Phía sau nhà tôi, đang có một đám ma kì lạ. Không kèn trống, không điếu văn, không loa đài phông rạp, chỉ có những tiếng thầm thì nho nhỏ và việc tang cứ đều đều được người làng phân chia nhau làm như một lẽ hiển nhiên. Đấy là đám ma của chú Thành “nghiện”. Khi ông Tuần trưởng thôn đẩy cửa bước vào, chú đã treo cổ, chết lặng lẽ từ lúc nào không hay.
Cuộc đời chú Thành, là một cuộc đời lầm lỡ và đằng đẵng những bước đi chệch choạc không lối quay đầu. Năm tôi vừa lên bảy, làng tôi vẫn nghèo rách tả tơi. Cả làng lay lắt trong những cơn đói khổ. Khi ấy, nhà chú Thành khá giả nhất. Ông Tô, bố của chú làm nghề nấu rượu, nổi nhất vùng. Ông sinh được bảy người con, ba gái bốn trai và chú Thành là út. Từ nhỏ, chú được đủ đầy và học hành đến nơi đến chốn. Mấy người chị gái chú lấy chồng ở các làng bên. Còn ba người anh trai phiêu bạt làm ăn xa, tôi không rõ. Tôi chỉ thân thiết với chú Thành. Chú là một người dễ mến, chú xởi lởi, phóng khoáng với tất cả mọi đứa trẻ trong làng này. Dù với bất cứ ai, chú đều niềm nở hỏi han. Còn bọn tôi, chỉ trông chờ mỗi chiều cuối tuần, khi bóng chú đạp xe veo veo trên con đường đê, cả lũ đã ùa ra đứng đợi ở cổng làng, chờ chú phân phát cho mỗi đứa vài cái kẹo, đôi khi chỉ là chờ chú gọi tên, xoa đầu hay nói vài câu trêu đùa. Nhà tôi ở ngay trước cửa nhà chú, mỗi lần về nhà, chú đều nán lại ở cổng nhà tôi, hỏi thăm bố mẹ tôi đôi ba câu, nhiều lần dúi vào tay tôi khi miếng thịt nhỏ, khi lạng đỗ lạc, bảo mẹ tôi đổi bữa cho ba chị em. Vậy là quý lắm, thời đói mà.
Đùng một cái, ông Tô bị tố nấu rượu lậu. Thời đó, tội nấu rượu lậu là tội nặng, bị đem ra đấu tố và chửi rủa rất nặng nề. Xóm tôi, không ai chửi ông, cũng không ai tin rằng ông làm chuyện xấu đó. Tôi khi ấy còn nhỏ, chẳng hiểu đầu đuôi, chỉ biết, ông mất cả cơ nghiệp và bị cấm nấu rượu luôn. Nhập nhoạng tối hôm ấy, tôi theo chân mẹ vào sân nhà ông, tôi thấy ông ngồi sụp ở cạnh bếp, những mảnh vỡ của chum rượu tan tác xung quanh. Men cơm rải rác thành vệt trắng đục ra tận ngõ. Chú Thành cũng gục đầu thở dài trên hiên nhà. Tôi ghé vào ngồi cạnh chú, nghe loáng thoáng tiếc nức nở trong lồng ngực. Mẹ tôi và mấy cô cùng xóm xúm vào quét dọn giúp ông Tô, vừa làm vừa chép miệng thầm thì to nhỏ. Về sau, nhà ông vắng hẳn, cũng hết cảnh người ra vào mua bán, chuyện trò. Căn nhà phía sau lưng nhà tôi chỉ còn lại một bóng dáng già nua ra vào lặng lẽ. Vì chú Thành cũng biến mất luôn sau buổi chiều buồn ấy.
Khoảng một năm sau, chú trở về. Chú về cùng với một thứ tệ nạn khác tràn về khắp làng quê thời bấy giờ, đó là nghiện hút. Thời đó, heroin như một bóng ma điên loạn, vừa mơ hồ lại vừa rõ ràng. Nào tôi có biết nó là thứ gì, chỉ thấy người lớn xầm xì to nhỏ, kỳ thị lại tò mò.
Chú Thành nghiện thật, nhưng không ai trong làng này ghét chú. Vì không như những kẻ nghiện khác, chú không có tật ăn cắp. Nếu chỉ nghe người lớn bàn tán với nhau, bọn nghiện hút thật đáng sợ. Chúng là lũ gầy gò xương xẩu, lên cơn thì như động kinh và rồ dại, đêm tối chui lủi trộm cắp và trốn trong bóng tối với bệnh tật. Chú Thành nghiện, nhưng khác. Chú vẫn lễ độ với người lớn và nhẹ nhàng với bọn trẻ con chúng tôi. Nhưng chú ít tiếp xúc nhất có thể. Tôi cho rằng đó là một con nghiện lịch sự nhất mà tôi từng biết.
Nhưng ông Tô thì trở nên trầm lặng hẳn. Ông buồn, vì không dạy được con mình. Sau khi bị tội nấu rượu lậu, ông chỉ quẩn quanh với ruộng vườn như bao người làng khác, không oán trách, không thở than. Có ai phàn nàn thay ông, ông chỉ cười hiền lành bảo “do thời thế phải chịu vậy, cứ thẳng lưng mà sống”. Nhưng giờ khi chú Thành nghiện, ông thường cúi đầu mỗi khi đạp xe đi quanh làng. Ông chuyển hẳn xuống căn bếp cũ thời còn nấu rượu, kê một chiếc chõng tre và sống lầm lũi trong góc tối, tránh xa thằng con nghiện ở nhà trên. Ông ăn riêng. Chú Thành ban đầu không đồng ý, chú nói nếu bố không ưa, chú lại đi. Rồi ông Tô bảo, chú nghiện thì ông không cách nào chữa cho chú được, cũng không chấp nhận được việc chú đang làm, nhưng ít nhất chú cũng trong tầm mắt ông. Nếu chú đi, rồi chết bờ chết bụi, ông già rồi không tìm được để đưa chú về. Sau, hai bố con cứ như hai cái bóng. Mỗi lần nghe hàng xóm góp ý, chú cười buồn nói “tội của em lớn quá”.
Ngày chú Thành bị bắt, trời còn tối đen và buồn hơn buổi chiều rượu lậu năm nào. Ông Tô khóc thành tiếng trong xó bếp mờ mờ, không ai dám vào an ủi. Cả xóm đổ về ngõ nhà tôi xem cảnh công an dắt chú đi. Chú chỉ kịp ngoái lại, dặn bố mẹ tôi trông nom ông Tô giúp chú. Rồi, chú bị kết án 5 năm, cho cả tội mua bán và hút hít. Trại giam tít tận Ninh Bình, cách làng tôi cả trăm cây số. Chán nản hơn, hai người anh của chú cũng lần lượt bị tù, ba anh em, mỗi người bị giam một nơi xa tít tắp. Người anh cả vẫn phiêu bạt không tăm tích. Thế là ông Tô chẳng còn gì để hy vọng.
Mỗi tháng một lần, ông lầm lũi đạp chiếc xe cọc cạch lần lượt đi thăm nuôi ba đứa con trai ở ba tỉnh khác nhau. Ông nghèo, chẳng có tiền, và cũng chẳng còn sức lực, nhưng kiên trì và đều đặn đến với các con. Ông kể, chỉ riêng chú Thành, nhất định không lần nào ra gặp ông mà chỉ dặn quản trại nói với ông từ nay không cần đến thăm chú nữa. Ông khóc nghẹn thương con. Mãi sau này, khi chú về và kể lại, nhà tôi mới rõ nguồn cơn. Những năm đó tù đày rất khổ cực. Chú Thành vào trại, bị đánh đập hàng ngày, do cả buồng giam, chỉ mình chú là không có thăm nuôi nên không cống nạp được gì cho “đại bàng”, vậy là bao nhiêu việc nặng và việc bẩn tưởi, chú phải gánh cả. Nhưng vì thương bố tuổi già còn nhục vì con, chú nhất quyết từ chối thăm nuôi để bố đỡ vất vả. Chú kể trong cơn nghẹn ngào, rằng chú nhớ mãi lần đầu tiên ông Tô vào thăm trại, vỏn vẹn 20 ổ bánh mỳ khô ông run run dúi vào tay chú, dặn dò phải cố gắng cải tạo và sớm trở về. Nhìn nỗi đau tràn trề trong mắt bố, chú biết chú không thể thêm gánh nặng cho người cha khốn khổ ấy.
Nhưng không, dù không gặp được con, ông Tô vẫn nhất quyết mỗi tháng vượt 90km đến chỉ để gửi cho chú Thành 20 ổ bánh mỳ. Chắc nhờ vậy, chú Thành cải tạo tốt và còn cai nghiện được.
Chú ra tù sau 4 năm.
Ngày chú trở về, ông Tô đã trọng bệnh. Nhưng thật may mắn, là ông vẫn kịp gặp chú Thành. Tôi không hiểu được, vì sao một người lại có thể nhiều bất hạnh đến vậy trong một đời. Suốt một thời gian rất rất dài, ông Tô phải điều trị trên viện Tỉnh, chú Thành túc trực chăm ông. Bệnh ông tốn kém, ông đòi về nhiều lần nhưng chú không chịu, chú bảo đánh đổi hết mọi thứ, cũng muốn ông được sống thêm vài năm. Khi ấy, không ai rõ, gần hai năm trời, chú Thành làm thế nào để duy trì việc chữa bệnh và chăm sóc cho ông. Vì viện cách làng rất xa và chẳng mấy khi chú về. Chỉ thi thoảng điện thoại, nhờ bố mẹ tôi ghé qua xem nhà cửa vườn tược. Mọi người đều thầm thương cảm cho hoàn cảnh của nhà ông Tô, nhất là vẫn thương chú Thành, dù chú lầm lỡ.
Rồi ông Tô mất. Đám ma ông, cả làng cả xã đều đến đông đủ tiễn đưa. Chú Thành không khóc, vì chú phải thay hai người anh trai còn đang đi tù, lo chu toàn việc ma chay cho bố. Chỉ khi xong đám, suốt nhiều đêm liền, nhà tôi cũng không ngủ vì nghe tiếng chú khóc vọng sang. Bố mẹ tôi thở dài, thương chú, vì nhiều lẽ.
Sau 100 ngày ông Tô, chú Thành đi. Chú cần phải đi làm để trả món nợ lãi khổng lồ chú vay để chữa bệnh cho bố hai năm qua. Bố mẹ tôi bảo, ngoài vay dân anh chị xã hội, làm gì còn chỗ nào khác. Và cái giá phải trả, lớn lắm.
Cái giá đó lớn thật. Vì chú quay trở lại con đường buôn bán ma tuý. Không còn cách nào khác. Và chú cũng nghiện lại. Không thể khác. Dù đã hứa với ông Tô trước khi ông mất.
Và cuối cùng, là đám ma chú. Như tôi vừa kể ở đầu câu chuyện. Thì ra, chú chọn cách chết để không tiếp tục lầm lạc. Và cũng chỉ có cách ấy, chú mới giữ được lời thề với bố mình. Xung quanh chuyện chú tự tử, còn nhiều lời đồn đoán ra vào. Nhưng phần lớn, người dân làng tôi không hề ghét bỏ hay khinh khi. Mọi người lặng lẽ làm đám tang cho chú theo dặn dò chú để lại. Không kèn trống, không khóc than. Chú còn chưa kịp lấy vợ, sinh con, cũng không còn nhiều nuối tiếc.
Cuộc đời này là bất tận những biến cố và lựa chọn, cũng không có đúng sai, chỉ đơn giản, đó là số phận. Tôi vừa kể về số phận của chú Thành!
Bình luận
LetterLuv22
Mình ko thích những cảnh nói về người cha, nói thẳng ra là mình nhạy cảm khi nhìn thấy một người già, người trung niên mà còn chịu khổ vì gia đình, vì con. Mình cũng đồng cảm với cuộc đời của chú Thành, thấy mọi người trong xóm có lẽ cũng thương xót cho chú vì dù chú nghiện nhưng chú lại sống rất tốt với mọi người, thương cha.