“Hai trăm ngàn!”
“Hả?”
“Cô trả tôi hai trăm ngàn rồi muốn đi đâu thì đi.”
“Anh ơi, anh gì ơi, tôi thề những lời tôi nói đều là thật đó. Mặt mũi sáng sủa như anh, không lẽ anh nỡ thấy chết mà không cứu sao?”
“Thì sao? Chuyện của cô thì liên quan gì đến tôi?”
Anh ta bắt đầu cau mày, giọng nói cũng ngày một lớn tiếng hơn. Mà nói đi cũng phải nói lại, nếu nửa đêm nửa hôm tôi tình cờ gặp một đứa ất ơ nào đó đứng nói khùng nói điên, tôi cũng bỏ chạy mất dép chứ đừng nói là anh ta. Thời đại bây giờ, phải trái đúng sai, người tốt hay kẻ xấu đều vô cùng khó đoán, thế nên chẳng ai khi không lại đi giúp đỡ một người xa lạ vừa gặp được mấy giây.
“Đương nhiên là có liên quan rồi, tôi đang nợ tiền anh mà, nếu như tôi chết thì còn ai trả tiền cho anh nữa?”
“Cô nói như kiểu nếu tôi giúp cô thì cô sẽ có tiền vậy.”
“Anh chở tôi qua xóm Lá dưới chân cầu Sài Gòn, tôi mượn tiền người quen ở đó trả cho anh.”
“Nếu cô dám gạt tôi thêm lần nữa, tôi sẽ đưa cô tới đồn công an ngay lập tức.” Lúc này trông anh ta có vẻ nguôi giận hơn một chút, thế nhưng trước khi ngoan ngoãn leo lên xe, vẫn không quên nói đôi câu cảnh cáo tôi.
Vào một ngày tốt lành như hôm nay, con “ngựa gỗ” của anh ta tự nhiên lại bị thương, thế là chúng tôi phải la cà hơn hai cây số mới may mắn tìm được tiệm sửa xe còn sáng đèn.
Suốt chặng đường dài, anh ta vẫn luôn miệng cằn nhằn rằng tôi là vị khách đầu tiên cũng như xui xẻo nhất trong cuộc đời chạy xe ôm của anh ta, còn nói có thể sau đêm nay, anh ta sẽ không bao giờ làm nghề này nữa. Dẫu có khó chịu về tôi thế nào chăng nữa, anh vẫn đưa tôi về đến xóm Lá, con xóm nhỏ chằng chịt ổ gà mà trước đây mẹ và tôi mỗi ngày đều đi qua.
Tôi bảo anh dừng xe ngay ngã ba, nơi nối liền khu nhà ổ chuột với đoạn dân cư đông đúc, bên kia đường là bóng dáng người phụ nữ thân quen với chiếc áo bà ba nâu vẫn đang tần tảo bán cho xong mấy ổ bánh mì cuối cùng. Đã hơn chín giờ đêm rồi, mọi khi vào giờ này, tôi sẽ chạy ra đây phụ bà ấy dọn dẹp rồi đẩy xe về nhà, thời gian qua không có tôi, ốm yếu như bà ấy có thể làm được gì chứ?
“Đói bụng à?” Anh xe ôm đột nhiên hỏi tôi.
Tôi còn chưa kịp trả lời là “không”, anh đã vội nổ máy rồi phóng một mạch đến ngay trước xe đẩy của mẹ. Anh ta bước xuống xe, nhanh nhảu ngồi cạnh chiếc bàn nhựa mẹ tôi để trên vỉa hè: “Cô cho con một ổ bánh mì thập cẩm, đừng bỏ rau mùi nha cô.”
Tôi đứng chết trân nhìn người đàn bà đang mải miết làm đồ ăn cho vị khách nữ kế bên. Đây không phải là lần đầu tiên tôi ghé qua nơi này với tư cách là Tống Linh Đan, mà là rất nhiều lần trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, những lần trước tôi chỉ đứng lấp ló bên kia đường và nhờ người khác mua giúp bánh mì cho bà ấy bằng tiền của Linh Đan. Những lần trước đều là tôi đóng giả làm vị khách tốt bụng nào đó thích hương vị bánh mì của bà ấy, cho tới hôm nay mới dám bước đến gần.
Hình như mẹ tôi ốm đi nhiều, hình như tóc cũng bạc hơn trước, hình như bàn tay gầy trơ xương cứ run lên liên tục, hình như… không phải hình như, mà chính xác là đôi mắt mẹ tôi không còn nhìn rõ nữa.
“Mua bánh ủng hộ bả đi cháu. Tội nghiệp, từ khi con gái bả chết, bả khóc quá trời, khóc tới nỗi mà bây giờ hai con mắt mờ luôn. Thương lắm!” Vị khách kế bên trước khi rời đi còn tranh thủ thỏ thẻ với tôi vài câu.
Khóc sao? Bà ấy khóc cái gì chứ? Tôi chết rồi thì bà ấy bớt đi một gánh nặng, không phải tốt sao? Mẹ nó, mấy lũ bồ hóng ven đường khi không lại bay lung tung vào mắt tôi, khiến nó bỗng dưng đỏ hoe, ghét thật.
Tôi đang đứng trước mặt bà ấy – người phụ nữ mà tôi vẫn một mực ghét bỏ, nhưng tôi không phải cô bé nhà quê tên Xíu, mà là Tống Linh Đan.
Tôi đang đứng trước mặt bà ấy, không thể ngờ rằng có một ngày tôi ở ngay đây, nhưng bà ấy không hay không biết, không thể nhìn thấy, cũng không thể la rầy.
“Cô cứ đứng đó làm gì vậy? Không thấy mỏi chân à? Qua đây ngồi đi.”
Một lần nữa, giọng nói của tên xe ôm ôn thần đó lại cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Vì thấy mẹ tôi đưa cho anh ta ổ bánh mì, nên tôi cũng bước đến ngồi cạnh anh ta.
“Ăn không?” Anh ta đưa ổ bánh mì về phía tôi, hỏi.
“Không. Tôi ghét bánh mì nhất trên… đ… ời.”
Tên xe ôm không nói không rằng, bẻ nửa ổ bánh mì nhét luôn vào miệng tôi: “Một lúc nào đó cô sẽ nhận ra, thứ cô ghét nhất có khi lại là thứ khiến cô hạnh phúc nhất.”
Tôi ngậm chặt nửa ổ bánh mì, khóe môi di chuyển một cách nặng nề, những giọt nước mắt dồn nén cũng bắt đầu vỡ òa. Anh ta nói đúng, thứ hạnh phúc mà tôi luôn tìm kiếm bấy lâu nay, có lẽ chỉ đơn giản là một ổ bánh mì trong cơn đói, hoặc nói đúng hơn… là mẹ tôi.
Thế rồi, trời lại đổ mưa. Những cơn mưa Sài Gòn luôn chọn thời điểm người ta đau đớn nhất để mà rơi xuống. Tôi thấy mẹ cuống cuồng bên chiếc xe đẩy bánh mì cũ kỹ, thấy mưa hối hả rơi trên tóc, trên tấm lưng hao gầy của mẹ.
Trong tiếng mưa đêm kéo dài dai dẳng, tôi đã cùng với anh ta đưa mẹ về nhà, cùng với anh ta che chắn lại mái nhà tranh tạm bợ, cùng với anh ta và mẹ ăn bữa cơm đạm bạc chẳng có gì ngoài trứng với rau muống luộc.
Tôi nói với bà ấy rằng tôi là bạn thời cấp ba của Xíu, rồi lại nghe bà ấy vừa khóc vừa đứng trước bàn thờ, mường tượng kể về quá khứ ngông cuồng và ngỗ nghịch của tôi. Nói cái gì mà: “Nó nói với bác là nó thà chết cũng không muốn tiếp tục sống cảnh nghèo hèn như vầy nữa. Bây giờ nó chết thật rồi, không biết đã được đầu thai vào gia đình giàu có hay chưa.”
“Xíu nó bất hiếu như vậy, sao bác không bỏ quách nó đi cho xong?” Tôi gặng hỏi.
“Khi nào làm mẹ thì cháu sẽ hiểu, đứa con mình đứt ruột đẻ ra, đâu thể nói bỏ là bỏ được.”
Nửa đêm, mưa càng lúc càng thêm nặng hạt. Tôi xin tên xe ôm kia ở lại đây ngủ tạm một đêm, bởi vì dù sao cũng không thể đi đâu trong cái thời tiết ẩm ương như thế này. Anh ta mang vẻ bề ngoài tưởng chừng khó tính, thế mà năn nỉ đôi ba câu là đồng ý ngay.
Ánh đèn dầu trong ngôi nhà nhỏ cứ lập loè theo cơn gió, lúc này tôi mới nhìn rõ gương mặt anh ta, nhớ không lầm thì tôi đã từng gặp anh ở đâu rồi thì phải…
“Đúng rồi, anh… anh là nhân viên thu ngân trong cửa hàng gần nhà tôi mà, sao bây giờ lại chạy xe ôm?” Tôi chợt nhớ ra có vài lần tôi ghé cửa hàng gần nhà Linh Đan để mua nước, lần nào anh ta cũng đứng ở quầy tính tiền cho tôi, không ngờ cuốc xe ôm định mệnh này lại gặp được anh ta lần nữa.
“Ai nói với cô là làm nhân viên thì không được chạy xe ôm vậy? Nghề nào làm ra tiền thì tôi làm thôi, có gì đâu mà ngạc nhiên.”
Cũng đúng. Nói vậy thì anh ta cũng là người đàn ông chăm chỉ và có chí cầu tiến đó chứ. Tôi ậm ờ cho qua chuyện, cũng không hỏi anh ta câu gì nữa, chỉ sợ hỏi một lúc nữa lại bị nhắc đến chuyện tiền nong.
Bình luận
Chưa có bình luận