Hai chị em đang rơi vào trầm mặc thì tiếng má ở trong nhà chợt vọng ra:
"Oanh, Cảnh, cha mày gọi điện về nè!"
Hai chị em nghe thấy bèn lật đật đứng lên rồi chạy nhanh vào bên trong. Vừa bước tới cửa nhà thì thấy ông Thành - cha cả hai đang kể về chuyện đi sàng lọc. Ba má con ngồi quây quần bên điện thoại. Bà Hai lo lắng hỏi:
“Sao rồi ông? Tình hình ở trển thế nào?”
“Cũng căng thẳng vậy á bà ơi. Tui mới đi kiểm tra sàng lọc về, còn khoẻ mạnh dữ lắm nên mấy má con cứ an tâm nhen. Ở nhà má con bà cũng phải cẩn thận, dịch đang bùng mạnh, lây tùm lum tùm la hết trơn. Giờ ở Sài Gòn mỗi ngày nhiễm tận mấy trăm ngàn cả, người chết như rạ, nhìn mà sợ.”
Ba má con nghe xong, lòng ai cũng nặng trĩu. Thằng Cảnh lén nhìn qua Hai Oanh nhưng chỉ thấy cô gượng cười trò chuyện với cha chứ chẳng có ý định nói ra chuyện khi nãy. Thằng Cảnh thở dài, trong lòng càng rối ren.
Nói một lúc thì ông Thành cũng cúp máy. Bà Hoa buồn rầu than thở:
"Hông biết bao giờ mới bình thường lại được đây."
Bà nói rồi bỏ ra sau hè, Oanh và Cảnh nhìn nhau, không nói lời nào.
Đến tối, sau khi ba má con ăn cơm xong thì Oanh chợt lên tiếng kêu thằng Cảnh nói với má vào phòng cô có chút chuyện. Nghe Hai nói thế, nó cũng đủ biết cô muốn nói đến chuyện gì, lòng nó nhói đau, người ta núp kỹ ở nhà như thế còn vướng bệnh đi chầu ông bà thì huống chi ra đương đầu ở nơi đó. Tuy nhiên thằng Cảnh biết nó sẽ chẳng thể thay đổi được quyết định của Hai Oanh.
Khi hai má con Cảnh vào phòng, Oanh ngồi xuống cạnh má, cô nắm tay bà, nhẹ nhàng nói:
"Má… con nhận được tin thông báo triệu tập lên tỉnh."
Bà Hai kinh ngạc nhìn cô, lắp bắp:
"Triệu… triệu tập gì?"
Dù lòng bà đã rõ như ban ngày nhưng bà Hai vẫn không dám tin vào những điều Oanh vừa nói. Chồng đi làm xa, con lại đi đến chỗ đó thì bà biết sống sao?
Hai mắt Oanh đỏ hoe, vuốt ve tay bà:
"Má, con là bác sĩ tương lai, con là người thuộc ngành y. Bây giờ đất nước đang cần con, con hông thể hông đi được. Má hiểu cho con nha má…"
Bà Hai nghe Oanh nói mà lặng thinh. Bầu không khí trong nhà lúc này yên tĩnh đến lạnh người, ai ai cũng không nói thêm được gì vì bây giờ có muốn từ chối cũng có được đâu. Đây là trách nhiệm, cũng là sự tôn trọng của Oanh dành cho ngành nghề của mình. Bên ngoài kia còn có rất nhiều người không thuộc ngành y đi làm tình nguyện thì cô không có lý do gì để núp ở nhà mãi. Oanh muốn đi, cô muốn đóng góp chút sức lực của mình cho tổ quốc.
Bà Hai biết rằng với tình hình khó khăn và thiếu thốn nhân lực như hiện nay thì Oanh không thể không đi, nhưng kêu bà vui vẻ nhìn con gái mình đương đầu với nguy hiểm thì sao mà bà đành lòng cho được. Bà nén nước mắt, không nói lời nào mà chỉ vỗ nhẹ lên tay cô rồi rời đi. Oanh biết má đã đồng ý rồi. Cô nhìn thằng Cảnh thì thấy mắt nó lại đỏ hoe, tuy nhiên lần này nó đã không khóc. Bỗng nhiên, Oanh thấy cậu nhóc em cô như trưởng thành lên chỉ trong vài giờ. Nó giả giọng như người lớn, dặn dò cô đủ chuyện. Oanh bật cười trước điệu bộ ông cụ non rồi lại lặng lẽ ôm nó thật chặt.
Tối đó, khi Oanh đang ngồi soạn đồ bỏ vào balo thì má đi lại ngồi xuống cạnh cô. Oanh nhìn đôi mắt sưng húp của má cũng biết bà đã trốn cô khóc rất nhiều, cô đau lòng lắm nhưng đứng trước tình hình này thì cũng đành chịu. Bà nắm tay Oanh dặn dò:
"Mày ráng cẩn thận… chuyện này đừng nói với cha bây mắc công ổng lại lo, tao có dặn thằng Cảnh rồi. Mày…"
Bà nói trong nước mắt, bây giờ người chết quá nhiều, có những gia đình gần như mất đi tất cả chỉ trong một đêm. Ngày nào bà coi truyền hình cũng thấy bệnh viện dã chiến dựng lên khắp nơi, trường học lấy làm điểm cách ly, bộ y tế điêu đứng vì không đủ nhân lực. Mỗi ngày tin tức vùng đỏ, vùng xanh làm lòng bà đau xót. Bà nghĩ mà buồn, đôi khi bà hối hận, nếu biết thế bà sẽ không cho con mình học ngành y. Bà nghĩ rồi bà lại tự chửi mình trước cái suy nghĩ ích kỷ đó.
Oanh ôm má, thủ thỉ:
"Má đừng khóc, đừng lo cho con. Con sẽ cẩn thận, má yên tâm, con sẽ về mà. Con phải đi hỗ trợ đất nước như những đồng nghiệp của con đang chăm sóc cho cha vậy. Con hứa, con nhất định sẽ về với má, với cha và thằng Cảnh."
Bà Hai vỗ nhẹ lưng cô, hai má con ngồi tâm sự với nhau thật lâu, cả hai không thấy thằng Cảnh ở bên ngoài cũng đã rơi lệ. Nó lặng lẽ đứng nép bên ngoài cửa nghe má và Hai trò chuyện, đến tận khuya Cảnh mới thấy má đi về phòng. Nó nằm trên cái giường tre nhìn bờ vai má lặng lẽ run lên. Má đau như đứt từng khúc ruột, Cảnh thở dài, nằm trằn trọc suốt cả đêm.
Đến sáng, khi xe của bộ y tế chuẩn bị đến đón Oanh đi thì ông Thành lại gọi điện về. Mày ông nhíu chặt, lo lắng nói với bà Hai Hoa:
“Hông biết sao qua nay mắt trái tui giựt dữ bà ơi, lòng tui cứ bồn chồn chẳng yên. Tui lo quá nên gọi điện về nhà hỏi tình hình mấy má con.”
Bà Hai nghe thế mà nào dám hó hé chuyện của Oanh, bà nén cơn đau, nhẹ nhàng bảo:
“Do ông suy nghĩ nhiều quá nên mới vậy thôi chứ mấy má con tui vẫn khoẻ re chứ có cái gì đâu.”
Ông Thành ậm ừ mà lòng vẫn lo lắng, dãy trọ đối diện chỗ ông mới có F0 nên bây giờ ai cũng mất ăn, mất ngủ. Sài Gòn quá tải, không có chỗ để bệnh nhân nằm. Ông chán nản nói:
"Chết hông có chỗ chôn là thật bà ơi, hồi xưa người ta nói mà đâu ai tin, bây giờ linh nghiệm rồi đó. Ai có dè đâu có một ngày hông ai dám ló mặt ra đường, Sài Gòn phồn hoa lại trở thành thành phố chết như bây giờ cơ chứ."
"Ông ráng cầm cự nghen ông, tui thấy thời sự đưa tin người ta đang sắp xếp cho xe đưa người dân tứ xứ về quê để giảm tải cho Sài Gòn. Ông ráng giành được một vé về với tui nghen." Bà Hai an ủi chồng.
“Tui đã đăng ký từ khi mới nghe tin tức rồi, bây giờ đợi người ta phản hồi coi sao chứ ở trên này vừa buồn, vừa lo quá.” Ông thở dài, vẻ mặt không giấu được vẻ não nề.
Lúc tin tức về chuyến xe nghĩa tình được đưa ra người dân ở tứ xứ vui mừng biết bao nhiêu. Cho dù có chết, họ cũng muốn chết trên mảnh đất quê chứ không muốn chôn thây ở nơi xa xứ này. Bà Hai quay lưng đi gạt nước mắt, thằng Cảnh xoa nhẹ lưng bà. Có tiếng kèn inh ỏi ở trước nhà, Oanh biết xe đón mình đã đến, cô ra hiệu cho Cảnh ngồi nói chuyện với cha để cô ra kêu họ đợi một lát. Như linh tính mách bảo, ông Thành hỏi Oanh đâu, ông biết con gái học ngành y và bây giờ nhà nước đang rất cần những bạn trẻ thế này ra sức. Ai chửi ông ích kỷ thì ông chịu chứ ông không muốn cho con gái mình xông pha ra chiến trường. Thằng Cảnh nghe cha hỏi thì vội trả lời:
"Hai đi ra sau hè hái rau rồi cha, cha nhớ mấy luống rau con với má trồng rồi khoe cha mấy tháng trước hông? Bây giờ nó tốt lắm, nhờ nó mà nhà mình đỡ lắm á cha."
“Nhớ chứ! Thằng Cảnh nay giỏi dữ ta! Biết phụ má mày trồng rau luôn. Mà ra kêu Hai mày vô cho tao nói chuyện chút coi, tí rồi ra hái rau tiếp chứ làm gì mà gấp gáp dữ vậy.” Ông Thành nhíu mày, nằng nặc đòi gặp Oanh.
Thằng Cảnh lúng túng thấy rõ nhưng may sao khi đó Oanh đã chạy vô tới, cô lau mồ hôi trên trán, vui vẻ cầm điện thoại trò chuyện với cha. Vẫn là bài hát dặn dò quen thuộc mà ngày nào con Oanh cũng ca hết. Ông Thành nghe muốn thuộc lòng. Hai cha con trò chuyện với nhau thêm ít lâu mới cúp máy. Khi màn hình điện thoại vụt tắt, Oanh đưa điện thoại cho má rồi quay mặt đi nơi khác lén lau nước mắt vừa rơi. Sợ người bên sở y tế đợi lâu, Oanh vội đeo balo lên rồi tạm biệt bà Hai và thằng Cảnh. Trước khi rời khỏi nhà, Oanh dặn dò đủ điều hết, Cảnh gật đầu lia lịa như gà mổ thóc vậy thôi chứ nó chẳng vô đầu được chữ nào. Nó cố gượng cười cho Oanh an tâm chứ thật lòng nó đang buồn thúi ruột thúi gan.
Thấy chẳng còn sớm nên Oanh ôm Cảnh với má lần nữa rồi rảo bước đi thật nhanh về phía chiếc xe đang đợi mình. Thằng Cảnh nhìn bóng dáng Oanh bước đi hiên ngang ra đầu chiến tuyến cảm thấy tự hào lắm, nó rất hãnh diện vì cô.
Bình luận
Chưa có bình luận