Đi đến giữa sân, bà Lan ngoắc tay với Linh, ngón trỏ chỉ vào chiếc ghế bên cạnh giỏ xoài to đùng, bà dặn: “Sáng hôm nay vừa hái xong đống xoài Đài Loan này, nên giờ không cần đi hái nữa, con ngồi đó lột hết mớ vỏ bao bên ngoài ra cho bác. Bầu bì làm mấy việc nhẹ nhẹ thế này thôi.”
Nói rồi bà Lan quay sang nhìn cô chú đang ngồi nghỉ trên bậc thềm nhà: “Nhà con bé này khó khăn, giờ lại bầu bì, chồng nó đang làm bên Trà Ôn, hiện tại con bé ở nhà muốn tìm thêm việc để chuẩn bị ít tiền cho việc sanh nở. Tui mới nhận nó vào phụ việc, nó bầu nên tui tìm việc nhẹ tay cho nó, mọi người thương tình đừng có ăn hiếp, cũng đừng ganh ghét này nọ con bé nhé.”
“Tụi tui biết mà, mấy đồng bạc lẻ chấp nhặt làm gì với con nhỏ.” Một bác gái lên tiếng, các cô chú bên cạnh liền gật gù cùng tán thành.
Bầu không khí nơi này vốn tốt đẹp, hiện tại có thêm chuyện một lành như vậy bác Lan cũng vui trong lòng, môi bác giữ nụ cười dịu dàng, tuy không nói gì nhưng trong lòng bác đã hãnh diện biết bao.
Linh đứng bên cạnh cũng tự giác cúi người cảm ơn cô chú xung quanh. Xong liền nhanh chóng ngồi vào ghế bắt đầu công việc được giao phó.
Thật ra Linh biết bà con ở đây đã đi làm thuê thì cũng chẳng khá giả gì hơn. Chỉ là họ tốt tính, lòng thương người bao la. Hễ thấy người khổ hơn họ, họ liền dang tay bao bọc chẳng cần nhớ bản thân họ cũng cực khổ thế nào.
Cô rất biết ơn, thậm chí rất tự hào vì được sinh ra ở đây và quen biết những người dân này. Nhưng cô vô năng, chỉ làm phiền chứ chả giúp ích được gì cho người ta. Nhận nhiều quá cô ngại, mà cô không thể đáp trả cái gì, chỉ còn cách dùng toàn bộ chân thành của mình đối xử với họ.
Bắt tay vào làm việc cô liền làm một mạch đến hết giờ, Linh luôn có thói quen hễ chăm chú làm việc gì đều quên mất giờ giấc xung quanh. May nhờ có bà Lan đi tới gọi cô, thông báo cho cô biết đã đến giờ nhóm chợ chiều.
“3 giờ hơn rồi, chiều con có bán thì về chuẩn đi. Mai rồi đến làm tiếp.”
“3 giờ mấy rồi à bác, vậy con xin phép về trước để dọn hàng.” Linh chống tay đứng lên một cách cẩn thận, cô chùi sạch vết nước trên tay vào vải quần, nhanh chóng búi tóc lại gọn gàng.
Bà Lan cầm bóp tiền trên tay, vừa đếm tiền vừa nói với Linh: “Tiền công bác tính theo giờ, giá vẫn như mấy vựa xung quanh nhé.”
“Dạ bác.” Cách đây một năm công một tiếng cô làm ở mức 8.000đ, khi làm nhanh, năng suất cao sẽ được tăng tiền theo thời gian. Còn hiện tại một tiếng đã lên được bao nhiêu cô cũng không nắm rõ, nhưng người ta trả bao nhiêu thì cô lấy bấy nhiêu.
Vừa nghĩ xong bà Lan đã lấy tờ 50.000đ từ trong bóp đưa đến trước mặt cho cô: “Ráng làm siêng năng rồi bác tặng thêm.”
“Dạ, con cảm ơn bác.” Hai tay nhận xong tiền, Linh cũng chào cô chú làm chung rồi mới rời đi.
Lúc trở lại xuồng ở bến đã gần 3 giờ rưỡi, 4 giờ chợ đã có người qua lại khá đông. Hiện tại cô phải nhanh chóng bơi ra bến đậu, xong mới có thể sắp xếp đồ bán ra chào hàng. Tay chân làm quần quật chưa từng ngơi nghỉ, mồ hôi lấm tấm đầy đặt, nhưng cô không dám than thở một câu.
Nay trời đẹp cả ngày, từ sáng giờ không thấy rơi xuống một giọt mưa. Mỗi lần trời kéo mây đen chỉ cần đợi một lúc sau liền bị gió thổi bay mất, có lẽ trời cũng thương tình cho hai mẹ con.
Ngồi bán được một chút, thế mà hôm nay chuyện may đến những vài lần. Nơi cô đậu trúng ngay đoàn khách truyền hình đến quay. Phải biết chỉ cần có một cơ hội lên truyền hình, cư xử đúng mực, bà con cô bác liền nhớ mặt mũi cùng vị trí mình buôn bán. Dù ít dù nhiều họ cũng sẽ nhớ ra mỗi khi ra chợ, may mắn thì họ sẽ tìm đến nơi mình bán mà mua ủng hộ.
Ngày trước mẹ cô chỉ cần nhìn qua màn ảnh, mẹ lập tức nhớ ra người nọ bán cái gì, bán ở đâu. Nếu mẹ thích cách ứng xử và giọng điệu nói chuyện của họ, chỉ cần ở gần, mẹ sẽ chọn sạp hàng của người nọ mà mua mãi. Chợ nổi thường sẽ có khách du lịch, khách tham quan, cô muốn dùng cách của người nọ mà tiếp cận ánh nhìn của mọi người.
Cuối cùng đó cũng chỉ là mong muốn của cô, có hiệu quả hay không trước mắt chưa thể nhìn thấy được.
…
Chiều tối Linh đang dọn hàng trở về bến nghỉ, một giọng nói đầy thân thuộc nhưng đã lâu ngày không được nghe thấy lại bất ngờ vang lên bên tai cô.
“Nay buôn bán được không?” Giọng nói khàn khàn nhuộm đầy màu thời gian, nhưng nghe một lần cũng đã rất rõ ràng.
Linh theo phản xạ quay ngoắt sang hướng vừa phát ra âm thanh. Lúc trông thấy khuôn mặt già nua của cha mình, lòng cô liền dâng lên một cảm giác xúc động, nỗi nhớ nhung bao tháng ngày qua cùng ùa về.
Tiếng nói cũng theo đó mà nghẹn ngào: “Cha… là cha…”
“Cha lạ lắm hay gì, nửa năm trời không gặp mày quên cha luôn rồi đấy à? Mà nghe mấy bà kia bảo mày vừa phụ việc cho bà Lan hả? Việc gì đấy, ổn không?”
Ông Lâm ngồi chồm hổm bên mé bờ, nhìn Linh thật kỹ lúc lâu. Như muốn xác nhận con gái mình vẫn nguyên vẹn, không sứt mẻ miến thịt nào mới thôi.
“Dạ không có quên cha, ngày nào con không nhớ cha đâu. Mà nay con bán được kha khá. Về phần bác Lan giao việc cho con cũng nhẹ.”
Linh vừa nói tay vừa gấp gáp đậy nốt phần rau củ bên ngoài vào trong tấm bạc, chèn thật chặt bốn góc tránh gió thổi mạnh làm tốc lên. Xong xuôi cô phủi tay sạch sẽ rồi mới ngồi ngay ngắn nói chuyện với cha.
“Sao nay cha đến đây, nhà còn gì ăn không, hay con chuẩn bị ít trái cây để cha đem về ăn lúc buồn miệng.”
Ông xua tay: “Thôi, để đó mà bán đi. Cha tới để hỏi mày xem, tuần sau tới ngày giỗ má mày, rồi có về không?”
Thấy Linh cúi mặt suy tư, ông liền lên tiếng chặn trước, tránh cô sẽ từ chối: “Năm trước không về, năm nay không về nữa thì từ nay về sau cũng đừng về.”
“Con…” Linh khẽ thở dài, cô không biết phải nói thế nào. Năm trước không về là vì vừa cưới Hùng được hai tuần, hắn nói ở lại với chồng năm đầu. Còn bây giờ chẳng có lý do gì có thể ngăn cản. Nhưng Hùng vẫn không về, cô không biết phải giải thích thế nào khi cha hỏi tới.
“Mày đang lo thằng Hùng chứ gì. Ôi thằng quỷ đó không về cũng tốt, cha có mời cha nó nữa đấy, nên làm sao nó dám vác mặt về ăn giỗ.”
Cô nhìn cha với vẻ mặt đầy hoài nghi, chả biết có phải đây là cha đang cố ý để có cách ngăn chặn Hùng tới nhà hay không. Nhưng cũng chứng tỏ một điều, ông ấy vẫn rất ghét chồng cô, thậm chí sự chán ghét còn nhân lên theo thời gian.
“Vậy… để tới đó con tính thời gian, nếu anh Hùng chưa về con sẽ qua.”
“Giỗ má mày mà cũng phụ thuộc vào tình hình thằng đó mới biết có về hay không hả, bà ấy mà biết được chắc phải tức đến mức đội mồ sống dậy mà vả cho mày tỉnh ra.”
Biết mình vừa nói bậy, cô lập tức nói lại, cật lực muốn giải thích: “Không phải vậy cha ơi, ý con là…”
Còn chưa nói xong đã bị cha cắt ngang, ông không muốn nghe cô nói thêm, nên bài tỏ thẳng với cô: “Thôi đừng có lý do lý trấu gì nhiều nữa, hôm đó không về thì cha cạch mặt mày.”
Dứt lời ông Lâm không đợi cô đáp đã đứng dậy rời đi.
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận