“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, đây là câu nói tôi được nghe nhiều nhất trong các cuộc trò chuyện của mẹ tôi với mấy bác gái kể từ khi cô Út tôi về.


Cô tôi năm nay đã ngoài ba mươi, cưới chồng cũng được mười năm rồi, một trai một gái vừa đẹp.


Út khi còn trẻ rất được ưa thích, kén qua kén lại thì lấy dượng – một người đàn ông cách nhà tôi tận gần ba trăm cây số. Cô tôi lấy chồng xa, cả năm về nhà có một lần, có năm còn chẳng thấy đâu. Nhưng trong cái kí ức non nớt của tôi thì mỗi lần Út về nhìn thích lắm, toàn đi xe hơi về, mà trong cái xóm nhỏ của tôi thì xe hơi lúc đó là thứ vô cùng xa vời.


Mười năm sau khi về nhà chồng, ba tôi và mấy bác ngoài này nhận được tin vợ chồng Út đổ nợ.


Hai người dẫn theo hai đứa nhỏ bỏ xứ đi, chạy về quê vợ nương nhờ, cũng từ đó nhà chúng tôi chẳng có khi nào yên ổn.


Nhà nội tôi nhiều trai hơn gái, cô lại là út được mấy anh cưng chiều từ nhỏ, cưới chồng về cũng bỏ nghề trang điểm mà chỉ ở nhà chăm con, cũng do vậy mà tính cô tôi vừa ngang vừa hỗn.


Những ngày đầu về, cả nhà bốn người ở chung với vợ chồng chú Mười, cũng là người đang giữ từ đường và chăm sóc cho ông nội bị liệt nửa người bao năm nay.


Ngày xưa lúc lên khai hoang vùng này ông nội tôi lấy cả khu nên bây giờ con cháu cũng toàn ở quanh, mấy bác và cô Tư cách nhà nội có mấy bước chân. Do vậy, họ thấy ngay trước mắt em mình, cháu mình không có ăn thì cầm lòng sao đặng.


Cơm nước ba bữa thì ăn chung với gia đình chú Mười, tiền sữa tiền thuốc cho con cái thì có anh chị cho, nhờ vậy mà nhà cô Út đỡ được phần nào.


Cô Út bỏ nghề đã mười năm, bây giờ cũng chỉ biết ở nhà ôm con. Dượng làm thợ hàn, cái nghề thầu khoán vừa lời nhiều lại tự do về giờ giấc. Lúc trước dượng làm chủ, nên cái sĩ diện của một người đàn ông thất bại nương nhờ nhà vợ lại càng lớn hơn ai hết.


Mấy bác hễ gặp dượng lại nhắc dượng đi làm, nhưng tôi thấy cứ dăm ba hôm thì dượng lại đổi công việc. Ba tôi hay mắng dượng nghèo mà chảnh, chê ít chê nhiều như nó thì cả đời cũng không trả hết nợ. Tôi chẳng biết dượng chê điều gì, chỉ biết bằng nhận thức của mình thì tôi công nhận ông ấy sĩ diện thật, đôi lúc cứ ôm khư khư cái tự tôn vô hình ấy khiến người xung quanh bực mình.


Nhưng một miệng ăn thì dễ, bốn thì lại là chuyện khác, tính chú Mười dễ nóng nảy, từ nhỏ đã hay cãi nhau với Út thì đến già vẫn vậy. Chú nói một tiếng, cô cãi một tiếng khiến căn nhà từ đường hôm nào cũng ầm ĩ.


Cho đến cái hôm thím Mười hết chịu nổi tính của Út thì cũng là lúc tức nước vỡ bờ, cả hai lớn tiếng cãi nhau đến mức anh chị trong nhà phải xuống khuyên can.


Sau trận đấy thì gia đình cô Út chuyển lên sống ở phòng kho sát nhà bác Bảy, chỗ này bình thường hay dùng để lúa nên cũng không tính là quá nhỏ.


Nhưng cái kho thì cũng chẳng thể ở mãi được, sinh hoạt lại còn hay chung đụng với nhà bác Bảy, đôi khi tôi lại nghe tiếng cãi nhau hay than phiền của bác Bảy gái.


Tính ngang ngược, cũng chẳng biết cố gắng, nếu như là người ngoài thì ai mà muốn giúp. Nhưng một giọt máu đào hơn ao nước lã, mấy bác trong nhà cũng chẳng nỡ bỏ mặc cô Út tôi được. Đôi khi chính tôi cũng không thích nhưng khi nghĩ lại nếu đó là thằng em tôi thì tôi cũng chả bỏ được, tâm lí ba tôi cũng vậy thôi.


Dân ở đây bao đời làm nông, tiền cũng chỉ đủ nuôi con cái, chưa kể nhà ai cũng có con lớn xem xem tuổi tôi, chỉ riêng tiền học phí đại học đã là cả một vấn đề.


Cuộc họp gia đình ít khi xuất hiện đã diễn ra trong cái tâm tình khó chịu của những bậc làm anh chị, và đưa ra quyết định gom góp cất cho cô Út cái nhà nhỏ ở mảnh đất bên cạnh nhà nội.


Một đứa sinh viên đi làm thêm kiếm tiền trang trải như tôi hay tận mắt thấy ba mình cho Út cả trăm ngàn rồi lại quay sang xin tôi vài đồng mua điếu thuốc. Ba mẹ tôi nuôi hai chị em tôi đã đủ cực, nay bỗng dưng lại nhảy đâu ra một bà cô cùng mấy đứa con nhỏ. Những điều đó khiến tôi không thích việc xây nhà cho Út, bởi chính tôi biết một căn nhà đâu phải vài triệu là đủ.


Ai có tiền thì cho nhiều, không có thì cho ít, nhà chồng cô Út cho vài chục triệu, còn lại tôi nghe rằng loáng thoáng bác tôi đi vay giúp tầm năm mươi triệu là vừa đủ xây căn nhà nhỏ.


Nhưng nếu như câu chuyện sóng gió về bà cô bên chồng trong lời mẹ tôi chỉ dừng lại ở đây thì tốt biết mấy. Có nhà riêng, tự túc lo cho gia đình và không còn lời ra tiếng vào.


Nhưng không…


Tôi nghe tin bà nội thứ nhà mình ở nước ngoài vừa về, bà ấy rất giàu và hào phóng với con cháu. Và cái tin tức loáng thoáng rằng nội có ý định cho tiền cô Út tôi cho đỡ bớt nợ nần cũng nhanh chóng lan truyền trong nhà.


Không ai có ý kiến cả, cô Tư tôi còn vô cùng háo hức mà nghĩ rằng lúc ra thăm bà nội thì đánh tiếng để xác thực rồi nói giúp cô Út.


Và cái ngày mà mọi người kéo nhau ra thăm nhà nội thứ, cũng là cái ngày mà tình cảm gia đình khiến người người ngưỡng mộ của họ hàng tôi đã chính thức đổ vỡ.


Không phải là cái tay bắt mặt mừng sau bao nhiêu năm xa cách, không phải là dì cháu tâm sự trò chuyện, cái chào đón những cô bác nhà tôi chính là tiếng la rầy.


Tôi nhớ như in câu nói ngày hôm đó của nội: “Tụi mày lớn mà sao không thương em nó, nó nợ nần như vậy mà không giúp nó được cái gì.”


Phải, không ai nghe nhầm cả.


Và cái tin sốc hơn mà chúng tôi nhận được chính là nội sớm đã chuyển năm mươi triệu cho Út xây nhà. Nhưng cái tin tức đó đến ngày căn nhà xây xong mới được hé lộ ra.


Cô Út tôi từ sớm đã gọi cho nội tâm sự, và…


Tôi không hiểu, đồng tiền có sức mạnh lớn đến thế ư?


Vài chục triệu kia có thể đánh đổi đi tất cả sự quan tâm, che chở và nhẫn nhịn của những con người chân chất một lòng thương em ư?


Hóa ra chẳng có nhà chồng nào cho tiền ở đây cả, cũng là phía nhà tôi cho mà thôi. Nhưng thay vì giải thích thì Út chỉ nói: “Tui phải giữ thể diện cho phía chồng nữa chứ?”


‘Con gái là con nhà người ta’, trước đây tôi hay bực khi nghe ai nói câu đó nhưng quả thật có những người như cô tôi thì câu nói đó mới lưu truyền đến tận bây giờ.


Tôi tức đến mức tiếng cô ruột cũng không muốn gọi.


Nhưng tôi nghe cô Tư, mẹ tôi, cả mấy bác gái trong nhà đều chỉ nói một câu: “Nó có lớn mà không có khôn, ngu quá!”


Từ đó mấy bác trong nhà chẳng bao giờ quan tâm đến cô Út nữa, nhà tôi cũng vậy.


Tôi chỉ thương ông nội, thấy con bất hòa cũng không làm được gì. Chỉ nằm trên giường mà lẩm bẩm mắng, tôi không hiểu rõ ông nói gì, chỉ nghe rõ được một chữ ‘ngu’.


Mắng thì mắng, đến ngày giỗ ở nhà từ đường thì tôi thấy ông nội tôi vẫn ngó sang nhà Út chỉ chỉ.


Ba tôi bực dọc nói lớn cho nội nghe: “Kêu rồi mà nó không qua chứ ai bỏ nó đâu mà ba lo.”


Quả thật tôi thấy lúc nãy cô Tư tôi có sang kêu, chỉ là hình như Út cũng tự thẹn mà cả tuần rồi không dám ra gặp mặt ai.


Sự lạnh nhạt cứ như vậy trôi qua từng ngày.


Dượng xin được việc chỗ xưởng hàn dưới thị xã, cô Út cũng kiếm được việc làm. Hai đứa nhỏ một mẫu giáo, một lớp hai cũng được gửi bán trú ở trường.


Chiều thứ sáu, tôi vừa về trọ thì thấy trong nhóm bát quái của mấy đứa cháu nội bọn tôi bỗng nhiên đầy thông báo.


Dượng bị tai nạn lao động, vừa nhập viện lúc nãy.


Tôi gọi cho mẹ hỏi thăm chuyện, thì biết dượng bị gãy chân, cũng may không bị gì nghiêm trọng nhưng cũng ở bệnh viện hết mấy ngày.


Thứ bảy học xong tôi về nhà.


Đi ngang qua nhà Út tôi có thấy xe nên dừng lại nhìn thử, người phụ nữ đang vội vã gom quần áo và đồ đạc để chạy xuống bệnh viện nuôi chồng, gương mặt còn xanh xao vì tối qua không ngủ.


Đôi khi nghĩ về Út thì tôi lại lo cho chính mình, không biết số phận mình sau này sẽ gặp tấm chồng như thế nào. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng bản thân dù có gì cũng sẽ chạy về với cha mẹ như Út, nhưng khác ở chỗ chắc chắn tôi sẽ trân trọng cái gia đình này hơn bất kì điều gì hết.


Gia đình tôi lạ lắm.


Họ giận nhau cứ như cái hờn vu vơ của bọn trẻ con tụi tôi ấy.


Mấy bác với ba nghe tin của dượng thì vội chạy xuống bệnh viện với Út, họ sợ cô tôi khờ mà lóng ngóng chân tay, cũng sợ cô tôi không đủ tiền mà đóng viện phí.


Cô Tư tôi thì lớn tuổi rồi, dượng Tư cũng mất được sáu năm rồi, chỉ ở nhà giữ cháu nội cho con. Hôm nay trong nhà cô Tư ngoài tiếng hai đứa cháu nội còn có thêm giọng của hai đứa trẻ khác.


“Ăn nhanh đi rồi tắm rửa, ngồi đó tao bắt quỳ hết đó.”


Cả bốn đứa nhóc nghe mắng thì cắm đầu ôm tô cơm mà ăn, nhìn chúng giống như hình ảnh của tôi lúc nhỏ vậy.


Tôi lại nghe giọng cô Tư lèm bèm: “Mẹ tụi mày toàn được cái báo là giỏi, toàn sinh chuyện cho khổ thân già tụi tao.”


Tôi phì cười, nhưng người bên cạnh tôi thì đã nước mắt giàn dụa.


Cô Út với tôi nãy giờ đều đứng bên ngoài cửa.


Út ngại.


Hai đứa nhỏ tan học thì được cô Tư tôi đón về luôn, sẵn chăm hai đứa thay cho mẹ chúng nó.


Cô Út thì sợ hai đứa nhóc không ai đón mà vội chạy về, sau vụ nói dối lần trước nên cô chẳng dám nhờ vả ai điều gì.


Nhưng anh chị của cô Út cần gì tiếng nhờ vả xa lạ kia, con của Út thì cũng là cháu của họ, bỏ sao được.


Tôi không nhớ Út chôn chân mà khóc tại cửa bao lâu, chỉ nhớ khi cô Tư thấy thì gọi cả hai vào ăn cơm chung.


Nhiều lần tôi muốn nhưng không dám hỏi, chỉ tự thầm nghĩ liệu rằng đã có bao giờ ba mẹ ghét người em gái út kia hay chưa?


Một đại gia đình hòa thuận mấy chục năm đúng là không phải tự nhiên mà có, sóng gió cũng đến bởi đời người luôn vận hành như vậy. Chỉ là ngọn gió kia dù lớn cách mấy cũng chẳng xuyên nổi cái gọi là tình thân, cái gọi là máu mủ ruột rà.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}