Chương 1: Về nước
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, dòng người tất bật ngược xuôi.
Giữa hàng nghìn người, một chàng trai đang kéo vali đi về phía cửa ra vào. Điều khiến người ta chú ý đến là phong thái ung dung toát ra từ người anh.
Chàng trai này mặc nguyên bộ đồ màu đen, đầu đội một chiếc mũ đen, mang kính râm to bản, che khuất một phần gương mặt nhưng điều đó không cách nào ngăn được vẻ tuấn tú của anh, dáng đi nhẹ nhàng, khoan thai, cứ như dạo bước trên sàn catwalk, dù rằng vừa mới trải qua chuyến bay mười mấy tiếng đồng hồ, anh đang rất mệt vì chênh lệch múi giờ và thời tiết.
Trước cửa sân bay đã có xe đứng đợi, là bạn thân chơi từ nhỏ của anh, Hoàng Nam.
“Chào mừng người anh em về nước.”
Nam bước lên đập tay với Trí một cái, sau đó đón lấy vali của bạn mình, kéo về hướng sau xe, mở cốp ra, khiêng hành lý để vào trong. Vĩnh Trí mở cửa xe ngồi vào ghế phụ lái đợi bạn mình. Mặt dù sức khỏe tốt nhưng bay suốt mười mấy tiếng, anh vẫn thấy mệt lắm.
Hoàng Nam mở cửa xe ngồi vào ghế lái. Xe lăn bánh tiến về trung tâm thành phố.
“Về nhà ba mẹ mày luôn hay về nhà riêng đây?” Nam quay sang hỏi Trí.
“Về nhà tao trước đã, sáng mai tao sẽ về nhà ba mẹ sau, mệt quá, Sài Gòn nóng khiếp, tao phải ngủ lấy sức.” Trí nhắm mắt ngả người nằm ra sau.
“OK, tuân lệnh kiến trúc sư. Nghỉ đi, tới nhà mày tao gọi.”
“Cảm ơn bạn hiền, hôm nào mang mi đi ăn.” Vĩnh Trí nhắm mắt lại, giọng đáp lại dần nhỏ đi.
Trí dần dần chìm vào giấc ngủ, xe chầm chậm lăn bánh hướng về trung tâm thành phố. Trời tháng Hai ở Sài Thành nắng vàng rực rỡ, không đến mức oi bức nhưng với một người từ châu Âu về thì quả thực như đang ở trong một lò nung.
Căn nhà của Trí nằm ở một khu phố không sầm uất, ồn ào. Xe dừng lại trước cổng nhà, Nam quay sang gọi thằng bạn mình:
“Trí, dậy nào, tới nhà mày rồi.”
Trí mở mắt ra, tháo đai an toàn, mở cửa bước xuống xe lấy hành lý.
“Mai nay tao về nhà ba mẹ nên mày xem hôm nào rảnh thì nhắn cho tao, đi ăn một bữa.”
“Biết rồi. Rủ đám kia luôn không?”
“Rủ đi, lâu quá không gặp mọi người rồi nhưng đừng bảo tao về.”
“OK! Tao sẽ báo thời gian cho. Vào nhà đi. Bye bye.” Hoàng Nam vừa nói vừa vòng qua mở cửa xe ngồi vào.
“Chạy xe cẩn thận đấy. Bye.”
Trí kéo va li vào nhà. Căn nhà này được anh mua năm 25 tuổi, mặc dù sau đó anh không ở đây bao nhiêu cả nhưng căn nhà luôn được chị gái anh thuê người đến dọn dẹp hằng tháng. Anh đi vào nhà, cất vali một góc, đi thẳng lên phòng ngủ, ngả lưng xuống đánh một giấc.
…
Tại căn nhà số 73 đường X, Quận 7, tuy chỉ mới sáng sớm nhưng đã rộn ràng tiếng nói cười. Ông Bắc đang ở ngoài vườn cắt tỉa cây cảnh, nhâm nhi tách trà buổi sáng, tận hưởng cái không khí trong lành buổi sớm mai. Bà Nga, vợ ông đang ngồi ngắt bớt lá trên những cành hồng vừa cắt từ vườn, để cắm vào lọ hoa.
Ông bà có sáu người con, bốn trai hai gái. Năm đứa lớn đều đã dựng vợ gả chồng, còn mỗi cô con gái út vẫn chưa cưới chồng, đang ở với ông bà.
Nhà ông Bắc tuy không thuộc hàng danh gia vọng tộc gì nhưng của ăn của để vẫn có. Nhờ sự nhạy bén trước thời thế, trưởng thành trong giai đoạn đất nước chuyển mình, nên gia đình ông cũng tích được ít của cải.
Gia đình lúc trước kinh doanh mặt hàng vải vóc ở khu Chợ Lớn. Thời trước, cha mẹ ông chỉ dừng lại ở việc giao thương trong nước, đến thời ông và con cái mới bắt đầu đẩy mạnh việc xuất khẩu vải và các sản phẩm may mặc đi nước ngoài.
Tên tuổi Dệt May Hồng Đức cũng nứt tiếng gần xa, thời đất nước mới mở cửa, với thiên phú kinh doanh trời cho, sự nhạy bén với thời cuộc và những kinh nghiệm mà ông bà tích lũy, hai người dần thay đổi hình thức kinh doanh và chuyển đổi phương thức sản xuất.
Có lẽ trời thương nên nhà họ Phạm càng ngày càng ăn nên làm ra.
Hai ông bà giờ đây đã gần 70 tuổi, kinh doanh công ty giao lại hết cho các con, hai ông bà chỉ còn quản lý một xưởng may nhỏ, chuyên sản xuất hàng may mặc để xuất khẩu.
Mấy đứa con lớn của ông bà nếu không theo nghiệp kinh doanh cũng sẽ là bác sĩ, luật sư, tiến sĩ,... duy chỉ có cô con gái út Trúc Ly từ bé đã thích nghịch đất, trồng cây, tưới hoa. Lúc đó ông bà chỉ nghĩ chắc là con bé nghịch ngợm, chứ không nghĩ tới con bé sẽ theo nghiệp này.
Bà Nga sau khi cùng chồng bươn chải làm ăn mấy mươi năm, qua tuổi 50, sức khỏe bà dần yếu đi, con cái cũng đã lớn nên bà lui về hậu phương chăm sóc gia đình, mở một tiệm hoa nhỏ trên Đường Số 14 ở Tân Hưng, Quận 7.
Cô Út nhà họ có lẽ từ bé theo mẹ ra tiệm hoa chơi nhiều nên tình yêu cây cối, hoa lá được nhen nhóm từ đó. Lớn lên cô Út chọn theo học ở Đại học Nông Lâm, ngành Bảo vệ thực vật.
Tiệm hoa của bà Nga dưới bàn tay phụ giúp của cô con gái rượu nhà mình, từ kinh doanh hoa đã dần mở rộng thành một nơi chuyên bán và cho thuê cây cảnh hoa lá.
Cô con út của ông bà tên Trúc Ly, năm nay 26 tuổi, vừa hoàn thành chương trình học thạc sĩ Bảo vệ thực vật. Cuộc sống của cô theo như lời bà Nga nói là “chỉ xoay quanh học hành, hoa lá cây cảnh và người thân”. Bà vẫn chẳng thấy con gái đi hẹn hò hay yêu đương với ai.
Ông Bắc ngồi nhâm nhi tách trà, nói:
“Nay cuối tuần có đứa nào về không bà?”
“Có mấy đứa nhỏ nhà thằng Hai về chơi thôi. Tí nữa tôi đi chợ mua ít thức ăn về nấu cho tụi nhỏ.”
Bà đáp lại, không ngẩng đầu lên, chăm chú cắm những cành hoa vào lọ. Nhà bây giờ chỉ có hai ông bà với người giúp việc, con cháu đều ở riêng, cuối tuần hay lễ lộc mới kéo nhau về đây chơi. Con gái Út mặc dù chưa lập gia đình, nói là ở cùng ông bà nhưng thật ra con bé đã có nhà riêng, chạy qua chạy lại giữa hai nhà.
“Bà muốn ăn sáng chưa hay chờ con bé Ly dậy ăn cùng?” Ông Bắc hỏi vợ.
“Sáng nay cái Ly phải ra cửa hàng sớm, có đơn hàng cho thuê cây cảnh. Để tôi lên gọi nó.”
Bà Nga vừa hay cắm xong mấy lọ hoa, bà đứng dậy mang hai lọ vào trong. Ông Bắc cũng đứng dậy, phụ vợ bưng hai bình hoa còn lại vào nhà, chuẩn bị ăn sáng.
Bà Nga vừa bước vào cửa chính, đặt bình hoa lên bàn ở phòng khách đã thấy cô con gái út nhà mình đi xuống.
“Ba, mẹ.” Trúc Ly giọng vẫn còn ngái ngủ, chào ông bà Bắc.
“Mẹ nấu bún rồi, vô chuẩn bị ăn. Mấy giờ con ra cửa tiệm?” Bà Nga vuốt tóc con gái, ân cần hỏi.
“Ăn sáng xong con ra luôn, mẹ muốn ra chơi không?” Ly vừa đi vào bếp vừa hỏi.
“Lát mẹ với cô Ba đi chợ, nay mấy đứa nhỏ sang chơi.”
“Tụi nhỏ thôi hả mẹ? Mấy anh chị có về không mẹ?” Trúc Ly không quay đầu, tay thoăn thoắt mở cửa tủ bếp, lấy bát đĩa, đũa thìa ra để lên bàn ăn.
“Mấy đứa nhỏ thôi, anh chị tụi con đi công tác cả rồi.” Bà vừa trả lời con gái vừa đặt bình bông còn lại lên bàn ăn.
“Vậy mẹ vào ăn rồi đi kẻo nắng lên lại mệt, ra trễ hết đồ ngon đấy ạ.”
Bình luận
Chưa có bình luận