1.
Bà ngoại từng có một đôi găng tay len, đan rất khéo léo, màu nâu đỏ nhã nhặn. Trong giấc mơ của Dương, lúc nào bà cũng đeo đôi găng tay ấy. Bà đứng nhìn Dương, lặng lẽ rơi nước mắt, nhưng vì không nỡ làm hỏng găng, không bao giờ bà đưa tay lên lau. Lần nào cũng vậy.
Đôi găng đó là người ta cho bà. Tối đó bà đi bán hàng về sớm, vui vẻ mua chút giò ăn tối, kể Dương nghe mình gặp được một nhóm thanh niên giúp mua hết hàng, một cô gái trong nhóm nọ đã tặng cho bà đôi găng tay. Tuy không phải đồ mới nhưng vẫn rất đẹp.
Đôi găng chẳng được dùng mấy lần, ở nhà bà bận cơm nước, giặt giũ, chuẩn bị hàng; ra đường thì bảo đeo vào rồi sẽ vướng víu không nhanh nhạy, khách chờ lâu chạy hết. Bà đặt nó vào trong bọc quần áo, gói lại rất cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy ra xem, ướm vào tay một lúc, những ngón tay đỏ vì lạnh còn chưa kịp lấy lại chút sắc màu đã lại tháo ra, đem cất. Nói lần sau mẹ về thăm thì cho mẹ. “Hợp với người trẻ hơn.”
Năm đó trời vô cùng lạnh. Có những ngày đài báo nhiệt độ có thể xuống tới 2 độ, có sương giá các kiểu. Một đêm cũng lạnh như thế, hoặc có thể là lạnh hơn, bà đi bán hàng buổi tối rồi không trở về nữa. Dương ngủ thiếp đi trong lúc chờ đợi. Buổi sáng sớm người ta đưa xác bà về, căn phòng trọ chật hẹp bỗng chốc đầy người, hàng xóm bảo Dương gọi mẹ, giúp gọi thầy, làm tang ma... ký ức của Dương về mấy ngày đó khá mơ hồ, chẳng rõ người ta đã làm những gì. Khi đó nó đang học lớp 3.
Sau đó thì chỉ còn mẹ và Dương.
Ban đầu, mẹ để Dương lại cho bác chủ nhà trông hộ, vì Dương và mẹ đều phải tiếp tục đi học. Nhưng chỉ được hai tháng. Lúc ban đầu bác chủ rất tốt, về sau tuy có bớt nhiệt tình nhưng cũng không hề ngược đãi Dương. Chỉ có điều thỉnh thoảng lại nặng nhẹ xa gần rằng mẹ Dương không biết gửi tiền về nuôi con, cũng chẳng thiết liên lạc gì, không biết có còn cần con trai nữa không. Có lần bác nói sẽ liên lạc với ông ngoại Dương để trả Dương về. Mỗi lần như vậy Dương đều nuốt không trôi cơm, chỉ trong vài tháng mà nó đã gầy xọp đi, tinh thần hoảng hốt, sợ hãi, lại có cả oán giận và ác ý muốn tổn thương. Cuối cùng nó tự làm mình bầm tím mấy chỗ, rồi xin thầy chủ nhiệm gọi điện cho mẹ, khóc lóc xin mẹ về đón mình, nói rằng mình bị đánh. Ngay hôm sau mẹ về, bù lu bù loa một trận gà bay chó sủa với bác chủ rồi đưa Dương đi.
Tuy rất nhiều việc mơ hồ, nhưng có hai điều nó vẫn còn nhớ rõ: một, bà mất vào mùa đông; hai, mẹ đã vứt đôi găng tay len đó đi cùng bọc quần áo ít ỏi của bà. Chỉ có hai mẹ con mà đồ đạc thì quá nhiều, cái gì không thiết yếu đều phải bỏ hết.
Sau đó là hơn mười năm lưu lạc. Chỉ có hai mẹ con, và bóng ma của bà.
2.
Lúc đầu Dương cũng thử tâm sự với Phong chuyện này, nhưng chẳng bao lâu nó đã nhận ra: anh không hiểu được - dù chỉ một chút - nỗi ám ảnh của Dương. Và Dương đã hiểu ra điều này một cách khá gian nan.
Lần đó trời mưa tới hai ngày, do ảnh hưởng bão. Mưa. Mưa. Mưa. Ầm ầm trút xuống, như thể sẽ không bao giờ tạnh. Mưa như muốn nhấn chìm cả thế giới, chặn đứng mọi con đường, cô lập Dương và anh trong một thế giới nhỏ tại ngôi nhà bên bờ biển. Như thể trên đời này chỉ còn lại hai người. Cả hai đều không ngăn nổi mình đắm chìm vào những xúc cảm cuồng điên. Nấu ăn. Đọc sách. Xem phim. Trò chuyện. Quấn lấy nhau ở khắp mọi nơi. Hai đứa lăn vào một căn phòng mà bao nhiêu năm sống trong nhà này Dương chưa bao giờ đặt chân vào. Khi cảm xúc lắng xuống, Dương mới nhìn quanh, thấy căn phòng này như kết hợp của thư phòng và phòng ngủ, với giá sách ở khắp các bức tường, có cả bàn làm việc. Rất nhiều sách cũ.
“Đây là thư phòng,” Phong giải thích. “Lúc ông anh trở nặng thì không lên tầng được, nên chuyển giường vào đây.”
“Dạ?” Dương chưa kịp hiểu ngay. Ánh mắt nó mơ hồ.
Phong chăm chú nhìn đôi mắt thất thần của Dương, lau nước mắt trên mặt nó, lơ đãng thì thầm:
“Anh nói lúc còn sống ông anh ngủ phòng này.” Anh vùi đầu vào cổ nó. “Anh thích mùi của em lắm, biết không?”
Nếu không phải đang được anh ôm cứng trong lòng, có lẽ Dương đã hét ầm lên.
Lần đó Phong phải an ủi đủ kiểu cả ngày trời mới kéo được ba hồn bảy vía Dương về.
“Em sợ gì chứ?” Ban đầu anh nói vậy. Anh dường như thực sự không hiểu nổi Dương sợ cái gì.
“Anh còn hỏi nữa!”
Dương lập cập vùng thoát khỏi vòng tay anh, run rẩy mặc quần áo. Mắt dáo dác nhìn quanh như thể sợ đang có ai quan sát.
“Ông anh chết rồi mà,” Phong nói.
Nếu không quá hiểu anh, Dương sẽ không tưởng tượng nổi rằng thật ra anh đang trấn an Dương.
“Sao anh lại đưa em vào phòng này?”
“Anh... anh cũng không biết. Đẩy cửa thì vào thôi, anh không nghĩ gì cả.”
“Em tưởng phòng này luôn khóa mà?”
“Hôm qua anh mở vào lấy sách.”
Chỉ qua đôi câu trao đổi, dường như Phong đã nhận ra góc nhìn của Dương và đổi giọng ngay: “Đừng sợ. Đừng sợ. Anh đã nói với ông về em rồi. Ông thương anh, ông cũng sẽ thương em mà.”
“Em không muốn ở đây...”
“Được,” anh dỗ dành, “không ở đây nữa.”
Từ đó Phong rất cẩn thận, anh sẽ ướm vào góc độ suy nghĩ của Dương khi nói đến những vấn đề tâm linh. Thế nhưng dù thế nào Dương cũng đã biết sự thật: Phong vô thần. Không những thế, anh cho rằng làm tình trong phòng của người chết chẳng phải là một việc gì báng bổ. Những an ủi của anh hay những việc anh làm cho Dương, dù hết lòng hết sức, đều chẳng có tác dụng gì với nó nữa. Nên Dương không muốn nói với anh.
Bà đã trở thành thêm một điều nữa mà Dương không thể chia sẻ với ai.
3.
Và đó cũng là một điều nữa về Phong mà Dương không hiểu.
Dương tự thấy mình là người có khả năng đồng cảm. Có thể lớn, có thể nhỏ; nhưng chắc chắn là có. Tuy vậy, chưa bao giờ nó thực sự hiểu được suy nghĩ của Phong. Anh là một cái hộp kín, không có nắp; Dương nâng chiếc hộp đó trong lòng, vô cùng ấm áp, và vô phương thấu hiểu.
Làm thế nào để người ta có thể không tin vào bất cứ một điều gì trên đời?
Đó là cảm giác như thế nào?
Sự không tin tưởng ấy là giải phóng hay gông cùm? Là vô cảm hay sáng suốt?
Dương không biết, vì nó chưa bao giờ thực sự không có niềm tin. Dù không đặc biệt có một đức tin cụ thể nào, nhưng Dương lại có thể bị ám ảnh vì một người đã chết. Vậy lời giải thích duy nhất thích hợp, Dương nghĩ, đó là thâm tâm nó nghĩ bà nó vẫn còn tồn tại dưới một hình thức nào đó. Chắc chắn là như thế rồi.
“Không nhất định.” Phong không đồng tình. “Có thể là bởi vì người ta sẽ nhớ những ký ức gây tổn thương.”
“Em chẳng bị tổn thương gì cả!” Dương sửng cồ.
Phong sửa lời: “Anh chỉ có ý là em lúc đó mới bảy tuổi…”
“Tám!”
“… mà đã thấy người thân chết, thường thì lúc nhỏ gặp chuyện như thế sẽ nhớ lâu. Anh mười lăm tuổi ông anh mới mất mà anh vẫn nghĩ đến ông thường xuyên.”
À, ra vậy.
Nhưng vẫn khác: anh thương ông; Dương thì không thương bà. Không ghét; nhưng cũng không thương. Đó là kết luận của Dương sau nhiều năm nghĩ về bà. Hễ nó nghĩ đến một kỷ niệm vui vui nào đó với bà, trong lòng nảy sinh cảm giác ấm áp, thì ngay sau đó, những lời mắng chửi, những trận đòn roi trong ký ức sẽ ào ào đến; ngược lại cũng vậy, nếu nó nhớ đến một chuyện chẳng đâu vào đâu, và bắt đầu oán trách, thì nó lại chợt nhớ rằng đây là người đã nhịn ăn nhịn mặc và chết ngoài đường vì phải nuôi nó. Nếu “yêu” và “ghét” nằm ở hai cực, thì tình cảm Dương dành cho bà và mẹ dao động không ngừng ở khoảng giữa, không bao giờ có thể nằm hẳn về một bên. Vậy nên Dương đoán là mình không yêu cũng không ghét họ.
Liệu người ta có thể ám ảnh mãi về một người mà mình không yêu, không ghét không? Cảm xúc duy nhất chắc chắn tồn tại giữa hai bà cháu Dương có lẽ là sự bất đắc dĩ.
Dù sao đi nữa, bà và Dương đều không phải là người dễ yêu.
Bà Dương có cách thể hiện cảm xúc theo cái cách bộc trực mà những người như Phong sẽ không bao giờ hiểu được. Nếu Phong là một cái hộp kín, thì bà Dương là một quả tim không có bất cứ một bộ lọc che chắn nào. Tất cả mọi cảm xúc của bà, dù yêu, dù ghét, đều không thể giữ được ở trong lòng. Một mặt, bà trút lên nó tất cả những uất ức về đủ các thứ chuyện xưa cũ từ cái thuở Dương còn chưa thấy mặt trời; mặt khác, bà dành cho nó tất cả những gì tốt đẹp nhất có thể, dù có phải nhịn ăn nhịn mặc.
Bà không thể chịu nổi khi nhìn Dương hay mẹ bị tổn thương; nhưng đồng thời lại không ngăn được bản thân trút oán giận lên hai người mình yêu thương nhất. Những lo toan, đắng cay, nhục nhã, thiếu thốn và mỏi mệt... bà phải gồng gánh trên thân hình cao một mét rưỡi. Với từng ấy gánh nặng và uất ức, nếu không có chỗ trút ra, người ta chắc chắn sẽ nổ tung.
Qua thời gian, Dương nhận thấy rất khó giải thích mối quan hệ này cho những người khác. Họ không hiểu. Dường như đối với họ chỉ có một là phù thủy ác độc, hai là bà già tóc bạc kể chuyện cổ tích. Thế nên Dương chỉ đơn giản là không giải thích. Nếu có vô tình nói đến trong cuộc trò chuyện nào, Dương sẽ chỉ tóm gọn trong một chữ “thương” đơn giản và không thỏa đáng.
Dù sao Dương cũng cảm thấy một phần là lỗi của mình. Nó nào phải đứa trẻ dễ nuôi, về vấn đề này bà và mẹ đều đồng tình với nhau. Thằng bé ngang ngược như một con sói hoang không ai thuần nổi. Từ lúc mới sinh ra đã vậy, nó khóc đêm khóc ngày, khóc đến xót ruột xót gan, khóc đến mức như căm hờn oán hận vì bị đưa đến cuộc đời này. Có lần mẹ chịu không nổi, chèn gối lên mặt làm thằng bé suýt chết ngạt. Bà nghe Dương đột ngột nín khóc thì thấy có điềm, chạy vào nhà, tát mẹ một cái ngã từ trên giường xuống, vồ lấy Dương đang tím tái mà kêu gào loạn cả lên, bác chủ nhà nghe thấy vội vã chạy sang. May bác là y tá, sơ cứu một lúc thì Dương thở lại được. Bà bảo từ đó trở đi nó càng ngang bướng khóc lóc nhiều hơn, có lúc khóc hàng giờ không nghỉ, khóc đến lả đi, mãi đến sáu, bảy tuổi vẫn có tật khóc dai dẳng, có lẽ hồn phách không được đầy đủ nữa nên tính tình mới thối nát như vậy. Bà còn định mời thầy về xem cho Dương, nhưng cũng chẳng hiểu vì đâu lại lần lữa mãi rồi mất rồi vẫn chưa thực hiện được.
Về sau Dương kể chuyện này cho anh em Phong nghe. Tại sao lại kể tới chuyện này nhỉ? Dương cố nhớ lại, hình như là do Hoàng kể chuyện hồi lớp 2 có lần cậu bị nghẹn bánh, may anh hai kịp phát hiện, vỗ mạnh mấy cái vào lưng làm cậu nôn miếng bánh ra.
“Nếu không tao cũng không còn ở đây kể cho mày nghe đâu.”
Dương cười ngặt nghẽo.
“Suýt chết vì ăn. Đúng là thằng lợn.”
“Mẹ mày! Tao suýt chết đấy!”
Dương phẩy tay.
“Lúc nhỏ ai chẳng có lần suýt chết.”
Phong rời mắt khỏi trang sách, nhìn xuống Dương đang nằm gối lên đầu gối mình.
“Em suýt chết thế nào?” anh hỏi.
Dương cười nói: “Có lần em khóc nhiều quá nên mẹ cáu chụp gối lên mặt em. May bà kịp phát hiện, không thì em đã đi đời nhà ma từ khi chưa biết lật rồi. Ha ha ha.”
Trong một lúc, trong căn nhà chỉ còn tiếng cười của Dương. Khi nó dừng lại, im lặng nặng nề liền ập xuống. Dương nhìn anh rồi lại nhìn Hoàng, ngay lập tức hối hận.
Phong im lặng, đỡ Dương ngồi dậy rồi bỏ lên lầu.
Đây chính là một trong những lý do Dương không muốn kể chuyện nhà cho người ngoài nghe; dù cho anh em Hoàng chẳng phải người ngoài. Dương nghĩ mình đã bị thiếu đi một bộ lọc nào đó, khiến nó không tự đánh giá được chuyện nào đáng cười, và chuyện nào thì đáng cười nhưng không được cười. Lắm khi, phải nhìn phản ứng của người ta, nó mới nhận ra câu chuyện mình kể có lẽ là khác với bình thường.
Tuy Phong không trực tiếp bình luận gì, nhưng thái độ của anh rất rõ ràng. Dương không biết phải làm thế nào mỗi khi anh như thế.
Nỗi ác cảm của Phong với mẹ Dương là một cái gì đó mà Dương thấy thật vô phương cứu chữa, bất cứ thứ gì nó kể với anh về mẹ đều có thể khiến cảm xúc tiêu cực đó tăng lên nhiều lần. Mà mẹ Dương… thì chỉ là mẹ Dương thôi. Mẹ không hoàn hảo, nhưng mẹ là mẹ. Đó là cách mà Dương thỏa hiệp với chính mình.
4.
Không lâu sau khi cùng mẹ rời đi, Dương đã hối hận. Nó thú nhận với mẹ rằng bác chủ không đánh nó. Nó đã bịa chuyện.
Ban đầu mẹ không tin Dương. Mẹ nghĩ nó đang sợ bác. Không có gì phải sợ, mẹ bảo Dương, mẹ sẽ bảo vệ con.
“Mẹ thấy con bầm tím cả người. Rõ ràng là bị đánh.”
“Đâu có cả người, có một chút trên tay. Là... do con tự làm. Con... muốn được ở với mẹ nên...”
Mẹ tát Dương một cái, cầm cái móc quần áo vụt nó liên tục, gào lên:
“Mày có biết tao đã phải bỏ học vì mày không? Mày có biết vì mày mà tao đã mất đi bao nhiêu cơ hội không hả? Mày là cái thứ nợ đời chỉ biết nghĩ cho bản thân! Tại sao tao lại sinh ra mày...”
Dĩ nhiên sau khi nguôi giận mẹ đã dỗ dành Dương đủ kiểu, còn đưa nó đi nhà sách. Dương cũng ngoan ngoãn hơn hẳn trong mấy ngày liền. Dương rất hiểu mẹ, nó biết căn lúc mẹ mềm lòng để đạt được những điều mình muốn. Trong lúc mẹ đang sẵn áy náy, Dương lại gợi chuyện thêm lần nữa, mẹ không nổi giận được. Tuy nhiên, Dương vẫn không đạt mục đích. Lòng áy náy của mẹ đủ để mua cho Dương một cuốn sách, một bộ màu vẽ là căng rồi. Mà Dương lại muốn quay về quê để xin lỗi bác.
“Lúc đó con chỉ muốn mẹ về đón con nên mới bịa chuyện. Tại mẹ chẳng bao giờ gọi điện cho con đấy.”
“Tiền đâu mà gọi? Con nghĩ khi đó mẹ sống sướng lắm đấy à? Ngoan ngoãn ở lại đi học thì không chịu, nằng nặc đòi đi theo mẹ rồi giờ phải học chậm một năm. Tại con cả đấy còn dám trách móc mẹ. Con có biết mẹ đã phải...”
“Con không trách mẹ mà! Con chỉ đang bảo là con đã nói dối. Bác không hề đánh con. Con muốn về xin lỗi bác. Bà bảo ngày xưa bác đã cứu mạng con. Bà biết con làm thế với bác sẽ không chịu nhìn mặt con nữa mất.”
“Vớ vẩn! Cứu mạng lúc nào?”
“Lúc...” Dương nhỏ giọng đi, len lén liếc mẹ, “lúc mẹ chèn gối lên mặt con.”
Ánh mắt mẹ lảng tránh.
“Mẹ chèn gối lên mặt con lúc nào?”
Dương hoang mang.
“Lúc... con còn nhỏ. Bà... bà kể là bác đã chạy qua cứu con...”
“Làm gì có chuyện ấy.”
Dương lạnh mặt. “Bà kể cho con!”
Mẹ thở dài. Nhẹ giọng hòa hoãn:
“Mẹ không bảo bà con nói dối. Nhưng bà con già rồi, nhiều khi bị lẫn lộn, rồi cứ hay nói quá lên.”
Dương không thích mẹ nói bà như thế.
“Bà có già đâu?”
Lúc nhỏ Dương cũng nghĩ bà già, lớn rồi mới nhận ra là không phải. Bà kết hôn sớm, mẹ là con đầu lòng của bà, mà mẹ có Dương lúc mười sáu tuổi. Lúc mất bà mới hơn 40 tuổi.
Mẹ hỏi: “Thế chẳng lẽ con nghĩ mẹ có thể giết con sao?”
Dương ngơ ngác, lắc đầu. “Không ạ...”
“Thấy chưa? Nghe thôi cũng thấy vô lý rồi đúng không? Con vốn không bị nguy hiểm gì cả, con chỉ khóc mệt rồi lả đi. Bà con không nghe thấy con khóc nữa thì làm ầm lên rồi con mụ đó chạy sang nhiều chuyện, xong lại đi rêu rao là đã cứu mạng con.” Mẹ gật gù, dường như cũng đã tin vào câu chuyện của mình. “Con có bị làm sao đâu mà cứu? Con từ nhỏ đã biết gây phiền phức cho người lớn rồi. Sao con không ngoan được một chút như người ta hả? Còn nghi ngờ mẹ làm hại con? Mẹ có thể làm hại con à? Mẹ chết vì con cũng được đấy.”
“Con có nghi ngờ gì đâu? Con chỉ muốn về xin lỗi bác thôi.”
“Chả có gì phải xin! Vốn con mụ đó cũng chẳng phải loại người tốt đẹp gì. Bà ta luôn khinh thường nhà mình con biết không. Lại còn đánh con.”
“Con đã bảo là không đánh mà! Bác ấy đã nuôi con mấy tháng. Bà cũng còn nợ bác ấy mấy tháng tiền nhà mà bác cũng có đòi mẹ đâu.”
Mẹ tức giận.
“Người ta thừa tiền nuôi con hai tháng thì con nhớ kỹ; mẹ đẻ ra con, nhịn ăn nhịn mặc nuôi con lớn đến bây giờ sao con không nhớ cho một chút hả? Con có biết mẹ đã phải hy sinh những gì vì con không? Vì con mà mẹ không đi học được nữa, không lấy nổi bằng. Không tìm nổi việc!”
“Con chỉ bảo là...”
“...Mãi mới có chú Tuấn thật lòng quan tâm chăm sóc mẹ, bảo con đi chơi với chú một chút để bồi đắp tình cảm con cũng không chịu đi. Lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ với người ta. Chú mua cho con biết bao nhiêu quà cáp...”
Dương hét lên: “Con ghét ông ta!”
Mẹ cũng to tiếng:
“Con thì thấy ai cũng không vừa lòng! Mẹ vì ai mới phải tìm người gánh vác cái nhà này hả? Con nghĩ trong nhà không có đàn ông dễ sống lắm đấy chắc? Con có biết tiền học của con tốn bao nhiêu không? Con có biết tiền nhà, điện nước, tiền mua quần áo, sách, màu cho con từ đâu mà ra không? Còn có gì mẹ chưa làm vì con đâu mà con còn muốn oán trách gì nữa! Có bao giờ nghĩ cho mẹ không hả cái thứ khôn nhà dại chợ?! Chủ nhật này chú đến đón đi chơi, con phải đi! Không lý do lý trấu gì nữa!”
Tai Dương ù đi. Dường như trong thoáng chốc, mọi âm thanh trên đời đều bị tắt mất. Sau đó những ồn ào của thế giới lại ào về như lũ, khiến đầu óc nó quay cuồng. Dương lặng lẽ nói:
“Ông ta chạm vào con.”
Mẹ im lặng một lúc rất lâu, Dương nhìn mẹ chằm chằm nhưng mẹ không hề ngẩng đầu nhìn nó. Mãi mới hỏi lại bằng một giọng vô cảm:
“Con nói linh tinh gì thế?”
“Mẹ biết thừa con nói gì.”
Mẹ rời mắt khỏi trang báo, nhìn Dương, ánh mắt nảy lửa, vung tay tát nó một cái làm Dương ngã luôn ra sàn. Trời đất quay cuồng.
“Mày quen thói dối trá rồi đúng không?” Mẹ vừa gào vừa khóc, vừa đánh liên tục vào người nó. “Nhìn tao hạnh phúc mày không chịu nổi phải không? Mày giết tao luôn đi! Còn có gì tao chưa làm cho mày? Còn gì tao chưa làm cho mày hả?! Để tao đánh cho mày chừa thói dối trá đi! Sao tao lại đẻ ra mày...”
Dương nằm dưới sàn ôm đầu, đột nhiên lại không nhớ nổi mục đích ban đầu của cuộc nói chuyện này nữa.
Mãi sau đó, trong lúc đang ở bên người tình của mẹ để bồi đắp tình cảm, nó mới nhớ ra mình định xin mẹ cho về quê xin lỗi bác chủ nhà. Dương trôi nổi ra khỏi thân xác mình, nhìn xuống khung cảnh rất không chân thực trên giường bên dưới, bỗng nhiên lại cảm thấy dù sao cũng chẳng có gì quan trọng. Có lẽ bác chẳng cần lời xin lỗi của nó. Có lẽ bác chẳng muốn gặp lại nó đâu. Biến mất luôn thì tốt hơn. Có lẽ nó sẽ không về nữa.
Nhưng đêm đó, Dương lại mơ thấy bà khóc.
Dương hỏi tại sao bà khóc, nhưng bà chẳng nói lời nào mà chỉ ôm lấy nó mà nức nở.
Chắc bà vẫn chưa được siêu thoát, Dương nghĩ.
Không được, vậy thì nó vẫn phải về. Về quê, tìm thầy rồi... làm gì? Dương không biết. Thôi thì, người ta bảo làm gì thì làm đó, miễn đúng lễ nghi để bà được thanh thản. Lúc đó bà được chôn trong phần đất nhà bác chủ. Kiểu gì cũng phải về gặp rồi, dù người ta có không muốn thấy nó đi nữa.
Dương quyết định sau khi gom đủ tiền, đủ lớn, có thể đi một mình, nó sẽ trở về, đưa bà về với tổ tiên của bà.
5.
Vì quá trình bồi đắp tình cảm giữa Dương và dượng diễn ra tốt đẹp nên chẳng bao lâu sau mẹ đã cưới ông ta. Họ định sẽ chuyển về một thị trấn nhỏ bên bờ biển để Dương có thể ổn định học tập.
“Biển ạ?”
Dương chưa bao giờ thực sự thấy biển. Qua sách vở tranh ảnh phim thì chắc không tính.
“Mẹ con mình sẽ được sống trong một cái nhà rất to. Ở phòng của con có thể nhìn ra biển đấy. Nhìn đây này.”
Mẹ mở ảnh trên điện thoại cho Dương xem.
“Con thích không?”
“Thích ạ,” Dương đáp.
Biển cũng rất tốt. To như thế, nếu bị cuốn ra, chắc sẽ không bao giờ bị tìm thấy.
Nhưng mà trước hết, nó còn phải lo xong việc của bà đã.
Chẳng bao lâu sau, họ chuyển đến thị trấn.
12 tuổi.
Dương lần đầu thấy biển, và Phong.
6.
Nhưng phải hơn mười năm sau Dương mới lại về quê. Mà việc này cũng không phải ý của Dương mà là của Phong.
“Hay mình về thăm mộ bà em?” anh hỏi vậy. Mấy hôm đó Dương làm lễ cúng và đi các chùa cầu nguyện cho bà. Phong cũng đi theo nó. Năm nào cũng vậy.
“Có lẽ nên về quê bốc mộ bà em đưa đến đây. Để em tiện thờ cúng.”
Dương cạn lời.
“Anh nói linh tinh cái gì đấy! Bà phải ở với họ hàng tổ tiên ở quê, sao có thể đem đi lung tung được. Bà có phải thứ đồ gì đâu. Anh đừng nói nữa!”
Càng nói càng báng bổ.
Phong cũng nhận ra mình đã lỡ lời ở đâu đó, anh thận trọng hỏi:
“Vậy giờ mộ bà em ở với họ hàng hả? Mình có thể đến đó thăm.”
Dương lắc đầu.
“Em nhớ hồi đó bà em mất cũng chưa đem về quê.”
“Vậy thì nên về, liên hệ với bên... nhà đó của em, sắp xếp một chút xem thế nào. Sau đó em sẽ thấy dễ chịu hơn.”
Dương vẫn không yên lòng.
“Chẳng biết họ có thèm gặp em không. Lúc đó ông già kia đuổi mẹ đi vì không chịu bỏ em, bà không đành lòng nên đi theo mẹ...”
Anh vén tóc Dương ra khỏi mặt.
“Nhiều năm rồi, chắc sẽ khác chứ.”
Có khác không?
Con người có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Nhưng con người cũng có thể không thay đổi, dù cho bao nhiêu thời gian đã trôi qua.
“Cứ về thử xem,” anh nói. “Biết đâu ông ta chết rồi. Tất phải khác.”
Dương: “...”
“Nên lo xong chuyện này trước khi em nhập học.”
Thế là họ về quê Dương.
Dương kể chuyện mẹ đã đón mình đi thế nào với anh khi hai người đã đến một khách sạn trong thành phố. Nó không muốn đến lúc bị bác chủ chửi vào mặt thì anh mới biết.
“Em tự làm mình bị thương?” anh hỏi.
“Thực ra lúc đó em cũng không nghĩ nhiều,” Dương không ngăn được mình tự biện minh. “Không phải em muốn gây rắc rối cho bác ấy hay gì, em chỉ muốn được mẹ đón đi.”
“Có đau lắm không?”
“Cái gì đau?”
“Mấy vết thương.”
“Vết thương nào?”
Nói xong nó mới chợt nghĩ ra.
“À,” Dương lắc đầu. “Không. Không có. Cũng không đến mức thương tổn gì. Mấy vết bầm thôi. Mấy ngày sau hết luôn.”
“Bà ta đối xử không tốt với em à?” anh hỏi.
Dương không nhìn ra được dòng suy nghĩ của anh, nó bỏ cuộc và đơn giản là trả lời câu hỏi.
“Không ạ. Chắc bác ấy cũng không đặc biệt thích chăm sóc em hay gì, nhưng...” Dương dừng lại một chút. Tìm lời. “Bác ấy tận tình tận nghĩa. Dù sao cũng chẳng phải thân thích.”
Dương ngồi xuống giường, hơi quay đầu, miễn cưỡng nói:
“Lúc đó em chỉ muốn gặp mẹ. Em thật sự không nghĩ nhiều.”
Anh chợt hỏi:
“Bây giờ em còn muốn gặp mẹ không?”
Dương hỏi ngược: “Anh có muốn gặp lại mẹ em không?”
“Em biết anh nghĩ gì mà.”
Dương biết. Phong chưa bao giờ giấu.
Phong trầm ngâm một chút, cân nhắc từ ngữ, rồi anh nói:
“Em không nợ ai gì cả.”
“Em biết,” Dương nói.
Có lẽ không muốn nói chuyện này nữa, Dương quay lại chủ đề lúc nãy:
“Có thể lúc đến gặp bác em sẽ bị mắng, bị đuổi, nhưng là lỗi của em nên anh... Em chỉ muốn báo trước để anh biết. Em là người sai. Anh hãy cứ để người ta mắng em nhé. Đáng đời em mà.”
Anh không trả lời. Anh đứng tựa vào tủ bàn, phía sau anh là một cái ti vi kiểu cũ rất dày. Dương thấy anh lại im lặng kìm nén thì sinh bất an. Nó gượng cười, nói như đùa:
“Cái nết em từ nhỏ đã chẳng ra gì nhỉ? Hay anh đừng đi, để em đi một mình, anh ở đây đợi...”
“Anh đi với em,” anh nói.
“Nhưng mà…”
“Anh đi với em,” anh quyết định.
Dương biết mình chẳng còn khía cạnh xấu xí nào chưa bị Phong thấy, nhưng nó thật sự không muốn bị chửi trước mặt anh. Dương có thể hèn với anh, nhưng khi nó cúi mình trước người khác - dù cho sự cúi mình đó của nó là việc chính đáng phải làm - nó vẫn không muốn anh nhìn thấy.
Nhưng có lẽ cũng chẳng còn cách nào khác. Không đời nào anh để Dương đi khỏi tầm mắt ở đất khách này. Tuy đây là quê Dương, nhưng hơn một thập kỷ trôi qua, ruộng dâu cũng hóa biển xanh rồi. Biết đâu ngay cả bác chủ cũng chẳng ở đó nữa.
7.
Bác chủ không chửi vào mặt Dương. Ngược lại, nhận ra Dương rồi thì lại xúc động khóc luôn rồi mời nó vào nhà, đối xử như khách. Dương đưa túi quà mà Phong đã mua sẵn biếu bác.
“Khách sáo quá,” bác nói. “Cần gì quà cáp chứ, đến thăm bác là được rồi. Mấy năm rồi mà cháu vẫn nhớ đường nhỉ? Lúc đi còn nhỏ lắm. Bây giờ đã lớn thế này rồi. Hai cháu uống nước đi.”
Dương nhấp một ngụm trà.
“Vâng, có nhiều thay đổi nhưng mà cháu vẫn nhận ra được. Đường sá đẹp hơn xưa nhiều. Trước kia chưa có tòa nhà kia bác nhỉ?”
Dương chỉ tòa nhà lớn nằm ở phía đối diện cửa nhà.
“Ừ, mấy năm nay thay đổi nhiều lắm. Chỗ này cũng sắp giải tỏa rồi.”
“Ồ, may cháu về kịp. Cháu...”
Dương nói đến đây lại không nói được nữa. Nó đã duyệt trước trong đầu lời xin lỗi rất nhiều lần, nhưng không hiểu sao khi thật sự gặp lại không biết phải nói thế nào nữa.
“Thế cháu đây,” bác nói với Phong. “Là thế nào?”
“Con là...”
“Nhà anh ấy nuôi cháu,” Dương cướp lời anh.
Phong liếc nó một cái, nhưng rồi cũng chỉ cười gật đầu với bác, không nói gì hơn.
“Bố mẹ hai cháu tái giá à?” Bác hiểu lầm ngay. “Anh em hòa thuận là tốt. Bác cứ nghĩ mãi...”
“Không ạ,” Dương cũng không biết tại sao mình nhất định phải làm rõ chuyện này. “Chỉ nuôi cháu thôi, không nuôi mẹ.”
Bác chủ có chút hoang mang.
“Thế mẹ cháu đâu?”
“Vào tù rồi ạ,” Dương đáp. “Giết người.”
Lời vừa ra khỏi mồm thì Dương hối hận, nhưng bát nước đã đổ đi. Bác chủ nhìn Dương trân trối.
“Giết… giết ai?” bác hỏi. “Sao lại thế?”
Dương ngẫm nghĩ, nhưng nghĩ mãi vẫn không ra rốt cuộc thì người đàn ông đó là gì của mẹ.
“Chồng.” Hờ. “Mẹ cháu không…”
Dương ngừng một lát.
“Rất nhiều chuyện đã xảy ra ạ,” nó kết luận.
Bác chủ lặng thinh một lúc. Một lúc sau bác và Dương cùng nhau thốt lên.
“Cháu xin lỗi...”
“Cháu sống có tốt không?”
Phong nhẹ nhàng đặt tay ra sau lưng nó, xoa nhẹ. Dương bình tĩnh hơn một chút. Nó nói:
“Gia đình cháu chăm sóc cháu rất tốt. Năm nay cháu lên đại học. Năm ấy... năm ấy cháu bịa chuyện bác đánh cháu, cháu muốn được xin lỗi bác.”
Bác chủ nhấp một ngụm trà rồi thở dài.
“Mấy năm nay bác cứ nghĩ mãi. Không biết cháu sống thế nào.”
“Cháu sống rất tốt,” Dương khẳng định lại một lần nữa. “Bác mấy năm nay thế nào ạ?”
Bác lại thở dài. Cười buồn.
“Bác cũng rất tốt, các anh chị thì vợ chồng con cái đủ cả rồi. Bác chỉ hay nghĩ đến cháu. Năm ấy bác đã làm cháu tủi thân nhiều, chắc là lúc ấy cháu muốn gặp mẹ lắm. Bác có một phần lỗi.”
Thấy bác lại ngậm ngùi, Dương bỗng hơi chua xót.
“Bác đừng nói thế, là tại cháu ạ.”
“Thôi, chuyện qua rồi cho qua thôi cháu nhỉ? Nghĩ mãi cũng chẳng được gì. Mấy năm nay bác muốn liên lạc với cháu để nói chuyện của bà cháu mà không biết phải liên lạc qua đâu.”
“Cháu đến cũng là vì chuyện này ạ,” Dương nói. “Bọn cháu định về nhà ông ngoại cháu nói chuyện rồi bốc mộ bà về quê.”
Bác chủ khoát tay.
“Bác đang nói chuyện đó đấy. Sau khi mẹ con cháu đi thì cậu của cháu cũng được tin, lên làm lễ đưa bà về rồi, thế nên bác mới muốn tìm cách báo cho mẹ con cháu.”
Ồ.
Ra vậy.
Hóa ra trước giờ bà đã được an nghỉ ở nhà rồi.
Vậy tại sao bà cứ mãi khóc với Dương?
8.
Thật ra, dạo gần đây Dương không thấy bà khóc nữa.
“Nhưng bà vẫn báo mộng em.”
“Bà báo gì?” Phong hỏi.
“Báo… em không biết. Em nghĩ bà muốn nói gì đó mà em không hiểu. Hay em đi tìm thầy xem bói nhỉ?” Dương nói. “Họ có chuyên môn, để họ hỏi bà trực tiếp.”
Anh bật cười.
“Có thể bà muốn em sống vui vẻ.”
Dương cũng cười, nó nắm lấy tay anh.
“Em đang rất vui. Nhưng có lẽ mình vẫn nên hỏi.”
“Được,” anh nói.
Hai người đi viếng mộ bà, sau đó cùng nhau về nhà.
Bình luận
Chưa có bình luận