Phần 1: Lên nòng


Quá giờ Sửu, tôi nằm trong phòng, bên tai là tiếng sột soạt của vải. Gần như ngay lập tức, tôi ngồi dậy. Tôi vơ vội mấy bộ quần áo bỏ vào cái túi vải, rồi bước ra khỏi phòng.

Bước tới cửa, tôi quay lại nhìn một vòng căn phòng mình, khóe mắt cay cay. Tôi lục tìm một tờ giấy trắng rồi viết vội vài dòng. Đặt tờ giấy lên bàn, tôi quệt nước mắt rồi dứt khoát bước đi.

Tôi hối hả bước ra cổng, nơi có một bóng hình đang đứng. Anh nhìn quanh một cách sốt ruột. Tôi lén trốn sau một bụi cây, thở thật khẽ. Một lúc sau, một chiếc xe chạy tới. Anh bước lên xe. Tôi vội chạy ra:

-Anh! Cho em theo với!

Anh quay lại nhìn tôi, sửng sốt:

-Mày làm cái gì vậy? Đi vô nhà!

Tôi ôm chặt cánh tay anh, nghẹn giọng:

-Cho em đi theo với, anh…

Anh đang há miệng định nói gì đó thì một giọng nói từ trên xe vang lên:

-Thằng Khang! Có đi không thì bảo?

Anh nhìn tôi, do dự. Tôi liền quả quyết trèo lên xe, ngồi dịch vào trong, hô lớn:

-Đi ạ!

Anh nhíu mày, không nói, nhưng cũng không cản. Anh leo lên xe, ngồi kế tôi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, tôi mới kịp nhìn xung quanh. Trong khoang khách chật hẹp là khoảng bốn, năm thanh niên khác và trên buồng lái còn có hai người nữa. Người ngồi ghế phó lái đang nhìn tôi cười.

Thấy anh nhìn, tôi ngượng ngùng dời ánh mắt. Anh quay sang bên cạnh tôi, bắt chuyện:

-Ai đây Khang, người yêu hả?

Anh Khang búng vào trán tôi, tôi la lên một tiếng rồi lấy tay che trán lại, trừng mắt nhìn anh. Anh nhìn về phía anh phó lái:

-Em gái em đó anh, lắm chuyện lắm.

Tôi nhăn mày nhìn anh, chu miệng hỏi:

-Anh không giới thiệu em hả?

Anh bĩu môi:

-Chào mấy anh đi An, anh đang lái là anh Mạnh, anh ngồi cạnh là anh Sơn, còn mấy đứa khác không quan trọng lắm.

Anh vừa dứt câu, những người trong khoang khách liền kêu lên bất mãn. Các anh cười đùa với nhau, không khí dần trở nên bớt căng thẳng. Không biết từ lúc nào, tôi ngủ thiếp đi, bên tai là giọng nói của anh Khang:

- Nhỏ nhỏ giọng thôi, tụi mày…

Tôi mơ màng tỉnh giấc bằng tiếng gọi của anh Khang. Anh đỡ tôi xuống xe, tôi giơ tay che ánh nắng ban trưa trên đầu. Tôi tò mò quan sát xung quanh. Chà, cái chiến khu tưởng nhỏ mà lại lớn phết đấy. Ước chừng phải có hơn trăm cán bộ. Có người đang thổi cơm, có người vừa đi tắm về, lại có người vẫn còn luyện tập. Không khí nóng hổi xộc vào mặt tôi và tinh thần của các cán bộ cách mạng khiến cơ thể tôi cũng bừng bừng khí thế.

Anh Khang vỗ vai tôi, dặn:

-Bây giờ mày đi theo anh Sơn, ảnh dẫn mày tới đội của mày, tao phải về đội của tao đây.

-Sao anh không đi với em?

-Mày là binh nhì, làm sao tao đi chung với lính mới được.

-Anh cũng mới vô mà, anh cũng là binh nhì chứ bộ.

-Tao khác - Anh Khang hất cằm - Tao lên binh nhất rồi.

-Sao anh lại là binh nhất?

Anh Khang chợt im lặng, rồi ỉu xìu giọng:

-Khác là khác, không có hỏi nhiều.

Rồi anh quay sang anh Sơn:

-Em về đội nha anh, có gì anh coi nó dùm em.

Anh Sơn cười gật đầu. Anh Khang đưa túi đồ của tôi cho anh Sơn cầm, rồi lại nói với tôi:

-Mày vô đội, nhớ nghe lời đội trưởng, nghe hông.

Tôi bĩu môi:

-Cái này ai mà hổng biết…

-Hơi cực một xíu nhưng mà ai biểu mày đòi đi, đừng có chạy qua khóc với tao. Đòi đi được thì phải ở lại được, nghe hông. Cùng lắm thì nhờ anh Sơn đánh tin cho tao rồi tao mang giấy qua cho mày viết thư về nhà.

-Em biết rồi, anh đừng có coi thường em, em chịu được hết á. Oái!

Anh Khang nghe xong liền gõ đầu tôi một cái đau điếng.

-Nhớ lễ phép với mọi người, rồi cố gắng tập luyện. Đừng có gây sự đó, ở đây nghiêm túc lắm, không có chỗ cho mày giỡn chơi đâu. Thiếu cái gì nói anh Sơn, ảnh giúp cho, nghe hông.

-Rồi, rồi, em nghe rồi, anh cứ càm ràm y như ông cụ non vậy.

Tôi nói, vội chạy ra sau lưng anh Sơn. Anh Khang vung tay định cốc đầu tôi nhưng lại thu tay về, thấp giọng gầm gừ:

-Con nhỏ này!

Nói rồi, anh đứng nghiêm, đưa tay chào anh Sơn rồi quay lưng đi. Tôi nhìn theo bóng anh, tự dưng thấy buồn buồn. Tôi vừa đi vừa khịt khịt mũi mấy cái, rồi nghe thấy tiếng anh Sơn nói:

-Khang đã vào quân ngũ từ trước rồi.

Tôi ngạc nhiên nhìn anh.

-Khang theo anh vào quân ngũ mấy tháng rồi, giờ nó lên binh nhất, phải theo đội đóng quân trong quân ngũ, nên nó mới đi.

Tôi cúi mặt, mím môi đi theo anh Sơn. Hóa ra, việc anh Khang nhập ngũ không phải quyết định bồng bột nhất thời, hóa ra anh cũng chững chạc đấy chứ, tôi tự hào nghĩ. Chúng tôi sải bước trong im lặng và dừng lại trước một cái lều khá lớn. Anh Sơn đưa túi cho tôi, cười nói:

-Đến rồi nè. Giờ anh dắt An vô gặp tiểu đội trưởng.

-Dạ.

Tôi gật đầu, cùng anh bước vào trong lều. Anh Sơn dẫn tôi đến trước mặt một người con gái với nước da ngăm đen. Anh lên tiếng:

-Đồng chí Thái.

Người con gái ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi. Mái tóc xơ xác nhuốm màu nắng cháy của chị được búi gọn phía sau, quầng mắt trũng xuống, đôi môi chị nứt nẻ. Nhưng giữa gương mặt hốc hác ấy là một đôi mắt long lanh, trong trẻo. Đôi mắt chị sáng và rực rỡ lắm. Anh Sơn giới thiệu:

-Đây là đồng chí Thái, tiểu đội trưởng đội bộ binh số 4. Còn đây là An, em gái đồng chí Khang. Tôi đã đăng ký nhập ngũ cho An, mong đồng chí thay tôi và Khang quản lý đồng chí này.

Anh Sơn nói rồi dặn dò tôi:

-Có gì cần, An cứ nói anh nha, anh sẽ chuyển lời cho Khang giúp cho.

Tôi mỉm cười đáp lời. Anh rời đi, còn tôi thì theo chị Thái gặp các đồng chí khác trong đội. Từ hôm ấy, tôi sống như một người lính thực sự, tôi tập luyện và sinh hoạt cùng các đồng đội trong quân ngũ. Chị Thái là người trực tiếp huấn luyện tiểu đội tôi. Chị dạy chúng tôi cách di chuyển, cách chống trả quân địch và cả cách sử dụng những vũ khí thô sơ.

Năm đó, nạn đói hoành hành, trong những đêm thức canh gác, chị hay thủ thỉ:

-Tụi bây coi ở lại được thì ở, không thì về với ba má đi. Ở đây không chết trận thì cũng chết đói.

Nói là vậy, nhưng chính chị lại là người bám trụ lâu nhất ở nơi gian khổ này. Lúc phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, gia đình chị lưu lạc khắp nơi, các cán bộ đã cứu sống chị, vì thế, chị “phải sống để đền ơn cho cán bộ” - chị nói vậy đấy. Cứ thế, chị bám trụ trong quân khu suốt mười mấy năm, từ khi mới là đứa nhóc cho tới khi đã trở thành thiếu nữ. Tuy chỉ lớn hơn tôi vài ba tuổi, nhưng trong chị chất chứa một nỗi niềm gì đấy rất xót xa, như đau thương, như tức giận, lại như day dứt, nhưng lại nghẹn ứ trong lòng, chẳng thể giải bày với ai. Thân hình chị gầy gò yếu ớt và giọng nói thì khàn đi vì ăn khoai ngứa cho qua ngày, nhưng đôi mắt chị luôn sáng lấp lánh. Trong đôi mắt ấy, là cả một nỗi căm thù giặc, và có cả niềm khao khát được chiến đấu. Có một người đội trưởng như vậy, chúng tôi nào nỡ bỏ cuộc.

Trong những ngày ở chiến khu, dù có phải kiệt sức vì tập luyện, hay dù có kiệt quệ vì đói khát, chúng tôi đều có thể chịu đựng được. Duy chỉ có những lúc, khi anh Sơn đem giấy để chúng tôi viết thư cho người nhà, cả lũ mới sụt sịt rơi nước mắt. Những lúc đó, chúng tôi thường thay phiên nhau lén viết thư để chị Thái không phát hiện. Khi bị chị phát hiện, chị cười xòa, nói:

-Gớm, có thế cũng giấu giấu diếm diếm. - rồi chị lại đi chỗ khác.

Nhưng trong thâm tâm, cũng tôi đều hiểu, chị đang nhớ da diết người thân của chị, cũng như chúng tôi nhớ ba má mình vậy.

Một tháng sau khi vào quân khu, tôi nhận được thư của ba má. Lá thư được anh Khang đem cho tôi trong một buổi chiều đầy nắng, oi ả. Thư mở đầu bằng lời trách mắng của ba má khi biết hai đứa con trời đánh trốn đi trong đêm, và kết thúc bằng việc hai đứa nước mắt ngắn dài ôm nhau giữa chiến khu đông người. Sau đó, tôi viết lại cho ba má một bức thư, anh Khang cũng định viết, nhưng chữ anh xấu, anh sợ ba má không hiểu.

Sau khi anh Khang rời đi, tối hôm đó, anh Sơn qua tìm tôi. Anh và anh Khang ở chung một đơn vị, anh thường giúp anh Khang chuyển lời hoặc đưa đồ qua cho tôi. Anh Sơn lớn hơn anh Khang một tuổi, nhưng anh lại có vẻ chững chạc hơn rất nhiều, tính tình anh cũng trầm ổn hơn, và anh hiền lành với tôi hơn. Anh gọi tôi ra sau lều, nhỏ giọng:

-An ăn gì chưa? Sơn kêu anh mang khoai cho An nè, khoai mì đó, không ngứa đâu.

Tôi cong mắt nhìn anh, lại nhìn mẩu khoai nhỏ, thấp giọng cảm ơn, không vạch trần lời nói dối vụng về của anh. Anh Khang có bao giờ chia cho tôi đồ ăn, chỉ có anh mới nghĩ rằng đó là lý do hợp lý. Anh cười, xoa đầu tôi. Những ngày ở đây, anh Sơn như một người đi trước, lúc nào cũng ân cần chỉ bảo tôi. Không giống như anh Khang chỉ đơn giản là một người anh, ở anh Sơn, cảm xúc của tôi đối với anh có cái gì hơn thế nữa.

Mấy tháng sau, một vài tiểu đội và trung đội bị điều ra miền Bắc hỗ trợ, trong đó có tiểu đội của tôi và trung đội của anh Khang. Đoàn người hành quân suốt mấy tháng, phải vừa đi vừa né tránh các cuộc chiến nhỏ lẻ của phát xít Nhật và quân đội Pháp.

Ra đến quân khu Bắc Kỳ, chúng tôi được tập hợp thành một lực lượng mới là Việt Nam giải phóng quân. Chúng tôi được phân ra thành nhiều đội nhỏ, đi đến hỗ trợ các phong trào kháng Nhật của nhân dân các vùng. Riêng tôi và một vài chiến sĩ nhỏ tuổi khác phải ở lại quân doanh làm công tác hậu cần.

Tháng 6, chúng tôi tiến ra Khu Giải phóng Việt Bắc, đóng quân tạm thời tại đây khoảng hai tháng. Đến tháng 8 cùng năm, phong trào toàn dân chống phát xít Nhật bùng nổ. Các cuộc khởi nghĩa liên tục diễn ra.

Lần đầu tiên ra đến chiến trường, nhìn thấy cảnh người người đứng lên chiến đấu, trong lòng tôi cũng có gì đó sôi sục lên. Tôi cầm giáo chạy theo hai anh, cảm nhận toàn thân mình nóng lên như một ngọn lửa. Từng tiếng hô hào vang lên, xen lẫn trong đó là tiếng kêu nhỏ bé của tôi, nhưng cũng đủ khiến nước mắt tôi ứa ra từng giọt. Trước mắt tôi nhòe đi, tôi vội lau đi nước mắt.

Chợt, tôi thấy một bóng hình đang tiến đến đằng sau anh Khang. Hắn ta giơ báng súng, đôi mắt lóe lên sự hung tợn. Tôi lạnh người chạy đến, đâm cây giáo vào đùi hắn ta. Hắn ta gào lên một tiếng rồi quay cây súng sang đập xuống tôi. Tôi vội ngồi sụp xuống, hai tay ôm đầu. Sau đó, như được bao trong vòng tay của ai, tôi nghe tiếng gào thét đau đớn và tiếng súng rất gần mình. Tôi định ngẩng đầu lên, thì bị một bàn tay to lớn ấn chặt xuống. Theo đó là thứ chất lỏng ấm nóng nhỏ xuống trán tôi. Tôi hoảng hồn đứng dậy. Thì ra anh Sơn đã chắn một đòn đó cho tôi. Đầu anh bê bết máu. Và anh gục xuống. Tôi sợ hãi nhìn sang anh Khang - người vừa kết liễu tên phát xít ban nãy - đang tái mét mặt mày, rồi chạy đi tìm chị Thái.

Anh Sơn được đưa về chữa trị. Đêm hôm đó, tôi chưa kịp chìm vào giấc ngủ thì nghe thấy tiếng của chị Thái và anh Khang. Tôi lần ra mé cửa lều, ngồi xổm xuống, dỏng tai nghe.

-Chị hứa với tôi rồi mà. Sao chị để con An ra trận vậy? - Anh Khang nói, giọng hậm hực.

Im lặng một hồi lâu, chị Thái mới lên tiếng:

-Tôi chỉ nhận lời trông coi An thôi.

-Nhưng An chỉ là một đứa con nít…

-Thì sao? Bước vào chiến khu, đứa con nít cũng phải đánh giặc. - Chị Thái đanh giọng.

Tiếng nói chuyện im bặt. Rồi anh Khang yếu ớt lên tiếng:

-Chị làm ơn, nó không thể đánh giặc, cũng không thể chết được. Chị giúp tôi với.

-Cậu có biết cậu đang nói gì không? An đã chấp nhận nhập ngũ thì nó phải biết đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Nếu không làm được, thì cậu hãy đem nó xuất ngũ đi.

Anh Khang im lặng không đáp. Tôi ngồi im cắn môi, trong lòng tràn đầy phẫn uất. Có một nỗi tủi thân và tự ái ghê gớm đang dâng trào trong tôi. Chị Thái tiếp lời:

-Hôm nay là Sơn, ngày mai là cậu, rồi có thể là tôi hoặc bất kỳ một đồng chí nào khác. Mỗi một người ở đây đều muốn đánh giặc và đã phải bỏ lại rất nhiều thứ để trở thành một người lính. Cậu muốn em cậu trở thành một con gà rụt cổ chỉ biết trốn chạy sao? Hay cậu muốn nó trở thành hòn đá ngáng đường có thể sẽ đè chết người khác?

Ngừng một lúc, chị lại nói:

-Không biết thì học, ngã thì đứng lên, đau thì sẽ khỏi, chỉ cần nó muốn, không điều gì đánh quật nó được, trừ khi nó chết.

-Nhưng tôi chỉ còn nó là người thân…

Tôi sửng sốt, lập tức vén màn bước ra. Chị Thái ngạc nhiên nhìn tôi và anh Khang thì tái mặt, môi anh mấp máy như muốn nói lại không. Tôi tiến đến nắm chặt lấy tay anh, run rẩy hỏi:

-Anh, anh nói vậy là sao? Anh còn có ba má mà…

Anh ngoảnh mặt đi, không đáp. Tôi hoảng loạn gặng hỏi:

-Anh nói đi anh, có chuyện gì vậy?

-An…

-Anh nói đi chứ… - Tôi ngước đầu nhìn thẳng vào mắt anh. Anh Khang đỏ mắt nói:

-Ba má…đi rồi…

Chân tôi như mềm nhũn. Tôi ngồi bệt xuống đất, sống lưng lạnh toát. Người tôi run lên, trước mắt cứ nhòe đi, nhưng tôi không khóc được tiếng nào. Tôi há miệng thở dốc, cổ họng tôi nghẹn ứ và ngực như đang có thứ gì đè nặng lên. Anh Khang ôm tôi vào lòng, người anh run bần bật. Vai tôi ướt dần và vòng tay anh lại siết chặt hơn. Chúng tôi rấm rứt ôm nhau mà khóc.

Anh Khang nghẹn ngào kể lại. Ba má chết trong một cuộc biểu tình ở trong Nam. Lá thư cuối cùng đến tay anh chứa đầy những lời dặn dò lo lắng của ba má, nhưng cuối cùng, điều ba má trông mong nhất, đó là hai anh em sẽ không lầm đường lạc lối, sẽ vững lòng với Đảng và cách mạng. Và theo sau là tờ giấy báo tử mà đồng nghiệp của ba gửi cho. Anh khóc rất lâu, anh nói mình có lỗi với ba má, chưa kịp báo hiếu lúc ba má còn sống. Anh ân hận vì chưa kịp chào tạm biệt ba má đã trốn đi trong đêm. Anh nói ước gì lúc còn được đi học, anh đã học hành cho tử tế.

Tôi thương anh lắm, chỉ biết vùi đầu trong lòng anh để anh khóc cho khuây khỏa.

Rạng sáng, anh rời đi. Tôi đến tìm chị Thái. Tôi nhìn chị, kiên định nói:

-Hôm qua em nghe chị với anh Khang nói chuyện rồi.

Chị im lặng đợi tôi nói tiếp.

-Chị nói đúng. Em không muốn làm hòn đá vướng chân người khác. Chị hãy dẫn em đi liên lạc với.

Chị ngẩng phắt đầu dậy nhìn tôi rồi mừng rỡ mỉm cười.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}