CHIẾU
“Thằng Ngôn năm nay cũng phải hai mấy rồi đấy nhỉ?”
“Ừ, nó đẻ cùng năm với thằng ranh nhà tôi, năm nay tính cả tuổi mụ là hăm nhăm rồi đấy. Con người ta thì xăm xắn làm ăn, nhà cửa đâu ra đấy, đây thì cấm được cái tích sự gì. Hai nhăm, hai sáu tuổi đầu, trước bảo nó học nó không chịu học, giờ bảo nó làm nó cũng chẳng chịu làm, bảo nó hay mày lấy vợ đi nó cũng không lấy. Suốt ngày lêu lổng với mấy thằng ranh con. Nghĩ mà não ruột!”
“Gớm, thì thằng Trường nhà bà còn có bố mẹ mà dựa chứ thằng Ngôn có ai? Bố mẹ chết sớm, ông bà cũng chết cả rồi. Đã thế còn phải đèo bòng thêm đứa em tàn tật. Nghĩ khổ cả đời đấy chứ.”
“Ừ, nghĩ cũng thương hại anh em nó quá! Ông bà bố mẹ nó trước đều rõ là hiền lành. Chả biết nhà nó phải chịu cái nghiệp gì nữa.”
Những câu chuyện vô thưởng, vô phạt như thế chẳng mấy khi dứt ở làng Khê. Mỗi buổi sáng trong lúc chẻ cói, mỗi buổi chiều trong lúc dệt chiếu, in hoa hay mỗi buổi tối trong lúc ngồi hóng gió, gần như bất cứ khi nào nhìn thấy anh em Ngôn, các bác, các thím trong làng cũng đều có thể thốt lên một hai câu cảm thán. Tối nay cũng không ngoại lệ. Ngôn vừa cõng em đi qua một đoạn thì những lời than thở, xót thương thay cho anh em anh lại như con rắn độc ngoằn ngoèo luồn lách trong không khí, bám sát sau lưng anh em anh rồi lừa lúc anh không chú ý, nó thình lình chui tọt vào tai anh.
Thêm một lần vô tình nghe thấy những lời ấy, Ngôn chỉ mỉm cười rất nhạt sau đó lại khe khẽ thở dài. Những lời bàn tán, thương cảm về Ngôn, về em gái anh, về nhà anh, anh đã nghe đến thuộc lòng cả rồi bởi người ta bắt đầu nói từ lúc anh mới mười ba mười bốn tuổi đến tận bây giờ, khi anh đã hơn hai mươi tuổi rồi mà vẫn chưa dứt được. Thậm chí, đến gần đây, những buổi chuyện của họ còn có thêm chủ đề mới ấy là anh cũng hơn hai mươi rồi, cũng đã đến cái tuổi trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng rồi, một cô gái như thế nào mới chấp nhận đưa một bờ vai cùng anh gánh vác?
“Có con bé Thắm con nhà Xuân Lụa bên làng Đông ngoan đáo để cơ, nó cũng đẹp người đẹp nết lắm!”
“Dạo nọ tôi đánh tiếng với bố mẹ nó rồi, bố mẹ nó cũng không chê gì thằng Ngôn cả nhưng khổ một nỗi là cứ ngại cái Ngữ. Người thế chỉ có nuôi báo cô cả đời.”
“Thì thằng Ngôn cũng phải gánh vác cả chứ em nó, nó bỏ làm sao được.”
Tuy rằng những lời mà các bà, các thím, các bác gái nói có lẽ đều xuất phát từ tấm lòng bao dung, lương thiện của một người bà, người mẹ nhưng nghe một, hai lần thì còn thấy cảm động chứ nghe nhiều lần quá thì lại khiến người ta cảm thấy muộn phiền. Đã thế, họ còn chẳng kịp đợi đến lúc anh em anh đi đủ xa rồi mới nói.
“May là em không nghe thấy đấy chứ nghe được thì tủi thân chết mất thôi!” Ngôn lầm bầm nói với em gái mình dù anh biết sẽ không có bất cứ câu nói nào đáp lại. Anh cười buồn rồi lại thở dài. Cũng chẳng biết có thể coi đó là trong cái rủi lại có cái may hay không nữa.
Ngữ nằm nhoài trên lưng Ngôn, dựa đầu vào vai anh, chỗ dựa bình yên và ấm áp nhất của cô bé. Chẳng biết có phải vì cô bé cảm nhận được anh thở dài phiền não hay không mà hai cánh tay khẽ siết chặt hơn như thể muốn an ủi anh. Túi cam mà bà thím họ dúi cho Ngữ cầm trước khi hai anh em ra về cứ lủng là lủng lẳng, đập cả vào ngực Ngôn khiến anh buồn cười. Anh nâng tay đẩy cơ thể gầy gò, nhẹ bẫng của Ngữ lên cao hơn rồi khẽ đẩy cằm lên cánh tay Ngữ để cô bé nới lỏng tay ra.
Lúc về đến nhà, Ngôn xoa tay lên trán Ngữ, khẽ vuốt tóc cô bé rồi lại cầm tay cô bé, để bàn tay nhỏ nhắn ấy vỗ nhè nhẹ lên má mình. Đây là cách anh an ủi Ngữ, nói cho em gái biết rằng anh không buồn đâu. Ngữ dè dặt ôm lấy anh, dụi dụi khuôn mặt không thể hiện bất cứ cảm xúc nào vào bụng anh.
Ngôn ôm em gái một lúc rồi hơi đẩy Ngữ ra, dùng các đầu ngón tay gõ nhè nhẹ như đang dạo phím đàn từ bả vai xuống cánh tay Ngữ sau đó lại vuốt vuốt lông mày cô bé. Ngữ ngoan ngoãn quay sang bên cạnh, lần mò lấy một bộ quần áo trong cái tủ nhựa nhiều ngăn chuẩn bị đi tắm. Vừa đứng lên, Ngữ đã vội ngồi thụp xuống khiến Ngôn hơi hoảng, sợ cô bé bị làm sao, đến khi thấy cô bé lần mò lấy thêm miếng băng vệ sinh trong ngăn tủ cuối cùng sau đó chậm chạp đi vào nhà tắm, anh mới lại thở phào. Gần một năm nay, Ngữ đã tự mình luyện tập nên đã không còn bối rối, không còn cần Ngôn giúp đỡ khi sử dụng món đồ này nữa rồi.
Còn nhớ, hơn một năm trước, Ngôn vốn tưởng rằng em gái mình sẽ không lớn lên được bởi đã gần mười bảy tuổi mà Ngữ vẫn cứ nhỏ thó như cô nhóc lớp năm lớp sáu trong khi các cô bé cùng trang lứa đều đã ra dáng thiếu nữ cả, các cậu bé dù có dậy thì muộn hơn thì cũng đã trổ mã hết rồi. Đùng một cái, một buổi tối đẹp trời nọ, nàng nguyệt dịu dàng đột ngột ghé thăm khiến Ngữ hốt hoảng, khiến Ngôn bối rối. Anh vội vã gọi thím Thương hàng xóm sát vách sang giúp đỡ, vội vã học lại cách sử dụng băng vệ sinh để hướng dẫn cho Ngữ, tìm hiểu lại xem loại nào tốt để chọn mua cho em mình. Mấy kiến thức này anh vốn đã tự học từ bốn, năm năm trước nhưng mãi mà chưa có cơ hội thực hành nên đã quên sạch mất rồi.
Khi đó, Ngữ hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên cứ bám chặt lấy Ngôn, người thân thuộc nhất với cô bé, người mang đến cho cô bé cảm giác an toàn nhất. Dù anh có xoa dịu thế nào, Ngữ cũng không chịu rời tay. Ngôn không làm sao giải thích cho em gái mình hiểu được rằng điều này là bình thường, rằng em chỉ đang lớn lên thôi nên chỉ có thể ôm lấy bờ vai nhỏ bé của Ngữ, dịu dàng cầm tay Ngữ hướng dẫn cô bé cách bóc, dán băng vệ sinh sau đó lại chú ý thời gian nhắc em mình thay rửa, đợi Ngữ chầm chậm quen dần.
Ở nhà, tuy hai anh em có phòng riêng nhưng gần như chẳng khi nào đóng cửa, chỉ trừ khi anh thay quần áo dù rằng việc đóng cửa cũng chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Lúc đi ngủ, Ngôn cũng không tắt hết điện mà luôn để một bóng đèn nhỏ, đủ ánh sáng để anh có quan sát bên ngoài, nói đúng hơn là để quan sát xem em gái anh có cần giúp đỡ gì không.
Ngôn mở máy tính kiểm tra lại chút thông tin đơn hàng rồi tắt máy, định đi ngủ sớm nhưng chẳng biết có phải vì có ngọn gió nào đó mang theo sương đêm ướt lạnh và cả nỗi buồn miên man thổi đến khiến lòng người bỗng dưng quạnh quẽ hay không mà Ngôn lại trằn trọc, không ngủ được. Và cũng bởi không ngủ được, ý nghĩ của anh lại bất giác trôi vào mênh mông.
…
Ngày xưa khi tuổi còn nhỏ, mỗi lần nghe mọi người bàn tán, nói mình số khổ, Ngôn cũng cảm thấy số mình khổ thật bởi mới lên sáu tuổi đã mồ côi cả bố lẫn mẹ, mười một tuổi thì ông nội mất, mười ba tuổi, bà nội cũng qua đời. Nhưng rồi khi lớn hơn một chút, Ngôn lại thấy so với em gái anh, anh đã may mắn lắm rồi. Như em gái anh mới đúng là số khổ. Ít ra anh còn được ở với bố mẹ đến năm lên sáu tuổi còn em gái anh chỉ mới chào đời vài hôm đã không còn bố mẹ nữa rồi. Anh được ngắm nhìn vạn vật, được nghe thấy đủ loại âm thanh, được nói ra những điều mình muốn nói còn em gái anh thì đến gương mặt mình như thế nào cũng không biết, ngày cũng như đêm, luôn chỉ có tối tăm và tĩnh lặng mà thôi.
Khi ấy, dù không nỡ nói ra nhưng trong lòng ông bà Ngôn đều đã chấp nhận rằng Ngữ là một gánh nặng mà sau này anh sẽ phải gánh vác cả đời nhưng anh thì không. Anh không từ chối việc chăm sóc em gái cả đời nhưng lại không chấp nhận buông bỏ em mình, không chấp nhận mặc kệ để em gái anh nghiễm nhiên trở thành một gánh nặng. Từ lúc Ngữ còn bé, anh đã nhẫn nại cầm tay cô bé dạy từng li từng tí, bắt đầu từ việc làm những thứ đơn giản nhất để chăm sóc bản thân như đánh răng, rửa mặt, chải đầu, cầm thìa xúc cơm trong bát ăn, rót nước vào cốc uống. Lớn hơn một chút, anh lại cầm tay dạy em gái mình luồn sợi cói vào khung lúc anh dệt chiếu, dạy em tết sợi cói để đan thành cái mũ để em đỡ buồn chán. Mọi thứ đồ đạc trong nhà anh dù có đổi mới nhưng cũng chưa từng thay đổi vị trí nên khi ở nhà mình, gần như Ngữ có thể tự dò dẫm đi lại, không cần người dắt tay.
Mẹ anh vốn là trẻ mồ côi, chẳng biết trôi dạt từ nơi nào đến, được ông bà nội anh nhặt về nuôi trong một đêm mưa gió khi đang run rẩy nép người vào cổng nhà ông bà. Sau này, mẹ lại thành đôi với bố anh luôn nên chẳng có họ hàng thân thích bên nhà ngoại. Nhà ông nội anh thì bốn đời con một, độc đinh nên cũng chẳng có họ hàng bên nội nào hết. Thế nên, sau khi bà nội anh qua đời, trong mắt mọi người, anh em anh trở thành hai đứa trẻ tứ cố vô thân, khốn khổ nhất làng Khê.
Bên nhà bà nội anh có mấy cô, chú, bác vô cùng tốt bụng, thương anh em Ngôn nên ngỏ ý muốn đón anh em anh về rồi có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng cốt cách nhà Nho của ông nội anh như thể được truyền thẳng xuống anh vậy, anh sợ làm phiền, làm khó người ta nên chỉ thỉnh thoảng nhận chút đồ ăn mà họ cho chứ nhiều hơn thì nhất định không nhận. Đã thế, sau khi nhận thứ gì của người ta, anh cũng đều tìm cách biếu lại thứ khác có giá trị tương đương, thậm chí còn lớn hơn.
Người lớn xót thương anh, mỗi lần thấy anh “đáp lễ” đều mắng anh khách sáo quá, không coi họ là người thân nhưng anh chỉ cười hề hề, lấp liếm cho qua chuyện. Anh biết, thời buổi khó khăn, nhà mấy cô bác đó cũng chẳng dư dả gì, gom góp chia sẻ được cho anh em anh một chút đã là quý lắm rồi. Thêm nữa, anh em anh cũng đâu có nghèo, so với hơn nửa làng Khê, anh em anh còn thuộc loại có của ăn của để nữa là đằng khác.
Ngày trước, bố mẹ anh bị một người lái ô tô đâm trúng lúc đang ôm em gái mới sinh của anh từ bệnh viện về nhà khiến hai người tử vong tại chỗ, em gái anh may mắn sống sót vì được cả mẹ và bố anh che chở trong lòng. Sau đó vài hôm, nhà người kia dắt díu nhau đến tận nhà anh, đưa cho ông bà anh rất nhiều tiền bồi thường, thuyết phục ông bà anh nhận bằng được, lúc nhìn thấy em gái anh, người ta còn đưa thêm nhiều hơn bởi nhìn mà thấy xót xa. Ông bà anh gửi toàn bộ tiền ấy vào ngân hàng, bảo coi như đó là tiền mà bố mẹ anh để dành cho anh em anh sau này. Mấy năm trước, khi vừa học xong lớp mười hai, Ngôn mới chỉ rút một phần tiền mua một dàn máy dệt chiếu, còn lại thì vẫn để nguyên nên tính ra, anh em anh cũng giàu có lắm!
Lúc còn sống, ông anh là thầy giáo về hưu, chút tiền lương dù không nhiều nhặn gì nhưng nuôi anh ăn học thì cũng đủ. Bà anh thì nhanh nhẹn, tháo vát, bà thả cá, nuôi gà vịt lấy thịt, lấy trứng, làm đồng áng lấy thóc gạo, rau màu. Ông bà còn tranh thủ làm thêm nghề dệt chiếu như bao nhà khác trong làng. Chiếu mà ông bà anh làm ra luôn là loại chiếu đậu dày, bền, đẹp bởi ông bà chỉ dùng loại cói tốt và sợi đay để dệt, sau khi dệt xong, bà anh lại dùng vải để may bọc viền, thế nên, chiếu của nhà anh chẳng những chưa bao giờ bán ế mà còn bán được giá cao hơn nhà người khác, thậm chí, nhiều người còn đến đặt ông bà dệt đôi chiếu cưới hay chiếu võng cho trẻ con.
Từ lúc mới lên bốn lên năm, Ngôn đã biết cầm lược chải chân cói, lên bảy lên tám thì giúp bà phơi cói, tước đay, đến mười tuổi biết đưa cói vào khung cho bà dệt chiếu, biết phân loại cọng cói tốt xấu, thỉnh thoảng còn biết giật khung dạo dập cọng cói giúp bà lúc bà thấy mỏi lưng vì phải cúi lâu. Hồi ấy, bà còn bảo anh người thì bé mà tay lại khoẻ, có khi chỉ vài năm nữa là anh dệt chiếu đẹp hơn cả ông bà. Nhưng rồi, ông bà anh đều chẳng đợi được đến ngày ấy mà lần lượt theo mây về trời, để lại nỗi đau đáu, xót xa, thương hai đứa cháu côi cút.
Cứ nghĩ miên man chuyện cũ, chuyện mới, chuyện vui, chuyện buồn, Ngôn ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
…
Đêm lặng lẽ trôi qua. Một sớm mai lại đến.
Ngữ có thói quen dậy sớm. Bất kể là mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh đến thấu xương, cô bé đều thức dậy đúng giờ mà không cần bất cứ ai hay bất cứ vật nào báo thức. Lúc Ngôn dậy đã thấy em gái mình đang lặng lẽ ngồi đan mũ cói rồi.
Vạt nắng sớm vàng ươm hắt qua khung cửa sổ chiếu lên khuôn mặt nhỏ nhắn, lên đôi tay thon thả, lên dáng người dù vẫn gầy gò nhưng cũng đã nảy nở ra đôi nét thiếu nữ của Ngữ. Cô bé chưa buộc tóc nên mái tóc đen dài xoã ra, quấn quýt với những cọng cói. Hình ảnh em gái ngồi trong nắng sớm đan mũ cói vô cùng đẹp. Chỉ đáng tiếc… Ngôn nén tiếng thở dài. Anh bước đến gần xoa đầu em gái rồi mới đi đánh răng rửa mặt và làm bữa sáng cho hai anh em.
Ăn sáng xong, Ngôn dắt em gái sang nhà thím Thương để thím trông hộ một ngày vì anh phải mang chiếu đi giao cho người ta rồi tiện thể đặt mua mẻ cói mới. Mặc dù Ngữ cũng có thể ở nhà một mình nhưng dường như việc gửi em bên nhà thím Thương đã thành thói quen từ ngày xưa nên mỗi lần phải đi đâu vắng nhà, anh đều dắt Ngữ sang nhà thím gửi. Từ trước đến giờ, Ngữ vô cùng ngoan ngoãn, ở nhà mình đã ngoan, ở nhà người khác lại càng ngoan hơn. Cả ngày cô bé đều cắm cúi đan sợi cói thành mũ cói. Thím đưa đồ ăn cho thì ăn, đưa nước cho thì uống, thỉnh thoảng, vào những buổi chiều mát, thím dắt tay cô bé ra ngoài sân ngồi cho mát thì cô bé cũng lặng lẽ đi cùng. Ngữ đã quen với việc được gửi ở nhà thím Thương khi anh trai đi vắng rồi.
Hồi bà nội mất, Ngôn vừa học hết lớp bảy, khi đó, bởi không có người chăm sóc em gái nên Ngôn định nghỉ học luôn. Các cô chú họ tiếc anh học giỏi nên ra sức khuyên nhủ, bảo anh cứ yên tâm đi học, tiền bạc để các cô chú lo, em gái cũng để các cô chú trông cho. Có điều, vấn đề của Ngôn lúc đó không phải là tiền bạc mà là không có người chăm sóc Ngữ. Một cô bé vừa mù vừa câm vừa điếc, mới lên bảy tuổi đã chỉ còn có một người thân duy nhất là anh trai hơn mình vẻn vẹn sáu tuổi thì sợ người lạ và thiếu cảm giác an toàn đến nhường nào. Ngôn cũng muốn đi học cho đến nơi đến chốn nhưng lại thương em gái mình hơn.
Ngữ không có cảm giác quen thuộc với các cô chú họ nên không thể gửi cô bé ở nhà các cô chú ấy được. Cuối cùng, thím Thương sát vách bảo để thím trông cho, đằng nào thím cũng phải trông một đứa ngờ nghệch rồi, thêm một đứa nữa cũng chỉ đến thế thôi. Có lẽ vì nhà thím Thương thân quen hơn, cũng có lẽ vì Ngữ bỗng dưng nhạy cảm hơn, thương anh mình hơn nên từ ngày đó luôn ngoan ngoãn ở nhà thím Thương chơi, chờ Ngôn đi học về.
Học hết cấp ba, Ngôn quyết định không học đại học mà sắm một chiếc máy dệt chiếu về làm nghề truyền thống của làng. Anh vẫn chỉ dùng sợi đay, chỉ dùng loại cói tốt nhất để dệt ra loại chiếu đậu trắng phau dày dặn, bền đẹp nhất mà trước đây ông bà anh dệt, anh lại khéo ăn khéo nói, chịu khó tìm kiếm mối làm ăn, đã thế còn chẳng vì ham mối bán buôn mà chê khách lẻ nên đơn hàng đặt chiếu của anh cứ đến đều đều, chẳng bao lâu đã thu hồi được vốn cho chiếc máy.
Người trong làng thương anh em Ngôn nhưng cũng có khối người thấy anh làm ăn được mà ghen tị đỏ con mắt, cứ hở ra là nói bóng gió này nọ. Ngôn luôn coi những lời đàm tiếu ấy như gió thoảng bên tai, luôn tươi cười vui vẻ trước những lời châm chọc khiến những người muốn cố ý gây sự với anh thấy tức anh ách như đấm phải túi bông, muốn đánh cho anh một trận mà chẳng tìm được cớ gì để đánh. Nói gì thì nói, một đứa trẻ từ rất sớm đã không còn ông bà, bố mẹ chở che, có thể tự mình nuôi em đến mười năm có lẻ rồi, đâu có dễ bị bắt nạt như thế.
Buổi chiều Ngôn về sớm. Lúc anh về, nắng vàng ươm như mật đang trải khắp những khoảng sân, những quãng đường phơi đầy cói trắng, những bờ tường vây phơi chiếu mới in hoa. Mùi ngòn ngọt, hăng hăng của cói như thấm đẫm cả vào không khí. Sau khi biếu thím Thương mấy thứ quà bánh mà anh mang về và nhận được một tràng phàn nàn rằng lần nào cũng mua bán làm gì cho tốn kém của thím, anh cười cười dắt em gái mình về.
Buổi sáng, lúc đi giao chiếu cho người ta, Ngôn tình cờ nhìn thấy một nhóm những cô gái nhỏ cỡ tuổi Ngữ mặc đủ kiểu váy trắng, váy hoa xinh xắn, tung tăng vui vẻ trên đường, anh nghĩ, em gái mình mặc kiểu váy đó chắc cũng sẽ đẹp nên mua về cho Ngữ mấy chiếc. Ngữ chẳng biết mình mặc có đẹp hay không nhưng có vẻ rất thích cảm giác tà váy dài bồng bềnh, mềm mại chạm vào bắp chân nên những ngày sau đó, cô bé rất hay mặc váy.
Một buổi tối nọ, lúc đang dắt em gái đi bộ trên đoạn đường làng quen thuộc từ nhà chú họ về sau khi hai anh em đến biếu chút quà bánh, Ngôn bỗng nghe thấy tiếng huýt sáo ngả ngớn, tiếng cười khả ố cùng giọng nói nhừa nhựa khiến người ta nghe mà chán ghét đến nổi da gà của Trường.
“Em gái lớn rồi nha! Váy vóc vào là nuốt nuồn nuột!”
“Nhìn mà muốn húp ghê!”
Tâm trạng Ngôn vốn đang rất tốt lại bỗng nhiên bị những lời nói chối tai ấy phá hỏng. Anh muốn vung tay đấm một phát thật mạnh vào bản mặt câng câng đáng ghét của Trường, tốt nhất là đấm cho lệch mặt, rụng răng để gã bớt nói ra những lời tục tĩu, dơ bẩn kia, khỏi làm ô nhiễm bầu không khí thấm đượm mùi cói của làng Khê.
“Mày mấy ngày không đánh răng rồi thế? Mở mồm ra thối không chịu được.” Ngôn lạnh mặt nói. “Không nói được cái gì tử tế thì ngậm mẹ mày mồm vào.”
“Bố mày nói vu vơ thế, động đến bàn thờ nhà mày à?” Trường hằn học nhổ phụt điếu thuốc lá đang ngậm trong miệng ra rồi đứng thẳng người dậy, dáng vẻ nghênh ngang, muốn cậy đông bắt nạt người khác.
“Vì mày sủa vu vơ nên tao mới nhắc nhở mày ngậm cái mồm vào đấy.” Ngôn gằn giọng. “Chứ mày mà không sủa vu vơ thì gãy hết răng lúc nào chưa biết đâu.”
“Mày ngon thì vào đây. Bố mày sợ mày chắc?” Trường hùng hổ bước lên mấy bước, còn cố tình huých vào vai Ngôn khiêu khích một cách quê mùa.
Chỉ chừng mấy giây sau đó, tiếng cười nói mấy gã thanh niên ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa và mấy thằng nhóc choai choai lêu lổng đang ngồi túm tụm một vòng quanh gốc cột điện nói năng cợt nhả xem trò vui đột nhiên ngừng bặt. Bọn chúng trợn mắt, há hốc mồm nhìn nhau rồi nhìn Trường hơi khom lưng, chân gần như khuỵu xuống, tay ôm mặt, lảo đảo lùi về phía sau bởi không ai trong số bọn chúng nhìn thấy Ngôn vung tay như thế nào mà chỉ nghe thấy một tiếng “bụp” nặng nề cùng một tiếng “hự” đau đớn.
Cơn đau dần dịu đi, Trường cáu tiết nhổ toẹt bãi nước bọt lẫn máu đỏ lòm, tanh tưởi trong miệng ra rồi hung hăng giật bung cúc áo, muốn lao vào đánh nhau. Ngôn gần như chẳng thèm chớp mắt, chỉ khinh khỉnh nhìn Trường. Một người từ bé đã vật lộn với những bó cói cao hơn đầu người, to bằng hai người lớn chập lại thì nào có thèm so đo, để ý tới một con ma ốm lêu nghêu, gầy đét, suốt ngày lượn lờ khắp làng như cô hồn đã quỷ. Thế nên, đợi gã lao đến gần, anh chỉ co chân đạp một phát đã khiến gã ngã lăn ra đất nằm co quắp ôm bụng.
Đám đồng bọn đều ngồi im re, không nhúc nhích. Mãi sau, lúc thấy Trường lồm cồm bò dậy muốn lao vào Ngôn tiếp mới có hai đứa rụt rè giữ gã lại rồi lí nhí khuyên can bằng mấy câu yếu ớt, vô dụng. Không phải vì bọn chúng bất ngờ đến nỗi ngớ ra mãi không tỉnh táo lại được, cũng không phải bọn chúng muốn “chín bỏ làm mười” vì “anh em chơi với nhau cả” như mấy lời sáo rỗng mà chúng nó nói mà chỉ đơn giản là vì chúng nó hèn. Lúc chưa có chuyện thì hô hố cười đùa với nhau, ôm vai bá cổ xưng anh em nhưng chỉ cần có chút xíu chuyện là đứa nào đứa nấy chạy xa tám trăm dặm, anh em thân thiết cũng thành thân ai nấy lo.
“Cảnh cáo mày thêm lần nữa.” Ngôn liếc ánh mắt sắc lẻm nhìn Trường khiến đám loi choi bên cạnh cũng bất giác thấy run. “Nói năng sạch sẽ vào. Để tao nghe thấy lần nữa thì không chỉ như hôm nay thôi đâu.”
“Mày nhớ mặt bố mày đấy.” Trường hằn học, gằn giọng nói.
“Không rảnh.” Ngôn hờ hững đáp rồi khẽ kéo tay em gái định đi.
Trong lúc liếc mắt cảnh cáo, Ngôn vô tình thấy cái đứa ngờ nghệch trong miệng thím Thương đang khép nép ngồi phía sau. Anh hơi bất ngờ vì không hiểu sao một người ngốc nghếch, rụt rè như Thiết lại ngồi ở đó với đám lông bông kia vào giờ này.
“Thiết, đi về.” Ngôn quát rõ to khiến Thiết giật nảy mình. Anh ta vội vàng đứng dậy rồi lập cập chạy theo hai anh em anh.
“Bọn nó là người xấu đấy, đừng có đi theo bọn nó nữa.” Anh vừa dắt em gái mình đi vừa lầm rầm dặn Thiết đổi lại mấy tiếng dạ dạ vâng vâng và những cái gật đầu như gà mổ thóc.
Ngôn không thèm quay đầu nhìn nên không biết sau khi anh dắt em gái rời đi một đoạn, đám lông bông kia như sống lại, thở phào xong thì tưng bừng bàn tán về anh, về cơ thể vạm vỡ, rắn rỏi không phải dạng xoàng và những đòn đánh nhanh như cắt khiến bọn chúng hoảng hốt của anh. Anh cũng không hề biết dưới gốc cột điện, nơi ánh sáng leo lét của cái bóng đèn vàng công suất thấp toả ra, ánh mắt nham hiểm, độc ác của Trường vẫn gườm gườm như mũi dao găm sắc nhọn, xuyên qua không khí đâm thẳng vào lưng anh rồi sáng loé lên như ánh mắt của loài lang sói dưới bóng đêm.
Ngôn đưa Thiết về tận nhà trước, anh còn cẩn thận nhắc thím Thương đừng để Thiết đi chơi với Trường và đám đàn em loi choi của gã kẻo bị bắt nạt hoặc bị lợi dụng làm việc xấu. Thím Thương luôn miệng cằn nhằn, mắng Thiết mãi vì tội có lớn mà không có khôn, đã ngớ ngẩn còn hay lang thang khiến Ngôn cũng thấy ái ngại. Anh lặng lẽ dắt tay Ngữ về.
Nghĩ đến Thiết, Ngôn bất giác thở dài. Anh cảm thấy tiếc thay cho mẹ con thím Thương. Thiết đã từng ngoan ngoãn, học giỏi, từng là con nhà người ta, từng khiến không biết bao nhiêu đứa trẻ ghen ghét vì bị so sánh, từng được không biết bao nhiêu ông bố bà mẹ ước ao. Sau ngày biết kết quả thi đại học, hai bố con Thiết mừng rỡ lấy xe máy chở nhau lên tận đầu huyện mua bia tươi về mời cả xóm liên hoan. Lúc về, không rõ có phải vì bố Thiết say bia hay không mà cái xe đang phóng như bay lại bất ngờ loạng choạng giữa đường huyện rộng thênh thang sau đó tông thẳng vào trụ cổng bê tông nhà người ta khiến cả hai bố con đều bị văng ra theo quán tính. Bố Thiết ngồi trước, đầu lao thẳng vào trụ bê tông, đưa đến bệnh viện thì chết. Thiết bị đập nhẹ hơn, giữ được mạng sống nhưng đầu óc lại thành ngây ngô như đứa trẻ con.
Hồi đầu, thím Thương bị sốc, ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt. Phải đến hơn một năm sau thím mới chấp nhận được sự thật rằng đứa con hơn người của thím đã bị ông trời tước đi nửa mạng, niềm kiêu hãnh, niềm tự hào của thím đã mất đi sạch sẽ, thím chấp nhận nuôi báo cô một đứa ngớ ngẩn cả cuộc đời này. Nếu như ngay từ đầu đã sinh ra một đứa con ngốc nghếch như Thiết bây giờ hoặc bị tật nguyền như Ngữ thì hẳn là người nhà đều sẽ dễ dàng chấp nhận hơn bởi chưa từng có những thứ tốt đẹp thì sẽ không nuối tiếc nhưng có được rồi mà lại mất đi thì hai chữ tiếc nuối hoàn toàn không đủ để diễn tả cảm giác trong lòng.
Ngôn nằm ngửa trên chiếc ghế kê bên dưới khung dệt ở nhà ngang, nơi vẫn căng một tấm chiếu dệt dở mà nghĩ ngợi vẩn vơ. Mặc dù từ mấy năm trước đã mua dàn máy dệt chiếu rồi nhưng anh vẫn giữ khung dệt cũ của ông bà nội, lúc nào rảnh rỗi thì dắt Ngữ xuống đây để cô bé lần mò luồn sợi còn anh giật khung dạo. Mỗi lần ngồi vào khung chỉ dệt thêm được vài sợi cói nên có một lá chiếu mà hai anh em anh đã dệt từ khi bắt đầu thu hoạch vụ cói trước đến khi thu hoạch xong vụ cói này rồi vẫn còn dang dở. Có điều, anh cũng chẳng vội hoàn thành.
Chừng hai tháng sau, Ngôn lại phải mang chiếu đi giao nên lại phải đưa em gái sang nhà thím Thương gửi. Buổi sáng, lúc dắt Ngữ đi, rõ ràng anh thấy cô bé hơi khựng lại, tỏ ý từ chối không muốn sang nhà thím Thương, thậm chí, lúc sang đến nơi, Ngữ bám chặt tay anh, dùng dằng mãi không chịu bỏ ra. Anh chẳng nghĩ ngợi gì, thậm chí còn thấy buồn cười. Anh vui vẻ nhờ thím Thương trông em, dặn Thiết để ý Ngữ rồi ra xe hàng mà không hề để ý đến ánh mắt có vẻ ái ngại của thím Thương và ánh mắt luôn cụp xuống nhìn mặt đất, lâu lâu lại lén lút liếc nhìn anh với vẻ sợ sệt của Thiết.
Chiều về, Ngôn vẫn mua chút quà bánh về cho em gái mình và nhà thím Thương như thường lệ. Lúc ôm túi quà vào trong sân nhà thím Thương, nụ cười của anh chợt cứng ngắc trên môi.
“Mày làm cái gì đấy Thiết?” Ngôn vứt quà bánh xuống sân rồi chạy ào vào nhà đánh bay bàn tay đang kéo quần áo Ngữ ra đồng thời bẻ ngoặt cánh tay đang cố mò vào bên trong cổ áo cô bé.
Thấy Ngôn, Thiết run rẩy co rúm người lại, rên rỉ vì cánh tay bị bẻ đau, miệng cứ lắp bắp, không nói rõ được câu nào. Mắt anh ta hết cụp xuống nhìn mũi chân lại ngước lên nhìn trộm như thể sợ bị Ngôn đánh. Ngôn giận dữ đẩy Thiết thật mạnh khiến anh ta va vào vách tường sau đó mặc kệ anh ta lồm cồm vừa bò vừa chạy ra ngoài, anh ôm lấy Ngữ, vỗ vỗ nhẹ vào lưng cô bé an ủi. Mất chừng nửa phút Ngữ mới buông lỏng hai bàn tay đang giữ chặt quần áo ra mà ôm ngang lưng anh mình. Ngôn xót ruột cõng em gái về. Suốt dọc đường, Ngữ vẫn cứ run rẩy ôm chặt lấy vai anh.
Bấy giờ anh mới ngỡ ngàng hiểu ra vì sao gần đây Ngữ không còn mặc váy dù trước đó cô bé có vẻ vô cùng thích, hiểu ra vì sao buổi sáng em gái anh lại tỏ vẻ chống cự khi phải sang nhà thím Thương, hiểu ra tại sao Thiết lại cứ liếc mắt nhìn trộm anh như thế. Em gái anh phải chịu ấm ức, thậm chí là hoảng sợ nhưng cũng không làm sao nói với anh được, em gái anh tỏ ý không muốn đi rồi mà anh cũng chẳng nhận ra, đã thế lại còn thấy buồn cười. Anh không biết Thiết làm mấy trò mất dạy ấy với Ngữ từ bao giờ. Nếu hôm nay anh không vô tình bắt gặp thì có lẽ em gái anh còn phải chịu ấm ức thật lâu. Anh muốn đánh đứa đầu đất kia một trận cho hả dạ nhưng nghĩ đến cái mặt ngờ nghệch đó, anh không xuống tay được. Thương xót em gái bao nhiêu anh lại tự giận, tự trách mình bấy nhiêu.
Từ sau hôm đó, Ngôn trông em gái khư khư, gần như không lúc nào để Ngữ rời khỏi tầm mắt mình. Anh cũng không gửi em sang nhà thím Thương nữa. Mỗi khi phải đi có việc, nếu gần thì anh để Ngữ ở nhà, khoá kỹ cửa nẻo rồi nhanh nhanh chóng chóng hoàn thành công việc để về còn nếu xa hơn thì anh đưa cả em gái đi cùng.
Những lần đầu Ngữ còn rụt rè sợ sệt khi phải đến những nơi mà mình không hề quen thuộc nhưng dần dà cô bé lại tỏ ra thích thú khi được đi cùng anh mình. Thậm chí, lần nào mà Ngôn cầm lấy hai hoặc ba ngón tay Ngữ trước chuyến đi, cô bé còn hào hứng sắp xếp quần áo của mình vì khi đó, Ngôn sẽ cho cô bé đi chơi hai hoặc ba ngày rồi mới về.
“Hay là mày cứ để cái Ngữ ở nhà thím trông cho? Chứ chúng mày dắt díu nhau đi cũng tội, lại bận cả ra.” Đã hơn một lần thím Thương nói thế với Ngôn khi thấy anh tay xách nách mang dắt Ngữ đi cùng.
“Thôi ạ. Cháu cho nó đi cùng giải ngố. Quanh quẩn ở nhà mãi cũng chán.” Ngôn cười cười với thím rồi dắt em gái đi.
Hơn nửa năm ròng rã, Ngôn đi đâu là đưa em gái đi đến đấy chứ không gửi ở nhà mình khiến thím Thương cũng thấy ái ngại. Thím biết lý do tại sao Ngôn không nhờ thím trông em nữa. Thím cũng muốn nói gì đó với Ngôn, chẳng hạn như thím cũng rất ngại khi không trông nom được Ngữ, hay chẳng hạn như là thông cảm cho Thiết vì đầu óc anh ta ngu ngơ, không được như người ta. Nhưng rồi không hiểu tại sao hễ cứ đối diện với anh là thím lại ú ớ như gà mắc tóc, không nói được câu nào.
Mỗi lần dè dặt bảo Ngôn để em ở nhà thím trông cho, trong lòng thím Thương đều có một chút chờ mong mơ hồ rằng Ngôn sẽ nói vài lời trách móc Thiết, nói vì sợ Thiết làm việc xấu với em gái mình nên mới không dám gửi em ở nhà thím nữa, có người mào đầu thì thím cũng dễ nói ra những áy náy, những hối lỗi vẫn luôn chôn sâu trong lòng mình. Tiếc là Ngôn chẳng nói năng gì mà chỉ tự trông nom em gái mình cẩn thận. Anh biết, mấy câu nói suông chẳng giải quyết được bất cứ việc vì. Anh cũng chẳng cần thím Thương nói ra mấy câu ấy.
…
Sắp qua một năm nữa. Anh em Ngôn đã sắp sang tuổi mới. Thỉnh thoảng vẫn có mấy bác, mấy thím trong làng giới thiệu cho anh con gái nhà này ngoan lắm, con gái nhà kia hiền lắm nhưng anh vẫn chỉ cười trừ. Anh chưa nghĩ đến việc xây dựng một gia đình nhỏ của riêng mình, ít nhất là bây giờ thì chưa.
Cuối năm, nhiều đơn hàng của Ngôn đều giục anh giao dồn dập khiến anh bận đến vắt chân lên cổ, mỗi ngày đều quần quật dệt ba, bốn chục lá chiếu từ sáng sớm đến tận đêm khuya, làm xong đơn nào là vội vàng gọi người ta đến lấy hoặc thuê xe giao đi đơn ấy. Anh vẫn đi đâu là đưa Ngữ đi cùng đến đấy nên sau nhiều ngày theo anh đi sớm về khuya, cô bé mệt mỏi thấy rõ.
Sáng ngày ba mươi Tết, Ngôn vốn muốn dắt Ngữ đi chợ cùng mình nhưng thấy cô bé vẫn nằm ngủ lăn lóc, xoay vần thế nào cũng không chịu ngồi dậy nên anh quyết định để Ngữ ở nhà ngủ, anh đi một mình. Và rồi quyết định ấy đã khiến anh day dứt, khiến anh ân hận, khiến anh đau đớn suốt cả quãng đời còn lại.
Buổi sáng hôm đó anh tình cờ gặp lại mấy người bạn trước đây học cùng cấp ba. Đã gần mười năm không gặp nhưng bọn họ vẫn rất nhiệt tình trò chuyện với anh. Trong số đó có một cô bạn tên Liên đã thích anh từ ngày vừa mới lên lớp mười, đến giờ đã hơn mười năm trôi qua mà vẫn chưa hết thích. Nhóm bạn anh thấy thế cứ gán ghép anh với Liên rồi bày trò đùn đẩy để anh đưa cô ấy về. Anh ngại từ chối vì sợ làm Liên xấu hổ nên cuối cùng, dù rất sốt ruột em gái ở nhà một mình nhưng vẫn mua một giỏ quà Tết rồi chở cô ấy về. Bố mẹ Liên tưởng anh là bạn trai cô ấy nên cứ hỏi đông hỏi tây đủ chuyện, thậm chí mấy chú bác nhà cô ấy còn có tâm lý “thử rể mới”, sai bảo anh làm việc nọ việc kia. Mãi sau, có lẽ Liên nhận thấy anh khó xử nên mới giải vây, cảm ơn anh rồi bảo anh về trước.
Từ nhà Liên ra, Ngôn anh cố gắng phóng xe về nhà thật nhanh bởi cứ cảm thấy sốt ruột, bất an. Ngày Tết đường đông nên cứ đi được một đoạn lại phải dừng xe một lần, anh nóng nảy đập liên tục lên tay lái, thậm chí còn nghĩ đến việc vứt luôn xe đấy mà chạy về cho nhanh. Không hiểu sao càng về đến gần nhà, cảm giác thấp thỏm, bất an trong anh lại càng mạnh mẽ.
Về đến nhà, anh chạy ngay vào phòng Ngữ xem em mình dậy chưa nhưng chỉ thấy chăn gối gọn gàng, không thấy người đâu cả. Tim anh đập thình thịch. Anh bất giác cảm thấy sợ hãi mà không hiểu tại sao. Anh chạy sang phòng dệt nhưng ở đó cũng chỉ có dàn máy im lìm và những bó cói chồng cao ngất chứ không hề có Ngữ. Anh lại nhấc bước chân nặng trĩu đi sang phía nhà ngang nơi có khung dệt thủ công của ông bà anh với lá chiếu dệt mãi chưa xong của anh em anh.
Càng đến gần cửa nhà, trái tim Ngôn càng nảy lên dồn dập. Anh đặt tay lên tay nắm cửa mà không nhận ra tay mình đang run. Cửa bị cài then bên trong. Nỗi bất an trong lòng anh đã chuyển thành hoảng sợ. Anh bước lùi lại một bước rồi giơ chân đạp tung cánh cửa ra.
Em gái anh đang ngồi co rúm và run rẩy trong bộ váy dài bị xé rách tả tơi sát góc nhà, trong tay cô bé còn ôm chặt nửa cây gậy tre thường dùng để luồn sợi cói. Khung chiếu dệt dở của hai anh em anh đổ sập, dây đay đứt tứ tung, trên mặt chiếu loang lổ vết máu. Anh sững sờ sau đó vội vàng cởi áo khoác của mình ra muốn choàng cho Ngữ nhưng như thể cảm thấy có người đến gần, cô bé hoảng hốt khua loạn khúc gậy trong tay. Ngôn không tránh né mà nhào vào ôm lấy cơ thể nhỏ bé đang không ngừng run lên của Ngữ, bất chấp đầu gậy tre cứa vào tay tạo ra những vết rách chảy máu.
“Anh đây, anh đây. Đừng sợ! Anh đây rồi.” Ngôn vừa lẩm bẩm nói vừa ôm lấy em gái mình, hết vuốt tóc lại vỗ lên tấm lưng gầy gò của Ngữ để cô bé bớt hoảng loạn.
Một lúc sau, có vẻ đã nhận ra anh mình rồi nên Ngữ không vùng vẫy chống cự nữa mà ôm chặt lấy anh rồi run lên nức nở. Nhìn khuôn miệng há hốc méo xệch, chảy cả nước dãi của Ngữ, Ngôn không nhịn được mà rơi nước mắt theo. Em gái anh khổ quá! Không nhìn được, không nghe được, không nói được, bây giờ đến khóc cũng không khóc được. Trên gương mặt nhỏ nhắn của Ngữ, chỗ lẽ ra có một đôi mắt lại hoàn toàn bằng phẳng, mịn màng, không khác gì lớp da trên gò má. Thế nên, Ngữ có muốn khóc cũng chẳng có chỗ nào để nước mắt trào ra. Cô bé đáng thương chỉ có thể há hốc mồm, phát ra những tiếng ô ô nghẹn ngào trong cổ họng. Nước mắt chỉ có thể chảy ngược vào lòng.
Ngôn đau xót ôm chặt lấy em gái. Vòng tay anh, bờ vai anh, tấm lưng anh vốn là chỗ dựa ấm áp và vững chắc nhất của Ngữ lúc này đều run lên theo từng cơn nức nở của anh. Anh cực kỳ muốn hỏi ông trời xem rốt cuộc em gái anh từng phạm phải tội nghiệt gì mà cuộc đời lại tàn ác, nghiệt ngã với em ấy đến nhường này.
Chẳng biết qua bao lâu, Ngữ khóc mệt thiếp đi trên tay Ngôn. Anh đau xót bế em gái về phòng, lau rửa cho cô bé và thay cho cô bé bộ quần áo khác. Suốt quá trình ấy, nước mắt anh không một giây nào ngừng rơi.
Thu dọn cho Ngữ xong, Ngôn thẫn thờ quay xuống nhà ngang. Lúc trước vì mải lo cho em gái nên anh không chú ý đến một người không mặc quần, trên ngực đắp một chiếc áo đang nằm phanh bụng ngủ trên đống cói phía góc nhà bên kia. Anh ngay lập tức nhận ra đó là ai. Anh phẫn nộ cầm đoạn gậy tre gãy mà lúc trước em gái anh cầm trong tay tự vệ quất thẳng vào mặt kẻ đang ngủ quên trời quên đất ấy.
Bị đánh đau, Thiết tỉnh dậy từ trong hơi men nồng nặc. Mở mắt ra thấy Ngôn như hung thần trước mặt, anh ta hoảng loạn ôm đầu muốn chạy ra sân, cả người trần truồng cũng không thèm để ý.
“Con mẹ nhà mày. Em tao đã khốn khổ đến thế rồi mà mày còn chà đạp nó.”
“Em tao đào mả tổ nhà mày lên hay sao mà phải chịu tội thế này? Hả?”
“Gào con mẹ mày ấy mà gào.”
“Tao cho mày gào… Gào đi…”
Ngôn đánh tới tấp như muốn trút hết nỗi phẫn nộ, nỗi đau xót trong lòng mình ra khiến Thiết vừa đau vừa sợ hãi gào khóc om sòm. Anh ta cứ cắm cổ chạy, đâm vào hết chỗ này đến chỗ khác, trong ánh mắt chỉ có sự sợ sệt và vẻ ngây ngô như thể không hay biết gì. Nhìn ánh mắt ấy, Ngôn càng tức giận. Khúc tre trong tay đã bị đập đến nát bét, anh quăng đi rồi túm tóc Thiết đấm túi bụi.
Nghe tiếng khóc gào thảm thiết, thím Thương hàng xóm lật đật chạy sang và chết sững khi thấy Ngôn đang đánh Thiết. Có lẽ chỉ một giây sau khi nhìn thấy cảnh ấy thím đã đoán được nguyên nhân Ngôn đánh Thiết rồi, chỉ là không biết con trai thím đã gây ra chuyện lớn đến đâu mà thôi. Xót con, thím bất chấp những cú đấm nặng nề của Ngôn mà lao vào giữ lấy cánh tay anh, khóc lóc cầu xin.
“Đừng đánh nữa, Ngôn ơi, đừng đánh nữa!”
“Mày đánh chết nó mất.”
“Thím van cháu, thím lạy cháu, cháu đừng đánh nữa Ngôn ơi!”
“Nó chết mất cháu ơi!”
Đấm thêm mấy phát nữa, Ngôn thẫn thờ buông thõng cánh tay, để mặc Thiết sợ sệt trốn ra sau lưng mẹ.
“Thím nhốt nó kỹ vào. Để nó lảng vảng ra ngoài nữa, cháu giết nó đấy.” Giọng anh nghẹn ngào, khản đặc như thể bị cả nắm bấc cói khô chặn trong cổ họng.
“Thím… Nó…” Thím Thương cũng nghẹn ngào, lắp bắp mãi chẳng thành câu.
Vừa lúc đó, trong nhà có tiếng va đập, tiếng đồ đạc rơi vỡ loảng xoảng. Ngôn vội vàng lao vào ôm lấy em gái anh đang hoảng loạn lần mò đi tìm anh. Thím Thương vì áy náy nên cũng dè dặt bước vào theo. Lúc thấy Ngữ run rẩy trong lòng Ngôn, nỗi áy náy và thương xót trong lòng thím trào dâng khiến sống mũi cay xè, nước mắt cũng rơi lã chã.
“Thím… Lát nữa đi chợ… Thím vào qua hiệu thuốc… Mua hộ cháu liều thuốc tránh thai khẩn cấp.” Ngôn ôm em gái mình vỗ về an ủi rồi chẳng biết bỗng dưng anh lấy ở đâu ra tỉnh táo mà hơi nghiêng đầu nói với thím Thương đang bẽ bàng đứng ngay trước cửa khiến thím nghe xong mà trợn mắt sững sờ.
“Cái Ngữ… Thằng Thiết nó… Nó…” Người mẹ hiền lành, tần tảo và cam chịu hơn nửa đời người không thể tin được là con mình lại gây ra tội lỗi lớn đến thế.
“Thím… Thím… Nó…” Thím Thương bối rối đứng so vai lại, co rúm và cũng run rẩy không kém Ngữ bao nhiêu. Thím sợ hãi, đau lòng, thương xót cho Ngữ nhưng cũng lo lắng cho cả đứa con ngu ngơ gây ra tội nghiệt của mình.
“Thím đi mua hộ cháu. Nhốt thằng Thiết vào.” Ngôn nói với thím Thương khi thấy thím cứ đứng sững ngoài cửa mãi.
“Ừ ừ, thím về nhốt nó… Thím đi mua.” Thím Thương lật đật chạy về nhà. Thấy Thiết vẫn trần như nhộng co rúm trốn sau cánh cửa, thím đau lòng vừa mếu máo vừa đánh thùm thụp vào người anh ta sau đó ném cho anh ta một bộ quần áo, khoá cửa lại rồi đi đến hiệu thuốc với đôi mắt đỏ hoe.
Suốt mấy ngày sau đó, Ngôn gần như không ngủ được chút nào bởi Ngữ luôn trong tình trạng hoảng loạn. Cô bé cứ mếu máo, run rẩy đến khi mệt quá thì thiếp đi, được một lúc lại giật mình tỉnh dậy quờ quạng tìm Ngôn. Anh thức chong chong để có thể ôm lấy em mình bất cứ lúc nào. Ngoài kia, trên những con đường mà anh quen thuộc, tiếng pháo râm ran, tiếng người cười nói rộn ràng suốt mấy ngày Xuân mới, xác pháo tả tơi đỏ rực ngợp trời. Ở nhà anh lại chỉ có tiếng ú ớ não lòng của em gái anh và đôi mắt đỏ sọng bi thương của anh. Chưa một Tết nào anh thấy lòng mình đau đớn như Tết này.
…
Mùa cói tháng tư đã đi qua, mùa cói tháng mười sắp đến.
Ngữ đã bình tĩnh lại nhiều. Cô bé không còn hoảng loạn như những ngày đầu, đêm cũng đã có thể ngủ tròn giấc. Ngữ cũng không còn túm chặt áo anh mình mọi lúc mọi nơi nữa nhưng Ngôn vẫn luôn cố gắng ở gần bên em gái mình nhất có thể.
Ngữ cũng bắt đầu mặc lại những chiếc váy hoa nhí dịu dàng mà trước đây Ngôn mua cho mình. Nhìn Ngữ ngồi trong nắng sớm đan mũ cói, dáng người mỏng manh trùng khớp với bóng dáng mà năm trước Ngôn đã từng nhìn thấy, anh khẽ mỉm cười nhưng khoé lại mắt ướt sũng từ lúc nào chẳng biết.
Một buổi trưa trời hanh hanh nắng, lúc đang thu mấy bó cói mà buổi sáng mới mang ra hong, Ngôn vô tình nghe thấy những tiếng rên rỉ, những tiếng rì rầm ở phía bên kia bờ tường. Có lẽ thím Thương đã đi gặt cói thuê chứ nếu không thì tầm giờ này đã quát ầm ầm bắt Thiết vào ngủ trưa rồi. Từ sau ngày tất niên nghiệt ngã kia, gần như Ngôn không còn qua lại bên nhà thím Thương nữa nên cũng định mặc kệ nhưng rồi anh vẫn không nỡ, vẫn đi ra ngó thử xem có phải Thiết lại nghịch ngu gì không.
Ra đến nơi, vừa ngó đầu nhìn sang anh đã sững người khi thấy Trường đang ngồi xổm phì phèo hút thuốc, trước mặt gã có một chiếc điện thoại đang phát thứ phim cấm trẻ con trong khi Thiết thì trần như nhộng, nằm run rẩy xuýt xoa khi bị gã khốn nạn kia châm đầu thuốc lá vào những vùng nhạy cảm.
“Sướng không? Đ. mẹ. Mày húp con mù sướng không?” Thứ giọng nhừa nhựa khiến người ta buồn nôn của Trường chợt cất lên khiến Ngôn như bỗng ngỡ ra điều gì.
Anh chống tay bật phắt qua bức tường thấp đứng sừng sững trước mặt hai kẻ đồi bại khiến chúng giật mình. Thiết hoảng hốt ngồi bật dậy vơ quần áo che người rồi hèn hạ chúi vào góc tường trong khi Trường ngước mắt nhìn Ngôn khiêu khích.
“Làm sao? Mày cũng muốn xem phim con heo với bố mày à?” Trường vừa nói vừa thổi làn khói thuốc lá khét lẹt về phíat Ngôn.
Ngôn chẳng nói chẳng rằng vung tay tung thẳng cú đấm như trời giáng vào mặt Trường khiến gã ngã lăn ra, lúc bò được dậy, miệng gã đã chảy đầy máu. Không đợi Trường kịp nói ra câu mất dạy nào, Ngôn rút phăng cây sào phơi chiếu bằng tre dóc bên cạnh đánh túi bụi vào gã. Cây sào tre chẳng mấy chốc đã dập nát tươm. Trường bị đánh đến bầm dập mà mắt vẫn long sòng sọc như con chó điên, gườm gườm nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống Ngôn. Thiết thì co rúm bên tường, run bắn như con chó ốm.
Đúng lúc Ngôn đang đánh đến đỏ mắt, anh nghe thấy một tiếng bịch nặng nề bên sân nhà mình. Ngữ đang dò dẫm đi ra, va vào bó cói làm nó lăn kềnh ra sân. Ngôn bực dọc quăng đoạn sào tre dập nát đi. Trước khi bám tay vào tường để bật nhảy về, anh đạp chân lên ngực Trường rồi rít lên đầy thù hận: “Mày đi chết đi!”
Anh không thèm để ý Trường quằn quại rồi bò dậy mà về được như thế nào, không thèm để ý Thiết có mặc lại quần áo hay không. Nếu vừa rồi không thấy Ngữ dò dẫm đi ra, có thể anh sẽ đánh gã chó má kia đến chết cũng nên.
Ngôn không biết rằng một lúc sau khi anh về, Thiết tròng quần áo vào người rồi lần mò được một túi có ba bốn viên xanh xanh đỏ đỏ như viên thuốc từ trong người Trường, anh ta ngây ngô cứ ăn một viên lại đút cho Trường một viên, miệng liên tục lẩm bẩm “ăn kẹo là hết đau ngay”. Ngôn cũng không biết sau khi ăn hết một túi con con, Thiết xốc Trường dậy rồi vừa dìu vừa kéo lê gã về nhà gã để lấy thêm kẹo nữa.
Nhìn em gái, nỗi xót thương trong lòng anh dâng lên khiến anh nghẹn ngào, hốc mắt cũng nóng rực. Nghĩ đến Trường, trong đầu anh chỉ có đầy phẫn nộ và căm thù, anh chỉ muốn băm gã thành nghìn mảnh cho hả dạ.
Chiều muộn, lúc anh đang chuẩn bị dọn cơm tối thì nghe tiếng hét thất thanh, ngay sau đó là tiếng gào khóc đến đứt ruột thắt gan của thím Thương.
“Cứu con tôi với… Thiết ơi… Ai cứu con tôi với… Con ơi!”
Ngôn vội lấy cho Ngữ một bát cơm rồi vỗ vỗ lên vai cô bé ý bảo ăn đi còn mình thì sang nhà thím Thương xem có chuyện gì. Lúc anh sang đến nơi, mấy người hàng xóm khác cũng đã chạy tới và đang đứng sững như trời trồng ngoài sân.
Trên hiên nhà, thím Thương nửa ngồi nửa quỳ ôm lấy Thiết gào khóc. Khắp mặt Thiết có thứ chất lỏng màu đỏ chảy xuống. Dưới ánh đèn vàng cam nhàn nhạt, cảnh tượng ấy khiến người ta không rét mà run. Một bác trai đứng tuổi đến gần thử hơi thở của Thiết rồi lắc đầu nói chết rồi khiến thím Thương gào khóc như điên dại.
Bấy giờ Ngôn mới để ý người Thiết cứng đờ như tấm ván gỗ trong tay thím Thương, chất lỏng kia không phải là máu mà là nước phẩm màu đỏ mà thím Thương đựng trong cái chậu nông choèn để in hoa lên chiếu. Đứng từ ngoài sân anh cũng ngửi được mùi rượu nồng nặc từ người Thiết như thể nhà ai đánh vỡ chum rượu ủ lâu năm.
Mấy bác hàng xóm lại đoán già đoán non rằng có lẽ Thiết uống trộm rượu ở đâu, say quá nên ngã úp mặt vào chậu phẩm cũng không vùng ra được cuối cùng chết ngạt. Suy đoán đó khiến Ngôn bỗng cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.
Chưa đợi mọi người bớt sững sờ, tiếng hô hoán có cháy, mau đi dập lửa và tiếng chân người chạy đã dồn dập vang lên.
“Nhà ai cháy đấy? Trời đã hanh khô lại đúng mùa gặt cói thế này.”
“Nhà bà Dần, cháy hết một sân cói rồi.”
“Thấy bảo thằng Trường tối nay dở chứng, cứ giãy đành đạch bảo có ma quỷ, đòi đốt lửa tiễn vong. Tiễn kiểu gì mà để lửa bắt vào đống phoi cói khô, nó bùng lên không dập được.”
“Nghe đâu bảo nó chơi thuốc, bị ngáo đá mấy bà ạ.”
“Ối các ông bác bà ơi, thằng Trường con nhà Dần Sinh nó bị chết cháy rồi. Người ta đang dập lửa cứu cói, nó ở đâu xông thẳng vào đống lửa. Không ai dám xông vào lôi nó ra. Lửa đốt quằn quại một lúc xong nó chết ngay thuôi luôi rồi.”
Tin tức dồn dập ập đến làng Khê trong cùng một buổi chiều tối khiến không một nhà nào ăn trọn vẹn được bữa cơm. Tiếng khóc gào ai oán, thê lương khiến không khí vốn được thấm đẫm thứ mùi ngòn ngọt, hăng hăng của cói cũng trở nên nặng trĩu. Có dè bỉu, có chê cười, có mỉa mai nhưng râm ran khắp làng Khê vẫn là những tiếng thở dài thương cảm thay cho nhà thím Thương và nhà bà Dần. Dù sao thì người cũng đã chết rồi.
Suốt mấy ngày sau đó, tiếng kèn trống đám ma và tiếng khóc tang thương gần như không lúc nào ngừng nghỉ. Tranh thủ lúc bên nhà thím Thương chưa có việc gì cần đến mình, Ngôn sang nhà Trường viếng gã với tư cách bạn đồng niên. Đứng trước linh sàng, nhìn đôi mắt gườm gườm đáng ghét của gã trong tấm ảnh thờ, anh chợt thấy ngỡ ngàng. Lúc tức giận, anh thực sự muốn đánh chết Trường nhưng khi biết gã đã chết một cách tức tưởi trong biển lửa, anh lại thấy vừa bức bối, vừa đè nén, có chút hả hê nhưng nhiều hơn lại là đau xót. Anh không biết nên gọi tên cảm giác trong lòng mình lúc này là gì.
“Đi thanh thản!” Cuối cùng, Ngôn nói vu vơ một câu trước khi quay gót ra về.
Một đêm sau khi làm xong lễ cúng ba ngày của Thiết, Ngôn dỗ em gái đi ngủ rồi thẫn thờ ngồi tựa vào cây cột ngoài hiên nhà, ngửa đầu nhìn bầu trời đêm thăm thẳm. Chẳng biết em gái anh có còn oán hận kẻ đã chà đạp lên mình hay không. Chẳng biết em gái anh có cảm nhận được là kẻ chà đạp lên mình và cả kẻ đứng sau giật dây cho trò khốn nạn ấy đều đã nằm im trong đất trong cùng một ngày rồi không. Anh thở dài phiền muộn.
Lúc muốn đóng cửa đi ngủ, Ngôn chợt nhìn thấy cái bao đựng tấm chiếu mà anh em anh dệt đến hai mùa cói vẫn còn dang dở. Ngày ấy, anh đau đớn thu tấm chiếu dang dở với dây đay đứt đoạn định vứt đi nhưng rồi lại không nỡ nên cuộn gọn gàng, nhét vào bao buộc kín rồi cất kỹ đi để khỏi vô tình nhìn thấy. Anh vốn đã gác cái bao lên tận trên cao mà không hiểu sao lúc này nó lại ở sau cửa nhà ngang. Có lẽ mấy hôm bận lo việc cho Thiết, ai đó sang lục tìm mượn đồ nên đánh rơi nó xuống rồi vội về nên chẳng kịp vứt nó lên chỗ cũ.
Ngôn ngẫm nghĩ một lát rồi lôi cái chiếu ra. Anh vuốt ve, nhìn ngắm thêm một lần nữa rồi mang ra ngoài ngõ sau đó dứt khoát châm lửa đốt chiếu đi. Trong bóng đêm, ngọn lửa màu vàng cam bắt vào lá chiếu cháy bùng lên, chẳng mấy chốc đã chỉ còn lại một nhúm tro tàn. Một cơn gió đêm từ đâu chợt thổi đến cuốn đám tro bay tán loạn. Dưới đất chỉ còn một mảng ám khói đen cho thấy ở nơi này đã từng có thứ gì đó hoá thân thành ngọn lửa nóng rực. Vài ngày nữa, khi trời có mưa thì có lẽ mảng ám khói đen đó cũng sẽ bị rửa trôi đi hết.
Chuyện qua rồi thì để nó qua đi, để nó biến thành tàn tro cùng ngọn lửa, để nó mục nát dưới những lớp đất sâu đi bởi suy cho cùng, chẳng một ai có thể ôm khư khư những chuyện đã qua mà sống. Ai rồi cũng phải đi về phía trước, phải nhìn về phía mặt trời để những tối tăm, u ám đều phải ở lại đằng sau cùng những chuyện đã qua.
Bình luận
Chưa có bình luận