Tiếng xe cấp cứu thỉnh thoảng lại vang lên giữa không gian yên tĩnh trong xóm nhỏ. Cứ mỗi lần như thế, lòng người càng thêm nặng trĩu. Thằng Cảnh đi tới đi lui trong nhà, lâu lâu lại ló đầu ra đường xem tình hình nhưng ngoài đó giờ này làm gì có ai. Hiện tại, ngay cả trước sân mọi người còn chẳng dám ra thì nói gì đến ngoài đường ngoài xá, trường học hay các chỗ làm việc đều cho nghỉ vì dịch covid đang bùng mạnh trở lại. Nhớ mới mấy tuần trước thôi, trên đường lúc nào cũng tấp nập người qua lại, các cô chú vác cuốc ra ruộng, vừa đi vừa nói cười tíu tít. Đám con nít thì chạy nhảy khắp nơi, chúng nó tụm năm, tụm bảy chơi đá cầu, tạt lon suốt, ấy vậy mà bây giờ lại hiu quạnh đến đau lòng.
Thằng Cảnh thở dài một hơi, không biết tình cảnh này còn phải kéo dài đến tận lúc nào. Nó nghe đâu ở xóm trên đã có người bị nhiễm, tình trạng nguy kịch lắm, ai nghe tin cũng rầu rĩ không thôi. Mà điều làm thằng Cảnh lo lắng hơn hết là cha nó vẫn còn kẹt lại trên Sài Gòn chưa về nhà được. Nghĩ đến cha, sống mũi Cảnh lại cay cay. Nó giơ tay dụi mắt, từ lúc bùng dịch đến giờ nó cứ khóc mãi. Hai Oanh trêu nó là đồ mít ướt, đàn ông con trai gì mà khóc lóc tối ngày. Nhưng nó đâu có muốn, nó yếu đuối từ nhỏ, dễ khóc dễ mủi lòng nào giờ nên lúc này bị Hai trêu cũng đành chịu. Tự nhiên đang vui vẻ, chạy chơi với lũ bạn mà bây giờ lại bó gối ở nhà thì làm sao nó không buồn cho được, đó là chưa kể đến việc cha còn bị kẹt ở tuốt nơi xa. Cảnh ngồi tiu nghỉu, mặt mày ủ dột như cái bánh bao chiều. Hai Oanh từ dưới nhà đi lên, thấy nó ngồi hóng ra ngoài đường thì gằn giọng:
"Ngóng trông cái gì đó? Mày đừng có léng phéng ra ngoài chơi nghen. Nghe nói ở xóm trên có người bị nhiễm cũng do con nít lén ra ngoài đi chơi rồi mang bệnh về đó."
“Em biết rồi mà Hai, em nhớ cha nên ngồi ngoài này ngóng thôi chứ có đòi đi chơi gì đâu." Cảnh lí nhí.
Oanh nghe nó nói thế cũng an tâm, tuy Cảnh đã mười tám nhưng tính cách nó lại yếu đuối và hay khóc, trong mắt cả nhà nó vẫn là một đứa trẻ chưa trưởng thành. Oanh xoa đầu nó:
"Ừm, thì tao nhắc vậy á. Nếu mà rảnh quá thì đi phụ má trồng rau đi, có gì còn có cái mà ăn."
Cảnh nghe cô nói thế bèn chậm rãi đứng lên đi ra sau hè. Nhà Cảnh có hai chị em, Hai Oanh là cô gái mạnh mẽ và giỏi giang, hiện tại cô đang là sinh viên năm cuối của trường đại học Y trên thành phố. Do lần này trúng dịp nghỉ, cô về quê chơi vài tuần nên mới không kẹt lại trên Sài Gòn như cha. Nhắc đến cha, Cảnh lại đượm buồn. Cha nó lên thành phố làm việc đã lâu, trước đây tháng nào cũng sẽ về với má con nó hết, có khi một tháng còn về tận ba, bốn lần mà bây giờ lại vì dịch bệnh chẳng về được. Hồi lúc dịch mới phát, má kêu ông về hoài mà ông cứ nấn ná mãi. Đến lúc thành phố đóng cửa thì mọi chuyện coi như đã xong. Má cãi nhau với cha quá chừng nhưng rồi cũng đâu vào đấy cả. Nó nghĩ, chắc cha sợ mang mầm bệnh về lây cho cả nhà nên mới chần chừ chứ nào có muốn. Thôi số phận đã an bài, giờ trời kêu ai nấy dạ chứ biết làm gì hơn. Thằng Cảnh thở dài như ông cụ non, nó nhớ mới hồi vài tháng trước gia đình nó còn đi Vũng Tàu du lịch, ăn uống trò chuyện vui vẻ với nhau mà bây giờ phải sống trong sự lo lắng, sợ hãi. Nó cảm thấy não nề quá.
Bà Hai Hoa – má Cảnh đang nhổ cỏ cho luống rau sau hè thì thấy nó lửng thửng đi ra. Nhìn cái mặt buồn so của nó, bà mới hỏi:
"Mày làm gì mà ngày nào cũng chù ụ chù ụ vậy? Ai ăn cắp sổ gạo của mày ha gì?"
"Có đâu má, tại… con nhớ cha quá hà."
Cảnh nói mà khoé mắt lại đỏ, nhìn cứ như sẽ khóc bất cứ lúc nào. Bà Hai quắc mắt nhìn nó, lại rầy la con trai gì mà khóc lóc tối ngày, bộ tính sau này có vợ để vợ dỗ nín hay gì? Cảnh bị má la nên uất ức lắm, tại nó lo và nhớ cha nên mới khóc chứ có phải nó mít ướt mít ráo gì đâu mà má với Hai la nó mãi. Cảnh vùng vằng bỏ đi một nước vào nhà. Bà Hai nhìn theo mà lòng quặn đau. Thật ra bà la rầy vậy thôi chứ bà cũng đau lòng lắm, bà lo đứt ruột đứt gan chứ có thua kém gì thằng Cảnh đâu, nhưng với tình hình hiện tại, bà có thể làm gì hơn. Bà thở dài thườn thượt, rầu rĩ nhổ tiếp mớ cỏ sau hè.
Thằng Cảnh vừa đi vào nhà thì gặp Hai nó đi ra. Thấy nó, Oanh chưng hửng:
"Ủa? Tao kêu mày đi làm cỏ phụ má mà sao vô đây? Rồi ai làm gì mày mà mặt mày một đống vậy?"
"Thôi, em hông phụ má đâu. Mới nói có mấy câu là má lại la em nữa rồi, mệt gì đâu. Ở vòng vòng trong nhà hết má la rồi tới Hai la, bực mình quá hà." Cảnh hậm hực.
Hai Oanh thấy mắt nó đỏ hoè cũng đủ hiểu má la nó chuyện gì. Cái thằng gì mà hở tí là giận dỗi, hở tí là mặt mày chùng ục. Cô biết tính em cô nên không chọc nó nữa. Cô nhẹ giọng dỗ dành nó, kêu nó vào nhà rồi cô nói cho nó nghe. Oanh nói với Cảnh để nó hiểu nỗi lòng của má. Nhìn má mạnh mẽ thế thôi chứ bà là người lo lắng hơn ai hết, má với cô không muốn Cảnh khóc vì hy vọng nó sẽ mạnh mẽ hơn, với cái tình hình này nếu cứ khóc lóc mãi cũng không phải là chuyện tốt.
Cơ mà, nói thì nói thế thôi chứ đêm nào Oanh cũng nghe má nằm trên giường thút thít. Hằng ngày má đều xem thời sự đưa tin về tình hình ở trên thành phố, mỗi lần nghe đến tỷ lệ tử vọng thì má sốt ruột không thôi. Cô hy vọng Cảnh có thể hiểu cho má vì cô biết cũng đã sắp đến lúc mình phải rời khỏi căn nhà này.
Cảnh nghe Hai nói lại rơi nước mắt, nhưng lần này nó cố lấy tay lau đi thật nhanh. Thấy nó lặng thinh, Oanh chỉ vỗ nhẹ vai nó rồi đi vào nhà. Thằng Cảnh ngồi một chút để cho nước mắt ngừng rơi hẳn thì đứng lên chạy ra sau hè kiếm má. Thấy bà đang lom khom nhổ cỏ, nó bèn đi lại ngồi kế bên. Má không nhìn nó mà chỉ nói:
"Gì đây? Sao lết lại chỗ tao nữa rồi? Mới giận dỗi đi vô nhà mà."
"Có đâu, sao con dám giận má được, con đi vô uống miếng nước thôi hà."
Bà Hai phì cười nhưng cũng chẳng nói gì thêm. Chợt bên kia bờ mương, bà thấy Ba Toàn đang lảo đảo bước vào nhà, miệng còn nghêu ngao hát ca là bà biết thằng em mình mới đi nhậu về nữa rồi. Bà tức mình, đứng lên chạy nhanh vào nhà lấy điện thoại mắng cho em mình một trận thật to.
Cảnh ngồi nhổ cỏ một lúc thì toan đứng lên đi vô, nhưng nó vừa nhổm dậy thì thấy Hai Oanh lại đi ngược trở ra. Cô đè vai nó xuống rồi ngồi cạnh nó, Cảnh lấy làm khó hiểu nhìn cô, Hai Oanh thở dài rồi thì thầm:
"Tao mới nhận được tin nhắn triệu tập lên tỉnh, bây giờ trên đó thiếu người quá nên kêu luôn sinh viên năm cuối của ngành y đi hỗ trợ."
Cảnh trố mắt nhìn cô, nó không dám tin những gì mình vừa nghe thấy. Nó biết là Hai nó học ngành y nhưng đâu có dè sẽ bị người ta triệu tập lên tuyến đầu như thế. Cha nó vướng trên Sài Gòn làm nó lo sốt vó mà bây giờ Hai nó còn phải đi chiến đấu thế kia thì nó với má biết làm sao đây. Thằng Cảnh nghe xong, nắm chặt tay con Oanh, nước mắt rơi lã chã.
"Hai… Hai mà đi lên tỉnh thì em với má biết sống sao? Mình từ chối được hông Hai? Em… em…"
"Nín dứt liền! Hở tí là khóc hở tí là khóc. Mày cứ như vầy thì sao lo được cho má đây. Má già rồi, đâu có lo cho mày hoài được."
Cô nói rồi ôm Cảnh vào lòng, cô xoa đầu nó:
"Cảnh nè… lần này Hai đi tới hết dịch Hai mới về. Mày ở nhà lo cho má nghe hông. Mày là con trai, mày cũng lớn rồi, mày phải là chỗ dựa tinh thần cho má. Tao đi lên tuyến đầu, cha lại ở Sài Gòn… má sẽ buồn lắm mà tao hông thể hông đi."
Thằng Cảnh sợ bà Hai sẽ nghe thấy nên chỉ dám rúc vào lòng Oanh khóc thút thít. Nó ôm cô thủ thỉ mãi:
“Hai ơi, Hai đừng đi được hông?”
Oanh ôm nó, nhẹ nhàng lắc đầu thay cho câu trả lời. Nhìn dáng vẻ này của cô thì Cảnh cũng đủ hiểu không thể nào lay chuyển được. Hiện tại, Oanh chỉ muốn thông báo cho nó và má chứ không phải hỏi ý kiến của hai người. Mặt thằng Cảnh buồn so như cái bánh bao chiều, nó tự hỏi không biết khi má nghe tin này thì sẽ đau lòng đến nhường nào.
Bình luận
Chưa có bình luận