- Khiêng mấy chậu vạn thọ lên lẹ lẹ dùm đi mấy ông ơi!

 

- Ghé vô coi mấy anh chị ơi! Cúc, hồng, thược dược nè anh chị ơi!

 

- Năm nay kinh tế khó khăn, dân bán bông mình cũng khó theo luôn, năm nay đủ tiền ăn Tết không trời.

 

Năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về cả con đường đều náo nhiệt lạ thường, tiếng nói cười rộn ràng, tiếng rao mời mua hoa xôn xao, át cả tiếng xe chạy. Xe lớn chạy ngược chạy xuôi nườm nượp, chở đầy ắp hoa và mang theo cả không khí xuân đến cho từng ngóc ngách, từng căn nhà lẫn phố xá… Nhất là con đường này, chẳng biết do ai khởi xướng mà nó bỗng dưng thành cái chợ bán bán hoa tự phát, cứ đúng dịp hết năm, khoảng độ đâu qua Tết dương lịch chừng một tuần hay mười ngày là lập tức có lác đác vài người bày mấy chậu sành, chậu đất nung ra bán. Thêm dăm ngày thì tới lượt hoa kiểng, mai vàng, quất xanh tràn lan khắp vỉa hè… những chậu cây tươi tốt như đang thổi sinh khí mùa xuân ngọt ngào cho đường xá, khiến lòng người cũng nôn nao. Tuy nhiên đấy vẫn chưa phải thời điểm đông vui, thời điểm mọi người mong chờ nhất là sau khi đưa ông Táo về trời, lúc ấy hoa vạn thọ, cúc đồng tiền, mào gà, thược dược… trăm loại khoe sắc, và cũng kéo theo muôn âm thanh sôi động, tiếng chào hàng, tiếng tranh cãi, trả giá, hỏi han hòa vào nhau như bản nhạc mừng xuân độc nhất vô nhị.

 

- Cô Tám bán vạn thọ được không cô Tám?

 

- Sáng giờ mới có mấy chậu à chú Sáu, lời lãi gì đâu mà ai cũng chê mắc chê rẻ rồi trả giá cả buổi trời. Có đông được sạp hướng dương của chú đâu.

 

- Đông người tới mà ít người mua cô Tám ơi, toàn tụi nhỏ nhỏ tới livestream không hà. Cầu trời thương cho bán hết cái đống này trước giao thừa.

 

- Mà nói tới nói lui ai cũng lo ế, mình ên ông đồ ổng cứ bình chân như vại à.

 

Nói rồi cô Tám còn nhướng mắt về phía ông già đang điềm nhiên ngồi trước cái bàn bày đầy mực tàu giấy đỏ cách đó không xa. Nếu bảo khu chợ Tết này là bản nhạc mừng xuân sôi động thì ông già đấy chính là khoảng lặng cần thiết mà bất kỳ bài nhạc nào cũng có. Chẳng ai nhớ chính xác ông bắt đầu xuất hiện ở khu chợ từ năm nào, chỉ nghe loáng thoáng vài lời bàn tán rằng từ cái thời chợ chưa được cấp phép chính thức thì ông già đã ngồi đấy rồi. Những năm đó ông chẳng mang gì ngoài cái chiếu cũ, bút lông, nghiên mực, giấy đỏ… rồi cứ thế lặng lẽ một góc mài mực viết chữ cho đời. Người qua kẻ lại tấp nập, bướm ong xôn xao bên sắc hoa, đủ loại thanh âm vang vang bên tai vẫn chẳng làm nét chữ bị run, chữ nào chữ nấy đều tăm tắp, nét thẳng kéo thẳng một đường mà không hề cứng ngắc, nét cong uốn lượn mượt mà nhưng chẳng chút yếu đuối. Nét đậm nét thanh, nét đứng rồi lại nét nghiêng cùng tạo thành những con chữ đẹp như phượng múa rồng bay. Chính bởi thế người dạo chợ Tết dù muốn hay không cũng dành ra vài phút để dừng lại chiêm ngưỡng từng dòng chữ Hán tuyệt đẹp mặc chưa biết họ có hiểu ông già viết gì hay chăng. Rồi tới ngày khu chợ Tết được chính quyền địa phương cấp phép và phân lô, mỗi anh mỗi chị đều có diện tích riêng tha hồ bày biện đủ loại hoa, phần ông già cũng đủ chỗ đặt cái bàn nho nhỏ. Thế là từ dạo đó đến nay cứ tới ngày họp chợ ngày giáp Tết người ta luôn thấy giữa bầu không khí nhộn nhịp có một ông già mặc áo dài khăn đống ngồi điềm nhiên thảo từng nét chữ, giữa bao màu hoa rực rỡ có thêm hai câu đối viết trên giấy đỏ phất phới bay trong gió… Cũng vì bộ quần áo và cái nghề đậm chất Việt ấy mà người ta đều chẳng hẹn mà cùng gọi ông là ông đồ.

 

Năm nay cũng chẳng ngoại lệ, đúng một ngày sau khi đưa ông Táo xong ông đồ mặc áo dài lại xuất hiện, không ai rõ ông đến từ hướng nào, càng không ai hay ông ra vào lúc mấy giờ, chỉ biết lúc các cô chú bán hoa thức dậy thì ông già đã ngồi đấy tự bao giờ. Hoa chưa hé cánh nhưng nghiên mực đã sẵn sàng, người đã viết những nét đầu tiên. Dạo hơn chục năm gần đây việc viết thư pháp bắt đầu thịnh hành trở lại, hình ảnh người người mài mực tàu viết chữ dần thành quen thuộc. Cứ độ giáp Tết không đâu là không thấy các dòng chữ bay bướm, các câu chúc Tết mừng xuân nhan nhản đến mức chẳng mấy ai hiếu kỳ, tuy nhiên riêng những con chữ do ông đồ nơi khu chợ này viết lên thì khác biệt lắm…

 

***

 

Thời buổi công nghệ phát triển, người người đều lăm lăm trên tay cái điện thoại thông minh, từ người già đến người trẻ ai cũng dùng cái màn hình to bằng bàn tay để thu gom tất cả cảnh vật quanh mình. Người lớn chụp ảnh, người trẻ quay phim, mấy thanh niên thời thượng thì phát trực tiếp, nói đủ lời chê khen về mọi thứ trên đời. Vào những ngày Tết cận kề ngoài cửa giống lúc này, chợ hoa xuân luôn là chốn lý tưởng cho các thanh niên ưa sống ảo tác nghiệp, cô nọ vừa đi vừa quay cảnh người mua kẻ bán tấp nập, anh kia dí điện thoại vào mấy chậu hoa rồi thao thao bất tuyệt kể lể đủ điều, có nhóm còn ghé vào mấy sạp bán cây trái mà vỗ bồm bộp vào mấy trái dưa hấu, xong lại nhận xét chuyện dưa ngọt nhạt… Những trai gái thanh niên đó khắp cả chợ đâu cũng thấy, ai dễ tính thì xem như lũ trẻ con đang chơi đùa, ai khó hơn thì lời nặng tiếng nhẹ đuổi đi, nhưng dẫu có đuổi cũng chẳng đuổi hết, nhóm này mới đi nhóm khác liền tới ngay. Chẳng nói đâu xa, lúc các tiểu thương đang loay hoay tính tiền hoa, đồng thêm đồng bớt, thì tiếng nói đâu cất lên lanh lảnh, làm cô chú bán hoa lẫn người dạo chợ đều đồng loạt ngoái nhìn.

 

- Mày mạnh dạn lên! Lù đù vậy sao nổi tiếng trên mạng được.

 

Thì ra có nhóm trai gái thanh niên sửa soạn quay gì đó, nhưng dường như một cô gái trong nhóm không thích trò này lắm, mặc bạn bè lôi kéo ra sao vẫn rụt rè chẳng dám bước tới trước ống kính. Nhìn kĩ hơn ắt dễ dàng nhận ra cô gái ấy không quá xinh đẹp, cách ăn mặc cũng vô cùng giản dị, so với những đứa bạn ăn bận mấy bộ cánh cắt xẻ đầy táo bạo, tấm áo dài đỏ trên người cô trông khá lạc lõng, thêm thái độ e sợ càng khiến cô gái trẻ chìm nghỉm.

 

Có đứa bạn tóc nhuộm vàng rực đẩy mạnh cô gái áo dài đỏ về phía một ông già đang ngồi viết thư pháp cho khách, đương nhiên cũng không quên nhắc nhở:

 

- Nói gì đi! Nói cho sốc vô mới có nhiều lượt coi, nhiều tương tác, mày thành người nổi tiếng trên mạng thì anh Toàn mới để ý.

 

Thực chẳng biết “anh Toàn” trong lời nói là ai nhưng có vẻ người đó là động lực rất lớn cho cô gái nhút nhát, chỉ cần nghe nhắc tên chàng trai đấy cô lập tức lấy hết can đảm tiến đến chỗ ông già đang thảo từng nét chữ Hán rồng phượng tuyệt đẹp. Ngập ngừng chừng vài giây cô gái mới lễ phép lên tiếng chào:

 

- Con chào ông!

 

Có người chào hỏi, ông già chỉ ngẩng đầu lên mỉm cười một cái thật đôn hậu rồi lại tiếp tục với công việc viết chữ.

 

Dường như vì thấy ông già đang có khách nên cô gái không dám nói gì nữa, cứ lặng lẽ nhìn trân trân vào các con chữ trên giấy. Và hành động ấy đã khiến mấy đứa bạn khó chịu, bọn chúng liên miệng càu nhàu lời khó nghe:

 

- Lẹ lên đi trời! Lượt xem rớt quá trời rồi nè!

 

- Con này làm cái gì mà đứng đực ra hoài vậy, người xem bỏ ra gần hết rồi, trời ơi.

 

Hiểu bạn bè mình đang bực bội, cô gái áo dài lại phen nữa lựa lời bắt chuyện với ông già:

 

- Ông ơi! Ông viết chữ đẹp quá!

 

Với lời khen đáng yêu này, ông già vẫn chỉ mỉm cười hiền từ chứ chẳng nói thêm chi. Cô gái cũng ngại ngùng im thin thít và lại đứng nhìn cây bút lông lướt uyển chuyển trên giấy. Xem ra lũ bạn không kiềm chế nổi trước cô gái khù khờ nữa, có đứa tắt phụt màn hình điện thoại, đứa nóng hơn thì buông mấy câu chửi tục. Phần con bé tóc vàng thì vội vàng kéo ngay cô gái ra, miệng còn giảng giải liên hồi:

 

- Mày ăn gì mà ngu quá vậy? Nói như vậy ai thèm tương tác. Coi tao nè!

 

Con bé thị phạm cho cô gái nhút nhát xem thật, nó xăm xăm bước đến nơi cái bàn gỗ cũ kỹ rồi nói oang oang:

 

- Sao ông không viết thơ Việt mà viết thơ Trung? Mình người Việt mà ông không thuần Việt gì hết.

 

Câu nói khích này vậy mà đã thành công lôi kéo lượt xem, số người vào tương tác tăng ào ạt, trong thoáng chốc lời bình luận cũng vượt mức cả trăm. Thấy đoạn phim mình quay bắt đầu thu hút những kẻ hiếu kỳ trên mạng xã hội, đám nhỏ càng táo bạo hơn, chúng dí sát điện thoại vào mấy câu thơ chữ Hán đang được viết dang dở, rồi theo đó lời phán xét tuôn ra như suối:

 

- Mọi người coi nè, có người mặc áo dài khăn đống mà viết thơ Trung.

 

- Thời nay sao người thuần Việt ngày càng ít không biết, già vậy rồi mà con mất gốc.

 

Bao nhiêu lời nói ác ý hệt trăm ngàn lưỡi dao nhọn tàn nhẫn nhắm thẳng vào ông già đáng tuổi ông nội ông ngoại đám nhỏ, đến người ngoài còn thấy khó chịu thay, có cô bán vạn thọ đứng lên chỉ thẳng mặt tụi hỗn láo mà mắng:

 

- Nè! Cái đám mất dạy mua không mua thì đừng có phá chỗ người ta làm ăn, tao kêu quản chợ gô cổ tụi bây hết giờ.

 

Chú bán hướng dương bận lui cui nẹp mấy thân hoa, nhưng thấy đám nhóc vô phép quá đáng thì liền tức thời cầm khúc cây lên chỉ về hướng cái điện thoại rồi mắng:

 

- Thuần… thuần con mẹ gì, tao đánh tụi bây nhừ xương bây giờ.

 

Nếu độ vài năm trước hẳn bọn trẻ đã hoảng sợ bỏ chạy mất dạng, tuy nhiên với công nghệ thông minh hiện giờ thì chúng nào biết sợ ai, có điện thoại trong tay chẳng khác chi đã có sẵn áo giáp, chỉ một câu mắng cả năm sáu cái điện thoại tức thì được đưa lên, bọn nhỏ còn ngang ngược thách thức lại:

 

- Có ngon nhào vô đánh tụi tui đi! Đang quay trực tiếp đó! Mấy trăm người đang coi nè. Mọi người lên coi đi, người bán bông gây sự với người đi coi bông…

 

- Tao đập què giò hết bây giờ… - Chú bán hoa hướng dương càng làm dữ hơn.

 

Tình hình mỗi lúc mỗi căng thẳng, người đi đường, người bán hoa khác, đến cả người sống trong mấy căn nhà giáp chợ cũng mở cửa ra nghe ngóng tình hình, mới vài giây thôi mà hơn ngàn ánh mắt đã trừng trừng hướng thẳng vào đám nhóc lẫn hai người cô chú bán hoa, chẳng cần hỏi cũng biết chỉ thêm vài ba câu mắng chửi nữa sẽ khiến khu chợ dậy sóng kinh hoàng. Lo càng để lâu mọi chuyện càng khó kiểm soát, cô gái áo dài đỏ luống cuống chạy đến lựa lời xin lỗi người lớn ngay:

 

- Con xin lỗi ông! Con xin lỗi cô! Con xin lỗi chú! Mấy bạn con nói vậy thôi chứ không có ý xấu đâu.

 

Không chỉ nói, cô gái còn ngoãn khoanh tay, cúi đầu tỏ rõ ý hối lỗi dù bản thân chưa hề làm điều chi sai quấy. Đang nóng giận mà có đứa con gái lễ phép xin lỗi như vậy hiển nhiên đâu ai giận lâu được, cô bán vạn thọ liền bớt mặt nặng mày nhẹ, chú bán hướng dương cũng bỏ cây xuống. Phần ông già vẫn điềm tĩnh ngồi viết chữ, mặc ai nói lời khó nghe, ai tranh cãi, cây bút lông trong tay ông cứ thản nhiên lướt trên giấy, tưởng chừng như con thuyền êm đềm lướt trôi kệ hết bao gió bão bên ngoài. Nhưng mấy đứa hư hỏng còn chưa chịu yên, có lẽ vì tiếc mấy lượt tương tác, con bé tóc nhuộm vàng liền hung hăng quát cô gái áo dài:

 

- Mày ngu quá! Mình có nói sai đâu, ông này không thuần Việt.

 

Với cô bé hung dữ này, thay vì trả lời lại, ông già chỉ nhẹ nhàng đặt bút lông xuống rồi đưa tờ giấy đề thơ cho khách. Vị khách cầm bài thơ lên bằng đôi bàn tay nhăn nheo đầy đồi môi, khóe mắt hằn vết chân chim chăm chú hướng xuống mảnh giấy thật lâu, miệng không ngớt lời xuýt xoa:

 

- Ông đồ viết chữ đẹp quá, đúng là bài thơ của Phùng Khắc Khoan rồi. “Sung lư khánh hữu tử tôn hiền. Hảo tương y bát tác gia truyền. Niên niên xuân đáo kim triêu tiết. Thâu hiến phong lưu đệ nhất thiên.” (*) Cảm ơn ông đồ nha! Hôm qua nhậu xỉn té trật tay, không nhờ ông đồ chắc khỏi có thơ treo Tết rồi.

 

Bài thơ toàn chữ Hán nhưng người khách đọc vanh vách không vấp một chữ, từng lời thốt ra khiến không ít tiểu thương trong chợ cùng người đi đường phải trầm trồ, và cũng khiến đám nhỏ nào đó đứng chết trân như phỗng đá. Cả bọn thộn mặt ra tận mấy phút. Chế độ phát trực tiếp của mấy cái điện thoại vẫn chưa tắt, mấy bình luận bắt đầu xoay chiều sang công kích đám thanh niên, tương tác dần xấu đi…

 

Đâu thể để đoạn phim đang quay thành lý do cho cả bọn bị cộng đồng mạng ghét bỏ, con bé tóc vàng tức thì biện hộ với mấy người xem trực tiếp:

 

- Ông này đọc vậy thôi chứ ai biết đúng không? Có ai biết chữ Hán đâu. Mà đầu năm đầu tháng nhờ viết thơ nhắc chuyện “phong lưu” này nọ, chắc mong có thêm vợ bé chứ gì.

 

Chưa biết câu nói vô duyên này kéo được thêm tương tác không, nhưng ông già viết thư pháp lại chợt ngâm lên hai câu thơ quen thuộc với bất kỳ đứa học sinh nào:

 

- Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê. (**) Phong lưu là cuộc sống êm đềm như gió thổi, là cuộc sống nhàn hạ đó mấy đứa ơi.

 

Ông khách tới xin chữ cũng lắc đầu chịu thua trước đám nhỏ.

 

- Con nít bây giờ không biết cái gì hết, chán thiệt chứ. – Khách vừa nói vừa lấy ra vài trăm trả cho bài thơ rồi bỏ đi thẳng.

 

Khách đi rồi, ông già viết chữ đề thơ lại thư thả mài mực và viết chữ tiếp, phen này ông không viết thơ nữa mà chỉ viết một chữ Hán duy nhất lên giấy, chính là chữ . Viết xong ông đưa tờ giấy ấy cho cô gái mặc áo dài đỏ, cách tặng giấy ân cần như thể một người lớn đang trao một món quà vô giá tới cô bé, như thế hệ trước muốn gửi gắm điều chi đó đến thế hệ sau chứ chẳng phải chỉ đưa tờ giấy thông thường.

 

- Chữ này là chữ “bằng” () nghĩa là bạn bè. Chữ “bằng” viết từ hai chữ nguyệt () y hệt nhau, ý chỉ kẻ làm bạn bè với mình phải có cùng điểm chung, phải tương đồng, có như vậy mới gọi là bạn được. – Ông già từ tốn căn dặn.

 

- Dạ! Con cảm ơn! – Cô gái lễ phép trả lời.

 

Đám nhóc cũng chẳng ngốc, chúng hiểu ông già muốn dạy dỗ điều gì nên liền tiếp tục nói chuyện mỉa mai.

 

- Ba cái chữ này lỗi thời rồi, có ai hiểu đâu, lỗi thời y cái nghề viết chữ thư pháp vậy đó, thịnh hành vài ba năm rồi cũng tàn à. Mọi người đang coi thấy đúng không? Thấy đúng thì thả like cho kênh tụi mình nha. – Con bé tóc vàng lên tiếng chê bai.

 

Trong số đám thanh niên đó, có đứa con trai còn ra vẻ am tường thơ văn bằng cách đọc mấy câu thơ:

 

- Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay. (***)

 

- Đúng rồi đó! Sau này nghề viết thư pháp y vậy đó, ai hơi đâu tha mấy tờ giấy lộn này vô nha chi nữa. – Một đứa khác chen vào tán thành.

 

Chỉ mỗi cô gái áo đỏ có vẻ hiểu chuyện, vì thế mới ôn tồn khuyên các bạn:

 

- Tụi bây nói vậy không sợ ông buồn sao? Ăn nói kỳ quá! Với tao thấy nghề này hay chứ có gì đâu mà chê.

 

Thấy cô gái nói ngược ý mình, đám bạn khó chịu đến nhăn mặt nhíu mày, có đứa còn chỉ thẳng mặt cô thể sắp mắng chửi đến nơi. Tuy nhiên ông già lại lên tiếng trước khi cả bọn kịp phản ứng:

 

- Ông đồ vẫn ngồi đây

Khăn áo bạc màu dưa

Nhắc cho người qua thấy

Lẽ nhân đạo, thiên cơ. (****)

 

Đang khó chịu nhưng chợt nghe bốn câu thơ trước giờ chưa từng được dạy, cả đám đồng loạt cất tiếng cười nắc nẻ, có đứa còn ôm bụng cười ngặt nghẽo, đứa cười ra cả nước mắt, tưởng đâu chúng vừa nghe chuyện cười hoặc thấy sinh vật lạ nào chứ không phải vừa nghe đọc thơ.

 

- Cái nghề viết thôi mà làm như thần thánh, đoán thiên cơ luôn… - Con bé tóc vàng nói trong tiếng cười.

 

- Mọi người coi đi, ông già này bị ảo rồi. – Một đứa con trai trong nhóm khoái trá nói với những người đang xem trực tiếp.

 

- Ông nói hay quá, ông đoán thiên cơ thử coi, đoán coi chừng nào kênh tụi tui mới có nút bạc, chừng nào tụi tui được thiệt nhiều người yêu thích, chừng nào nổi tiếng. – Đứa khác giở giọng thách thức.

 

Lũ trẻ con vô phép vô tắc nói thách người già bằng ông mình thực dễ khiến cả kẻ hiền lành nhất cũng phải phát hỏa. Người qua đường lắc đầu chán nản. Lời chê bai, tiếng bàn tán xôn xao khắp xung quanh. Chú bán hướng dương lại nổi nóng, hùng hổ bước ra muốn đuổi hết đám nhóc đi cho khuất mắt. Nhưng ông già điềm tĩnh đã kịp ngăn chú bán hoa:

 

- Hơn thua với con nít làm chi, tụi nó như mấy cái cây non vậy đó, chú nặng tay quá coi chừng gãy luôn.

 

Vừa dứt lời, ông già lại trở về với việc viết chữ, cây bút lông lướt nhẹ nhàng như cơn gió lướt ngang những cánh hoa, gửi gắm xuống mảnh giấy từng nét thanh nét đậm, nét thẳng nét cong, cuối cùng khi cây bút được nhấc lên, mặt giấy đã xuất hiện một chữ “Chào” thật đẹp. Nét chữ thanh thoát và tao nhã, mạnh mẽ mà không khô cứng, bay bướm mà vẫn đầy dứt khoát. Nhưng đám thanh niên kia đâu có hiểu cái đẹp trong thư pháp, chúng chỉ muốn thu hút sự quan tâm trên mạng bằng lời lẽ vô phép.

 

- Bộ ông già khinh tụi tui sao mà tự nhiên viết chữ quốc ngữ? Tụi tui không biết chữ Hán thì có công cụ dịch trên mạng, thời nay công nghệ làm được hết á. Mà tụi tui biết hết nha, người ta bói chữ là bói chữ Hán chứ có bói chữ quốc ngữ đâu. Ông lừa đảo là tụi tui phốt lên mạng đó. – Đứa con trai ban nãy nói như muốn hăm dọa.

 

- Ông này muốn lừa đảo rồi mọi người ơi, lên “ném đá” ổng đi. – Con bé tóc vàng khích bác thêm.

 

Ông già vẫn mỉm cười hiền hậu trước bọn trẻ ngang ngạnh và nhẹ nhàng giải thích:

 

- Ông không có bói chữ, ông nhắc mấy đứa chút thôi. Mấy đứa muốn nổi tiếng, muốn được yêu thích gì thì ông chưa biết, nhưng mấy đứa quên một chuyện rồi. Muốn làm gì cũng phải bắt đầu từ thứ đơn giản nhất, muốn người ta yêu thích thì phải bắt đầu từ chữ “chào” này nè. Chữ “Chào” không phải là chữ bình thường đâu, “chào” là cái lễ phép cơ bản lúc gặp nhau, “chào” thể hiện cái tôn trọng giữa người với người, “chào” là sự quan tâm dành mọi người, “chào” là bước đầu để nói rằng mình quý ai đó… Mà từ khi mấy đứa tới đây tới giờ ông chưa thấy mấy đứa chào hỏi ai hết, người trên mạng cũng không nghe được tiếng chào nào luôn, vậy làm sao người ta yêu thích nổi.

 

Lời ông già vừa dứt, cô gái áo dài đã buộc miệng khen ngay một câu:

 

- Ông nói chuyện hay quá!

 

Mà đâu chỉ cô gái trẻ thấy thế, ngay cả hàng trăm người đang xem phát trực tiếp cũng đồng suy nghĩ, họ gửi loạt bình luận dài thườn thượt, đủ lời khen, trầm trồ lẫn ngưỡng mộ ông già.

 

[Ông nói chuyện thâm thúy quá!]

[Để tải đoạn này xuống mới được, không thôi hồi tụi này xóa mất là uổng lắm.]

[Chân nhân bất lộ tướng!]

[Tui lên mạng tra rồi, bài thơ hồi nãy là thơ Phùng Khắc Khoan thiệt đó, viết đúng từng chữ luôn.]

[Ê! Tui biết ông khách mới nãy, ổng là giáo sư đó, đang làm hiệu trưởng đại học lớn. Ông đồ này chắc cũng học hàm học vị cao lắm, bởi vậy giáo sư mới tới xin chữ.]

[Ông nói đúng quá, tụi này toàn ăn nói gây sốc hút tương tác chứ có biết chào hỏi ai đâu.]

[Nghe lời ông đi! Lời chào cao hơn mâm cỗ!]

[Chuyện chào hỏi là phép lịch sự tối thiểu, tới con nít còn biết mà đám này không biết, vậy mà mơ mộng nút bạc.]

 

Còn rất nhiều lời bình luận đang xếp hàng dài phía dưới, nhưng cả đám đâu có tâm trạng đọc tiếp. Một hai lời thì vẫn cãi được, đằng này ai cũng tán thành lời ông già thì dĩ nhiên bọn thanh niên đó chẳng nói nổi lời nào nữa, chúng cúi gầm mặt, miệng lưỡi phút trước hãy còn bốp chát hơn thua giờ cũng cứng đờ. Không khí quanh chúng chợt im phăng phắc, tựa bị đóng băng hết cả. Và cả lũ tắt phụt hết màn hình điện thoại, rồi liếc mắt ra hiệu cùng nhau rời khỏi chợ. Trước khi đi, con bé tóc vàng cũng không quên kéo cô gái áo dài theo, tuy nhiên cô lại chần chừ không muốn đi vội. Có vẻ luyến tiếc cảnh chợ đầy sắc màu, cô gái đòi ở lại ngắm cảnh thêm chứ chẳng chịu theo đám bạn nữa.

 

Nhận thấy bạn mình tự dưng cứng đầu, con bé tóc vàng bực bội quát lớn:

 

- Người ta chửi vô mặt mình mà mày còn muốn đứng đây nữa hả?

 

- Ông nói hay mà, ông dạy thôi chứ đâu có mắng chửi tụi mình.

 

- Tại mày hai lúa mới thấy hay, chứ hay ho gì. – Con bé tóc vàng sưng sỉa nói. – Hai lúa quá trời bởi vậy anh Toàn mới không để ý đó. Tại thấy mày suốt ngày thui thủi một mình bữa nay tụi tao mới dẫn theo, mày không biết ơn thì khỏi luôn, sau này mày cô độc, tới già cũng không có bạn bè thì kệ mày.

 

Thằng con trai cộc cằn trong nhóm còn lớn tiếng hơn, nó nói mà như mắng người ta:

 

- Đã nói đừng dẫn con này theo, mà mày cứ nói có mấy đứa lúa lúa vậy mới hút tương tác. Cuối cùng thấy nó ngu nó báo không.

 

Sau vài lời khó chịu, rốt cuộc đám loi nhoi cũng chịu bỏ đi, trả lại không gian vui vẻ quen thuộc cho góc chợ nhỏ. Mấy người lớn nhìn theo lũ ồn ào đó mà lầm bầm rủa xả, có kẻ còn bàn nhau rải gạo tiễn vong kẻo không sẽ xui cả năm. Chú bán hướng dương chửi đổng sang sảng:

 

- Mẹ nó! Cái tụi này thế nào cũng có ngày bị đánh què giò.

 

Chỉ là lời chửi đổng trút giận nhưng cô gái áo dài đỏ vẫn lễ phép nói câu hối lỗi:

 

- Con xin lỗi!

 

Cô gái ngoan hiền đến thế này thì chắc chắn không ai giận dỗi nổi, chỉ mỗi cô bán vạn thọ cau có nhắc nhở:

 

- Ai mà giận mày đâu mày ơi, chửi đám mất dạy hồi nãy thôi. Mà nói thiệt nha, mày mà là con cháu trong nhà tao là tao lôi về đánh một trận rồi đó, chơi với ai không chơi, chơi với đám mất dạy.

 

- Dạ… - Cô gái rụt rè đáp.

 

Mới trả lời xong cô bán hoa, cô gái nhút nhát bỗng như giật thót. Đôi mắt thẹn thùng hơi liên liếc về phía một nhóm người mặc áo tấc mới vừa tiến vào chợ, gương mặt phút chốc hóa đỏ bừng, đỏ hơn cả mấy đóa mào gà đang khoe sắc trong nắng. Càng kỳ lạ, ngay thời điểm nhóm người ấy dừng lại chụp hình bên mấy đóa hướng dương lộng lẫy, cô gái áo dài đỏ chợt luống cuống chạy lẫn vào mấy người đang đứng lựa hoa, thêm vài giây, cô đã biến mất sau hàng mai vàng tựa làn mây vừa tan vào hư không, chẳng để lại gì dù chỉ một bóng hình mập mờ.

 

***

 

Nơi chợ hoa xuân có ông đồ già, mỗi ngày đều mặc áo dài khăn đống, và luôn bình thản mài mực viết chữ bất kể điều chi đã hay đang diễn ra. Chẳng ai biết ông đến từ đâu, gia cảnh ra sao, mọi thông tin trước giờ chỉ toàn suy đoán và truyền miệng. Có người thấy ông hiền từ, bụng đầy chữ nghĩa thì đoán ông là giáo viên về hưu, nhân dịp giáp Tết mới ra chợ tìm niềm vui. Kẻ khác trông ông am hiểu chữ Hán liền bảo hẳn ông mang gốc gác con cháu quan lại ngày xưa. Người nhận ra ông điềm đạm, phong thái đĩnh đạc lại truyền tai nhau rằng biết đâu ông thuộc dòng dõi hoàng tộc… Mỗi người đồn một kiểu nhưng ông đồ chưa từng phản đối hay đồng thuận với các tin đồn, với ông mọi lời nói đều như gió thoảng qua tai, như mây thoáng ngang trời. Mà trước giờ ông đồ cũng gần như chẳng kể chuyện đời mình với mọi người, bởi thế cả chợ đâu biết bao nhiêu về ông, ngoại trừ cái tên… Liên.

 

Tết đã gần kề, mấy chậu hoa đã vơi dần, người bán cây kiểng lớn thì tính toán nhờ chở kiểng về quê để sang năm lại bán tiếp. Kẻ bán mấy loại hoa chưng như cúc, vạn thọ, thược dược… thì bàn nhau mang hoa thừa ra tặng mấy người lao công quét đường, hoặc đặt bên vỉa hè cho ai có hoàn cảnh khó khăn mang về chưng dăm ngày Tết. Riêng mỗi ông đồ vẫn bình lặng ngồi nhìn dòng người nhộn nhịp, nhìn các chậu hoa lần lượt được mang đi, ngồi thả hồn vào khoảng khắc hối hả cuối cùng của khu chợ ngày xuân.

 

Cô Tám bán vạn thọ thấy ông cứ lặng thinh chẳng nói chi nên liền hỏi han:

 

- Ông đồ Liên sửa soạn về ăn Tết chưa? Con cháu ông mua đồ đầy đủ rồi hé?

 

Ông đồ hướng mắt sang phía cô bán hoa và nhẹ nhàng trả lời:

 

- Về nhà tui cũng lẹ mà.

 

- Mà biết bao lâu rồi, chưa ai biết nhà ông đồ ở đâu nha, bữa nào tôi theo rình coi ông ở biệt thự nào mới được. – Cô Tám nói với giọng đùa cợt.

 

Chú Sáu bán hướng dương nằm ngả người trên cái ghế bố, bàn tay mải miết lướt màn hình điện thoại, nhưng bỗng nghe cô bán vạn thọ nhắc tới nhà ông đồ thì cũng liền ngồi bật dậy, vỗ mạnh vào đùi một cái rồi hớn hở nói lớn:

 

- Hay tui với cô Tám mỗi người tặng ông đồ một cặp bông đi, mình bưng qua nhà ổng cho sẵn biết nhà luôn.

 

Trái với bao hào hứng từ chú Sáu, ông đồ Liên lại lắc đầu ra vẻ từ chối:

 

- Hai cô chú bưng bông vô nhà tui không nổi đâu.

 

- Có gì mà không nổi, bộ nhà ông đồ rộng lắm hả? Rộng mấy ngàn héc-ta không? – Chú Sáu hỏi đùa.

 

Cuộc trò chuyện cuối năm diễn ra mỗi lúc mỗi sôi nổi, người này xen vào một câu người kia lại nối tiếp một lời, kẻ nói đông người nói tây, lời trên trời dưới đất nào cũng có nhưng vẫn rộn rã vô cùng… Tưởng mọi người cứ nói như thế tới lúc vãn chợ, ai ngờ có một kẻ không mời đột ngột xuất hiện và phá tan buổi chuyện trò.

 

Kẻ ấy lễ phép mở lời:

 

- Con chào ông đồ!

 

Giọng nói lạ khiến cả ba lập tức bỏ dở câu chuyện để ngước lên nhìn. Hóa ra người phá ngang này là một thanh niên trẻ, cậu trai chỉ độ hai mươi tuổi, gương mặt khá nam tính nếu không muốn nói là điển trai. Cái áo tấc xanh sậm càng tôn thêm dáng người dong dỏng cao, khiến cậu toát lên vẻ đẹp đầy nét hoài cổ.

 

Nghĩ người ta đến tìm mua hoa, cô Tám đon đả ngay:

 

- Mua bông hả con? Mua vạn thọ nè con, cô để giá rẻ cho.

 

- Dạ! Con không có mua bông. Bữa trước con có ghé với gia đình rồi đó cô.

 

Nghe thế chú Sáu đang nằm vắt vẻo trên ghế liền nói chen vào:

 

- Tao nhớ rồi! Bữa đó mày cũng mặc bộ đồ y hệt vậy này phải không? Định tới chụp hình nữa hả?

 

- Dạ không phải! Con tới tìm ông đồ. Con có thấy trên mạng, cái đoạn phim ông với cái nhóm người…

 

Chưa để cậu thanh niên nói cho trọn câu, chú Sáu đã cười ha hả:

 

- Ông đồ Liên có người hâm mộ luôn ta ơi! Mình được buôn bán kế người nổi tiếng đó cô Tám.

 

Chú Sáu đùa gì cứ đùa, ông đồ vẫn bình thản hệt đã từng. Ông nhỏ nhẹ mời chàng trai ngồi xuống và cũng kiên nhẫn lắng nghe từng lời kể từ vị khách bất ngờ. Chàng trai kể không quá dài, chỉ vỏn vẹn mấy phút đã thừa để ông đồ hiểu câu chuyện. Sau khi gật gù tỏ vẻ biết ý cậu thanh niên, ông lập tức nói ra một sự thật:

 

- Ông cũng đâu biết người ta ở đâu mà chỉ con, vậy trước giờ con không biết người ta ở đâu luôn hả?

 

- Con với người ta không học chung trường, hồi trước con ngại không dám hỏi… - Cậu trai thật thà kể.

 

Ông đồ lắc đầu ra chiều tiếc nuối rồi căn dặn chàng trai:

 

- Ở đời vạn sự tùy duyên, nếu có duyên chắc chắn sẽ gặp lại. Mà nếu có gặp lại thì nhớ…

 

Ông già lấy ra mảnh giấy đề chữ hôm trước viết cho lũ ngỗ ngược, bọn ấy không nhận con chữ ông đồ tặng nhưng ông cũng chẳng vứt đi, và giờ món quà đó được tặng lại cho chàng trai này.

 

- Chữ “chào” là khởi đầu cho mọi thứ tình cảm trên đời, chữ “chào” chân thành tạo nên tình bạn đẹp, chữ “chào” đầy quan tâm khiến lòng người hạnh phúc, chữ “chào” ân cần thể hiện sự tôn trọng, từ một chữ “chào” người ta sẽ biết con quan tâm họ nhường nào. – Ông đồ giải thích cho chàng trai hiểu. 

 

- Dạ! – Chàng trai lễ phép đáp lại.

 

***

 

Chợ hoa xuân rực rỡ sắc màu, chợ đông vui đến cả những phút sau cùng, tiếng nói cười vẫn xôn xao y ngày mới họp. Giờ xen lẫn tiếng rao hàng còn có cả tiếng chúc Tết, tiếng chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc… Giữa không gian tràn ngập niềm vui ấy, có chàng trai thẩn thờ dạo bước, cậu đi về phía chợ hoa nhưng đôi mắt nhìn xa xăm vô định, cậu không nhìn khung cảnh mà nhìn về ký ức. Cậu nhìn về thời gian trong lớp ngoại ngữ hằng đêm, nhìn lại hình ảnh cô bạn chung lớp luôn thu mình nơi bàn cuối, nhớ cái dáng vẻ rụt rè như mèo nhỏ… Cho đến một ngày, cô bạn đó không còn xuất hiện nữa, cô tan biến như áng mây cuối chân trời, để chàng trai tìm hoài chẳng thấy.

 

Con đường chợ hoa đêm nay sau dài thăm thẳm, ánh đèn đường soi rõ từng cánh hoa đã bung mình, rọi vào từng cái nụ lười biếng chưa muốn hé nở, và tình cờ soi luôn một dáng áo dài nhẹ nhàng lướt ngang. Cô gái tha thướt trong tà áo dài, dù trong trông không quá xinh đẹp nhưng ẩn chứa cái duyên ngầm, nét duyên rất Việt Nam. Ấy thế mà đám bạn dường như chẳng nhận ra, nên cô gái luôn bị chúng xem thường và cười nhạo, lâu lâu có ai tìm đến cũng chỉ lợi dụng mà thôi. Cô sống thu mình vào thế giới riêng, sống trong cô độc và trầm lặng. Tới giờ vẫn thế, cô gái cô đơn đi ngắm hoa xuân, lạc lõng trong sắc xuân chan hòa, lạnh lẽo giữa tiếng nói cười…

 

Nơi phố đầy hoa, người người đông nghịt, tiếng hỏi câu chào lấn át không gian, có ông đồ già đang hòa mình vào dòng người xuôi ngược. Ông không đi ngắm cảnh, không mua hoa, càng chẳng hóng gió, ông đi tìm một người… Rồi ngay cuối đường, người ta thấy ông đồ già đang nói gì đó cùng một cô gái mặc áo dài, lời ông nói nhỏ nhẹ tựa hơi sương bám lên cánh hoa, ngoài cô gái chẳng ai nghe được ông nói chi nhưng vẫn đoán chắc lời ấy hẳn phải tốt đẹp lắm. Bởi theo từng lời ông đồ, gương mặt cô gái trẻ càng thêm rạng ngời, ánh mắt hóa sáng bừng, đôi môi cũng hé nụ cười đẹp chẳng thua đóa hoa đang tươi cười chào xuân.

 

Phố hoa lộng lẫy, phố hoa tấp nập người qua kẻ lại, có một chàng trai và một cô gái vừa tìm thấy nhau. Chàng cất tiếng chào thật chân thành:

 

- Chào em! Lâu quá không gặp em!

 

Lần này cô gái không chạy trốn ra sau hàng mai nữa mà lí nhí đáp lại lời chào:

 

- Em chào anh Toàn!

 

Tiếng chào đầu tiên đưa hai người đến với nhau như thế. Từ một tiếng chào, cánh cửa lòng đôi bên dần hé mở, những câu hỏi ấp ủ tận sâu đáy tim cũng dần tuôn ra.

 

- Anh tìm em lâu lắm rồi đó, hỏi mấy bạn trong trung tâm cũng không ai biết em ở đâu. Sao em nghỉ học vậy? – Chàng trai mở lời.

 

- Dạ! Ba mẹ kêu em chuyển về học trung tâm ngoại ngữ gần nhà hơn. Mà nhà anh gần đây hả? – Cô gái rụt rè hỏi.

 

- Cũng gần! Còn nhà em ở đâu vậy?

 

- Dạ! Cách đây khoảng…

 

Cuộc trò chuyện dần ngọt ngào thêm cùng những lời quan tâm ý nhị, hai đôi mắt nhìn nhau chan chứa tình cảm ngọt ngào. Chàng trai trao cô gái nụ cười ấm áp giữa chợ hoa đêm, cô gái ngại ngùng vân vê mãi tờ giấy trong tay, tờ giấy có viết chữ… Chào.

 

***

 

Chợ hoa sắp tàn rồi, tiểu thương dọn dẹp mấy chậu cây còn thừa, dăm ba chậu được các cô lao công quét đường mang đi, có chậu được đặt lại vỉa hè như món quà trang trí gửi cho mùa xuân năm nay. Nơi chợ hoa, ông đồ già vừa đi đâu đó về. Ông ngồi xuống bên cái bàn quen thuộc, bình thản nhìn người người hối hả về nhà ăn Tết, nhìn từng chiếc ghe chở hoa về lại vùng quê xa, nhìn những cô quét đường tươi cười khi nhận các chậu hoa xinh đẹp.

 

Chú Sáu bán hướng dương cũng ôm hai chậu hoa thật đẹp tới tặng ông đồ già.

 

- Ông đồ Liên! Năm mới dồi dào sức khỏe nha! – Chú gửi thêm cả lời chúc Tết.

 

- Tui chúc chú sang năm phát tài nha. – Ông đồ vui vẻ chúc lại.

 

Cô Tám bán vạn thọ cũng gửi cặp hoa tràn đầy sức sống tới ông đồ cùng lời chúc:

 

- Tui chúc ông đồ năm mới an khang thịnh vương nhe. Hồi nãy ông đồ đi đâu mất tiêu, tưởng ông về rồi không hà. Ông đi gì mà không nghe tiếng bước chân gì hết.

 

- Chúc cô Tám năm mới vạn sự như ý nhe. Mà cũng trễ rồi, chào hai cô chú tui về.

 

- Mình ông đồ vừa dọn dẹp, vừa ôm mấy chậu bông về sao nổi, để tui với cô Tám phụ cho…

 

Chú bán hướng dương đương định bụng sắn tay vào giúp ông đồ một chút thì chợt một loạt tiếng chửi mắng đinh tai nhức óc đâu vang lên làm chú giật nảy người. Không riêng gì chú, mà cả chợ cũng đồng loạt bị chuỗi thanh âm kinh khủng khiến cho hốt hoảng. Tiếng chửi ấy đáng sợ tới chẳng từ ngữ nào diễn tả nổi, chửi từ đường lớn chửi đến hang cùn ngách hẻm, chửi từ trên trời xuống dưới đất, chửi đến ngỡ đâu long vương, hà bá cũng sợ tới phải bỏ xứ mà đi. Ngó theo hướng tiếng mắng chửi kinh thiên động địa đó, chú Sáu mới phát hiện hóa ra là nhóm nhóc con vô phép dạo trước đang bị rủa xả. Quả thực trên đời đâu phải ai cũng hiền từ như ông đồ, đâu phải ai cũng dễ dàng bỏ qua khi thấy chúng là đám nhóc. Lần này không biết cả bọn đã gây chuyện chi mà bị mắng tới không ngẩng mặt lên nhìn đời nổi, đứa nào đứa nấy mặt xanh như tàu lá chuối, tay chân run như cầy sấy, nhìn tưởng sắp xỉu luôn tới nơi. Trông thấy cảnh này chú Sáu hả hê lắm, chú gọi ngay cô Tám:

 

- Cô Tám coi kìa, tụi này chắc tởn tới già luôn.

 

- Cái này gọi là nghiệp đó, sắp tới Tết rồi mà còn tạo nghiệp, không bị chửi mới lạ. Mà chú coi đi, tụi nó đụng ai không đi, đi đụng bà Bảy “chằn” bán bưởi, cho kỳ này nghỉ ăn Tết luôn. – Cô Tám cũng tán đồng.

 

- Phải rồi đó! Đáng đời tụi nó hé ông đồ Liên! Ông đồ?

 

Chú Tám chợt ngơ ngác khi vừa quay lại đã chẳng còn thấy ông đồ đâu nữa. Bộ bàn ghế, mớ nghiên mực, giấy cùng mấy chậu hoa cũng như bốc hơi trong không khí. Mọi thứ biến mất không tiếng động, không dấu vết, biến mất hệt chưa từng tồn tại, thứ duy nhất để lại chẳng gì ngoài muôn vàn thắc mắc.

 

Nhưng việc ông đồ biến mất vào ngày tan chợ từ lâu đã không còn xa lạ gì với mọi người, nên cô Tám cũng chỉ dí dỏm nói:

 

- Ông đồ Liên đi mất nữa rồi hả? Nằm nào cũng vậy mà, quay tới quay lui cái ổng mất tiêu, nhiều lúc không biết ổng là người hay là tiên nữa.

 

 

  

 

 

 

 

(*) Nguyên Đán Kỳ 2 – Phùng Khắc Khoan. Dịch nghĩa bài thơ:

Đầy nhà vui mừng có con cháu thảo hiền

Áo, bát được truyền lại tốt đẹp cho gia đình

Hằng năm xuân về, buổi sớm đầu năm mới

Kính dâng lên bài chúc phong lưu đệ nhất.

 

(**) Truyện Kiều – Nguyễn Du.

 

(***) Ông Đồ - Vũ Đình Liên.

 

(****) Bóng Ông Đồ - Vũ Đình Liên.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}