá nhọn hoắc, hướng đòn về phía thằng Trí. Tôi vội kéo tay Trí, nhưng viên đá vẫn sượt qua tai em tôi. Thằng Trí theo phản đưa tay lên sờ tai. Thấy máu chảy ròng ròng, nó hoảng hồn khóc toáng lên. Mấy đứa nhóc thì tái xanh mặt mày, chỉ có thằng nhóc vừa ra tay là vẫn còn cứng họng. Nó vênh mặt, giọng hơi run run:
-Cho…cho chừa tội con gái mà đi học!
Tôi nhăn mặt, càng nhìn càng thấy nó đáng ghét. Rồi tôi làm bộ nhìn ra đằng sau đó, gào lên:
-Thím Tư! Thím coi thằng Đan làm gì nè!
Thằng Đan hốt hoảng quay đầu lại, nhân lúc đó tôi kéo thằng Trí chạy trối chết về nhà, bỏ sau lưng tiếng la oai oái của thằng Đan:
-Con Thái! Đứng lại cho tao! Sao mày dám lừa tao!
Tôi cắm đầu chạy một mạch về tới nhà. Thật may là ba má tôi đi ra đồng hết rồi, không thì ba má sẽ mắng tôi té tát. Tôi vào nhà trong, lôi từ trong tủ đồ của má một cây kim thêu và một cuộn chỉ. Rồi như mọi lần, tôi khâu vết thương sau tai cho thằng Trí. Nó vừa sụt sịt khóc vừa lên án tụi thằng Đan:
-Lần sau…hức…em sẽ trả thù tụi nó…
-Thôi thôi, tao lạy mày, mày ở yên đi, mày tới là thế nào cũng có chuyện hà.
-Tại…tại tụi nó bắt nạt chị hai mà…hức…em phải làm người hùng bảo vệ chị hai chứ…
Tôi cau mày, tay gõ cái bốp lên trán nó, mắng:
-Mày lanh quá, người chút éc mà chọc nó chi vậy. Muốn làm gì mốt lớn rồi làm. Đồ tài lanh.
Thằng Trí ấm ức ôm đầu, không nói tiếng nào nữa. Rồi lát sau, nó gào ầm lên:
-Hu…hu… em méc má hai đánh em…hu…hu…
Rồi nó xách dép chạy ra đồng. Tôi gọi với theo:
-Ê! Chạy từ từ thôi mày, té bây giờ!
Nhưng khi tôi còn đang đắm chìm trong sự yên bình của ngày xưa, từ đâu, một dòng người hối hả chạy về phía tôi. Tôi hoảng loạn nhìn quanh, miệng lẩm bẩm:
-Ba…má…
Không có tiếng đáp lời. Tôi sợ hãi, nhắm mắt, ngồi sụp xuống ôm đầu. Nhưng vì vóc người nhỏ bé, tôi bị người ta xô qua xô lại. Tai nghe tiếng chân bước rầm rập, còn người thì ê ẩm hết cả. Và bỗng người tôi được nhấc bổng lên, nhẹ tênh. Tôi bị vác trên vai ai đó. Đến khi tôi được thả xuống thì tôi đã ở trong chiến khu bộ đội. Vừa chạm chân xuống đất, tôi đã vội tìm kiếm bóng hình ba má tôi và thằng Trí trong những người đang đi đi lại lại. Tìm không thấy, tôi mếu máo sắp khóc, mắt rưng rưng. Lúc này, một người con gái xuất hiện trong tầm mắt tôi. Chị ngồi xổm xuống cho vừa tầm mắt tôi, dịu dàng nói:
-Em sẽ tìm thấy ba má mình thôi, nhưng không phải bây giờ. Nhưng để tìm được ba má mình thì em phải sống sót trước đã. Em làm được không?
Tôi gật đầu. Chị lại nói:
-Những người sống sót là những người sẽ rơi nước mắt, nhưng không phải lúc này. Em thấy sao?
Tôi ngẩn người, dành một hồi lâu để tiêu hóa lời chị nói. Rồi tôi lấy tay quệt nước mắt đi.
—
Tỉnh lại, điều tôi nhìn thấy đầu tiên là Tùng đang ngồi canh gác. Còn chiếc túi của cậu thì nằm chỏng chơ một góc trong cái lều nhỏ. Từ trong túi lòi ra một bức thư cũ kĩ, mỏng manh, nhìn như thể sắp rách. Giây phút đó, có gì đó trong tôi thúc giục tôi mở bức thư ra. Và tôi làm thật. Bức thư hóa ra là những lời nhắn gửi của Tùng với cha mẹ cậu. Trong thư, cậu xưng “T” và gọi cha mẹ là “mọi người”, cậu chỉ viết những dòng bâng quơ vô nghĩa, tuy nhiên, tôi vẫn kịp nhận ra cách truyền thông tin ngầm mà Việt Minh thường dùng khi liên lạc. Đến tận khi đó, tôi mới nhận ra mình ấu trĩ tới cỡ nào khi làm ra hành động không hề quang minh chính đại như vậy. Và tôi xấu hổ bước đến chỗ Tùng đang ngồi, khẽ giọng:
-Cậu vào đi, đến tôi canh.
Tùng sửng sốt nhìn tôi. Vì đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với cậu bằng thái độ hòa hoãn như vậy, tôi cụp mắt đoán. Và một đêm nữa lại trôi.
—
Chúng tôi trở về Hà Nội sớm hơn dự kiến. Ngày 2 tháng 9, tại Quảng trường Ba Đình, tôi cùng đồng đội được vinh dự có mặt trong buổi mít tinh toàn dân. Tại đây, Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoảnh khắc Người dứt lời, cả quảng trường như được tháo chốt. Xung quanh là tiếng hò reo vui mừng, và cả những giọt nước mắt hạnh phúc. Trong đó, tôi nhìn thấy An, Sơn, Khang, Tùng, cùng những đồng đội đã sát cánh cùng mình. Ai cũng phấn khởi, tươi vui. Cả tôi nữa, tôi cũng xúc động nhớ về gia đình tôi, những cán bộ đã cứu tôi, và nhớ về những người đã ngã mũ giữa đường. Đó là tất cả những điều nhỏ bé trong số vô vàn điều lớn lao mà nhân dân đã đánh đổi để có ngày hôm nay. Và trong một khắc ngắn ngủi, tôi chợt nhìn thấy vết sẹo dưới tai trái của Tùng. Tôi sững lại, bắt gặp ánh mắt của cậu, ánh mắt giống một người mà tôi quen. Giống tôi!
—
Kết thúc buổi mít tinh, tôi dẫn đội về lại chiến khu rồi đến chỗ của Tùng. Sau khi trở về, cậu được điều sang bên hậu cần do chấn thương. Khi tôi đến lều hậu cần, Sơn và An cũng đang có mặt ở đó. Trên tay Sơn là một bức thư. Và Sơn hỏi:
-Văn Tùng? Văn Tùng đâu? Thư tới.
-Ở đây!
Tùng lên tiếng. Cậu ngồi trên giường gỗ bên trong, nửa lẩn trong tối, nửa ở ngoài sáng. Cậu chầm chậm bước ra ngoài, mỗi bước đi, ánh sáng lại rọi rõ hơn gương mặt cậu, như màn sương mù che lấp trái tim tôi lâu nay cũng đang dần tan đi.
Cậu ngồi xuống cái ghế nhỏ đọc thư, mắt hoe hoe đỏ. Tôi từng bước bước đến đối diện cậu, tim hồi hộp đập thình thịch. Cậu ngẩng đầu nhìn tôi, khóe mắt còn vương nước mắt. Tôi hỏi, nghe giọng mình nghẹn ngào:
-Trí…phải không em?
Cậu ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi đưa tay sờ lên vết sẹo bên tai trái của cậu, lần theo vết khâu mà tôi tin chắc là chính tay mình làm ra, môi run run:
-Là Trí, phải không em?
Mắt tôi nhòe đi, cố nuốt xuống những tiếng nức nở. Rồi như hiểu ra mọi chuyện, cậu đưa tay lau đi giọt nước mắt trên má tôi, gọi:
-Chị hai…
Tôi ôm chầm lấy em, nghẹn ngào không nên lời, vui sướng đến quá nhanh khiến tôi choáng ngợp. Sau bao nhiêu năm lưu lạc, rốt cuộc tôi cũng tìm thấy em. Rồi tôi ớn lạnh nhớ về khoảnh khắc gặp nhau trong rừng. Nếu không có An, có lẽ lúc đó tôi đã tự tay giết chết em mình, hoặc thậm chí bỏ mặc em chết vì rét vì đói nơi rừng sâu hiểm độc. Tôi chợt thấy hối hận biết bao và biết ơn An biết bao. Tôi buông Trí ra, nhìn thật kĩ gương mặt em. Đứa em thơ bé bỏng của tôi ngày nào đã bị thời gian bào mòn đến nhường này. Và tôi lại xót xa nghĩ về những điều gian khổ mà em đã phải trả qua. Giờ đây, nhờ ơn An, nhờ ơn cách mạng, tôi lại có cơ hội để đền bù cho em.
—
Quãng thời gian sau đó, phong trào Bình dân học vụ được phát động. Hai anh em Khang và An tình nguyện làm giáo viên tại các lớp xóa mù chữ trong địa bàn xã. Các lớp học được tổ chức cho mọi người dân đến học. Hàng ngày, chúng tôi mang theo sách vở, thực phẩm và thức ăn đến các lớp học, phân phát cho người dân. Gương mặt họ rạng rỡ, tươi vui, không chỉ vì được ăn, được học mà còn vì tâm hồn họ giờ đây được tự do, hệt như tôi vậy. Nhưng những tháng ngày sung sướng trong hòa bình không kéo dài lâu.
Một lần nọ, cái làng mà chúng tôi đến dạy chữ bị đột kích. Một toán quân lạ lẫm khoảng chục người cả tây cả ta đã tấn công đội hậu cần đang trên đường vận chuyển lương thực đến chỗ chúng tôi. Trong đội hậu cần đó có Trí, em đã kịp chạy thoát và đến báo cho chúng tôi biết.
Thế sự bất ngờ, chúng tôi đành sơ tán người dân chạy vào rừng. Trí đi đầu tiên, nối theo sau là đoàn người hoảng loạn, cuối cùng là tôi, An, Sơn và Khang.
Nhưng ngay khi chúng tôi tưởng rằng mình sắp thoát được, một tiếng súng vang lên. Khang loạng choạng ngã khụy xuống. Một viên đạn đã bắn trúng chân cậu. Tôi vội đến đỡ Khang lên lưng Sơn. Sau lưng truyền đến thứ tiếng ngôn ngữ lẫn lộn, nhóm lính ngày một tiến đến gần hơn, tôi đã có thể nhìn thấy bóng dáng chúng từ xa. Khang gồng mình đứng thẳng, dựa vào một cái cây, không chịu trèo lên lưng Sơn. Cậu nhìn tôi và Sơn, mồ hôi lạnh túa ra trên trán, kiên định nói:
-Hai người đưa An đi trước đi, tôi ở lại kéo chân chúng…
-Anh! - Khang vừa dứt câu, An vội lên tiếng - Anh nói gì vậy, anh mau leo lên đi!
An sốt sắng nói, giọng nghe như sắp khóc. Còn tôi thì do dự. Tất nhiên tôi không muốn để Khang ở lại, nhưng nếu có cậu câu giờ, chắc chắn chúng tôi sẽ thoát, còn nếu đưa cậu theo, chỉ sợ…
Khang bỏ ngoài tai lời của An, cậu nhìn tôi, giọng quả quyết:
-Chị Thái - rồi cậu quay sang Sơn - anh Sơn, chăm sóc An giúp em.
Sơn cuộn chặt bàn tay, nhăn mày hỏi:
-Cậu chắc chứ?
Tôi cúi đầu, không dám nhìn vẻ mặt của họ, như một kẻ hèn nhát. Và rồi tôi nghe Khang ừ một tiếng. Tôi ngẩng đầu nhìn cậu, trịnh trọng đưa tay chào:
-Bảo trọng, đồng chí Khang!
Khang hài lòng gật đầu, gắng gượng đưa tay chào, Sơn cũng làm theo. Chỉ có An là sững sờ không thốt nên lời. Và trước khi em kịp phản ứng, Sơn đã đánh vào gáy để em ngất đi rồi cậu vác An trên vai, chạy về phía đoàn người theo Trí. Tôi lượm một khúc cây rồi đưa cho Khang để làm vũ khí, rồi vội chạy theo Sơn. Bóng chúng tôi khuất dần sau rừng cây.
Về đến nơi trú ẩn, tôi lấy súng ra, đưa cho An vừa ngơ ngác tỉnh dậy:
-Đi thôi em.
Ba người chúng tôi lại đi dọc theo con đường ban nãy tìm kiếm Khang. Nhưng khi chúng tôi đến nơi, nhóm lính tưởng chừng chỉ có vài ba người ban nãy giờ đã tăng lên gần chụp người. Chúng đứng quây xung quanh Khang đang nằm vật vờ dưới đất, không biết sống chết. Tên nào tên nấy súng giáp đầy mình. Tôi nhìn Sơn. Và như hiểu ý tôi, Sơn kéo An đang nóng mặt định xông lên và tôi đến trú sau một cái cây lớn. Tiếng nói của bọn chúng vang lên:
-Còn phải đợi tới chừng nào?
-Ông đừng lo, thể nào bọn nó cũng sẽ quay lại cứu thằng này. Tới lúc đó chúng ta tóm gọn một mẻ.
Ngừng một chút, lại nói:
-Không thì thế này, mày trả lời tao mấy câu này thôi, rồi tao sẽ thả mày đi.
Không có tiếng đáp lời. Tôi sốt ruột, lén nằm xuống rồi trườn đến gần bọn chúng. Càng đến gần, tiếng nói càng rõ ràng hơn. Đến một khoảng vừa đủ, tôi núp sau một gốc cây to. Một tên đầu đinh tiến đến, giẫm chân lên thân hình đang nằm dưới đất, người mà tôi tin chắc là Khang. Hắn nhìn từ trên cao xuống, nói:
-Chỉ cần mày chỉ chỗ của tụi con Thái, tao sẽ đảm bảo cho mày sống yên ổn. Mày sẽ không cần phải chiến đấu nữa, mày sẽ sống giàu có và sung sướng.
Rồi tôi nghe giọng Khang khàn khàn cất lên:
-Cúi…cúi xuống…
Tên đầu đinh mừng rỡ, hắn ngoác miệng cười, rồi đắc ý nói:
-Hà hà, mày khôn lên rồi đó…
Nhưng ngay khi hắn ta vừa ngồi xổm xuống đối mặt với Khang, cậu nhổ một ngụm nước bọt vào mặt hắn. Tên đầu đinh che mặt, hắn trừng mắt nhìn Khang, rồi giật cây súng từ tên đứng bên cạnh, hắn dứt khoát bắn một phát vào tai trái của cậu. Tôi hoảng hồn che miệng, nghe tiếng gào thét đau đớn của Khang vang vọng trong cánh rừng. Tôi quay đầu nhìn về phía của Sơn và An. Sơn nhìn tôi, khẽ gật đầu, như muốn an ủi tôi yên tâm. Nhưng tôi biết đó cũng chỉ là lời an ủi, vì Sơn đang gồng mình ghì chặt lấy An đau đớn khóc thầm, vì chúng tôi cũng đang khóc thầm cho Khang, và vì tôi biết thời gian của Khang không còn nhiều.
Bóng chiều ngả dần, bầu trời dần tối đi. Bọn chúng đốt một nhóm lửa nhỏ để lấy ánh sáng. Khang nằm cạnh nhóm lửa, ngất đi vì mất máu. Trong đám bọn chúng, có một gã râu ria xồm xoàm trông có vẻ là người quan trọng nhất. Gã cứ đi đi lại lại như thể nhẫn nhịn cái gì đó. Rồi như không thể chờ đợi thêm, gã bực bội hỏi tên đầu đinh bên cạnh:
-Sao lâu quá vậy, mày có chắc bọn chúng sẽ quay lại không?
Tên đầu đinh nheo mắt, chắc nịch nói:
-Thể nào cũng thế, trong bọn nó, thằng Khang và con Thái là hai đứa chủ chốt, bắt được một trong hai, thể nào bọn chúng cũng sẽ tự đầu hàng, ông khỏi lo!
-Nhỡ bọn chúng kịp gọi viện trợ tới thì sao?
Tên đầu đinh gãi cổ, ậm ừ:
-Ừ thì…không sao đâu, ông không cần lo, gấp như thế này làm sao bọn chúng kịp gọi lên được, vả lại chúng ta còn đang chặn đường chúng nữa kia mà.
Gã râu xồm đột nhiên sửng cồ lên, cầm lấy báng súng đập vào người tên đầu đinh:
-Không sao nè! Không sao nè! Đồ ăn hại! Ăn hại!
Mỗi một lần dứt câu là một lần gã ta đánh xuống. Vừa đánh vừa chửi đổng lên. Tên đầu đinh bặm chặt môi, cúi người chịu trận.
Trong lúc bọn chúng đang gây gổ với nhau, chúng tôi đã gửi tin cầu viện trợ cho bên chiến khu. Đồng thời, tôi cũng âm thầm xử lý một vài tên riêng rẻ không ai chú ý tới. May cho tôi, chúng nó chỉ chăm chăm trông chừng Khang, chẳng hay quân mình đã bớt đi vài người. Dù vậy, điều tôi lo hơn cả là có vẻ Khang đang dần mất đi nhận thức. Máu cậu chảy ướt sũng, chảy cả vào nhóm lửa. Mùi tanh tưởi ngập trong không khí, xộc cả vào mũi tôi.
May mắn của tôi không kéo dài lâu. Chừng nửa khắc sau, bọn chúng bắt đầu nhận ra người bên mình đang chết dần. Lúc ấy, quân bên chúng chỉ còn lại sáu người. Tên đầu đinh nhận ra đầu tiên. Hắn cứ mải tiếp chuyện, nịnh nọt gã râu xồm, cho tới khi hắn định sai một tên đàn em của mình làm gì đó, hắn mới bàng hoàng phát hiện đàn em hắn đã chết từ lâu. Hắn đứng bật dậy, sửng sốt nhìn quanh:
-Mẹ kiếp! Bọn nó đang ở đây!
Tôi nín thở, căng da đầu nhìn theo từng nhất cử nhất động của hắn. Tôi trườn đến gần hơn, cố lẩn mình trong bóng đêm.
-Lùng sục xung quanh đi! - Tên đầu đinh quay sang nói với bọn tay sai.
Gã râu xồm đột nhiên hoảng sợ gào lên:
-Một lũ vô dụng! Mau đưa tao về lều! Tao không thể chịu đựng ở đây được nữa!
Tên đầu đinh đỏ mắt nhìn gã, tay cuộn thành nắm đấm, nghiến răng nói:
-Thu dọn đi, đưa ông ta về.
Nghe vậy, tôi nhẹ nhõm thở ra, tưởng mọi chuyện đã ổn thỏa. Nhưng không. Tên đầu đinh tiến đến cạnh Khang. Hắn cầm tóc cậu giật ngược về sau, buộc Khang ngẩng đầu nhìn hắn. Tên đầu đinh nhìn Khang, rồi ánh mắt hắn bỗng trở nên ngoan độc. Hắn đưa tay tát liên tiếp vào mặt cậu, bằng tất cả sự căm hận. Rồi Khang giật mình tỉnh dậy, phun ra một ngụm máu. Cậu cố căng mắt nhìn tên đầu đinh. Hắn ghé sát vào tai cậu, gằn giọng:
-Mày khôn hồn thì khai ra mau, còn không, tao sẽ làm mày sống không bằng chết!
Khang mím môi, trừng mắt nhìn hắn. Hắn lại nói:
-Tao nhớ là mày còn một đứa em gái. Mày đừng lo, tụi tao sẽ thay mày chăm sóc nó. Ha ha…
Ngay khi hắn nhắc đến An, Khang liền trợn trừng mắt lên, cậu quay sang cắn lấy tai tên đầu đinh. Hắn gào lên một tiếng rồi lùi lại. Nhưng dường như Khang đã dùng hết sức bình sinh của mình. Đến khi tên đầu đinh dứt ra được, tai hắn đã trông máu thịt lẫn lộn. Hắn thở phì phò, giật lấy cây súng. Tôi bỗng có dự cảm không lành, vội đưa súng lên ngắm.
Đúng lúc đó, tôi bỗng chạm mắt với hắn. Tim tôi nhảy lên một nhịp. Tôi cố gắng tập trung nhắm vào đầu hắn, bên tai là tiếng gào:
-Bắt nó lại! Con chó cái đó!
Tôi bóp cò. Hồi hộp chờ kết quả. Nhưng sự không như tôi muốn. Viên đạn găm vào thịt một tên lính quèn vừa chắn đường đạn của tôi. Tên lính ngã xuống, chết ngay tại chỗ. Còn tên đầu đinh vẫn bình an vô sự.
Và rồi tôi bị khống chế, chúng nó kéo tôi đến cạnh Khang. Tên đầu đinh chỉ vào tôi, quay sang gã râu xồm, cười lớn:
-Ha ha ha…ông nhìn này, con ả này định cứu người tình của nó đấy, ai ngờ lại bị bắt. Ha ha ha…ngu hết chỗ nói.
Rồi hắn tiếng đến bóp mặt tôi:
-Đã vậy, tao cho nó chết chung với mày!
Rồi hắn giơ báng súng lên, đập lên tiếp vào người Khang. Tôi run rẩy há miệng, cảm nhận mắt mình nhòe đi. Dường như nhận ra tôi nhìn mình, Khang mấp máy môi:
-Lo cho An giúp em, cảm ơn chị.
Nói rồi, Khang dứt khoát nhắm chặt mắt lại, ngoảnh đầu đi. Mỗi lần hắn giáng xuống một đòn là một lần cơ thể cậu giật nảy lên. Hắn như đang trút mọi giận dữ lên Khang. Còn cậu thì chỉ còn là một cái xác không hồn. Môi cậu trắng bệch, hơi thở yếu dần đi. Khang nằm trơ ra. Tôi sững sờ nhìn cậu, móng tay ghim vào làm bàn tay. Đau đớn, xấu hổ, tủi nhục, và hơn hết là tôi cảm thấy mình đã phụ lòng An. Tôi đã chẳng thể cứu được anh trai của em.
Chợt, tôi nghe thấy tiếng An truyền tới:
-Anh ơi! Anh ơi!
Em vừa chạy đến vừa gào khóc thê lương, theo sau là nhóm quân viện trợ, dẫn đầu là Trí.
Thấy quân viện trợ tới, gã râu xồm cuống cuồng hối thúc lũ tay sai đưa hắn đi trước. Còn tên đầu đinh bỗng quay ngược cây súng lại, rồi hắn điên cuồng đập vào người tôi.
Ban đầu, tôi chẳng cảm thấy gì cả. Chỉ là cảm giác nghẹt thở ùa tới, khiến tôi không thể thốt nên lời. Sau đó, người tôi như rã rời cả ra. Tôi vừa định nhúc nhích thì một cơn đau bất ngờ ập tới. Tôi há miệng thở dốc, tôi nghe thấy xương mình lạo xạo từng hồi. Rồi miệng tôi bỗng xộc lên mùi máu, mình mẩy nhức nhối. Dường như mọi sức lực của tôi đang bị rút cạn. Tầm mắt tôi mờ dần đi, chỉ kịp nhìn thấy hình ảnh tên đầu đinh bị khống chế, Trí chạy đến bên tôi và tiếng kêu gào thảm thiết của An khi ôm lấy xác của Khang:
Anh ơi…anh ơi…
Bình luận
Chưa có bình luận