Trường học


1. Trường học

Năm 2011…

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó là lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ vĩ đại với các cán bộ Đại đoàn 308 trong chuyến về thăm đền Hùng ở Phú Thọ năm 1954. Hôm nay, nhân kỉ niệm 121 năm ngày sinh của Bác: 19/5/1890-19/5/2011. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những truyền thống hào hùng bất khuất, lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm và uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam qua một bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát mang tên Nổi Trống Lên Các Bạn Ơi do đội thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh trình bày.”

Tung tung tung, cắc tùng tung tung tung…

Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con.

Năm mươi xuống biển, năm mươi lên non.

Nay triệu cháu con chung tình nước non. Là hoa một gốc, là con một nhà…

“Hở? Sáng rồi sao?”  

Hải giật mình ném vội tấm chăn khỏi mặt, mắt liếc xéo cái loa phường đang reo réo ở bên kia cửa sổ. Sau giấc ngủ ngắn chẳng mấy ngon lành, anh chàng buộc phải tỉnh cơn mê khi những thanh âm ồn ào đó cứ dội thẳng vào tai, lại thêm đó là ca khúc đã chán ngấy vì liên tục hò đi hát lại không biết bao nhiêu lần suốt những năm học lớp tám. Riêng kì thi học kì hai của năm lớp mười một, Hải bấm độn và nhớ chỉ còn khoảng hơn tuần nữa là sẽ đến. Với đống sách vở và mớ đề cương ngập ngụa trong phòng, bất cứ đứa học sinh nào cũng cảm thấy thật ngán ngẩm. Việc chạy tới chạy lui giữa những lớp học thêm, chống mắt thức tới hai ba giờ sáng để gạo bài là tình hình chung của bất cứ học sinh vào những mùa cao điểm thi thố. Bản thân Hải cũng không ngoại lệ; và cũng như nhiều cô cậu thanh thiếu niên mới lớn, tự dưng anh chàng lại xuất hiện suy nghĩ tiêu cực rằng tại sao ngôi nhà mình ở, đất nước mình đang sinh sống lại lắm bất công và ngột ngạt đến thế?

“Giá mình lớn thật nhanh. Làm người lớn thì đã khác rồi!”

Tự nhủ với bản thân rồi chép miệng vài cái cho qua cơn say, chàng trai trẻ rời giường xuống dưới nhà. Mặc dù từ lâu đã không thích cái loa phường nằm ngay sát phòng mình, nhưng Hải vẫn thầm cảm ơn nó vì đã luôn đóng vai đồng hồ báo thức quá hữu ích. Nhờ có nó mà suốt những năm đi học, Hải luôn đến lớp đúng giờ và anh chàng luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết này cho bất cứ ai muốn dậy sớm. Ấy là cái lợi, còn cái hại thì đôi khi bị ám ảnh tới mức ngủ cũng nằm mơ về nó khiến cậu giật mình giữa khuya.

Mất tầm ba mươi phút để vệ sinh thân thể và ăn sáng, cậu học sinh nhấc cặp qua vai, uể oải bước ra khỏi cửa và không quên chào cô Hương - người vẫn đang lúi húi trong bếp, tay thì gọt trái cây làm nước ép rồi quay ra cắt rau củ cho món súp cua. Phía bên trái ngôi nhà mà Hải vừa ló dạng là một khoảng sân rộng tầm ba trăm mét vuông, nơi có hàng chục người đang nhìn anh chàng với ánh mắt cực kì hung tợn như muốn nhảy vào ăn tươi nuốt sống. Thế nhưng Hải không lấy làm lạ, cũng không tỏ ra hốt hoảng mà rảo bước một mạch tới mái hiên bên phải. Vọng ngang tai anh chàng là những tiếng thét rất dứt khoát và rõ ràng.

“Nghiêm. Lập tấn. Bái tổ! “

“Bài tập Ngũ Hành Quyền. Bắt đầu.”

“Nè sai rồi, phải gạt đứng hai tay như thế này. Ừ, thẳng lưng lên.”

Các môn đồ sau khi trợn mắt thể hiện vẻ nghiêm túc, họ lập tức bắt đầu thực hiện các động tác theo khẩu lệnh của ông Khâm - cha của Hải. Ông là một vị võ sư chừng bốn lăm tuổi, nhưng nom vẫn còn trẻ trung và khỏe khoắn. Vóc người khá ốm nhưng các cơ bắp thì đầy đặn và rắn chắc, mái tóc điểm vài sợ bạc trắng, song phần râu đã được cạo sạch hai bên má, chỉ tập trung tỉa tót phần quai nón đằng trước theo hình ngũ giác thì cũng đủ bù vào, thậm chí dư thừa tiềm năng để làm tăng thêm vẻ hấp dẫn và nam tính.

Nơi đây là võ đường của Khâm dưới cái danh Tịnh Phú. Ông xuất phát từ miền đất võ Bình Định nhưng đã vào miền Nam lập nghiệp hơn mười năm. Với toàn bộ số tiền ít ỏi dành dụm, ông dần dần xây dựng một cơ ngơi khá giả ở ngoại ô Sài thành. Thằng Hải là con và cũng là niềm hi vọng duy nhất, dĩ nhiên đó phải là đứa mà ông tuyệt đối trao trọn thương yêu.

Võ đường Tịnh Phú thu hút đông đảo người theo học. Già trẻ, lớn bé đều có đủ. Các bài tập võ cổ truyền gần như phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp nâng cao sức khỏe và rèn luyện thể chất. Khâm cũng nhận đào tạo vận động viên thi đấu với số lượng hạn chế và các học trò của ông đạt rất nhiều thành tích, giải thưởng trong các kì Đại hội võ thuật liên tỉnh và cấp thành phố. Vì thế tiếng tăm vang xa, võ đường lại càng phát triển. Người ghi danh lúc nào cũng chật ních đến nỗi Khâm phải treo biển “Tạm ngưng nhận học viên”.

Nhác thấy con trai sắp đến trường mà không thèm chào hỏi, vị võ sư hiệu cho một môn sinh đầu hàng thay mình đếm các bước tiếp theo của bài quyền. Còn bản thân thì tiến lại gần cậu con trai, ôn tồn nói, “Tại sao con bỏ bài tập sáng nay?”

“Con tưởng chúng ta đã thống nhất rồi,” Hải khựng lại với vẻ mặt nhăn nhó. “Con sẽ tập trở lại sau khi cày xong kì thi.”

“Chuyện thống nhất chỉ có hai mẹ con đưa ra rồi tự bỏ phiếu thôi, ta đã đồng ý đâu!” ông Khâm nhíu mày. “Với lại, nếu muốn con có thể dậy sớm hơn để thực hành nhuần nhuyễn những gì ta đã dạy, lại còn có thể học thêm một số kiến thức mới. Mất chừng ba mươi phút chứ mấy.”

“Con hiểu rồi,” Hải thở dài, đề nghị. “Vậy nếu thầy chủ nhiệm gọi cho cha để thông báo việc con bị điểm kém hay học hành chểnh mảng. Cha cũng đừng giận nha.”

Khâm thoáng bối rối, giọng ngần ngừ. “Chuyện này…”

“Thưa cha, con đi học.”

Hải xách chiếc xe đạp dựng ngay cạnh hàng lan hồ điệp treo gần mái hiên rồi phi nước đại tới cổng lớn. Anh chàng phóng ì lên yên xe, chạy một mạch như kiểu muốn thoát khỏi cha mình càng nhanh càng tốt. Khâm đưa đôi mắt đã hằn vết chân chim dõi theo con trai, tự nhủ bản thân có lẽ đã quá vội vàng, khi ép một đứa trẻ phải cân bằng giữa việc học và tập võ. Dù sao vị võ sư vẫn thầm hi vọng, một ngày nào đó con trai ông sẽ hiểu được những gì mà cha mình đang làm.

Trên con đường rợp bóng bạch đàn, đầy tiếng chim hót và ánh nắng óng ánh chan hòa, Hải lững thững trên chiếc xe đạp Nhật với một tâm trạng nổi điên vì không mấy hòa nhập với thiên nhiên. Anh chàng tự nhủ thói quen dậy sớm của mình không chỉ nằm ở cái loa chết tiệt chuyên quấy phá giấc mơ nhân loại, giờ lại tới lượt cha cũng làm phiền cậu.

Dạo trước, khi chưa tới kì thi thì ông Khâm luôn là người lên phòng lôi Hải dậy vào lúc tờ mờ sáng. Ông bắt anh phải tập võ Bình Định, học toàn bộ những chiêu thức bí truyền của môn phái theo hình thức huấn luyện hà khắc như đày đọa sinh linh dưới địa ngục. Vậy mà, ông còn nỡ lòng nào bắt cậu con trai phải học thật giỏi. Hải cho rằng yêu cầu này quá xá là độc ác.

“Quan văn hoặc quan võ thôi chứ!” Hải bặm môi, chân nện bàn đạp một cú thật mạnh. “Cứ thế này có khi mình vô nhà thương điên luôn.”

“Ơ, đợi ta với!”

Bất giác nghe tiếng gọi từ đằng sau, cậu trai trẻ vội vàng quay lại nhưng chưa kịp ú ớ thì đã bị một bàn tay vỗ chát chúa vào giữa lưng.

“Thằng quỷ chạy lẹ dữ. Ta gọi quá trời mà cũng không nghe ư?” Đăng vừa thở hổn hển vừa nói. “Chạy theo mi muốn hụt hơi.”

Hải cau có, giơ nắm đấm lên. “Bảo là mệt nhưng mi vẫn còn sức để đánh ta kia mà. Chắc là ta phải đáp lễ lại?”

Thằng Đăng nghiêng người tránh né, cười cười. “Đùa tí làm gì căng? Mọi hôm mi đâu có như thế. Bộ sáng này tập luyện khắc khổ lắm sao?”

“Không,” Hải lắc đầu, mặt xệch ra. “Ta không tập.”

Thấy thằng bạn không vui, Đăng vội chuyển chủ đề. “À mà mi học bài Vật Lí của thầy Phúc chưa? Lát ổng trả bài đó. Mà cũng có thể là cho nguyên lớp làm bài kiểm tra đột xuất.”

“Học rồi,” Hải nhún vai. “Môn tủ của ta mà. Thôi đến trường đi.”

Đăng và Hải đã làm bạn với nhau từ những năm cấp hai nên tình cảm khắng khít như anh em một nhà. Thằng Đăng cao cỡ mét bảy lăm, hơn Hải đúng hai phân. Mặt dài chữ mục, trán dô, ốm như que củi, mắt sâu hun hút, còn các bộ phận khác đều hài hòa cân đối với thân hình nên thiên hạ thường khen Đăng đẹp trai, nhưng với Hải thì thằng này khá ngáo ngơ và lấc cấc chẳng được cái nết gì. Thế nhưng, Hải phải nể Đăng khi nó có khiếu làm thơ cực chất. Báo tường của trường và các trang báo tuổi teen như Mực Hồng, Áo Tím,… Tháng nào nó góp hai ba bài và tiền nhuận bút thì nướng hết vào mấy trò Võ Lâm hay Đột Kích, có khi cu cậu còn hào phóng khao Hải khi hai thằng tham chiến vài chục ván Rồng Đen.

Sở dĩ hai đứa trở nên thân thiết phần vì hợp tính, phần vì đều là dân luyện võ. Nếu của Hải là Bình Định gia thì sở trưởng của Đăng là Không thủ đạo, hiện nó vừa tốt nghiệp mức đai đen Nhất đẳng tương đương trình độ của một cao thủ. Hai năm trước, Hải và Đăng từng cao hứng bày trò cọ sát giao lưu để phân tranh cao thấp. Chẳng biết đường cơ thế nào mà lát sau mặt mày cả hai bầm tím, tay chân lấm lem còn mình mẩy thì đượm đầy thương tích. Từ đó, hai thằng tự lập lời hứa sẽ hạn chế va chạm với nhau bởi nắm đấm thì không có mắt, cũng không ai phê bình hay chê bai môn phái và cách đánh của người còn lại. Như mấy anh Mỹ đế vẫn hay nói, nắm đấm làm nên tình bạn nhưng tụi bay làm ơn đấm ít thôi.

Ngôi trường tư thục mang tên Văn Thụ mà đôi bạn cùng theo học là một trong những ngôi trường đào tạo chất lượng cao và có tiếng tăm của thành phố. Trường tọa lạc tại trung tâm quận Đề Ngạn - một nơi nằm kẹt giữa hai quận khác là Bình Tân và Bình Chánh. Do là trường tư nên học phí ở đây khá “thấp” nếu tính theo đô la, song dân lắm tiền nhiều của vẫn bu vào như ruồi bu hũ mắm. Hải còn nhớ cha đã phải rất vất vả mới xin được cho mình một tấm “vé vớt” nhờ quen biết. Còn thằng Đăng thì khỏi cần bàn khi có ông cha là chủ tịch của cái quận này, lo cho nó học xứ tư bản còn được chứ mấy cái trường dân lập thì nhằm nhò chi.

Qua cổng trường, gửi xe xong thì hai tên trổ thuật phi hành đua nhau xem ai vào lớp 11A7 trước, thế mà chưa kịp phân định thắng thua thì đã bị một cái bóng hộ pháp án ngữ ngay cửa, kèm theo một giọng oang oang. “Ê, góp tiền quỹ giúp đỡ người nghèo! Mỗi đứa hai mươi ngàn.”

Đăng phân bua. “Đóng gì đóng hoài vậy lớp trưởng? Tao nghèo mà.”

“Nghèo quái gì!” thằng Hiếu đảo tròng mắt. “Tiền đóng góp không có chứ tiền nạp game có hen. Ê, sở hữu bao nhiêu tài sản thì ói ra tao coi!”

Hiếu là người có vóc dáng khá cao, gương mặt vuông vức và nét miệng rộng. Tóc nó bồng bềnh, đen tuyền và có độ xoăn vừa phải. Da dẻ thì trắng trẻo như con gái. Tất cả các đặc điểm, đường nét của Hiếu in hệt người phương Tây. Lẽ đơn giản vì nó mang trong mình dòng máu lai Việt - Pháp. Hải nghe nói cha mẹ nó đã chia tay. Cha thì về Paris xây tổ ấm mới, nhẫn tâm bỏ lại hai mẹ con côi cút ở Việt Nam. Dù vậy tay lớp trưởng này không phải hạng nghèo mạt vì trước khi quất ngựa truy phong, tay chơi Phú Lãng Sa đã để lại khoảng… một trăm cái nhà trọ trải dài khắp đất Sài Gòn coi như “trả tiền ăn bánh”. Trường hợp của Hiếu được coi như bằng chứng hùng hồn nhất cho câu: “Trong họa có phúc, trong rủi có may”. Nhiều đứa trong lớp từng phán, mồ côi như Hiếu còn hơn khối đứa đủ cả cha mẹ, có lẽ cũng không phải là nói ngoa. Nhưng cũng vì dung mạo dị chủng nên Hiếu thường bị bọn mất dạy trêu ghẹo với cái tên kì cục là “thằng Tây lông” hoặc “tên mũi lõ”. Điều đó đã thôi thúc nó học Taekwondo để sút vỡ mồm bất kì đứa nào nói ra câu miệt thị ấy. Tên mặt trắng không tiết lộ đai của mình nên Hải chẳng biết khả năng tới đâu, nhưng chắc cũng thuộc dạng “thâm tàng bất lộ”. Do chỉ tiếp xúc vào năm đầu cấp ba nên Hải không mặn mà với Hiếu bằng Đăng, nhưng xét theo thứ tự bạn thân thì anh chàng sẽ không ngần ngại điền nó vào vị trí số hai.

 Hải than thở, “Đáng lẽ tao là người nhận chứ sao lại là người đóng?”

“Không nói nhiều!” tên lớp trưởng vung tay. “Tụi mỳ đóng tiền lẹ lên!”

“Mỳ là cái gì?” Đăng ngơ ngác. “Là cọng mì à?”

“Là mày đó,” Hiếu chậc lưỡi đáp. “Từ nay tao sẽ gọi mày là mỳ. Một kiểu nói tắt ấy mà.”

“Vậy cũng nghĩ ra được,” Đăng bình phẩm với miệng méo xẹo. “Đừng tưởng dân lê dương muốn nói gì nói nha.”

“Lê cái đầu mày!” Hiếu quát. “Tao là dân Việt Nam, chết cũng là dân Việt Nam. Thôi đóng nhanh không tao tru di cửu tộc tụi mỳ bây giờ.”

“Lạy Chúa trên cao!”

“Chúa giáng thế cũng chẳng đảo ngược được tình hình đâu,” tay lớp trưởng vẫn làu bàu với cái giọng cáu kỉnh. “Nôn tiền lẹ tao còn thu đứa khác. Lèo nhèo như tụi mỳ riết Chúa dù có thật thì ổng cũng phát điên.”

Bất lực, hai đứa đành móc hầu bao cho tên mặt trắng. Tuy nhiên khi còn bực mình vì sáng sớm đã bị vòi tiền như mắc nợ thì bỗng nhiên một hình ảnh thú vị khác đã khiến Đăng và Hải quên đi chuyện không vui. Từ bên ngoài bậc thềm dẫn vào cửa lớp, Phong đang xách cặp cho Yến và cả hai cùng sánh đôi cười tình. Những nụ cười đầy trong trẻo nhưng cũng đầy tham lam vì ai cũng chờ đợi sự si mê của đối phương dành cho mình.

“Wow, đi chung luôn kìa,” Đăng hí hửng. “Hạnh phúc quá trời luôn.”

Phong mặt đỏ như gấc, cố giải thích với cái giọng trầm ấm, thanh điệu đúng chuẩn dân Hà Nội. “Chỉ là tình cờ thôi.”

“À, chỉ là sự tình cờ mà thôi,” Đăng nhái giọng như lồng tiếng phim Châu Tinh Trì, rồi huých hông thằng bạn kế bên. “Thiệt là tình cờ đó mà.”

Hải hiểu ý, bèn nghêu ngao tình khúc bất hủ của Phương Thanh. “Tình yêu như tiếng hát bỗng cất cánh trong tim tình cờ. Tình yêu như tiếng sét bỗng giáng xuống nào ai có ngờ…”

Rồi như hai thanh nam châm trái dấu, Đăng ghì chặt cổ Hải tạo thành cặp bài trùng vừa song ca vừa giơ chân nhịp giò và múa may loạn xạ, làm cho cặp nam thanh nữ tú trước mặt ngượng đến độ không thể nhúc nhích. Yến thì há hốc miệng trông như đang nuốt một con cá trê còn Phong kể cả một lời phản bác thốt lên cũng cảm thấy khó khăn không tưởng. Tiếng cười ha hả thể hiện niềm sung sướng của hai tên khỉ gió tưởng chừng như sẽ kéo dài không dứt, cho đến khi một nhân vật khác “cầm kéo” cắt phăng trò chọc ghẹo vô duyên.

“Ủa, sao lại đùa cợt Phong, Yến không dạ?” tiếng Hồng lớp phó cất lên từ bàn giáo viên. “Đăng hôm nay sao không dẫn bé Tuyền đi học ha?”

“Ừ ha, tôi quên mất?” Hải hưởng ứng. “Đăng, sao mi không ẵm nàng nấm lùn đi học?”

Ông con chủ tịch quận nghe tới tên Tuyền liền nhảy dựng. “Uê, chơi đâm sau lưng chiến sĩ hả mi?”

Hải lém lỉnh đáp. “Đâu có, ta đâm thẳng mặt mi ấy chứ. Mà tình yêu gà bông của mi bà con ai chẳng biết. Ề ề, phải thế chăng tình yêu…”

“Phải thế chăng… thì sánh đôi,” Hồng lanh lảnh chêm vào.

Mấy đứa khác ôm bụng cười nắc nẻ, Đăng lập tức trở thành nạn nhân trong chính trò tiêu khiển do mình bày ra. Anh chàng xấu hổ không biết làm thế nào để giải tỏa, bèn nhào vô bóp cổ Hải cho bõ ghét. Hai kẻ từ bạn hóa thù, vật lộn nhau từ ngoài kéo vô trong lớp, té đổ cả bàn ghế rồi la chí chóe như chó cùng cắn bạo, Phong vừa lắc đầu ngán ngẩm vừa lên tiếng can. “Tụi bây có thôi đi không? Tao đuổi khỏi nhóm bây giờ.”

“Ban nãy thì lớp trưởng ăn hiếp, giờ lại tới nhóm trưởng đe dọa,” Hải đang bị thằng Đăng đè lên lưng, hét toáng lên. “Còn thằng quỷ này nữa. Mau thả ta ra!”

“Đâm thẳng mặt này. Tình yêu gà bông gòn này!”

Đăng cốc tay vào lưng thằng bạn từng nhịp y như gõ trống. Tiếng kêu oai oái um sùm cả một góc lớp, thằng Hiếu đang thu tiền ở dãy cuối buộc phải bỏ dở công việc mà xông lên “dẹp loạn mười hai sứ quân”.

“Hê! Tao méc thầy chủ nhiệm hai mỳ đánh nhau à nha,” tên lớp trưởng đe dọa. “Muốn sống hay muốn chết thì nói một lời.”

Yến, Phong nhìn nhau cười khúc khích, còn Hồng thì giả bộ bồi thêm cho lời đe dọa của Hiếu thêm phần nặng kí, rằng với cương vị là một lớp phó lao động, ngoài hình phạt của thầy chủ nhiệm thì cô nàng sẽ bắt hai ông tướng quét sân trong vòng một tuần vì vi phạm nội quy. Dĩ nhiên nghe xong, hai thằng khỉ “cụp đuôi” cấp kì. Những hình ảnh kinh hãi như đứng khoanh tay hàng giờ ở cửa lớp, viết bảng kiểm điểm mỏi nhừ cả tay và cầm chổi quét hết sân trường rộng gần một mẫu bỗng lướt qua tâm trí. Buổi sáng vốn đã lạnh nhưng các thước phim tưởng tượng đó càng khiến “ngọn Hải Đăng” rét run và tắt ngúm. Hai tên vội tách nhau ra xa và xách cặp tót về chỗ ngồi, đưa mặt ngó lơ như chưa từng quen chưa từng biết.

Yến và Phong cũng tách nhau ra. Chàng sang dãy bên kia còn nàng về dãy bên này và ngồi một mình ở vị trí dưới chót, sau lưng hai ông thần ồn ào Hải, Đăng. Dẫu chỉ vừa lướt qua, nhưng mùi hương của cô nàng đã làm hai tên ngây ngất. Và để miêu tả, giới thiệu về Yến thì Hải nghĩ nên nói trước về Phong - người bạn thân thứ ba và cũng là người cuối cùng trong danh sách.

Nghe chất giọng tất nhiên ai cũng biết Phong đến từ đâu, chuẩn dân thủ đô ngàn năm văn hiến không cần bàn cãi. Hải nhớ Phong từng kể mình chuyển vào Nam từ thuở còn nằm nôi. Không biết bố mẹ cho ăn gì mà dòm nó to như một trái núi. Người cao mét tám, da rám nắng, sở hữu thân hình vạm vỡ từ việc nghiêm túc tập thể hình. Khuôn mặt Phong trông già trước tuổi, cằm bạnh, mắt hai mí lãng tử và mái tóc húi cua có phần mái để dài và chải lệch. Giống như Hải, Phong không có anh em ruột. Chỉ khác ở chỗ nó là quý tử của cặp vợ chồng giám đốc địa ốc kiêm chứng khoán, điều đó vô tình khẳng định Phong là một đại thiếu gia dù nó chưa từng thừa nhận. Khác với kiểu cách của mấy “cậu cả” con nhà giàu, Phong không thuộc loại công tử phách lối, cao ngạo hay báo đời. Nó sống hiền hòa, cư xử vui vẻ, hành động nguyên tắc nên được nhiều người mến mộ. Cũng chính vì vậy mà vào đầu năm lớp mười, Hải đã chấp nhận tham gia nhóm Magic do nó sáng lập và phát triển tình bạn thêm phần khắng khít.

Đại gia thường yêu hoa hậu, còn thiếu gia thì chắc phải cặp với hot girl. Mà Yến lại là người hội đủ mọi yếu tố để trở thành một cô nàng “nóng bỏng”. Hải không ám chỉ “nóng” ở đây là gợi cảm mà tập trung giới thiệu về tài năng. Tất nhiên, Hải cũng chẳng hề phủ nhận nhan sắc tuyệt vời của cô bạn ngồi sau. Ở trong trường không thiếu những kẻ trồng cây si chuyên viết thư nặc danh mô tả cô nàng cuốn hút như một bông hoa violet, loài hoa mang sắc tím và hương thơm nhẹ nhàng mà người Hy Lạp luôn ví von là biểu tượng của nữ thần sắc đẹp Aphrodite. Yến từng đọc vài bức thư tình ướt át đó cho Hải và Đăng nghe, hai thằng dẫu ôm bụng cười sặc sụa nhưng lòng cũng phải công nhận mấy đứa giấu mặt này nói quá đúng. Song sự hấp dẫn của Yến không dừng lại ở đó, cô nàng còn đang nắm giữ chức vụ phó Bí thư đoàn trường. Vừa là người đề xuất và hăng hái tổ chức các cuộc thi từ thể thao cho tới nghệ thuật, Yến vừa thể hiện năng khiếu hoàn hảo từ ca hát, chơi đàn đến đá bóng hay cầu mây đều rất nhuần nhuyễn và tuyệt vời. Với chiều cao tương đương Hải, Yến được coi là nhân tố nổi trội nhất trong đám con gái và hoàn toàn xứng đôi với Phong khi hai người sánh bước cạnh nhau.

Tính cách Yến nhìn chung dễ chịu, vui vẻ và hòa đồng giống những người làm trong công tác Đoàn đội. Cô nàng cũng lập ra một nhóm tóc dài lấy tên là “HGVT”. Tuy ngoài miệng giải thích rằng đó là viết tắt của Honey-Growth-Variation-Talent, nhưng Hải hiểu rõ “Hot Girl Văn Thụ” mới chính là hỗn danh thật sự của cái nhóm này. Nếu không tin thì cứ nhìn vào từng thành viên là rõ, hầu hết những cô nàng xinh đẹp và tài năng nhất của trường đều được quy tụ về đây.

“Ê!” Hải tỉnh cơn mơ màng, lấy bút mực chọc chọc vào tay Đăng. “Kiểm lại thành viên trong nhóm HGVT nghe chơi mi. Tự nhiên ta quên mất danh tính vài người.”

“Sao không quay ra sau mà hỏi?” Đăng nhíu mày, nhưng thấy Hải cau mặt thì nó bèn xoa cằm lẩm nhẩm. “Để coi, lớp 11A7 tụi mình thì có bộ ba Tuyền, Lan, Hồng. Lớp 11A2 thì có cô gái Trung Hoa Bích Thiên; nhị tỷ Mai Huyền 11A4, chị đại Uyển Hân 11A6. Ba nàng này từng lập nhóm “Ba con mèo” lừng lẫy nay đã bị Yến thu phục. Ngoài ra còn có chị cả Mỹ Hoa lớp 12A5, em út kiêm hoa khôi khối mười tên Ánh Ngọc học lớp 10A8.”

“Tính luôn nàng phó Bí thư là cả thảy chín người,” Hải cũng bắt chước cọ cằm, sau đó dựa lưng vào tường ngó xuống. “Yến, bữa bà nói nhóm bà có mấy người?”

“Mười người,” Yến mỉm cười đáp. “Số lượng thành viên nhóm tôi cứ thay đổi liên tục.”

Hải liệt kê những thành viên mà thằng Đăng vừa kể. Nàng nhóm trưởng nghe xong thì gật gù. “À, người thứ mười là thành viên mới tuyển, tên là Thủy Phương lớp 12A1.”

“Ủa, lớp 12A1 làm gì có ai tên Thủy Phương?”

“Lớp 12A1 trường Văn Thụ thì không,” Yến tinh nghịch nháy mắt. “Nhưng trường Marie Curie thì có đấy.”

“Tuyển người xuyên biên giới luôn à.” Hải tấm tắc khen, sau đó cắn bút và tiếp tục trầm ngâm. Khác với phe tóc dài, nhóm Magic của thằng Phong có tới mười một thành viên bao gồm những chàng trai ưu tú và mạnh mẽ nhất trong khối. Ngoài Hiếu, Đăng và Hải, các đứa còn lại là Nhật Đông, Chí Huyền thuộc lớp 11A1, Minh Khoa, Linh Đang lớp 11A2, Văn Phú lớp 11A3, Huyền Thế lớp 11A5 và cuối cùng là Tuấn Thành lớp 11A6. Nhóm được hình thành với mục đích tham gia chinh chiến ở hầu hết các hoạt động thể thao do nhà trường, quận và thành phố tổ chức. Ở bất cứ bộ môn thi đấu nào đội Magic tham gia, cả bọn đều giành lấy những kết quả tốt và tạo ra không ít kì tích. Cái tên Magic cũng từ đó mà hình thành.

Để tham gia phe đầu đinh cũng không đòi hỏi quá nhiều năng lực, Phong chỉ cần thành viên của mình có thể chất tốt, tinh thần tốt và đoàn kết tốt là đủ. Nó dừng lại ở con số mười một “que” vì cho rằng càng đông thì càng hiện hữu nguy cơ gây loãng sức mạnh tập thể. Ngược lại, nhóm HGVT phía Yến đặt nặng rất nhiều vấn đề như học hành, xinh đẹp, ứng xử, tài năng và hàng tá thứ khác khi lựa chọn thành viên. Hội chị em thường xuyên thay đổi số lượng vì nhiều người vào nhóm không duy trì được phong độ nên lập tức bị đuổi thẳng. Đơn cử như mới đây, một hot girl nổi tiếng chỉ vì bị giáo viên ghi tên vào sổ đầu bài là đã nhận ngay “trát sa thải”. Ái chà, chức phó Bí thư Đoàn trường còn quyền lực hơn cả cái ghế Hội trưởng hội học sinh do một tay anh chị lớp mười hai nắm giữ. Điều này dẫn tới một kết luận vững chắc, rằng Yến là cô gái tài sắc vẹn toàn, một ngọn núi cao ngất ngưỡng mà chỉ có Phong mới chinh phục nổi.

Mặc dù việc hai nhóm trưởng cặp kè nhau là hệ quả tất yếu của nguyên lí vận hành xã hội “trai tài - gái sắc”, nhưng đồng thời nó cũng châm ngòi cho những xúc cảm và rung động của các thành viên còn lại bùng nổ như bom. Trào lưu thích nhau giữa hai nhóm Magic và HGVT cũng từ ấy mà xuất hiện. Tuy nhiên hiện tại ngoài Yến, Phong coi như “tình trong như đã mặt ngoài còn e” thì các cặp khác có vẻ không được xuôi chèo mát mái. Một số thành đôi nhưng lại giấu giếm, một số không hợp nhau và một số thì đang trong giai đoạn tìm hiểu. Hải cũng không tránh khỏi vòng xoáy này nhưng thực ra anh chàng đã thích người ta từ tám hoánh. Mà Hải lại nằm ở trường hợp đặc biệt, đó là “đơn phương một mối tình thơ dại” theo cách nhận xét của thằng Đăng.

Trong phạm vi lớp 11A7, có ba cặp đang nhận được sự ưu ái và quan tâm đặc biệt từ dư luận hai bên. Đó là Hiếu - Hồng, Đăng - Tuyền và Hải - Lan. Xét về cặp đầu tiên, Hồng là một cô gái cá tính, có gương mặt trái xoan, tóc xoăn, nét ngoài trông rất đôn hậu như cô Tấm nhưng đừng vì thế mà bị đánh lừa. Cô nàng lớp phó lao động này mang hình hài của lửa vì tính khí nóng nảy và không ngán bất cứ thành phần lì lợm nào. Một người quá hợp để đảm đương trọng trách giữ gìn vệ sinh lớp học và “xử đẹp” những kẻ bất tuân. Thế nhưng Hải đã từng há mồm kinh ngạc khi biết Hồng là một họa sĩ đã vẽ minh họa cho các tờ báo tuổi teen. Chưa kể gần đây cô nàng còn cộng tác với một công ty phát hành sách. Hải vắt óc nghĩ mãi cũng chẳng tìm thấy điểm chung nào giữa sự điềm tĩnh, khéo léo và tính khí bốc đồng, hung dữ của… bà La Sát. Dẫu vậy không phải lúc nào nàng lớp phó cũng lồng lộng lên. Bình thường nếu không bị “chọc điên”, Hồng khá hiền và vui tính, đôi khi cũng thể hiện chút nũng nịu và dịu dàng. Những lúc đó trời thường đổ mưa rất to hoặc đài sẽ báo bão.

Do mang phân nửa dòng máu phương Tây nên thằng Hiếu đột nhiên bị ấn tượng bởi những người có cá tính mạnh. Nó hào hứng với chuyện ghép đôi và lúc nào cũng kè kè quan tâm tới cô nàng họa sĩ nhưng ngọn núi này không dễ dàng để chinh phục. Hiện tại chưa có dấu hiện cho thấy Hiếu sẽ thành công và có lẽ tên mặt trắng vẫn đang cắm trại chờ thời ở “dưới núi”. Nhìn nó thu tiền quỹ mà con mắt cứ lén lút ngắm nghía nàng lớp phó đang cầm chổi lông gà quát tháo bọn trực nhật sáng nay, Hải không tài nào nhịn nổi cười.

Về cặp thứ hai, do Tuyền vẫn chưa ló mặt nên lớp học khá yên bình. Dù chỉ cao ba mét chẻ đôi nhưng giọng cô nàng đó phải ít nhất bằng mười cái loa phường gộp lại. Tuyền thuộc dạng xinh xắn nhưng theo kiểu con nít dễ thương nên thường bị gán cho biệt danh “nấm lùn di động”. Độ hung dữ chỉ thua Hồng một nấc. Độ ồn ào thì “maximum”. Một đứa lộn xộn lào xào như Đăng mà kết hợp thêm Tuyền thì đúng là “như một vụ nổ”. Hải thì luôn luôn ủng hộ việc tác hợp hai người này vì họ đều là bạn của anh chàng từ hồi trẻ ranh. Thế nhưng “bên bồi bên lở” đều phản đối chuyện gán ghép và tuyên bố “tình yêu gà bông” kia là trò trẻ trâu dở hơi cám lợn.

Tựa như Hồng, Tuyền dù ồn ào nhưng lại mang tâm hồn dịu dàng của một nghệ sĩ piano, thậm chí vĩ cầm hay guitar cô nàng đều chơi nghệ cả củ. Đáng lẽ Tuyền nên đánh trống mới phải đạo, Hải từng nghĩ như thế nhưng sự thật đã đập vào mặt anh chàng một cú rõ đau. Các giai điệu nàng nấm lùn chơi phần nhiều là các bản ballad trữ tình mang âm hưởng đồng quê và dân ca. Ngoài ra, cô nàng còn là “nhân viên thời vụ” chuyên chăm sóc các cụ già neo đơn ở viện dưỡng lão tư nhân do gia đình xây dựng. Thiết nghĩ nếu dây thanh âm dài hơn chút, có lẽ Tuyền đã trở thành một cô gái hoàn hảo.

Về cặp thứ ba, chính là bản thân Hải và một cô gái tên Lan. Thú thật Hải không biết phải diễn tả Lan như thế nào. Vì nhìn vấn đề từ ngoài vào thì rất dễ đánh giá, nhưng bản thân chìm trong đó thì khó mà phân tích công tâm. Đại khái, Hải thừa nhận rằng mình thích Lan, nhưng không chắc về việc Lan có thích lại mình. Theo Hải, Lan là đẹp nhất, đẹp hơn cả Yến. Không cô gái nào có mái tóc mượt mà đến thế, không cô gái nào có nụ cười tươi tắn đến thế, và cũng không cô gái nào trong bộ áo dài trắng lại hấp dẫn đến như thế. Trong con mắt si tình của Hải, Lan vượt lên trên tất cả và trở thành bông hoa lấp lánh nhất trong vườn hồng Văn Thụ.

Để giới thiệu Lan một cách chi tiết có lẽ sẽ ngốn quá nhiều ngôn từ và lòng nhiệt thành giãy bày phải ví như sự sùng kính mãnh liệt vào một tôn giáo nào đó, nên Hải chỉ nói ngắn gọn rằng Lan không hung dữ như Hồng, không ồn ào như Tuyền và cũng không tạo nhiều điểm nhấn như Yến. Lan chỉ nhẹ nhàng đẩy gọng kính, môi hé nở nụ xuân, thế là Hải đã thấy đời này trọn vẹn.

Thực tế Lan là lớp phó học tập và cũng có thể gọi là nàng lớp phó, song do Hồng quá “sôi nổi” nên cái danh đó đã gán dính cho cô gái đam mê hoạt họa. Còn đam mê của Lan là khả năng đọc sách vô hạn. Kho tàng kiến thức trong đầu cô nàng đồ sộ tới mức bọn bạn phải đặt biệt danh là “quyển Wikipedia”. Phải chăng cũng vì vậy mà cảm xúc của Lan khá là cứng nhắc? Bằng chứng là Hải đã làm đủ mọi cách để thổ lộ tình cảm, nhưng cô nàng này cứ tảng lờ và lạnh như băng. Hải nhớ mang máng mình từng đọc trong một cuốn tạp chí, nói rằng con gái cung Xử Nữ có tính kỷ luật cao và rất khó cưa cẩm. Vốn dĩ chẳng tin thế giới này chỉ có mười hai loại người, nhưng Hải đã phải tự ừ, vì chỉ có quyết tâm thượng thừa mới đọc sách đến mức trở thành “Bách khoa toàn thư”; và chỉ có trái tim sắt đá mới không nhận ra tấm lòng của Hải suốt gần hai năm học chung trường chung lớp.

Nghĩ ngợi cũng khá lâu, Hải quay về thực tại khi tiếng trống trường réo lên tùng tùng. Lũ học sinh bên ngoài cuống quít chạy vào lớp. Có kẻ hớt hải đến nỗi trên miệng vẫn còn ngậm nguyên ổ bánh mì, có kẻ vừa đi vừa chúi đầu vào xấp đề cương ôn thi, có kẻ thì dậy muộn đi trễ bị bác bảo vệ giữ lại, và cũng có kẻ chớp cơ hội tuyệt vời đó mà lén lút chuồn qua hàng rào. Hải bất chợt chống cằm và dòm Đăng, thấy nó đang cắm đầu vào cuốn vở môn Hóa.

“Nãy mi hỏi ta học bài Lí chưa? Sao giờ lại học cái môn dễ ợt này?”

“Thì hai tiết đầu là môn Hóa chứ sao?” Đăng đáp mà không thèm ngó thằng bạn, miệng lép nhép. “Gà cộng H2O trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ tạo thành gà luộc. Nước cộng nước sẽ thành HoHo. Canxi cộng sắt sẽ biến thành cà phê. Ôi chao, Hóa học thật vi diệu.”

“Đồ điên!” Hải nhếch môi, rồi lại quay ra cửa sổ.

Đăng thấy vậy liền buông thụp cuốn vở lật ngược, trố mắt hỏi, “Mi đang ngắm mấy em nữ sinh đó à? My God! Trời mưa thì ngon phải biết.”

“Đi chỗ khác chơi! Để yên cho ta trầm tư.”

“Trầm tư? Về chuyện gì?”

Hải khịt mũi, dặn trước thằng bạn có tính hay chơi xỏ. “Nghiêm túc nhé.”

“Đợi xíu, rồi, đang bật chế độ thanh niên nghiêm túc đây.”

“Tự dưng, ta nghĩ về những kỉ niệm thời học trò của tụi mình. Rồi ta sợ sang năm vào cuối cấp. Việc thi tốt nghiệp, rồi đại học sẽ làm những kỉ niệm vui vẻ đó ít đi. Thậm chí có khi chúng sẽ biến mất như một làn khói.”

“Nghĩ về kỉ niệm của tụi mình,” Đăng tần ngần trong vài giây, xong tự nhiên hét toáng như gà bị cắt cổ. “Không lẽ mi yêu thầm ta?”

“Cái thằng âm binh biến thái này! Yêu yêu cái con khỉ mốc!”

Hải tức giận xồ tới bóp cổ thằng bạn rồi vật nó xuống vì can tội phá hoại cảm xúc lâng lâng của mình. Kể từ lúc vào lớp cho lúc truy bài, hai ông tướng ngồi chung đã quýnh lộn tới hai lần. Lớp trưởng Hiếu ngồi đầu bàn, xoay người ngó xuống cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẫm. Hồng thì nhẹ cười rồi lấy cuốn sổ vi phạm ghi tên Đăng, Hải thật nắn nót. Yến toan rời chỗ để can ngăn cuộc ẩu đả, nhưng chưa kịp nhấc chân lên thì đã thấy một bóng người cực kì “nguy hiểm” bước tới.

“Hai em kia!” thầy giám thị quát lớn, âm tiết được nhấn mạnh không thua gì Trương Phi. Đăng và Hải cảm giác như có tiếng nổ lùng bùng trong lỗ nhĩ, bèn giương mắt lên thì mới ngộ ra người đang tiến tới gần là “ông La Sát”. Tự cổ chí kim, hiếm khi thầy cô nào làm công tác giám thị mà không bị lũ nhất quỷ nhì ma gán cho biệt danh quái gở này.

“Tại sao các em đùa giỡn trong giờ truy bài?”

Mấy chục người trong lớp gục đầu xuống bàn cười hí hửng, còn hai nhân vật chính thì từ từ đứng lên với vẻ mặt tiu nghỉu. Ánh mắt lộ rõ vẻ hối lỗi, dù không biết hai ông tướng có đang thực sự hối hận hay chỉ giả vờ để cầu mong người thầy khó tính bỏ qua.

“Khoanh tay lại kìa,” Yến khẽ mách nước. “Mắt long lanh lên, làm bộ thiệt là tội nghiệp vô cho thầy thương.”

Nghe lời cô bạn bàn dưới và thể hiện y chang những gì được chỉ bảo, giờ đây nom mặt mũi hai tên méo mó trông y như diễn hề, nhưng cũng nhờ thế mà tránh được việc bị mắng cho một trận tã tượi. Người thầy dường như đã bắt đầu nguôi ngoai, bèn trỏ tay. “Nhìn quần áo hai đứa coi? Lấm lem hết rồi kìa.”

Hải, Đăng lí nhí. “Dạ, xin lỗi thầy, tụi em không dám nữa.”

“Câu này quen lắm. Hình như tôi nghe miết cũng được ba mươi năm rồi,” ông La Sát vuốt hàng ria mép muối tiêu. “Mà thây kệ, thầy cô nào mà không đặt niềm tin vào học trò dù cho chúng thường hay nói trước quên sau. Hai đứa bắt tay giảng hòa xem.”

Đăng và Hải quay sang nhìn nhau, trong lòng mỗi tên đều nghĩ “mối thù” này làm sao có thể dễ dàng bỏ qua cho được? Tuy nhiên, an toàn là trên hết. Đôi bạn miễn cưỡng bắt tay nhau, không quên ghì thật chặt các đốt tay của đối phương làm chúng kêu rôm rốp.

“Tại mi đó!” Đăng nhép miệng, còn Hải cũng chả vừa. “Coi chừng ta!”

“Thôi được rồi, ngồi xuống đi,” thầy giám thị hạ lệnh, xong nhìn quanh lớp và hỏi. “Các em đang ôn tập môn nào vậy?”

“Thưa thầy, là môn Hóa.”

Ông La Sát khoát tay. “Dẹp sách vở Hóa vào đi. Hôm nay cô Trinh dạy lớp chúng ta bị cảm. Cho nên các em tự quản hai tiết đầu, hai tiết sau chúng ta học môn Vật Lí bình thường theo thời khóa biểu.”

Đời học sinh nghe tin thầy cô lâm bệnh thì còn vui hơn trúng số. Đứa nào đứa nấy đều nhao nhao rần rần như họp chợ, chỉ riêng Hải và Đăng là không nghe thấy vì còn bận đấu khẩu.

“Mém nữa là bị phạt rồi. Tại mi hết!”

“Ai bảo mi suy diễn vớ vẩn. Ta đã kêu phải nghiêm túc còn gì?”

Thầy giám thị hô lên. “Ủa, tôi tưởng hai đứa làm lành rồi chứ?”

“Dạ, tụi em đang làm lành đây ạ.”

Rồi khi thấy người thầy làm thinh và lê bóng hình bốc hơi khỏi bảng hiệu 11A7. Cả hai lại tấn công nhau dữ dội hơn.

“Tại mi đó! Bố khỉ thằng gay!”

“Ta là chuẩn men, rõ chửa? Đừng suy bụng ta ra bụng người.”

“Muốn ăn đấm hả? Ngon nhào vô! Ta sẽ quật mi không trượt phát nào.”

“Ta sợ mi chắc?”

Bọn bạn gần đó la ầm lên. “Ê, ê, ê, lại có tuồng hay để xem tụi bay ơi!”

Và khi ông La Sát bất ngờ hô biến, giật ngược vào trong lớp. Hải và Đăng như lặng người đi bởi đôi mắt đong đầy, chan chứa “tình thương mến thương” ấy.

Chuyện sau đó, à thì, không còn sau đó nữa.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}