1.
Tiếng xe cấp cứu thỉnh thoảng lại vang lên giữa không gian yên tĩnh trong xóm nhỏ. Cứ mỗi lần như thế, lòng người càng thêm nặng trĩu. Thằng Cảnh đi tới đi lui trong nhà, lâu lâu lại ló đầu ra đường xem tình hình nhưng ngoài đó giờ này làm gì có ai. Hiện tại, ngay cả trước sân mọi người còn chẳng dám ra thì nói gì đến ngoài đường ngoài xá, trường học hay các chỗ làm việc đều cho nghỉ vì dịch COVID - 19 đang bùng mạnh trở lại. Nhớ mới mấy tuần trước thôi, trên đường lúc nào cũng tấp nập người qua lại, các cô chú vác cuốc ra ruộng, vừa đi vừa nói cười tíu tít. Đám con nít thì chạy nhảy khắp nơi, chúng nó tụm năm, tụm bảy chơi đá cầu, tạt lon suốt, ấy vậy mà bây giờ lại hiu quạnh đến đau lòng.
Thằng Cảnh thở dài một hơi, không biết tình cảnh này còn phải kéo dài đến tận lúc nào. Nó nghe đâu ở xóm trên đã có người bị nhiễm, tình trạng nguy kịch lắm, ai nghe tin cũng rầu rĩ không thôi. Mà điều làm thằng Cảnh lo lắng hơn hết là cha nó vẫn còn kẹt lại trên Sài Gòn chưa về nhà được. Nghĩ đến cha, sống mũi Cảnh lại cay cay. Nó giơ tay lau nước mắt, từ lúc bùng dịch đến giờ nó cứ khóc mãi. Hai Oanh trêu nó là đồ mít ướt, đàn ông con trai gì mà khóc lóc tối ngày. Nhưng nó đâu có muốn, nó yếu đuối từ nhỏ, dễ khóc dễ mủi lòng nào giờ nên lúc này bị Hai trêu cũng đành chịu. Tự nhiên đang vui vẻ, chạy chơi với lũ bạn mà bây giờ lại bó gối ở nhà thì làm sao nó không buồn cho được, đó là chưa kể đến việc cha còn bị kẹt ở tuốt nơi xa. Cảnh ngồi tiu nghỉu, mặt mày ủ dột như cái bánh bao chiều. Hai Oanh từ dưới nhà đi lên, thấy nó ngồi hóng ra ngoài đường thì gằn giọng:
"Ngóng trông cái gì đó? Mày đừng có léng phéng ra ngoài chơi nghen. Nghe nói ở xóm trên có người bị nhiễm cũng do con nít lén ra ngoài đi chơi rồi mang bệnh về đó."
“Em biết rồi mà Hai, em nhớ cha nên ngồi ngoài này ngóng thôi chứ có đòi đi chơi gì đâu." Cảnh lí nhí.
Oanh nghe nó nói thế cũng an tâm, tuy Cảnh đã mười tám nhưng tính cách nó lại yếu đuối và hay khóc, trong mắt cả nhà nó vẫn là một đứa trẻ chưa trưởng thành. Oanh xoa đầu nó:
"Ừm, thì tao nhắc vậy á. Nếu mà rảnh quá thì đi phụ má trồng rau đi, có gì còn có cái mà ăn."
Cảnh nghe cô nói thế bèn chậm rãi đứng lên đi ra sau hè. Nhà Cảnh có hai chị em, Hai Oanh là cô gái mạnh mẽ và giỏi giang, hiện tại cô đang là sinh viên năm cuối của trường đại học Y trên thành phố. Do lần này trúng dịp nghỉ, cô về quê chơi vài tuần nên mới không kẹt lại Sài Gòn như cha. Nhắc đến cha, Cảnh lại đượm buồn. Cha nó lên thành phố làm việc đã lâu, trước đây tháng nào cũng sẽ về với má con nó hết, có khi một tháng còn về tận ba, bốn lần mà bây giờ lại vì dịch bệnh chẳng về được. Hồi lúc dịch mới phát, má kêu ông về hoài mà ông cứ nấn ná mãi. Đến lúc thành phố đóng cửa thì mọi chuyện coi như xong. Má cãi nhau với cha một trận to nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Nó nghĩ, chắc cha sợ mang mầm bệnh về lây cho cả nhà nên mới chần chừ chứ nào có muốn. Thôi số phận đã an bài, giờ trời kêu ai nấy dạ chứ biết làm gì hơn. Thằng Cảnh thở dài như ông cụ non, nó nhớ mới hồi vài tháng trước gia đình nó còn đi Vũng Tàu du lịch, ăn uống trò chuyện vui vẻ với nhau mà bây giờ phải sống trong sự lo lắng, sợ hãi. Nó cảm thấy não nề quá.
Bà Hai Hoa – má Cảnh đang nhổ cỏ cho luống rau sau hè thì thấy nó lửng thửng đi ra. Nhìn cái mặt buồn so của nó, bà mới hỏi:
"Mày làm gì mà ngày nào cũng chù ụ chù ụ vậy? Ai ăn cắp sổ gạo của mày ha gì?"
"Có đâu má, tại… con nhớ cha quá hà."
Cảnh nói mà khoé mắt lại đỏ, nhìn cứ như sẽ khóc bất cứ lúc nào. Bà Hai quắc mắt nhìn nó, lại rầy la con trai gì mà khóc lóc tối ngày, bộ tính sau này có vợ để vợ dỗ nín hay gì? Cảnh bị má la nên uất ức lắm, tại nó lo và nhớ cha nên mới khóc chứ có phải nó mít ướt mít ráo gì đâu mà má với Hai la nó mãi. Cảnh vùng vằng bỏ đi một nước vào nhà. Bà Hai nhìn theo mà lòng quặn đau. Thật ra bà la rầy vậy thôi chứ bà cũng đau lòng lắm, bà lo đứt ruột đứt gan chứ có thua kém gì thằng Cảnh đâu, nhưng với tình hình hiện tại, bà có thể làm gì hơn. Bà thở dài thườn thượt, rầu rĩ nhổ tiếp mớ cỏ sau hè.
Thằng Cảnh vừa đi vào nhà thì gặp Hai nó đi ra. Thấy nó, Oanh chưng hửng:
"Ủa? Tao kêu mày đi làm cỏ phụ má mà sao vô đây? Rồi ai làm gì mày mà mặt mày một đống vậy?"
"Thôi, em hông phụ má đâu. Mới nói có mấy câu là má lại la em nữa rồi, mệt gì đâu. Ở vòng vòng trong nhà hết má la rồi tới Hai la, bực mình quá hà." Cảnh hậm hực.
Hai Oanh thấy mắt nó đỏ hoè cũng đủ hiểu má la nó chuyện gì. Cái thằng gì mà hở tí là giận dỗi, hở tí là mặt mày chùng ục. Cô biết tính em cô nên không chọc nó nữa. Cô nhẹ giọng dỗ dành nó, kêu nó vào nhà rồi cô nói cho nó nghe. Oanh nói với Cảnh để nó hiểu nỗi lòng của má. Nhìn má mạnh mẽ thế thôi chứ bà là người lo lắng hơn ai hết, má với cô không muốn Cảnh khóc vì hy vọng nó sẽ mạnh mẽ hơn, với cái tình hình này nếu cứ khóc lóc mãi cũng không phải là chuyện tốt.
Cơ mà, nói thì nói thế thôi chứ đêm nào Oanh cũng nghe má nằm trên giường thút thít. Hằng ngày má đều xem thời sự đưa tin về tình hình ở trên thành phố, mỗi lần nghe đến tỷ lệ tử vọng thì má sốt ruột không thôi. Cô hy vọng Cảnh có thể hiểu cho má vì cô biết cũng đã sắp đến lúc mình phải rời khỏi căn nhà này.
Cảnh nghe Hai nói lại rơi nước mắt, nhưng lần này nó cố lấy tay lau đi thật nhanh. Thấy nó lặng thinh, Oanh chỉ vỗ nhẹ vai nó rồi đi vào nhà. Thằng Cảnh ngồi một chút để cho nước mắt ngừng rơi hẳn thì đứng lên chạy ra sau hè kiếm má. Thấy bà đang lom khom nhổ cỏ, nó bèn đi lại ngồi kế bên. Má không nhìn nó mà chỉ nói:
"Gì đây? Sao lết lại chỗ tao nữa rồi? Mới giận dỗi đi vô nhà mà."
"Có đâu, sao con dám giận má được, con đi vô uống miếng nước thôi hà."
Bà Hai phì cười nhưng cũng chẳng nói gì thêm. Chợt bên kia bờ mương, bà thấy Ba Toàn đang lảo đảo bước vào nhà, miệng còn nghêu ngao hát ca là bà biết thằng em mình mới đi nhậu về nữa rồi. Bà tức mình, đứng lên chạy nhanh vào nhà lấy điện thoại mắng em mình một trận.
Cảnh ngồi nhổ cỏ một lúc thì toan đứng lên đi vô, nhưng nó vừa nhổm dậy thì thấy Hai Oanh lại đi ngược trở ra. Cô đè vai nó xuống rồi ngồi cạnh nó, Cảnh lấy làm khó hiểu nhìn cô, Hai Oanh thở dài rồi thì thầm:
"Tao mới nhận được tin nhắn triệu tập lên tỉnh, bây giờ trên đó thiếu người quá nên kêu luôn sinh viên năm cuối của ngành y đi hỗ trợ."
Cảnh trố mắt nhìn cô, nó không dám tin những gì mình vừa nghe thấy. Nó biết là Hai nó học ngành y nhưng đâu có dè sẽ bị người ta triệu tập lên tuyến đầu như thế. Cha nó vướng trên Sài Gòn làm nó lo sốt vó mà bây giờ Hai nó còn phải đi chiến đấu thế kia thì nó với má biết làm sao đây. Thằng Cảnh nghe xong, nắm chặt tay con Oanh, nước mắt rơi lã chã.
"Hai… Hai mà đi lên tỉnh thì em với má biết sống sao? Mình từ chối được hông Hai? Em… em…"
"Nín dứt liền! Hở tí là khóc hở tí là khóc. Mày cứ như vầy thì sao lo được cho má đây. Má già rồi, đâu có lo cho mày hoài được."
Cô nói rồi ôm Cảnh vào lòng, cô xoa đầu nó:
"Cảnh nè… lần này Hai đi tới hết dịch Hai mới về. Mày ở nhà lo cho má nghe hông. Mày là con trai, mày cũng lớn rồi, mày phải là chỗ dựa tinh thần cho má. Tao đi lên tuyến đầu, cha lại ở Sài Gòn… má sẽ buồn lắm mà tao hông thể hông đi."
Thằng Cảnh sợ bà Hai sẽ nghe thấy nên chỉ dám rúc vào lòng Oanh khóc thút thít. Nó ôm cô thủ thỉ mãi:
“Hai ơi, Hai đừng đi được hông?”
Oanh ôm nó, nhẹ nhàng lắc đầu thay cho câu trả lời. Nhìn dáng vẻ này của cô thì Cảnh cũng đủ hiểu không thể nào lay chuyển được. Hiện tại, Oanh chỉ muốn thông báo cho nó và má chứ không phải hỏi ý kiến của hai người. Mặt thằng Cảnh buồn so như cái bánh bao chiều, nó tự hỏi không biết khi má nghe tin này thì sẽ đau lòng đến nhường nào.
2.
Hai chị em đang rơi vào trầm mặc thì tiếng má ở trong nhà chợt vọng ra:
"Oanh, Cảnh, cha mày gọi điện về nè!"
Hai chị em nghe thấy bèn lật đật đứng lên rồi chạy nhanh vào bên trong. Vừa bước tới cửa nhà thì thấy ông Thành - cha cả hai đang kể về chuyện đi sàng lọc. Ba má con ngồi quây quần bên điện thoại. Bà Hai lo lắng hỏi:
“Sao rồi ông? Tình hình ở trển thế nào?”
“Cũng căng thẳng vậy á bà ơi. Tui mới đi kiểm tra sàng lọc về, còn khoẻ mạnh dữ lắm nên mấy má con cứ an tâm nhen. Ở nhà má con bà cũng phải cẩn thận, dịch đang bùng mạnh, lây tùm lum tùm la hết trơn. Giờ ở Sài Gòn mỗi ngày nhiễm tận mấy trăm ngàn cả, người chết như rạ, nhìn mà sợ.”
Ba má con nghe xong, lòng ai cũng nặng trĩu. Thằng Cảnh lén nhìn qua Hai Oanh nhưng chỉ thấy cô gượng cười trò chuyện với cha chứ chẳng có ý định nói ra chuyện khi nãy. Thằng Cảnh thở dài, trong lòng càng rối ren.
Nói một lúc thì ông Thành cũng cúp máy. Bà Hoa buồn rầu than thở:
"Hông biết bao giờ mới bình thường lại được đây."
Bà nói rồi bỏ ra sau hè, Oanh và Cảnh nhìn nhau, không nói lời nào.
Đến tối, sau khi ba má con ăn cơm xong thì Oanh chợt lên tiếng kêu thằng Cảnh nói với má vào phòng cô có chút chuyện. Nghe Hai nói thế, nó cũng đủ biết cô muốn nói đến chuyện gì, lòng nó nhói đau, người ta núp kỹ ở nhà như thế còn vướng bệnh đi chầu ông bà thì huống chi ra đương đầu ở nơi đó. Tuy nhiên thằng Cảnh biết nó sẽ chẳng thể thay đổi được quyết định của Hai Oanh.
Khi hai má con Cảnh vào phòng, Oanh ngồi xuống cạnh má, cô nắm tay bà, nhẹ nhàng nói:
"Má… con nhận được tin thông báo triệu tập lên tỉnh."
Bà Hai kinh ngạc nhìn cô, lắp bắp:
"Triệu… triệu tập gì?"
Dù lòng bà đã rõ như ban ngày nhưng bà Hai vẫn không dám tin vào những điều Oanh vừa nói. Chồng đi làm xa, con lại đi đến chỗ đó thì bà biết sống sao?
Hai mắt Oanh đỏ hoe, vuốt ve tay bà:
"Má, con là bác sĩ tương lai, con là người thuộc ngành y. Bây giờ đất nước đang cần con, con hông thể hông đi được. Má hiểu cho con nha má…"
Bà Hai nghe Oanh nói mà lặng thinh. Bầu không khí trong nhà lúc này yên tĩnh đến lạnh người, ai ai cũng không nói thêm được gì vì bây giờ có muốn từ chối cũng có được đâu. Đây là trách nhiệm, cũng là sự tôn trọng của Oanh dành cho ngành nghề của mình. Bên ngoài kia còn có rất nhiều người không thuộc ngành y đi làm tình nguyện thì cô không có lý do gì để núp ở nhà mãi. Oanh muốn đi, cô muốn đóng góp chút sức lực của mình cho tổ quốc.
Bà Hai biết rằng với tình hình khó khăn và thiếu thốn nhân lực như hiện nay thì Oanh không thể không đi, nhưng kêu bà vui vẻ nhìn con gái mình đương đầu với nguy hiểm thì sao mà bà đành lòng cho được. Bà nén nước mắt, không nói lời nào mà chỉ vỗ nhẹ lên tay cô rồi rời đi. Oanh biết má đã đồng ý rồi. Cô nhìn thằng Cảnh thì thấy mắt nó lại đỏ hoe, tuy nhiên lần này nó đã không khóc. Bỗng nhiên, Oanh thấy cậu nhóc em cô như trưởng thành lên chỉ trong vài giờ. Nó giả giọng như người lớn, dặn dò cô đủ chuyện. Oanh bật cười trước điệu bộ ông cụ non rồi lại lặng lẽ ôm nó thật chặt.
Tối đó, khi Oanh đang ngồi soạn đồ bỏ vào balo thì má đi lại ngồi xuống cạnh cô. Oanh nhìn đôi mắt sưng húp của má cũng biết bà đã trốn cô khóc rất nhiều, cô đau lòng lắm nhưng đứng trước tình hình này thì cũng đành chịu. Bà nắm tay Oanh dặn dò:
"Mày ráng cẩn thận… chuyện này đừng nói với cha bây mắc công ổng lại lo, tao có dặn thằng Cảnh rồi. Mày…"
Bà nói trong nước mắt, bây giờ người chết quá nhiều, có những gia đình gần như mất đi tất cả chỉ trong một đêm. Ngày nào bà coi truyền hình cũng thấy bệnh viện dã chiến dựng lên khắp nơi, trường học lấy làm điểm cách ly, bộ y tế điêu đứng vì không đủ nhân lực. Mỗi ngày tin tức vùng đỏ, vùng xanh làm lòng bà đau xót. Bà nghĩ mà buồn, đôi khi bà hối hận, nếu biết thế bà sẽ không cho con mình học ngành y. Bà nghĩ rồi bà lại tự chửi mình trước cái suy nghĩ ích kỷ đó.
Oanh ôm má, thủ thỉ:
"Má đừng khóc, đừng lo cho con. Con sẽ cẩn thận, má yên tâm, con sẽ về mà. Con phải đi hỗ trợ đất nước như những đồng nghiệp của con đang chăm sóc cho cha vậy. Con hứa, con nhất định sẽ về với má, với cha và thằng Cảnh."
Bà Hai vỗ nhẹ lưng cô, hai má con ngồi tâm sự với nhau thật lâu, cả hai không thấy thằng Cảnh ở bên ngoài cũng đã rơi lệ. Nó lặng lẽ đứng nép bên ngoài cửa nghe má và Hai trò chuyện, đến tận khuya Cảnh mới thấy má đi về phòng. Nó nằm trên cái giường tre nhìn bờ vai má lặng lẽ run lên. Má đau như đứt từng khúc ruột, Cảnh thở dài, nằm trằn trọc suốt cả đêm.
Đến sáng, khi xe của bộ y tế chuẩn bị đến đón Oanh đi thì ông Thành lại gọi điện về. Mày ông nhíu chặt, lo lắng nói với bà Hai Hoa:
“Hông biết sao qua nay mắt trái tui giựt dữ bà ơi, lòng tui cứ bồn chồn chẳng yên. Tui lo quá nên gọi điện về nhà hỏi tình hình mấy má con.”
Bà Hai nghe thế mà nào dám hó hé chuyện của Oanh, bà nén cơn đau, nhẹ nhàng bảo:
“Do ông suy nghĩ nhiều quá nên mới vậy thôi chứ mấy má con tui vẫn khoẻ re chứ có cái gì đâu.”
Ông Thành ậm ừ mà lòng vẫn lo lắng, dãy trọ đối diện chỗ ông mới có F0 nên bây giờ ai cũng mất ăn, mất ngủ. Sài Gòn quá tải, không có chỗ để bệnh nhân nằm. Ông chán nản nói:
"Chết hông có chỗ chôn là thật bà ơi, hồi xưa người ta nói mà đâu ai tin, bây giờ linh nghiệm rồi đó. Ai có dè đâu có một ngày hông ai dám ló mặt ra đường, Sài Gòn phồn hoa lại trở thành thành phố chết như bây giờ cơ chứ."
"Ông ráng cầm cự nghen ông, tui thấy thời sự đưa tin người ta đang sắp xếp cho xe đưa người dân tứ xứ về quê để giảm tải cho Sài Gòn. Ông ráng giành được một vé về với tui nghen." Bà Hai an ủi chồng.
“Tui đã đăng ký từ khi mới nghe tin tức rồi, bây giờ đợi người ta phản hồi coi sao chứ ở trên này vừa buồn, vừa lo quá.” Ông thở dài, vẻ mặt không giấu được vẻ não nề.
Lúc tin tức về chuyến xe nghĩa tình được đưa ra người dân ở tứ xứ vui mừng biết bao nhiêu. Cho dù có chết, họ cũng muốn chết trên mảnh đất quê chứ không muốn chôn thây ở nơi xa xứ này. Bà Hai quay lưng đi gạt nước mắt, thằng Cảnh xoa nhẹ lưng bà. Có tiếng kèn inh ỏi ở trước nhà, Oanh biết xe đón mình đã đến, cô ra hiệu cho Cảnh ngồi nói chuyện với cha để cô ra kêu họ đợi một lát. Như linh tính mách bảo, ông Thành hỏi Oanh đâu, ông biết con gái học ngành y và bây giờ nhà nước đang rất cần những bạn trẻ thế này ra sức. Ai chửi ông ích kỷ thì ông chịu chứ ông không muốn cho con gái mình xông pha ra chiến trường. Thằng Cảnh nghe cha hỏi thì vội trả lời:
"Hai đi ra sau hè hái rau rồi cha, cha nhớ mấy luống rau con với má trồng rồi khoe cha mấy tháng trước hông? Bây giờ nó tốt lắm, nhờ nó mà nhà mình đỡ lắm á cha."
“Nhớ chứ! Thằng Cảnh nay giỏi dữ ta! Biết phụ má mày trồng rau luôn. Mà ra kêu Hai mày vô cho tao nói chuyện chút coi, tí rồi ra hái rau tiếp chứ làm gì mà gấp gáp dữ vậy.” Ông Thành nhíu mày, nằng nặc đòi gặp Oanh.
Thằng Cảnh lúng túng thấy rõ nhưng may sao khi đó Oanh đã chạy vô tới, cô lau mồ hôi trên trán, vui vẻ cầm điện thoại trò chuyện với cha. Vẫn là bài hát dặn dò quen thuộc mà ngày nào con Oanh cũng ca hết. Ông Thành nghe muốn thuộc lòng. Hai cha con trò chuyện với nhau thêm ít lâu mới cúp máy. Khi màn hình điện thoại vụt tắt, Oanh đưa điện thoại cho má rồi quay mặt đi nơi khác lén lau nước mắt vừa rơi. Sợ người bên sở y tế đợi lâu, Oanh vội đeo balo lên rồi tạm biệt bà Hai và thằng Cảnh. Trước khi rời khỏi nhà, Oanh dặn dò đủ điều hết, Cảnh gật đầu lia lịa như gà mổ thóc vậy thôi chứ nó chẳng vô đầu được chữ nào. Nó cố gượng cười cho Oanh an tâm chứ thật lòng nó đang buồn thúi ruột thúi gan.
Thấy chẳng còn sớm nên Oanh ôm Cảnh với má lần nữa rồi rảo bước đi thật nhanh về phía chiếc xe đang đợi mình. Thằng Cảnh nhìn bóng dáng Oanh bước đi hiên ngang ra đầu chiến tuyến cảm thấy tự hào lắm, nó rất hãnh diện vì cô.
3.
Khi chiếc xe chở Oanh vừa rồ máy chạy đi, bà Hai đã bật khóc nức nở, Cảnh nhìn bà rồi nhìn ra con đường vắng lặng của xóm làng nhỏ. Chợt tiếng xe cấp cứu lại vang lên và dừng lại trước nhà Ba Toàn, tim Cảnh hẫng đi một nhịp khi thấy đội ngũ y tế chạy vào đưa cậu Ba lên xe. Nó vội la lên:
"Má! Má ơi! Trời ơi cậu Ba nhiễm rồi!"
Bà Hai ngẩng đầu lên, gương mặt bàng hoàng muốn vọt lên phía trước nhưng đã bị Cảnh ngăn lại.
"Má bình tĩnh má ơi! Má ra đó có làm gì được đâu!"
"Trời ơi là trời! Sao tao khổ quá vậy nè! Ba Toàn ơi Ba Toàn!"
Bà Hai suy sụp gào khóc, sao mọi chuyện đau khổ cứ ụp xuống đầu bà thế này. Ba Toàn nghe tiếng chị mình thì ngoái đầu lại nhìn, tuy nhiên đã lập tức rời đi theo đoàn y tế nên bà chẳng thấy được đôi mắt đỏ bừng của ông. Cả nhà Ba Toàn bị rào lại để chuẩn bị đưa đi cách ly. Cảnh vội ôm má an ủi, lòng nó nóng như lửa đốt. Oanh vừa mới đi, giờ cậu Ba Toàn lại bị nhiễm. Đúng nghĩa cái câu "sống nay chết mai" chứ có làm được gì. Cảnh dìu má vào nhà cho bà nằm nghỉ, sau đó lập tức gọi điện cho nhà cậu Ba, nhưng bên đó đang rối tung rối mù nên chẳng có ai bắt máy.
Bẵng đi vài ngày, đội ngũ y tế xuống xóm Ruộng kêu gọi người dân đi kiểm tra nhanh để có thể sàng lọc từ bước đầu. Nó và má rầu rĩ mấy hôm nay nên nào có ăn ngủ gì được. Lúc nghe tin xã kêu đi kiểm tra sàng lọc thì hai má con nó dậy rất sớm để chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, từ đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn rồi viết bút đủ thử này kia. Mấy nay ông Thành và Oanh vẫn gọi điện về báo bình an đều đặn, Cảnh cũng kể tình hình nhà cậu Ba cho hai người nghe, ai cũng rơi vào trầm tư và cầu nguyện cho Ba Toàn có thể khoẻ mạnh quay về. Mỗi lần nhận tin Ba Toàn khó thở hay chuyển nặng, má Cảnh đều khóc muốn ngất đi. Nhà má nó có ba chị em, cô Út có chồng xa xứ nên chỉ có bà Hai và Ba Toàn sống gần gũi với nhau. Nếu bây giờ mà Ba Toàn có mệnh hệ gì chắc bà sẽ suy sụp lắm, Cảnh nghĩ tới mà ảo não mãi thôi.
Do trong xóm có người nhiễm và lây nhiễm chéo nhiều nên bây giờ xóm nhà Cảnh đã bị khoanh vào vùng đỏ, đội ngũ y tế cứ cách ngày là lại xuống đây kiểm tra nhanh để sàng lọc kỹ hơn. Cảnh và má trang bị đầy đủ rồi đi đến điểm được chỉ định. Hai má con hồi hộp đứng xếp hàng đợi lượt, mọi người đều tuân thủ quy định đứng cách nhau xa hơn hai mét, thỉnh thoảng có người bị hai vạch rồi đưa đi riêng thì mọi người đều lo sợ. Lúc má Cảnh lên kiểm tra, tim Cảnh muốn ngừng đập, người nó lạnh ngắt hồi hộp chờ đợi kết quả từ cái que kiểm tra nhanh. Khi que hiện lên một vạch, Cảnh mới thở ra một hơi nhẹ nhõm.
Cả hai chậm rãi về nhà sau khi đều nhận được kết quả âm tính. Trước khi vào cửa, Cảnh phun xịt khuẩn thật kỹ cho hai má con. Xóm nó đã vào vùng nguy hiểm nên mọi đồ dùng nhu yếu phẩm đều có các anh chị tình nguyện hay dân quân tự vệ đem đến. Hằng ngày nó cứ lên nhóm tin nhắn của xã rồi gửi lên những vật dụng cần thiết kèm theo số nhà là sẽ có người đem đến tận nơi. Khi nó đang sắp xếp lại mớ rau củ mới được đưa đến để bỏ vào tủ lạnh thì thấy má nó vội vã chạy xuống, mặt bà trắng bệch, tay cầm điện thoại vẫn còn run, giọng bà nghẹn đi.
“Cha… cha mày mới gọi điện về. Người cùng phòng với ổng bị F0 rồi, giờ ổng là F1, bị bắt vào khu cách ly rồi.”
Nghe xong, tay chân Cảnh lạnh ngắt, cố dặn lòng không khóc nhưng nước mắt lại cứ tuôn ra. Nó lấy tay dụi lấy dụi để nhưng không ngăn lại được, má nó cũng khóc rồi thì lấy ai mà dỗ dành nó đây? Thằng Cảnh tự hỏi vì sao dịch đến nhưng dịch mãi chẳng đi? Bao nhiêu nhà phải chịu cảnh tang thương, mất mát, mái nhà đã từng ấm áp biết bao nhiêu rồi chợt đìu hiu đến lạ. Nếu cha có mệnh hệ gì thì cả nhà nó biết sống sao? Lòng hai má con nóng như lửa đốt nhưng chẳng làm được gì, ngoài mấy câu hỏi thăm thì cũng chỉ có thể lo lắng, mong sao ở nơi xa cha có thể bình an để về với gia đình.
Hai má con khóc một hồi thì quyết định sẽ giấu Oanh chuyện này. Bây giờ cô ở đầu chiến tuyến vất vả và nguy hiểm lắm, nếu nghe được tin này chỉ càng thêm lo lắng. Thằng Cảnh rửa vội mặt và tay rồi điện gọi video cho cha. Cha nó bắt máy, bây giờ ông đã vào khu vực cách ly rồi nên cả người trùm kín mít. Thằng Cảnh gượng cười cho cha yên tâm:
"Cha vẫn ổn hả cha?"
"Ừm, tao hông sao. Test nhanh lần một rồi, âm tính nên cũng an tâm. Còn hai lần test nhanh nữa coi sao. Cái thằng cha cùng phòng, tao kêu ở phòng đi mà cứ đòi đi mua gói thuốc cho bằng được, bây giờ thì vạ lây hết cho cả phòng rồi đó." Ông thở dài: "Giờ tao hông biết nó sao rồi… bà nó chứ!"
Ông nói vậy thôi chứ mắt ông đã đỏ, ở chung với nhau bao lâu mà bây giờ lại chẳng rõ tình hình sống chết thế nào. Bây giờ đời người vô thường quá, mới sáng ra còn thấy nhau hỏi thăm đôi điều thì chiều lại nghe tin bị nhiễm rồi mất. Ông Thành thở dài, dặn dò hai má con Cảnh có rau ăn rau, có cá ăn cá chứ đừng ra ngoài đi chợ. Bây giờ tình hình căng thẳng lắm, người nhiễm chết quá nhiều, y tế cố gắng lắm nhưng cũng cạn kiệt sức lực nên đôi khi đành lực bất tòng tâm.
Nói thêm vài câu thì Cảnh trả điện thoại lại cho má. Nó đi ra sau hè ngồi ngẩn ngơ, Cảnh nhớ chị Hai và cha rất nhiều. Nghĩ đến việc Hai đang vất vả ngoài kia mà nó thương cô nhiều lắm. Đôi khi nhìn thấy hình ảnh những chiến sĩ với bộ đồ bảo hộ mệt mỏi nằm vật vã ở một góc nào đó mà lòng Cảnh nhói đau. Hằng ngày nó chỉ có thể cầu nguyện cho cả nhà được bình an. Trước đây Cảnh không tin vào ông trời, nhưng bây giờ đã phải cầu xin ông phù hộ cho cha và chị Hai của mình.
Những ngày mệt mỏi với nhiều tâm sự trong lòng cứ trôi qua, mỗi ngày sau khi nhận được tin từ ông Thành đối với má con Cảnh đều dài hơn bao giờ hết. Ngày nào má nó cũng gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, mỗi lần nghe cha nó ho nhẹ một tiếng là tim bà quặn đau. Khoảng thời gian này đối với gia đình nó như địa ngục trần gian, má lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Cuối cùng chuyện con Oanh rời khỏi nhà gia nhập đội ngũ y tế cũng bị bại lộ trong một lần ông cứ nằng nặc đòi gặp cô. Biết giấu mãi cũng không được nên Cảnh chỉ đành nói ra. Ông Thành nghe xong thì tức giận hét lớn:
"Cái gì? Sao mày cho chị mày đi? Sao mày hông nói sớm với tao?"
Cảnh cúi đầu, nó biết cha nhất định sẽ tức giận cho mà xem. Sao sớm không đến muộn không đến mà ngay lúc ông bị bệnh lại phát hiện thế này. Cảnh khổ sở lắm, nó muốn khuyên nhủ cha đừng giận tổn hại sức khỏe nhưng nó không dám. Cha bực bội mắng to rồi cúp máy. Nó biết, thế nào cha cũng sẽ gọi điện cho chị Hai. Quả nhiên không bao lâu, Hai Oanh gọi lại cho nó, cô thở dài:
"Tao biết thế nào cũng hông giấu được lâu mà!"
"Cha la Hai nhiều hông?"
Hai Oanh lắc đầu:
“Cha giận lắm, tao nói mãi cha cũng chịu hiểu cho tao rồi. Mà mày… cha bị F1 mà sao mày hông chịu nói cho tao?"
“Em xin lỗi Hai." Cảnh lí nhí.
Oanh muốn mắng mà chẳng biết nên mắng từ đâu, ai có dè hai má con Cảnh lên kế hoạch giấu hết người này đến người kia như vậy. Cứ tưởng Cảnh sẽ bực tức vì bị mắng nhưng nó chợt cười rất vui. Oanh khó hiểu hỏi:
"Mày khùng hả? Tao đang chửi mày đó!"
Cảnh cười toe toét:
“Em biết, em vui vì Hai và cha vẫn còn có thể chửi em."
Cảnh vui lắm, nó rất vui vì ít nhất vẫn còn được nghe người thân mình mắng mỏ, có nhiều người bây giờ muốn cũng chẳng được. Bỗng nhiên nghĩ thế, Cảnh cười ngu ngơ, nào có ngờ có ngày bị mắng thôi lại làm nó hạnh phúc đến thế.
Hai Oanh nghe Cảnh nói thế thì lặng thinh, cái câu nói của Cảnh làm lòng cô trùng xuống, rồi khóe mắt cô đỏ hoe. Oanh thở dài rồi nói:
“Ở nhà có chuyện gì phải nói với tao để tao còn hướng dẫn theo dõi tình hình sức khỏe đúng cách nữa. Mày mà giấu, tao chẳng thể lo được cho cha hay má biết hông?” Thấy thằng Cảnh gật đầu đáp ứng, cô lại nói tiếp: “Mày nhắn với má là cậu Ba đỡ hơn rồi, hông còn thở máy như trước nữa nên má đừng có lo nữa nhen.”
Cảnh nghe xong thở phào nhẹ nhõm, cùng lúc đó má nó ở sau hè cũng đi lên và ông Thành cũng gọi điện đến, cả nhà nhìn nhau qua màn hình điện thoại với vô vàn cảm xúc khó nói thành lời. Oanh thấy cha má thì cười rạng rỡ:
"Cha má đừng có lo cho con nghen, con khoẻ re hà. Con được tiêm vacxin xịn rồi nên hổng có sao đâu."
Ông Thành giận ít nhưng thương cô nhiều hơn. Ông biết con ông mạnh mẽ lắm nhưng phận làm cha ai chẳng đau lòng. Oanh biết cha má lo lắng cho mình nên cứ cười mãi thôi, cô cố gắng tìm những câu chuyện vui, chuyện tích cực kể cho cả nhà nghe. Cô nói đi tuyến đầu lợi lắm, còn được tiêm vacxin của Mỹ. Thấy con gái vui vẻ như thế, cả nhà chẳng biết nói gì hơn. Nhưng không ai biết, vừa mới cúp máy, Oanh đã bật khóc nức nở. Cô sợ lắm, cô rất sợ chứ không hề vui vẻ chút nào. Hằng ngày cô chứng kiến quá nhiều người ra đi, có khi mới sáng ra còn trò chuyện tâm tình với nhau thì chiều đã chuyển nguy kịch rồi mất. Nhưng cô không dám khóc trước mặt cha và má, nếu như thế, họ sẽ lo lắng cho cô hơn.
4.
Mỗi ngày cứ thế trôi qua, mấy luống rau bà Hai trồng đã phát huy tác dụng. Cảnh vẫn như trước phụ bà chăm sóc nhà cửa, sân vườn. Từ một người hay khóc nhè, làm nũng với cha má, Cảnh đã trưởng thành và chững chạc hơn trước rất nhiều. Hôm nay nhà cậu Ba Toàn cách ly về, má nó mừng quýnh quáng điện thoại hỏi thăm. Riêng Ba Toàn vẫn chưa khoẻ nên còn phải ở lại theo dõi, nhưng nghe nói qua cơn nguy kịch rồi nên ai cũng nhẹ lòng.
Dân quân và thanh niên tình nguyện đúng ngày lại xuống đưa đồ cho từng nhà. Hôm nay, khi họ ghé đưa đồ ăn cho nhà Cảnh thì bà Hai vội kêu lại. Bà và Cảnh chạy xuống sau hè, khiêng lên hai thùng nước sâm thật to, bà Hai đứng ở trong nhà nói:
"Mấy chú đem về trạm uống cho khoẻ nghen. Mấy chú yên tâm, tui nấu sạch lắm, có bao tay đeo khẩu trang đành hoàng. Mấy chú nhận cho tui vui."
Mấy anh dân quân nhìn nhau, có lẽ họ cũng bất ngờ trước việc này. Sợ người dân hiểu lầm, một anh vội đứng ra nói:
"Quý quá, tụi con cảm ơn dì nghen. Trưa nắng nóng mà uống sâm nữa thì ngon phải biết."
Hai người đứng cách xa nhau nói lời cảm ơn, bà Hai và Cảnh kêu họ đi ra xa, hai má con để ngoài sân rồi họ hả vào lấy. Mọi người nhìn nhau, thông qua ánh mắt ai cũng rõ họ đều đang mỉm cười.
Hôm nay là ngày ông Thành đi kiểm tra nhanh lần hai, mấy ngày trước điện thoại cứ nghe ông ho mãi nên cả nhà lo lắng lắm, Cảnh nắm chặt tay má thấp thỏm cả buổi sáng. Điện thoại reo lên, Cảnh vội chạy lại bắt máy. Nhưng người gọi đến là Oanh. Giọng cô run rẩy:
"Cha… cha…. cha dính rồi…"
Nghe như sét đánh bên tai, bà Hai cảm thấy cả người như mất hết sức lực. Bà khuỵu người, phải cố vịn tay vào cái ghế mới không ngã xuống. Còn cả người thằng Cảnh thì lạnh ngắt, bàn tay cầm điện thoại run lập cập thấy rõ.
"Hai… Hai nói sao?"
Oanh bật khóc nức nở kể lại ông Thành mới nhắn cho cô báo ông bị dính F0. Ông cũng đã sớm đoán được, với tỷ lệ lây lan hiện tại thì việc bị nhiễm cũng không ngoài dự đoán. Cô còn chưa kịp hỏi rõ cha thì bên y tế đã đến kiểm tra cho ông. Bây giờ cô cũng chỉ có thể ở đây lo lắng.
Bà Hai lặng người nghe Cảnh và Oanh nói chuyện với nhau, chưa được đôi câu thì Oanh bị gọi đi, cô gạt nước mắt, chạy lại hỗ trợ cho bệnh nhân. Bên này, Cảnh cố gắng gọi điện cho cha nhưng gọi mãi chẳng được. Nó và má như ngồi trên đống lửa, đứng trên đống than. Chẳng ai còn tâm trạng để làm gì cả, hai người cứ ngồi chực chờ tiếng chuông điện thoại. Đến tận lúc trời nhá nhem, cha vẫn không gọi điện về. Cảnh thấy má như già thêm mấy tuổi kể từ khi nghe tin. Bà rầu rĩ, ảo não ngồi trên ghế, chả buồn đi dọn dẹp hay ăn uống cái chi. Cảnh vực lại tinh thần, nén lại mọi sự lo lắng đi xuống bếp nấu cho má vài món bà thích. Nó bưng tô cơm lên, nhẹ giọng khuyên bà.
"Má ăn miếng cơm đi má, bây giờ sức khỏe quan trọng hơn. Nếu má có mệnh hệ gì, con với chị Hai biết làm sao?"
Bà Hai không nhịn được mà rơi nước mắt, bà cố lấy tay lau đi. Cứ nghĩ đến việc chồng trên Sài Gòn không biết bệnh tình ra sao, sức khỏe thế nào thì lòng bà quặn thắt. Mấy bữa trước còn nghe vụ xe đưa người xa xứ về quê sau khi tiêm mũi vacxin đầu tiên làm cả nhà bà mừng lắm. Vậy mà bây giờ vacxin thì chưa được mũi nào mà ông Thành đã dính F0 rồi. Bà gạt lệ, cầm lấy tô cơm.
"Mày cũng ăn đi."
Cảnh ngồi xuống cạnh bà.
"Má đừng lo quá, cha khoẻ lắm, cha là người tốt nên nhất định sẽ hông sao đâu."
Bà gật đầu rồi không nói gì thêm. Hai má con lặng lẽ ngồi ăn cơm trong căn nhà nhỏ. Mới hôm nào nơi đây còn tràn ngập tiếng cười mà bấy giờ lại đìu hiu đến lạ, ai cũng mang trong lòng những nỗi lo vô tận. Má con Cảnh đang ăn thì tiếng chuông điện thoại chợt vang lên, Cảnh lật đật đặt tô cơm xuống, vội vàng bắt máy.
"Cha! Cha sao rồi?"
Người gọi đến đúng là ông Thành, ông ho nhẹ vài tiếng mới trả lời:
"Tao hông sao, má con mày đừng lo quá. Tao khoẻ re, hông sốt, hông gì hết, ho ho mấy cái cho có sức đề kháng với người ta. Mà xui ghê, chuẩn bị đến khu tao tiêm vacxin rồi mà còn dính chấu."
Thấy ông vẫn khoẻ mạnh, hai má con mới an tâm phần nào. Bà Hoa ráng dằn lòng, khuyên nhủ ông đừng suy nghĩ nhiều, cố gắng giữ gìn sức khỏe để về với bà.
Đến tối, khi Cảnh đi vệ sinh thì nghe tiếng khóc rấm rứt từ giường của má. Nó nép vào bên cửa, lòng quặn thắt từng cơn. Dịch đến nhưng sao dịch mãi chẳng đi, bây giờ cả đất nước chỉ còn có thể trông chờ vào từng mũi vacxin từ nhà nước. Cảnh không biết, đến bao giờ thì vacxin mới có thể đến xóm nhỏ của nó. Từ lúc nghe Hai Oanh rời nhà, cha kẹt lại Sài Gòn thì má nó đốt nhang nhiều hơn, bà thường quỳ rất lâu để khẩn cầu điều gì đó. Cảnh biết, chỉ còn có thể là sự bình an, sức khỏe của cả nhà chứ còn cái chi. Nó lắng nghe tiếng khóc từ má một lát sau thì lặng lẽ đi lên chỗ má thường cúng kiếng, nó quỳ xuống, thành tâm dập đầu cầu xin cha sẽ vượt qua giai đoạn này.
Mỗi ngày trôi qua với Cảnh và má nặng nề hơn bao giờ hết, mấy nay ai cũng ăn không ngon ngủ không yên. Cảnh cảm thấy thời gian cứ dài đằng đẵng, những cuộc gọi điện thoại từ cha hay Hai Oanh bấy giờ như liều thuốc bổ dành cho hai má con. Có hôm, hai ngày liên tục ông Thành không gọi về làm hai má con lo xoắn xuýt, con Oanh phải chạy gọi hỏi khắp nơi từ các anh chị đồng nghiệp hòng hỏi ra được tin tức của cha. May sao nơi ông Thành đang điều trị có một người quen với bạn của cô, nhờ thế cô cũng nắm được tình hình hơn và nhờ người ta chăm sóc cha cô giúp.
Tình hình ông Thành không quá nguy hiểm vì bây giờ tỷ lệ tử vong đã dần giảm xuống trước nhiều kinh nghiệm điều trị từ các y bác sĩ. Qua một thời gian cả nhà sống trong lo sợ thì tin báo bình an của ông Thành cũng đến, ngày ông trở về phòng trọ, ông đã lập tức gọi điện về nhà ngay.
"Phước lớn mạng lớn, đã vượt qua ải lần này. Coi như tao đã có mũi vacxin tự nhiên rồi đó, má con tụi mày ráng cẩn thận nghen, cũng may tao phát hiện ra sớm nên mới được điều trị kịp thời."
Bà Hai, Cảnh và Oanh nghe xong thì mừng rơi nước mắt. Trong tình cảnh này ai có thể vượt qua được thì còn có gì đáng vui mừng hơn. Ông Thành lại báo thêm một tin vui:
"Tao coi danh sách về quê trên chuyến xe tình nguyện có tên tao rồi, lần này tao sẽ về quê mình trong đợt đầu tiên. Má con mày đợi tao nhen."
Thằng Cảnh reo lên:
"Thật hả cha? Thật hả cha?"
Ông Thành gật đầu, đây là lần đầu tiên trong suốt mấy tuần qua cả nhà họ tươi cười vui vẻ. Thằng Cảnh không quan tâm gì nữa, nó nhảy cẫng lên reo hò sung sướng như một đứa trẻ được quà. Bà Hai lén quay mặt đi gạt lệ. Quá nhiều niềm vui ập đến cùng một lúc làm cho bà rất hạnh phúc. Con Oanh cũng kể cho gia đình nghe về những chuyện xảy ra ở nơi cô đang công tác, sức khỏe của những người bị nhiễm bệnh đã cải thiện lên rất nhiều. Bộ y tế nước ta đã dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Cô nói chừng vài hôm nữa những vùng nhiễm đỏ sẽ được ưu tiên cấp vacxin trước, khi đó cô hy vọng má và Cảnh sẽ tiêm được những mũi vacxin đầu tiên. Bây giờ cả nhà bắt đầu chuyển qua lo lắng cho hai má con Cảnh. Bà Hai xua tay.
"Tao với thằng Cảnh ru rú trong nhà suốt, có đi đâu đâu mà lo. Lo là lo cho cha con mày còn lang thang ở bên ngoài kia kìa."
Oanh thở dài:
"Má hông biết đó thôi chứ nhiều ca ở nhà không mà cũng bị á, chẳng rõ đâu mà lần má ơi."
Bà Hai ậm ừ, nói qua loa trấn an hai cha con. Thằng Cảnh cũng phụ hoạ với bà. Đang trò chuyện thì bên ngoài có tiếng của dân quân gọi.
"Dì Hai Hoa ơi dì Hai Hoa, đi kiểm tra sàng lọc đi dì ơi, xóm mình có người nhiễm nữa rồi."
Tiếng kêu của người thanh niên lọt vào điện thoại, Oanh và ông Thành nghe lại lo lắng hơn. Cũng ngộ, mới đây cả nhà còn cuống cuồng lo cho ông Thành thì bây giờ đối tượng lại thành thằng Cảnh với bà Hai. Qua loa thêm mấy câu thì Cảnh cũng cúp máy, cậu lấy ra đầy đủ dụng cụ trang bị cho mình và má để chuẩn bị đi kiểm tra nhanh. Lần đầu bị chọc mũi còn lạ lẫm chứ bây giờ xóm cậu lại đi kiểm tra hoài nên dần dần ai cũng quen, chỉ có sự lo lắng vẫn không hề giảm đi mỗi khi đợi chờ kết quả.
Đến tối khi hai má con đang ăn cơm thì cha cậu gọi điện về, mặt ông nặng trĩu tâm sự, nhìn cứ muốn nói rồi lại thôi. Bà Hai biết lại có chuyện chẳng lành nên cứ gặng hỏi ông Thành mãi. Cuối cùng ông cũng chịu nói ra.
"Khổ quá bà ơi, hồi sáng tui tâm hơ tâm hất coi lộn tên. Lần này, tui chưa về với mẹ con bà được rồi."
Thằng Cảnh và bà nghe xong thì buồn rũ rượi, mới hồi sáng cả nhà còn nôn nao đến khoảnh khắc gặp lại nhau mà bây giờ lại như thế. Mà cũng đúng, người đăng ký nhiều như vậy thì cha nó không tranh được suất cũng là chuyện thường tình, ai ai cũng mong muốn được về quê lần này chứ có riêng cha nó đâu. Kẹt lại trên Sài Gòn suốt mấy tháng nên ai cũng hết tiền, ở quê còn có rau có cá ăn bậy bạ qua ngày còn ở Sài Gòn thì biết lấy gì mà sống đây. Mà cũng may đợt dịch có nhiều khu trọ cho ở miễn phí hoặc hỗ trợ, có khi còn được cho đồ ăn nên người lao động mới đỡ được phần nào. Ông Thành cũng sắp không cầm cự được nữa rồi, bao nhiêu tiền tích góp vào đợt này đã bay đi gần hết. Chả có đồng vào mà chỉ có đồng ra. Nhà thằng Cảnh lại rơi vào trầm mặc, không ai cố gắng giả vờ vui nữa trong cái tình cảnh này.
Sau vài tháng tình hình dịch ngày càng đỡ hơn, bộ y tế và nhà nước đã kiểm soát và phân luồng được nên tình trạng lây lan giảm đi nhiều nhưng xóm của thằng Cảnh do lây nhiễm chéo nên vẫn còn trong vùng đỏ. Sau hơn một tháng điều trị, ông Ba Toàn đã được xuất viện về nhà. Ông kể lại những ký ức kinh khủng khi nằm viện. Lắm khi ông nghĩ nếu mà ra đi như vầy chắc ông sẽ cô đơn lắm nhưng may thay ông vẫn không sao. Bà Hai Hoa khuyên nhủ ông:
"Thôi, còn sống là tạ ơn trời Phật rồi. Anh Hai mày bị nhiễm cũng mới hết.”
Cậu Ba Toàn thở dài:
"Qua lần đại dịch này em mới thấm chị Hai ơi, hông có gì bằng sức khỏe hết, phen này em cai rượu luôn chứ uống vô nữa chắc em chết sớm chứ hông sống nổi."
Bà Hai Hoa nghe thằng em nói như vậy vui mừng không hết. Hỏi thăm thêm đôi câu thì bà cúp máy. Bây giờ muốn thăm hỏi cũng chỉ có thể điện thoại hoặc gọi video. Ôi sao bà nhớ cái thời trước dịch da diết quá! Chòm xóm bu lại trò chuyện, cho nhau miếng cà miếng rau, còn bây giờ chỉ có thể cách nhau mấy mét.
Lúc thằng Cảnh dọn cơm lên thì thấy má đang ngồi ngẩn người dưới hiên nhà, bà nhìn ra ngoài đường, nơi đó bây giờ chẳng có ai qua lại. Tiếng xe cấp cứu bất chợt vang lên làm lòng ai cũng nặng trĩu, không biết bao giờ xóm cậu mới hết vùng đỏ và chẳng biết khi nào mới có vacxin về để mọi người an tâm hơn.
5.
Từng ngày nặng nề lại trôi qua, ngày nào nhà thằng Cảnh cũng trò chuyện với nhau qua video để thoả bớt nỗi nhớ nhung trong lòng. Chẳng còn ai nhắc đến câu "khi nào về" vì họ không muốn cứ hy vọng rồi lại thất vọng. Riêng con Oanh họ lại càng không dám hỏi, cô ở nơi đầu chiến tuyến như thế càng không biết khi nào mới được về nhà. Mỗi ngày Cảnh giúp má chăm gà, trồng rau, dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng lại lấy tập sách ra xem. Hôm nay khi nó đang tưới rau bên hông nhà thì nghe thấy tin vui ập đến. Những mũi vacxin đầu tiên đã cập bến xóm Ruộng, nó vui mừng khôn xiết, vội vàng chạy vào hét lên:
"Má ơi! Má ơi! Có vacxin rồi, xóm ta có vacxin rồi!"
Bà Hai đang nấu cơm sau hè nghe thấy thế cũng vội vàng chạy lên. Bà vừa định hỏi nó nghe được từ đâu thì chiếc xe gắn loa thông báo của xã lại chạy qua. Hai má con nắm tay nhau, trong mắt hiện rõ sự vui mừng, phen này họ được cứu rồi. Thằng Cảnh lập tức lấy điện thoại gọi báo tin này cho ông Thành. Cha cậu nghe xong cũng không giấu được sự vui sướng.
"Gì? Thiệt hông mậy?"
"Dạ thiệt, xã mới đi thông báo cái chát nè cha! Ngày mốt con với má lên trạm y tế để tiêm ngừa nè. Do xóm mình đang nằm trong vùng đỏ nên được ưu tiên vacxin về sớm hơn, tiêm cho mọi người luôn chứ hông riêng đối tượng nào hết."
Ông Thành nghe mà mừng như một đứa trẻ, ông cứ lẩm bẩm "mừng quá, trời ơi mừng quá" mãi. Má con thằng Cảnh lo cho ông bao nhiêu thì ông cũng lo cho họ lại bấy nhiêu. Dịch dã đã đến rồi thì làm gì còn phân biệt thành thị với nông thôn. Cả nhà lại lần nữa chìm trong niềm vui tột cùng. Cảnh vội nhắn tin cho Oanh nhưng cô vẫn không trả lời lại. Nó thấy bất an lắm mà chẳng biết phải làm sao, Cảnh chỉ có thể tự trấn an mình rằng cô bận rộn nên không thể thường xuyên cầm điện thoại được. Nhìn cha và má đang vui vẻ tâm tình với nhau, nó càng không dám nói ra suy đoán trong lòng.
Đến ngày, Cảnh trang bị cho mình và má thật kỹ rồi lên đường chạy tới trạm xá để tiêm mũi vacxin đầu tiên. Lâu lắm rồi Cảnh mới có cảm giác chạy xe trên con đường làng quen thuộc, nó nhìn khung cảnh thân thương ở hai bên vệ đường mà lòng cứ bồi hồi xao xuyến, trong đầu Cảnh bắt đầu mơ về viễn cảnh ngày dịch tàn, dịch tan.
Hôm nay là ngày tiêm đầu tiên nên nơi này đông nghịt. Tuy là vậy nhưng người dân xếp hàng rất trật tự và nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên. Cảnh và bà Hoa đi vào xếp hàng theo sự chỉ dẫn của họ. Mọi chuyện đều diễn ra rất suôn sẻ cho đến khi đến lượt Cảnh khai thông tin thì có một ông chú từ đâu xông ra làm loạn. Ông ta không thèm đeo khẩu trang mà la hét, chửi bới um xùm. Dân quân không màng nguy hiểm mà chạy đến ngăn cản ông, cô y tá cũng đứng lên giải thích do ông uống rượu nên mới không tiêm được, ngày mai ông hãy quay lại nhưng người đàn ông đó vẫn không thèm quan tâm, chỉ lo làm loạn. Chợt ổng vùng ra khỏi tay những người dân quân chạy thẳng lại chỗ thằng Cảnh, giật khẩu trang và kính chống giọt bắn của nó ra rồi hét lớn:
"Mẹ! Tụi mày tiêm cho thằng quỷ này mà hông tiêm cho tao! Tao sẽ kiện tụi mày!"
Cảnh sợ điếng người, nó vội giật lại cái khẩu trang rồi nhanh chóng đeo vào, bà Hai cũng định chạy lên nhưng đã bị nhân viên cản lại. Cả người Cảnh run lập cập, sự việc diễn ra quá nhanh nên nó không phản ứng kịp. Đến khi nó nhìn rõ tình hình thì ông chú đó đã bị đem đi. Chị ý tá liên tục trấn an Cảnh nhưng nó không còn nghe lọt nữa. Bây giờ nó cứ tự hỏi rằng ông chú đó có bị bệnh không? Liệu nó có bị lây nhiễm không? Chị y tá thấy mặt mày nó xanh tái mét thì vội nói:
"Em trai, bình tĩnh, hông sao, hông sao đâu. Bên chị sẽ tiến hành kiểm tra cho ông chú đó ngay. Phiền em đi theo lối này giúp chị."
Nó ngơ ngác đi theo sự hướng dẫn của chị ý tá, khi rẽ qua hành lang, nó ngoái lại nhìn thì thấy nhân viên trấn an má nó đang khóc nức nở.
Vì muốn có sự chính xác cao nên bên y tế đã tiến hành kiểm tra chuyên sâu đối với ông chú đó. Từng giây từng phút trôi qua đối với Cảnh như ngồi trên đống lửa, nó tự hỏi sao bản thân lại xui như thế này. Nó kỹ lưỡng, cẩn thận bao lâu nay lại vì một chuyện trời ơi đất hỡi ở đâu rơi xuống. Cảnh thở dài, vacxin sắp đến tay rồi mà lại chẳng tiêm được. Qua một thời gian khá lâu mà Cảnh cũng không biết được thì chị y tá cũng đi đến chỗ nó. Cảnh căng thẳng đứng lên, nhìn vẻ mặt lo lắng của nó, chị an ủi.
"Hên trời thằng cha đó hông bị nhiễm. Em có thể yên tâm đi chích vacxin rồi."
Thằng Cảnh vừa nghe chị nói xong thì thở ra một hơi, tảng đá trong lòng rơi xuống cái tõm. Cũng may trời thương nó, ông bà tổ tiên đã gánh cho nó trận này. Do sự việc khi nãy nên Cảnh được ưu tiên đi vào tiêm trước. Khi mũi kim đâm vào da thịt, Cảnh không cảm thấy đau mà chỉ thấy hạnh phúc. Đây là niềm tin, niềm hy vọng của nó và của rất nhiều người. Với mũi vacxin này, họ lại vững thêm niềm tin vượt qua trận đại dịch.
Lúc Cảnh tiêm ra thì thấy má ngồi ở một góc khuất trong trạm xá, mắt bà đỏ hoe, nó nhìn mà xót xa vô cùng. Thấy Cảnh, bà Hai mừng rỡ chạy tới. Nó đi ra từ cửa đó là chứng tỏ đã tiêm xong, mà được tiêm có nghĩa là không bị nhiễm bệnh. Má ôm nó khóc nức nở. Cảnh vuốt nhẹ lưng bà.
"Con hông sao, con hông sao, má đừng sợ. Mình về nhà nghen má!"
Hai má con ôm nhau chậm rãi ra về. Tới cửa nhà, Cảnh cẩn thận xịt khuẩn như mọi lần. Nó đi ra sau hè lấy nước nóng đã nấu sẵn cho má và mình đi tắm, thay đồ xong thì khò nước muối, uống nước gừng. Khi cả hai má con đang ngồi trên bàn thì Oanh điện thoại đến. Thấy là cô, Cảnh mừng lắm, nó tíu tít hỏi:
“Hai! Hai khoẻ hông Hai?”
“Tao khỏe lắm, mày với má đi tiêm sao rồi?”
“Tiêm xong hết rồi Hai ơi, giờ em với má theo dõi, thấy nóng lên là uống thuốc hạ sốt liền.”
Oanh nghe Cảnh nói thế, không giấu được sự vui mừng. Cô dặn dò Cảnh đủ điều để nó biết cách theo dõi sức khoẻ cho hai má con. Cảnh gật đầu, ghi nhớ lại hết những điều cô dặn.
Nói chuyện xong với Cảnh thì Oanh lên tiếng gọi má, thấy bà Hai cầm máy, cô nhẹ giọng nói:
"Má, con có tin vui muốn nói cho má nghe."
"Có gì mày nói lẹ đi chứ mấy nay tim tao nhảy lên nhảy xuống hoài cũng mệt quá."
Bà Hai nói mà thở dài thườn thượt, chuyện của thằng Cảnh hồi trưa doạ bà sợ muốn đứng tim. Oanh nghe má nói vậy thì thấy thương cho bà lắm. Dạo gần đây má ốm xuống thấy rõ, chắc bà lo và rầu rĩ rất nhiều. Không muốn má bận lòng thêm, Oanh vội nói:
"Hồi nãy cha có gọi cho con, cha nói năm ngày nữa cha sẽ về quê đó má. Lần này cha coi tên kỹ lắm rồi, cũng gọi điện thoại xác nhận rồi nên chắc chắn sẽ được về nghen."
Bà Hai và Cảnh kinh ngạc nhìn cô, còn không đợi hai người họ nói gì, Oanh lại nói tiếp:
"Con cũng sẽ về chung với cha luôn. Tới lúc đó, con đón đoàn xe của cha về, kiểm tra xong sẽ cách ly chung với cha luôn á má."
Má con Cảnh đơ ra mất mấy giây, hai người bọn họ đã hy vọng rất nhiều cũng chờ đợi rất nhiều. Niềm tin cứ thắp lên rồi lại vụt tắt nên đôi khi họ rất sợ khi nghe tin này, họ vui thì vẫn vui nhưng lo thì lo lắm. Bao nhiêu lần mừng rỡ rồi lại nhận về sự thất vọng thì đau đến nhường nào. Bà Hai run run.
"Mày… mày nói thiệt hông?"
Oanh biết bà không dám tin nên gật đầu chắc nịch. Cô an ủi, nói thật lâu bà mới dám tin lần này là thật. Thằng Cảnh nghe xong, lén lau nước mắt. Hai má con lại thắp lên tia hy vọng cho ngày gia đình đoàn tụ.
Từ hôm nghe tin từ Oanh, hai má con Cảnh nôn nao đến mức không thể ngủ được. Cả hai cứ lo lắng không biết mọi chuyện có suôn sẻ không. Vacxin bắt đầu được tiêm rộng rãi hơn, dịch cũng dần được kiểm soát nên ai cũng thở ra một hơi nhẹ nhàng.
Thời gian thấm thoát thoi đưa cũng đến ngày ông Thành lên chuyến xe nghĩa tình. Má con Cảnh ở nhà cứ trông ngóng tin tức mãi. Suốt bao nhiêu ngày chờ đợi thì ông Thành cũng lên xe rời khỏi Sài Gòn.
Cảnh nhớ hôm nó và má coi những video trên mạng về chuyến xe nghĩa tình đầu tiên, hai má con đã không cầm được nước mắt. Khi thành phố mở cửa cho những chuyến xe ấy, biết bao con người ở các vùng quê xa đang ngập tràn trong hạnh phúc. Cuối cùng họ cũng đã được đoàn tụ với người thân, cuối cùng họ cũng có thể trao nhau cái ôm ấm áp, lần này đã đến lượt cha nó về đoàn tụ. Khi ông Thành lên xe, ông đã gọi điện về nhà xác nhận cho hai má con Cảnh an tâm. Thằng Cảnh bắt máy trong niềm sung sướng tột cùng, suốt thời gian qua nó đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, buồn bã, rầu rĩ hay hạnh phúc đều có. Cảnh như trưởng thành hơn chỉ trong vài tháng nay.
Nó và má ở nhà cứ thấp thỏm lo âu. Đến khi Oanh gọi báo đã gặp ông Thành và hai cha con đang thực hiện cách ly thì hai má con ở nhà mới ngủ yên giấc. Suốt bao nhiêu tháng nay, có lẽ đây là buổi tối Cảnh và má ngủ ngon nhất. Trong giấc mơ, cả hai đều mơ về cảnh tượng tươi đẹp khi cả nhà gặp lại nhau.
Sau mười bốn ngày cách ly ở địa phương thì ông Thành và con Oanh cũng mang theo cái balo thật to đứng trước sân nhà. Ông và cô mỉm cười qua lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn, ông nói với bà Hoa:
"Tui về rồi nè bà!”
Con Oanh cũng nói với má:
"Con về rồi má ơi!”
Thằng Cảnh thấy cha và Hai đã về thì rất muốn khóc thật to rồi nhào lại ôm chặt lấy hai người, nhưng nó biết đó là điều không thể. Cha và Hai nó vừa mới ở nơi cách ly về nên hai má con nó chỉ có thể đứng cách thật xa, mỉm cười với ông. Cảnh hét lớn:
"Cha ơi, mừng cha đã về! Hai ơi, em nhớ Hai lắm!"
Bà Hai rớm nước mắt, bà lấy tay gạt đi rồi nhanh tay lẹ chân kêu ông và Oanh vào làm vệ sinh cá nhân. Đến khi ông Thành và con Oanh đã hoàn thành xong thì cả nhà mới ôm nhau oà khóc. Thằng Cảnh ôm gia đình mình thật chặt, siết lấy cơ thể ông Thành thật lâu, nó khóc lên với âm thanh đứt quãng.
"Cha ơi… con nhớ cha lắm…"
Ông xoa đầu cậu, nhẹ giọng mắng:
"Đàn ông con trai mà khóc lóc thì còn ra thể thống gì!"
Ông nói thế nhưng mắt ông cũng đỏ hoe. Giây phút gặp lại nhau sau khoảng thời gian dịch dã thì làm gì có ai muốn đóng vai người mạnh mẽ. Con Oanh cũng vùi mặt vào lòng cha má khóc như một đứa con nít. Khoảng thời gian qua cô đã sợ hãi biết bao. Mỗi sáng tỉnh dậy, cô chỉ thầm vui mừng vì mình có thể sống thêm một ngày nữa, có thể sẽ được về đoàn tụ với gia đình. Cô đã chờ đợi cái khoảnh khắc này rất lâu rồi. Đồng nghiệp của cô nhiễm bệnh và ra đi không ít, cô rất may mắn khi có thể ôm gia đình và khóc thật to.
Qua một lúc thật lâu, cả nhà mới buông nhau ra. Họ nhìn nhau, mỉm cười hạnh phúc. Bà Hai xoa đầu hai đứa nhỏ.
"Cả nhà mình đi ăn cơm thôi con."
Thằng Cảnh và con Oanh "dạ" giòn tan. Cả hai vui vẻ nắm tay cha và má đi ăn mâm cơm đoàn tụ. Bây giờ cả nhà chỉ muốn dành hết tình yêu thương cho nhau trong suốt những ngày tháng lo âu kia. Cảnh ngước nhìn bầu trời xanh thăm thẳm qua khung cửa sổ, hôm nay trời thật đẹp và lòng người cũng thật vui. Cảnh mỉm cười, nhanh chân chạy xuống nhà bếp phụ má chuẩn bị bữa cơm gia đình.
...
[Hết]
Bình luận
敏文_🌻
Truyện hay lắm ạ với văn phong giản dị, gần gũi của chị Min thì mình tin chắc đây là một tác phẩm đáng để đọc. Với bối cảnh của COVID-19 và những diễn biến của gia đình Cảnh mình nghĩ chắc chắn mọi người sẽ bị biến theo tâm lí của nhân vật, cảm nhận được sự lo lắng của cả nhà Cảnh. Kết ấm lòng lắm luôn, cảm ơn Min đã sáng tác ra một tác phẩm ý nghĩa như vậy❤🌻
Phong Miên
Hồ Điệp
Truyện viết khá đúng về hoàn cảnh của 1 gia đình khi xảy ra COVID 19. Khi mà mn bị chia cách khắp nơi, bị kẹt lại ở trung tâm dịch, là nổi nhớ thương ng nhà, là sự chia ly ko biết khi nào gặp lại. Cùng với đó là nổi lo lắng ko biết khi nào mik nhiễm khi xung quanh là F0,F1. Theo chân gia đình Cảnh giúp ta trãi nghiệm cảm giác sống trong dịch 1 lần nữa. Kết cũng khá đẹp đọc mà em sắp khóc đến nơi r 😢. Cảm ơn chị Min đã mang lại 1 tác phẩm giúp em nhớ lại những ngày tháng khó khăn ấy ❤❤❤
Phong Miên
Trần Thư Ân
Phong Miên